Hà Lê

 

Gì mà lạnh muốn chết, không muốn nhúc nhích, mà ngồi ì ra càng lạnh hơn. Đi ủi quần áo cho nó ấm người. Vừa cắm điện, chuông reng.

Tiếng cô bạn nheo nhéo đầu bên kia:
- Hồi nhỏ mình đọc sách truyện tuổi hoa, bắt đầu từ hoa gì chị?
- Hoa đỏ, hoa xanh rồi hoa tím.
- Sau hoa tím thì mình đọc hoa gì?

Trời, có giả khờ không đây? Hay là bắt đầu Alzheimer rồi ta. Tức cái mình, nói qua điện thoại không thấy được mặt bạn mình thế nào, đang tưng tửng hay đờ đẫn. Tôi ỡm ờ:
- Đọc qua báo.
- Ủa,  báo ngày nào chả đọc tin tức, sao không đọc truyện nữa?
- Đọc báo mới có mục gỡ rối tơ lòng.
- Sao vậy, tại sao phải đọc mục gỡ rối tơ lòng?
- Tại vì đọc hoa tím rồi thì bắt đầu mơ mơ màng màng, tưởng đâu đó có hai ba chàng lảng vảng trước cổng trường, chàng nào cũng chằm chằm nhìn mình. Có lúc ở trên mây, lơ lơ lửng lửng, té xuống đất cái bịch thì kiếm người gỡ rối tơ lòng.

Đầu dây bên kia nhỏ bạn rú lên cười hinh hích:
- Miệng lưỡi vẫn lẹ làng lắm.
- Hôm nay mắc chứng gì mà gọi qua nói vớ vẩn thế?
- À, hồi tối ghé thăm bác Gú Gồ, thấy có sách tuổi hoa trước 75, tính phone qua phá mà không ngờ mồm miệng chị cứ leo lẻo.
- Đừng lo, đầu chị còn tỉnh táo, vẫn điều khiển dây thần kinh nói trơn tru như thuở hai mươi.
- Không, thuở ba mươi, lúc hai mươi chị còn hiền khô hà.
- Tại qua đây chị trồng ớt nhiều, ăn quá xá chừng nên lột lưỡi. Rồi sách tuổi hoa liên quan gì mà phải nhớ bà chị này.
- Gần Tết tự nhiên nhớ chị.
- Già rồi, đừng mè nheo lì xì.
- Em nhớ Tết chị làm hoa giấy cho tụi em bán, đắt như tôm tươi.

Tự nhiên được tặng cái vé xe đò chạy giật lùi cho mình quay về tuổi hai mươi ( hơn hai mươi chút xíu ). Cả đám học  trò, từ Sài Gòn về Biên Hoà làm việc. Lúc đầu khoảng hơn chục đứa, rơi rụng từ từ còn tám mạng. Ngày ngày theo xe xí nghiệp đi từ Phú Nhuận lên Biên Hoà.

Đường xa vạn dặm, lên đến nơi nhởn nhơ ăn sáng. Đến giờ làm việc, khoác vào mình chiếc áo blouse trắng, không phải đi làm bác sỹ đâu, làm phòng Hoá  thôi. Trung tâm vừa xây xong, công việc chưa ổn định, một ngày có việc mười ngày ngồi ngáp ruồi.

Suốt ngày quanh quẩn trong mấy gian phòng nhỏ bé, hết ngồi trên ghế lại tuột xuống dưới sàn cho mát. Vợ chồng ông Thầy kiêm luôn chức trưởng và phó phòng, nhìn ngứa mắt, bắt cả lũ lấy tập vở ra ôn bài hoặc lôi hoá chất ra thực tập. Ông Thầy chạy qua khu xí nghiệp làm thêm bên phòng kỹ thuật cho đỡ chán, sai bà Cô ngồi trông chừng đám học trò lớn tồng ngồng trên hai mươi tuổi như chăn bầy con nít.

Thỉnh thoảng ông Thầy chạy về xem lũ học trò làm trò trống gì. Xa xa thấy mấy đứa hí hoáy ghi ghi chép chép, đến gần mới hay đứa viết thơ cho Ba Má dưới quê, đứa làm thơ tặng bồ chưa cua được, đứa soạn bài sẵn để chiều về xách xe đạp đi dạy kèm tư gia.... . Sách vở giăng đầy trên bàn che mắt thế gian!

