Hồi ký di cư vào miền Nam  

Phần 2: Quê hương mới trước lạ sau quen

 

Trong tôi giờ đây làng quê vẫn còn mãnh liệt sôi trong trí, khi cậu bé con đột nhiên bị bứt khỏi cuộc sống quen thuộc bình thường, bỏ vào nơi hoàn toàn xa lạ, như mầm cây non bị đem đi vất bỏ tận nơi nào. Còn đâu những dịp bước tung tăng chạy nhẩy, kéo con diều trên bờ đê cao dài rộng xa hút tầm nhìn, chạy quanh co uốn lượn theo bờ sông Thái Bình mênh mông sóng nước, bên kia bờ đê là cánh đồng lúa vàng thơm ngát bao la ngút ngàn rì rào trong nắng hạ ngả nghiêng dựa vào nhau về một hướng theo cơn gió thổi qua.

Còn đâu những bước chân non tung tăng cắp sách đến trường, mà trên đường đi thể nào cũng được bà hàng xôi khúc mời chào, bới trong nồi đất ủ trấu ra viên bánh to viền quanh những dải nếp, tỏa hơi ra thơm ngát trong sáng sớm lạnh mờ sương. Rồi sau giờ tan học thường xuyên lại tiêu thêm vài hào cho tiệm bánh Bảo Hiên Rồng Vàng nơi góc phố, cầm những viên bánh đậu xanh vuông gói trong giấy bóng trong suốt rịn dầu, ngậm lâu trong miệng để cho hương vị ngọt bùi beo béo, thơm tho kích thích vị giác trôi dần vào thực quản.

Đời sống nơi phố thị bình yên kéo dài đời tôi cho đến năm lên bẩy tuổi, nhưng một tai nạn đã giáng xuống, phải nói là giáng xuống đầu tôi vào tuổi lên hai. Tôi được mợ Nhu và ba tôi kể lại lúc tôi bắt đầu có trí khôn. Khi đó tôi ở nhà ông ngoại ở ngã sáu tỉnh Hải Dương, thằng bé hai tuổi lần mò ra vườn sau chơi, một người mợ khác là Bảo đang cùng người giúp việc cuốc đất vun luống trồng rau, mải nói chuyện không để ý cuốc lên đầu cậu nhỏ, cậu ngã sấp xuống cây cầu gỗ nhỏ bắc qua rãnh nước, máu loang chẩy đỏ hồng. Nghe tiếng la, mợ Nhu đang ở trong nhà chạy vội ra bồng cháu kêu xe kéo chạy đến nhà thương đầu tỉnh. Mợ kể lại: tôi được bác sĩ người Pháp chữa trị, ông cho biết nhờ cái mũ nồi (beret) trên đầu và nhát cuốc xuống bị ghị lại nên sọ tuy bị nứt nhưng chưa đụng tới óc mới cứu được. Vết sẹo trên đầu vẫn còn ghi dấu.

Mơ màng trong trí lại nhớ tới làng quê, mỗi năm vào kỳ hè, ba dắt anh em tôi về làng quê nghỉ chơi. Xa xa cây gạo cổ thụ đơm bông rực rỡ như mừng đón đám dân xa xứ về làng xum họp. Cây hoa gạo được trồng trên đường vào làng hàng nhiều trăm năm trước, theo lời các cụ rất linh thiêng nên không ai dám xâm phạm hay xả rác bừa bãi xung quanh.

Đi hết con đường lớn dẫn vào là đến cơ ngơi của ông bà ngoại tọa lạc ở đầu làng, có tường gạch rất dài cao chạy vòng bao quanh, nay được cậu Cát trông nom. Do bởi chiến tranh nên ông bà ngoại lên lại ở tỉnh. Men theo con đường giữa đã nhìn thấy mái đình làng đồ sộ vươn cao, gần đình là một cái giếng rộng và sâu như cái ao, trồng hoa sen, nước trong thấy đáy, những tảng đá xanh dầy to hình chữ nhật được xây làm bậc đi cho người ta đi xuống lấy nước. Nước ở giếng này tôi đã có dịp uống qua, có vị hơi ngọt và đặc biệt không hôi mùi bùn đất. Giếng được mọi người bảo vệ vô cùng cẩn thận, là tài sản quý của làng.

