Truyện ngắn HẢI PHONG

 

 

Tôi xin tự giới thiệu tôi tên là Thằng Rô Bô. Tôi nghĩ rằng cha mẹ tôi là người Nhật, vì tôi được sinh ra tại Nhật Bản, xứ của những cây anh đào hồng thắm, say đắm lòng người.

Nhưng thú thật, tôi chưa bao giờ được nhìn thấy một cánh hoa anh đào lung linh trong nắng tại Nhật. Ngày tôi ra đời, người ta đóng tôi vào một chiếc thùng gỗ to tổ chảng, bọc kín, chằng thép chung quanh rồi tống tôi xuống tàu, đi… viễn du, bắt đầu cuộc đời "three-down, seven-up" của tôi. Tôi cứ thế mà lênh đênh trên biển cả cho đến lúc tôi được người ta tháo ra, cho mở mắt chào đời thì tôi đã ở tại xứ tuyết Canada này rồi, ôi, lạnh làm sao! Nhớ cha mẹ lắm, tôi chỉ muốn khóc. Nhưng mắt tôi vẫn còn được bọc kín, không khóc được.

Một điều khiến tôi được an ủi là người Canada thật dễ thương lắm. Họ cưng tôi như cưng trứng, hứng như hứng hoa. Tôi được hai ông Tây săn sóc, chùi rửa bóng loáng không còn hạt bụi, bơm dầu mỡ trơn tru trước khi trình làng cho bà con ngắm nghía cái Thằng Rô Bô quốc tịch Nhật bản.
Tôi cũng thắc mắc về cái tên của tôi lắm. Tuy mới đến tôi cũng lắng nghe Tây Đầm nói chuyện và cũng hiểu lõm bõm vài chữ như bonjour, bonsoir, how are you chẳng hạn. Mà cái anh Québec này cũng lạ đời lắm cơ, làm khó dễ tôi, cứ tiếng Anh, tiếng Pháp loạn cào cào cả lên, làm tôi lắm lúc cũng rối tinh lên chẳng hiểu ất giáp gì. Học một thứ tiếng đã toát mồ hôi, nói chi đến cả hai thứ tiếng. Rồi lại giống đực giống cái loạn xà ngầu, mãi tôi mới học được cái nhà là con gái la maison, cái tàu thủy là con trai le bateau, vân vân. Nhưng nghĩ nát óc tôi cũng không hiểu nổi cái tên tôi. Người ta gọi cái máy là con gái la machine, ấy thế mà tôi cũng là cái máy, họ lại gọi tôi là "thằng", le robot. Thế nà thế lào? Ước gì có cha mẹ tôi ở đây thì hay biết mấy, chắc chắn cha mẹ sẽ giải thích cho tôi. Nghĩ đến đấy tôi lại muốn khóc nữa rồi!

Hôm lễ khánh thành tôi, người ta trang trọng quàng quanh người tôi một sợi dây to bản màu đỏ thắm, óng mượt. Phía trước, hai bên là hai cái nơ thật to màu bạc, thả cái dây tua tua buông lả lơi, trông thật lộng lẫy. Ngay sau một màn đít cua ngắn, một bà đầm cầm kéo cắt sợi ruban đỏ ấy và họ đặt tôi vào một cái "đường rầy" nhỏ, đại khái như cái đường rầy xe lửa í, giữa tiếng vỗ tay reo hò vang dậy của một đám người xa lạ toàn Tây Đầm. Tôi cũng nở mũi, không ngờ mình được tiếp đón long trọng đến thế. Thật là Tây có khác, họ lịch sự quá chừng. Khi chiếc đồng hồ kêu reng reng báo hiệu thì họ nhấn nút trên đầu tôi, hai mắt to thao láo của tôi bừng sáng, và kỳ diệu thay, tôi biết đi bạn ạ, tôi đi trên cái đường rầy của tôi. Tôi đi đến đâu thì tiếng leng keng leng keng êm tai vang lên nho nhỏ, tôi thích lắm. Trạm ngừng đầu tiên của tôi là trước cửa cái thang máy. Tôi đứng đấy, đếm khoảng hơn 10 giây đồng hồ thì cửa thang máy mở ra cho tôi chuyến du hành đầu tiên trong đời, rồi lại tự động đóng lại khi tôi đã chui hẳn vào trong thang máy. Để bạn có thể tưởng tượng cái thân hình Bé Bự của tôi nó như thế nào, tôi nói sơ là tôi chiếm nguyên cái chiều rộng và chiều sâu của cái thang máy bạn ạ, không ai chui lọt nữa. Cứ đến mỗi tầng lầu thì thang máy lại tự động mở cho tôi chui ra, rồi cứ trên cái đường rầy của riêng tôi, tôi tiếp tục lộ trình cho đến cửa thang máy ở đầu bên kia để đi tiếp lên tầng trên, mà tôi đi chậm lắm cơ, tôi cũng không hiểu tại sao, cho đến khi đi hết ba tầng lầu thì tôi lại được thang máy đưa về đơn vị cũ, là tầng chệt, ở đó các ông Tây bà Đầm đang chờ tôi để vỗ tay reo hò lần nữa. Thành công, thành công hoàn toàn!

