HƯỚNG DẪN DU LỊCH VANCOUVER VÀ VÙNG PHỤ CẬN

 

Canada, Mỹ, Úc đều là những quốc gia khổng lồ. Để thật sự biết về 3 quốc gia này, bạn phải đi thăm vài thành phố mỗi nước, vì tính chất khác biệt của những thành phố. Nhưng cứ giả sử như bạn chỉ có khả năng đi thăm một thành phố duy nhất của Canada, thì bạn chọn thành phố nào?

Có phải thành phố lớn nhất nói tiếng Anh là Toronto?

Có phải thành phố lớn thứ nhì nói tiếng Pháp là Montreal?

Không phải. Bạn nên đi thăm Vancouver.

Vì Vancouver là thành phố có phong cảnh thiên nhiên đẹp nhất, đa dạng nhất, có nhiều chỗ đi thăm thú nhất của Canada. Nếu phải so sánh Vancouver với những thành phố khác trên thế giới, thì Vancouver có thể so sánh với San Francisco của Mỹ, Sydney của Úc hay Nha Trang cộng Dalat của Việt Nam. Phải là Nha Trang cộng Dalat, vì Vancouver vừa có núi, rừng thông, thác và hồ của Dalat vừa có biển và sông của Nha Trang. Vancouver được lọt vào danh sách 10 thành phố đẹp nhất trên thế giới.

Ngoài ra, Vancouver cũng nhiều lần được chọn là thành phố đáng sống nhất trên thế giới bởi những cơ quan hoặc tạp chí nghiên cứu về chất lượng đời sống tại các thành phố trên thế giới.

Trước hết phải phân biệt City of Vancouver và Metro Vancouver. Trên phương diện hành chánh, City of Vancouver nhỏ thôi. Nhưng trên phương diện du lịch, người ta dùng Metro Vancouver là một vùng rộng lớn hơn, bao gồm City of Vancouver và những thành phố bao bọc quanh nó như West Vancouver, North Vancouver, Burnaby, Richmond, New Westminster, Delta, Surrey. Nếu nói theo hành chánh, mỗi thành phố đều có khu downtown (trung tâm) riêng nhưng trên phương diện du lịch, nói downtown có nghĩa là khu trung tâm của City of Vancouver.

Mới nhìn thoáng trên bản đồ Canada, thấy một hòn đảo lớn tên là Vancouver island thì nhiều người hiểu lầm là thành phố Vancouver nằm trên Vancouver island. Nhưng sự thật là thành phố Vancouver nằm trên đất liền.

 

Khái quát về Vancouver

Vancouver là thành phố lớn thứ 3 của Canada (sau Toronto và Montreal) và là thành phố lớn nhất của tỉnh bang British Columbia (BC). Nằm ở bờ Tây của Canada, trên Thái Bình Dương, phía bắc của tiểu bang Washington của Mỹ.

Dân số của City of Vancouver chỉ có hơn 600,000 nhưng dân số của Metro Vancouver là 2.5 triệu người. Số du khách hàng năm viếng Vancouver là 8 triệu người.

Diện tích của City of Vancouver chỉ có 115km2 nhưng diện tích của Metro Vancouver là 2,900km2.

Vancouver là một ngoại lệ của Canada về phương diện thời tiết. Trong khi thành kiến trên toàn thế giới về mùa đông Canada là rất lạnh lẽo khắc nghiệt với độ âm 20-30 thì Vancouver mùa đông khá ôn hòa, chỉ nhiều mưa chứ rất hiếm có tuyết. Nếu tuyết có rơi thì 1-2 ngày sau lại tan. Độ lạnh của Vancouver mùa đông chỉ tương đương với Sapa, Paris và Tokyo.

Vancouver cũng có cảng du thuyền (cruise ship port) đi đến Alaska, Hawaii, California và kênh đào Panama. Có khoảng 250 chuyến cruises khởi hành từ Vancouver hàng năm, mang theo 800,000 du khách.

