Già ơi...

 

Hà Lê 

 

Mới ngày nào cách nay hơn hai chục năm, lần đầu tiên về Việt Nam, gặp mấy đứa bé cháu chắt, thấy chúng chạy ra khoanh tay chào "thưa bà...." ngượng ơi là ngượng, mình còn trẻ măng. Dần dà nghe cũng quen tai, chỉ là xưng hô theo vai vế. Rồi nghe vài người quen nói loáng thoáng tổ chức sinh nhật lục tuần thất tuần, giật thót mình. Ôi dào, cũng còn lâu lắm, lo gì. Mà hình như người ta ngày càng trẻ hơn, chung quanh mình cũng bao nhiêu cái lục, thất tuần qua từ thời xa lắc mà vẫn tươi roi rói như hoa xuân mới nở. Chắc đến ngày ấy mình cũng thế, chưa đến nỗi ...Cụ, hy vọng như thế đi.

Ngày bé cứ nhong nhóng chờ Tết đến, cái gì cũng mới, nhà cửa mới mẻ sạch sẽ hơn, mặc quần áo mới, đồ ăn ngon, quan trọng là bao lì xì mới tinh trong ruột thơm phức mùi tiền mới, tuổi mới càng vui, thấy mình oai hơn những đứa nhóc bé xíu. Chờ dài cổ mới đến năm mới, nó qua cái ào rồi lại mỏi mòn chờ nữa....

Giờ thì không chờ cũng chẳng đợi, đang sửa soạn "Tống cựu" để "Nghinh tân" đã phập phồng đếm ngày cho lần "Tống cựu" kế tiếp.

Vừa thấy Tết rồi lại đến Tết, qua cứ vùn vụt như gió thổi tên bay, càng mong thời gian chầm chậm thì thời gian cong đuôi chạy càng nhanh, như đang trên đường đua để giành chiến thắng. Vậy chứ thuở đó có ai bảo đừng mơ làm người lớn, cứ hồn nhiên vô tư với tuổi học trò, tuổi ô mai xí mụi gì gì..... đó thì ngúng nguẩy, càng điệu bộ làm ra vẻ mình đã là người lớn.

Rồi lúc bước vào cái tuổi mà ông chính phủ Canada cưng chiều, mỗi tháng phát cho tí tiền để phụ thêm chợ búa cơm nước, ông bà mình hay gọi là tiền ăn trầu, trong lòng tôi (và tôi chắc cũng nhiều người có cùng tâm trạng) vui buồn lẫn lộn. Vui vì tự nhiên hàng tháng rủng rỉnh có tiền, cứ như từ trên trời rơi xuống. Buồn vì chân mình đã bước qua ngưỡng cửa mà các em nhỏ choai choai, thanh niên gặp là cúi đầu "chào bác", hiếm hoi lắm mới được nghe lọt lỗ tai hai chữ "chào cô".

Hồi xưa hay nghe Ba tôi bảo hôm nay đi hội Rồng vàng, ngày nọ hội Cao niên, hội Người già.... Về nhà Ba kể chuyện lung tung, gặp gỡ các ông bà cụ, tôi cứ hình dung trong đầu các bô lão tay chống gậy, lưng còng, răng rụng..... Từ mấy năm nay, nếu buồn tình, tôi đã đủ danh chánh ngôn thuận bước vào các hội đoàn mà Bà tôi đã từng đi.... tôi cũng được các ông các bà trong hội đi chơi về kể với con cháu, rằng thì là trong hội có một cụ bà mới gia nhập..... , cụ Dung! Trời, nghe mà rùng mình mẩy, ớn thật đó chứ.

Bây giờ còn được đi xe buýt, xe điện ngầm miễn phí nữa. Lên xe chỉ cần chìa cái thẻ tuổi vàng, có hình ảnh cẩn thận là được đi ngao du khắp mọi tuyến đường trong thành phố của đảo Montréal, thẻ này chỉ lợi cho những người có chân đi như Ba tôi chẳng hạn, chứ ngồi ì ở nhà thì chỉ phụ lòng hãng xe buýt thôi.

Càng đi nhiều càng có lợi, lợi cho tuổi già còn năng hoạt động, chân cẳng cơ bắp được dẻo dai, lợi cho ông xe buýt đỡ phải buồn chán vì vắng khách, lợi cho môi trường vì các cụ không phải động một tí là trèo lên xe hơi, nghêu ngao thả khói bụi xe mù mịt khắp đường phố, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, làm người công dân tốt......

