Hải Phong

         

         Chỉ còn vài tuần nữa là Giáng sinh rồi, thế mà trời vẫn còn mưa. Thời tiết năm nay thật là lạ. Cứ chợt mưa chợt tuyết chẳng vì đâu. Sau mùa thi, bãi đậu xe trong trường vắng ngắt. Thúy thong thả kiếm một chỗ trống trải, không có hàng xóm, để đậu. Xong, một tay cầm chiếc dù to mở rộng, tay kia cẩn thận cầm gói quà ép sát vào người cho khỏi ướt.

          Bãi đậu xe tráng nhựa lấm lem với trận tuyết chưa đủ phủ kín mặt đường thì đã bị cơn mưa làm cho tan. Vài cành cây trên cao uốn mình theo ngọn gió đầu mùa đông, rũ từng hạt tuyết ẩm ướt xuống rào rào trên chiếc dù màu xanh lơ. Thúy kéo thấp chiếc dù xuống cho gần đầu hơn, ôm sát gói quà vào ngực, chỉ sợ làm rơi xuống mặt đường, ướt gói quà đơn sơ trong đó chỉ vỏn vẹn có một cuốn sách.

          Nàng hồi hộp bước lần trên cỏ ướt còn loáng thoáng màu xanh ngả vàng, men theo lối đi vòng vòng, tiến dần vào khuôn viên đại học. Buổi hẹn hôm nay sau nhiều đêm suy tư, đối với Thúy quan trọng lắm, và đặc biệt lắm, vì nàng biết nàng sẽ phải nói một câu xin lỗi.

 

************

          Cứ đến mùa Giáng sinh, sau kỳ thi cử cuối năm, học trò vui vẻ, nhộn nhịp với hẹn hò, với party quà cáp để quên đi mấy tháng học ròng rã miệt mài, với tiếng nhạc Giáng sinh nhộn nhịp, tưng bừng bao nhiêu thì Thầy Cô càng rầu rĩ bấy nhiêu với từng xấp bài cao ngất phải chấm đến ngao ngán. Thúy cũng không ngoại lệ, với những chồng bài thi bất tận, không còn nhìn thấy ông bà ông vải, trời đất đâu nữa. Có than thân trách phận thì đám em lại trề môi bĩu mỏ mà rằng đã mang lấy nghiệp vào thân, cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa!

          Cho nên thôi, có bài thì chấm, than thở làm gì? Gặp bài nào làm ngon lành thì đỡ, chấm vèo một cái là xong, rồi có thể khoan khoái nhìn ra cửa sổ, lim dim nhìn dãy núi mờ mờ ẩn hiện đằng xa lẫn trong những tầng mây xanh xám,  hay ngắm nghía mấy nụ hoa magnolia hãy còn li ti trước sân nhà, đang chúm chím âm thầm chờ mùa xuân tới, và tự thưởng một câu khen mình… giỏi. Nghiêm sư xuất cao đồ! Còn chẳng may mà gặp bài nào trời ơi đất hỡi thì không phải lỗi tại mình à nghen! Chẳng qua là cái trò đó… dốt. Làm mình te tua, cái bút đỏ cứ thế mà gạch mà xóa đến xưng phồng cả ngón tay luôn.

          Nhưng nào phải chỉ khổ thế là hết đâu! Cái khổ phải vừa đọc vừa đoán xem nó viết chữ gì mới là thê thảm. Chữ xấu chữ đẹp gì không kể, miễn đọc được là vui rồi, đằng này có những chữ viết đọc đi đọc lại vẫn đọc không ra mới khổ.Chẳng bù ngày xưa khi mình đi học, phải tập viết tập đồ gần chết. Thúy còn nhớ lúc bé, đi học về chiều tối cơm nước xong là chị Loan bắt ngồi vào bàn rồi chị cầm tay cho tập đồ từng chữ một. Chị đứng đằng sau, mái tóc thơm thơm mùi bồ kết và chanh của chị xõa lòa xòa trên mái tóc bum bê của Thúy, chị nghiêng đầu, cầm tay em nắn nót. Tập xong thì chị phát cho một tờ giấy trên đó chị đã viết sẵn những mẫu tự bằng bút chì, và bắt nàng phải tô lại bằng mực hôm sau nộp cho chị.

