Gió sang mùa
Vũ Đình Kh
Ông giáo Hiến đứng săm soi trước cái gương con tròn, loang lổ tróc sơn quanh vành. Ông sửa cổ áo, thắt lại nút cà-vạt cho chắc hơn chút nữa, để che lấp màu vàng bệt bạt ngang sống cổ áo bên trong. Ông vuốt vuốt mớ tóc không còn bao nhiêu sợi, cố che cái trán sói trơn láng và rộng. Ông xỏ đôi giầy cũ, lấy cây gậy, đội cái nón nỉ đen rộng vành.
Đó là những đồ 'trang sức' cách đây hai mươi mấy năm trước, ông vô tình bỏ quên theo thời gian thăng trầm. Hồi đó, những thứ này ông có hàng chục cái để thay đổi mỗi khi ra đường hoặc đến trường. Rồi mọi thứ cứ dần chun vào chợ trời đổi bằng những bữa ăn tẻ nhạt, dè sẻn. Gọi chợ trời cho oai, chứ cái phố ông đang ở bao lớn để được gọi là chợ trời? Chợ chồm hổm đúng hơn! Cái nhà lồng chợ chút xíu, ông đi qua bà đi lại thấy cả mặt nhau từ đầu chợ đến cuối chợ. Ai muốn bán thứ gì cứ mang tới, để đó chờ người mua. Khi ông được thu dụng cho đi dạy lại, thì mọi thứ trong nhà hầu như chẳng còn gì, ngoài chiếc xe đạp thổ tả chẳng ai nỡ mua, vì biết ông là giáo chức còn cần chiếc xe đây đó. Nay chiếc xe ấy cũng chui luôn vô bụng hai vợ chồng già đều nghỉ hưu ăn lương nhà nước. Ông nghỉ trước, vài năm đến bà.
Ông Hiến soi gương lần nữa, nhìn vợ:
- Thế cũng tạm! Bà xem tôi có còn đẹp lão lắm không? Hồi đó bộ vía này hơi chật, nay khít khao, mặc cũng thoải mái chán. Dễ mấy mươi năm mới mặc veston bà nhỉ?
Bà giáo mỉm cười hiền từ:
- Làm gì mà mấy mươi năm dữ vậy ông. Chỉ hơn hai chục năm! Ông trời còn thương ông. Hồi đó, tui đem ra bán, ai cũng chê cái màu xám hơi sáng, không hợp với thời đại lúc bấy giờ, nên còn cho ông mặc ấy chứ. Mấy giờ tiệc cưới bắt đầu mà ông chưa đi?
- Cũng gần nhà, chưa muộn. Bà đưa tôi năm chục ngàn, đi cưới.
Bà giáo nhảy nhỏm:
- Chi dữ vậy ông. Đi in ít thôi! Tôi với ông sống nhờ vào tiền hưu có bao nhiêu, mà xài sang? Thằng Lén là học trò mình, lại là Việt kiều về nước cưới vợ, nó khối chi tiền, đâu cần ông cho. Cái tình là hơn ông ạ! Đi hai chục ngàn là đủ. Nó cũng phải biết mà thông cảm chứ!
- Bà nói lạ! Đi hai chục ngàn cho thiên hạ nó chửi tôi với bà ấy à? Tôi với bà dù sao cũng đã từng là thầy cô giáo thằng Lén mấy năm. Bà tưởng năm chục ngàn lớn lắm chắc? Uống chưa tới năm chai bia 'nội' đó bà!
Bà giáo buồn não ruột, lần tay vào bụng mở cây kim gút, lấy tiền đưa chồng, cố vớt vát:
- Năm chục ngàn với người ta không lớn! Chớ với mình... Lương hưu của tôi và ông gộp lại gần nửa triệu, không bằng thiên hạ uống rượu cho sướng một đêm. Nửa triệu! Chao ôi, nghe như là triệu phú ấy.
- Bà sao chì chiết! Dù sao mình cũng là dân nhà giáo. Giáo dục đó mà! Còn mặt mũi mình nữa chi. Thiên hạ đa sự đó bà! Bà còn bao nhiêu mà nói không đủ chi tiêu tới cuối tháng? Mà bà ăn gì chưa? Bà ráng mà giữ gìn sức khỏe. Tôi thấy dạo này bà ốm dữ và hay ho đêm lắm.
Bà giáo không trả lời, lủi thủi đi xuống bếp...
- Trong nhà chẳng còn thứ gì đáng kêu để bán sống qua ngày. Ông ở đó mà còn lo liệu. Chỉ còn có đôi liễn đó thôi.
