Truyện ngắn Hoàng ngọc Thư
Cách đây mấy năm, vào một buổi chiều thứ sáu, sau khi dạy xong phần cuối của một chương toán khá dài và ra bài cho học trò xong, tôi dự định sẽ chấm vở tụi nhỏ trong lúc chúng làm bài tập. Còn khoảng mười lăm phút nữa mới hết giờ, tôi xuống cuối lớp, dự định trước hết sẽ kiểm tra lũ nhóc đang loay hoay trêu chọc nhau. Không biết tôi đang tới gần, thằng P. kêu lên:
"Mày là gay.”[1]
Thằng J. cãi:
"Mày chứ ai!”
Tôi bật cười. Hai thằng nhóc đang xô đẩy nhau chợt bẽn lẽn dừng lại rồi ngồi xuống ghế. Thằng P. mách tôi:
"Cô ơi, nó bảo em là gay.”
Thằng J. nổi nóng:
"Mày gọi tao trước!”
Tôi mỉm cười. Học trò lớp mười hai, đứa nào đứa nấy to như con voi, cả hai thằng cao hơn một thước chín, đứng gần hết cái khung cửa mà vẫn cãi cọ nhau như hai thằng bé. Tôi bảo chúng:
"Hai đứa bây ồn ào quá đấy! Có thôi đi không, lo mà làm bài cho xong, cô sẽ chấm vở hai đứa trước.”
Hai thằng giãy nảy:
"Sao cô không chấm theo thứ tự, như vậy tới thứ hai mới đến lượt tụi em, vậy mới công bình chứ cô!”
Tôi bảo:
"Tụi bây ồn ào quá, lại còn xô đẩy nhau nữa, không bị phạt giờ nghỉ trưa là may lắm rồi, còn kêu ca gì nữa. Đưa vở cho cô xem!”
Thằng J. nổi cáu, làu bàu:
"Tại mày kêu tao gay mới bị chộp, mày thấy chưa?”
Tôi mỉm cười:
"Gay thì đã sao?”
Một đám nhao nhao:
"A ha, cô bảo mày có gay cũng chẳng sao, thấy chưa J?”
Thằng bé mặt đỏ như gấc, vừa thẹn vừa giận trông thật tội nghiệp. Tôi bảo lũ nhỏ:
"Suỵt, tụi bây ồn quá, còn để mấy lớp bên cạnh học nữa chứ!”
Một đứa ngáp dài, rồi vươn tay, kêu lên:
"Mệt quá rồi, cô ơi, cho tụi em nghỉ sớm một bữa nha cô, còn chút xíu nữa hết giờ rồi, để cuối tuần tụi em làm bài tập ở nhà cũng được mà!”
Cả lớp đồng thanh năn nỉ:
"Nha cô, làm ơn đi cô, cho tụi em nghỉ nha, học hết nổi rồi!”
Tôi nhìn quanh: lũ học trò đứa nào cũng mệt mỏi bơ phờ sau một tuần dài dằng dặc đang khẩn khoản chờ tôi chấp thuận trông thật tội nghiệp. Tôi biết, để vào được bậc cao nhất của lớp toán mười hai, tụi nhỏ phải tranh đấu và học hành chăm chỉ mới qua được mấy kỳ thi chọn lọc và vượt lên trên đám bạn cùng khối, chắc chắn chúng sẽ làm xong tất cả bài tập được giao trong hai ngày cuối tuần. Hơn nữa, một khi có đứa đã đề xướng vào lúc gần cuối giờ thế này, ép chúng làm bài cũng tội vì cả lớp đều mong được phép nghỉ. Tôi bảo chúng:
"Thôi được, các em nghỉ một chút đi, nhưng phải giữ trật tự, đứa nào ồn ào là phải làm bài đó nghe!”
Lũ nhỏ hoan hô:
"Cô cho nghỉ sớm! Cô cho nghỉ sớm! Hoan hô Cô Hoàng, cô giáo số một!”
Khi tôi vừa quay lưng, sắp bước về bàn giáo viên, thì ngay tức khắc, hai thằng nhóc tiếp tục trêu nhau:
"Mày gay!”
