GIỌT LỆ LINH LAN

Gió Vivu

 

Tôi không tin “tên” của một người ảnh hưởng đến số mệnh. Vì có một số người đổi tên nhưng “mèo vẫn hoàn mèo”, số phận hay vận mệnh cũng không thay đổi; có những người, tên lại đi ngược với số mệnh trong đời.

 

Tên cô là Linh Lan. Cha mẹ đặt cho cô một cái tên đẹp với ước mong cô sẽ sống an vui, hạnh phúc như ý nghĩa của một bông hoa nhỏ hình chuông, trắng tinh khiết, thơm ngọt ngào. Nhưng có người lại cho rằng hoa linh lan mọc lên từ nước mắt của Mẹ Mary khóc thương Jesus bị đóng đinh trên thập tự giá, hay là nước mắt của Eva khi bị đuổi khỏi vườn Địa Đàng…

Năm 1954, bốn tuổi, cô theo gia đình di cư vào Nam khi hiệp định Geneve được ký kết. Lớn lên ở Sài Gòn, cô vẫn mang một nét đẹp thanh nhã, đoan trang và cao sang của người Hà Nội. Đôi mắt to tròn, ngoan hiền như đôi mắt bò non, khuôn mặt trái soan với làn da trắng và nụ cười hiền hòa đáng yêu. Cô nhìn thánh thiện, dịu dàng, nhân hậu nhưng đôi mắt lại ướt long lanh khiến bao người mong đợi … “thuyền anh bơi lội trong lòng mắt em”.

Người anh của cô đã tử trận trong cuộc chiến đỏ lửa vào năm 1972, cuộc nội chiến huynh đệ tương tàn đã gây bao thống khổ... Những bà mẹ sống mà luôn canh cánh bên lòng nghĩ đến những đứa con ở chiến trường xa, rồi “Đại bác đêm đêm vọng về thành phố”... Sống trên một đất nước đầy chinh chiến, giọt nước mắt đau thương của những bà mẹ chan chứa một tình yêu không bút bực nào tả hết. Những bà mẹ, ông bố đau đớn khi đứa con trở về trong chiếc quan tài hay trên đôi nạng gỗ,… Rồi có những trẻ thơ chưa sinh ra đời, cha đã phơi thây ngoài chiến địa, vợ không chồng, con không cha, và cô nhi chiến tranh thiếu tình thương, sống buồn khổ trong trại mồ côi. Ôi! thân phận con người trong chiến tranh sao lắm khổ đau! Nỗi khổ đau của cuộc sống đã lấn át đi niềm vui, nhiều đến nỗi niềm vui như không còn tồn tại hay hiện hữu. Đời thì buồn…!?

Từ thuở bé cô đã muốn vào dòng tu, cô được gởi vào một tu viện ở Đà Lạt. Học làm y tá, mong sẽ đem bàn tay nhân ái xoa dịu nỗi đau trần thế và cô rất yêu quý trẻ con nhất là trẻ mồ côi. Những năm cuối trước khi khấn dòng để dâng mình sống cuộc đời thánh hiến, cô phải dấn thân vào đời để trải nghiệm thử thách, mong sao không sa ngã trước cám dỗ. Cô thường giúp đỡ, chăm sóc trẻ ở những cô nhi viện và làm y tá ở bệnh viện Grall (còn gọi là Đồn Đất, nay là Nhi Đồng).

Chú Hoàng là em út của bố tôi, rời Hà Nội năm lên mười bốn chưa hề biết yêu.  Chú lo học làm bác sĩ nên đã “già” mà chẳng có một tí tình vắt vai. Chú cao ráo, bảnh trai, nhiều người yêu quý, theo đuổi hoặc muốn gả con cho chú. Nhưng, ngoài học hành và công việc, chú ưa yên tĩnh, thích nhạc cổ điển và tình ca quê hương. Anh chị tôi thường cười nhạo “cứ sống như một ông cụ thì không ai dám yêu chú đâu, bị ế chề ế nhệ cho coi!”

Cô Lan và chú Hoàng cùng làm ở bệnh viện Grall nhưng khác khoa, duyên nợ thế nào mà vào một buổi chiều đẹp trời… chú Hoàng lang thang ra ghế đá ở khu vườn của bệnh viện gặp cô Lan đang ngồi thơ thẩn…

Êm êm chiều ngẩn ngơ chiều,

Lòng không sao cả, hiu hiu khẽ buồn... (Thơ Xuân Diệu).