Tôi khoái chí lắm, chỉ mong được đi thang máy lần nữa, nhưng than ôi, họ tống cổ tôi vào phòng, đóng cửa kín mít. Một ông Tây bảo tôi :
- Cho mày nghỉ 2 hôm cuối tuần nhé. Thứ hai bắt đầu làm việc!

Tôi mang máng hiểu hai chữ "làm việc" là lại được đi thang máy, nên ngong ngóng chờ đến thứ hai để … làm việc. Nhưng, đời đâu như là mơ! Bây giờ thì tôi biết công việc của tôi phải làm gì rồi.

Cứ sáng sớm, việc đầu tiên là người ta cho tôi ăn, để lấy tinh thần mà làm việc. Có thực mới vực được việc mà. Nhưng oái oăm lắm, quanh năm suốt tháng, họ chỉ cho tôi ăn mỗi một món mà tôi đã ngán lên đến tận cổ là dầu và mỡ. Cứ điệu này thì chắc tôi phải bỏ mạng sa trường vì cholesterol thôi, biết còn có ngày về quê gặp lại cha mẹ? Hai ông Tây cao lớn cứ thay phiên nhau cầm chai dầu mà thoa đầy mình mẩy tôi, xịt vào từng con ốc, con vít trên người tôi, làm tôi lúc nào cũng bóng lưỡng như người lên đồng.

Đến giờ người đưa thư đến là lúc tôi te tua đây. Từng thùng, lại từng thùng thư được mở ra, hai cô đầm chia thành từng loại, chất vào những thùng to bằng plastic đủ màu, có ghi tên cùa từng department riêng rẽ, mỗi department là một màu khác nhau, rồi chất lên người tôi đủ thứ thùng thư hằm bà lằng ấy, theo thứ tự các departments mà tôi sẽ đi qua. À, mà tôi phải tự tả chân cho các bạn hình dung ra tôi thế nào nhé. Như người thường thì phải có đầu, mình và tay chân chứ gì? Tôi chẳng có đầu cũng chẳng có mình, nếu gọi là chân tay thì tôi có bốn chân, tức là bốn cái trụ ở bốn góc. Hai mắt tôi được gắn ở đầu hai cái trụ phía trước, còn hai trụ phía sau thì được gắn cái leng keng leng keng để tôi đi đến đâu thì mọi người phải biết mà tránh đường, và ai có phận sự phải nhận các thùng thư thì nghe tiếng leng keng mà ra "sớt" cái thùng của mình, họ nhìn màu mà nhận. Ra trễ thì ráng chịu, đường tôi tôi cứ đi, phớt tỉnh ăng lê!