"Mày gay!”
Uỳnh! Có tiếng ghế ngã và cả lớp cười ầm lên. Tôi xoay người, thằng P. đang huơ tay múa chân, cố bò ra khỏi cái ghế ngã nghiêng, chắc là vừa bị thằng J. đẩy vì trêu tức nó. Lẽ ra tôi phải làm mặt nghiêm và rầy hai thằng quấy rối, nhưng cảnh tượng ấy buồn cười không thể tả, tôi không thể vờ giận được nữa và cười theo lũ học trò. Thằng P. thấy tôi cùng cười, mặt nó đỏ tía vì thẹn và cười ngượng nghịu trông thật khôi hài và tội nghiệp. Thằng J. đứng cạnh bối rối, miệng nó lắp bắp như muốn nói điều gì đó nhưng rồi lại thôi. Đám con trai lao nhao:
"Cả hai thằng đều gay!”
Cả lớp lại cười ầm lên. Tôi chịu thua, để cho tụi nhỏ cười một trận cho thoả. Thú thật là có lúc tôi khá dễ dãi với lớp này, một phần vì tụi học trò lớp mười hai đã lớn và rất biết điều, phần khác, có lẽ tôi cũng có thiên vị đôi chút vì chúng học giỏi và đa số là học trò tôi dạy mấy năm liền.
Khi lũ học trò cười vừa ngớt, một thằng lém lỉnh hỏi tôi:
"Cô ơi, nếu thằng J. gay, cô có ghét nó không?”
Tôi rất ngạc nhiên:
"Tại sao lại thế? Dĩ nhiên là không! Gay hay không gay, chuyện ấy có liên quan gì đến phẩm chất của một người đâu!”
Một đứa khác hỏi:
"Vậy ý cô nói là, nếu có đứa nào trong lớp là gay, cô vẫn xem và đối xử với nó hệt như trước chứ?”
Tôi gật đầu:
"Chắc chắn là vậy, nhưng sao em lại hỏi như thế?”
Thằng bé lúng túng, không trả lời. Mấy đứa khác nhao nhao hỏi:
"Cô ơi, vậy quan điểm của cô về chuyện gay như thế nào?”
Tôi dừng lại, suy nghĩ và đắn đo. Thú thật, tôi chưa bao giờ nghĩ đến điều này. Hơn nữa, trường tôi đang dạy là trường công giáo, cha mẹ học trò tôi đa số là những con chiên thật ngoan đạo và chắc chắn quan điểm của họ sẽ đứng về phía nhà thờ và cho rằng đó là một một điều xấu xa, cấm kỵ. Tuy nhiên, tôi không thể tự ép mình để dối với học trò điều mình nghĩ. Chúng quý trọng tôi vì tôi hết lòng dạy dỗ học trò, nhưng hơn thế nữa, chúng hoàn toàn tin tưởng vào những điều tôi chia sẻ, căn dặn. Mỗi khi có dịp ngồi lại với nhau trò chuyện về những vấn đề bên ngoài trường lớp, không ít lần chúng tôi chia sẻ với nhau những giá trị của con người, về cuộc sống gia đình, chuyện yêu đương (nhất là đám đang có người yêu) và tôi nghĩ mình đã góp phần đáng kể trong cách suy nghĩ và lựa chọn của học trò của mình. Mặc dù biết vậy, tôi phải cố lựa lời cho thật khéo để không gây mâu thuẫn với quan điểm của đạo Thiên chúa. Sau mấy phút đắn đo, tôi bảo chúng:
"Thú thật với các em, cô không có chút kiến thức nào và hoàn toàn không hề nghĩ đến vấn đề này. Tuy nhiên, cô có thể trao đổi với các em chút ít về quan điểm của mình qua cách so sánh về thói quen của hai bàn tay.”