Hối xuất tiền Canada tháng 2/2022 là 100 CAD chỉ bằng 78 USD.

 

Cách nào đến Vancouver?

  • Máy bay: phi trường Vancouver (mã số YVR) cách trung tâm thành phố Vancouver 15km và trên thực tế lại nằm trong địa phận của City of Richmond. 40 hãng máy bay quốc tế bay đến phi trường này. Từ phi trường có xe điện Skytrain chạy thẳng vào downtown Vancouver trong vòng 20 phút.
  • Tàu hỏa: xe hỏa Amtrak của Mỹ chạy từ Seattle đến Vancouver.
  • Đường bộ: từ Seattle lái lên bằng Freeway 5, đi qua cửa biên giới Peach Arch Border Crossing thì nối với Highway 99 của Canada, đi qua cửa Truck Route (gọi vậy vì xe tải chở hàng phải đi qua cửa này) thì nối với Highway 15 của Canada. Cửa Peach Arch thì luôn luôn bận rộn hơn cửa Truck Route, nhất là vào mùa hè, xe nối đuôi rồng rắn có thể phải chờ cả tiếng đồng hồ mới đến lượt xe mình đi qua, nên nhiều du khách dùng Truck Route.

 

Mùa nào đi chơi Vancouver tốt nhất?

Nếu nói về thuận lợi để đi chơi thì dĩ nhiên là mùa hè (tháng 6-7-8). Nhưng nếu đi vào mùa hè thì lại không có dịp ngắm hoa anh đào mùa Xuân (tháng 4), ngắm lá phong đỏ thắm mùa Thu (tháng 9-10) và ngâm mình trong suối nước nóng Harrison Hot Springs mùa đông (tháng 11-12-1-2). Nghĩa là mùa nào thì Vancouver cũng có cái hay cái thú của nó.

 

Mạng lưới khách sạn của Metro Vancouver

Tổng cộng 25,000 phòng khách sạn cho du khách, đi từ bình dân đến sang trọng, từ vài chục đô đến vài ngàn đô một đêm.

Đặt phòng tại vài website như sau:

https://expedia.ca/vancouver_bc/hotels

https://www.destinationvancouver.com/places-to-stay/

http://www.gvrd.com/accommodations/index.html

Bạn cũng có thể dùng AirBnB.

 

Mạng lưới giao thông công cộng của Metro Vancouver

Rất là hữu hiệu, gồm train, bus và một tuyến ferry.

  • Skytrain

Skytrain được xây dựng từ năm 1986, với một đường ray duy nhất là Expo Line, chạy bằng điện. Gọi là Tàu Trên Trời vì chạy trên đường ray cao khỏi mặt đất, không ảnh hưởng đến xe cộ lưu thông ở dưới (tuy nhiên khi đi vào khu vực trung tâm thành phố thì tàu vẫn phải chui ngầm xuống đất). Điều đáng nói về Skytrain là ngay từ khi xây dựng cách đây 36 năm, tàu đã hoàn toàn tự động hóa, không có người lái. Qua thời gian, có thêm đường ray được xây, vậy nay tổng cộng là 3 tuyến đường ray.

  • Đường ray Expo Line (màu xanh dương): trạm đầu là Waterfront (city of Vancouver), trạm cuối là King George (city of Surrey) nếu đi tuyến King George hay trạm cuối là Production Way-University (city of Burnaby) nếu đi tuyến Production Way. Trên toa xe đầu tiên luôn luôn hiện ra tên trạm cuối cùng. Hai tuyến này chạy chung đường ray nhưng đến trạm Columbia thì chia nhánh.
  • Đường ray Milenium Line (màu vàng): chạy từ city of Vancouver đến city of Coquitlam. Trạm đầu là VCC Clark station (Vancouver), trạm cuối là Lafarge Lake-Douglas station (Coquitlam).
  • Đường ray Canada Way line (màu xanh da trời): chạy từ city of Vancouver tới city of Richmond. Trạm đầu là Waterfront, có 2 trạm cuối là Brighouse station nếu đi tuyến Brighouse và YVR Airport station, nếu đi tuyến phi trường. Giống như Expo line, 2 tuyến này chạy chung đường ray cho đến trạm Bridgeport thì chia nhánh.