Thú vui chia xẻ cùng đám trẻ làng cũng luôn vương vấn trong mái đầu non nớt của tôi. Mỗi khi tôi về lại làng quê trong kỳ nghỉ hè hay Tết lại được rong chơi thoải mái với ho. Thẩn thơ rủ rê nhau bắt những chú ve sầu ẩn mình trong hàng tre cao cong rợp bóng che mát nắng hè, đào bắt cá trạch trên cánh đồng trơ thân rạ sau mùa gặt bùn đất khô cằn nứt nẻ vì ung nắng hạ, dẫn chó đi bắt chuột từ hang trong ruộng chạy ra khi bị hun khói, leo trèo bắt chim non còn chưa mọc đủ lông trong ổ về nuôi. Cả đám rủ nhau lấy thuyền nan của ai đó đậu nhờ trong bờ mương rạch nhà tôi chống sào men sông đi hái ổi…Mơ màng nhớ đám cò trắng hàng trăm con kêu quang quác trở về ổ quanh luỹ tre cao ngất ngưởng dầy chạy dài bao quanh khu gia cư nhà.

Trong giấc ngủ chập chờn trên máy bay cao tận mây xanh, những hình ảnh thân thương vui đẹp lặng lẽ dần trôi. Tôi thật sự đã tỉnh thức để nhận ra rằng làng quê nay đã xa tít mịt mùng khi chiếc máy bay Dakota bốn cánh quạt đang thẳng bay về miền Nam, bỏ lại sau lưng những gì mà tổ tiên, ông bà và cha mẹ gây dựng tích luỹ nhiều đời nay thật sự đã mất trọn, làng quê yên bình xinh đẹp nơi cha mẹ cắt rốn chôn nhau của tôi nay đã trở thành cố hương.
Thuở còn ngồi trong lớp tiểu học tại tỉnh Hải Dương, tôi đang học lớp ba thì ba tôi ra đi vào miền Nam. Thầy giáo dậy tập đọc, toán pháp, viết chính tả, đọc và học thuộc lòng một số bài trong sách quốc văn giáo khoa thư mà chỉ được biết sơ sài về địa lý …nên với chúng tôi miền Nam là vùng đất vô cùng xa lạ, chỉ được nhìn thấy tấm bản đồ Việt Nam hình cong chữ S treo trên tường lớp học, nhưng những mái đầu xanh tóc ngắn mải chơi và nghịch, vui hơn là chú ý tới nước cùng non.

Cho tới khi ngồi trên máy bay dù biết là sẽ đi về Nam đoàn tụ với cha, nhưng hai chữ Sài Gòn vẫn thật còn vô cùng xa lạ. Trong giấc ngủ chập chờn, không quan tâm đến giờ giấc, đến khi được cô tiếp viên ngọt ngào thông báo máy bay sắp vào không phận Sài Gòn. Chiếc máy bay hạ dần độ cao, chao cánh lượn vòng từ nhẹ nhàng đáp xuống phi đạo trong buổi xế trưa dịu ánh nắng vàng của những ngày giáp Tết.

Tòa nhà ga của phi trường Tân Sơn Nhất sừng sững đứng nghênh ngang một cõi, so với phi trường Gia Lâm và Tourane (Đà Nẵng) thì bề thế vượt trội hơn nhiều. Sau khi máy bay đi vào ụ đậu, hành khách lần lượt đi xuống, đứng chờ gần đó để nhận hành lý tại chỗ. Hai nhân viên khuân vác phụ mẹ con tôi di chuyển cái hòm (rương) gỗ đựng hành lý to quá khổ xếp vào xe ca. Chiếc xe lăn bánh đưa khách đến cổng phi trường thả xuống cùng với hành lý.
Mẹ tôi nhìn quanh không thấy ba ra đón. Trong khi đứng ngơ ngác cạnh đàn con, mấy bác đạp xích lô đến hỏi thăm, mẹ đưa tờ giấy có ghi địa chỉ cho hai bác và nhờ chở cả gia đình về nhà ở đường Nguyễn văn Thành gần chợ Bà Chiểu. Đây là lần đầu tiên trong đời tôi được ngồi trên xe xích lô, ở tỉnh Hải Dương tôi chỉ ngồi trên xe kéo với người lớn mà thôi.

Chúng tôi về đến nhà đã có bà Tư người hàng xóm tuơi cười chờ sẵn mở cửa cho vào, bà cho biết vì ba tôi bận công vụ nên không thể đi đón được nên nhờ bà giúp. Gần tới chiều ba tôi và chú Túc đi xe jeff về tới, cả gia đình ấm cúng quây quần trong bữa cơm chiều sau hơn một năm xa cách.