Cả lớp dừng lại, chăm chú lắng nghe. Tôi bảo chúng:
"Các em thấy đấy, đa số người ta sinh ra đều thuận tay phải. Đặc tính này đã có từ bẩm sinh, giống như đa số người ta sinh ra đều cảm thấy hấp dẫn và say mê người khác phái. Điều này cũng hợp với thiên nhiên, vì ở đa số, phần não điều khiển tay phải thường hoạt động mạnh mẽ hơn tay trái, cũng như phần não điều khiển các kích thích tố thường hoạt động mạnh mẽ với các tác động về hình dáng, mùi hương… của người khác phái. Điều này giúp bảo tồn loài người, cũng như tất cả các loài thú khác, và mọi người đón nhận nó như luật của thiên nhiên. Tuy nhiên ở một số ít, rất ít, có những người sinh ra với phần não điều khiển tay trái mạnh hơn. Tương tự như vậy, cũng có những người được sinh ra với những phần não và những 'trạm điều khiển' khác trên cơ thể đã được 'viết chương trình' để đáp ứng những đặc tính thu hút của người cùng phái. Tuy nhiên, đây chỉ là điều sơ khởi nhất, còn có nhiều tác động khác từ bên ngoài chẳng hạn như tôn giáo, văn hoá, tập quán v.v…, đã có ảnh hưởng mạnh mẽ đến những hiện tượng này. Chẳng hạn, từ mấy chục năm trở về trước, đa số những đứa bé mới tập viết, tập ăn…, thường bị ép và đôi khi bi rầy la nếu dùng tay trái, cho nên mặc dù số người bẩm sinh thuận tay trái chắc cũng bằng bây giờ, rất ít thấy những người này trong những người thuộc thế hệ ông bà của các em. Tương tự như vậy, chắc chắn, thời đại nào cũng có những người đồng tính luyến ái, nhưng vì quy luật khắc khe, gia đình kiềm chế…, nên rất hiếm khi người ta thấy được những cặp đồng tính luyến ái tự do đi lại với nhau như bây giờ. Nhất là sự xuất hiện gần đây của những cặp đồng tính luyến ái trong giới danh tiếng như Elton John, siêu sao tennis Martina Navratilova v.v… đã mang thêm tự tin cho nhiều người đồng tính luyến ái và giúp họ bày tỏ sự chọn lựa này dễ dàng hơn. Theo cô nghĩ, mọi người đều có quyền được lựa chọn, cuối cùng thì dẫu thế nào, người ta cũng trở về với bản năng đích thực và thấy thoải mái trong điều kiện phù hợp với nhu cầu của mình.”
Cả lớp im lặng. Có lẽ lũ học trò cố nhận định vấn đề theo lối so sánh kỳ lạ của tôi. Một đứa rụt rè hỏi:
"Cô ơi, vậy theo cô, việc ép đứa trẻ phải đổi tay hoặc ép một người phải thay đổi lựa chọn giới tính là trái với thiên nhiên và không nên phải không?”
Tôi bảo:
"Ừ, cô nghĩ là vậy. Tuy nhiên, điều này vẫn còn là đề tài bàn cãi sôi động, vì nhiều nhóm, với nhiều quan điểm và mục đích khác nhau vẫn chưa đồng lòng với cách tiếp nhận những mối quan hệ luyến ái cùng phái tính, nhất là về mặt pháp lý. Cho đến bây giờ, ở nhiều nước Tây phương, vẫn có nhiều tiểu bang trong cùng một nước chấp thuận những cuộc hôn nhân có giá thú hẳn hoi cho những người cùng phái, trong khi những bang khác hoàn toàn chống đối điều này. Đây sẽ là một trong những vấn đề mà xã hội cần phải điều chỉnh sau này.”
Một đứa khác hỏi:
"Cô ơi, theo cô nói, như vậy những người đồng tính luyến ái là hoàn toàn bình thường và có quyền được sống tự do theo sự lựa chọn của họ chứ?”