Vùng xe Skytrain chạy được chia làm 3 Fare Zone và giá vé được tính theo zone, chứ không nhất thiết theo độ dài của chuyến đi. Thí dụ bạn đi trong phạm vi Vancouver thì mua vé 1 zone, nhưng nếu đi ra phi trường, đi qua Richmond hay Burnaby hay North Vancouver thì phải mua vé 2 zone, đi qua Surrey hay Coquitlam phải mua vé 3 zone.

Vé của Skytrain được dùng cho cả xe bus và Seabus (phà nhỏ chạy từ Waterfront terminal của Vancouver qua Lonsdale Quay của North Vancouver).

Theo thời giá của năm 2022 thì vé cho người lớn 1 zone là 2.05$, 2 zone 4.5$ và 3 zone 5.90$. Trẻ em và người già là 2$, 3$ và 4.05$. Trẻ em dưới 12 tuổi không phải mua vé.

Nếu là du khách, bạn mua vé ngày (Day pass) là 10.75$ (người lớn) hay 8.45$ (trẻ em và người già) thì tiện lợi hơn, vì đi cả 3 zone và đi được suốt một ngày (từ 4 giờ sáng ngày hôm trước đến 4 giờ sáng ngày hôm sau), đi cả 3 phương tiện là Skytrain, bus và Seabus.

Tất cả các chuyến Skytrain đều có chiều đi và chiều về. Bạn phải nhìn xem trạm cuối của chuyến xe xuất hiện trên đầu xe để biết mình lấy đúng tuyến hay không. Ngoài ra, tuyến đường cũng được báo liên tục bằng loa trong chuyến train chạy.

Vé có bạn tại các trạm Skytrain, tại cửa hàng London Drugs. Một vé có giá trị trong vòng 1.5 giờ, bạn có quyền lên xuống nhiều lần và chuyển từ train qua bus hay ngược lại trong thời gian này.

 

  • Bus

Mạng lưới xe bus dầy đặc của Metro Vancouver bao phủ toàn vùng. Có thể nói là du khách không cần phải thuê xe hơi mà chỉ dùng phương tiện giao thông công cộng là đã đi thăm được hầu hết các điểm du lịch của Metro Vancouver. Hầu hết tuyến xe bus khởi đầu và kết thúc ở một Skytrain station. Mỗi chuyến xe được đánh dấu bằng số và điểm đến cuối cùng. Tỷ dụ 335 Surrey Central.

Dù bạn có thể mua vé trên xe bus, nhưng vé bán trên xe bus thì chỉ dùng để đi xe bus chứ không thể đi Skytrain trong khi vé Skytrain lại đi được cả xe bus, do đó mà bạn nên mua vé Skytrain thì tốt hơn.

 

 

  • Phà con thoi (Seabus)

Chạy qua lại liên tục giữa 2 bờ của eo biển Burrard Inlet, nối downtown Vancouver và Lonsdale Quay của thành phố North Vancouver

 

Những điểm du lịch nên đi thăm ở Metro Vancouver

  • Canada Place

Tòa nhà này là một phức hợp bao gồm cảng cruise ship của Vancouver, một khách sạn 5 sao và một khu triển lãm hội nghị. Đây là điểm check-in số một để bạn chụp ảnh một tấm ảnh bao quát trong đó thấy được vùng biển Burrard Inlet, thành phố North Vancouver, thành phố West Vancouver và một phần của Stanley Park. Canada Place rất dễ nhận diện vì có mái nhà là những cánh buồm trắng rất nghệ thuật.

Địa chỉ: 999 Canada Pl, Vancouver, BC V6C 3T4

Cách đi: Skytrain Expo Line, xuống Waterfront station.

