Liếc nhìn đồng hồ: 12 giờ trưa, tôi đưa tay bấm cho chiếc máy vi tính tạm "ngủ", rồi thong thả ra khỏi phòng, đi xuống cafeteria, không phải để ăn, mà để tham gia công tác từ thiện. Nâu nâu thì cũng nòng chợt từ bi bất ngờ!

          Qua khung cửa sổ, hàng cây bên ngoài tuyết phủ trắng xóa, nhưng vẫn còn ít lá vàng cố bám víu trên những cành gầy guộc, như để níu lại mùa thu. Hôm nay, cafeteria đã được dọn sạch sẽ, từng dãy bàn được kê sát vào tường trên đó bày đầy nào là đồ chơi, nào là sách vở, bút mực, kể cả xe đạp, ô tô điều khiển từ xa, telephone, máy tính, ôi thôi hằm bà lằng, đủ kiểu đủ màu.

Giữa phòng, bốn chiếc bàn được đặt liền nhau thành một hình vuông lớn, ở giữa bày đầy băng keo, giấy hoa và dây màu đủ loại. Đó sẽ là nơi mà tôi đã ghi danh đóng góp vào công tác: gói quà. Tôi thích cái màn này nhất nên năm nào cũng tham gia, ở nhà cũng thế, ra sở cũng thế, mọi người vẫn khen tôi có mắt mỹ thuật, một chút giấy màu, một chiếc nơ xinh, vài sợi dây lả lơi thả lỏng, tôi có thể biến một món quà đơn sơ thành một gói quà xinh đẹp, trang trọng cho người nhận. Cho nên năm nào tôi cũng được mời vào cái "khâu" này. Đã 15 năm! Mười lăm năm ấy biết bao nhiêu tình! Tình của tôi, tâm tư của tôi để vào những gói quà mà trước đó, các bạn đồng nghiệp khác đã đi thu góp tiền nong, đi thu nhặt danh sách những gia đình khốn khó, tìm nhu cầu của từng trẻ em trong những gia đình đó, và đi tìm mua những món quà hữu dụng, hay những món đồ chơi thực hiện giấc mơ của các em gửi gấm qua những tấm thiệp, tô đủ màu sắc mà các em đã chân thành bày tỏ gửi đến Cha Noël, do cha mẹ của các em kín đáo chuyển đến theo lời yêu cầu của chúng tôi. Thay vì đi mua những món quà tào lao, có thể không hợp với nhu cầu hay sở thích của các em, thì tại sao lại không thực hiện những giấc mơ của các em? Có lần tôi đã từng bày tỏ, sao không mua những gì thực dụng nhất cho các em, như sách vở, áo ấm, găng mũ, v.v… thì một số đồng nghiệp trả lời cũng có đấy chứ, nhưng bên cạnh đó, các em cũng cần có những giấc mơ! Do đó năm nay, đề tài mà chúng tôi nhờ các bậc cha mẹ gợi ý cho các em viết cho Cha Noël là "My Dream".

          Vừa suy nghĩ, tay tôi vừa đo vừa cắt từng tấm giấy màu, tôi đắn đo, chọn lựa những chiếc nơ bàng bạc, vàng ươm hay đỏ thắm, ướm vào từng màu giấy, màu dây buộc, cái này đi với cái kia. Xong, tự tay gói ghém từng gói quà trang nhã. Con búp bê này ư? Hồi nhỏ chúng tôi chỉ có những con búp bê đơn sơ là đã thích mê tơi rồi, làm gì có búp bê xinh đẹp thế này, mắt xanh biêng biếc, tóc vàng óng ả, tôi đặt búp bê nằm xuống bàn, đôi hàng lông mi khép lại hững hờ trông thật dễ thương. Còn cái bình sữa tí hon này nữa, ôi! Thử nhé, tôi đặt nhẹ vào đôi môi chúm chím của búp bê, wow, cái miệng chúm chím chụm lại thành tiếng mút "chút chít, chút chít" nho nhỏ. Trời, bé Na ở Việt Nam mà có con búp bê này thì thích phải biết. Nghĩ đến đấy, lòng tôi quặn lại, nhớ đến đám cháu còn sống trong cảnh thiếu thốn ở quê nhà. Tiếng một cô đầm kêu lên làm tôi tỉnh giấc:

- Oh! Madam. Bà bỏ việc xuống đây chơi búp bê à?