Tôi ngần ngại. Tôi cần phải hết sức khéo léo để không gây mâu thuẫn trong gia đình học trò của mình. Thế nào cũng có lúc đám học trò sẽ tranh luận với nhau về điều này và những điều tôi nói sẽ được mang ra như những định luật toán mà tôi đã dạy chúng. Không khéo quan điểm của tôi sẽ trở thành một thứ “định luật” mà chúng sẽ mang ra dẫn chứng mỗi khi đề tài này được nhắc đến. Tuy nhiên, tôi không thể nói khác hơn điều mình nghĩ, vì học trò của tôi muốn biết đích thực quan điểm của tôi thế nào. Một cách cẩn thận, tôi bảo chúng:
“Cô nghĩ đúng là như vậy. Tuy nhiên, mỗi người chúng ta là một thành viên của một gia đình, là một phần của một cộng đồng với những quy luật, lề lối, những ràng buộc mà mỗi người cần phải hiểu một cách chín chắn và thấu đáo để có thể có những lựa chọn và những cách giải quyết phù hợp. Với những hiểu biết và điều kiện xã hội hiện nay, cô tin rằng các em có thể tìm được những giải pháp tốt đẹp nếu cần phải có những chọn lựa khác với sự mong đợi của số đông.”
Một đứa khác lém lỉnh hỏi:
“Cô ơi, mai mốt nếu con của cô thích người cùng phái tính thì sao, cô có bằng lòng không?”
Tôi bối rối thật sự. Tôi không bao giờ nghĩ đến điều này, các con tôi còn bé thơ, còn lâu mới đến lúc ấy. Tuy nhiên, thành thật mà nói, có lẽ tôi sẽ không cảm thấy hài lòng như chúng có những mối quan hệ “bình thường” (mặc dù lúc ấy tôi có thoáng nghĩ đến cái khổ đau, mất mát, tan vỡ…của những mối quan hệ nam nữ mà có khi những mối quan hệ cùng phái tính lại ít gặp phải sóng gió hơn). Một cách đắn đo, tôi bảo chúng:
“Thú thật, cô chưa bao giờ nghĩ đến điều này. Tuy nhiên, cô nghĩ, dẫu cho mình không được hài lòng vì sự khác biệt, nếu con mình tìm được hạnh phúc, cô sẽ để chúng được quyền chọn lựa.”
Một đứa khác hỏi:
“Thưa cô, vậy thì, cái chính trong những mối quan hệ là tìm được sự hài lòng và hạnh phúc phải không?”
Tôi bảo:
“Ừ, đúng vậy. Tuy nhiên, các em nên nhớ, điều gì cũng có cái giá của nó cả.”
Một thằng học trò ngồi trong góc kêu lên:
“Giống như thằng K., tối nào cũng ôm chó ngủ, mình mẩy nó toàn bay mùi chó.”
Cả lớp cười ầm lên, thằng K. lắp bắp.
“Nhưng nó ấm…, tao nuôi nó từ nhỏ….”*
Chuông hết giờ vang lên, lũ học trò chào tôi rồi ùa ra khỏi lớp. Vừa thu dọn sách vở, tôi vừa trông theo hai thằng “gay” đang tiếp tục trêu nhau. Vừa chạy ra cửa, thằng P. còn ngoái lại trêu thêm thằng J.:
“Ê, mày thuận tay trái, thảo nào…”
Thằng J. nện luôn cả cái cặp lên đầu bạn, hai đứa đuổi nhau chạy rầm rầm suốt cả hành lang.
Tôi mỉm cười khi nhớ lại buổi họp giáo viên chủ nhiệm hôm nào và được cho biết hai thằng học trò cũ của tôi — D. và F. — hiện đang học lớp mười hai với giáo viên khác, chúng đã công khai là người yêu của nhau và cả hai gia đình đều biết và chấp thuận. Tôi không ngạc nhiên về điều này. Tôi đã thoáng nhận ra từ ngày đầu khi chúng vào lớp tôi từ mấy năm trước, hai đứa lúc nào cũng cận kề và có vẻ gì đó gần như sự âu yếm trong cách chúng đối xử với nhau. Có lẽ xã hội này ngày một đổi khác, bằng chứng là tôi có khá nhiều học trò viết tay trái và nay còn có thêm những cặp tình nhân con trai. Chỉ mong sao chúng được hạnh phúc vững bền và tôi sẽ không bao giờ phải đấu tranh với việc “chấp thuận hay không chấp thuận” khi đến lượt con của mình.
Hoàng Ngọc Thư