Hồi ký di cư vào miền Nam  

Phần 3: Chuẩn bị xây dựng tương lai từ một nơi khác xa Saigon

 

Nằm nghỉ bên bờ hồ tắm Yết Kiêu đối diện với Sở Thú Sài Gòn sau khoảng gần hai giờ bơi lội, qua sự chỉ dậy của anh Nguyễn thành Nhơn là Tổng Giám Đốc tổng nha thanh niên và thể thao về kỹ thuật săn bắn cá dưới biển. Ngước nhìn giải mây trắng lững lờ trôi trên bầu trời xanh, hình như tuổi thiếu niên dần thoát ra khỏi cuộc đời mình.

Anh Nhơn hơn tôi khoảng trên hai mươi tuổi, cơ may tôi gặp được anh khi anh đã nổi tiếng là lực sĩ thời bấy giờ, nói đến hai anh em lực sĩ Nguyễn thành Nhơn và Nguyễn công Án thì không ai không biết, nhất là những người trong giới thể thao ở đất Sài Gòn nói riêng, miền Nam nói chung. Anh đưa tôi về nhà bên kia cầu Khánh Hội dọc bờ sông, phía sau là ruộng lúa bao La, cho tôi một đôi chân vịt cao su, mặt nạ và ống thở. Những vật kỷ niệm này tôi vẫn còn giữ tại nhà cha mẹ bên Gia Định, sau khi mất nước để ghi nhớ tấm lòng của một người anh lớn đầy lòng hào hiệp miền Nam.

Ngắm nhìn giải mây trắng lững lờ trôi, tôi chợt cảm nhận như cuộc đời đang dần đưa mình vào tuổi thanh xuân. Một thanh niên ở tuổi 18 sung mãn thể chất và tâm hồn đầy ắp nồng cháy những ước mơ.

Quay lại tuổi ấu thơ đầy sóng gió đã trải qua, sau thời gian vui cùng chúng bạn khi ở bậc trung học. Cùng bị cuốn hút vào dòng biến động của lịch sử không ngừng nghỉ tại miền Nam qua các cuộc xuống đường bãi khóa biểu tình do Cộng Sản dựt dây. Đảo chánh, chỉnh lý và tranh dành quyền lực quyền lợi giữa các phe nhóm, đảng phái đã khiến tâm hồn tôi mang những vết hằn cho đến bây giờ vẫn chưa lành được.

Sau hai kỳ thi Tú Tài cực nhọc và vất vả, tương lai tiến gần tới ngưỡng cửa Đại Học, khiến tôi khao khát mạnh bạo bước vào con đường trước mặt. Ba tôi khuyến khích con ghi danh thi vào phân khoa nào đó tại Đại Học Sài Gòn, nhưng lòng tôi không có một chút gì hứng khởi nghĩ về bất cứ ngành học nào, tôi suy nghĩ về một chân trời khác hơn, rộng hơn và nhất là khai phóng cho ước nguyện của mình.

Thấy tôi chưa tha thiết đến việc ghi danh vào phân khoa nào của Đại Học Sài Gòn, ba tôi cho biết ông có người bạn Trung Tá quân đội, ngụ tại đường Gia Long có con là Nguyễn địch Điềm đang học khoá 1 trường Chánh Trị Kinh Doanh, Viện Đại Học Đà Lạt. Nghe thấy tên phân khoa và hai chữ Đà Lạt làm cho đầu tôi tỉnh thức. Tôi vội lấy địa chỉ, phóng xe gắn máy thẳng đến nhà ông bạn của ba, may thay khi đó anh Điềm đang nghỉ hè tại Sài Gòn và em là Nguyễn địch Hoàn ở nhà, tôi hỏi về trường Chính Trị Kinh Doanh và Viện ĐH Đà Lạt. Được anh vui vẻ chị dẫn tận tình, ngày hôm sau tôi rủ Nguyễn địch Hoàn đi cùng. Hai đứa hăng hái chạy xe đến văn phòng liên lạc của VĐH Đà Lạt tại đường Trương minh Giảng cùng dẫy với VĐH Vạn Hạnh phía bên kia cầu từ hướng Sài Gòn ghi danh ngay.

Tìm được hướng đi tiến về phía trước cho là thích hợp với mình, lòng tôi hân hoan không tả nổi. Sau khi hoàn tất thủ tục ghi danh theo học, suốt đêm tôi thao thức không yên.

