HỒN NGƯỜI VIỄN XỨ

Gió Vivu

 

Tháng Tư buồn lại đến, nửa thế kỷ trôi qua, những thuyền nhân nay đã già và những câu chuyện của họ đã trở thành cổ tích. Hồi tưởng để nhớ về một quá khứ đau thương với những chia ly và mất mát.

 Nào ai biết được niềm u uẩn,
Từng lắng nhiều trong những mảnh đời  
(Thơ Quang Dũng)

 

 

Cứu vớt

Chiếc tàu nhỏ bé của chúng tôi bị tàu đánh cá Thái Lan cướp bóc và hãm hiếp. Trên tàu có một cô gái sợ hãi đã lao mình xuống biển. Bọn Thái vớt cô lên rồi dí súng vào đầu có ý muốn nói: "Nếu ai nhảy xuống biển nữa là bắn bỏ!". Nhờ người con gái gan dạ liều lĩnh đó mà đám ngư phủ Thái đã ngừng tay thôi hãm hiếp. Tôi là một trong những cô gái may mắn thoát nạn trên chuyến tàu định mệnh ấy.

Khi mặt trời vừa ló dạng, bọn Thái thả chúng tôi, kèm theo nước uống, cơm và một khay ghẹ đã nấu chín, rồi chỉ đường cho bác tài công. Khi đám ngư phủ Thái bỏ đi, mọi người như hoàn hồn, hy vọng vươn lên dù đường còn dài, còn lắm gian nan...

Sáng sớm, giữa biển trời bao la,... lòng người miên man vô định, mọi việc đều phó thác vào bàn tay của đấng tạo hóa. Đã ba ngày, ai cũng mệt mỏi vì sợ hãi và đói khát nên phải ăn uống cho có sức để tiếp tục cuộc hành trình. Tôi lấy một chút cơm ăn với muối cho đỡ đói. Cùng lúc ấy có một người đàn ông trung niên, nhìn hiền lành, ông không nói gì chỉ nhìn tôi gật đầu chào, rồi cũng lấy cơm ăn. Có người nói:

 - Ăn ghẹ đi, ngon lắm!

Nhưng ông lắc đầu. Sau này đến Galang, khi làm hồ sơ khai tên tuổi tôi mới biết ông là một nhà sư.

Những ai ăn cơm với ghẹ đều bị "Tào Tháo rượt" và hoảng hốt lo sợ cho rằng có thuốc độc. Những người ăn cơm với muối thì "bình chân như vại".

Con tàu nhỏ bé đang êm êm lướt sóng, chợt...Bùm...!!! một cậu nhóc rớt tỏm xuống biển khi đang ngồi ở mạn tàu “giải bầu tâm sự”, tiếng bà mẹ la vang trời:

- Cứu con tôi, cứu con tôi với bà con ơi...!

Nhìn xa xa... chỉ thấy thấp thoáng một chấm đen nhỏ xíu đang nhấp nhô trên mặt biển mênh mông. Bà mẹ hốt hoảng chạy đến bên bác tài công, quỳ xụp xuống van xin:

- Ông ơi, xin cứu con tôi, xin ông... ông ơi....nó té xuống biển!

Bác tài ái ngại lắc đầu,... nhưng rồi cũng chuyển hướng đánh một vòng quay lại... thằng bé cũng ngất ngư, nó là dân vùng biển bơi giỏi nên cũng cầm cự được khá lâu. Hai mẹ con ôm nhau khóc, mọi người vui mừng vì vớt được thằng bé.

Bác tài đã đưa con tàu đến Indonesia. Những người lính biên phòng đã cho chúng tôi lên bờ ở tạm trên một đảo hoang gần đồn canh của họ. Một cuộc sống thê thảm, thiếu thốn, khốn khổ mà tôi không bao giờ quên trong đời. Chúng tôi sống lây lất dưới màn trời chiếu đất, ngủ chung với muỗi mòng, côn trùng và bầy chó rừng đêm đêm rình rập, đe dọa. Thức ăn là một ít mì mốc với những gì mò bắt được dưới biển và những trái sakê hay rau lá kiếm được trên đảo.