Ông Hiến nhìn lên cái bàn thờ gia tiên xiêu vẹo, lạnh lẽo không khói nhang. Hai bên là hai cây cột to bằng vòng tay ôm người lớn, ở mỗi cột là một tấm liễn có câu đối bằng chữ nho, mỗi chữ to như cái bát ăn cơm, mà ông không hiểu ý nghĩa của nó. Mỗi tấm chiều dài hai thước, ngang một thước, chữ thật tháu rồng bay phượng múa, nét phóng như cắt. Xung quanh tấm liễn là những đường hình hoa văn ngoằng ngoèo, lồng trong đó là những hình nhân, hình ngựa v.v... bé tí nhìn rất sống động như cảnh thật ngoài đời thời xưa. Tấm bên phải, người cỡi ngựa đi đầu là một dũng tướng vung kiếm ngang trời chỉ về phía trước, ở đó có những thành quách cổ xưa vua chúa tọa lạc. Những người đi bộ phía sau tay cầm giáo mác, quần túm xà cột ngang mắt cá chân, cứ hai người đi vai khiêng một cái võng. Tấm bên trái khắc cảnh ngày vu quy, ngựa anh đi trước võng nàng theo sau, cùng đám binh sĩ che tàn lộng tán trông rất sắc xảo, thanh nhã. Những hình nhân và ngựa bé tí ấy được khắc, cẩn bằng xà cừ thật khéo tay, đẹp mắt. Ông Hiến không nhớ đôi liễn treo trên hai cái cột gỗ mun đã bao nhiêu năm? Thật tình ông không biết. Ông đã thấy nó treo đóng dính trên đó tự bao giờ, như một sự hiển nhiên. Thuở bé, ông có tò mò hỏi nhưng cha ông cũng lắc đầu. Cha ông cũng chỉ biết và thấy đôi liễn như ông giáo Hiến thấy nó. Đôi liễn này như chứng tích của một thời đại đã qua. Sau, khi đã là giáo chức ông Hiến cũng không mấy để ý đôi liễn ngụ ý gì. Là giáo sư Toán, ông ít chú ý về tranh, liễn mà chỉ dồn thời giờ cho những tháng dạy hè tại gia. Rồi thay đổi chính quyền. Thời gian bị nghỉ dạy, vợ chồng ông giáo đã tính bán đôi liễn này nhiều lần, nhưng thấy tiếc, lại thôi. Mới đây hai tháng, ông Thuận, người cùng phố đòi mua bằng hai cây vàng. Hai cây vàng, với vợ chồng ông giáo lớn lắm, nhưng ông đang suy nghĩ chưa muốn bán. Hai vợ chồng không con cái, chỉ có nuôi mỗi con chó cái độc nhất mà cũng không đẻ đái gì như chủ. Nó đi lẩn quẩn quanh căn nhà nhỏ, ở một thị trấn nhỏ, không vườn tược gì cả.
***
Phía trước nhà là con quốc lộ Số 1 xe cộ ngược xuôi tấp nập cả ngày lẫn đêm; đàng sau là những cánh đồng lúa bạt ngàn với những ao hồ. Đám cưới quê không ra quê, thành thị không ra thành thị, và văn minh lại càng không ra văn minh. Chủ nhân căn nhà có con là Việt kiều về nước cưới vợ, mướn một dàn nhạc về thổi kèn ò e dưới những tán dừa! Chàng rể thì bê về cái dàn máy stéreo thật hiện đại, mở nhạc kích động om sòm từ trong nhà vang ra, cả xóm đều nghe ong ỏng điếc con ráy! Tiếng thổi kèn ò e nghe như chửi tiếng nhạc xập xình, và ngược lại. Chàng rể chừng như giận cha mẹ, anh em hàng xóm, thỉnh thoảng vặn nhạc to lên át cả tiềng kèn ò e. Ban nhạc ngừng. Mấy ông già nhìn nhau lắc đầu ngao ngán, đoạn cố ngóng cổ thổi thật to. Âm thanh dàn máy tối tân được chỉnh nhỏ đâu mươi phút, lại nổi dậy chát chúa như đòi quyền sống, ào ạt lướt tiếng kèn ò e. Ban nhạc lại ngừng. Mấy ông già lại cố thổi thật to nổi cả gân cổ. Cứ thế như một trò đùa dai, đầy hào hứng. Đám con nít bu quanh, vỗ tay chí chóe... Một anh thanh niên nói với bạn:
- Thằng đế quốc Mỹ lai căng đang hãm hiếp đàn bà Việt Nam, giống như chủ của nó! Mẹ, khơi khơi từ đâu sau hơn mươi năm trốn biệt nghĩa vụ quân sự, nay về cưới con Thúy đẹp nhất phố!
- Đẹp thì có đẹp! Có tiền là mua được Hằng Nga. Nhưng con ấy nó 'lủng nồi' với nhiều thằng! Cả phố ai mà chả biết, nên mới ế chồng!
- Mấy thằng đế quốc nó cần chi nồi lủng với chả không lủng. Tụi này là thứ hổ lốn khát khao đàn bà! Đẹp là tụi nó chụp ngay!
- Tại sao?
- Đẹp, qua bển khỏi tốn tiền sửa sắc đẹp, khà khà...
- Còn cái 'nồi lủng'?
- Vá! Nồi nào mà chả lủng! Mày coi con Thúy đó, cái tướng nó đi uốn éo như rắn, hai chân dài ngoằng. Cái tướng này sách xưa nói là tướng dâm và làm cái chuyện kia không bao giờ biết mỏi mệt. Cái nồi của con Thủy muốn vá thì sau này vá mấy hồi, dễ ợt...
- Nè, tai vách mạch rừng! Đừng ăn nói bậy bạ, đồ ma quỷ hiện hình! - Ông già ngồi bên nghe ngóng nãy giờ, trừng mắt. Bọn con trai chợt im re, lảng chuyện khác.
Dưới những tàn dừa râm mát chủ căn nhà cho giăng bạt trên cao che nắng. Những giây bằng giấy ngũ sắc treo đan chéo nhau, có móc những trái bong bóng đủ màu. Tiếng nói chuyện râm ran trong tiếng ò e như kêu gào thảm khốc của một thời xa xưa vắng bóng nay có dịp thịnh hành sau thời đổi mới, tiếng nhạc xập xình, gầm rú ở một chốn đồng quê gần như thanh tịnh nếu không có con Quốc lộ 1 trước mắt. Họ nhà trai đang đãi tiệc, khách đã chật đầy cả một khoảng sân lớn, người vào bắt đầu thưa đi.