Tuần lễ đầu tiên tại miền Nam, đầu óc cậu bé con bẩy tuổi vẫn còn lơ mơ chưa tỉnh hẳn. Trong giấc ngủ vật vã hình ảnh lò dò theo chân mẹ lén lút ra đi dưới cơn mưa lạnh rời xa tổ ấm, bị Việt Minh đuổi theo chạy đến hụt hơi. Rồi trong kỳ ức lại hiện lên hình ảnh trong một lần lính Pháp hành quân tới gần làng, nhìn thấy bóng người xa xa đúng vào lúc mẹ dắt theo tôi ra thăm ruộng, họ nhắm bắn qua cánh đồng lúa, hàng loạt đạn bay chíu chíu trên đầu mẹ con tôi. May mắn không ai trúng đạn, bà dắt con chạy thục mạng vào núp trong làng.

Bất trắc của chiến tranh xẩy đến cho bất cứ ai, trẻ con hay người lớn và cho mọi gia đình. Một nhà trong làng đang quây quần quanh mâm cơm vào buổi chiều, đột nhiên viên đạn đại bác của Pháp rơi vào, làm cho tất cả mọi người chết thê thảm. Những chuyện thật này được ba tôi thuật lại, ông còn kể thêm chuyện hai người chủ gia đình trong làng tranh nhau một cây cau mọc ở giữa ranh đất hai nhà mà lấy đi hai mạng người. Một người bị mất mạng khi vô tình đi ra đồng làm việc gặp khi Pháp hành quân, sợ nên bỏ chạy, Pháp cho là Việt Minh nên bắn. Gia đình người chết sau đó la làng là ông nọ đi mật báo cho Pháp. Một đêm kia Việt Minh đến nhà đem ông ta đi, sáng ra các người làm đồng thấy xác nằm chết giữa cánh đồng, hai khuỷu tay bị trói giật ra sau lưng.

Bởi chiến tranh đem đến đau thương tang tóc như vậy, nên ba tôi sau khi được tha khỏi nhà tù Đề Lao Hải Dương sau gần ba năm bị giam cầm, đã thơ về cho gia nhân đưa hai anh em chúng tôi và một người em con ông chú lên sống luôn trên tỉnh. Ông chỉ đưa con về thăm quê trong ngày Tết và mùa hè khi thấy yên ổn.

Cả làng quê chỉ có gia đình là ông ngoại và nửa gia đình tôi là đủ khả năng tài chánh sống trên tỉnh để tránh chiến tranh, còn lại mọi người đều phải ở lại làng phó mặc cho bom rơi đạn lạc.

Sau một tuần lễ loay hoay với cuộc sống mới nơi miền xa lạ thì gia đình đã đón cái Tết đầu tiên tại miền Nam. Niềm quay quắt nhớ ông bà nội ngoại, nhớ làng quê, phố thị, nhớ bạn, nhớ tiếng giã giò, tiếng thớt vang vang trong đêm của ngày 30 Tết ở quê, đã khiến cho bữa cơm xum họp ngày Xuân trở thành tẻ nhạt. Cha mẹ thẫn thờ ra mặt, anh em cũng không vui, ai nấy mang đầy ắp trong tim niềm tâm sự mà thời gian chưa dài đủ để phải nhạt nỗi buồn đang mang nặng chĩu trong lòng.

Thời gian trôi qua nhanh, gia đình chúng tôi định cư tại tỉnh Gia Định vào đầu năm 1953. Tới tháng 7 năm 1954 cuộc di cư từ miền Bắc vào miền Nam đã ào ạt diễn ra.

Khu phố nhà tôi ở đường Nguyễn văn Thành, con đường dài khoảng dăm trăm thước, một đầu đường cắt ngang bởi đường Nguyễn văn Học, khúc dưới nối vuông góc với đường Phan chu Trinh, tiếp đến là đường Bạch Đằng kéo dài từ chợ Ba Chiểu qua đến Hàng Xanh.

Phan chu Trinh là con đường ngắn, có đường hẻm dốc lớn đâm thẳng ra. Trong con hẻm này là dẫy phố gạch của triệu phú Phú Hữu xây trong khu đất lớn của ông, còn có xưởng làm gạch bông và biệt thự rất bề thế đẹp xây theo kiểu Tây nằm cạnh bờ sông. Khi còn nhỏ, tôi cùng chúng bạn đi băng qua khu gia cư vào bờ sông bơi lội.