Bà Cô ngồi riết chán quá, trốn qua bên phòng y tế tán dóc với cô y tá. Ông Thầy thông cảm cho đám học trò, học mãi chữ nghĩa cũng mòn nên thay vì bắt ê a trong phòng thì cho ra ngoài hít thở không khí trong lành. Chung quanh khuôn viên phòng làm việc toàn cỏ lau sậy rậm rạp, cao qua khỏi đầu người.

Công việc mới của phòng Hoá: nhổ cỏ cho thoáng! Không cuốc, không xẻng ... nhổ bằng tay. Khi nào có việc thì miễn lao động.

Buổi chiều xe xí nghiệp đưa về đến đầu ngõ, bước xuống gặp ngay con bạn hàng xóm:
- Ơ, mày đi kinh tế mới hả?
- Tao đi lao động khổ sai nhưng được trả lương.

Được vài tuần thấy đám nhân viên bầm dập xơ xác quá, cỏ cũng chẳng suy suyễn bao nhiêu vì cứ mưa xuống là nó lên vùn vụt, ông Thầy bỏ lơ luôn.
.......


Một hôm tôi nổi hứng vác một hộp đồ nghề làm hoa đi làm, vừa lên được cành hoa tulip thì nhỏ Hằng đề nghị:
- Hay là chị dạy tụi em làm đi.
- Làm bán hả?

Tôi buột miệng nói giỡn, không ngờ nhỏ ta sáng mắt lên:
- Ừ, người quen của em có gian hàng bán Tết, mình đưa thử cho họ bán.

Nghe cũng hay hay, thay vì ngồi buồn tay buồn chân thì kiếm việc làm giết thời gian.

Phòng Hoá lại có việc mới: làm hoa giấy! Ông Thầy bà Cô thấy nhưng làm ngơ, miễn sao lũ ranh con chịu ngồi yên trong phòng, không chạy ra chạy vào để công nhân bên xí nghiệp xầm xì đến tai công ty.

Thế là cuối tuần đó tôi và đám bạn kéo nhau đi mua giấy, keo, kẽm... Chia nhau mỗi đứa xách một thứ đi làm. Trong phòng có một tên con trai cũng biết làm hoa chút đỉnh. Tôi và hắn làm hoa, các bạn khác mỗi người một việc. Chỉ sơ chừng nửa buổi là các bạn đã biết xe cành, cuống lá, dán... Hai tên nữ nhỏ nhất phòng có nhiệm vụ đi giao cho người quen nhờ bán. Tiền lời để đó qua Tết dẫn nhau đi ăn.

Hoa mới giao hai ngày đã thấy hai tên nhỏ thúc hối làm gấp vì hết sạch hoa bán. Gần Tết công ty chả giao việc gì nên tụi tôi cắm cổ làm hoa. Bà Cô thấy vui và lạ mắt nên cũng nhào vô phụ. Cửa phòng Hoá lúc nào cũng đóng chỉ mở cửa sau cho thoáng vì sợ bảo vệ thấy mách ban giám đốc trên công ty vì trung tâm trực thuộc công ty trên Sài Gòn.

Hơn ba tuần lễ mà tụi tôi bán mấy trăm cành tulip. Ngày đập ống dẫn nhau về Sài Gòn ăn mì xào giòn, cả đám dụ khị luôn vợ chồng Thầy Cô đi theo. Nhờ vậy mà sau này ông Thầy bớt nghiêm khắc với đám tụi tôi. Trong lúc vui vẻ, bà Cô hỏi:
- Ai đầu têu cái vụ làm hoa vậy?

Cả đám nhìn tôi nhưng không đứa nào khai, ông Thầy nhanh miệng nói:
- Lại cái Dung phải không?

Vợ chồng ông Thầy ngoài Bắc mới vào nên cứ con gái là thêm chữ cái: cái Dung, cái Huệ.... Tôi đang ú ớ thì ông Thầy lắc đầu nói:
- Nói nhổ cỏ thì chỉ nhổ đủ một khoảng trồng đậu xanh để nấu chè ăn, bảo sao công ty không than phiền phòng Hoá nhong nhỏng chơi. 

