GIẬT MÌNH,

ÔI CHIẾC LÁ THU PHAI

                                                                

(Ở nhà mấy hôm đi loanh quanh, chụp hình mấy con đường lá vàng gần nhà mới thấy cũng cảnh vật này mà trước đây mình bận rộn quá nên không cảm nhận được cái đẹp đẽ của nó.  - Trích đoạn thư của một người bạn)

      Tôi xin chia sẻ với anh về những cảm nhận và những gì anh vừa bắt chụp được. Tôi biết lòng anh đang thanh thản lắm. Chính sự thanh thản ấy đã đưa anh đến sự tỉnh thức để nhận biết được sự hiện hữu của những cảnh vật chung quanh mình. Sự sống tỉnh thức là một yếu tố thật quan trọng trong đời sống chúng ta. Thiếu tỉnh thức, ta sẽ có cuộc sống không tỉnh thức (nói theo kiểu hòa tiền), và đôi khi sự thiếu tỉnh thức một cách thái quá sẽ làm mất đi hẳn sự hiện diện của mình trên mặt đất này.

      Đọc thư anh, tôi chợt nhớ tới một hoàn cảnh tương tự được thể hiện trong bản nhạc “Chiếc lá thu phai” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (TCS), nằm trong số đĩa nhạc Trịnh anh gửi cho tôi, và đã làm tôi suy ngẫm.

Mùa xuân quá vội, mười năm tắm gội, giật mình ôi chiếc lá thu phai.

      Tôi đoán, chữ "mười năm" ở đây chỉ để diễn tả cái gì đã lâu lắm rồi, như "Mười Năm Tình Cũ", "Mười Năm Yêu Em" (tên những bản nhạc) hay trong thơ của cụ Tản Đà:

Giấc mộng mười năm đã tỉnh rồi,

Tỉnh rồi lại muốn mộng mà thôi.

      Khi tắm gội, lúc ta dễ thấy được toàn diện thân và ý của ta vì cảm giác dễ chịu và sự không che đậy lúc đó mang đến. Và chính những khi tắm gội ta thường bắt gặp được những điều kỳ diệu ẩn tàng trong ta. Ấy thế mà tới sau “mười năm” tắm gội, cho tới một lúc, TCS mới chợt tỉnh thức để nhận diện ra mình và thấy mình như "chiếc lá thu phai". Cái hay của ý này là sự ẩn dụ của già nua qua hình ảnh chiếc lá mùa thu. Lá mùa thu, một biểu tượng của sự tàn úa, thế mà ngay cả lá mùa thu ấy cũng đã phai màu để đi đến chỗ tàn khô. Và để rồi:

Chiều hôm thức dậy, ngồi ôm tóc dài,

Chập chờn lau trắng trong tay.

      Anh thấy không, không phải chỉ riêng anh mới bất chợt cảm nhận được những sự vật hiện hữu ở quanh mình mà đã từ lâu anh tưởng như không có. Chung quanh ta toàn là phép lạ, toàn là những điều kỳ diệu đẹp đẽ, dù đôi khi chúng chỉ hiện hữu như những gì thật bé nhỏ tầm thường. Ta quên nó đi, hoặc không nhận ra nó, thật uổng biết bao. Có những lúc ta cảm thấy như ta đang "vong ân" với chúng và “vong ân” với cả chính ta. Có một lần tôi nghe một vị Thiền sư nói, có bao giờ ta tự nắm lấy bàn tay của chính mình mà cám ơn nó không, mặc dù nó đã phục vụ ta suốt một đời. Sự an nguy của nó chính là sự an nguy của ta, vậy mà đôi khi ta đã vô tình không nhận ra sự có mặt của nó.

