Một Thoáng Quê Nhà

 Chương 3- HÀ NỘI NĂM XƯA

 

Trời lạnh quá.

Gió rét len lỏi lùa vào nhà. Gió thổi qua những ống tre đầu hồi ngoài hàng hiên tạo nên những tiếng vo vo như tiếng sáo diều lẫn trong tiếng rít từng chập của những cơn gió mạnh. Đâu đâu cũng gió, gió bao trùm khắp cả không gian. Những tấm cửa lùa bằng gỗ không ngăn cản nổi cái giá rét căm căm của mùa đông miền Bắc.

Tôi ngồi một mình trong phòng học, lặng lẽ nhìn ra ngoài qua cửa sổ kính. Trên trời, những giải mây xám vẫn vần vũ bay. Ngoài ngõ, vài chị gánh hàng ra chợ sớm trao nhau vài câu chuyện đứt quãng, lao xao rồi tắt hẳn. Xa xa, tiếng chuông nhà thờ làng đổ hồi đang ngân vọng về như để dục dã con chiên kịp đi lễ sớm. Và, mọi người trong nhà tôi như cố nằm thêm trong giường để được hưởng thêm cái ấm áp của những chiếc chăn bông dầy cộm.

Vài cuộn khói trắng đục tỏa lên từ mái bếp tranh, nặng trĩu, là là trên mái như không cất mình nổi lên cao. Gặp cơn gió mạnh, khói vụt bốc lên cao, xoáy tròn hay chúi xuống, lảo đảo rồi tan nhanh.

Những con lợn đã bắt đầu ủn ỉn đòi ăn.

Tôi biết chị Thìn đã dậy. Tôi khoác vội chiếo áo dạ, thu hết can đảm phóng xuống bếp để tìm hơi ấm của bếp rơm. Con Mực (1) nằm trong ổ rơm giật mình ngửng đầu nhìn tôi rồi lại cúi xuống, đặt đầu lên hai chân trước duỗi dài tiếp tục lim dim ngủ.

Tôi ngồi thu mình trong ổ rơm với con Mực nhìn chị Thìn đang nấu nồi cám lợn. Tuy gọi là nồi nhưng miệng của nó lại rộng ra như cái chảo. Ánh lửa bập bùng. Thỉnh thoảng ngọn lửa bùng lên to, chị phải dùng cây que "cời rơm" khơi bớt rơm ra. Khi ngọn lửa tàn dần chị lại dùng cây que "cời rơm" đưa thêm rơm vào. Cứ như thế, chị luôn tay giữ cho ngọn lửa cháy đều. Nồi cám lợn đã bắt đầu bốc khói, sủi tăm trên mặt, thỉnh thoảng nổi lên những bong bóng lớn rồi vỡ ra với tiếng sôi ùng ục, quánh đặc.

Chị cứ lẳng lặng làm việc như chẳng để ý đến tôi. Rồi chị cũng ngừng tay lẳng lặng rót cho tôi một bát chè tươi (chè xanh) uống cho ấm bụng. Lúc này chị mới mỉm cười với tôi, cái mỉm cười rất hiền từ nhân hậu.

- Sao em dậy sớm thế?

Tôi nhìn chị chưa kịp trả lời, chị hỏi tiếp:

- Hôm nào em trở lại Hà Nội?

- Cũng it ngày nữa chị ạ.

- Hà Nội có vui không?

- Dạ cũng vui, nhưng nhớ nhà lắm!

- Thế… Tết này, em về nhà ăn Tết chứ hả?

Chị rót thêm nước chè vào bát cho tôi.

- Có chứ ạ! Thế nào em cũng về.

Chị nhắc nồi cám lợn ra khỏi bếp rồi ngửng đầu hỏi tôi:

- Hôm này Thi nó cũng trở lại Hà Nội cùng với em à?

Tôi giật mình vì tại sao chị lại nhắc tới Thi. Tôi hơi ngượng ngùng trả lời:

- Vâng… Thi cùng ra với

- Con bé chóng nhớn thật, mới ngày nào…

Chị bỏ lửng câu nói ở đấy rồi tất tả bưng nồi cám ra chuồng lợn. Chị Thìn tuổi tròn hai nhăm. Trông chị khoẻ mạnh và nhanh nhẹn. Chị đến làm con nuôi bố mẹ tôi vào năm đói kém. Tôi coi chị như người chị ruột thân thiết trong gia đình. Tính chị nhu mì và chăm chỉ. Bố mẹ tôi rất yêu thương chị và tôi cũng thế. Trong làng có vài đám dạm hỏi nhưng chị chưa ưng ai.

Chị Thìn nhắc đến Thi làm tôi liên tưởng đến nàng. Giờ này chắc Thi còn ngủ. Tôi thấy Thi như đang ngủ yên bình. Tôi ngồi nhâm nhi bát nước chè xanh bốc khói, hai bàn tay ôm khít thành bát để tìm hơi ấm. Tôi nhìn ra bầu trời xám và nhớ đến Hà Nội, nhớ đến nhà trọ, nơi tôi và Thi đã trải gần tròn một năm sống bên nhau.

 Hà Nội với những hôm mưa gió như thế này, đi học thật vất vả. Lại thêm vào đó, có những khi mưa bão kéo dài đến cả tuần lễ. Đường xá Hà Nội tuy không lầy lội như ở nhà quê nhưng đôi chỗ cũng đủ làm cho người bộ hành cảm thấy khó chịu hay vất vả bởi những vũng nước đọng ngập đến mắt cá chân, có khi cao đến bắp chân. Thỉnh thoảng, mỗi khi có chiếc ô tô cũ kỹ chạy qua những vũng nước ấy làm tóe văng nước lên. Nước văng xa làm ướt những bộ hành gần đó và đôi khi những tiếng chửi vội vã của dăm ba bà gồng gánh cũng hối hả đuổi theo xe.

Vài cô nữ sinh gò mình đạp xe trong chiếc áo mưa, vất vả cố đạp cho qua chỗ nước ngập sâu trên đường. Có những đứa trẻ con, đứa mang trên lưng cái bao tải đựng đầy bánh tây nóng hổi; đứa một tay cầm ấm nước chè vối, một tay cầm chiếc điếu cầy; đứa trên đầu còn đội thúng xôi, phủ kín phía trên bằng một chiếc áo tơi. Chúng quên cả bán hàng, nô đùa trong vũng nước mưa, lấy chân đá nước vào nhau. Bác kéo xe tay cố rướn mình ra phía trước kéo chiếc xe phía sau che kín mít  một cách nặng nề. Mọi người như vội vã, chỉ riêng chị "đổ thùng" gầy gò, chậm chạp gò mình kéo chiếc xe bò cọc cạch, trên xe chở đầy những thùng phân đậy kín mà chị đã lấy từ sáng sớm tinh mơ từ những căn nhà trong khu phố.

Trong những ngày giông tố, chúng tôi không dùng xe đạp mà đi tàu điện đến trường. Để có thể ra đến trạm tầu điện, hai chúng tôi phải cùng chia nhau một chiếc ô. Tôi cầm ô, Thi đi rón rén bên tôi, một tay ôm chiếc cặp da che ngực, một tay xắn ống quần cao tới gối. Đôi khi Thi phải nép sát vào tôi để tránh những cơn gió tạt.