Tôi sẽ rời xa hai ngôi trường thân yêu Hồ Ngọc Cẩn và Chu văn An là nơi đã cưu mang tôi trong thời gian Trung Học, nơi tôi đã cùng chúng bạn được dậy dỗ thương yêu như những người con, tôi không thể nào quên được hai thầy Hiệu Trưởng khả kính cụ Hiếu và ông Dương minh Kính, quý Giám Học, Giáo Sư dốc lòng đấy dỗ chúng tôi. Ngoài ra quý thầy Giám Thị và Thể Dục-Thể Thao cũng nhiệt thành hoàn tất nhiệm vụ chu đáo.

Kỷ niệm ùa về, nhớ lúc ngồi cùng vài người bạn chép phạt mấy trăm câu dài thượt vào ngày thứ bẩy hoặc Chúa Nhật, trong căn phòng nhỏ để nhắc nhớ đừng tái phạm lầm lỗi, khiến tôi mỉm cười cảm ơn nhà trường đã giúp đưa lũ học trò ngỗ nghịch chúng tôi vào khuôn phép.

Rồi còn bao nhiêu vui thú của thời quần dài xanh áo sơ mi trắng ngắn tay. Một sự kiện làm tôi nhớ mãi trong đời là buổi diễn hành liên trường công lập ước độ 10, tại sân vận động Hoa Lư đường Đinh tiên Hoàng Đa Kao vào khoảng 1963. Hàng ngàn tà áo dài trắng tung bay rợp trời làm mát cả sân mặc cho buổi nắng xế trưa hè, tiếp đến hàng đoàn dài nam sinh hùng tráng dậm bước theo điệu nhạc hành khúc, ngồi trên khán đài tiếng reo hò cổ vũ của mấy ngàn đôi môi hồng thắm làm cho những trái tim non trẻ ấm áp gần với nhau hơn.

Tháng trước ngày Tết, ăn mặc chững chạc, tóc tai gọn ghẽ, ôm những chồng báo Xuân do nhóm văn, thi sĩ các lớp sáng tạo đến các trường Trưng Vương, Gia Long rao bán thì thú vị biết bao. Những nữ sinh thanh tú trong lớp học tha hồ ghẹo ba, bốn anh trai bằng thích. Chúng tôi sượng sùng chịu trận, tuy vậy cũng làm vẻ mặt dầy năn nỉ mong bán bớt được chồng báo nặng chĩu trên tay.

Một kỷ niệm êm đềm khác làm cho tôi không thể quên là ở vào lứa tuổi 15-17. Mỗi buổi sáng tôi thức giấc sớm đi ra nhà người bạn tên Tâm để tập tạ với Tâm, Trí, Thành và Lộc. Nhà Tâm có mái hiên rộng trước cửa, chúng tôi tập rất siêng năng, nhưng mắt đứa nào cũng chờ đợi xe đón mấy mươi nữ sinh Gia Long đậu gần chỗ chúng tôi tập để chờ em Dung đi học. Những đôi mắt trong xanh long lanh qua những khung cửa sổ liếc tình làm cho chúng tôi ngây ngất. Tuy vậy không đứa nào được may mắn dính em Gia Long nào. Riêng chỉ có mình tôi tốt số hơn cả, bất chiến tự nhiên thành dzớt được một nàng Gia Long đem về nhà có trên 51 năm lẻ.

Nỗi đợi chờ dài lê thê và ngày khai giảng năm Nhập Môn (năm thứ nhất) của trường Chính Trị Kinh Doanh đã gần đến. Tôi được mẹ gói cho chiếc chăn bông, chiếc chăn này đã theo tôi từ tỉnh Hải Dương, vượt 1800 km vào miền Nam, nay lại theo chân tôi bay thêm trên 330 km lên tận Đà Lạt. Ngày rời nhà bước lên cầu thang máy bay của hãng Air Việt Nam, tôi không còn phải vất vả khom lưng trèo lên từng bậc thang như hồi lên bẩy tuổi, tại phi trường Gia Lâm, Hà Nội.

Qua những đỉnh núi xanh ngát trùng điệp lùi dần, lững lờ vương theo những đám mây trắng, lòng tôi hân hoan chờ đợi giây phút dạo bước trên hè phố cao nguyên dịu mát với hàng hoa Đào cùng ngàn thông cao ngất reo vui đón đưa tôi tới Giảng Đường, nơi hàng mấy trăm sinh viên nô nức đợi giờ khai giảng niên học năm Nhập Môn.