          Chả thế mà sau này lên trung học, tập vở của Thúy lúc nào cũng sạch sẽ láng coóng, chữ viết rõ ràng đẹp đẽ, cũng là nhờ công ơn của chị, bọc từng cuốn vở cho các em. Cứ mỗi khi có sinh viên Sư Phạm đến trường nàng thực tập thì bao giờ cô giáo cũng chọn cuốn tập của nàng để đưa cho ông thầy hay cô giáo tập sự đọc trước xem môn ấy đã học đến đoạn nào. Sau, nàng mới biết thêm một ngụ ý khác của các cô giáo, là khi nhìn cuốn tập có tên, thì thầy cô tập sự thể nào cũng tò mò muốn biết mặt ngang mũi dọc cái trò có cuốn vở đẹp đẽ đó mà gọi lên trả bài. Còn hơn là để gọi đại, nhỡ nhằm đứa "chuyên viên không thuộc bài" thì ế mặt nhà trường! Và không bao giờ nàng quên được, là sau đó, khi cuốn tập được trả lại cho nàng thì bao giờ cũng được cô giáo thưởng thêm cho một "bình mực không đổ".

            Dạo ấy, loại bình mực này vừa được phát minh nên quí lắm. Chiếc bình bằng plastic trông hình dáng như hai nửa quả trứng đáy bằng chập lại. Xoay một vòng thì có thể tách hai nửa quả trứng ra, một bên lòng rỗng thì đổ mực vào, bên kia là cái nắp bên trong lòng hơi trũng xuống như cái phễu. Mực đổ vào rồi thì đạy bên nắp vào, lại xoáy một vòng cho chặt, thế là an toàn trên xa lộ, có thể để bình mực vào cặp tha hồ tung tăng mà mực không đổ ra ngoài. Phát minh sáng ngời! Từ ngày có bình mực đó thì Thúy không bao giờ bị chị Loan rầy vì làm lem quần áo nữa. Chị cũng không còn phải mất công ngồi gột ngồi tẩy những vết mực dơ trên tà áo trắng.  

           Có lần thì cô giáo lại thưởng cho tờ giấy thấm loại thật dày, to vừa bằng trang vở, cái này mới đã! Mực vừa đủ ráo, chỉ đặt nhẹ tờ giấy thấm lên là trang giấy khô queo, có thể lật ngay sang trang khác mà không cần đợi. Dạo ấy Thúy thường dùng mực tím, những vết mực tim tím trên nền giấy thấm mầu hồng nhạt, dùng đi dùng lại, cho đến khi không còn chỗ nào thấy mầu hồng nữa mới chịu bỏ đi để thay tờ khác.

           Những kỷ niệm đơn sơ đó sao mà thân thương quá. Chả bù với bây giờ, tụi trẻ đi học thì dùng bút mực đủ kiểu, đủ màu, làm gì còn ai đem theo bình mực mà sợ đổ? Còn hơn nữa là mỗi đứa vào lớp tự động mở laptop ra ghi ngay bài vô đó, làm bài xong thì chuyển cho thầy cô bằng "Moodle", lẹ làng mau chóng mà khỏi lo thầy cô làm rớt mất bài, hay sợ chó mèo nhà thầy, nhà cô cào rách bài.

           Trong gia đình Thúy, có lệ là cứ tối thứ bảy là tất cả phải về nhà ông bà để họp mặt, người lớn thì nói chuyện cười đùa, cãi nhau om xòm ỏm tỏi trong phòng ăn, nhưng tuyệt nhiên không có tiếng động nào của mười mấy đứa trẻ trong phòng khách. Lắm hôm thấy yên lặng quá, bọn nàng tò mò đừng ngoài nhìn vào phòng khách thì thấy mười mấy đứa con nít ngồi thu lu một cục, mỗi đứa một góc với cái laptop trong lòng, gõ gõ cọc cọc, thỉnh thoảng lại ngừng tay nhìn lên cái tivi đang chiếu phim câm, chẳng đứa nào nói chuyện với đứa nào. Hỏi các con làm gì đó thì cả đám không hẹn mà đồng thanh gào lên: "con làm bài, sáng mai phải nộp cho thầy".