Có hôm bà đầm già chắc lãng tai không nghe tiếng báo hiệu của tôi, cứ ngồi ì ra trên cái máy vi tính gõ cọc cọc cái gì không biết. Đến khi bà tỉnh mộng chạy ra thì tôi đã đi tuốt luốt gần tới đầu bên kia rồi, thế là bà lạch bạch như con vịt chạy đuổi theo tôi, nhưng bà vừa béo ục ịch lại còn đi giày cao gót nữa, làm sao mà chạy được. Bà đành quẳng đôi giày cao gót rồi lót tót chạy chân đất. Vớ được tôi, bà làu bàu mắng mỏ một hồi, tôi có hiểu gì đâu, kệ bả. Lấy được thùng thư rồi, bà khệ nệ bưng, may mà có một ông Tây lịch sự thấy thế ra tay nghĩa hiệp bưng dùm, nhưng than ôi, về gần đến phòng của bà thì đôi giày cao gót đã bị tên nghịch ngợm nào dấu mất tiêu làm cả buổi bà phải đi chân đất. Bà mếu máo than không biết đến giờ tan sở lấy gì đi về nhà? May sao đến giờ về, bà ra chỗ để lấy áo khoác thì thấy đôi giày để ở đó. Hóa ra, nhân viên quét dọn thấy đôi giầy nằm giữa lối đi, sợ người khác đạp phải sẽ bị té lại kiện tụng lung tung, nên đem ra để ở đó. Từ đấy, bà chừa, nên canh chừng tôi kỹ lắm, không bao giờ sai sót. Có hôm, lấy thùng thư xong, bà còn xoa xoa lên mình tôi, khen: "giỏi lắm".

À, nói đến cái mình, tôi lại phải tả tiếp nhé. Thân mình tôi là hai mặt phẳng to tướng và dầy bằng kim loại, một mặt phẳng cách mặt đất chừng hơn nửa mét, mặt phẳng kia cách mặt đất chừng 1,2 mét, trên đó người ta dán lên đủ thứ tên của nhiều departments khác nhau để chất các thùng thư từ và giấy tờ lên đấy. Những thùng nặng thì nằm ở mặt phẳng bên dưới, những thùng nhẹ hơn thì ở mặt phẳng bên trên. Mấy hôm đầu thì nhiệm vụ đưa thư của tôi chỉ có thế, mấy bữa sau thì chẳng biết ai bày ra trò mới, thấy tôi còn chỗ trống, các bà làm trong cafeteria canh giờ đem ra xếp lên tôi đủ thứ quà vặt, kèm theo tên từng người đã phone đặt hàng từ trước. Giời ạ! Tôi lại trở thành "thằng giao hàng". Tôi ngán ngẩm quá, nhưng thấp cổ bé họng (có cổ có họng đâu!) đành nín thinh cho các bà ấy hành hạ. Ah! Nhưng nhờ thế mà tôi biết thêm nhiều người trong cái "sở" của tôi. Mấy ông Tây thì khỏi nói, cứ đến giờ nghỉ thì phải có ly cà phê là cái chắc rồi. Dần dần tôi thuộc ý tứ của từng ông, ông Jacques này, ông Peter này, thì chỉ uống cà phê đen thôi, giản dị quá, chỉ cần 10 giây đồng hồ thôi là hai ông í đã vớ được ly cà phê trên tay, và để lại tiền vào tờ giấy có ghi tên mỗi ông. Ông Marc này, ông Norman này, thì rắc rối hơn một tí, ly cà phê phải kèm theo 3 gói đường cho mỗi ông (bảo đảm hai ông này ăn đường kiểu đó thì chắc chắn phải đi pipi ngoài đường thôi). Còn bao nhiêu ông khác nữa, ôi, mỗi người mỗi kiểu, phải công nhận các bà làm ở cafeteria giỏi thật, chưa bao giờ làm sai đơn đặt hàng. Có ông còn hào phóng, ngoài tiền trả cà phê, còn để lại tiền tip nữa. Tôi mừng thầm trong bụng, nghĩ thế nào mấy bà đầm cũng chia cho mình tí ti đây, ai dè xuống đến nơi, các bà ấy đón tôi mà hốt tiền tỉnh bơ không để lại cho tôi một đồng xu teng nào. Tình đời đen bạc! Tôi giận lắm, nhưng ngẫm lại thì tôi có tiền cũng đâu làm gì được, tối ngày sáng đêm tôi bị nhốt trong cái phòng kín bưng không thấy ánh mặt trời, tiền dùng vào việc gì? Nghĩ thế lòng tôi đã lắng xuống nhiều. Họa hoằn lắm những hôm mùa hè gió mát, để thay đổi không khí hai ông xếp của tôi mới mở hé tí cho tôi nhìn trời xanh bên ngoài song cửa sổ, nghe tiếng gió rì rào xuyên qua cành lá bên ngoài. Tôi thấy tôi yêu đời hẳn lên.