Quái Kiệt Trần văn Trạch, nhà văn quân đội Phan lạc Tiếp và vợ chồng anh Nguyễn lập Chí CTKD k1 ngụ tại dẫy phố này. Nên khi đọc bài văn Sài Gòn thoáng nhớ của nhà văn Phan lạc Tiếp do Thy-Mai Trần chuyển, lòng tôi dậy lên niềm thương nhớ vùng trời của thời xa xưa, nơi đã sống giữa các bạn Nam kỳ, chung dưới mai học đường, ngay sau khi đau lòng ly biệt quê hương xứ Bắc bay vào miền Nam.

Chính tại cây cầu gỗ nhỏ bắc ra ven bờ sông dùng để rửa chân tay,tắm gội…của gia đình triệu phú Phú Hữu mà năm mười tuổi tôi đã cứu sống một người bạn đang chìm ở con sông này. Người bạn được tôi cứu khỏi thần chết là người thứ nhất trong tổng số chín người được tôi vớt khỏi mặt nước, khi đã bị chìm.

Một buổi sáng cuối tuần, cậu bé tên Kiến cùng trạc tuổi, rủ tôi đi tắm sông, nhà Kiến ở góc đường Nguyễn văn Thành và Phan chu Trinh cách nhà tôi vài chục bước, gia đình Kiến chế tạo, ráp lắp xe xích lô máy. Chúng tôi ở trần mặc quần cụt đi vào con hẻm, băng qua cổng xưởng gạch bông rồi vào trong cái sân rộng mênh mông của ông Phú Hữu, ra cây cầu bắc de một khúc ra sông. Kiến ngồi phía ngoài,cạnh tôi ở trong. Chợt có một khúc ngọn cây dừa to đã được người ta chặt hết bẹ lững lờ theo dòng nước trôi qua gần cái cầu hai đứa đang ngồi dỡn nước. Kiến vói tay níu lại, dòng nước cuốn đi mang theo cả thằng nhỏ, rồi ngọn dừa to bằng cái thúng lật ngang vì sức kéo của chú bé. Kiến bị chìm xuống nước, hai cánh tay quơ cào trên mặt sông, tôi phát hoảng không kịp suy nghĩ phóng theo, may thay tôi níu được chân bạn ta rồi nương theo dòng nước chảy quanh, kéo thằng nhỏ tạt vào bờ sông. Thật là hú vía, tôi đâu có biết người bạn mình không biết lội, cũng may cho tôi níu nhằm chân hắn, hứ ôm nhằm ngang lưng thì trong lúc hoảng loạn hắn siết lấy tôi chắc hẳn hai đứa trẻ mười tuổi đầu sẽ làm mồi cho Hà Bá. Từ ngày đó tôi cạch mặt cậu Kiến nhà ta không bao giờ rủ rê hắn đi ra bờ sông nữa.

Rồi ngày khai trường cũng đã đến, mặc vào bộ quần kaki xanh áo cụt tay trắng khiến tôi trở nên chững chạc hơn. Bước ra khỏi cửa nhà, ưỡn ngực hít một hơi dài không khí mát lạnh của buổi sớm mai, tinh thần phấn chấn, lẩm nhẩm trong đầu bài: Tôi đi học của nhà văn Thanh Tịnh. Rồi hăng hái rảo bước hương tới trường Hồ Ngọc Cẩn.

Mấy trăm mái đầu xanh, giầy dép quần xanh áo trắng đồng phục chỉnh tề, đứng thành hàng ngay ngắn hướng về phía cây cột cao. Lá cờ vàng ba sọc đỏ thiêng liêng được từ từ kéo lên, đồng thời hàng mấy trăm đôi môi hồng thắm thơ ngây đam minh đồng ca vang bài Quốc Ca trong không gian trang trọng tĩnh lặng của buổi khai trường.

Sau hơn tuần lễ nghỉ ngơi trong dịp Tết cùng gia đình, tôi được ba dắt đến trường tư thục Nam Việt Học Đường cách nhà không xa để học tiếp cho hết niên học, sau đó sẽ xin vào trường công. Nam Việt học Đường do bà Trần thị Mầu là danh gia vọng tộc đất Gia Định thành lập, sau này bà là Dân Biểu quốc hội Lập Hiến nền đệ nhất Cộng Hoà.