Cô chú chỉ trao đổi vài câu chuyện bâng quơ vậy mà chú của tôi lại đem lòng mơ tưởng đến chuyện yêu đương cô nữ tu mặc áo dòng. Thế là, chú Hoàng cứ lân la ra khu vườn gặp gỡ, chuyện trò với cô Lan.

Bố mẹ tôi biết chuyện yêu đương của chú Hoàng vì chú đã hí ra cho chị tôi biết nên bị méc. Bố tôi khuyên chú đừng quyến rũ hay yêu thương con của Chúa, sẽ bị trừng phạt đấy! Nhưng khi yêu dường như con tim lẫn con mắt người ta thường bị “mù lòa”. Chú vẫn như hẹn hò dù chỉ là ở chiếc ghế trong khuôn viên bệnh viện… Một thời gian sau, cảm thấy tội lỗi, chú Hoàng nghe lời khuyên nhủ của bố tôi, cố nén lòng không gặp cô Lan nữa, nhưng rồi cũng không cưỡng được. Chú gặp lại, xót xa nhìn cô gầy rộc, xanh xao, mắt u buồn. Chú cũng chẳng hơn gì… râu tóc mọc dài, bơ phờ như kẻ mất hồn.

Lúc ấy là một thời gian dài nhất đời người của chú Hoàng … Cô Lan không còn làm ở bệnh viện Grall, cô xin thuyên chuyển mà không biết đi đâu? Đúng thật là…

Người đi một nửa hồn tôi mất,

Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ… (Thơ Hàn Mặc Tử).

Chú Hoàng đau khổ nhưng không dám đến tìm cô Lan ở tu viện. Chú ẩn mình trong phòng, ôm nỗi sầu thương… vì… Tưởng rằng đã quên. Cuộc tình sẽ yên. Nhưng tim yếu mềm… (Trịnh Công Sơn).

Cô Lan trở về tu viện ở Đà Lạt, coi như một câu trả lời là cô đã chọn đường tu. Lúc ấy lòng chú đau khổ với trăm mối tơ vò, mà chính sự ở miền Nam cũng đang trong cơn hoảng loạn. Ngày 28 tháng Tư năm 1975, chú Hoàng vội vã về bảo bố mẹ tôi hãy khăn gói lên đường rời khỏi Việt Nam, vì miền Nam sắp thất thủ, người Mỹ đã buông bỏ để chấm dứt cuộc chiến tranh quá lâu dài này. Bố mẹ tôi hoang mang, cho là tin đồn thất thiệt, vả lại còn tiếc của cải nên đã không nghe theo lời chú. Chú Hoàng đành ra đi một mình bỏ lại quê hương, gia đình tôi, bạn bè đồng nghiệp và người yêu “mong manh như một cành lan” của chú.

Chú Hoàng đi theo gia đình một người bạn thân trên một chiến hạm đậu ngoài khơi bờ biển Việt Nam gần Vũng Tàu. Chú được đưa đến đảo Guam rồi qua Mỹ định cư ở Houston, Texas. Chú vừa cắp sách đến trường vừa đi làm để lấy chứng chỉ hành nghề bác sĩ. Chú không mở phòng mạch riêng mà khám bệnh cho một phòng khám nhỏ (clinic) trong thành phố. Sau này, gia đình tôi phải đi vượt biển bằng chiếc tàu bé tí, cũ mèm với nhiều khó khăn, khốn khổ nhưng cũng gặp lại chú trên đất Mỹ. Chú vẫn sống độc thân.

Một buổi tối mùa đông gần lễ Giáng Sinh, chú hớt hải chạy sang nhà bố mẹ tôi báo rằng: “Em phải đi San Jose gặp người bạn cũ, cô ấy còn sống và đã bỏ dòng tu.” Bố mẹ tôi lặng thinh, không biết nói gì …(!?)

Một người bạn đã gởi cho chú Hoàng cái tin: ”Cô Lan đang làm y tá trong bệnh viện O’Connor, California, cô không có chồng nhưng có một đứa con”.