      Nhân tiện đây, trong giới hạn bức thư này, tôi xin chia sẻ với anh một vài ý nghĩ của riêng mình qua vài bản nhạc của TCS anh vừa gửi cho tôi. Anh hãy cùng tôi lắng nghe một đoạn trong bài "Rồi như đá ngây ngô":

Đôi khi thấy trên lá khô một dòng suối

Đôi khi nhớ trong mắt em một bóng tối nhỏ nhoi

Từng ngày tình đến thiết tha ân cần

Từng ngày tình đi một vùng vắng im

Đôi khi thấy trong cánh chim từng đêm tối

Đôi khi nhớ trong tóc em mùi cây trái thơm tho

Đôi khi bước qua phố xưa lòng tôi nhớ

Đôi khi thấy trăm vết thương rồi như đá ngây ngô

      Chắc bản nhạc này không xa lạ gì với anh. Khi nghe xong bản nhạc anh đã nghĩ và đã cảm nhận nó ra sao? Với tôi, tôi có cái nhìn hơi mang màu sắc “ĐẠO CA” trong đạo Phật về hai câu hát sau:

Đôi khi thấy trên lá khô một dòng suối

và trong câu

Đôi khi nhớ trong tóc em mùi cây trái thơm tho 

Anh cùng tôi phân tích câu đầu nhé!                                                            

Đôi khi thấy trên lá khô một dòng suối

      Tôi tự hỏi tại sao trên lá khô lại có một dòng suối nhỉ? Và anh có thấy dòng suối đang chảy trên lá khô không? Nếu không, chúng ta hãy cùng nhau đi tìm con suối ấy nhé.

      Cứ dựa theo cách nhìn của một vị Thiền sư thì nếu chúng ta "quán chiếu" vào chiếc lá vàng một cách “tỉnh thức” (danh từ nhà Phật, quán chiếu nghĩa là nhìn sâu vào sự việc mà ta đang quan sát), ta sẽ thấy trước khi chiếc lá trở thành lá vàng, hay lá khô, chiếc lá đó phải là chiếc lá xanh. Khi chiếc lá còn xanh thì nó ở trên cây và nó là một phần tử của cây. Lá và cây tuy hai mà là một. Nay ta gọi chung là "cây". Cây thuộc về vũ trụ vì cây nằm trong vũ trụ và lớn lên trong vũ trụ.

      Cây được hình thành và trở nên hiện hữu dưới dạng “cây” nhờ sự cùng kết hợp hay duyên hợp bởi những phần tử, bởi những yếu tố không phải là cây như đất, nắng, mưa, gió, chim chóc, … có khi có cả bàn tay con người trong đó nữa. Nghĩa là trong cây chứa đựng toàn bộ những gì có trong vũ trụ, không thiếu một thứ gì. Thiếu những phần tử ấy, cây không thể có mặt. Do đó, nói một cách khác đi, cây nằm trong vũ trụ và vũ trụ cũng nằm ở trong cây.

      Nào ta cùng quán chiếu thêm nhé. Như dẫn chứng ở trên, ta thấy trong cây chứa đựng toàn bộ vũ trụ, hẳn trong đó phải có mặt của nước. Nước nuôi cây lớn lên. Thế nước từ đâu mà tới? Nước đến từ những dòng sông, từ biển, từ ao hồ và từ suối bốc hơi lên thành mây và thành mưa. Và nước mưa trở lại đất để đến với cây. Nhờ có "quán chiếu" ta thấy rõ là trong cây có hình ảnh của suối. Cây có hình ảnh suối thì lá cũng vậy, dù là lá tươi hay lá khô đều có hình ảnh của suối cả.

      Đến đây anh đã thấy dòng suối trên những lá khô ấy chưa? Trên lá khô, không phải chúng ta chỉ nhìn thấy có dòng suối mà ta còn thấy cả biển, cả núi non, cả gió, cả trăng, cả những con chim ca hót trên đó nữa ... Như đã nói ở trên, cây nằm trong vũ trụ và vũ trụ cũng nằm trong cây, nghĩa là cây và vũ trụ không thể tách rời nhau ra được. Phải chăng chúng ta đang đi vào triết lý “nhất nguyên” của triết học Đông phương hay triết lý “bất nhị” của kinh Bát Nhã trong đạo Phật hay đang nói đến chữ Đạo (Being) trong Lão giáo vậy?

Và cũng cùng phương pháp như trên, ta "quán chiếu" câu thứ hai:

Đôi khi nhớ trong tóc em mùi cây trái thơm tho

cũng không có gì là bí ẩn và sâu xa cả.