Cả bọn cười rầm lên. Tôi quê quá xá, rút chai sữa ra, xếp ngay ngắn trở vào hộp, rồi bắt đầu công việc gói ghém. Chiếc ô tô này, chồng sách vở, bút mực này.

Ah! Cái xe đạp này mới là vấn đề đây, nó cao nhòng, lại nặng chình chịch thế này, giấy nào gói cho vừa? Tôi đành lấy dây, chụm nhiều màu lại với nhau rồi buộc lên hai bên ghi đông, lấy chiếc kéo nhỏ, vuốt từng sợi dây cho cong cong lại, mầu nọ quyện vào mầu kia, đẹp mắt. Cả bọn đang loay hoay cắt cắt, gói gói ở đầu bàn bên kia ngừng lại vỗ tay khen đẹp. Chưa hết, tôi lấy vài sợi dây màu bạc thật mỏng, buộc nhẹ vào những nan xe rồi nhờ một ông Tây cao lớn nâng phía sau của chiếc xe lên, quay tít bánh xe, những sợi dây bạc theo vòng quay tỏa ánh sáng chói lòa! Lại một tràng pháo tay vang dậy. Tôi hài lòng, thả chiếc xe xuống, làm tiếp vào bánh xe phía trước, rồi lại tiếp tục tìm một phần quà khác để gói.

Í chà, cái em này mới là xí xọn, mới 14 tuổi, mơ được một hộp mỹ phẩm để trang điểm! Con cái nhà ai mà đỏm đáng thế không biết. Nhưng tôi cũng vui vui gói ghém phần quà cho em, thêm một ít sách vở, bút mực, chắc hẳn là để nhắc nhở em, tuy làm điệu nhưng cũng đừng quên học hành! May là các em cũng biết điều, chưa có em nào cả gan xin Cha Noël một cái iPad!

Đến một phần quà khác, một em gái 8 tuổi. Một bộ quần áo mùa đông màu hồng nhạt, chiếc khăn quàng cổ trắng có điểm bông xanh nhạt, và chiếc mũ len cùng màu với khăn quàng. Chỉ có thế, và một chiếc phong bì trắng vuông vức. Tôi thắc mắc:

          - Ủa! Phong bì gì thế này?

          Tưởng ai bỏ lộn chiếc phong bì gì vào phần quà, tôi mở ra xem thử. Một gift certificate cho một phần ăn tối tại một nhà hàng Tàu: tiệm Benny! Tôi thốt lên:

          - Giời ạ! Con nít 8 tuổi không cho nó đồ chơi mà lại cho đi ăn tiệm Tàu là thế nào? Con Tây mà bắt đi ăn đồ Chệt?

Một bà nhân viên khá lớn tuổi nhẹ nhàng bảo tôi:

          - Bà coi thư nó gửi cho Cha Noël đi thì sẽ rõ. Không phải tụi tôi mua đại đâu.

          Bà đi lại phía bức tường trước mặt, nhẹ tay gỡ một tấm thiệp vẽ tay dán trên đó, rồi quay lại bàn đưa cho tôi. Có gì trong tấm thiệp đó làm mắt tôi cay cay:

          "Cha Noël kính yêu của con. Con là Adèle, 8 tuổi. Con ở với mẹ con, với một anh, và một em trai. Con không có Ba.

Cha Noël ơi, năm nay con cố gắng học nhiều nhiều lắm nên đã được 89 điểm trung bình. Mẹ con bảo con viết "My Dream" gửi Cha Noël thì Cha sẽ cho con được toại nguyện. Cha ơi! Con mơ nhiều lắm. Con mơ cho mẹ của con bớt vất vả, mẹ làm lụng nhiều lắm mới đủ nuôi ba anh em chúng con. Con mơ cho anh của con học giỏi hơn, năm ngoái anh bị rớt môn toán. Con cũng mơ cho em con ngoan và nghe lời mẹ. Tháng trước em đánh lộn ở trường, thầy hiệu trưởng gọi mẹ đến quở trách, về nhà mẹ khóc! Con thương mẹ mà không biết làm gì?