Sau khoảng một giờ bay, chiếc phi cơ Air Việt Nam nhẹ nhàng hạ cánh xuống phi đạo của phi trường Liên Khương, những cô chiêu đãi viên hàng không trong đồng phục quần lụa trắng áo dài xanh xinh tươi mượt mà, vui chào tạm biệt khách.

Tôi vội vã hít một hơi dài không khí trong mát đầu tiên của Cao Nguyên Lâm Viên vào lồng ngực khi bước ra khỏi thân máy bay, vẫy tay chào thiếu nữ xinh đẹp trong tà áo xanh đứng tại cửa ra, tiễn khách. Nhà ga nhỏ hình chữ nhật được xây đẹp đẽ, bốn mặt cửa sổ kính trong suốt, nơi khách đợi trên tường gắn hai tấm bảng: phòng Danh Dự dành cho thượng khách, phòng khác dành cho khách vãng lai được kẻ hai loại chữ Pháp và Anh Salle Dattente-Waiting Room cùng hàng. Tiếng Pháp và Anh với gạch ngang ở giữa.

Khí trời dịu mát gần buổi trưa mùa hè làm tinh thần sảng khoái, trong không gian tĩnh lặng. Những cây Trạng Nguyên rậm lá, đỏ trên ngọn, xanh dưới thân thấp, xếp thành hai hàng mặt trước nhà Ga, nhẹ nhàng đong đưa theo gió như thì thầm nói lời tạm biệt. Sau khi lấy hành lý, tôi theo mọi người lên chiếc xe Ca (xe bus). Xe từ từ lăn bánh leo dốc đèo Prenn tiến vào thị xã cách phi trường khoảng 30 km.

Cậu thanh niên tràn đầy nhiệt huyết muốn thực hiện những gì mình thích, thừa lòng can đảm, không câu nệ, không sợ khó khăn, từng là Hướng Đạo Sinh của Đạo Bến Nghé với khăn quàng xanh, giỏi bơi lội, yêu thể thao cử tạ, hai năm luyện nhu đạo trực tiếp với võ sư Hồ cẩm Ngạc tại Ty Thanh Niên tỉnh Gia Định. Đã từng giả chữ ký của Cha khi ông đi công tác sáu tháng ở Nha Trang, ghi danh dự tuyển đi sĩ quan không quân, hoàn tất giai đoạn khám sức khoẻ, nhưng mưu sự không thành vì bị phát giác sớm. Thì chuyện rời xa gia đình chỉ là dịp để khám phá chân trời mới lạ mà thôi.

Song thân thấy thằng con đã hạ quyết tâm lên Đà Lạt vào học trường Chính Trị Kinh Doanh, không ngăn cản được. Nên đành lòng sửa soạn cho con chim sổ lồng tập bay. Ba tôi cho tôi ba ngàn, chú Túc cho $500 dằn túi thế là đủ.

Trước khi lên máy bay, ba đưa tờ giấy ghi địa chỉ của nhân viên thuộc quyền có nhà cha mẹ ở Đà Lạt, dặn dò thêm đôi điều cần thiết về việc tạm trú nơi đó. Tôi hỏi thăm đi đến đường Bá đa Lộc, nơi được gởi gấm. Sau khi chào hỏi bác chủ nhà, ông cho biết đã được người con thông báo về việc này rồi. Tôi ở lại nhà một đêm, sáng ngày hôm sau hỏi thăm đường đi lên Viện Đại Học. Sau khi được chỉ dẫn cặn kẽ mọi điều về đường xá, từ nhà ở đi qua bờ hồ Xuân Hương, lên dốc phố vào khu Hoà Bình…..đi vòng dạo ngắm đường phố cao thấp quanh co lạ mắt xem rất bình an, không xô bồ như tại Sài Gòn.
Được biết đi từ khu Hoà Bình lên Viện Đại Học độ chừng 2 km, tôi không màng tới việc leo lên chiếc xe Lam (Lambretta lôi), hai cây số có là bao, tôi thích thể thao nên đi bộ cũng là dịp tốt để tập luyện thân thể.