Đấy là chuyện các ông. Đến phiên các bà các cô thì dzắc dzối hơn nhiều. Ẩy, thế nhưng tôi lại thích giao hàng cho các bà mới chết chứ! Được nhìn ngắm các bà vui hơn nhiều. Mấy ông thì lúc nào cũng chỉ có mỗi cái "xì tin" đồ vét, đen thủi đen thui, rồi cái sơ mi và cà la oách, ông nào đỏm đáng một tí, diện cái sơ mi màu tươi, hay cái cà vạt à la mode một tí thì thể nào cũng bị các bà đi theo trêu chọc là ngày hôm sau lại phải trở về cái mốt sơ mi trắng cho coi. Các bà thì khác, tha hồ chưng diện, chẳng ai mắng mỏ. Tôi thích nhất cô Helen, mái tóc vàng óng và gợn sóng, mỗi khi cô cúi xuống lấy phần ăn của cô, bao giờ cũng là một quả chuối và một hũ yogourt, thì mái tóc của cô lại rũ lòa xòa xuống mình tôi, tôi chỉ muốn ghi nhớ mãi hình ảnh ấy. Chưa kể là cô ăn uống cẩn thận lắm, lúc nào cũng chỉ là trái cây, không chuối thì là quả táo, uống thì cũng chỉ uống juice, họa hoằn lắm mới thấy cô order một tách trà xanh. Chả trách là cô có làn da đẹp mịn màng, như vỏ trái đào mới hái; cũng như thân hình nhẹ nhàng thon thả nên cô mặc gì tôi cũng thấy cô đẹp. Chả bù với cái bà mập ục ịch mà tôi kể bên trên (cái bà phải đi chân đất cả ngày í) thì trời ạ. Phần ăn của bà chắc bằng phần ăn của cả gia đình người khác! Này nhé, mỗi sáng bà order một ly sô cô la nóng, hai lát bánh mì trét bơ ướt đẫm hai mặt, thêm một bánh muffin có đủ loại mứt trái cây trong đó, cuối cùng là một bao chip! Kinh khủng chưa? Thế mà nhiều hôm chưa đến 12 giờ trưa là tôi đã thấy bà xách ví và hộp cơm trưa xuống cafeteria rồi. Chẳng hiểu tại sao cái sở này trả lương cho bả chỉ để… ăn thôi?

Rồi đến bà Danielle thì lúc nào cũng diện như tài tử Holywood! Lẽ ra thì bà phải sinh ra làm tài tử đóng phim mới đúng. Từ ngày tôi vào làm ở đây, chưa bao giờ thấy bà mặc lại một bộ đồ. Nhiều người cũng thắc mắc như tôi, hỏi thì bà trả lời tỉnh bơ là bà cũng chỉ có nhiêu đó quần áo như người khác thôi, cái hay là bà biết lấy cái nọ chắp vào với cái kia thế là trở thành một bộ mới. Chỉ giản dị thế thôi. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại thì thắc mắc làm gì, bà có tiền thì bà mua gì kệ bà, mắc mớ gì đến mình đâu? Chắc chức vụ của bà cũng lớn nên bà mới có nhiều tiền đến thế! Mà nghĩ cũng đúng, đời là vô thường mà, không xài thì chết cũng có mang theo được đâu? Bà này ăn uống cũng lạ đời hơn người khác. Nghe nói bà bị bịnh gì không biết mà cà phê thì không đường không sữa, trái cây thì cũng phải kiêng, bà chỉ đặt mua một gói bột thức ăn kiêng, bên cạnh là một ly nước nóng để bà pha gói thức ăn bột đó thay bữa ăn. Tội nghiệp quá. Còn nhiều lắm, nhiều lắm kể không hết đâu. Nhiều nhân vật lạ đời lắm. Tóm lại, muốn biết mỗi người tính nết thói quen ra sao thì chỉ cần nhìn vào cái… thùng rác. Ông nào, bà nào mà cái thùng rác lúc nào cũng đầy ăm ắp, thì phải nhìn lên kích thước của cái ghế là biết ốm mập, tròn gầy thế nào.