Bây giờ đến phần con. Cha ơi! Giấc mơ của con là được một lần vào ăn buffet ở chinese restaurant Benny. Bạn con nói ăn ở đó ngon lắm, có nhiều đồ ăn lắm cho mình được tự do chọn, muốn ăn bao nhiêu cũng được, nhưng con chưa bao giờ được vào. Con không dám hỏi xin mẹ vì con biết ăn ở những chỗ "sang trọng" đó mắc tiền lắm, mẹ không có tiền đâu. Con van xin Cha. Cha cho con Cha nhé!..."

          Tôi không dám đọc tiếp. Buffet Benny! Cái tên tiệm này cũng gợi trong tôi bao kỷ niệm. Rồi lại lan man nghĩ đến mấy đứa con hư ở nhà, bữa ăn nào đưa gì ra cũng õng ẹo, ỉ ôi, tôi phát chán. Những gì có dễ dàng thì chúng coi thường, những gì mình cho là tầm thường thì có thể lại là giấc mơ của kẻ khác.

          Tôi ngậm ngùi để tấm thiệp nằm ngay ngắn giữa gói quà, rồi cẩn thận gói ghém, cột nơ. Sau hơn một tiếng đồng hồ 40 phần quà lớn nhỏ đã được gói ghém đề tên tuổi xong. Bây giờ đến lượt bốc thăm phân phát xem ai sẽ đem quà đến nhà nào. Một bà cầm chiếc nón đựng 40 cái tên và địa chỉ trong đó, xóc xóc lên rồi đi một vòng cho mọi người bốc thăm. Như là một phép lạ, như một định mệnh, tôi bốc trúng phần quà do chính tay tôi gói, trong đó có tấm gift certificate ăn buffet ở tiệm Benny! Tôi vừa vui lẫn bồi hồi, cầm tờ giấy địa chỉ trong tay, trở lên phòng làm việc. Xong một buổi trưa mệt và đói, nhưng vui.

…………….        

          Tôi tìm đến địa chỉ nhà em bé đó không khó. Một khu gia cư nghèo và không được sạch sẽ cho lắm. Nhà em ở tầng thứ ba, không có thang máy. Tôi đã cố tình ăn mặc thật đơn sơ, mà vẫn thấy ái ngại trong khung cảnh này. Ì ạch leo lên, tôi nhìn kỹ số phòng rồi gõ nhẹ cửa. Đã được điện thoại trước, nên mọi người trong nhà reo ầm lên. Bà mẹ thò đầu ra mở cửa mời tôi vào, ba đứa nhỏ thập thò nơi cửa phòng. Tôi nhận ra ngay "nhân vật" chính, nhân vật mà tôi sẽ phải trao quà, vì chỉ có mình em là con gái. Tất cả đều ăn mặc tươm tất, sạch sẽ vì đã được báo trước. Tôi gật đầu chào tất cả và tự giới thiệu:

          - Tôi là người được Cha Noël nhờ đem quà đến cho em, vì mùa này Cha phải đi nhiều nơi lắm, không thể đến từng nhà được.

          Niềm vui hiện lên trong đôi mắt long lanh đẹp của đứa bé gái. Em ôm gói quà trong tay, thấy gói quà lớn, em phân vân:

          - Con đâu có xin Cha Noël cho con nhiều như thế này?

          Tôi cười, nhìn sang bà mẹ:

          - Cha thấy con học giỏi nên cho nhiều quà. Nếu sang năm con học giỏi hơn, Cha cũng sẽ cho nhiều quà khác nữa.

          Em băn khoăn:

          - Con có xin Cha một thứ…

          Tôi hiểu ý, nhẹ nhàng bảo em:

          - Cha Noël không quên ai. Con có thể mở ra xem.

          Chỉ chờ có thế, em nhìn mẹ, rồi nhanh tay tháo chiếc nơ hồng, và mở gói quà. Trước mắt em, bộ quần áo tuyết mới tinh, như tương phản với đồ đạc, bàn ghế trong căn phòng thiếu ánh sáng. Em ôm lấy mẹ, sung sướng:

          - Mẹ, đẹp quá mẹ! Như thế năm nay con không cần sang xin quần áo tuyết bên nhà thờ nữa mẹ.