 

Tưởng niệm

Hơn 1 tháng, tàu của Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR) đến đón chúng tôi về trại tỵ nạn Galang. Trước khi được ra ngoài hội nhập với cộng đồng người tỵ nạn, chúng tôi phải vào khu "biệt lập" để được chăm sóc đặc biệt về thuốc men, nhất là kiểm tra bịnh truyền nhiễm sợ lây lan nguy hại cho cả trại. Cùng chuyển đến khu biệt lập với chúng tôi là một chuyến tàu khác cũng xuất phát từ bến Tiền Giang. Khi họ được cứu vớt, trên tàu chỉ còn người già, đàn ông và con nít; đàn bà, con gái đã bị bọn hải tặc Thái bắt đi. Những người có thân nhân bị bắt đều cầm chắc cái chết vì biết rằng bọn cướp hãm hiếp xong rồi quăng xuống biển,...viễn ảnh đau thương ấy xé nát lòng người còn ở lại.

Hằng ngày, có một thanh niên ngồi trước cửa trại, lặng lẽ buồn bã nhìn trời nhìn đất như mất hồn. Nghe những người đi cùng chuyến kể: "Em gái và người yêu đã bị hải tặc bắt đi nên anh ra nông nỗi". Những người bạn đồng hành có chung số phận đã hết lòng khuyên nhủ và an ủi nhưng anh không chịu ăn uống gì, chỉ còn da bọc xương.

Ít lâu sau, tôi nghe những người quen biết kể lại: "Xác anh đã nổi trôi trên biển và dạt vào một hóc đá". Những người bạn cùng tàu đã chôn anh vội vã ở nghĩa trang Galang. Tên được ghi trên bia mộ, anh nằm đó cô đơn, hồn phiêu bạt nơi nao, có còn buồn đau hay sầu muộn?!

Tôi nhớ những mảnh đời phiêu bạt với câu thơ buồn chua chát, thê lương của Quang Dũng …

Rải rác biên cương mồ viễn xứ   

                                

Oan hồn

Trên đường vượt biển tìm tự do, những phụ nữ Việt Nam không may bị hãm hiếp, khi đến trại tỵ nạn họ thường được cao ủy cứu xét, giúp cho đi định cư sớm; để tránh những lời ra tiếng vào có ảnh hưởng đến sinh mạng của họ.

Có những người dèm pha, bêu rếu trên sự đau khổ của những đồng hương không may mắn?! Họ không biết rằng, những cô gái đáng thương đã phải sống với những cơn ác mộng trong đời...! Hơn thế nữa, những người phụ nữ yếu đuối ấy có thể là mẹ, là chị em, người yêu, bạn bè, hàng xóm,...của mình đã gặp nạn trên bước đường lưu lạc; họ phải được thương yêu, an ủi.

Theo chuyện kể lại, có hai chị em rất xinh đẹp, đi vượt biển đã bị hải tặc Thái hãm hiếp. Khi đến trại tỵ nạn, bị xoi mói bởi những ánh mắt, những lời xầm xì chế nhạo đã làm tổn thương đến tâm hồn đang đau khổ, tủi nhục. Hai chị em đã treo cổ dưới gốc cây Đa mà chết. Hồn linh thiêng, vất vưởng chưa siêu thoát nên đêm đêm biến thành những bóng trắng bay lượn lờ quanh đảo khiến người ta sợ hãi mà lập miếu thờ. Sau đó, một thiếu nữ đau buồn cho số phận không may, cũng treo cổ chết tại gốc cây ấy nên có miếu thờ ba cô gái Việt bạc mệnh. Nghe đồn “Miếu Ba Cô” rất linh thiêng, ai đến cầu xin, cúng bái đều được như ý nguyện.

 

Mất tích

Anh Duy, một phó nhòm chụp những bức hình rất nghệ thuật. Anh đã ở Galang lâu lắm rồi mà chưa được đi định cư vì có người em bị mắc hội chứng “Down". Phái đoàn các nước từ chối vì không muốn nhận người khuyết tật, mặc dù cha của họ đang bị đọa đày trong lao tù cộng sản Việt Nam.  Anh Duy thường đi chụp hình để kiếm tiền và đứa em quanh quẩn ở "Barrack" chờ anh về.

Thỉnh thoảng tôi ra quán ăn khuya, có gặp hai anh em đến ăn tối. Người em khờ khạo, nước miếng nhiễu nhão như đứa trẻ thơ tuy thân hình cao lớn. Người anh chăm chút cho em như một "baby", nhìn cử chỉ chăm sóc của tình anh em thắm thiết, tôi thấy thương cảm và cầu mong anh em họ luôn được bình an.

Buổi sáng hôm ấy, người ta thức giấc sớm vì tiếng ồn ào,... có nhiều người đi đến từng barrack hỏi thăm và tìm kiếm "trẻ lạc". Đứa em của anh Duy, từ chiều hôm qua đã đi đâu mất tích. Lên rừng, xuống biển, tìm kiếm khắp nơi cũng không thấy tung tích.