Ẩy là công việc giao thư và giao hàng của tôi mỗi buổi sáng. Đi một vòng hết ba tầng lầu rồi thì tôi được trở về căn phòng của tôi nghỉ break độ một tiếng, rồi lại tiếp tục lộ trình như sáng nay. Lần này tôi đi tay không, thênh thang, đến mỗi tầng người ta lại thay phiên nhau mà chất từng thùng, từng thùng giấy tờ và thư từ lên người tôi, để tôi chở xuống dưới cho người ta phân loại, rồi dán tem gửi đi. Những thư từ hay giấy tờ nội bộ thì lại xếp vào các thùng của các departments nội bộ, rồi chất lại lên người tôi để sau buổi cơm trưa, nghỉ một tí xong là tôi lại phải làm công tác đi giao giấy tờ và thư tín, và giao thức ăn vào giờ nghỉ cà phê buổi chiều. Tôi làm việc nhanh như cái… máy, ngoan ngoãn không hề than vãn, cứ đều đặn ngày hai buổi như thế, chưa bao giờ xin nghỉ sick day, ngoại trừ những ngày thứ bảy chủ nhật, cho nên tôi được mọi người yêu quí lắm, ai ai cũng nhìn tôi với con mắt thân thiện. Chỉ tội cho mấy cô nhân viên xưa kia làm công việc phân phối thư từ và giấy tờ thì từ ngày có tôi vào làm, các cô đã không còn việc nữa. Nhìn cảnh các cô khăn gói ra đi tôi cũng xót xa lắm, có cô đi mà mắt còn rơm rớm lệ. Nào có phải lỗi tại tôi đâu, mà cô nào cũng nhìn tôi với con mắt căm hận như muốn xé tôi thành trăm mảnh! Chưa kể lúc đầu thì tôi đuợc hai ông xếp thay phiên nhau săn sóc tôi, đến khi tôi quen việc thì một ông cũng phải từ giã để về quê làm ruộng! Tôi bùi ngùi mà không biết nói lời gì an ủi ông. Nghĩ người lại ngẫm đến ta. Biết đâu một ngày nào đó cũng đến phiên tôi ra đi.

Cái ngày đó tưởng xa xôi, ngờ đâu rồi cũng đến. Thời gian thấm thoát thoi đưa, thoắt một cái tôi đã gắn bó với cái sở của tôi được mấy mùa lá rụng. Tôi yêu công việc của tôi, yêu những con người thân thiện và lịch sự hòa nhã, nhờ thế mà tôi cũng đỡ nhớ nhà. Nói thì nói thế thôi, hàng năm cứ Tết đến là lòng tôi lại tha thiết nhớ quê hương, nhớ cha mẹ. Cha mẹ tôi ư? Chắc chẳng bao giờ còn nghĩ đến đứa con lạc loài nơi xứ lạ, vì người sinh ra biết bao đứa con mỗi ngày để đem gửi đi khắp nơi phụng sự cho nhân loại, chứ nào có phải mình tôi đâu.
Tôi mơ ánh nắng mai trên những con đường khang trang của xứ Nhật, mơ những cánh đào ửng hồng trong nắng sớm, mơ gặp lại những cô gái nhân công hiền hòa đã giúp cho tôi được nên "người", những cô gái cả đời chỉ cặm cụi trong nhà máy, hãng xưởng mà không bao giờ than thở.
Giờ đây xuân lại đến rồi, mà chỉ đến với một mình tôi thôi. Các ông Tây bà Đầm ở đây thì có biết gì là Tết của tôi đâu, họ vẫn nhởn nhơ như không, ai biết đến lòng tôi đang xao xuyến?