Ông Hiến bước vào lúc tiệc vừa bắt đầu ngoài sân. Nhiều người đứng dậy chào ông:
- Chào cụ giáo!
- Chào thầy ạ!
Ông Hiến chống gậy chào lại, rồi đi thẳng vào nhà. Ông Thuận, chủ nhân đang tiếp khách, vội chạy ra chào khi ông Hiến tới bực cửa.
- Chào ông giáo! Cám ơn ông đã đến dự tiệc cưới thằng Lén. Giá mà ông đến sớm để chụp ảnh lưu niệm với cô dâu chú rể thì vinh hạnh cho cháu nó quá. Nó cứ chờ ông giáo mãi. Mời ông giáo vào...
Mọi người đang chuyện trò chợt ngưng ngang, đứng dậy chào ông giáo Hiến. Mỗi người một câu. Ông Hiến hả hê. Ở đây ông là giáo sư lâu đời nhất, có biết bao thanh niên trong làng này học qua ông, đã là ông này bà nọ của cả hai chính quyền trước sau. Ông vung tay nói vài câu khiêm cung, đoạn ngồi xuống.
Chủ nhân gọi:
- Anh Lén đâu? Có ông giáo đến, mau lên chào thầy.
Chủ nhân kêu mấy bận, một thanh niên trạc hơn 30 tuổi ngoài, mặc veston màu mè thời trang từ dưới nhà chạy lên. Anh nghiêm nghị đến nực cười, cúi người thưa:
- Chào thầy. Thầy vẫn khỏe ạ? Mấy hôm trước, con có ghé lên thầy, nhưng cô nói thầy đi vắng, con đành để lại tấm thiệp cưới rồi lu bu con cũng quên đến vấn an thầy. Xin thầy tha lỗi cho ạ!
- Anh Lén bây giờ nói năng trông chững chạc ra nhỉ. Đúng là Việt kiều về nước! Không như hồi đó, cứ nói bằng roi mây, thước bảng với quỳ sơ mít! Mà bây giờ anh làm gì bên ấy?
- Thưa thầy, con làm kỹ sư cho hãng máy bay ạ.
Ông Thuận nhìn thằng con Việt kiều ngạc nhiên. Ông không hiểu sao, có khi nó nói là kỹ sư, lại đôi lúc nó bảo đang học lấy cái Cao học kinh tế, lại có khi nói có cái cửa hàng điện tử lớn ở chợ trời bên ấy, rồi có lần nó nói là kẻ sưu tầm đồ cổ! Ôi, thằng con ông sao nó tài giỏi thế? Nó bá nghệ! Nhưng đến khi vợ ông xin tiền cất nhà lầu thì nó dẫy nẫy, nó bảo nó làm nghề cờ-lin (clean) làm gì có tiền! Ông không hiểu cờ-lin là cái nghề ngỗng gì bên xứ ấy. Có hỏi, nó nói tiếng Việt không có dịch ra được chữ đó, ông đành chịu.
- Thế, chắc làm ăn cũng khá chớ anh Lén?
- Dạ, thưa thầy, khá ạ. - Hắn ngập ngừng, đoạn nói. - Thưa thầy, tên con bây giờ là Lenny ạ!
- Cái gì? Đổi tên rồi à? Cái gì... ny?
- Dạ, Lenny ạ. Tên Mỹ, thưa thầy!
- Ừ, tôi quên. Anh bây giờ đúng là Mỹ! Anh ny... cái gì ny nhỉ?
- Dạ, Lenny!
- Cái tên khó kêu quá nhỉ! Sao hồi đó anh không chọn tên Bob với Dick cho tiện, dễ kêu hơn (Vài tiếng cười khục khục bên cạnh khi nghe hai tiếng bóp đít). Ừ, anh Lên-ny. Hôm nay là ngày cưới của anh, tôi cũng chả có gì ngoài tấm lòng và chút tiền này gọi là mừng vợ chồng anh, mong anh đừng chấp của ít mà lòng nhiều.
Ông Hiến vừa nói vừa lục túi áo veston, lấy ra tờ giấy xanh thẳng thớm, trao. Anh Việt kiều ngớ mặt ra như chưa từng thấy ai đi tiền cưới một cách sỗ sàng như vậy. Ở ngoại quốc người ta lịch sự bỏ tiền vào bì thư. Hắn chưa biết xử trí ra sao, ông Thuận đã đứng ra:
- Bẩm ông giáo. Ông đến đây đã là hãnh diện cho gia đình tôi lắm rồi. Tôi thay mặt cháu cám ơn ông nhiều. Nhưng xin ông hãy giữ số tiền này lại. Lương hưu của ông đã chẳng bao nhiêu mà cho cháu nhiều vậy, tôi ngại quá, thưa ông giáo. Xin ông giáo cất cho ạ.
- Ông lầm rồi, ông Thuận ạ! Tôi bao đời làm nghề giáo, bao nhiêu đây so ra là bao cái thu nhặt của tôi có sau hơn bốn mươi năm dạy học. Ông nên cầm cho tôi vui chứ ít nhiều mà làm chi. Cho cháu nó vui. Vâng, cho cháu nó vui, ông Thuận ạ. Dù gì, tôi cũng là thầy giáo nó. Cổ nhân nói, bán tự vi sư mà. Cái tình thầy trò nó vẫn hơn, phải không ông?