Mái buồm trắng của Canada Place

 

Phần mỏm cuối giáp biển của Canada Place (phía trên là Stanley Park và City of West Vancouver)

 

  • Gastown

Đây là khu phố cổ, tức là phố đầu tiên của Vancouver, với đường lát gạch đỏ, những cây đèn đường xưa và chiếc đồng hồ chạy bằng hơi nước, là điểm check-in phổ biến. Đây cũng là nơi tốt nhất để bạn mua những đồ kỷ niệm về Vancouver.

Địa chỉ: Water St. đoạn từ West Cordova St đến Carrall St.

Cách đi: Skytrain Expo Line, xuống Waterfront station.

 

 

  • Stanley Park

Khu vực downtown (trung tâm) của Vancouver có hình dài như một bán đảo, thì phân nửa của bán đảo này là một khu rừng gọi là Stanley Park, nghĩa là lớn ngang với khu vực trung tâm của thành phố. Chu vi của Stanley Park dài 10km, có đường xe hơi, xe đạp và đi bộ, ôm sát bờ biển. Trong Stanley Park có một điểm check-in mà bạn phải đến, đó là Prospect Point Lookout, vì địa điểm này lý tưởng cho bạn chụp ảnh cầu Lions Gate Bridge, thành phố West Vancouver và cửa biển. Nếu bạn có con nhỏ thì trong Stanley Park cũng có một Aquarium (thủy cung).

Chính quyền cho xây bờ kè bê tông để bảo vệ bờ biển Stanley Park không bị sóng biển xói mòn xâm thực. Bờ kè này gọi là Seawall.

Không tốn tiền vào Stanley Park.

Cách đi: Skytrain Expo Line, xuống Burrard station, đón xe bus 019 Stanley Park.

Địa chỉ Prospect Point Lookout: 5601 Stanley Park Dr. Vancouver. Đi đến chỗ này bạn phải đi bộ hoặc thuê xe đạp, vì xe bus 019 chỉ bỏ bạn xuống đầu công viên, mà công viên thì quá rộng.

 

 Downtown Vancouver và Stanley Park

 

Đi bộ trên Stanley Park Seawall. Cầu Lions Gate Bridge nối Stanley Park với thành phố nhà giàu West Vancouver.

 

  • Queen Elizabeth Park

Đây là một công viên đẹp, màu sắc rực rỡ trong 3 mùa (xuân, hạ, thu) nằm trên một ngọn đồi mà từ đỉnh bạn có thể chụp ảnh xuống khu downtown của Vancouver. Đây là điểm check-in không thể thiếu. Vào công viên miễn phí.

Địa chỉ: 4600 Cambie St, Vancouver, BC V5Z 2Z1

Cách đi: Skytrain Canada Line, xuống King Edward Station.

Cảnh downtown Vancouver nhìn từ đỉnh đồi Queen Elizabeth Park

 

  • Lonsdale Quay

Đây là bến tàu đối diện với downtown Vancouver, nằm trên bờ bên kia của Burrard Inlet, thuộc thành phố North Vancouver. Nếu bạn là dân cư thành phố Hạ Long, tạm thời so sánh Vancouver và North Vancouver thì như Hòn Gai và Bãi Cháy.

Khu bến cảng này rất vui và nhộn nhịp với một nhà lồng chợ, nhà hàng ăn uống ven biển.

Cách đi: Skytrain Expo Line, xuống Waterfront station rồi đi Seabus. Gọi là Seabus vì phà chạy qua chạy lại 2 bờ liên tục như xe bus. Còn nếu trong thời gian thăm Vancouver bạn tạm trú ở thành phố North Vancouver hoặc West Vancouver thì sẽ có nhiều tuyến xe bus để đưa bạn tới Lonsdale Quay.