Chú Hoàng bay đến San Jose, bất ngờ gặp lại nhau, cô Lan sững sờ, không nói một lời nào,… cô khóc! Cô sống với bà mẹ trong căn nhà nhỏ ở ngoại ô, cha cô đã qua đời. Cô kể …

Buồn khổ khi phải xa lánh mối tình của chú, vì nguyện dâng đời cho Chúa, cô trốn về tu viện ở Đà Lạt. Nhưng ít lâu sau tình hình chiến sự ở đó không ổn, cô lại phải di tản về Sài Gòn với gia đình cho đến khi miền Nam thất thủ. Những người cộng sản đã đuổi hết những tu sinh, “mượn” những cây đàn dương cầm và quản thúc tu viện. Năm 1978, cả gia đình vượt biển cùng với một giáo phận nhỏ ở Phước Tĩnh do cha xứ tổ chức. Cả tàu đã bị bọn Thái Lan cướp bóc và hãm hiếp.

Khi đến trại tỵ nạn Bidong, Mã Lai, cô Lan biết mình mang thai con của hải tặc Thái. Là một con chiên ngoan, mong được sống một đời tu hành, nhưng trớ trêu thay cô đang mang trong mình một dòng máu lạc loài, nghiệt ngã. Cô quyết định giữ đứa bé. Đứa con gái nhỏ sinh ra, thiếu tháng, èo uột mang hội chứng Down. Cô thương yêu, chăm sóc con. Cả gia đình cha mẹ anh em đều giúp cô vừa nuôi đứa bé vừa đi học, nhưng nó yếu ớt bệnh hoạn chỉ sống đến hơn 4 tuổi...

Chú Hoàng nghe rồi bật khóc, khóc như chưa bao giờ được khóc. Khi người đàn ông khóc thì chính lúc ấy nỗi đau tột cùng được phơi bày, nỗi đau mà người ta không thể kìm hãm hay che dấu. khó có ngôn từ nào có thể diễn tả hết được giọt nước mắt của đàn ông vì hiếm khi họ khóc. Nỗi đau khổ chỉ diễn ra khi họ cảm thấy bất lực, trống rỗng và vô nghĩa với mọi thứ trên đời! ...

Chú Hoàng cưới cô Lan rồi đưa cô về Houston. Bà mẹ của cô sợ khí hậu khắc nghiệt ở Texas nên dọn về sống với gia đình cô con gái út ở Los Angeles, California. Chú Hoàng 46 tuổi và cô Lan 36, cô muốn có baby. Cô rất yếu đuối về thể chất, mà đã trên 35 tuổi thì sẽ có rất nhiều bất trắc khi sinh nở. Ở Mỹ, người mẹ được chăm sóc chu đáo và theo dõi kỹ khi thai nghén. Cô phải trải qua vài thử nghiệm để xem baby có bị “Down Syndrome” hay những bệnh khác. Cô sinh khó nên phải mổ. Một cu tí kháu khỉnh ra đời đặt tên là Mathew, có nghĩa là “Quà của Chúa” và Mathew cũng là tên một vị thánh trong mười hai vị tông đồ.

Cô chú sống tràn đầy hạnh phúc, thương yêu đứa con nhỏ ngày một lớn, nó líu lo ca hát và vui đùa với cha mẹ cho đến khi lên 5 tuổi… Mathew mắc bệnh ung thư máu, một căn bệnh rất phổ thông ở trẻ con. Thương xót đứa con nhỏ không may vướng phải căn bệnh ngặt nghèo, dù cha là bác sĩ đã trích tủy sống để cứu chữa cho con. Đứa bé trải qua những phương pháp điều trị và bị tác dụng phụ đến phờ phạc, không còn hơi sức chống chọi nhưng cả nhà vẫn gắng vui bên nhau, cùng nhau hy vọng vượt qua thử thách. Mathew yêu thương cha mẹ, không muốn rời xa. Nó thích ca hát, vẽ hình và đọc truyện của những người bạn nhỏ đồng bệnh, đồng cảm viết lên những cảm xúc của mình trong sách vở.

Dù sống lạc quan nhưng với căn bệnh hiểm nghèo, cũng đành bó tay và chấp nhận định mệnh. Mathew về cõi vĩnh hằng vào năm lên 10, để lại nỗi buồn thương, tiếc nhớ không nguôi! Cô buồn khổ khóc thương con, chú an ủi dỗ dành, lau những giọt nước mắt mà chú thường âu yếm gọi là “giọt lệ linh lan”.