Hai bên cứ kèo qua kèo lại, rốt cuộc ông Thuận cũng đưa hai tay nhận lấy tiền một cách trịnh trọng. Ông đưa cho chàng rể. Anh Việt kiều, cầm tờ giấy bạc không cần nhìn đút vào túi quần nói cảm ơn luôn miệng.
- Ông giáo vậy mà cũng còn khá đấy nhỉ! Những năm chục ngàn.
Vài tiếng xì xào, ông Hiến thấy hài lòng. Ông hả hê, khoan thai đi cùng chủ nhân tới cái bàn lớn đặt giữa nhà khoản đãi khách đặc biệt.
Tiệc bắt đầu. Người ta ít nói hơn khi những mâm thịt ú hụ vừa mang lên. Tiếng muỗng nĩa va chạm lốc cốc, lanh canh; tiếng khui bia lốp bốp. Người ta cắm cúi ăn một cách chăm chỉ... Chỉ còn kèn ò e là vẫn vang vang ngoài sân. Nhạc xập xình thì tắt ngúm từ lâu.
***
Đã mấy hôm trời mưa tầm tã. Nước từ thượng nguồn tuôn về như thác lũ, ruộng không thoát kịp, ngập các cánh đồng. Rồi sông cũng đầy, ao cũng ngập. Bắt đầu lụt. Mấy năm nay thật lạ... Mưa gió bất hòa. Nóng như đổ lửa trên đầu, liền đó mưa ào ạt đổ, làm nhà nông khó biết cơ trời. Lũ trẻ chặt chuối, xiêng cây đóng bè chèo trên phố la ó vang trời mặc người lớn lo toan oằn người. Nhà ông giáo Hiến nước dâng cao ngang mí cạnh giường. Ông phải kê hai tấm ván để sẵn bao đời dọc thành giường cho cao hơn để bà giáo nằm. Bà giáo mới trở bệnh, cứ ho sù sụ khum cả người. Ở tuổi sáu mươi mà trông bà già hẳn đi. Hôm trước, ông Hiến lại hiến mớ tiền để cúng đình, bây giờ thì trong nhà sạch bách. Theo cả hai nghĩa, sạch từ trong ra ngoài, chỉ trừ đôi liễn treo trên cột như một thử thách thời gian.
Bà giáo lại ho. Ông Hiến nhìn vợ, lo lắng:
- Tôi đã nói bà nhiều lần. Ăn uống là việc cần thiết, mà bà có nghe tôi! Bây giờ thì bệnh rũ ra. Bà đưa tôi tiền, tôi nhờ bọn nhỏ nó mua thuốc cho bà uống.
- Tiền đâu nữa mà đưa cho ông đi mua thuốc? - Bà giáo trăn trở nhìn vào vách trả lời, không nhìn chồng.
- Chưa tới cuối tháng, hết tiền rồi? Sao bà tiêu hoang thế nhỉ. Rồi tiền đâu thuốc thang?
- Tiền ấy nó vào tay ông tiêu vào những cái vô bổ.
- Cơ khổ! Cái gì vô bổ? Mà sao bà không cho tôi biết chứ?
- Biết! Rồi ông có ngưng tay vung tiền qua cửa sổ? Sao khổ thế này không biết. Mỗi năm trời hành cứ lụt lội triền miên, lo cái ăn sao mà thảm thiết quá, ông ơi!
Vừa khi ấy có tiếng mái chèo khua trôi vào nhà. Lenny xuất hiện trước cánh cửa lớn. Hắn ngồi trước mũi chiếc ghe tam bản nhỏ xíu, tay cắp cái thúng con con phủ mảnh lá chuối xanh. Ngồi đằng sau là ông Thuận đang quậy mái chèo, cố giữ chiếc ghe khỏi trôi theo dòng nước đang tuôn ra cánh đồng phía sau nhà.
- Thưa thầy! Lụt đã mấy hôm, không thấy thầy qua chơi, ba con nôn nóng quá mới chèo ghe qua thăm thầy. Nhân dịp, gửi thầy chút ít đồ ăn, để gọi là.
Ông Thuận chèo luôn chiếc ghe nhỏ vào cánh cửa nhà ông giáo Hiến, tránh dòng nước lũ tuôn cuồn cuộn. Bà giáo ngồi dậy, vấn tóc ho sù sụ, chào ông Thuận. Ông Hiến đỡ lấy cái thúng con, nói:
- Cám ơn ông Thuận. Anh nó về khá lâu rồi, sao chưa về bên ấy?
- Ấy, cháu nó tính đi hôm kia kìa ông giáo. Ai dè mưa cứ như cầm chĩnh đổ, rồi lụt. Lụt cả miền Trung ông giáo ơi! Coi truyền hình thấy ở ngoài Huế nhiều người chết lắm. Người ta bảo, đây là cơn lụt của thế kỷ. Bởi vậy hôm nay, tôi nảy ra ý định sang đây rủ ông giáo đi xin tiền cứu trợ bão lụt miền Trung. Chỉ ông giáo là có đủ tiếng tăm để làm việc từ thiện này; chớ trong phố có ai hơn ông? Nghe nói ở Nha Trang, người ta quyên góp cũng nhiều lắm. Ông giáo nghĩ sao?
