Giếng xưa 

 

Cái giếng có tự bao giờ không ai biết. Nó nằm lọt thỏm giữa miếng đất trống. Tám chín ngôi nhà quây quanh nó trông như hình bát quái của mấy ông thầy bói toán, thành thử giếng cũng như người con gái nhà giàu khuê các, kín cổng cao tường. Ấy thế mà nhiều người biết đến nó và người ta kéo nhau vào lấy nước giếng. Cứ một vài nhà trong vòng tròn bát quái lại có một ngách nhỏ tỏa ra xóm ngoài, nên những gia đình lân cận nương theo các con hẻm đi vào. Một cái giếng nhưng nguồn nước không bao giờ cạn, đã nuôi sống biết bao con người.

 Cửa sổ bên hông nhà bác tôi nhìn thẳng ra giếng. Tôi nhớ ngày còn bé tí xíu, mỗi lần đến nhà bác chơi, lúc nào cũng nghe ồn ào, lao xao tiếng nói cười, tiếng lạch cạch va chạm của gàu nước với các sô, thùng.... rồi tiếng xối nước rào rào. Tôi hay trèo lên bàn kê sát cửa sổ ngồi nhìn ra, thành giếng cũng khá cao và bề dày cỡ một gang tay nên các bà kéo nước xong cũng chưa vội gánh về, ghé ngồi lên thành giếng, phe phẩy nón lá nói chuyện chồng chuyện con, chuyện mưa chuyện nắng với người đang kéo nước.

 Lớn lên tôi đến nhà bác, chơi với bà chị họ thường xuyên nhưng tôi để ý nhà bác yên tịnh hơn, tiếng nói cười từ bên giếng nước vọng lại ngày càng ít. Nước máy dần dần đã thay thế nước giếng, nhà nào cũng lắp đồng hồ điện, nước dẫn thẳng về nhà, cần dùng mở vòi ra, nước chảy ào ào, đâu cần đến đôi quang gánh kĩu kịt hai thùng nước sóng sánh theo nhịp bước chân. 

 Một lần nào đó trước khi ghé vào nhà bác, tôi đi vòng ra hông nhà, miệng giếng đã được đậy bằng một cái nắp gỗ to tròn, dầy và nặng chình chịch. Nhìn quanh không một bóng người. Tôi khom lưng ra sức đẩy cái nắp gỗ qua một bên, nhìn vào giếng. Nước giếng vẫn đầy, vẫn trong nhưng người ta không còn dùng nữa.

 Bác tôi dọn nhà đi nơi khác, tôi không còn dịp để ghé thăm và nhìn lại cái giếng. Nhưng cuộc đời đưa đẩy, sau đó gia đình tôi lại dọn về xóm này, cái giếng nằm xéo xéo trước cửa nhà. Từ trong sân nhà là tôi nhìn thấy cái giếng.

 Dù không còn dùng đến nước giếng nhưng bao năm tháng trôi qua, không một ai nghĩ đến việc lấp giếng. Nó cứ nằm im lìm ở đấy, chứng kiến bao thăng trầm của đất nước, đưa tiễn người đi níu lòng kẻ ở, nhìn đám trẻ mới ngày nào còn ẵm ngửa giờ đã trưởng thành.

 Cây đa, giếng gạch, sân đình.... Cây đa thì không, sân đình cũng chẳng có nên cái giếng già nua, cũ kỹ nằm cô đơn, buồn thỉu buồn thiu. Chẳng bao giờ thấy cặp trai gái nào hò hẹn với nhau bên bờ giếng. Chỉ có đám con gái tụi tôi thỉnh thoảng rủ nhau ra ngồi nhâm nhi chén me ngào, hay hít hà bên đĩa xoài tượng chấm mắm đường cay xè.... Người qua kẻ lại, chẳng ai buồn liếc mắt.

 Nhưng có một ngày..... trời tờ mờ sáng đã thấy một người đàn bà ở xóm ngoài đứng tần ngần bên bờ giếng, trên tay bà ôm một gói đồ nhỏ. Nhìn trước trông sau, bà nhẹ khom người đẩy cái nắp gỗ nhích sang một bên. Có vẻ lưỡng lự, bà hết nhìn gói đồ rồi lại nhìn vào giếng, dường như bà luyến tiếc vật gì được bọc trong đó, cuối cùng bà ném gói đồ xuống giếng rồi kéo cái nắp gỗ trở lại như cũ. Hình như bà có vén tay áo lau nước mắt.

Cũng ngày hôm ấy, nắp giếng được mở ra năm bảy lần. Từng bọc đồ hoặc vài món vật dụng được ném vào lòng giếng. Có người nét mặt sợ sệt, lấm la lấm lét. Có người buồn bã, đôi mắt đỏ au. Nói chung, tất cả đều buồn rũ rượi, phảng phất vẻ hoang mang lo lắng. Không ngẫu nhiên mà người ta cùng chung ý tưởng nhớ đến cái giếng lâu nay bị quên lãng.

Vài người tò mò, mở nắp giếng xem người ta bỏ xuống những gì. Thấy nổi lều bều trên mặt nước những gói đồ to nhỏ được bao bọc bằng những túi nylon và ràng buộc cẩn thận. Chắc họ hy vọng ngày nào đó nó sẽ được vớt lên, sẽ Châu về Hợp Phố?

Rồi người ta thì thầm kháo nhau, ấp ủ trong lòng giếng bây giờ là những bộ quân phục, những quân hàm, những huân chương.... Đó là ngày 01/05/1975. 

 

Hà Lê


Joomla Hosting and Maintenance by Cybersalt

Copyright © 2014-2024. VietVancouver, All rights reserved