      Cũng như vị Thiền sư ấy nói thêm về từ ngữ "Trái tim mặt trời", chúng ta không phải chỉ tồn tại bởi nhịp đập của trái tim trong cơ thể ta mà thôi, mà còn phụ thuộc vào nhịp đập của trái tim mặt trời. Ta cứ tưởng tượng nếu trái tim mặt trời ngưng đập, mặt trời ra đi, chúng ta sẽ ra sao? Nói thêm ra, trái tim ta cũng đang nằm ở mặt trời. Từ đó suy ra ta không bé nhỏ như ta tưởng và chiếc lá khô kia cũng to lớn vô cùng.

      Nếu anh cứ tiếp tục nghe hết bản nhạc này, thì rải rác suốt bài hát, ta quán chiếu được nhiều thứ lắm. Và cũng qua bài hát này ta có thể thay đổi được cách nhìn về cuộc đời.  Cái nhìn của chúng ta về cuộc đời sẽ đơn giản hơn, chính xác hơn, thoát hơn, nhiều yêu thương hơn và như thế chúng ta sẽ bớt đau khổ hơn.

      Trái nghịch với sự đồng nhất là sự phân biệt. Cũng từ sự phân biệt ấy chúng ta phải luôn luôn đi tìm một đối tượng để suy nghĩ, để luận bàn, hay đánh giá, phê phán. Chính cái phân biệt đó, theo cách nhìn nào đó, ta thấy như nó đang đi ngược lại định luật tự nhiên của Trời Đất và nó làm cho đời sống trở nên phức tạp hơn lên. Mỗi vấn đề được đặt ra, dù là cái gì đi chăng nữa, nó đều dễ dàng trở thành những sợi dây xích, xích ta vào trong ngục tù của những quy luật ấy mà ta cứ tưởng như nó mới mẻ hay được sáng tạo ra một cách kỳ diệu. Hãy để mọi việc trôi chảy theo cái định luật hồn nhiênvô tư của đời sống. Và có lẽ đấy cũng là một phần tư tưởng giải phóng con người của nhà hiền triết Krishnamurti đó chăng?

      Sự giải phóng con người bởi nhận thức “vạn vật đồng nhất thể” ấy thật quan trọng vô cùng. Nếu chúng ta cùng nhau tiến vào thế giới của "Không" (1), ta sẽ thấy đời sống của ta giầu có lắm và bất sinh bất tử. Cũng như cây, chúng ta ở trong vũ trụ và vũ trụ ở trong ta, mà vũ trụ không mất thì ta ắt phải là bất tử. Sự bất sinh bất tử này đã thể hiện một cách thật sâu sa trong bài hát "Ngẫu Nhiên":

Không có đâu em này, không có cái chết đầu tiên,

Và có đâu bao giờ, đâu có cái chết sau cùng.

Tự mình biết riêng mình. Và ta biết riêng ta.

Tự mình biết riêng mình. Và ta biết riêng ta.

. . .

Mệt quá đôi chân này, tìm đến chiếc ghế nghỉ ngơi

Mệt quá thân ta này, nắm xuống với đất muôn đời.

Kìa còn biết bao người, dìu dắt tới quanh đây

Kìa còn biết bao người, dìu dắt tới quanh đây

      Quả thật như thế, có vị Thiền sư nói cuộc đời ta là vô tận, bất sinh bất tử. Vị ấy nói tiếp, nếu ta "quán chiếu" ngược dòng thời gian, trước khi ta lọt lòng mẹ (tức ngày sinh), thì ta đã ở trong bụng mẹ chín tháng mười ngày. Ta đi ngược lại thêm, trước khi ta ở bụng mẹ, ta đã ở trong cha, trước cha, ta ở trong ông bà, trước ông bà, ta đã ở trong tổ tiên. Và cứ như thế, ta đi ngược lại mãi, ta sẽ biết là ta đã “có” từ lâu lắm rồi, và có thể chúng ta đã hiện diện dưới nhiều hình thức khác nhau cũng nên, nhưng ít ra là ta biết ta đã hiện hữu từ lâu lắm rồi. Sự “sinh ra” là phải đến từ không để thành có, mà đã có rồi thì chữ sinh ra không thể được đặt ra nữa. Khi đã không có sinh thì ắt không thể có tử.

