HAWAII: CÂY ĐA, NGƯỜI NHẬT, GÀ HOMELESS, CẦU VỒNG VÀ POKE

 

Tiểu bang này tự nhận là Thiên Đường (paradise). Tờ báo của thành phố (Star Advertiser) có khẩu hiệu là The Pulse of Paradise (nhịp tim thiên đường). Và nước Mỹ cũng chấp nhận danh hiệu Thiên Đường của tiểu bang này. Sau khi đã đi một số nơi phong cảnh đẹp, khí hậu tốt trên thế giới, vợ chồng tôi quyết định kiểm tra sự thật nơi này.

Rời khỏi phi trường Honolulu nhỏ và cũ (vâng, cái phi trường của Thiên Đường thì không thuộc đẳng cấp thiên đường), theo nghiên cứu từ trước, chúng tôi lấy chuyến xe bus công cộng, đi mất hơn một giờ mới về Waikiki, nhưng tốn mỗi người có 3 USD, mà lại có dịp ngắm cảnh đường đi. Xe bus có trạm dừng tại các khách sạn lớn nhỏ của Waikiki, nên sau khi xuống xe thì chúng tôi chỉ kéo vali có một quãng ngắn là tới khách sạn.

Ngày vợ chồng tôi đến Waikiki thì trời mưa. Check in khách sạn xong, chúng tôi che dù ra phố ngắm cảnh. Khí hậu nhiệt đới 28oC, mưa lâm râm, , cây chuối, cây cau, cây dừa, cây me, hoa sứ, hoa dâm bụt, hoa phượng.... Câu thơ của thầy giáo nghệ sĩ Trần Đại Lộc bỗng ùa về trong trí:

Saigon sau mưa trời lại buồn thêm
Đường me trải lá điểm gót chân mềm
Ôi góc phố xưa còn thơm hương sứ
Em tan học về tóc xỏa vai êm...

(Trái với hiểu lầm của nhiều người, Hawaii có thời tiết ấm áp quanh năm nhưng lại mưa quanh năm chứ không được có mùa nắng khô như Phú Quốc. Mưa nhiều vào mùa đông, mưa ít vào mùa hè. Trung bình mỗi tháng có đến 17 ngày mưa, nhưng cũng không hẳn là mưa suốt ngày mà trong một ngày có thể sáng mưa chiều nắng. Chúng tôi ở Waikiki 1 tuần thì bị 3 ngày mưa).

Chúng tôi đến Waikiki vào dịp Noel nên thành phố trang trí đèn hoa thật vui mắt, nhất là ở khu khách sạn hàng đầu của Waikiki là Royal Hawaiian. Chúng tôi may mắn thuê được khách sạn nằm ngay cái rốn của Waikiki, đối diện với International Market Place và cách biển và khách sạn Royal Hawaiian có một bloc đường. Waikiki có 2 con đường chính, nơi toàn bộ khách sạn lớn tọa lạc. Đó là đường Kalakaua (dọc biển) và Kuhio (song song với Kalakaua, cách 1 bloc). Khách sạn của tôi nằm trên đường Kuhio.

Xin mở ngoặc để nói về tương quan giữa Waikiki và Honolulu. Honolulu là thủ đô/thành phố lớn nhất của tiểu bang Hawaii và Waikiki là một phần, hay vùng ngoại ô của Honolulu. Nhưng Waikiki lại nổi tiếng hơn Honolulu, bởi vì Waikiki là khu du lịch, có bãi biển cát và những khách sạn hàng đầu của Mỹ. Còn phần còn lại của Honolulu thì không có bãi cát mà chỉ là bờ kè xi măng chạy dọc biển, nên du khách không ở Honolulu mà ở Waikiki.