Cô chú sống buồn lặng, hiu quạnh không còn tiếng trẻ thơ líu lo ca hát hay vòi vĩnh. Cô trẻ hơn chú nhiều nhưng cũng không thể sinh con nữa. Một hôm, cô mang về đứa bé 3 tuổi, lai da trắng và da đen, mẹ nó vừa chết vì xài ma túy quá liều. Bà mẹ không chăm sóc nên nó xanh xao, gầy ốm. Sinh con mới hơn 1 tuổi, bà mẹ đơn thân đã sa vào nghiện ngập, phải đưa con cho cha mẹ nuôi (Foster parents), nhưng họ cũng đem trả về vì quá vất vả và nhiều trách nhiệm. Trong nhà thương, đứa bé cứ ôm cứng, đeo bám cô Lan, động lòng thương xót, cô xin mang nó về nuôi. Thằng bé David tội nghiệp hay khóc vì sợ hãi, não không được bình thường nên nó thường bị chứng động kinh. Cô chú rất thương yêu thằng bé, tuy vất vả nuôi nấng nhưng có nó hủ hỉ cũng vui cửa vui nhà.

Thời gian thấm thoát thoi đưa, David cũng lớn khôn, đẹp trai và khỏe mạnh, không ai ngờ nó đã trải qua tuổi bé thơ thê thảm bên bà mẹ ruột nghiện ngập. David muốn trở thành một bác sĩ giống như cha nuôi. Chú bắt đầu già,... Chú về hưu, vui với cây đàn, đọc sách và thích trồng hoa linh lan. Cô chú sống êm đềm, an vui bên đứa con ngoan ngoãn và hiếu thảo, David quyết chí ăn học thành tài để giúp đời, cứu người.

Được dạy dỗ sống với tấm lòng nhân đạo, thương người, David đã gia nhập hội “Bác sĩ không biên giới” (Doctors without Borders), tự nguyện đi mọi nơi trên thế giới, khi có dịch bệnh, thiên tai, chiến tranh,… để cứu khổ cứu nạn. Hiện nay cuộc chiến tranh ở Gaza ngày càng tồi tệ. Với cương vị của một bác sĩ không biên giới, cuộc chiến không chỉ của riêng ai mà mọi người nên góp phần xoa dịu nỗi đau thương và mong chiến tranh mau chấm dứt. Ngày David khăn gói qua Gaza, nơi dầu sôi lửa bỏng, lành ít dữ nhiều, cô không cầm được nước mắt chúc con đi bình an.

David thường gởi tin ngắn: Ba mẹ biết không, thật kinh khủng khi nhìn thấy cảnh hoang tàn đổ nát, 10 nhà thì hết 7 nhà đã thành tro bụi,…Bác sĩ bó tay nhìn bệnh nhân chết vì thiếu dụng cụ y tế và thuốc men. Có những bệnh nhân sau ca mổ phải rời bệnh viện trong vòng 4 giờ đồng hồ và có những đứa trẻ phải chịu mổ xẻ mà không có thuốc tê hay thuốc mê. Mạng người ở đây sao quá mong manh!

Ba mẹ ơi, Gaza là chốn địa ngục trần gian, nhưng người ta vẫn yêu cuộc sống. Con chỉ có thể giúp họ xoa dịu vết thương, họ chỉ hết đau đớn khi cuộc chiến chấm dứt. Ba mẹ hãy bảo trọng và sống an vui ở một xứ sở không có chiến tranh nhé! Con luôn yêu ba mẹ.

Cuộc xung đột giữa quân đội Do Thái và quân phiến loạn Hamas ở Gaza càng ngày càng khốc liệt. Bom dội vào thành phố, vào nhà dân, nhà nguyện, nhà thương,… Nhiều người đã chết, trong đó có cả những bác sĩ, y tá, nhân viên xã hội đến làm thiện nguyện và cứu trợ.

Bẵng đi hai tuần không thấy tin con. Cô chú bồn chồn, lo lắng, rồi tin dữ đến … David đã không bao giờ trở về nhà nữa, thân xác đã thành tro bụi trong khói lửa mịt mù ở bệnh viện Al - Shifa, Gaza.

Cô khóc! Chú lặng lẽ ôm cô vào lòng, vỗ về, an ủi, xoa dịu nỗi buồn đau và lau những giọt lệ linh lan… giọt lệ xót xa của người mẹ khóc con…!

 

Gió Vivu


Joomla Hosting and Maintenance by Cybersalt

Copyright © 2014-2024. VietVancouver, All rights reserved