Mỗi sáng cắp sách đến trường hồi ở Hải Dương đều là những ngày vui, vui với chúng bạn, nhiều món ngon mua trên đường tới trường cũng như tan học,tinh thần luôn an bình phấn chấn. Nay trái lại mỗi buổi sáng cắp cái cặp da vào bên hông, lòng lại tràn ngập băn khoăn, thằng Rau Muống là tên tôi được réo gọi và cười nhạo bởi lũ học trò đáng ghét miền Nam.

Tuy hiếu học, nhưng khi đột nhiên rơi tõm vào môi trường xa lạ toàn trẻ Nam Kỳ quái quỷ này đã làm cho lòng tôi nặng chĩu nỗi buồn, sự bực bội dần tăng.Trong một tuần lễ, hiếm ngày nào trong tuần tôi không vả một hai thằng xưng mặt cho chúng bỏ tật chọc phá, ngạo tôi.

Sự tức giận đã khiến cho tôi không biết sợ là gì, tim tôi sôi máu, khi đánh nhau với chúng, tôi quyết chiến tới cùng không biết sợ đau. Một lần có đứa mách lại với ông thầy giáo cũng Nam Kỳ. Ông thầy tra hỏi, tôi thành thật trả lời, nhưng ngôn ngữ dù cùng là tiếng Việt nhưng trọ trẹ bất đồng nên khó lòng nói cho ông hiểu cặn kẽ những gì bọn trẻ ranh Nam Kỳ đã hà hiếp tôi. Do đó tôi bị đòn vài cây thước kẻ còn bị mắng đồ kỳ khôi. Cái gì là kỳ khôi? Tôi bị hiếp đáp, chỉ tự vệ còn bị đòn, bị chửi là Kỳ Khôi ? mà thằng Bắc Kỳ nhỏ xíu mới định cư chưa tới tháng trời thì nào hiểu được nghĩa chữ "Kỳ Khôi". Sau này mới hiểu ra là kỳ cục hay chẳng giống ai.

Vài ngày sau thầy giáo dậy chúng tôi bài hát "An Phú Đông", lời ca rất hùng hồn: Bên hàng dừa cao dòng sông mờ soi bóng/ Có những chiến binh trầm thây trong máu hồng….lời bài ca rất bi ai hùng tráng. Nhưng tuần lễ sau không thấy ông dậy học nữa, chúng tôi những mái đầu thơ dại vẫn tiếp tục học với thầy khác mà không hề thắc mắc. Khi lớn khôn tôi mới hiểu rằng bài hát đó khơi dậy lòng yêu nước của dân vùng Gò Vấp tỉnh Gia Định, nơi có chiến khu do người Việt Minh lập nên thuộc quận này.

Rồi thời gian lặng lẽ trôi qua, sau khi nghỉ hè tôi vào trường công Nam tỉnh lỵ Gia Định, trường nằm trên đường Võ di Nguy, kế bên trường Mỹ Nghệ Gia Định. Trường rất lớn sân chơi rộng mênh mông, phía sau dẫy lớp dài là hàng cây Phượng Vĩ cổ thụ nở những cánh hoa đỏ tươi rực rỡ, tỏa bóng mát cả một góc sân dài. Nơi đây đã giúp chúng tôi ra núp để trốn cái gay gắt của nắng hè muộn còn vương lại. Khi đó tuổi còn thơ dại nào biết đến ép cánh hoa vào sách để tặng cho người yêu dấu. Cuối niên học lớp nhất thằng bé Bắc Kỳ Kỳ Khôi ngày nào ngơ ngác trong buổi lễ tốt nghiệp khi được xướng tên: đứng đầu lãnh phần thưởng danh dự với nhiều lần xướng danh.

Tôi đánh nhau thì hung hăng, nhưng khi đi ngang qua những quan khách, thầy cô bệ vệ ngồi trên hàng ghế trước mặt thì chân như không còn sức bước, lối đi tới bục nhận phần thưởng chỉ vài chục thước nhưng cảm thấy dài vô cùng tận. Cuối cùng tôi cũng khệ nệ gồng mình ôm chồng sách cao gần tới vai mình đi về chỗ. Chồng phần thưởng nặng nề được bọc giấy bóng kính vàng trong suốt làm cho tôi phải tiêu tốn vài đồng trả tiền cho bác xích lô đạp chở về nhà cách trường chưa tới một cây số.