Do khí hậu ấm áp, mưa quanh năm và đất núi lửa mầu mỡ mà Oahu (hòn đảo của Waikiki) có hệ thống thực vật đa dạng và vô cùng tươi tốt. Cái đập vào mắt du khách là mầu xanh rờn lá cây mát mắt, nhất là cây dừa. Có thể gọi Honolulu là thành phố dừa xanh.

Cái ấn tượng thứ hai đập vào mắt du khách là sự thống trị của người Nhật. Đến độ nhiều lúc tôi hoang mang đây là Oahu hay Okinawa? Đầu tiên chiếc xe bus đưa bạn từ phi trường về Waikiki đã có 2 thứ tiếng trên xe là tiếng Anh và tiếng Nhật. Rồi khi bạn đặt chân xuống Waikiki thì kiến trúc Nhật, nhà hàng Nhật, siêu thị Nhật và du khách Nhật đi ngập tràn đường phố. Trong một tuần ở Waikiki đã có vài lần tôi "được" người Mỹ hiểu lầm là người Nhật. Tôi coi đó là vinh dự nên không đính chính. Ở Waikiki/Honolulu, bạn thấy 10 nhà hàng Nhật thì chưa chắc tìm ra 1 nhà hàng Tàu. Người trẻ Nhật đến đây làm đám cưới hoặc cầu hôn trên bãi biển rất nhiều.

Tôi hỏi ông thần Google tại sao Hawaii bị ảnh hưởng Nhật quá mạnh thì ông thần nói di dân Nhật đã đến Hawaii từ năm 1868, nghĩa là hơn 150 năm rồi, để làm công nhân trồng mía. Thống kê dân số năm 1920 cho thấy dân Nhật chiếm gần phân nửa dân số Hawaii, nhưng hiện nay thì không còn tỷ lệ cao này. Trong đệ nhị thế chiến, Nhật đem máy bay đánh lén Pearl Harbor, gây thiệt hại nặng cho Hải quân Mỹ nhưng sau đệ nhị thế chiến thì Nhật lại đầu tư khá mạnh vào Hawaii. Năm 2019, du khách Nhật chiếm tỷ lệ 20% du khách toàn cầu đến Hawaii. Ngoài vấn đề quan hệ lịch sử lâu đời, Hawaii là lãnh thổ Tây Phương gần Nhật nhất, chỉ cách có 7 giờ bay. Hawaii là nơi phát sinh ra món ăn Poke của Nhật. Ở siêu thị Foodland Market của Nhật ở Waikiki, có 60 loại hải sản và thịt bạn có thể dùng với bát cơm Poke.

Và cũng tại Oahu, một ngôi chùa Nhật Bản tráng lệ được xây lên y hệt như bản gốc tại Nhật Bản, đó là chùa Byodo-In, trong một khung cảnh khá giống Thiên Đường. Người Nhật còn đem cái văn hóa "tiện nghi tối đa" tới Hawaii bằng cách lắp vòi sấy khô (hot air dryer faucet) ngay cạnh vòi nước và vòi xà bông của bồn rửa tay ở phòng vệ sinh. Nếu bạn thấy bồn rửa tay ở Waikiki có 3 vòi thì bạn biết là có 1 vòi sấy khô tay.

Ấn tượng thứ ba là cây đa. Ôi, Việt Nam không nhiều cây đa như Oahu mà cây đa Việt Nam cũng không khủng long như cây đa của Oahu các bạn ạ. Tôi chỉ có thể đoán là tuy cũng khí hậu nhiệt đới nhưng Hawaii mưa quanh năm chứ không mưa nửa năm như Việt Nam và đất đai Hawaii màu mỡ hơn. Ngoài ra, bạn hiếm thấy cây đa ở Việt Nam mọc ngay trên bãi biển như ở Oahu.