Vào buổi sáng Hà Nội, sinh hoạt nhộn nhịp và tất bật lắm dù mưa hay nắng. Có nhiều hàng quà bán rong, họ bán những món ăn nóng hổi, nào bánh tây đựng trong bao tải lớn được vác trên vai, nào những thúng xôi đội trên đầu được rao bán khắp các nẻo đường, nào những gánh bánh chưng rán trên vỉa hè, mùi thơm phức với những tiếng xèo xèo của mỡ.

Hôm nào "giầu có", hai anh em chúng tôi mỗi người một cái bánh chưng rán nhỏ chỉ to bằng nửa bàn tay, vừa ăn vừa thổi, vừa xuýt xoa vì nóng. Những hôm "nghèo", hai anh em chỉ chia nhau một cái bánh tây bằng nắm tay hay một gói xôi lạc. Biết bao nhiêu kỷ niệm bên nhau, trong sáng như ánh sao trời cứ nối theo nhau thành những chuỗi ngày dài êm đềm, hạnh phúc.

Cuộc sống chúng tôi cứ như thế bình thản trôi đi. Thi ở bên tôi nhưng tôi vẫn thấy tình cảm của Thi đối với tôi vẫn như ẩn như hiện, gần mà lại xa, có mà lại như không, tất cả như trong cõi mông lung, mơ hồ. Thi như:

Xưa kia em ở bên trời

Ngây thơ chưa rõ cuộc đời là chi.

(Tác giả (?))

Tôi mỉm cười khi chợt nhớ đến mấy câu thơ của nhà thơ Nguyễn Bính:

Lòng anh như biển sóng cồn,

Chứa muôn con nước ngàn con sông dài. Lòng em như chiếc lá khoai,

Đổ bao nhiêu nước ra ngoài bấy nhiêu.

Chị Thìn đã trở lại, chị nhìn tôi mỉm cười hóm hỉnh như chị đã biết rõ những điều thầm kín của tôi. Tôi hơi cúi xuống tránh ánh mắt nhìn của chị. Có thể chị chỉ nhìn tôi với cái nhìn thương yêu của người chị đối với đứa em. Ấy thế mà mặt tôi tự nhiên thấy nóng. Tôi không biết nóng vì thẹn hay nóng vì hơi nóng còn đang âm ỉ trong bếp tro.

Gió vẫn rít từng cơn bên ngoài.

Tôi mỉm cười một mình khi nghĩ đến một kỉ niệm với Thi. Hôm đó tôi và Thi đi chơi dọc theo phố Huế trong một ngày giá lạnh. Nàng mua một gói lạc rang còn nóng được gói trong giấy báo nhật trình hình tháp nhỏ. Muốn giữ cho lạc nóng lâu, nàng gửi gói lạc ấy vào túi áo dạ khoác ngoài của tôi, thỉnh thoảng lại thò tay vào túi áo dạ bốc lạc vừa đi vừa ăn. Tôi ăn ké lạc của Thi. Đến khi lạc gần hết, tôi phải đi chậm lại để nàng tìm những hột cuối cùng còn sót lại. Tìm được một hột lạc còn dắt nơi kẽ túi, Thi tẽ một nửa hột cho nàng, một nửa cho tôi. Tôi chỉ dùng hai răng cửa nhằn nhằn vì nó quá nhỏ để nhai. Tôi vội phì lạc ra vì đó là hột lạc thối.

- Cho anh ăn lạc thối?

- Tại sao anh ăn? Em biết lạc thối nên vứt đi rồi! Thi cười cười, dán mắt nhìn tôi.

- Không ăn được mới cho anh hả?

Tôi khom người xuống ôm bụng giả vờ kêu đau, mặt nhăn nhó. Thi nhìn tôi cười rũ ra.

Hai anh em lại tiếp tục đi bên nhau nói chuyện bâng quơ. Khi tới chợ Hôm, người đi lại có phần đông đúc hơn. Thi đi trước, tôi đi sau, hai tay tôi đưa ra phía trước như đặt trên hai vai nàng để không cho người khác chen lấn vào giữa. Một người đàn bà đanh đá, lấn nàng ở phía trước, nhìn tôi có vẻ giận dữ:

- Mất đâu mà sợ, ôm cứng thế!

Tôi vội rụt tay lại, Thi quay lại nhìn tôi nháy mắt mỉm cười. Tôi hơi ngượng với nàng và với những người chung quanh ngay lối ra vào cửa chợ. Thật sự tôi có ôm nàng đâu. Tôi và nàng còn cách nhau gần một cánh tay giang ra phía trước cơ mà.

Tôi định rủ Thi vào chợ ăn bát xôi lúa (xôi bắp) nhưng lại thôi vì muốn để dành bụng cho bữa cơm chính ở nhà.

Chợ Hôm là chợ họp ngay trên phố Huế, gần rạp xi-nê Đại nam. Khu chợ được xây tường bao bọc chung quanh. Chợ Hôm không có cái bề thế của chợ Đồng xuân, nhưng nó cũng là một ngôi chợ vào bực khang trang so với những chợ khác như chợ Dừa, chợ Bưởi, chợ Mơ, chợ Cửa Nam hay chợ Hàng Da …

Chúng tôi thỉnh thoảng ghé lại chợ Hôm ăn xôi lúa, rất ngon. Bát xôi lúa với những hột ngô trắng ngà, thơm và dẻo. Bát xôi được phủ lên trên những lát mỏng đậu xanh mầu vàng óng ả, thêm vào đó là những thìa mỡ hành rang khô béo ngậy thơm phức cùng với thìa đường thẻ mầu nâu tán nhỏ. Trời lành lạnh, ngồi ăn bát xôi lúa thì thật thú vị là bao. Bà hàng xôi quen mặt chúng tôi nên mỗi khi đến ăn hay mua mang về, bà không quên cho thêm ít đậu xanh và xúc thêm cho ít mỡ hành như một chút tình cảm bà dành cho những khách quen. Bà có cô con gái rất xinh giúp bà. Nhiều cậu đến ăn xôi chỉ vì muốn được nhìn cô con gái ấy. Bà hang biết thế và cô bé cũng biết thế nên cô thường làm dáng với những cậu trai đồng lứa tuổi với cô.

 Vào sâu thêm trong chợ, rẽ vào khu hàng ăn bình dân, ta sẽ gặp một loạt hàng ăn với những nồi nước dùng nóng hổi bốc khói. Hấp dẫn nhất đối với chúng tôi vẫn là gian hàng bún với hai nồi bún ốc và bún riêu. Nồi bún ốc với những lớp váng mầu đỏ đậm mỡ màng. Nồi bún riêu với lớp gạch cua đồng mầu hồng nhạt nổi lềnh bềnh trên mặt. Ăn bún ốc thì phải ăn cay, cay đến ngứa da đầu và thưởng thức những con ốc nhồi to bằng ngón tay cái với cái dai sừn sựt của đầu, beo béo của thân ốc mầu vàng ngậy. Còn ăn bún riêu thì phải ăn với rau muống chẻ thành sợi ngâm vào nước cho quăn lại hay ăn với bắp chuối non cộng thêm với rau thơm mới thấy hết được cái hương vị đồng quê của nó.

Người Hà Nội đặc biệt có món bún thang hay bún mọc thường dành cho giới trung lưu hay giàu có vì nó được nấu với những vật liệu đắt tiền như giò luạ sống, trứng, thịt gà, lại phải có thêm hương vị cà cuống, mắm tôm và phải được trình bày một cách cầu kỳ nên thông thường chúng không được kể như những món ăn bình dân và cũng thường không được bán ở trong chợ hay ở vỉa hè. Tôi thích bún ốc và bún riêu vì hương vị của nó đậm đà hơn.