Từ văn phòng liên lạc của Viện Đại Học Đà Lạt tại Sài Gòn, tôi đã được cung cấp những chi tiết cần thiết về cư xá sinh viên trong Viện do cha Ngô duy Linh làm Giám Đốc. Ông gác cổng Viện chỉ cho tôi con đường đi tới văn phòng của cha Linh. Từ cổng đi vào chừng 100 bước, cạnh con đường dốc là căn nhà xinh xắn nho nhỏ với hành lang phía trước, hai bên hông và sau hè phủ rợp bóng thông xanh, chung quanh nhà trải thảm dầy bằng những sợi lá thông vàng, thoảng theo cơn gió phảng phất hương thơm mùi nhựa. Thấy cửa khép chặt, tôi đứng dựa hàng rào đối diện đợi, một hồi sau có vài người mở cửa ra vào rồi đóng cửa lại.

Khi đó tôi ngộ ra đây là Đà Lạt, khí trời lạnh lẽo nên cửa nẻo luôn khép kín không như Sài Gòn. Tôi tự hỏi phải chăng cô gái Xuân thì tại Đà Lạt trái tim cũng luôn khép kín như cánh cửa nhà nàng?

Tôi mạnh dạn gõ ba tiếng vào cửa phòng. Vô Vô! Âm vang dầy nội lực từ bên trong nhà vọng ra, mở cửa bước vào, trước mặt tôi là một ông Cha trong áo thụng mầu đen vạm vỡ như lực sĩ, miệng rộng, mắt sáng oai vệ, tóc hớt thẳng từ sau ra trước sát đầu như lính nhà binh. Cao giọng hỏi tôi cần gì? Tôi thẳng thắn nói với Cha là mới từ ở Sài Gòn lên chưa có chỗ ở, xin được vào ngụ trong Đại Học Xá. Có lẽ vì thấy thằng trai gọn gàng chỉnh tề mặt mũi cũng ra dáng con nhà tử tế, nên không do dự Cha dõng dạc nói mai đem hành lý vào.

Sáng hôm sau tôi từ giã bác Sáu chủ nhà, cảm ơn lòng tốt của ông, mướn xe lôi đem hành lý vào Đại Học Xá. Đại Học Xá nam gồm năm dẫy phòng dài. Đánh số theo thứ tự lầu 1,2,3,4 và 5. Tôi được xếp ngụ tại lầu một, lầu một chia làm hai cánh A và B, mỗi phía lại chia ra mười phòng nhỏ, đủ chỗ cho hai sinh viên mỗi phòng, mỗi người được cấp giường nệm đơn, tủ đựng quần áo và bàn học.

Sau khi nhận phòng tại cánh A, bắt tay làm quen với người bạn ở chung Quách bỉnh Tòng. Chúng tôi rủ nhau ra phố thị mua những vật dụng cần thiết khởi đầu cuộc sống độc thân xa ngoài tầm tay phụ mẫu.

Lầu một tổng số sinh viên có đến gần con số 40, họ đến từ khắp tỉnh thành, thị xã miền Nam. Âm điệu của ngôn từ đôi khi khác biệt do ảnh hưởng địa phương, nhưng hiếm khi xẩy ra sứt mẻ trầm trọng và nhất là không có tinh thần kỳ thị Bắc, Nam, Trung, Hoa….họ sống chung rất hài hoà, tương thân tương ái.

Khoảng trên 200 sinh viên sống trong ĐHX từ lầu một đến lầu năm. Xã hội gọn nhỏ với năm dẫy nhà dài và rộng nằm chen nhau với những cội thông già. Tôi thường ngồi trên thành cửa sổ mở rộng ôm sách ôn bài, nghe tiếng gió vi vu thổi luồn qua thung lũng xanh mướt ngàn rau, trong không gian tĩnh lặng bình an, lòng thương yêu Đà Lạt dâng cao tràn ngập hồn tôi.

Giờ đây tôi đã bắt đầu cuộc sống tự lập, không còn cha mẹ kề bên, xa cách hẳn gia đình, những người bạn thời thơ ấu và niên thiếu. Quanh tôi toàn những khuôn mặt xa lạ từ khắp mọi nẻo đường miền Nam đổ về Đại Học Đà Lạt, với mục tiêu không những gây dựng tương lai cho chính mình, mà còn mang thêm hoài bão góp tay với nhau xây dựng miền Nam trở thành một quốc gia thịnh vượng.

 

Nguyễn Sĩ Đẩu


Joomla Hosting and Maintenance by Cybersalt

Copyright © 2014-2024. VietVancouver, All rights reserved