Ấn tượng thứ tư là gà homeless lang thang khắp các công viên của Waikiki/Honolulu. Không phải gà rừng hoang dã đâu bạn. Gà ta, gà tre chính cống, lông màu nâu vàng. Không hiểu là lý do gì. Tôi đoán là lúc đầu chúng là gà nhà có chủ, vì lý do gì sổng chuồng, sau đó là đất lành gà sinh sôi nẩy nở tràn lan, vừa ăn côn trùng cây cỏ, vừa ăn thức ăn người ném cho. Do đó tôi nghĩ cái từ đúng nhất để gọi gà Honolulu là gà homeless, hay gà ta vô chủ. Bảo rằng không ai bắt thì không đúng hoàn toàn. Bạn chúng tôi ở Honolulu cho biết có một số người Việt chuyên đi bắt gà homeless bán cho người Việt. Tôi không dám gọi là bắt trộm, vì là gà vô chủ, mà cũng không chắc là luật của Hawaii có cấm bắt gà vô chủ này hay không, vì chúng đâu phải là động vật hoang dã? Nhưng số bị bắt cóc thì ít so với số gà sinh sản nên hiện nay khắp các công viên của Honolulu bạn thấy gà ta sống nhởn nhơ cùng bồ câu, nhìn mà thích thú và động lòng nhớ quê nhà. Ngoài gà và bồ câu thì cũng rất nhiều chim chóc các loại. Thậm chí ngồi ăn sáng ở ban công khách sạn thì chim cũng đến xin ăn.

Bạn có biết tại sao bảng số xe hơi của Hawaii có hình cầu vồng không? Đây cũng chính là xứ cầu vồng, cầu vồng xuất hiện nhiều nhất so với các bang còn lại toàn nước Mỹ. Chúng tôi được nhìn thấy cầu vồng ngay từ phòng khách sạn.

Biển Hawaii nước trong vắt, hai mầu cẩm thạch và xanh dương, nhìn thấy được nhiều cá. Cát không trắng như Florida nhưng thuộc loại cát mịn. Nước biển ấm tắm được quanh năm chứ không bị lạnh vào mùa đông như Florida.

Nếu đến Portugal tôi ấn tượng với vỉa hè lát gạch granite thành hoa văn thì tôi cũng ấn tượng với vỉa hè của Waikiki lát đá granite nâu vàng nhìn rất ấm áp, dễ thương.

Một điểm tôi cũng rất thích về Waikiki là thành phố có rất nhiều cây đuốc cháy bằng gaz rải rác khắp khách sạn, nhà hàng, bến tàu v.v. được thắp lên buổi tối.  Ban đêm nhìn đuốc lửa cháy lung linh thật là lãng mạn và ấm áp.

Thiên Đường trên trời thì không có mặt trái, nhưng Thiên Đường Hawaii vẫn có mặt trái bạn ạ. Hawaii là tiểu bang đắt đỏ nhất của Mỹ. Từ thực phẩm đến nhà cửa đều đắt đỏ hơn đất liền. Ở Hawaii mà có được cái nhà riêng là khá giả lắm, vài người bạn địa phương của tôi đều ở thuê apartment. Nhà máy công nghiệp để làm công nhân không có mấy, người Việt đa số sống bằng đánh cá, lái tắc xi, làm móng tay và mở nhà hàng.

Giá thuê khách sạn ở Hawaii cao ngất, trung bình là 300 USD/đêm. Nhưng vì có thêm resort fee và 4 loại thuế nữa, đến gần 50% giá thuê, nên tổng cộng lên đến gần 450 USD/đêm. Mùa cao điểm của Waikiki chính là tháng 12/tháng 1. Đối với dân Canada, một giải pháp tốt là bạn dùng Air Canada Vacation package, nghĩa là bao gồm cả vé máy bay và khách sạn. Bằng cách liên kết với khách sạn địa phương, Air Canada giúp bạn tiết kiệm nhiều hơn là bạn mua vé máy bay riêng và thuê khách sạn riêng. Tôi xin thí dụ: nhờ mua package này lúc đang sale mà chúng tôi chỉ trả có 2200 CAD cho vé máy bay và khách sạn 3 sao (Ohia Waikiki Suites) 1 tuần lễ ngay tại trung tâm điểm của Waikiki. Nhưng lưu ý các bạn là khi check out, khách sạn bắt bạn trả thêm 25 USD/ngày gọi là resort fee + cộng thuế. Nghĩa là tôi phải trả thêm 206 USD cho khách sạn ngoài số tiền đã trả cho Air Canada. Tóm tắt lại, bạn mua Air Canada vacation package online 2200 CAD nhưng cuối cùng là trả 2500 CAD.