Chính sự nhận biết về cái bất sinh bất tử ấy nên ta đã thấy được tiền kiếp của "em” trong “Rừng xưa đã khép”:

Ta thấy em trong tiền kiếp với cọng buồn cỏ khô

Ta thấy em đang ngồi khóc khi rừng chiều đổ mưa

. . .

Ta thấy em trong tiền kiếp với mặt trời lẻ loi

Ta thấy em đang ngồi hát khi rừng về nhiều mây.

      Tiền kiếp của ta đôi khi được thể hiện dưới một dạng thức nào đó như những hạt bụi trong "Cát bụi" chẳng hạn:

Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi

Để một mai vươn hình hài lớn dậy

Ôi! cát bụi tuyệt vời

Mặt trời soi một kiếp rong chơi

Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi

Để một mai tôi về làm cát bụi.

Ôi cát bụi mệt nhoài

Tiếng động nào gõ nhịp khôn nguôi

      Vâng, chúng ta có khi chỉ là những hạt bụi rong chơi hay cũng chỉ là vừng trăng chỉ biết lang thang trong vũ trụ. Chúng bị chi phối bởi định luật vô thường lạnh lùng nhưng sinh động, thể hiện khắp nơi nơi như quy luật sinh tồn của vũ trụ trong “Biết đâu nguồn cội”:

Em đi qua chuyến đò, ối a con trăng còn trẻ

Con sông đâu có ngờ ngày kia trăng s già.

. . .

Tôi vui chơi giữa đời, ối a biết đâu nguồn cội

Tôi thu tôi bé lại làm mưa tan giữa trời.

      Và cũng chính thấy mình chỉ là một kiếp rong chơi, mà rong chơi mãi cũng thấy nhàm chán, đến mỏi quá đôi chân này và muốn tìm đến chiếc ghế nghỉ ngơi, rồi chúng ta chỉ còn thấy “Nghe những tàn phai”:

Chiều nay em ra phố về

Thấy đời mình là những chuyến xe

Còn đây âm vang não nề

Ngày đi đêm tới trăm tiếng mơ hồ

. . .

Chiều nay em ra phố về

Thấy đời mình là những quán không

Bàn im hơi bên ghế ngồi

Ngày đi đêm tới đã vắng bóng người

Để rồi đời người như đã “Phôi pha”:

Ôm lòng đêm nhìn vầng trăng mới về, nhớ chân giang hồ

Ôi phù du từng tuổi xuân đã già, một ngày kia đến bờ

Đời người như gió qua

. . .

Thôi về đi đường trần đâu có gì

Tóc xanh mấy mùa

Có nhiều khi từ vườn khuya bước về

Bàn chân ai rất nhẹ tựa hồn những năm xưa.

Và cuối cùng với một lời nhắn nhủ tha thiết trong “Một cõi đi về”:

Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi

Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt

Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt

Rọi suốt trăm năm một cõi đi về 

Cuộc đời cứ trôi chảy ngàn năm vô bờ vô bến trong vũ trụ, không khởi đầu cũng không kết thúc.

      Tóm lại những cảm nhận chợt tỉnh thức của anh, hay của chính tôi hay của bất cứ ai, nó thường chợt đến rồi lại chợt đi. Đến rồi đi là lẽ thông thường trong cuộc sống, nó là lẽ vô thường vô cùng sinh động của tạo hóa. Ta hãy tận hưởng những hạnh phúc, dù trong khoảnh khắc, mà những cảm giác dễ chịu ấy mang đến cho ta, cũng như anh đang hưởng hạnh phúc khi nhận biết ra cái đẹp của những con đường lá vàng gần nhà trong những bức ảnh anh chụp và đã gửi cho tôi.

      Cảm ơn anh đã gửi tặng cho tôi vài đĩa nhạc của nhạc sĩ TCS mà tôi vừa nghe, và xin ghi lại đôi hàng cảm nhận của mình, những cảm nhận hoàn toàn mang tính chất chủ quan.

 * * *

      Nay nhạc sĩ Trịnh Công Sơn không còn nữa, nghĩa tử là nghĩa tận theo văn hóa nhân bản truyền thống của người Việt, tôi gửi đến nhạc sĩ bản nhạc “Để gió cuốn đi”, do chính ông sáng tác, về nơi chốn xa xăm nổi trôi nào đó có ông, như “một lời chia tay”.