Thi không ăn được cay nhiều nên mỗi khi ăn bún ốc, thỉnh thoảng nàng phải lấy tay quạt quạt mồm cho mát hay “chiêu” một ngụm nước chè. Có lần tôi đùa bà hàng bún ốc:

- Bà hàng ơi, bà cho cô ấy thêm chút nước dùng!

Bà hàng thật thà thêm ít nước dùng vào bát bún cho Thi.

- Bà ơi cho cô ấy thêm tí bún và ốc!

Lần này bà hàng biết tôi đùa nên chỉ mỉm cười, lặng lẽ cầm cái quạt nan (quạt đan bằng tre) đuổi mấy con ruồi đậu trên bát ốc đã “nhể” sẵn.

Thi ngừng ăn trợn mắt nhìn tôi:

- Cái anh này ...!

Tôi nhớ lại những kỷ niệm ấy như những kỷ niệm vui.

Trong các món ăn với bún của người Hà Nội thì phải đặc biệt kể đến “bún chả” Đồng Xuân. Ôi, cái mùi thịt “ba rọi” được thái thành từng miếng nhỏ, to và dài bằng độ hai ngón tay giữa, chúng được ướp sẵn và kẹp vào giữa hai thanh nan tre. Những “xâu” thịt này được nướng trên bếp “than củi”, mỡ của thịt chảy xuống than hồng tạo nên những tiếng xèo xèo và tỏa khói. Để thịt nướng khỏi cháy, người ta phải quạt bếp than liên tục để ngọn lửa không bốc lên cao làm cháy thịt. Mùi thơm thịt nướng cuốn theo gió bay đi xa làm “điếc mũi” những người đói bụng.

Những món ăn ta thường thấy trong chợ phải kể thêm đến hàng bánh cuốn nhân thịt hay bánh cuốn tráng mỏng không có nhân thường được gọi là bánh cuốn “Thanh Trì” vì loại bánh cuốn này được sản xuất ở làng Thanh Trì ngoại ô Hà Nội, một đặc sản nổi tiếng của làng này được truyền lại từ bao đời nay.

Những món ăn chơi bình dân và phổ thông của Hà Nội đã được đi vào văn học phải kể đến món phở Bắc, chả cá Lã Vọng, bánh tôm Cổ Ngư, bánh cuốn “Thanh Trì”, bún chả Đồng Xuân, thịt chó Yên Phụ, cốm Vòng, rồi với những món bánh đúc chấm tương ăn với đậu rán, tiết canh, cháo long . . . Đứng về mặt văn hóa ẩm thực của Hà Nội, thì quả thực, nó phong phú và đa dạng lắm.

***

Gió vẫn còn thổi mạnh.

Cái lạnh giá hắt nhanh vào da mặt tôi khi tôi vừa bước ra khỏi nhà bếp, chạy vội trở về phòng học của tôi ở nhà trên. Gọi là phòng học chứ thật ra là phòng vừa để học vừa để ngủ, một căn phòng ấm cúng và đơn giản.

Góc hiên, ngay cửa ra vào phòng học là một chậu hoa quỳnh.

Trong phòng, ngoài bàn học nhỏ kê ngay cửa sổ, một nhánh lan rừng treo lủng lẳng trên thanh ngang của cửa sổ ấy. Trên tường treo bức tranh "Tố nữ" và một tấm ảnh đen trắng của tôi chụp cách đây hai năm về trước. Chiếc tủ sách khiêm nhường nằm im lìm ngay đầu giường ngủ. Chị Thìn thường chăm sóc, dọn dẹp căn phòng này khi tôi đi học xa nhà.

Ngồi nhìn qua cửa sổ kính, tôi thấy những cơn gió vẫn hung hăng rung mạnh những cành cây. Không gian vẫn chìm trong mầu xám đục. Tôi lại nhớ tới Hà Nội và nhớ tới Thi.

Hà Nội của tôi đẹp lắm, đẹp hơn hẳn lên vì Hà Nội có Thi. Thi và Hà Nội như quyện vào nhau. Tôi có Thi để tôi đưa nàng đi thăm viếng những danh lam thắng cảnh và kể cho nàng nghe về những cái hay cái đẹp của văn hóa thủ đô nghìn năm văn vật này cùng với những thăng trầm trong chiều dài lịch sử nghìn năm của Thăng Long-Hà Nội.

Hà Nội, đối với tôi, nó mang một hình ảnh của một con người phong nhã nhưng trưởng thành trong từng trải để đứng hiên ngang mãi mãi trong trời đất. Nó mang cái vẻ hiên ngang của tiền nhân trong công cuộc dựng nước và giữ nước trước những cuộc xâm lăng của quân thù phương Bắc. Những vết tích oai hùng đó còn in đậm, ghi dấu trên từng thước đất của Hà Nội ngày nay. Không phải Hà Nội chỉ có di tích lịch sử không thôi mà nó còn mang cả nhưng di tích văn hóa đặc thù từ nghìn xưa, một nền văn hóa nhân bản lấy con người làm gốc.

Trong những ngày đi chơi bên nhau, tôi cố lợi dụng sự gần gũi ấy để giải thích cho Thi biết thêm về Hà Nội. Tôi say sưa kể cho Thi biết cái tên thủ đô Hà Nội không phải là cái tên duy nhất của nó, cũng không phải Hà Nội chỉ là sự đổi tên đơn thuần từ thủ đô Thăng Long có cách đây đúng một nghìn năm, mà Hà Nội là cái tên cuối cùng của một chuỗi dài thay đổi tên qua nhiều triều đại hay qua nhiều biến cố lịch sử khác nhau.

Giải thích cho Thi nghe về những thay đổi tên của Hà Nội quả thật không dễ dàng gì với cái tuổi mười lăm, mười sáu của nàng, cái tuổi còn thích nghe chuyện cổ tích hơn là thích nghe những biến cố lịch sử. Tuy nàng có thể thích thú đấy, nhưng đôi khi tôi tưởng như thật khó khăn với những cái tên địa danh hay ngày tháng trong lịch sử mà nàng cần phải nhớ.

Tôi đã kể cho nàng nghe về những chuỗi tên của Hà Nội được thay đổi từ trước và sau khi mảnh đất này trở thành kinh đô Thăng Long được thành hình vào năm 1010.

Vào thời kỳ nghìn năm Bắc thuộc, đất Hà Nội ngày nay, lúc đó mới chỉ mang những địa danh mà những cơ quan cai trị đầu não của kẻ đô hộ đặt ra, và những tên ấy được thay đổi qua nhiều triều đại thống trị khác nhau của người Tàu phương Bắc.

 Vào đời Đông Hán, giặc gọi nó là huyện Long biên. Huyện Long Biên nằm cả hai bên phía bắc và phía nam sông Hồng. Vào đời nhà Tống, năm 454, Hiếu Vũ Đế cho di chuyển cơ quan cai trị sở tại của chúng sang bờ phía nam của Long Biên, tức sang bên bờ phía nam sông Hồng để lập thành huyện Tống Bình cho gần nơi phát triển thương nghiệp của dân ta lúc đó được gọi là Kẻ Chợ, tức khu 36 phố phường của Hà Nội ngày nay.