Mặt trái thứ hai của Hawaii là cũng như những thành phố khác của Mỹ, Hawaii cũng có người không nhà. Nhưng người không nhà của Hawaii thì vẫn sướng hơn tất cả những người không nhà khác của nước Mỹ, vì khí hậu ấm áp quanh năm và được những cây đa khổng lồ che chắn mưa gió.

 

Ăn uống nhà hàng ở Waikiki dĩ nhiên là đắt đỏ. Nhưng nếu bạn ăn uống theo kiểu kết hợp giữa ăn nhà hàng, ăn ở food court của shopping mall và tự nấu ở khách sạn như chúng tôi thì bạn cũng tiết kiệm khá nhiều. Khu vực Waikiki có vài siêu thị cỡ nhỏ như Nester của Vancouver và khách sạn Ohia mỗi phòng có một cái bếp mini gồm bếp lò điện, bồn rửa chén và tủ lạnh. Về ăn sáng, chúng tôi quen ăn oatmeal đã 10 năm nay và vẫn giữ thói quen này khi ở Hawaii. Với cách ăn uống kết hợp này chúng tôi chỉ tốn có 100 CAD tiền ăn một ngày 2 bữa cho 2 người, không đắt hơn Vancouver bao nhiêu. Cách ăn uống của chúng tôi là cá nhiều hơn thịt và luộc, hấp nhiều hơn là chiên xào nên thức ăn nhà hàng không thích hợp với chúng tôi.

Thổ dân của Hawaii là người Polynesian, là giống dân từ đảo Marquesas ở Thái Bình Dương di cư đến Hawaii năm 400. Họ khá tương tự như dân Maori của New Zealand. Mặc váy lá dừa và thích đeo chùm hoa gọi là Lei. Đàn bà hay gắn hoa Sứ lên tóc. Vua và Nữ hoàng người Polynesian cai trị Hawaii cho đến năm 1898 thì bị Hoa Kỳ chiếm đoạt lãnh thổ và đến 1959 thì trở thành tiểu bang thứ 50. Họ có một nền ẩm thực nấu nướng riêng biệt. Chúng tôi có thử món Lau Lau là món thịt heo và cá bơ (butterfish) quấn lá khoai môn rồi hấp, ăn với bún gạo, cũng khá lạ miệng, bạn nhớ ăn luôn lá khoai môn mới đúng điệu. Nhưng hơi khôi hài là ở Hawaii, họ không gọi bún gạo là rice noodle mà lại gọi là Long Rice. Lúc đầu chúng tôi thấy từ Long Rice thì tưởng gạo hạt dài. Còn Poi là khoai môn xay ra nấu với nước, nhìn như chè ngọt nhưng ăn chua lè chẳng ra chi.

Một món mà các tài liệu du lịch hay ca ngợi là món Tôm Hawaii nướng bơ tỏi (butter garlic shrimp) của Giovani food truck thì chúng tôi ăn thấy không có gì là xuất sắc. Kinh nghiệm cho thấy là đừng hoàn toàn tin vào lời người khác. Nhưng có 3 nhà hàng mà chúng tôi đã thử và đề nghị bạn không nên bỏ qua.