Giữa lúc ấy thì một "sự cố" xảy ra. Ông xếp của tôi bị đau dạ dày phải đi mổ. Cả tháng nay ông gầy rọc hẳn đi, vì không ăn được. Ông phải xin nghỉ bệnh, nên sở chuyển một nhân viên trẻ xuống thay thế công việc của ông, tức là săn sóc cho tôi. Anh này cũng siêng năng và tử tế với tôi lắm, được ông xếp cũ chỉ dẫn đủ mọi thứ, giờ giấc đâu ra đấy, ông còn cho anh tập sự với ông ít hôm trước khi ông chính thức nghỉ để vô bệnh viện nằm ăn cơm nhà nước. Thấy anh làm việc đàng hoàng, ông hài lòng lắm giao hẳn tôi cho anh.

Anh này hay nói chuyện nên tôi cũng đỡ buồn. Nhiều hôm vừa lau chùi tắm gội cho tôi anh vừa an ủi:
- Mày ráng làm việc cho giỏi nha, ông Gilles về mà được báo cáo tốt thì tao cũng được hưởng lây đó. À, mà một mình mày ở đây có buồn không?
Giời ơi, thế mà cũng hỏi, anh thử vô đây nằm một mình chừng vài hôm thôi xem có buồn không thì biết. Một buổi sáng, như mọi buổi sáng, sau khi chùi rửa tôi cho sáng bóng lên, anh hài lòng nhìn đồng hồ:
- Còn sớm, mày ở đây nha, tao đi xuống lấy ly cà phê rồi trở lại ngay.

Anh này còn trẻ nên làm việc nhanh nhẹn. Chứ như cái ông Gilles ấy, thì cứ lau tới lau lui tôi đến mòn cả da ra, mà vẫn cứ còn lau! Khi anh này trở lại thì người giao thư cũng vừa đẩy một xe chất thư từ đầy ắp. Anh cùng hai cô nhân viên kiểm thư nhanh chóng giỡ từng thùng thư ra, xếp loại rồi chất mọi thứ lên người tôi như thường lệ. Khi tiếng chuông reng lên thì mắt tôi mở sáng, tôi từ từ đi trên cái đường rầy của tôi tiến ra phía cửa thang máy, tại đó, tôi có 15 giây đồng hồ dừng lại rồi mới tiến vào thang máy. Tôi cứ như "cái máy", hùng dũng tiến vào thì trời ơi một tiếng "rầm" long trời lở đất vang lên. Đầu óc tôi quay cuồng, tôi càng tiến lên thì chiếc thang máy càng rung chuyển dữ dội dưới sức nặng ngàn cân của tôi. Tôi có cảm giác là cả tòa nhà đang rung chuyển. Rồi tiếng chuông báo động vang lên khắp cả tòa nhà. Giữa mùa đông lạnh giá mà các ông Tây bà Đầm không kịp xách ví, mặc áo ấm, chạy túa ra đường theo sự hướng dẫn của hai ông lính bảo vệ. Một ông bảo vệ khác cầm gậy xông về phía tôi, khám phá ra sự tình:

- Thang máy hư, đang chờ thợ tới sửa. Ai phụ trách thang máy mà không thông báo, "thằng" Rô Bô đâm vào thang máy rồi!