Cành downtown Vancouver nhìn từ bến tàu Lonsdale Quay

 

  • Capilano Suspension Bridge

Đây cũng là một cảnh quan đặc thù, một địa điểm check-in quan trọng của Metro Vancouver. Một cây cầu treo bằng giây thép dài 137m, bắc ngang qua một vực sâu 70m, dưới vực là dòng sông Capilano.

Vì là cầu treo nên độ lắc khá nhiều, một số du khách có thể có cảm giác sợ hãi.

Địa chỉ: 3735 Capilano Rd, North Vancouver, BC V7R 4J1

Cách đi: - Expo Line xuống Burrard Station rồi lấy xe bus 246 Highland

               -Lonsdale Quay lấy xe bus 236 Grouse Mountain

Vé vào cửa năm 2022 là 50$ người lớn.

 

 

  • Grouse Mountain và Grouse Grind trail

Núi Grouse là nơi trượt tuyết gần nhất của Vancouver mùa đông và là nơi cao để ngắm cảnh quan toàn vùng Metro Vancouver mùa hè. Trên đỉnh núi có một nhà hàng và nhiều đường đi dã ngoại (hiking trail). Nhiệt độ trên đỉnh núi thấp hơn 10oC so với trong thành phố nên nhớ mang theo áo lạnh.

Có hai cách để lên đỉnh núi Grouse. Cách dễ nhưng tốn tiền là đi cáp treo. Giá vé khứ hồi 2022 là 53$ người lớn. Cách thứ hai không tốn tiền nhưng dành cho người thể thao khỏe mạnh là leo lên núi bằng đường mòn Grouse Grind. Đường mòn này dài 2.5 km, có độ cao 800m tính từ điểm khởi hành, thuộc loại khó vì rất dốc. Mất khoảng 2.5 giờ trung bình để leo tới đỉnh. Sau khi leo lên tới đỉnh, nếu bạn không muốn leo xuống thì mua vé cáp treo xuống núi chỉ có 20$. Đường mòn nằm gần cổng đi cáp treo.

Địa chỉ: 6400 Nancy Greene Way, North Vancouver, BC V7R 4K9

Cách đi: từ Lonsdale Quay lấy xe bus 236 Grouse Mountain.

 

Từ đỉnh Grouse Mountain nhìn xuống Metro Vancouver lúc hoàng hôn

 

  • Lynn Canyon suspension bridge

Nếu bạn không muốn chi 50$ mà vẫn muốn hưởng cảm giác lắc lư của cầu treo băng qua vực sâu thì bạn đi đến cầu treo này. Nó là một phiên bản nhỏ hơn, ngắn hơn của cầu treo Capilano.

Địa chỉ: 3690 Park Rd, North Vancouver, BC V7J 3K2

Cách đi: xuống trạm Burrard station, lấy xe bus 210 Upper Lynn Valley rồi đổi qua xe bus 227 Lynn Valley Centre.

 

  • Steveston fishing village (Steveston Fisherman’s Wharf)

Làng đánh cá Steveston nằm trong địa phận thành phố Richmond. Đây là nơi ngư dân đậu thuyền, bán cá tôm cua tươi trực tiếp cho du khách. Điều thích thú cho du khách người Việt là bạn có thể dùng tiếng Việt khi mua bán vì người Việt chiếm 80% số tàu neo đậu ở đây.

Ngoài cảng cá, làng này còn nhiều nhà hàng ven biển cũng như những căn nhà xưa cũ hàng trăm năm của ngư dân Nhật được bảo tồn cho du khách xem ngắm.

Địa chỉ: Steveston, BC

Cách đi: Canada Line xuống trạm Brighouse-Richmond, lấy xe bus 401 One Road.