Thứ nhất là ăn canh udon các loại và dàn tempura (hải sản tẩm bột chiên xù) 10 loại của nhà hàng Maragume Udon của Nhật trên đường Kuhio. Đây là nhà hàng nổi tiếng, gốc ở Tokyo. Suốt ngày khách phải xếp hàng để chờ lấy bàn ở nhà hàng này, chỉ khác nhau là vào giờ ăn trưa, ăn tối thì hàng dài hơn giờ khác. Dàn tempura 10 loại nhậu với bia thì hao bia lắm.

Thứ hai là ăn tối ở nhà hàng Mariposa (ẩm thực Tây phương) khu Ala Moana Shopping Center để ngắm hoàng hôn Waikiki và đặc biệt là ngắm pháo bông của khách sạn Hilton Village. Nhà hàng có biệt danh là Sunset Lounge vì nằm ở lầu 3, có cái patio nhìn ra biển. Thật đáng phục thay cho Hilton. Khởi sự từ năm 1988, cứ tối thứ Sáu là khách sạn bắn pháo bông khoảng 8 phút, không biết là một năm 52 lần mà 35 năm qua thì khách sạn này đã tốn bao nhiêu tiền cho pháo bông?. Trong thực đơn của nhà hàng có món gọi là "Vietnamese-inspired lemon beef salad" tưởng là gỏi bò tái chanh nhưng thực ra thì không giống. Lưu ý các bạn là mỗi món ăn chính ở nhà hàng này phải vài chục đô Mỹ.

Thứ ba là ăn ở nhà hàng Barefoot Beach Cafe, một nhà hàng thuộc loại giá mềm, bàn ghế bình dân nhưng lại sát bờ biển nên bạn có ocean view. Món cơm dĩa cá ahi (tuna) chiên có một bông hoa lan cắm vào cơm. Chúng tôi không rõ hoa có ăn được không nhưng không ăn hoa vì thấy quá đẹp nhưng cá tuna chiên thì mềm, mọng nước, rất ngon mà chỉ có 17 USD.

Riêng món đá bào xịt siro (Hawaiian shave ice) được quảng cáo trên mạng và trên YouTube, vì tác giả Hà Lê đã chê bai quá, nên chúng tôi không thử.

Còn đi chơi thì nên đi đâu? Tôi đề nghị các bạn những chỗ nên đi như sau:

- Đi bộ dọc toàn bộ biển Waikiki, từ cảng đậu thuyền bè (boat harbor) đến Barefoot Beach Cafe.
- Thăm Ala Moana Beach park.
- Đi bộ dọc phố chính ven biển Kalakaua.
- Đi bộ dọc phố phụ Kuhio.
- Địa điểm check in hầu như bắt buộc với du khách tới Oahu là leo núi Diamond Head Crater để có cái view toàn bộ của Waikiki/Honolulu nhìn từ bên hông. Nếu đi vào ngày thứ bẩy thì bạn có cơ hội thăm Farmers' Market ngoài trời, bán thức ăn, trái cây, rau quả. Nhãn (longan) của Hawaii là nhãn ngon nhất mà chúng tôi từng ăn.


- Lên Tantalus Lookout để có cái view toàn bộ của Waikiki/Honolulu nhìn thẳng từ núi ra biển.
- Thăm cung điện của vua và nữ hoàng Hawaii (Iolani Palace) ở khu downtown Honolulu.
- Thăm chùa Thanh Nguyên và chùa Kim Long của người Việt tại khu Kunia.
- Thăm khu Valley of Temples Memorial Park rồi tiếp tục đường đến chùa Byodo-In của Nhật vùng phía tây Oahu.