Vào năm 545, vua Lý Nam Đế, sau khi khởi nghĩa đuổi quân Tầu về nước, lên ngôi vua, đóng đô ở Long Biên và đã cho xây thành ở cửa sông Tô Lịch, một trong hai chi nhánh của sông Hồng là sông Tô Lịch và sông Kim Ngưu chạy bao bọc phía tây và phía nam của huyện Tống Bình. Có lẽ đây là thành đầu tiên được vua Lý Nam Đế cho xây dựng để chống lại quân nhà Lương thuộc nội thành Hà Nội ngày nay.

Sang tới đời nhà Đường cai trị nước ta, vào năm 767, thái thú Trương Bá Nghi cho xây đắp thành La ở vị trí mới cách sông Tô Lịch khoàng 200 thước. Vào năm 824, Lý Nguyên Gia cho di chuyển cơ quan trị phủ sang bờ phía bắc của sông Hồng, nhưng chỉ một năm sau vua nhà Đường bắt Lý Nguyên Gia phải di chuyển trở lại phủ thành Tống Bình bên bờ phía nam sông Hồng như cũ và mở rộng thêm thành La cho sát thêm vào Kẻ Chợ. Đến năm 866, Cao Biền cho đắp thêm thành vòng ngoài của thành La với quy mô rất rộng bao phủ cả khu kinh tế Kẻ Chợ và được đổi tên thành thành Đại La. Một vài đoạn của vòng ngoài của thành Đại La vẫn còn tồn tại tới ngày nay.

Vào thời kỳ tự chủ, mở đầu thời kỳ này bằng chiến thắng oanh liệt trên sông Bạch Đằng vào năm 938 của vua Ngô Quyền. Vua Ngô Quyền đóng đô ở Cổ Loa, kinh đô cũ đời vua An Dương Vương xây dựng nên vào thế kỷ thứ ba trước Công nguyên, cách Hà Nội ngày nay khoảng 12 cây số, thuộc huyện Đông Anh. Sau đó, những chuyện can qua nội bộ trong nước xẩy ra đã đưa tới nạn 12 sứ quân. Và để rồi, tới năm 968 vua Đinh Tiên Hoàng Đế thống nhất đất nước, lấy quốc hiệu là Đại Cồ Việt, lập nên nền tự chủ tự cường tự sánh mình ngang hàng với Đại Hán, Đại Đường, Đại Tống bên Tầu. Nhà Đinh đóng đô ở Hoa Lư và truyền ngôi được 12 năm. Hết nhà Đinh thì tới nhà Tiền Lê (Lê Đại Hành) rồi sang tới nhà Lý, kinh đô vẫn ở Hoa lư.

 Vừa lên ngôi vua, năm 1010 vua Lý Thái Tổ nhận thấy đất Hoa lư chật hẹp, núi non hiểm trở, chỉ có lợi cho phòng thủ chứ không phải là đất có thể phát triển kinh tế và xây dựng đất nước lâu dài nên ngài quyết định dời đô về thành Đại La, ở đây đã có một nền kinh tế phồn thịnh kể cả nội thương lẫn ngoại thương vào thời bấy giờ. Và hơn nữa, vào thời Lý Công Uẩn, nền tự chủ nước ta đã vững mạnh sau chiến thắng nhà Tống của vua Lê Đại Hành. Khi dời đô về thành Đại La năm 1010, theo truyền thuyết, vua Lý Thái Tổ thấy một con rồng từ thành Đại La bay vụt lên trời nên Ngài liền đổi tên thành Đại La thành kinh đô Thăng Long. Tên Thăng Long có bắt đầu từ đó.

Cái nhìn xa “nghìn năm” của vua Lý Thái Tổ đã là yếu tố quan trọng để đưa đất nước ta đến chỗ phát triển cực thịnh về mọi mặt cả về quân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa và tôn giáo trong suốt hơn 200 năm cai trị của nhà Lý (1010-1225), mà tiêu biểu nhất là đã mở đầu cho sức mạnh quân sự thời đó bằng cuộc đánh chiếm Ung Châu, Khâm Châu, Liêm Châu (tức Quảng Đông, Quảng Tây ngày nay bên Tầu, bấy giờ thuộc nhà Tống) vào năm 1076 của danh tướng Lý Thường Kiệt. Dân ta có câu “Nực cười châu chấu đá xe, Tưởng rằng chấu ngã ai dè xe nghiêng”, ý nói về trận chiến oanh liệt này. Cái nhìn xa “nghìn năm” ấy cũng đã đóng góp vào sự tồn hưng oai hùng của con cháu nghìn năm sau. Thăng Long đã được dự phần vào những đại thắng quân Nguyên dưới đời nhà Trần và đại thắng quân Thanh dưới đời Tây Sơn với Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ. Vào đời nhà Trần (1225- 1400) Thăng Long vẫn là kinh đô của nước Đại Việt ta.

Khi Hồ Quý Ly cướp ngôi nhà Trần lập nên nhà Hồ vào năm 1400, nhà Hồ đổi quốc hiệu là Đại Ngu và dời đô vào thành mới ở Yên Tôn thuộc Thanh Hóa. Nhà Hồ dời vào kinh đô mới đặt tên là Tây Đô còn Thăng Long được đổi tên là Đông Đô.

Vào năm 1406, nhà Minh nhân lấy cớ đem quân sang nước ta để trừng phạt nhà Hồ đã soán ngôi nhà Trần với thâm ý xâm chiếm nước ta. Dưới thời gian quân Minh chiếm đóng nước ta, chúng đã đổi tên thành Đông Đô thành Đông Quan.

Tháng 4 năm 1428 vua Lê Lợi đánh đuổi quân Minh ra khỏi bờ cõi rồi lên ngôi, vua Lê Thái Tổ đã khôi phục lại quốc hiệu là Đại Việt và cho đổi tên từ Đông Quan dưới thời quân Minh chiếm đóng thành Đông Kinh.

Năm 1527, nhà Mạc chiếm ngôi nhà Lê đã đổi tên Đông Kinh thành Thăng Long trở lại. Và tiếp theo đó, sau khi đánh tan nhà Mạc, thời gian vua Lê - chúa Trịnh kinh đô vẫn được giữ tên là Thăng Long.

Sang đời nhà Nguyễn, vua Gia Long dời đô vào Huế nhưng vẫn giữ tên Thăng Long cho tới đời vua Minh Mạng thứ 12 (1831) cải tổ lại guồng máy hành chính đã chia nước ta ra làm 29 tỉnh và Thăng Long thuộc tỉnh Hà Nội. Tên thành phố Hà Nội bắt đầu có từ ngày đó.

Tóm lại, kể từ thời gian đất nước có nền tự chủ, sau bao cuộc bể dâu, Thăng Long đã được đổi tên từ Thăng Long (nhà Lý), Đông Đô (nhà Hồ), Đông Quan (thời quân Minh chiếm đóng), Đông Kinh (nhà hậu Lê), Thăng Long (từ nhà Mạc tới thời Lê-Trịnh), rồi Hà Nội (nhà Nguyễn).