- Vâng. Mỗi người một tay. Lá lành đùm lá rách, ông Thuận ạ. Nhưng tôi với ông làm sao đi được? Lũ lụt thế này?
- Tôi đã nghĩ rồi ông giáo. Thằng Lên-ny là Việt kiều với ông là nhà giáo sẽ xin tiền. Còn tôi sẽ chèo ghe quanh phố, chẳng lẽ xin bà con chòm xóm không được ít nhiều? Việt kiều nó còn biết thương đồng bào miền Trung mình, chẳng lẽ người mình ở trong nước lại không thương yêu đùm bọc nhau hơn bên ngoài, ông giáo nhỉ.
- Vâng, đó cũng là một ý kiến độc đáo. Bao giờ mình bắt đầu, ông Thuận?
- Ngày mai ông giáo nhé. Thôi chào ông...
***
Nước đã rút mấy hôm, trơ ra mảnh đất lầy lội bùn non và rác rưởi trong cái phố nhỏ tí. Bọn con nít hết trò để chơi, tháo bè, lột mấy lớp vỏ ngoài thân cây chuối, thái mỏng cho lợn ăn. Cảnh lụt lội vẫn còn, nhưng chỉ thấy qua đài truyền hình, ở tận ngoài kia. Miền Trung với cái eo khắc khổ, tọp tẹo trên thân hình chữ S năm nào cũng lụt to.
Mấy hôm rồi, ông Hiến như người mất hồn vía. Trận lụt vừa qua, ông và cha con thằng Lén Việt kiều đi khắp cái thị trấn. Số tiền xin được cũng khá lớn. Hôm tuyên bố số tiền lên tới ba chục triệu, ông Hiến được xã tặng bằng khen với dấu đóng đỏ lòe. Đó là cái bằng đỏ! Người ta công kênh ông và thằng Lén Việt kiều đi khắp nẻo đường. Thằng Lén đang lúc ngồi công kênh trên lưng dân làng, liền móc ví ra một tờ đô Mỹ mang số 100 ra tặng nạn nhân bão lụt miền Trung. Trong cơn hưng phấn tột đỉnh, ông Hiến cũng tuyên bố sẽ tặng một số tiền là hai triệu đồng, gấp đôi thằng học trò Việt kiều của ông!
Khi bước chân của ông trở về trước cổng nhà, lúc đó cơn mê sảng cũng vừa rũ xuống theo cái bụng đói meo. Ông Hiến bàng hoàng! Những hai triệu đồng! Ai đã tuyên bố câu đó nhỉ? Có phải chính ông? Ông giáo của cái thị trấn Diên Khánh này! Hay đó là của thằng thích hào nhoáng bên ngoài của một con người đến thời mạt vận đã không nhớ đến hoàn cảnh khốn khó của mình? Trời ơi! Hai triệu đồng! Tiền đâu? Lời nói của một ông giáo, nào phải là đùa. Ông bước vào nhà mà hai đầu gối như muốn khụy xuống khi thấy bà giáo ngồi ho trên bộ ván, đang bóc vỏ củ khoai lang ăn. Mà ông khụy thật! Qua khỏi bậc cửa ông ngồi bệt xuống thềm, mặc bùn rác chung quanh chưa kịp quét dọn. Bà giáo ngơ ngác nhìn ông hỏi:
- Ông làm sao vậy?
- Tôi vừa tặng nạn nhân lũ lụt miền Trung hai triệu đồng! - Ông Hiến ngơ ngác nhìn vợ trả lời.
- Hảả! Tiền đâu ông tặng? - Bà giáo hả mồm rớt cả miếng khoai đang trệu trạo nhai.
- Tôi làm gì có tiền mà tặng! - Ông ủ ê trả lời vợ, mặt cắm xuống đất nhìn như muốn xuyên qua lớp bùn non.
- Vậy là ông hứa tặng, lại những hai triệu đồng? Tiền đâu? Ôi, trời ơi! Ông ơi, ông giết tôi đi cho rồi, cho sướng cái thân ông!
- Mình là nhà giáo mà bà! Giáo dục đó mà!
Bà Giáo bắt đầu khóc. Bà khóc bù lu bù loa, rồi bất thình lình bà hất tóe rổ khoai văng vung vãi dưới bùn. Bà nổi cơn điên:
- Giáo dục cái gì!? Giáo dục mà tôi với ông thiếu ăn hơn hai chục năm nay? Giáo dục mà tôi bệnh sắp ra ma không có thuốc thang chạy chữa? Mồ cha cái giáo dục!
Mặt ông Hiến tái hẳn. Từ tái đã sang màu bầm. Từ màu bầm, mặt ông nó đen đúa thêm ra, môi rung rung, hai tai giật giật. Ông cố nén cơn giận... Ông nhìn quanh quất như tìm kiếm một cái gì đó. Lần đầu trong đời ông Hiến thấy sợ bà, người vợ đầu ắp tay gối gần suốt một đời người chưa bao giờ dám đôi co ông nửa tiếng, nói chi là cơn tam bành lục tặc như bây giờ. Như tình cờ, ông Hiến nhìn lên đôi liễn. Ông chợt rũ người ra. Cái rũ người của sự thỏa mãn vừa thoát một tai ương.
***
- Ông Thuận, mấy tháng trước ông đòi mua đôi liễn này hai cây vàng kia mà! Giờ sao ông chỉ muốn trả có một cây?