Hãy yêu ngày tới dù quá mệt kiếp người

Còn cuộc đời ta cứ vui

Dù vắng bóng ai, dù vắng bóng ai

Để gió cuốn đi, để gió cuốn đi!

      Nhân tiện đây tôi cũng xin gửi đến anh một bài thơ cuả người bạn thân gửi tặng cho tôi đã nói lên nỗi lòng xúc động khi anh ấy vừa nhận ra “chưa một lần nhìn kỹ mẹ” thì cũng là lúc anh vừa mất mẹ. Xin mời nghe: 

Mẹ tôi!

Thân tặng anh Nguyễn Giụ Hùng

Mẹ thật thà, chất phác,

Mẹ mộc mạc, đơn sơ,

Mẹ hiền lành, nhút nhát,

Ngay cả với người thân.

Tuổi thơ của Mẹ, giòng sông nước mắt,                        

Mẹ Cha mất sớm, côi cút lầm than,

Trôi giạt cùng anh qua ngàn dặm khổ,

Khốn khó, nhọc nhằn, một cõi riêng mang.

Đến lúc gặp Ba, Mẹ thấy an bình,

Thấp thoáng cuối đường, lấp lánh bình minh.

Từ đó, Mẹ tận tụy lo cho chồng,

Và hết lòng chăm sóc đàn con.              

Đời sống Mẹ giản đơn, bình dị,

Tính Mẹ nhạy cảm, lòng Mẹ thiết tha

Ngậm ngùi xót xa theo nỗi buồn con cái

Vui mừng thoải mái với tiếng cười ròn rã của Ba.

Ngày con vào lính,

Me lặn lội đến Quang Trung,

Theo cậu Hai lên Thủ Đức.

Xót con cực khổ gian nan,

Mẹ thương, khóc với muôn ngàn đắng cay.

Rồi một buổi chiều buồn tháng bảy,

Sau khi đọc Bông Hồng Cài Áo,

Con ngỡ ngàng phát hiện lương tâm.

Lòng nhủ thầm,

Chưa một lần nhìn kỹ Mẹ,

Chưa một lần nói tiếng thương yêu.

Hừng sáng hôm sau,

Vội vàng, con trở về quê,

Trên chiếc xe đò sớm nhất.

Lòng bồn chồn, nao nức,

Mong gặp lại Mẹ,

để nhìn thật kỹ,

để ngắm thật lâu,

khuôn mặt mẹ hiền,

và để tỏ lòng yêu thương

Mà bao năm trường sống cạnh

Chưa một lần con nghĩ đến.

Nào ngờ đó chỉ là ước mơ

Của nghìn đời hiu hắt,

Vì Mẹ vừa mới qua đời

Chỉ vài giờ trước đó,

Sau một đêm dài trăn trở đớn đau.

Mẹ ơi!

Lòng con đau hơn dao cắt,

Ruột con quặn thắt từng cơn,

Đầu óc con hoang mang, 

Chơi vơi trong khoảng trống ngút ngàn.

Bóng tối chập chùng

Cuồn cuộn bủa vây.

Từ nay, vĩnh viễn

Không bao giờ con được gặp Mẹ.

Mẹ ơi!

Đặng Minh Chấn

Lancaster, Pennsylvania-Hoa Kỳ

(Những hàng chữ nghiêng trong bài thơ do NGH chuyển đổi từ hàng chữ thẳng)

                                     

NGUYỄN GIỤ HÙNG

 

Ghi chú:

(1) Tính “không” được diễn dịch bởi nhiều trường phái, thí dụ như:

- Kinh điển Phật giáo

- Duy thức

- Trung quán luận của ngài Long Thọ.

Ngài Long Thọ viết: “Sự vật nào có nguồn gốc phụ thuộc, tôi gọi là không. Và rồi sự vật đó lại được định danh một cách phụ thuộc”. (trích bài giảng trong quyển Tứ Diệu Đế của Đức Dalai Lama thứ 14, do Võ Quang Nhân dịch và Nguyễn Minh Tiến hiệu đính)


Joomla Hosting and Maintenance by Cybersalt

Copyright © 2014-2024. VietVancouver, All rights reserved

  • Số Lượt Truy Cập 1753627