          Thế thì bảo sao mà trẻ bên này đứa nào đứa nấy viết chữ không ai đọc nổi, vì chúng chỉ quen gõ cọc cọc thôi, đến lúc đi thi phải viết tay thì làm khổ thầy cô.

           Ɖứa viết chữ to như con gà thì mình vui quá, dễ đọc, nhưng ngặt nỗi là thiếu chỗ trên trang bài thi để viết, thì nó lại viết ra mặt sau, không đủ chỗ nữa thì lại ngoằng cái mũi tên dài thoòng loòng lên trên, rồi lại ngoắc mũi tên xuống dưới, mắt mình cứ phải liếc lên liếc xuống, liếc trái liếc phải riết muốn lé luôn.

           Ɖứa thì viết chữ nọ ngoằng vào chữ kia, quắn quít lại, liên tu bất tận không chừa khoảng trống nào, vì sợ thiếu chỗ. Làm như là mình đếm chữ để cho điểm không bằng!

           Rồi có anh thì viết chữ li ti, nhìn vào trang giấy chỉ thấy những lằn dài từ trái qua phải, thỉnh thoảng hơi gợn lên tí sóng, trời đất quỷ thần. Ɖừng giục cơn sầu nữa sóng ơi! Có câu hỏi mình chừa đến mười hai giòng để trả lời, thì chữ lí tí có ba giòng là đã xong câu trả lời rồi, chín giòng kia bỏ trắng. Lắm khi Thúy đọc đến mười lần mà cũng chưa đoán nổi là anh chàng này viết chữ gì, vì chữ nào cũng y chang như chữ nấy, cũng là một con kiến bé tí ti. Phải lấy cái kính lúp rọi vào mới đọc ra chữ.

           Thế cũng còn chưa khổ bằng một bài thi, không biết của một cô hay một cậu nào, chắc con nít mẫu giáo viết còn đẹp hơn. Không tài nào đọc được. Khổ hơn nữa là bài thi có để sẵn giòng để trả lời, mà nó cũng không viết thẳng giòng được nữa, lúc thì lên cao lúc thì tuột xuống hàng dưới. Có khi chỉ trong một chữ có sáu mẫu tự thôi, mà bốn mẫu tự viết đúng trên lằn kẻ, hai mẫu tự kia lọt tỏm xuống dưới.

            Thiệt là bực quá.

            Nói gần nói xa nhiều hôm tức mình, vào lớp Thúy phải kể chuyện tiếu lâm để thọc cà lét đám sinh viên, cũng là để nhắc nhở chúng.

          Chuyện như vầy: có cô kia vào tiệm thuốc tây đưa cho ông dược sỹ một cái toa, ông này đọc xong cái toa dài thoòng, nhíu mày nói:

- Cô ơi, cái này đâu phải là toa thuốc đâu, là thư tình mà.

          Cô gái hân hoan, vui vẻ gật đầu:

- Ɖúng thế, vị hôn phu của tui là bác sỹ, nên anh ấy viết tui có hiểu gì đâu, nên mới phải nhờ dược sỹ đọc dùm.

         Cả lớp im phăng phắc, mà chính nàng cũng không nhận ra sự im lặng lạ lùng đó, nên tiếp tục kết luận:

          - Tôi không phải là dược sỹ, và các bạn cũng không phải sinh viên y khoa, nên làm ơn, làm ơn nha…

          Rồi cầm một bài thi với nét chữ không thẳng hàng, nghệch ngoạc, giơ cao lên, nàng nói:

          - Chẳng hạn như bạn này nè, viết thế này thì ông nội tui có sống dậy cũng không đọc nổi, làm sao tui hiểu mà cho điểm bạn đây?

          Vẫn là một sự im lặng nặng nề. Lạ thay! Mọi khi mỗi lần nàng kể chuyện tiếu lâm thì cả đám ôm bụng cười như ong vỡ tổ, thậm chí hôm nào nàng quên mà không kể chuyện trước giờ dạy là cả lớp nhao nhao lên nhắc. Thế mà hôm nay, câu chuyện tiếu lâm duyên dáng thế mà không ai hưởng ứng. Thế nà thế lào?