Tôi phì cười suýt sặc cả mì:
- Em đã nói với anh chị rồi, hôm đó lãnh nhu yếu phẩm có gói đậu xanh bị đổ, em hốt ném sau hè nó mọc lung tung, thấy tiếc nên em đánh luống trồng.
- Cái Dung biết làm hoa bao giờ?
- Em làm hồi còn đi học.

Bà Cô lại khơi vết thương lòng của tôi về cái nghiệp hoa hoét này. Thời còn học trung học, có một dạo thịnh hành hoa vải. Mỗi khi có dịp đi chợ Sài Gòn thế nào tôi cũng ráng lượn lờ mấy chỗ bán hoa vải để ngắm.

Trong lớp có cô bạn đồng sở thích, hai đứa cùng nhau nhín tiền quà vặt mỗi đứa mua một cái máy ủi hoa. Mua về mở hộp máy ra xem, bao nhiêu cái đầu to nhỏ bằng inox, cái tròn, cái dẹp, cài dài ngoằng, chả hiểu công dụng thế nào. Máy đã có mà chưa đứa nào biết cách làm hoa. Thế mới chết!

Lần nọ hai đứa dắt díu nhau đi xem hoa vải, lôi từng cành hoa lên xem xét tỉ mỉ, mân mê từng cái lá, từng cánh hoa, lật mặt trước, ngó mặt sau, đến nỗi người bán hoa phải gắt lên:
- Hai em có mua hoa không?

Hai đứa giật bắn người lên, luống cuống đáp:
- Dạ.. dạ....có...em có mua, đang xem.
- Xem gì mà kỹ vậy, cành nào không giống cành nào.

Cô bán hoa miệng lẩm bẩm, mắt lườm lườm....hai đứa lấm lét nhìn nhau. Sau cùng mỗi đứa mua một cái hoa khác kiểu. Lúc ra trả tiền, cô bán hàng tính tiền xong gói hai cái hoa lại, cô bạn vội nói:
- Chị gói riêng hai cái hoa dùm tụi em, hai đứa mua riêng.
- Mua một cái hoa mà lựa lâu dữ vậy.

Vừa nói cô vừa thu tiền, mặt quạu đeo, hai đứa cầm hoa ra đường cười rũ. Trong tiệm không nói mà cả hai cùng chung ý tưởng, mua hoa về gỡ banh càng ra hết, rập khuôn làm thử. Hai cành khác nhau là có thể sao y bản chánh hai kiểu. Tôi nhớ mãi hai đóa hoa đầu đời mà tụi tôi làm thí nghiệm là hoa Thủy Tiên và một hoa khác tôi không biết tên, giống như hoa rau muống, màu đỏ, cho leo lên cái mành tre, treo tường cũng xinh xắn lắm. Mầy mò riết tụi tôi cũng làm được nhiều loại hoa, biết sử dụng các đầu máy để ủi cánh hoa, ủi lá.......

Sau biến cố 75, tôi không vào được đại học, trong lúc chờ sang năm thi lại tôi vội đi kiếm việc làm vì sợ ngồi không phường khóm dòm ngó bắt đi thủy lợi, thanh niên xung phong.....may mắn có một chị quen với gia đình, biết tôi thích làm hoa nên chị giới thiệu tôi vào làm tổ hợp hoa vải, chuyên xuất khẩu hoa đi mấy nước anh em gì đó.

Trúng ý quá nên tôi bằng lòng đi làm tạm. Ngày đầu tiên vào gặp bà chủ tổ hợp, bà hỏi tôi:
- Em biết làm gì?
- Em làm được một số loại hoa, ủi hoa, ủi lá, lên cành.....
- Làm từ bao lâu rồi?
- Mấy năm nay rồi chị, lúc còn đi học rảnh rỗi em làm chơi.
- Được rồi, ngày mai em bắt đầu được chưa?

Mừng quá, hôm sau tôi đến làm. Bà chủ dẫn tôi ra giới thiệu với mọi người, xong đưa tôi vài cuộn kẽm to nhỏ đủ loại, lúc thì bảo tôi xe cuống lá, lúc xe cuống hoa, có lúc cắt sẵn những khúc kẽm đường kính hơi to theo chiều dài giống nhau rồi bó lại. Mấy ngày đầu tôi còn hăng hái, nghĩ là bà chủ thử việc xem mình có làm nên trò trống không. Rồi nửa tháng, một tháng, hai tháng trôi qua, công việc nhàm chán lập đi lập lại. 