- Ông Hiến ạ. Hồi đó tôi lỡ lời, vì đâu biết giá trị của tranh, liễn. Thằng Lên-ny nó bảo, tranh bên Canada nhiều và rẻ hơn ở đây và tha hồ mà chọn. Hồi trước tôi trả giá mua là tính gửi sang cho nó treo chơi. Bây giờ nó về, nó dạo khắp Nha Trang dưới chợ Đầm thấy nhiều bức tranh, liễn cũng to như thế này mà giá chưa tới hai trăm đô, ông ạ. Ông giáo thông cảm cho...
- Dạ. Đúng đó thưa thầy. Tranh liễn bây giờ rẻ lắm, bày bán khắp nơi dưới chợ Đầm Nha Trang. Bên Canada cũng vậy. Họ bày bán khắp các chợ Việt Nam. Không chỉ Canada mà nước nào cũng có đầy cả. Nhất là bên Mỹ lại càng rẻ hơn! Con cố tình mua giùm thầy, là muốn giúp thầy đó thôi. Thôi thế này, con trả thầy năm trăm tiền Mỹ, hơn cả một lạng vàng, coi như con vừa mua vừa tặng thầy tiền ủng hộ bão lụt miền Trung.
Ông Hiến như người mất cả hồn. Ông trơ ra, nhận tiền từ tay thằng học trò Việt kiều. Nó bắt cái bí của ông.
***
Ông Hiến ngồi và nhìn hai cây cột đang trống trải. Căn nhà vốn âm u, giờ thêm hoang vắng mất cái trang nghiêm tộc tuệch trước kia. Bên cạnh ông, trên bàn một chồng sách cũ. Đó là những cuốn sách sử, ông vừa mua, viết về cuộc Nam tiến thuở xưa.
Bấy nhiêu năm dài, có bao giờ ông Hiến để ý tới đôi liễn.
Đến bây giờ ông mới thấy thắm thía cái mất mát của nó. Bằng một trí nhớ về chiều, ông những tưởng sẽ không nhớ hình dạng nó ra sao nữa. Nhưng như một phép lạ nhiệm màu, đôi liễn hiện mồn một trong ký ức ông. Thì ra nó đã ăn sâu vào ông từ lâu lắm rồi. Nó đã ở với ông bằng số tuổi đang đi ở cuộc đời. Hơn 60 năm nay, đây là lần đầu tiên ông để tâm nghiên cứu đôi liễn cổ xưa. Nhưng đã trễ! Ông lẩn thẩn bắc cái ghế đứng nhìn thật sát từng cây cột đen mun, nhìn đôi liễn tưởng tượng... Những hình nhân, hình vật, cảnh ngựa xe, lính thú hiện ra trong đầu óc ông rõ ràng. Từng nét cọ phóng bút, những chữ nho to bằng miệng bát, từng đường hoa văn nạm khắc chồng chéo lên nhau lấp lánh ánh xà cừ.
Ông giáo mất cả hồn phách. Dường như, từ xa lắng trong tâm khảm ông hiện ra một cái gì đó mù mờ lắm mà ông chưa kịp nghĩ ra. Đó là cội nguồn. Đó là lịch sử của một hệ tộc. Ông tiếc đôi liễn bao đời truyền lại đã qua tay người khác, mà ông lại là người đã tống tán nó đi trong cơn bĩ cực. Làm sao ăn nói với tổ tiên, với tộc họ! Phải chăng đây là một tấm vừa là tranh vừa là liễn, chưa từng thấy nhà ai có? Nó có từ bao giờ? Một trăm năm? Hai trăm năm? Hay dễ chừng hơn thế nữa? Và nó đến với gia đình ông bằng cách nào? Từ gia phả hệ tộc? Hay từ một ngẫu nhiên kỳ thú lạc loài? Quả ông không biết! Cả nguồn gốc, hệ tộc ông từ đâu tới cái quận lỵ Diên Khánh này, từ thuở đời nào chính ông cũng không biết. Chỉ biết, đến đời ông nội của ông thì gốc tích đã bị hủy diệt đi vì nghèo khó. Đến đời cha ông lại càng lận đận, nhưng cũng may cha ông đã ráng nuôi ông ăn học thành người. Cha của ông một chữ Nhất cũng đọc không ra. Ông đoán gốc tích chính của mình có thể là từ miệt Qui Nhơn, qua những cây côn, thế võ, bài quyền gia truyền mà người Bình Định truyền từ đời ông nội ông, cha ông. Đến đời ông thì hết. Cha của ông không muốn truyền tới ông vì nghĩ rằng cái chất võ biền của thời đại bấy giờ chỉ làm con người thêm ngu muội; nên mới dốc hết sức cho ông ăn học để đi gõ đầu trẻ sau này. Cái họ Nguyễn của ông thì cả cái xứ Việt Nam này nó lềnh khênh. Mà hai, ba trăm năm trước ai chả từ đằng Ngoài di cư vào đằng Trong?
Nhìn lại chồng sách sử, ông giáo sư môn Toán này thấy bàng hoàng. Hơn hai trăm năm trước, nơi đây đã từng xẩy ra những trận chiến long trời lở đất.