          Nàng đưa mắt nhìn xuống thì thấy cả đám sinh viên cúi gầm mặt xuống quyển sách trước mặt, vài cô cậu len lén đưa mắt nhìn về phía một cô gái ngồi sát góc tường bên trái, cũng đang cúi gầm mặt xuống trang giấy trước mặt, mái tóc vàng óng dài lưng lửng xõa một phía xuống nền giấy trắng tinh. Gặp ánh mắt của nàng, cô gái vân vê cuộn tròn lọn tóc trong lòng bàn tay rồi lại thả ra, cứ thế.

          Thúy nhớ ra rồi, dường như nàng chưa bao giờ thấy cô gái này nói chuyện với ai trong lớp cả. Bao giờ cũng lặng lẽ ngồi một góc đó, lúc nào cũng khoác cái áo choàng trên người, dù là ngồi trong lớp học có để sưởi lắm hôm nóng ran lên chịu không nổi, thế mà cô vẫn cứ khoác cái áo mùa đông trên người. Lạ! Nhưng Thúy chưa bao giờ đến gần hỏi lý do. Chắc cô ta yếu chịu lạnh.

          Cuối cùng nàng nhỏ nhẹ:

          - Các bạn thông cảm dùm. Tôi rất kiên nhẫn đọc đi đọc lại nếu tôi chưa hiểu bạn viết cái gì. Nhưng sự kiên nhẫn nào cũng có giới hạn. Nếu tôi đã đọc nhiều lần mà vẫn chưa đoán được bạn viết gì thì… sorry, tôi không cho điểm được.

          Giờ học trôi qua một cách chậm chạp và nặng nề. Cho đến gần ngày thi cuối năm, Thúy được văn phòng chuyển cho một tờ giấy chứng nhận của bác sỹ, xin đặc cách cho một em sinh viên được thi riêng tại phòng lab có máy vi tính để viết bài thi. Thúy hơi ngạc nhiên nhưng cũng không phản đối.

          Hôm các em thi, nàng cũng theo thông lệ đi tuần tra các phòng thi xem có ai cần hỏi gì không? Xực nhớ ra cái đơn bác sỹ nhận cách đây không lâu, nàng cũng đi sang phía phòng lab, nơi đó theo giấy của văn phòng ghi, thì chỉ có duy nhất một em sinh viên và một người giám thị.

          Bước vào phòng, Thúy chợt đứng sững, tim thắt lại khi nhìn thấy cô gái có mái tóc vàng óng đang cong lưng áp mặt xuống mặt bàn, dùng cằm để chặn cho tờ giấy đừng nhúc nhích rồi ký tên lên đó, và trao cho người giám thị già. Chiếc áo choàng mà thường ngày cô không bao giờ cởi ra, đang được vắt trên thành ghế. Cô chỉ có một bên tay! Bên phía tay kia, là tay áo chemise được thắt nút lại cao sát lên tận nách. Cổ họng Thúy nghẹn lại, tim nàng như có ai bóp chặt.

          Thoáng nghe tiếng gót giày từ đằng sau, cô gái quay lại nhìn. Thoáng thấy nàng, cô giật mình choàng vội chiếc áo choàng lên vai, luống cuống làm rơi xuống đất.

          Nước mắt Thúy trào ra. Nàng lại gần, cúi xuống nhặt chiếc áo choàng khoác trở lại lên thành ghế, đặt tay lên vai cô gái:

          - Phòng để sưởi nóng lắm, em không cần mặc manteau.

          Cô gái ngước mắt nhìn nàng, hàng lông mi dài chớp nhẹ, khẽ nói "cám ơn" rồi dùng một tay, gõ trên bàn phím để trả câu hỏi đầu tiên trên bài thi, trong khi Thúy lặng lẽ ra khỏi phòng, sau khi dặn dò ông giám thị già tăng cho cô thêm nửa giờ để nộp bài. Liếc nhìn vào tờ giấy điểm danh trên bàn giám thị, với nét chữ ký ngả nghiêng không tròn trịa, Thúy chạnh lòng nhớ lại câu chuyện cười làm quà trong lớp học mà nàng cho là duyên dáng lắm. Có biết đâu sau câu chuyện cười bất nhân đó là những giòng nước mắt âm thầm trên trang giấy của đứa học trò bất hạnh.