          Tôi nhìn được những giọt lệ long lanh trong ánh mắt biết ơn của bà mẹ nghèo khổ.

          Em mân mê chiếc phong bì trên tay rồi ngập ngừng hỏi tôi:

          - Con mở ra xem được không?

          Tôi gật đầu, tưởng tượng rằng em sẽ sung sướng thét lên khi nhìn thấy tấm certificate đi ăn tiệm Tàu. Nhưng không! Có gì đó làm em bối rối. Một giây sau, em ngập ngừng, hai tay đưa mẹ:

          - Mẹ! Đây là quà Giáng sinh của con tặng mẹ. Con đã được Cha Noël cho nhiều thứ rồi.

          Tôi sững sờ không thốt nên lời. Bà mẹ cảm động, vuốt tóc con gái:

          - Cha Noël cho con vì con học giỏi. Con đáng được Cha thưởng.

          - Nếu vậy, con sẽ cho em Pascal, từ nhỏ đến giờ em chưa được đi ăn tiệm bao giờ. Con thì đã được đi ăn tiệm một lần khi cha còn sống.

          Chiếc thiệp cứ được chuyền qua chuyền lại hết người nọ đến người kia trước sự sửng sốt của tôi. Thì ra, ngoài tinh thần hiếu học, em còn là một đứa trẻ rất hiếu thảo và ngoan ngoãn. Tôi thầm nghĩ "ngày nào đó nếu một trong ba đứa con mình mà nghĩ đến chuyện đưa mẹ đi ăn buffet Tàu thì chắc tôi cũng ngậm cười mà ra đi nơi chín suối!"

          Một ý nghĩ vừa thoáng qua đầu, tôi nói ngay như sợ ai nói mất:

          - Thôi, quí vị đừng đẩy qua đẩy lại tấm thiệp như thế, sẽ rách mất thì hết ăn. Thế này nhé, tối mai tôi ghé lại, mời cả nhà đi ăn buffet.

          Hai đứa bé trai nhảy tững lên, khiến bà mẹ phải trừng mắt:

          - Tụi bay có bớt ồn không nào. Không sợ madam cười cho!

          Tôi cười từ giã. Mùa Giáng sinh ấy tôi vui. Thì ra làm được điều gì cho ai thì người vui nhất không phải là người nhận mà là chính mình. Bữa ăn đầy tiếng cười, đầy tình thương và hạnh phúc với những người xa lạ đã giúp tôi hiểu thêm một cảnh đời, giúp tôi có một mùa Giáng sinh đáng ghi nhớ.

…………….

          Thời gian qua, lại một Noël nữa, mấy mùa Giáng sinh rồi… tôi bù đầu với sách vở, thu nhặt chồng bài thi sửa soạn ra khỏi phòng thì một em sinh viên ngập ngừng đến xin hỏi chuyện. Tôi gật đầu vui vẻ. Em ngập ngừng:

          - Thưa madam, Giáng sinh sắp đến rồi, em có món quà nhỏ, mong madam nhận lời em…

          Tôi ngạc nhiên lắm, ở xứ này, những vụ quà cáp cho thầy cô ít xảy ra, nhưng nhìn vẻ thành khẩn của em, tôi không biết phải nói sao, thì em đã nói tiếp:

          - Em mời cô đi dùng cơm tối mai tại một tiệm Tàu.

          Em đưa tôi tấm danh thiếp có in địa chỉ của tiệm ăn đó. Tôi đang định tìm cớ gì để thoái thác. Tôi nghĩ bụng: "chắc em này thấy mặt tôi Mít quá nên cho rằng tôi chỉ biết ăn đồ Chệt, là thứ mà tôi sợ nhất", hay nghĩ xa hơn nữa, tôi sợ nhất cái cảnh "há miệng mắc quai", lỡ ăn no bụng rồi mà cô nàng ỉ ôi xin điểm thì bỏ xừ. Nhưng em lại nài nỉ:

          - Em được điểm cao nhất trong kỳ thi midterm vừa rồi trong môn của cô. Cô cho phép em mời cô, coi như cô thưởng cho em. Cô nhé!