Di tích của thành Thăng Long đã được xây dựng và sửa đổi theo mỗi triều đại. Dưới đời nhà Nguyễn, vua Gia Long dời đô vào Huế đã cho phá hủy toàn bộ Hoàng thành cũ và cho xây lại mới thành Hà Nội với quy mô nhỏ hơn. Năm 1835 vua Minh Mạng đã cho hạ thấp bức tường thành xuống còn 3 mét, thành ngoài cũng bị thu hẹp lại về phía tây và bắc, hai mặt còn lại vẫn giữ nguyên. Thành Hà Nội dưới thời nhà Nguyễn có 16 cửa ô, riêng phía đông có 11 cửa ô.

Trong những thế kỷ trước, Hà Nội còn là vùng đất trũng có nhiều hồ và sông rạch, còn có nơi phải di chuyển bằng thuyền. Hà Nội được bao bọc bởi sông Hồng ở phía đông với nền thương mại sầm uất trên bến dưới thuyền. Phía Tây có sông Tô Lịch và phía nam có sông Kim Ngưu.

Sông Tây Lịch ngày xưa là con sông đẹp của kinh đô, nó lấy nước từ sông Hồng. Nhưng nay, nhiều đoạn sông đã bị lấp đi hay thu nhỏ lại chỉ còn bé như con rạch chết với nước tù đọng. Ta còn giữ được vài câu thơ về con sông Tô Lịch thời xưa như:

Sông Tô nước chảy trong ngần,

Con thuyền buồm trắng lại gần lại xa.

Và:

Nước sông vừa trong vừa mát,

Em ghé thuyền anh lại sát thuyền em. Dừng chèo mới ngỏ tâm tình,

Sông bao nhiêu nước thương mình bấy nhiêu.

Ngoài sông ngòi, Hà Nội còn có nhiều hồ mà hai hồ nổi tiếng vì giá trị di tích lịch sử và thắng cảnh là hồ Hoàn Kiếm và hồ Tây. Hồ Hoàn Kiếm có đền Ngọc Sơn với cầu Thê Húc. Một biểu tượng tinh thần hiếu học, trọng kẻ sĩ là Tháp Bút và Đài Nghiên đã được tiến sĩ Phương Đình Nguyễn Văn Siêu cho xây dựng chung với quần thể đền Ngọc Sơn năm 1865.

Còn hồ Tây, tự bản thân nó đã mang nhiều truyền thuyết lý thú, mà ngay cả một thắng cảnh tọa lạc ven bờ hồ Tây là đền Phủ Tây Hồ cũng mang một truyền thuyết thơ mộng đầy huyền bí. Theo truyền thuyết thì ngay tại nơi Phủ Tây Hồ này, bà chúa Liễu Hạnh đã gặp Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan cùng cử nhân Lý và tú tài Ngô đã từng diễn ra cuộc xướng họa của những trai tài gái sắc trên lầu thơ. Sau này dân chúng lập đền thờ bà chúa Liễu Hạnh ở đây, khói hương nghi ngút quanh năm.

Ngoài những hồ trên, Hà Nội còn có hồ Thuyền Quang (hồ Ha Le, thời Tây), hồ Bảy Mẫu, hồ Trúc Bạch và một số hồ nhỏ khác nữa.

Hà Nội không phải chỉ có thắng cảnh và di tích lịch sử oai hùng của dân tộc không thôi mà nó còn là cái nôi của tâm linh, của văn hóa, văn học bản địa của cả nước qua những đình, đền, chùa và miếu.

Đứng về mặt tâm linh, ngay từ ngày vua Lý Thái Tổ bắt đầu dời đô về đây, ngài đã cho lập Tứ Trấn để thờ bốn vị thần linh để mong những vị thần này giúp đỡ ngài bảo vệ ở bốn phương đông, tây, nam, bắc của thành Thăng Long.

Phía bắc có thần Trấn Vũ tức đền Quán Thánh bây giờ. Đền được coi như thắng cảnh nổi tiếng ngày nay của thủ đô với bức tượng đồng Trấn Vũ có chiều cao 3.96 mét nặng 4 tấn do dân làng Ngũ Xá đúc. Nơi đây có những cây muỗm trồng từ thời Lý, Trần còn tồn tại tới ngày nay.

Phía nam có đền Cao Sơn. Ngài là vị tướng đời Hùng Vương thứ 18, đánh đuổi giặc phương Bắc, khi chết ngài được lập đền thờ ở đây. Đến khi vua Lý Thái Tổ dời đô, đền này được sát nhập vào Thăng Long. Trong đền thờ có ba chữ đại tự “Trấn Nam Vương” nói lên cái chức vụ của vị thánh này.

Phía tây có đền Thủ Lệ thờ thái tử Hoằng Chân con vua Lý Thánh Tông, hay còn gọi là đền Voi Phục vì có hai con voi phục ngoài cổng đền. Thái tử cũng được phong là Linh Lang Đại Vương vì có công cùng Lý Thường Kiệt diệt giặc Tống. Bên cạnh đền có hồ Linh Lang. Cổng đền có hai câu đối: Thiên Nam cổ tích điạ. Thượng Đẳng tối linh từ. (Ý nói, ở cõi trời Nam, đây là nơi cổ tích, đền thờ của thần Thượng đẳng tối linh). Đền Thủ Lệ gần sát với sở thú bây giờ.

Phía đông có đền Bạch Mã, thờ thần Bạch Mã. Đền Bạch Mã tọa lạc ở ngay trung tâm thành phố, nằm giữa ngã tư phố Hàng Buồm và phố Hàng Giày. Ngay cổng vào đền có hàng đại tự “Bạch Mã Tối Linh Từ.” Trong đền có câu đối: Hiển thánh thần uy nhất dạ linh phong đằng phạm mã. Huy hoàng hỏa tức thiên thu vượng khí trấn Thăng long. (Ý nói, uy linh của thần rất hiển hách, chỉ một đêm thôi, và một ngọn gió thiêng, ngồi trên con ngưạ quý để chỉ vẽ cho vua Lý Công Uẩn về cách xây dựng thành Thăng Long). Vào đời nhà Trần, Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải ghé đây có đề bài thơ và Đức Trần Hưng Đạo trước khi đi đánh giặc Nguyên cũng ghé đến đền này để cầu xin Thần phù hộ và có đề thơ mà nay còn lưu giữ lại được trong đền. Đền Bạch Mã còn có bộ kiệu “bát cống” tám người khiêng, sơn son thếp vàng. Kiệu này là công trình chạm trổ rất mỹ thuật và công phu được coi là báu vật về nghệ thuật chạm trổ của cả nước.

Nhắc đến đền Bạch Mã làm tôi lại không quên được một kỷ niệm vui vui.

Hai anh em chúng tôi, sau khi đi chơi phố cổ, ghé lại hàng quà ngay trên vỉa hè bên đền Bạch mã để nghỉ chân. Trên vỉa hè Hà Nội thường có những quán hàng “dã chiến” như thế này, bày bán vài thứ quà lặt vặt như vài nải chuối, hũ kẹo vừng, kẹo bột, vài phong bánh khảo, vài chiếc oản, một hai cái điếu cày và dăm phong thuốc lá lẻ. Chủ yếu của quán là nồi nước chè xanh hoặc chè vối to. Và khách hàng của quán cũng chủ yếu là những người lao động như bác kéo xe tay, bác xích lô đạp, mấy bà bán hàng rong ghé vội qua hàng uống bát chè nóng hay ăn vài quả chuối, vài viên kẹo rồi lại tất tả đi ngay. Quán hàng tuy nhỏ bé, hàng bày bán chỉ vừa đủ trên một chiếc bàn nhỏ, thêm vài chiếc ghế thấp lè tè, ấy thế mà lợi tức của nó cũng đủ nuôi ăn một gia đình trung bình vài ba người. Sau khi chúng tôi ăn xong cái bánh gai, đứng lên toan đi thì bà bán hàng dúi vào tay Thi một cái kẹo bột. Một bà đang ngồi uống nước buột miệng khen Thi:

- Con gái nhà ai mà xinh thế, da mặt cứ trắng hồng lên thôi!