************

          Miên man suy nghĩ, Thúy đã đứng trước cửa thang máy đưa lên phòng làm việc của nàng trên tầng lầu thứ ba của trường. Nàng xúc động khi thấy cô gái đã đến trước, ngồi đợi trước cửa.

          Chào hỏi xong, nàng mời cô gái vào phòng, kéo ghế mời ngồi. Nàng đặt gói quà lên bàn, không nói.

          Cô gái phân vân, lo lắng:

          - Từ lúc nhận được email của cô, em rất lo lắng. Có phải bài thi của em có gì không ổn?

          Thúy đứng lên, bước lại bên cạnh cô gái, ân cần:

          - Không có gì, tôi chỉ hẹn em đến có hai chuyện.

          Dường như có dấu chấm hỏi trong đôi mắt to và rất buồn của cô gái. Thúy vẽ vẽ trong chân không thành hai ba vòng tròn rồi ngập ngừng:

          - Tôi muốn xin lỗi em…

          Lại một dấu chấm hỏi nữa, nhưng Thúy không giải thích. Nàng cầm gói quà trao cho cô gái:

          - Và chuyện thứ hai, là tôi có món quà tặng em.

          Cô gái cúi đầu:

          - Em đâu có làm gì mà đáng được tặng quà?

          - Không, em rất xứng đáng. Mở quà ra đi.

          Bàn tay cô gái luống cuống. Thúy lại gần, giúp cô cởi chiếc áo choàng nặng nãy giờ vẫn khoác trên người, treo lên thành ghế. Cô ngần ngại nhưng không cản. Cuối cùng, cô cũng mở được gói quà, trong đó có cuốn sách giáo khoa cho năm học sắp tới, mà Thúy đã đề tặng với giòng chữ: "Tôi mong sẽ được gặp lại em trong niên khóa tới". Cô gái mân mê trang sách có giòng chữ đề tặng. Hai giọt nước mắt nhẹ rơi trên trang sách. Cô gật đầu:

          - Dạ, nếu em đủ điểm… xin lỗi đã làm cô buồn nhiều vì em…

          Thúy nghẹn giọng:

          - Không, chính tôi mới là người phải xin lỗi.

          Giọt nước mắt long lanh trong đôi mắt người con gái bất hạnh. Thúy choàng tay lên vai cô, đặt đầu cô dựa lên vai mình, không nói, chỉ ôm sát cô, để cảm nhận thân thể gầy guộc của cô gái đang run lên nhè nhẹ. Sự gần gặn đó làm nàng cảm nhận thêm rõ rệt sự thiếu sót trên thân thể cô gái, lẽ ra thì rất đẹp.

          Nàng nghe như có gì đang ấm áp thấm ướt vai áo mình. Một lúc lâu, nàng nâng đầu cô gái lên, khẽ bảo:

          - Cám ơn em đã nói với tôi rất nhiều hôm nay.

          Cô gái ngạc nhiên:

          - Thưa, nãy giờ em xúc động vì món quà của cô, không phải chỉ là cuốn sách mà còn là sự thông cảm mà cô đã dành cho em, em thật là Hạnh Phúc, nhưng em đã nói được gì với cô đâu.

          Thúy đứng lên, cầm xâu chìa khóa trong tay, cười:

          - Em không nói, nhưng em đã nói rất nhiều. Hãy nhắm mắt lại đi, em sẽ thấy tim mình rộng mở. Tôi đã học được điều đó, và tôi đã hiểu rằng khi mình biết nhìn người khác bằng trái tim thì mình sẽ hiểu được ngay cả những điều không nói.

 

Hải Phong


Joomla Hosting and Maintenance by Cybersalt

Copyright © 2014-2024. VietVancouver, All rights reserved

  • Số Lượt Truy Cập 1753833