Thị trấn Diên Khánh, một quận nhỏ hiền hòa nằm vắt ngang quốc lộ số 1, đường xương sống từ Nam chí Bắc, khí hậu ôn hòa nhờ gió biển từ phía đông, Nha Trang, thổi lên, ba phía bao bọc bởi cao nguyên và rừng núi. Đất đai trù phú, cây trái bốn mùa. Ít bị tàn phá bởi chiến tranh hiện đại. Thế nên, Diên Khánh dường như bị bỏ quên trong lòng người, trong văn chương. Thế mà nơi đây cũng đã để lại những chiến tích oai hùng của một thời không xa lắm. Đó là bốn cửa: Đông, Tây, Nam, Bắc do Chúa Nguyễn ở đàng Trong xây lên cách đây hơn hai trăm năm trước, để chống lại nhà Tây Sơn, trong thời kỳ phôi thai đất nước bắt đầu chia hai. Ở mỗi hướng, nhà Chúa cho xây một cái thành kiên cố để chống giặc, mà ngày nay dân Diên Khánh gọi là Cửa. Cửa Đông, Cửa Tây, Cửa Nam, Cửa Bắc. Không hiểu vì sao mà sau này Cửa Nam và Cửa Bắc không còn nữa, chỉ còn sót lại hai cái nền đã hoang phế. Xưa kia người ta gọi Diên Khánh là Thành Diên Khánh, chứ không chỉ duy hai chữ Diên Khánh hay quận Diên Khánh như giờ. Hoặc người ta gọi Diên Khánh là ngã ba Diên Khánh hay tiện hơn là ngã ba Thành, hoặc phố Thành. Có rất nhiều người ở suốt cả một đời người như ông giáo Hiến đây, cũng không hiểu chữ Thành từ đâu ra!
Thành hay Cửa được xây đắp bằng những viên gạch chồng chất lên nhau. Có lẽ ngày xưa, Diên Khánh là đất có nhiều người Chàm sinh cư lạc nghiệp. Cách thức xây Thành khởi đầu là những viên gạch bằng đất sét trộn, chồng nhau rồi ủ rơm cây củi đốt để nung đất sét thành gạch. Rồi, những viên gạch nằm sát lên nhau khin khít, không thấy vết tô hồ hay vôi ở những đường kẽ. Đây là lối xây cất giống lối xây của người Chàm. Tháp Chàm ở Nha Trang cũng xây bằng cách này. Thành hay Cửa cao hai tầng, tầng trên bề ngang cũng khá rộng đủ để hai hàng lính, độ mươi người cầm giáo mác đi tuần tiễu, nhìn từ trên cao xuống dưới. Hai bên hông Thành có những bậc tam cấp cũng bằng gạch dính khít nhau đi lên lầu. Cũng có mái, có chóp bốn góc uốn cong. Bên dưới là con lộ chính đi vào Thành. Cổng Thành là một cái vòm vòng cung cao gần mươi thước và bề dày cũng gần mươi thước, nhìn giống một cái đường luồng thật lớn, mỗi khi gió thổi kêu u u nghe vui tai. Con lộ chính đi vào Thành, bắt đầu từ ngã ba Thành là con quốc lộ số 1 bây giờ -đó là Cửa Đông. Trước khi vào Cửa, hai bên con lộ lớn vừa phải có cái ao nước mỗi bên. Ở các Cửa khác cũng vậy, giống nhau về địa hình là hai cái ao. Điều đặc biệt là các Cửa nước thông liền nhau từ ao này sang ao kia tới vài cây số vuông, bọc Thành Diên Khánh nằm ở giữa như một cù lao. Ông Hiến nghĩ, chắc chắn đây là những cái ao nhân tạo do nhà Chúa Nguyễn hay những vị Vua trước sai khiến dân công đào để chứa nước, ngừa địch quân xông vào bằng đường bộ. Ao lớn và sâu lắm, dễ chừng sâu gần hai mươi thước và chiều dài thì gấp đôi, cuối ao là một rãnh nước nhỏ vài thước để nước các ao thông nhau, sau này bị lấp dần theo thời gian, thành ra ao bị tù động. Có những năm hạn hán, thời còn cặp sách đi học, ông Hiến thấy cả mặt ao, trơ đầy bùn đất. Muốn vào Cửa Thành hay nói rõ hơn muốn vào quận Diên Khánh bằng bất cứ hướng nào, chỉ có một con đường độc đạo với địa hình giống nhau như vậy, rất khó vào. Vì địa thế hiểm trở đó, một thời quân Tây Sơn từ Phú Xuân kéo vào vây đánh Thành Diên Khánh mấy lần, nhưng không thể nào đột phá được Cửa. Lần cuối cùng tướng Tây Sơn là Trần Quang Diệu đóng quân ngoài Thành định xông vào quyết sống mái với quân nhà Nguyễn một trận nữa, thì có lệnh của nhà Tây Sơn kêu về hộ giá. Rốt cuộc, để cuối đời chính Trần Quang Diệu và vợ là Bùi Thị Xuân bị Chúa Nguyễn Ánh vây bắt khi tiến quân ra Phú Xuân lấy thành Bình Định, lập nên nhà Nguyễn, xưng đế hiệu Gia Long rồi sửa soạn tiến quân ra chiếm lấy Thăng Long, sau nhiều năm cố thủ gần như kiệt quệ ở đằng Trong mà lập nên một đế chế mới sau này. Đó là thời mà triều đại đã tận của nhà Tây Sơn với vị Vua cuối cùng, Vua Quang Toản...
Ông Hiến ngẩn ngơ cho hồn về chốn xa xăm của hơn hai trăm năm trước, của những trận đánh kinh hồn nơi đây.