          Ah! Tôi nhớ ra rồi, chính tôi đã đề nghị cả lớp vỗ tay cho cô học trò này khi tôi trao lại bài thi midterm cho cả lớp. Sự lo lắng trong lòng tôi vơi đi nhiều, tôi nói:

          - Tôi ăn uống thanh đạm lắm. Cơm Tàu mỡ màng không thích hợp cho tôi, cám ơn em.

          - Tiệm đó có rất nhiều món ăn cho madam lựa chọn. Em chắc chắn madam sẽ hài lòng.

          Không làm sao hơn, tôi đành gật đầu nhận lời.

          Hôm sau, đến trước cửa tiệm, em đã đứng sẵn đó chờ. Khi đưa tôi vào bàn thì tôi đã hiểu ngay lý do tại sao em hết lòng nài nỉ mời tôi đi ăn bữa ăn Giáng sinh, mà lại nhất định phải là tiệm Tàu này. Mười mấy năm trời, sau bao lần đổi chủ, căn tiệm Buffet Benny xưa kia đã khang trang đẹp đẽ hơn nhiều. Nơi chiếc bàn cách đây 12 năm tôi đã cùng gia đình em ăn tối, bà mẹ và hai thanh niên trẻ, có lẽ là anh và em trai của cô gái đã đứng lên thân mật chào tôi. Không cần em giới thiệu, tôi nói ngay cho biết tôi đã nhận ra em là ai:

          - Chào bà. Chào các em. Tôi không bao giờ ngờ còn gặp lại em Adèle và cả gia đình, cũng trong khung cảnh Giáng sinh tưng bừng này.

          Bà mẹ đáp lời:

          - Cách đây mấy hôm, Adèle ngỏ ý này, gia đình chúng tôi hết sức mừng rỡ, và chính tôi đã đề nghị điện thoại đến tiệm giữ đúng chiếc bàn này, chiếc bàn ngày xưa đã cùng ngồi đây ăn với madam.

          Tôi cảm động:

          - Thế mà Adèle không hề cho tôi biết gì suốt cả khóa học vừa qua.

          Cô gái nhìn tôi cười:

          - Em thì em nhận ra cô ngay từ buổi đầu tiên vào lớp. Cô không thay đổi, ít ra là trong tim em, cô chưa bao giờ thay đổi. Hình ảnh của người "đại diện Cha Noël" suốt 12 năm qua, em chưa từng quên. Cô đã đem đến cho gia đình em một Noël vui vẻ nhất trong thời thơ dại nghèo khó của chúng em. Bây giờ chúng em đã có thể tự mua cho mình và cho mẹ những bữa ăn ngon, nhưng bữa ăn ngon nhất trong đời chúng em vẫn là bữa ăn của mùa Giáng sinh xa xưa ấy.

          Tôi cảm động cầm tay em, đưa mắt xa xôi nhìn ra ngoài trời tuyết bụi:

          - Em có biết, cũng nơi này, hơn 30 năm về trước, tôi cũng đã từng có một bữa cơm Tàu ngon nhất trong đời, khi được một gia đình bảo trợ đưa cả nhóm hơn mười người tị nạn chúng tôi đến đây ăn cơm Tàu sau cả tháng trời chỉ gặm bánh mì và bơ sữa trên đảo tị nạn và trong khách sạn trong những ngày đầu đặt chân đến Canada. Đó cũng là bữa ăn ngon nhất trong đời tôi, nhận từ bàn tay nhân ái của những người bản xứ, đã mở rộng lòng từ tâm đón nhận chúng tôi đến quê hương này. Chỉ khác với em là tôi đã không bao giờ có cơ hội mời lại gia đình bảo trợ đó đến đây để tỏ lòng biết ơn, vì hơn 30 năm đổi dời, vật lộn với sách vở học hành, với gia đình, với cơm áo, chính tôi cũng không biết những người ân nhân ấy hồn ở đâu bây giờ?

Hải Phong


Joomla Hosting and Maintenance by Cybersalt

Copyright © 2014-2024. VietVancouver, All rights reserved