Trường Nam tỉnh lỵ Gia Định này sau đã dời đến gần dinh tỉnh trưởng, bề thế hơn trước ,cao hai tầng lầu, dẫy ngang dẫy dọc, sân chơi lót dầu hắc sạch sẽ, đối diện với chợ Bà Chiểu và sát tường với trường công lập Hồ ngoc Cẩn. Ngôi trường cũ nay dành dậy nữ sinh, để các em kẹp tóc tha hồ nhặt cánh hoa Phượng ép vào trang sách mà mơ mộng ái tình.

Sau khi rời bậc tiểu học,tôi thi đậu vào trường công lập Hồ Ngọc Cẩn, nếu tôi nhớ không lầm thì thầy cô nói cho biết khi tựu trường lớp đệ thất, là có khoảng mười ngàn thí sinh ghi danh để chỉ có khoảng bốn trăm học sinh trúng tuyển.Tôi còn nhớ mãi cái đề thi Luận về câu: việc học như con thuyền đi trên dòng nước ngược,không tiến ắt phải lùi (cụ Nguyễn bá Học 1857-1921).

Một tuần lễ trước Tết âm lịch tôi đã cùng gia đình hội tụ ở miền Nam, sau đó an cư tại đất Gia định, cha đi làm mẹ ở nhà coi sóc gia đình, các con lớn đi học, vào thời gian đầu năm 1953. Quê hương yêu dấu nay thật sự đã trở thành cố hương, cha mẹ tôi tức tưởi quay lưng rời bỏ tất cả sản nghiệp, mồ mả tổ tiên ….rưng rưng ngấn lệ vội vã dắt các con ra đi, nhưng lòng đau như sát muối, nghẹn ngào không nói thành lời.

Riêng phần tôi, nhiều năm về sau trong giấc ngủ vẫn còn chập chờn mơ thấy những hình ảnh thân thương, thơ mộng của làng quê, vẫn còn tưởng thấy đang cầm cái que dài đẩy vòng sắt chạy chơi trên hè phố thị, hay tung tăng chạy trên bờ đê kéo ghì sợi dây căng thẳng giữ cho con diều bọc gió chao lượn trên vòm trời xanh biếc buông tiếng sáo vi vu trong ánh nắng vàng của buổi trưa hè.

Tính đến tháng 7 năm 1954 là khởi đầu của cuộc đi cư của đồng bào từ miền Bắc vào Nam. Gia đình tôi đã cư ngụ hơn một năm rưỡi tại tỉnh Gia Định, hàng ngày cắp sách đến trường, những bạn học và trẻ hàng xóm Nam Kỳ không còn gọi tên tôi là thằng Bắc Kỳ Rau Muống nữa.

Hầu như những bất đồng va chạm về ngôn ngữ trong sinh hoạt chung đã dần biến mất. Bản chất hồn nhiên của tuổi thơ đã nối liền lại Bắc Nam trong lớp học cũng như sân trường. Chúng tôi cùng chơi chung ván đáo, đánh khăng, bông vụ, tạt hình….đi vào xóm ruộng hớt cá lia thia hay bắt dế về thi đá, bơilội tắm sông. Tình cảm giữa tôi và đám trẻ Nam Kỳ nẩy nở thêm lớn mạnh khắng khít theo thời gian.

Khởi sự cho năm đầu đệ thất ở bậc trung học, tánh tình hồn nhiên cũng vợi bớt đi. Tôi đã biết phần nào suy nghĩ về tương lai, theo dõi tình hình đất nước và thế giới qua trang báo, ham mê đọc sách và truyện mượn từ bạn hoặc đi mướn. Mỗi ngày khoảng sáu giờ sáng ba tôi gọi con thức dậy, cho ăn điểm tâm, ôn lại bài vở trước khi đi học. Trong ba năm học đầu tiên: thất, lục và đệ ngũ, tôi rất chăm chỉ học hành. Nhưng đến khoảng mười bốn-mười lăm tuổi, tôi bắt đầu thích đi chơi hơn sách vở, trái tim biết rung động trước ánh mắt nụ cười e ấp của nữ sinh mang tà áo trắng và từ đó bắt đầu ăn diện mặc quần áo đi giày theo thời trang.

Kết quả kỳ thi Tú tài một làm cho ba má tôi buồn vô hạn, trở về nhà sau khi xem bảng, nhìn thấy song thân ngồi nơi phòng khách không nói một lời, đã làm tim tôi thắt lại.