 

Ngư dân người Việt bán cá tại Steveston Fisherman's Wharf

 

  • Chinatown Richmond (Number 3 Road)

Khoảng 10 năm trước, phố Tàu (Chinatown) của Vancouver vẫn còn là nơi nhộn nhịp mua bán ăn uống. Nhưng dần dần, người nghiện ma túy không nhà cửa ở phố East Hastings St. gần đó lan xuống, phá hoại, trộm cắp khiến cho các cửa hàng lần lượt đóng cửa, Chinatown của Vancouver trở thành khu phố nửa sống nửa chết và du khách quốc tế không còn đến khu này. Thay vào đó, du khách đổ về Number 3 Road của thành phố Richmond, vì đây trở thành khu Chinatown mới của Metro Vancouver. Tuy nhiên, phố Tàu Richmond là những hàng quán xây theo kiểu hiện đại chứ không giống như phố Tàu xây kiểu truyền thống như Chinatown của New York, Los Angeles.

Nơi đây có Aberdeen Shopping Mall (góc Cambie St. và Number 3 Road) là trung tâm mua sắm của người Hoa.

Ngoài ra, Richmond cũng có 2 ngôi chùa Tàu rất lớn. Đó là International Buddhist Society (9160 Steveston Highway) và Ling Yuen Mountain Temple (10060 No 5 Road).

Cách đi: phố Tàu của Richmond trải dài suốt từ Aberdeen Station đến Brighouse Station của tuyến Canada Line Skytrain.

 

 

Những điểm du lịch nên đi thăm ở ngoài Metro Vancouver

  • Shannon Falls

Thác Shannon nằm trên Highway 99 (hay còn gọi là Sea to Sky Highway, vì chạy từ vùng biển lên vùng núi), thuộc thành phố Squamish. Từ bãi đậu xe đi bộ khoảng 1 cây số thì tới thác. Mất 1 tiếng chạy xe hơi từ downtown Vancouver.

 

 

Cần nói thêm rằng trước khi đến Shannon Falls thì bạn đã được thưởng thức con đường đi rất đẹp, vì một bên là vách núi, một bên là biển, có những đoạn nhiều đảo nhấp nhô ngoài khơi như vịnh Hạ Long. Đường xa lộ khá ngoằn nghèo, bạn lái xe phải cẩn thận.

 

  • Sea to Sky Gondola

Đây là phiên bản ngoại ô của Grouse Mountain, cũng nằm gần Shannon Falls. Nghĩa là cũng có cáp treo đưa bạn lên đỉnh núi, tuy nhiên cảnh quan của nơi đây có phần thiên nhiên và hùng vĩ hơn là cảnh quan của Grouse Mountain. Từ đỉnh Grouse Mountain bạn nhìn xuống vùng đồng bằng của Metro Vancouver còn từ đỉnh của núi Stawamus Chief bạn nhìn xuống vịnh biển Howe Sound và những dãy núi chập chùng.

Trên đỉnh núi này cũng có một cây cầu treo (ngắn như cầu treo Lynn Canyon), một nhà hàng và những đường mòn đi dã ngoại.

Vé người lớn năm 2022 là 60$.

 

 

Ra khỏi Sea to Sky Gondola bạn lái xe về hướng Bắc thêm một đoạn thì bạn có thể chụp ảnh được vách núi thẳng đứng nổi tiếng của Stawamus Chief Cliffs. Mùa hè bạn có thể nhìn thấy nhiều người đang leo vách núi.

 

  • Whistler village

Từ Sea to Sky Gondola bạn tiếp tục chạy thêm nửa tiếng nữa thì đến làng Whistler. Đây là nơi trượt tuyết nổi tiếng nhất của Canada mà cũng còn là của cả Bắc Mỹ.

Làng xây theo kiểu Thụy Sĩ rất là xinh đẹp với 2 núi để trượt tuyết là núi Whistler và núi Blackcombs. Trên sườn của 2 núi này là vô số khách sạn và nhà hàng. Làng đã tổ chức Thế Vận Hội Mùa Đông năm 2010.

Tuy nhiên, không chỉ hoạt động sôi nổi mùa đông mà Whistler còn náo nhiệt cả mùa hè. Thay vì người trượt tuyết, đến mùa hè thì sườn núi lại đầy những người lao xe đạp địa hình (mountain bike) từ trên đỉnh núi xuống chân núi.