Nói chung có lợi nhiều lắm lắm.... Cả những người buôn bán cũng được hưởng lợi ké nữa. Các cụ dư dả tiền bạc, lại rong rong đi chơi một mình, chẳng bị ai ngăn cản nên thấy gì ưng mắt cũng tha về, chất đầy nhà, làm nơi tồn kho cho các cửa hàng. Chỉ tội cho đám con cháu, để lâu ngày chờ các cụ quên béng lại rình rình làm một cuộc tảo thanh, bưng đi cho các hội từ thiện, cho người nghèo.... Đôi khi cũng tổ trác, các cụ phát hiện bị mất đồ la toáng lên, thế là đám con cháu chối bay chối biến. Rồi đâu cũng vào đó, vài ngày sau, hàng tồn kho trong nhà lại đầy trở lại. Nghĩ cho cùng, các cụ cũng đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế lắm chứ.

Thế là thỉnh thoảng tôi cũng tỡn lên đi chơi bằng xe buýt. Lúc thì nghêu ngao lên phố, lúc đi mua bánh mì, đi uốn tóc.... Lần đi xa nhất là Sainte-Anne-de-Bellevue, có bác tài xế đưa đón đến tận nơi, về tận cửa (nói thế chứ cũng phải đi bộ khoảng năm chục mét mới đến nhà), còn gì sướng bằng. Đi có lúc mưa lúc nắng nhưng mà vui ra phết, vì được đi chơi miễn phí, không phải lái xe, không tốn tiền xăng nhớt.

Ngồi trên xe, nhìn người lên kẻ xuống, có người thong thả nhàn rỗi, cũng có người hấp tấp, đi ngược chạy xuôi để bắt cho kịp chuyến xe sau. Có người tay xách nách mang, lại còn dắt díu một vài đứa con nhỏ. Có những ông bà cụ già, chậm rãi lê từng bước chân mệt nhọc, mà vẫn chịu khó đứng xếp hàng đợi xe dưới trời nắng nóng, hoặc run rẩy trong cái giá buốt của mùa đông. Cạnh đó, cũng không thiếu những cặp nam thanh nữ lịch, tay trong tay, gương mặt, ánh mắt tràn đầy hạnh phúc.

Và trên các phương tiện công cộng này, tôi mường tượng lại cảnh Ba tôi ngày trước, ngao du khắp phố phường bằng xe buýt, xe điện, đi để giết thời gian trong lúc con cái đi làm. Giờ tan học, từng đoàn học sinh túa lên xe như bầy ong vỡ tổ, cười nói huyên thuyên sau một ngày dài trong lớp học. Kỷ niệm ùa về, tôi tìm thấy đâu đó một vài hình ảnh của chính mình thuở nhỏ, những buổi trưa tan trường, đứng lóng ngóng chờ đợi chuyến xe lam. Tôi chợt nhớ đến bài thơ đã đọc của tác giả Thuỷ Tiên.

Cho tôi về tuổi thơ

Cho tôi một vé đến ngày thơ
Về bến sông xưa nước vẫn chờ
Trâu nghé đằm mình trong nắng gắt
Bạn bè nghịch tắm giữa ban trưa.

Cho tôi một vé đến ngày xưa
Tím biếc lưng đồi cánh hoa mua
Cài tóc em làm cô dâu nhỏ
Hoàng hôn đổ tím để ai chờ.

Tôi muốn quay về tuổi ấu thơ
Chiều nao gió bão cuộn bất ngờ
Trẻ con ngốc nghếch nên vui sướng
Thoả thích gom về trái rụng xơ.

Cho tôi một vé đến ngôi trường
Thầy cô dạy dỗ viết yêu thương
Bạn tôi áo trắng tung tăng bước
Chỉ có niềm vui chẳng nỗi buồn.

Cho tôi được tới cánh đồng xa
Vi vút diều bay tiếng sáo hoà
Ngõ nhỏ chờ trông giờ họp chợ
Mẹ về tay xách bánh vừng đa.

Tôi muốn quay về tuổi thơ tôi
Rừng xanh mây biếc lặng lờ trôi
Bóng ai thấp thoáng bên sườn dốc
Có phải đã về bà ngoại ơi!

Tôi muốn được về hỡi tuổi thơ
Cười vui nghịch ngợm thuở khù khờ
Tiếng ai trong vắt ngoài kia thế
Gọi nhớ quay về ơi tuổi thơ!

 

Hà Lê


Joomla Hosting and Maintenance by Cybersalt

Copyright © 2014-2024. VietVancouver, All rights reserved