Trong ba năm đầu của bậc trung học: thất, lục và đệ ngũ, tôi rất chăm chỉ học hành, nhưng đến năm đệ tứ thì bắt đầu thích đi chơi hơn chú tâm đến sách vở, với nhóm bạn thân đồng trang lứa mỗi đứa có một xe gắn máy: tôi có xe Sach, Tâm xe Puch, Trí và Lộc xe Velosolex,Thành xe Mobilette. Năm người bạn có phương tiện nên thường rủ rê nhau đi chơi nhiều hơn học. Kết quả của sự biếng nhác học hành đã đem đến hậu quả như Phật pháp đã dậy chúng sinh về Nhân Quả, không đứa nào lấy được mảnh bằng Tú Tài 1 vào năm 1963.

Lòng tôi buồn rầu khôn tả, nên ghé nhà Lộc rủ bạn ta vào xóm ruộng . Chúng tôi bước luồn sâu qua những đường mòn nhỏ yên tịnh băng qua những cánh đồng vào tận bờ sông gần cầu Sơn vùng Thị Nghè tâm sự. Sau khi chia tay Lộc, về nhà tôi dẹp hết những quần áo dầy dép thời trang vào tủ. oạn lại bàn học, đem tất cả sách toán lý hóa ra ngồi ôn lại từ các lớp đệ tam tới tú tài một, ròng rã mấy tháng trời miệt mài cùng đèn sách tự học một mình. Tôi đã soạn cho mình một thời khóa biểu học rất khắc nghiệt phải thực hiện cho bằng được cho mỗi ngày trong tuần: một ngày phải ngồi vào bàn học 13 giờ, dành 4 giờ trong ngày cho ăn uống nghỉ ngơi và tập thể dục, bắt đầu từ 7 giờ sáng, kết thúc 12 giờ đêm, sau đó mới lên giường.

Sự hứng khởi với đèn sách đã trở lại trong tôi, giờ đây tôi không còn chút để tâm với băng nhóm ăn chơi nữa, tôi mặc lại quần xanh áo trắng của thời đi học, cất xe gắn máy, lấy xe đạp trở lại trường cùng những bạn Phạm hữu Doãn và Trần thuỵ Nghi. Năm 1964 tôi thi đậu Tú Tài 1, năm 1965 đem tin vui khác đến cho cha mẹ với kết quả Tú Tài 2. Trong ánh sáng Tự Do của miền Nam, gia đình chúng tôi đã tìm lại được bình an và hạnh phúc, riêng phần tôi giấc mơ đã trở thành hiện thực và tương lai sáng lạn đang đợi chờ nơi ngưỡng cửa Đại Học.

Tôi đã dần lớn khôn trong ánh sáng Tự Do của miền Nam,được sống trong xã hội đầy ắp tình nghĩa đồng bào, đây là nơi đã nuôi dưỡng tôi trở thành một công dân,với nhiều đức tính thuần khiết của loài người trong những bài học Công Dân Giáo Dục dưới mái học đường,tạo mọi cơ hội cho tôi tự do phát triển kiến thức . Quê Hương là đây.

Ký ức trong tâm hồn thơ dại nơi tôi về những năm tháng sống tại miền Bắc thân yêu khi mới đặt chân lên mảnh đất miền Nam đã dần dần lắng dịu theo thời gian. Nỗi quay quắt thương nơi chốn cũ không còn bật lên mãnh liệt như xưa, tuy thỉnh thoảng niềm nhớ nhung quay trở lại. Nhưng chỉ như cơn gió Thu âu yếm nhè nhẹ đưa những chiếc lá vàng còn tiếc nuối đời mình gắng vương lại trên cành trở về với cội.

Tôi hoà mình vào đời sống mới, những trẻ Nam Kỳ đồng trang lứa trở thành bạn thân không thể thiếu trong đời sống hàng ngày. Chúng tôi trải lòng vì nhau, nhường nhau quà bánh, trái cây, cho nhau những trái thị thơm khi trèo hái được tại hai hàng cây thị trồng dọc bên đường Bạch Đằng, thuở trước dân gọi tên là khu Hàng Thị.