Tôi làm thuần thục đến nỗi xe cuống hoa cuống lá không cần nhìn cọng kẽm luôn, tay xe cuống mà mắt cứ dõi theo nhóm khác đang lên hoa lên cành. Một thời gian sau tôi được lên cấp cao hơn, thêm việc mới: dán cuống lá cuống hoa vào từng chiếc lá, cánh hoa.....cao hơn tí nữa được làm nhuỵ hoa.

Chán khiếp đảm, xe cuống mình còn liếc ngang liếc dọc học nghề chứ dán lá dán hoa thì nản chết đi được, mắt cứ dán chặt vào từng cái lá, từng cánh hoa bé tí hỉn, dán cho đúng vào sống hoa sống lá, trật ra ngoài bị làm lại....ngày càng nản lòng chiến sĩ. Lần nào có dịp gặp bà chủ tôi cũng ráng nhắc khéo bà tôi biết làm hoa, bà chỉ ừ hữ, gục gặc đầu và tôi vẫn tiếp tục chán!

Nhiều lần tôi định xin nghỉ việc nhưng sợ lông bông Má tôi lại lo nên ráng cầm cự, ngày hai buổi đạp xe đi làm. Nhìn quanh, nấc thang danh vọng của tôi chắc chắn là bò lên chậm lắm, thậm chí không lên được bậc nào nữa vì nhiều chị làm trước tôi vẫn ì ạch ngồi cắt kẽm, đóng hộp, đóng thùng để xuất khẩu.

Buổi sáng nọ, thấy mặt bà chủ nhăn nhó, bực bội, đi tới đi lui ( bình thường bà rất ôn hoà, giận ghét không lộ ra mặt), tôi khều chị bên cạnh thì thầm:
- Mới sáng sớm mà ai đã chọc giận bà chủ vậy?
- Chị Kim xin nghỉ nửa tháng về quê, nhà chị có chuyện, tuần tới phải giao hàng gấp mà không có ai thế chị. Nghe nói gần đây bà chủ còn nhận thêm đơn đặt hàng mà phải giao cùng ngày với đơn hàng cũ.
- Mấy chị lớn không làm thêm giờ được sao?
- Chiều nay mấy chị đó phải thêm giờ nhưng vẫn không kịp vì tháng trước có hai chị bị bịnh nghỉ cả tuần rồi.

Chị Kim là trong nhóm mấy chị lớn làm thợ chính, cành hoa lên đẹp xấu, cân đối hay trông có duyên là do bàn tay khéo léo của mấy chị này. Giờ giải lao tôi bạo gan vào gõ cửa văn phòng bà chủ:
- Em nghe nói chị Kim xin nghỉ về quê.

Bà chủ đang viết lách gì đó, không ngẩng lên nhìn tôi:
- Phải rồi, em có chuyện gì không?

Tôi ngập ngừng:
- Em nghe nói phải giao hàng gấp.
- Ừ.
- Em muốn xin làm thử trong nhóm chị Kim mấy ngày.

Bà chủ hơi nhíu mày ngẩng nhìn tôi một hồi rồi hỏi:
- Em đã lên cành đào bao giờ chưa?

Tôi cũng thật thà khai báo:
- Em chưa làm hoa đào nhưng em nghĩ làm được vì thấy mấy chị làm không khó, chỉ cần mấy chị chỉ một lần em sẽ làm theo được.

Đắn đo một hồi, bà chủ bảo tôi ra kêu chị Hoàng vào, chị là trưởng nhóm của chị Kim:
- Em chỉ cho em này làm và theo dõi kỹ xem có làm được không, báo chị biết.