Câu khen đó làm Thi lúng túng, ấp úng chào hai bà và cám ơn bà hàng về chiếc kẹo bột bà vừa mới cho. Kẹo bột là loại kẹo làm bằng bột ngào đường, to bằng ngón tay cái, chỉ cần cắn nhẹ cũng đủ làm nó vỡ làm đôi.

Đi được một quãng xa, mặt nàng vẫn còn hí hửng với lời khen vừa rồi. Thi nhìn tôi mỉm cười hỏi nhỏ như sợ người đi đường nghe thấy:

- Em đẹp thật hả?

- Ừ, đẹp.

 Nàng hỏi tiếp:

- Thế em đẹp giống ai?

Tôi ưỡn ngực chỉ vào tôi nói đùa:

- Đẹp giống

Thi phá lên cười rồi “véo” vào cánh tay tôi:

- Thế thì em trông xấu lắm rồi! Tôi cũng cười

Trở lại câu chuyện với Hà Nội.

Đứng về mặt văn hóa, một biểu tượng rất rõ nét về văn hóa của Hà Nội, ấy chính là Văn Miếu. Văn Miếu được xây dựng từ đầu đời nhà Lý, dưới đời Lý Thánh Tông (1070).

Những dấu vết của Văn Miếu dưới thời Lý, Trần thì nay không còn nữa. Toàn bộ kiến trúc mà ta thấy ngày nay được xây dựng vào đời cuối nhà Lê thuộc thế kỷ 18. Kiến trúc sau cùng đóng góp vào Văn Miếu là cổng Khuê Văn Các được xây dựng dưới thời vua Minh Mạng nhà Nguyễn vào năm 1812. Đây là kiến trúc mới nhưng đẹp và rất hài hòa với kiến trúc tổng thể của Văn Miếu. Nó được xây như một phương đình hình vuông, 8 mái, có đại tự “Khuê Văn Các” ở phía dưới. Cổng Khuê Văn Các này là đối tượng của những nhà họa sĩ hay nhiếp ảnh và nó cũng như chùa Một Cột là hình ảnh biểu tượng của thủ đô Hà Nội ngày

 Nếu ta tính từ ngoài cổng vào, ta sẽ thấy cổng vào ngoài cùng gọi là Cung Văn Miếu Môn, tiến vào trong qua cửa Đại Trung, qua Khuê Văn Các rồi vào tới hồ nước mang tên Dương Quang Tĩnh (giếng phản chiếu ánh sáng trời).

Hai bên hồ Dương Quang Tĩnh là hai hàng bia tiến sĩ, mỗi bia được đặt trên lưng một con rùa lớn bằng đá. Gồm tất cả 1306 tiến sĩ đời Lê (1428-1788). Có 82 tấm bia để trên lưng của 82 con rùa lớn mà đặc biệt hình dáng của chúng không con nào giống con nào. Trên tấm bia tiến sĩ đầu tiên ghi lại danh sách các vị tiến sĩ năm Đại Bảo (1442), trong đó có tiến sĩ đệ tam giáp Ngô Sĩ Liên, tác giả bộ Đại Việt Sử ký Toàn thư. Tấm bia tiến sĩ đời Cảnh Hưng (1775), có một hàng chữ bị đục bỏ đi, tên ông nghè cũng bị đục nhưng vẫn còn đọc được, đó là Ngô Thời Nhậm, vị tiến sĩ của nhà Lê nhưng theo nhà Tây Sơn làm tới Tả Thị Lang đời vua Quang Trung.

Qua Dương Quang Tĩnh, tới cổng Đại Thành có 3 đại tự “Đại Thành Môn.” Bên phải có hàng tiểu chú “Lý Thánh Tông, Thần vũ nhị niên, Canh tuất (1007)”, tấm biển này đã được khắc lại từ đời vua Đồng Khánh thứ 3 (1888).

Qua Đại Thành Môn là một sân lớn làm mở rộng tầm nhìn. Hai bên sân lớn là hai dẫy nhà Tả, Hữu. Dẫy nhà bên Hữu thờ ngài Chu Văn An, một người thầy kính yêu của cả dân tộc.

Trước mặt, phía cuối sân là nhà Đại Bái, một kiến trúc đẹp và bề thế, hiếm quý của nhà Lê, xây dựng vào thế kỷ thứ 18. Trong toà Hậu Cung của Văn Miếu, gian chính giữa thờ Đức Khổng Tử có ghi là “Vạn Thế Sư Biểu” tức người thày muôn đời. Hai bên ngài Khổng Tử có thờ “tứ phối” tức bốn vị đại nho là Nhan Hồi, Tăng Tử (Tăng Sâm), Tử Tư và Mạnh Tử. Với Văn miếu, ta thấy đạo Khổng đã ăn sâu vào lòng dân tộc ta từ bao đời.

Khu Quốc Tử Giám là tập thể kiến trúc sau cùng của Văn Miếu là nơi đào tạo nhân tài qua nhiều triếu đại. Sau bị chiến tranh tàn phá toàn bộ khu vực này.

Sự hiện diện của đạo Nho (Khổng giáo) ở nước ta đã có mặt từ lâu nhưng chỉ phát triển mạnh từ đời Hậu Lê trở về sau này. Vào thời Lý, Trần, Phật giáo ở nước ta được đưa lên hàng quốc giáo và phát triển mạnh bậc nhất trong toàn nước từ vua quan đến dân chúng. Nhiều chùa chiền đã được xây dựng ở Thăng Long, mà cao điểm phát triển Phật giáo Đại thừa của nước ta phải kể là, sau khi thắng quân Nguyên, vua Trần Nhân Tông đã truyền ngôi cho con rồi từ bỏ triều đình lên núi Yên Tử tu hành lập nên phái tu thiền Trúc Lâm còn tồn tại tới ngày nay.

Chùa, đền ở Hà Nội thì nhiều lắm, nhưng tiêu biểu nhất thì phải kể là chùa Một Cột, chùa Trấn Quốc và chùa Láng . . . gò Đống Đa, đền Đồng Cổ.

Chùa Một Cột - Ngôi chùa này được cho là có từ đời nhà Đường, dưới thời Cao Biền sang trấn ở xứ ta. Cao Biền đã cho xây thạch trụ, ở trên có tòa thờ Phật. Nhà Lý định đô ở Thăng Long, cứ theo nếp cũ mà làm chùa Một Cột. Nhưng theo sử chính thống của ta thì ngôi chùa này được xây vào đời vua Lý Thái Tông (1049) và được tu tạo nhiều lần. Lần tu tạo quan trọng nhất là dưới triều Lý Nhân Tông, giữa hồ vuông có dựng một cột đá, trên cột đá có chạm đóa hoa sen nghìn cánh và trên đóa hoa sen nghìn cánh đó đã dựng một ngôi chùa, có tô tượng vàng tức Phật Quán Thế Âm Bồ Tát để thờ.