Nếu còn dư thời giờ và tiền bạc, bạn có thể thăm 2 điểm du lịch được quảng cáo nhiều của Oahu là Pearl Harbor và Polynesian Cultural Center. Tuy nhiên chúng tôi đã bỏ qua 2 địa điểm này vừa vì lý do không đủ thời gian vừa vì không quan tâm lắm. Bạn không cần thuê xe tự lái trong thời gian ở Oahu đâu, vì hệ thống xe bus quá tốt, quá hữu hiệu cho toàn vùng Waikiki/Honolulu. Với 9 USD cho daypass, bạn có thể làm "anh khách lạ đi lên đi xuống" Honolulu từ sáng đến tối mịt. Bạn chỉ cần thuê xe khi muốn đi một vòng quanh đảo Oahu, và như vậy là thuê xe một, hai ngày được rồi. Lưu ý các bạn là tiền các bạn trả cho parking ở khách sạn thì bằng tiền thuê xe, cho nên chỉ nên thuê xe từng ngày.

Đã có một so sánh là Florida và Hawaii, 2 nơi ấm áp, trồng được hầu hết cây trái nhiệt đới của Mỹ, thì nơi nào giống Việt Nam hơn? Theo tôi thì Florida giống miền Bắc còn Hawaii giống miền Nam. Florida mùa đông biển vẫn lạnh và lâu lâu thời tiết điên khùng thì vẫn bị mưa đá, đóng băng trái cây. Nhưng Hawaii thì đúng là Phú Quốc với biển ấm quanh năm, nhưng là một Phú Quốc cao cấp. Thời tiết tốt, biển đẹp, cây cỏ tươi tốt, hạ tầng cơ sở hàng đầu thế giới và nhiều khung cảnh rất là thoát tục (vùng Valley of Temples), Hawaii đáng được danh hiệu Paradise theo nghĩa tương đối.

Một số người Việt ở Hawaii có một trăn trở là không có được nhà to cửa rộng như người Việt ở lục địa Mỹ. Nhưng tôi nghĩ dân chúng Việt Nam đã quan trọng hóa quá đáng cái nhà theo quan niệm "sống cái nhà, chết nấm mồ". Qua đến Mỹ thì cái văn hóa tôn sùng nhà này như cá gặp nước. Thế là người Việt nhịn ăn nhịn mặc để mua nhà to. Thật sự thì nơi ở chỉ cần tiện nghi thoải mái để ăn ngon, ngủ ngon chứ không nhất thiết phải to đẹp, gây ấn tượng cho khách. Cảm nhận của tôi là người dân ở Paris dù sống trong apartment ở thuê thì vẫn hạnh phúc với đời sống vui nhộn của kinh đô ánh sáng và người dân Hawaii dù sống trong apartment ở thuê thì vẫn hạnh phúc với thời tiết ấm áp, không khí trong lành và cảnh thiên nhiên quá đẹp.

Đặc sản của Hawaii bạn nên mua về cho thân nhân bạn bè là cà phê Kona rất thơm ngon và hạt Macademia béo ngậy, béo hơn bất kỳ hạt nào khác.

Ở chơi 7 ngày chưa đã, ngày về tôi nói với vợ: "Ôi, Waikiki tuyệt vời quá, ước gì anh được sống ở đây thì ở nhà thuê cũng được".  Vợ tôi trả lời: "Anh là dân viết lách nên hay mơ mộng vẩn vơ. Tiền thuê apartment một phòng ngủ ở đây là 2,500 USD một tháng, chưa tính điện nước, internet ... Lương hưu Canada của hai vợ chồng chỉ đủ tiền nhà, còn tiền đâu ăn uống? Anh phải đi bắt gà homeless thường xuyên mới có thức ăn, mà ăn gà quanh năm chịu gì nổi".

 

Hoàng Hải Hồ
12/2023.

 

Xem thêm hình ảnh Oahu với video dưới đây:

Video Oahu

Xem thêm hình ảnh chùa Nhật và chùa Việt ở Oahu với video dưới đây:

Video chùa Nhật, chùa Việt ở Hawaii


Joomla Hosting and Maintenance by Cybersalt

Copyright © 2014-2025. VietVancouver, All rights reserved

  • Số Lượt Truy Cập 1779583