Một ngày nọ, cả bọn năm bẩy đứa rủ nhau đi luồn qua xóm ruộng đến tắm tại khúc sông chảy dọc theo Long Vân Tự, khúc sông này là một nhánh từ con sông Thị Nghè. Lũ trẻ trên mười tuổi bơi lội thoả thích còn móc xình ( bùn) chọi nhau, trong lúc đó tôi đứng trên cây cầu gỗ nhìn quanh quất. Vô tình đảo mắt qua bờ sông bên kia phía trái, bỗng thấy hai tay của một đứa bạn quơ cào trên mặt nước, nhô lên,chìm xuống.T heo phản xạ, từ trên cầu tôi phóng xuống vớt nó lên, mắt nó lờ đờ vì mệt và đã no bụng nước. Sau này tôi mới biết trong nhóm đi chơi có vài đứa không biết lội nhưng khi thấy nước là nhẩy xuống, men theo bờ chỗ nước cạn nghịch đùa. Chẳng dè người bạn mang quốc tịch Tây tên Paul khi đi lần theo bờ móc xình chọi nhau lại hụt chân rơi vào cái hố do người trong xóm ruộng móc bùn lên để đắp nền nhà. Xóm ruộng là xóm nghèo đa số nhà lợp tranh xen vào vài cái lợp bằng tôn. Sau này khi học Đại Học, tôi mới biết chị của bạn Huỳnh bá tuệ Dương có một căn nhà trong khu biệt lập phía sau chùa Long Vân Tự, xóm này mới được một nhóm người toàn Bắc đi cư 1954, đa số là người Công Giáo thành lập mãi sau này. Sở dĩ tôi còn nhớ rõ, do bởi họ là những người chủ dựng hai dẫy nhà dài đối diện nhau trên cánh đồng,nơi chúng tôi thường rủ nhau đi hớt cá lia thia nằm ẩn dưới cụm rong ngập nước của lỗ chân trâu,đem về dưỡng trong ve keo lớn để rồi thi đá cá.

Paul chết hụt ở khúc sông dọc theo Long Vân Tự được tôi cứu là cháu cụ Nguyễn Phú Đức, chủ báo Bình Dân gọi là cụ Cố. Gia đình cụ Nguyễn Phú Đức rất bề thế ở đất Gia Định, nhiều dẫy phố ngang dọc cho thuê mướn dọc theo đường Bạch Đằng, Phan chu Trinh và Nguyễn văn Thành…Khi còn nhỏ,tôi hay ra xóm sau nhà chơi với Paul, nó dẫn tôi vào nhà ông Cố, căn nhà trệt lợp ngói âm dương cũ kỹ nằm gọn trên vuông vườn rộng. Căn nhà vô cùng lớn so với nhà phố ở quanh, trên tường treo những đầu nai, lợn rừng…đã khô,dưới gạch là mấy chân voi cụt.

Nhà này có lẽ là nơi in báo, có rất nhiều bản chữ đúc bằng chì gọi là bản kẽm đặt trên các kệ dài và hàng đống báo Bình Dân phủ bụi đã đổi mầu để ở xó nhà qua năm tháng. Truyện trinh thám trong tờ báo làm tôi say mê về hai nhân vật xuất quỷ nhập thần: Bách si Ma và Hiệp Liệt. Cụ Cố đã mất có lẽ khoảng gần 70 năm.

Sau khi cứu hai đứa bạn suýt chết đuối khi tắm sông là thằng Kiến và Paul, tôi không còn đầu têu rủ rê các bạn ra ngoài sông nước nữa. Mà nếu thích tôi rủ chúng nó đi lội ở các hồ tắm xây tại tỉnh Gia Định hay ngoài Sài Gòn như: Đại Đồng, Chi Lăng, Đô Thành, Yết Kiêu, Li Đô…..Vào thời điểm này tôi đang học những năm đầu bậc trung học và có nhiều bạn mới. Những bạn cũ khi trước vì môi trường học hành thay đổi nên bớt gắn bó hơn xưa.

Năm tháng dần qua khi tuổi đời từ từ chồng chất xô dạt phần nào thơ ngây ra khỏi cuộc đời. Tôi chập choạng dè chừng bước vào ngưỡng cửa cuộc sống nửa thiếu niên năng động, phần bên kia là thanh niên ngơ ngác nhìn đời sống mới không xa trước mặt.

 

(còn tiếp)

Nguyễn Sĩ Đẩu

Xem tiếp phần 3


Joomla Hosting and Maintenance by Cybersalt

Copyright © 2014-2024. VietVancouver, All rights reserved

  • Số Lượt Truy Cập 1753627