Ngôi chùa này ban đầu nằm ở phía ngoài cửa Tây của Thăng Long và mục đích là để cầu thọ cho vua Lý Thánh Tông cho nên mới mang tên “Thiên Hưu Tự.”

Trong tấm bia Thiên Phù dựng năm 1121 có ghi, ở bên trong là hồ vuông, bên ngoài là hồ tròn. Giữa hồ vuông và hồ tròn có bắc cái cầu để băng qua. Phía trước chùa, trước cửa phía công viên có xây hai toà tháp. Qua thời gian, chùa này bị hư hại nhiều (2).

Chùa Trấn Quốc - Chùa Trấn Quốc là một thắng cảnh nổi tiếng của Hà thành. Ban đầu chùa được xây dựng ở ngoài bãi bờ sông Hồng thuộc phường Yên Phụ từ đời Tiền Lý Nam Đế, thế kỷ thứ 6, gọi là chùa Khai Quốc. Sợ bờ sông vỡ lở, chùa bị lở xuống sông nên sau khi xây nội đê đã di chuyển chùa vào bên Hồ Tây, ở chỗ đảo Kim Ngưu. Đến năm 1624, bắt đầu xây đê tức đường Cổ Ngư ngày nay, đã làm con đường ranh giới giữa chùa và bản phường Yên Phụ. Tới năm 1628 mới trùng tu và sửa chữa hành lang.

Đời Lý, đời Trần tên chùa vẫn được giữ nguyên tên Khai Quốc, qua đời nhà Lê đổi tên chùa là Trấn Quốc. Đến đời cuối Lê tức thời vua Lê - chúa Trịnh thì chùa bị đổi tên thành Trấn Bắc. Chúa Trịnh Sâm là tay ăn chơi hưởng lạc đã biến chùa này thành hành cung hưởng lạc cùng cung nữ ở đây. Bà Huyện Thanh Quan đã có câu thơ :

Trấn Bắc hành cung cỏ dãi dầu, Chạnh lòng cố quốc nghĩ mà đau.

Khi nhà Trịnh suy, chùa lại được khôi phục và đổi lại thành tên Trấn Quốc như cũ và giữ tên đó cho tới ngày nay.

Vào đời nhà Lý, chùa Khai Quốc (Trấn Quốc ngày nay), là một trung tâm thiền phái rất lớn. Đức Thái hậu Ỷ Lan đã mở tiệc chay ở chùa để hội với các sư và đặc biệt quốc sư Thông Biện đã giảng cho Thái hậu Ỷ Lan và các đồng đạo biết về lai lịch Phật giáo Việt nam. Nếu không có những bài giảng này thì lịch sử Phật giáo nước ta còn mơ hồ. Ngoài ra chùa Trấn Quốc còn có cái chuông được đúc vào đời vua Tây Sơn, niên hiệu Bảo Hưng, nay vẫn còn.

Chùa Láng - Chùa Láng được tiêu biểu cho sự hoà đồng tam giáo, Phật giáo, Nho giáo và Lão giáo. Chùa Láng được xây dựng từ đời nhà Lý. Trên cổng chùa có đại tự “Chiêu Thiền Môn” tức cửa chùa Chiêu Thiền, dân ta gọi nôm na là chùa Láng vì chùa tọa lạc tại làng Láng. Trước cổng chùa là sông Tô Lịch và chùa quay về hướng tây tức là hướng về Tây Trúc (Ấn Độ). Ngôi chùa này được xây dựng theo kiểu tiền Phật, hậu Thần.

Vào đời nhà Lý, sư trụ trì là ngài Từ Đạo Hạnh. Nhưng hậu thân của ngài Từ Đạo Hạnh lại là vua Lý Thần Tông nên chùa Láng vừa thờ Phật, vừa thờ Thần (sư trụ trì Từ Đạo Hạnh) lại cùng thờ cả vua (Lý Thần Tông), mà thờ vua thì phải có 3 tam quan. Và cũng vì lý do đó nên chùa Láng có nhiều tam quan hơn những chùa khác vì có thờ vua nên chiều sâu của chùa cũng rất là sâu.

Chùa có nhiều cây muỗm trồng dọc theo lối vào chùa. Vào đời Lý Trần, được nhà vua cho khuyến khích trồng cây trong kinh đô. Riêng nhà Trần cho trồng 500 cây muỗm tại những nơi thắng cảnh và chùa chiền nên niên đại của những cây muỗm ở đây phải hơn 500 năm. Qua cửa tam quan thứ ba của chùa, ta thấy ngay trong sân chùa có tòa nhà bát giác được xây dựng vào thời nhà Lê.

Theo các nhà nghiên cứu dịch học, tòa nhà bát giác này mang ý nghĩa tượng trưng cho 8 quẻ trong kinh dịch của nhà Nho tức càn, khảm, cấn, chấn, tốn, ly, khôn, đoài. Tòa nhà bát giác có hai mái, mỗi mái 8 cạnh nên nhân lên thì tương ứng với 64 quẻ, tương ứng với tâm thức Nho giáo của người Việt ta.

Ngoài ra, trong chùa còn được trang trí long, ly, quy, phượng, cũng có tính chất “tứ linh” của Nho giáo và thêm vào đó là những hình ảnh xuất thế của Lão Trang thuộc đạo Lão qua những bức tranh sơn thủy.

Nói tóm lại, chùa Láng là một hình ảnh nổi bật tinh thần hòa đồng tam giáo Phật, Nho, Lão của người xưa và nó cũng chứng tỏ tinh thần khoan dung về tôn giáo chứ không có tinh thần độc tôn về tôn giáo như một số dân tộc khác. Tinh thần này cũng phù hợp tinh thần nhân bản của người Việt mà tinh thần nhân bản ấy được thể hiện rất rõ ràng qua Gò Đống Đa.

Gò Đống Đa - Vào năm Kỷ Dậu (1789), Thăng Long đắm chìm trong trận chiến giữa vua Quang Trung và 29 vạn binh của quân Mãn Thanh, mà trận chiến chính yếu và quyết định được diễn ra ở khu gò Đống đa này. Người tướng lãnh chỉ huy trận đánh là Đô đốc Đông Lĩnh Hầu Đặng Tiến Phong. Sau trận chiến oanh liệt của quân ta, quân Mãn Thanh chết rất nhiều phải chôn tập thể thành những gò rải rác, gò chính là gò Đống Đa to lớn như ta thấy ngày nay. Trên đỉnh gò Đống Đa có miếu Trung Liệt để thờ những chiến binh ta đã hy sinh tử tiết cho dân tộc trong trận chiến.

Gần gò Đống Đa, băng qua con đường cái phía trước, đó cũng là quan lộ cũ để vào cửa ngõ phía nam của thành Thăng Long tức Ô Chợ Dừa, ta thấy một ngôi chùa tên là Đồng Quang Tự. Đây là bãi chiến trường diễn ra rất ác liệt và quân của hai bên cùng tổn hại rất nhiều. Và chính bãi chiến trường này, sau đó đã trờ thành bãi tha ma chôn xác của quân ta và cả xác giặc thù.