Tôi rời Galang đi định cư nên không biết số phận của anh em họ ra sao? Câu chuyện thật thương tâm, tôi thường bâng khuâng nghĩ đến những mảnh đời u uẩn…!

 

Tình yêu

Một câu chuyện tình được nhiều người biết đến ở Galang.

Có một đôi trai gái yêu nhau, một tình yêu lãng mạn nhưng đong đầy nước mắt. Tiếng sét của ái tình thật mạnh mẽ khiến cả hai người yêu nhau say đắm. Nhưng khốn nỗi, gia đình cứ cho là tình như áng mây, tình đến rồi đi...vì ở một chốn tạm dung không có gì là bền vững. Gia đình cố ý ngăn cản không cho họ bên nhau. Trước ngày gia đình nàng đi định cư, đôi uyên ương uống thuốc độc để cùng nhau đi đến cõi mộng tình mơ, không lo âu phiền muộn.

Đôi trẻ được chôn cất bên nhau như ý nguyện. Những người trên đảo cho rằng tình yêu của họ giống như chuyện tình bi thương của "Romeo và Juliet", một vở kịch bất hủ do Shakespeare viết lên từ vài thế kỷ trước.

 

Bi Kịch

Tưởng chừng như những nối thống khổ của thuyền nhân Việt đi tìm tự do, đã một thời vang vọng trên diễn đàn thế giới, nay đã chấm dứt? Nhưng,... cuộc hành trình với những giấc mơ vẫn còn "âm thầm" tiếp diễn không ngừng cho đến khi "chiếc thùng viễn xứ" được mở ra với 39 "thùng nhân" Việt đã chết ngộp tại Essex vào ngày 25 tháng 10 năm 2019 ở Anh quốc.

39 thùng nhân ôm giấc mơ đi "hành hương" nhưng phải "hồi hương" bằng những quan tài buồn vì đã chết cóng trong sợ hãi và tuyệt vọng. Trên bước đường lưu lạc đầy gian nan, nguy hiểm để mưu cầu một cuộc sống tốt đẹp hơn ở quê nhà, họ đã phải chịu đựng nhiều nỗi thống khổ không sao kể xiết. Những thùng nhân này trở thành nạn nhân của những kẻ buôn người vô nhân đạo. Những phụ nữ Việt đã bị cưỡng hiếp “trên từng cây số" bởi những kẻ dẫn đường từ Đông Âu qua Tây Âu và ngay cả những đồng hương cũng không tha khi có cơ hội... Đám người này đã không chừa một thủ đoạn nào để bóc lột tiền bạc, sức lao động và tình dục để thỏa mãn lòng tham trên xương máu của những thùng nhân.

Biết bao thuyền nhân đã rời xa quê mẹ với ước mơ tươi sáng, nhưng giấc mộng ấy nếu không thành đã biến thành ác mộng, không chỉ cho những người còn ở lại mà ngay cả những người đã bước đến "thiên đường". Có lẽ... thân xác lạnh buồn trở về cố hương, mà hồn còn bơ vơ nơi viễn xứ...?!

Chiều nay gởi tới quê xưa
Biết là bao thương nhớ cho vừa
Trời cao chìm rơi xuống đời
Biết là bao sầu trên xứ người
(Thuyền viễn xứ - Thơ của Huyền Chi, Phạm Duy phổ nhạc)

 

Hồi tưởng lại những câu chuyện buồn tưởng đã chìm sâu trong ký ức, nhưng những mảnh đời tha hương vẫn còn đang tiếp diễn.

50 năm quê hương thôi chinh chiến, người tha hương vẫn gạt giọt lệ buồn và người ở lại vẫn còn cất tiếng khóc than.

Người viễn xứ có hoài mong… “về đường cố lý, cố lý xa xôi” …

Về đây nghe tiếng hú hồn mê hoan
Về đây lắng trầm khúc nhạc truy hoan
Về đây nhé! Cắm xong chiếc thuyền hồn
Ôi thoáng nghe dây lòng tiếc đàn …
(Trở về mái nhà xưa – Nhạc ngoại quốc, lời của Phạm Duy)
 

Gió Vivu


Joomla Hosting and Maintenance by Cybersalt

Copyright © 2014-2025. VietVancouver, All rights reserved

  • Số Lượt Truy Cập 1879344