Vậy ông là con cháu dòng nào? Ông họ Nguyễn, người của nhà Chúa đàng Trong? Hay ông họ Nguyễn, người của Tây Sơn đàng Ngoài? Ông không biết! Đôi liễn mà mãi đến bây giờ, đọc sử ông mới biết đó là một lối khảm tranh bằng xà cừ của người Việt Nam từ thời xa xưa mà cho đến bây giờ vẫn còn lưu truyền. Và đôi liễn ấy, một tấm là sự tích của Vua Quang Trung khi tiến đánh chiếm thành Thăng Long, diệt họ Trịnh bằng cách hành quân thần tốc không có một vị vua nào trong lịch sử Việt Nam tài giỏi bằng. Tấm kia là cảnh Quang Trung được vua Lê ban thưởng cưới gả Công chúa Ngọc Hân, ngựa chàng đi trước, võng nàng theo sau, về Thành Phú Xuân. Đôi liễn ấy trong nhà ông có dính liền tới hệ tộc của ông trước kia, khi nhà Tây Sơn vây đánh Thành Diên Khánh?
***
Cuối năm của trận lụt thế kỷ, bà giáo Hiến bạo bệnh và qua đời.
Những ngày đầu Xuân năm Canh Thìn 2000, ở thị trấn Diên Khánh, người ta thường thấy một ông già, mặc bộ veston màu xám hơi sáng, đầu đội mũ nỉ đen rộng vành, mang giầy da há mõm, đứng trên Thành Diên Khánh chỉ huy đám lính tưởng tượng chống giặc thù. Ông vung gậy, sai lính lấy cung tên bắn, hoặc lăn đá, đổ dầu sôi nóng bỏng, trước những đoàn người ngựa cũng tưởng tưởng trùng điệp gươm đao giáo mác đang vây hãm Thành. Có lúc, ông chạy xuống dưới đường, ngước mặt nhìn lên Thành, khuỳnh hai tay như thách đố. Ông hò hét như một dũng tướng uy nghi! Và ông thổi còi toe toe. Có lúc ông nói ông là Đông Bình Vương Nguyễn Lữ, truyền lệnh gọi tướng Trần Quang Diệu vào tấn công Thành Diên Khánh. Lại có hôm, ông xưng ông chính là Chúa Nguyễn Ánh. Ông vung gậy khi thấy Trần Quang Diệu cùng vợ là Bùi Thị Xuân, ngồi trên thớt voi cầm loa kêu gọi quân nhà Nguyễn đầu hàng. Lúc ấy, mặt ông đỏ gay, mắt long lanh thù hận, ông đóng cả hai vai nhân vật, tuyên bố:
- Bớ thằng Lữ, thằng Huệ, thằng Diệu, con Xuân kia! Hãy về báo cho thằng Biện lại nhà quê Nguyễn Nhạc biết rằng: Khi mà Trẫm thu tóm giang sơn này về một mối một giềng, Trẫm sẽ chặt đầu, bổ đôi sọ cả dòng họ nhà chúng mày làm bô đựng nước đái! Quân bây, đâu? Bắn tên, đổ dầu, lăn đá! Giết!
- Tên Vua hề mất đất, thối tha kia! Ngươi những tưởng ngươi cõng rắn cắn gà nhà ta không biết sao? Ngươi gửi thằng nhóc Cảnh cho Bá Đa Lộc đem sang nước Tây dương, định rước bọn rợ Bạch quỉ về dày mả cha ông, ngươi còn chối chăng? Lính đâu? Tấn công Thành. Sáát!
Khí thế bừng bừng. Khi không thấy binh sĩ hai phía trả lời, ông già phẫn nộ hét vang:
- Sát! Sáát giặc thù!
Ông vung gậy chĩa ngang trời, miệng thổi còi, ra lệnh xuất quân. Ông chạy tọt vô Thành! Ông hùng hục nhảy từng hai ba bậc thang, chạy lên tầng trên.
Ở đó trống vắng, không một bóng giặc thù! Chỉ có vài ngọn cỏ mọc lơ thơ, đâm ra từ vách Thành đang đến hồi mục nát trong hoang phế muôn đời. Vài cánh chim đập cánh bay lao xao, bay đi...
Giặc là ai? Giặc đàng Ngoài? Giặc đàng Trong? Chính ông cũng không biết!
Điều duy nhất ông biết: Ông chính là họ Nguyễn và đang đánh lại họ Nguyễn.
Gió thổi vào cái vòm hình vòng cung Thành Diên Khánh, lại vang lên...
Xuân này, Xuân của một Thiên niên kỷ mới bắt đầu. Nhưng tiếng u u nghe như tiếng ma gào của những oan hồn đã chết cách đây hơn hai trăm năm, vì cái Thành Diên Khánh vô tri vô giác này, thì ông giáo Hiến chưa bao giờ nghe thấy trong văn chương nghệ thuật. Ít nhất, cũng trong hơn 60 năm cuộc đời ông...
Một cái Thành đã bị bỏ quên, không một ai muốn nhắc đến dù là một di tích lịch sử.
Một đôi liễn hai trăm năm non, ông không thèm nhìn đến. Bây giờ đôi liễn mất, ông thành kẻ cuồng trí, tìm theo về cội nguồn ở tuổi quá 60, trong những hoang tàn, xiêu vẹo của thành quách xưa cũ.
Ngoài kia, những cơn gió đầu Xuân bỗng trở mùa, gào thét.
Gió miên man thổi, thổi không ngừng.
Vũ Đình Kh