Sau khi chiến thắng, ta cho lập một cái am gọi là Am Chúng Sinh để chiêu hồn các chiến sĩ của ta lẫn của địch đã chết trong trận chiến mùa Xuân năm Kỷ Dậu. Công việc này đã chứng tỏ tinh thần nhân bản của dân tộc ta, khi đã chiến thắng rồi thì không còn phân biệt ta hay địch mà được đối xử như nhau. Cách đối xử của người xưa thật cao cả thay. Sau này chùa Đồng Quang được xây dựng lên để thờ Phật nhưng vẫn giữ Am bên hông chùa để thờ những vong linh các chiến sĩ năm xưa. Trong Am, ngày nay người ta cũng thờ cả vua Quang Trung.

Ngoài những di tích tiêu biểu kể trên, Hà Nội còn mang một nét văn hóa vô cùng độc đáo, đó là đền Đồng Cổ mà hiện nay rất ít người lưu tâm đến. Đền Đồng Cổ, thoạt tiên được lập ở Thanh Hóa để thờ trống đồng, một biểu tượng văn hóa thời vua Hùng Vương, thời kỳ rực sáng của nền văn minh đồ đồng Đông Sơn mà theo các nhà khảo cổ thì đất nước ta là cái nôi của nền văn minh ấy.

Vào đời nhà Lý, đền Đồng Cổ được chuyển ra Thăng Long và lập nên hội Thề năm 1028. Con cháu nhà Lý hàng năm tụ tập về đây để cùng nhau thề trung thành với dòng họ Lý và nước Đại Việt. Đây là một vết son của nền văn hóa Lạc Việt, lấy nhân nghĩa, trung tín làm nền tảng.

Kể về Hà Nội tôi không thể không đọc cho Thi nghe bài thơ “Thăng Long Thành Hoài Cổ” nổi tiếng của Bà Huyện Thanh Quan được viết dưới triều vua Lê chúa Trịnh, thời kỳ nhiễu nhương của đất nước. Bà người làng Nghi Tàm bên hồ Tây.

Tạo hóa gây chi cuộc hí trường, Đến nay thấm thoắt mấy tinh sương. Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo,

Ngõ cũ lâu đài bóng tịch dương. Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt, Nước còn cau mặt với tang thương. Nghìn năm gương cũ soi kim cổ,

Cảnh đấy, người đây luống đoạn trường.

Thi ơi,

Anh đã đưa em đi thăm biết bao nhiêu thắng cảnh, di tích lịch sử của Thăng Long - Hà Nội để em hiểu và thấy được biết bao nhiêu công lao kể cả trí tuệ lẫn mồ hôi, xương máu để xây dựng, bảo vệ và phát triển thủ đô Thăng Long - Hà Nội nói riêng và cho đất nước chúng ta nói chung. Thấy được cái công lao to lớn của người đi trước thì ta mới thấy được bổn phận và trách nhiệm của chúng ta và của những thế hệ mai sau.

Một ngàn năm xây dựng thủ đô Hà Nội không phải là thời gian quá dài so với chiều dài 4000 năm lịch sử của dân tộc. Nó cũng không phải là quá ngắn đối với những công lao xây dựng, phát triển, bảo vệ nó của tiền nhân, cùng với những giai đoạn thăng trầm mà nó đã có thể tự hào hay chịu đựng tủi hờn. Hà Nội luôn là trái tim của dân tộc ta. Nó có biết bao nhiêu biểu tượng thể hiện cho nền văn hóa độc lập, tự cường, tự chủ và luôn vươn mình lên cùng thế giới năm châu.

Qua những di tích biểu tượng ấy, ta thấy được đức tin tâm linh của dân ta, liên kết trời-người-đất qua những đền thờ Tứ Trấn; tinh thần trung tín với vua với nước qua đền thờ Đồng Cổ; tinh thần nhân bản qua Am chúng sinh ở khu gò Đống Đa; tinh thần yêu chuộng văn học trọng kẻ sĩ qua nhà Văn Miếu hay Tháp Bút – Đài Nghiên của quần thể đền Ngọc Sơn bên bờ hồ Hoàn Kiếm; tinh thần mở rộng tư tưởng để đón nhận những học thuyết nhân bản của Phật giáo, Nho giáo, Lão giáo thể hiện qua những chùa chiền, và hơn nữa chúng ta còn biết vận dụng sự hòa hợp nhiều học thuyết để tạo nên cái riêng cho mình qua biểu tượng chùa Láng; tinh thần sáng tạo độc đáo qua kiến trúc của chùa Một Cột; tinh thần yêu chuộng huyền thoại của cõi tiên và tinh thần trọng nữ qua đền Phủ Tây Hồ. Ngoài ra tinh thần văn hóa đặc thù của dân tộc ta còn được thể hiện qua sự thờ phượng, tỏ lòng không quên công ơn những người có công với dân với nước được thể hiện rải rác khắp thủ đô Hà Nội như đền thờ bà Thái hậu Ỷ Lan tức đền thờ Bà Tấm, đền thờ Hai Bà Trưng, đền thờ Lý Thường Kiệt có công đánh giặc Tống, đền Lý Quốc Sư thờ thiền sư Lý Minh Không; đền Kim Mai thờ Thái sư Trần Khắc Chân, đền thờ Chu Văn An thờ người thầy khả kính, dâng sớ trảm nịnh thần, vua không nghe, từ quan về nhà dậy học... vân vân (3).

Thăng Long là di sản văn hóa của người xưa để lại cho chúng ta, chúng ta phải gìn giữ lấy và phát huy nó cho được sáng ngời thêm lên để có thể đem đến niềm tự hào cho thế hệ mai sau.

***

Gió vẫn rít mạnh từng cơn. Đám mây xám ùn ùn kéo đến như báo hiệu một cơn mưa to nữa sắp sửa ập tới. Những tầu lá chuối đang phần phật bay như múa ngoài vườn, tơi tả.

Sáng nay lạnh quá, lạnh đến gà thôi gáy. Một con chim lẻ loi đang lảo đảo trong bầu trời xám tìm đường về tổ hay đi kiếm ăn. Tôi biết giờ này Thi còn đương ngủ, giấc ngủ thật an bình, an bình như hình ảnh:

Tay anh em hãy tựa đầu

Cho anh nghe nặng trái sầu rụng rơi

(Huy Cận)

Thi đã có trái sầu chưa nhỉ, dù rất còn non? Tôi mỉm cười với ý nghĩ của mình. Em hãy ngủ yên bình. Khi tỉnh dậy em sẽ thấy một bình minh rạng ngời ánh ban mai lúc em vừa chợt nhớ tới anh. Anh đang nhớ tới em cũng như đang nhớ về Hà Nội của chúng ta.

Chú thích:

  • Ở ngoài Bắc thường gọi Vàng là con chó mầu vàng, Mực là con chó mầu đen, Vện cho những con chó có đường lông vằn.
  • Tháng tư, năm 1955, khi quân Pháp rút khỏi thành phố Hà Nội đã đặt mìn phá sập toàn bộ chùa này. Sau đó, dựa trên kiến trúc cũ, chùa đã được xây dựng lại như ngày
  • Mượn ý của giáo sư Nguyễn Nhã cho lời kết luận.

Tài liệu tham khảo:

  • Bách thần Hà Nội của Nguyễn Minh Ngọ
  • Việt nam Sử lược của Trần Trọng
  • Tư liệu về Hà Nội của hai giáo sư Trần Quốc Vượng và Nguyễn Nhã.
  • Hình minh họa: nguồn từ trên

 

Nguyễn Giụ Hùng


Joomla Hosting and Maintenance by Cybersalt

Copyright © 2014-2024. VietVancouver, All rights reserved

  • Số Lượt Truy Cập 1753833