Chị Hoàng giao cho tôi một mớ cánh hoa, nụ, lá....chị chỉ tôi phân biệt cánh hoa trong và cánh hoa ngoài rồi bảo tôi nhìn theo chị mà làm. Tưởng dễ chứ thật sự cũng không dễ, trước giờ tôi chỉ làm từng cành hoa như hoa Hồng, Thủy Tiên, Uất Kim Hương..... chứ chưa làm loại hoa với nhiều nhánh ngang dọc nên còn hơi lọng cọng. Gần cuối giờ chị Hoàng lên gặp bà chủ báo cáo thành tích của tôi, theo chị vào tôi cũng hơi run, sợ chị không vừa ý tôi lại trở về công việc cũ, vừa làm vừa ngáp.
- Em nó làm cũng khá nhưng chưa quen tay nên hoa còn rời rạc, vài lần nữa chắc giỏi hơn.

Bà chủ gật đầu:
- Ngày mai em theo chị Hoàng làm việc.

Tôi vội vàng xin bà chủ mang một ít hoa lá cành, kìm kéo về nhà tập cho quen, bà bằng lòng. Hết giờ làm việc chị Hoàng soạn cho tôi một mớ hoa, lá, nhuỵ, kẽm....chị không quên đưa tôi cái kìm, cái kéo...Thế là tôi vác một hộp đủ thứ lỉnh kỉnh về nhà.

Tối ăn cơm xong tôi bưng hộp đồ nghề ra tập việc. Hôm nay cúng cô hồn, Má tôi đang sửa soạn mấy mâm bánh trái để bày trên hai cái bàn lớn ngoài sân. Sắp xếp chán chê xong Má tôi quay vào bếp, chợt nhớ ra Má tôi gọi với ra:
- Dung ơi, mở cửa rào ra, cúng cô hồn phải mở cửa người ta mới vào được, rồi vào bưng thêm đồ ra.

Lẹp xẹp ra sân, tiện tay tôi để hộp đồ nghề còn đạy kín lên bàn rồi mở cửa, xong tôi đi vào chờ bưng nốt mâm khoai, mía....để cúng.

Trở ra thì cái bàn trống trơn, bánh trái bị cô hồn sống cuỗm hết, kèm theo cả hộp đồ nghề của tôi. Sợ quá, tôi chạy vội ra đầu ngõ xem có cô hồn nào cầm nhầm cái hộp còn lảng vảng đâu đây nhưng tối nay nhiều nhà cúng nên đám con nít rần rần đầy đường chờ giựt đồ cúng, chả biết ai với ai. 

Thẫn thờ trở về, tôi thầm nghĩ, hèn gì lâu lâu lại nghe bà Tư hàng xóm ong óng chửi mấy đứa hay rình hái trộm trái na, trái ổi nhà bà là “ đồ cô hồn sống, cô hồn các đảng.... “, hôm nay tôi mới biết thế nào là cô hồn sống. Cả đêm trằn trọc không sao ngủ được, sáng dậy mắt cay xè nhưng tôi tự trấn an “chắc không sao, cùng lắm bị trừ tiền lương dần.”

Trên đường đi làm tôi nghĩ hoài không biết bắt đầu nói từ đâu với bà chủ. Vào đến nơi gặp ngay chị Hoàng, thấy tôi đi tay không chị hỏi:
- Em quên mang hoa à?

Tôi kể cho chị nghe đầu đuôi, chị kêu lên:
- Sao mà xui quá vậy?
- Dạ, tại Má em bảo mở cửa cho cô hồn vào, mà nó vào thật chị ơi.
- Thôi đi, ở đó mà nói tào lao, vào giải thích với bà chủ đó.

 Tôi vào gặp bà chủ. Sau khi nghe tôi trình bày tự sự, bà không trách móc lời nào:
- Em ra ngoài đi.

Một lát bà quay ra đưa tôi phong bì rồi nói:
- Lương của em đây, chị tính đủ rồi, em khỏi đi làm nữa!"
....


Bên kia lại nheo nhéo:
- Alo, chị còn nghe không?
- Nghe.
- Sao im thế?
- Đang mơ.
- Lại giấc mơ hoa và bị thất nghiệp?
- Ừ, mà con khỉ, sao nhớ dai thế?
- Bye chị, mơ tiếp đi.

Sau tràng cười giòn, phone cúp cái cụp. Lại nghe lạnh quá, đi ủi đồ tiếp.


Hà Lê


Joomla Hosting and Maintenance by Cybersalt

Copyright © 2014-2025. VietVancouver, All rights reserved

  • Số Lượt Truy Cập 1779388