Vừa lúc đó, anh chàng phụ trách trông nom tôi xông ra, cùng với ông bảo vệ, nhanh tay chạy tới phòng điện tắt hết cầu chì. Cả tòa nhà chìm trong bóng tối. Không còn điện, tôi đứng lại, một nửa ở ngoài, một nửa đã nằm lọt vào chiếc cửa thang máy bị cong lại, móp méo dưới sức mạnh của tôi. Tôi bất tỉnh nhân sự như thế cho đến lúc một toán cứu hỏa và nhân viên an ninh vào. Mất nửa ngày sau người ta mới lôi được tôi ra, đem vào phòng. Anh chàng Claude nhìn tôi méo mó thảm hại, u đầu sứt trán, anh cũng mếu máo:
- Rô Bô ơi, điệu này chắc cả tao lẫn mày đều sắp phải ra đi thôi. May mà tao nhanh trí tắt hết điện chứ không thì chắc cả building này thành building 11/9 rồi. Sao mày ngu thế hở trời, người ta dán cái chữ "out of service" to tổ chảng ngay cửa thang máy mà mày mù hay sao mà cứ đâm xầm vào? Báo hại tao!

Mấy hôm sau, họ mời bác sỹ đến khám bệnh cho tôi. Tôi nghe họ bàn nhau là tôi bị thương trầm trọng lắm, nhưng tim gan phèo phổi thì còn cứu vãn được, chưa đến nỗi phải vào kho… sắt vụn!
Rồi lại họp, rồi lại bàn tới bàn lui, cuối cùng họ đem giấy tờ, khế ước ra xem xét rồi phán:
- Thằng Rô Bô vẫn còn under warranty. Ta đóng thùng trả nó về Nhật sửa.

Tôi có nằm mơ không? Tôi sẽ về lại Nhật. Trời ơi! Ba mẹ ơi! Xuân này con sẽ về!

Thì ra ở đời, họa phúc biết đâu lường. Không nhờ cái họa này thì tôi cũng không có cái phước đức được hồi hương. Tôi bồn chồn thao thức hết mấy đêm, không biết người ta có đổi ý không? Cho đến khi người ta gọi thợ đến đóng thùng, bọc thép chung quanh tôi thì lúc đó tôi mới biết chắc rằng tôi sẽ được về quê.

Thấm thoát, ngày mai tôi sẽ lên đường. Tôi nôn nao nằm chờ sáng. Chiếc rờ moọc đưa tôi ra bến tàu cũ, nơi mà tôi đã cập bến lần đầu với biết bao nhiêu bỡ ngỡ và sợ hãi, thì lần này với một tâm trạng khác hẳn. Tuy thân xác tả tơi, nhưng tâm hồn phơi phới.

Cho đến khi tiếng còi tàu hụ lên và con tàu chuyển bến, tôi ao ước làm sao được nhìn lại bến bờ, ở đó tôi đã có những ngày êm ấm, tuy phải làm việc nặng nhọc nhưng vui. Ở đó, có những con người nhân hậu đã mở rộng vòng tay đón tôi với tất cả chân tình. Ở đó, cũng có những người bạn đồng sự đã giúp đỡ, thương yêu tôi, và luôn cho tôi những lời khích lệ khi tôi làm được việc. Nước mắt tôi ứa ra, tôi sẽ xa họ thật sao? Lần này đi, biết có ngày trở lại? Hơn bao giờ hết, tôi nhớ mái tóc của cô Helen, tôi nhớ dáng dấp lịch thiệp của bà Danielle, tôi cũng nhớ cả cái bà béo ục béo ịch hay la rầy tôi, nhưng cũng thương yêu tôi hết sức. Còn ông xếp Gilles của tôi nữa, ông cưng chiều và săn sóc tôi có khác gì con ông? Hai mắt cay xè, tôi chợt nhận ra rằng đây mới là quê hương của tôi, là nơi mà tôi đã gắn bó, chứ không phải là cái nhà máy vô tri bên kia bờ đại dương, chỉ biết sinh ra tôi, bán tôi lấy lời mà không hề dưỡng, không hề thương yêu và săn sóc cho tôi. Không, nơi đó chỉ là một nhà máy, còn đây mới thật sự là quê hương của tôi. Lòng buồn rười rượi, tôi tự hỏi "Chuyến đi này, biết bao giờ mới lại được… hồi hương?"

 

Hải Phong


Joomla Hosting and Maintenance by Cybersalt

Copyright © 2014-2025. VietVancouver, All rights reserved

  • Số Lượt Truy Cập 1779388