Có xe bus chạy từ downtown Vancouver tới Whistler của 3  hãng Skylynx, Whistler và Epic Rides. Bạn vào mạng để xem thời biểu xe chạy:

https://www.whistler.com/getting-here/road/shuttle/?gclid=Cj0KCQiA3-yQBhD3ARIsAHuHT662d4AsgQEaRiRTKL5FadLL8nAGVnUZ8uyLPuININLaR1jSsa8ejbAaAquqEALw_wcB&gclsrc=aw.ds#epic-rides

 

Whistler mùa hè

 

  • Harrison Hot Springs village

Đây là niềm vui thú khác của người dân trong mùa lạnh lẽo. Làng Harrison nằm bên bờ hồ Harrison Lake có một nguồn nước suối khoáng nóng. Nguồn nước nóng này được dẫn vào 5 cái hồ của Harrison Hot Springs Resort và 1 hồ công cộng ở ngoài resort.

Tắm ở hồ công cộng thì bạn không phải ngủ đêm, có thể sáng đi chiều về (lái xe mất khoảng 2 tiếng từ downtown Vancouver). Tuy nhiên tắm ở hồ công cộng lại không thích lắm, vì hồ công cộng thì kín trong nhà (indoor) cho nên không có khói bốc lên. Muốn thưởng thức nước suối khoáng nóng đúng nghĩa thì bạn lại thuê phòng trong Harrison Hot Springs Resort. Resort này có 3 hồ ngoài trời và 2 hồ trong nhà. Ngoài trời lạnh lẽo, lúc thì có tuyết, lúc thì mưa lạnh, nước hồ nóng khói lên nghi ngút, đó là một cảm giác tuyệt vời hiếm có. Do khí hậu nóng ấm, người dân ở Việt Nam không được hưởng cái thú vị đúng nghĩa của suối khoáng nóng.

Vào mùa hè, làng Harrison lại tấp nập du khách đến chèo thuyền, chèo Kayak trên hồ Harrison và cắm trại hay picnic.

Địa chỉ Harrison Hot Springs Resort: 100 Esplanade Ave. Harrison Hot Springs BC V0M1K0

Cách đi: lái xe Highway 1 đi về hướng đông, theo bảng chỉ dẫn. Khoảng 2 tiếng từ Vancouver.

 

Hồ nước suối khoáng nóng trong Harrison Hot Springs Resort

 

  • Victoria

Victoria là thủ đô tỉnh bang BC (provincial capital). Victoria nằm trên đảo Vancouver Island. Đi từ Vancouver phải dùng phà chứ không có cầu.

Đây là một thành phố nhỏ rất xinh xắn, sạch sẽ và tràn ngâp sắc hoa trong mùa hè. Hai tòa nhà mà bạn nên check-in là Tòa nhà Lập pháp tỉnh bang (Provincial Legislature Building) và Empress Hotel cổ kính. Như cái tên gọi, bạn sẽ thấy xe bus hai tầng màu đỏ như ở London, Anh quốc.

Cách đi: lấy Canada Line xuống Bridgeport Station, lấy xe bus 620 Tsawwassen Ferry Express tới bến phà Tsawwassen, đi phà qua eo biển Georgia (mất 1.5 giờ) tới bến phà Swartz Bay terminal thì lên xe bus đi Victoria (mất 45 phút).

Nếu bạn ở bên tiểu bang Washington của Mỹ thì bạn có thể xuống phà ở Port Angeles đi thẳng tới Victoria.

Nếu bạn không lái xe thì xuống phà ở Tsawwassen Terminal rất dễ dàng. Nhưng nếu bạn lái xe thì có thể phải chờ đợi vì mỗi chuyến phà chỉ chứa một lượng xe nào đó, nếu bạn tới khi chuyến phà sắp chạy đã đầy xe thì bạn phải chờ chuyến phà sau. Nếu bạn lái xe không muốn chờ đợi thì phải book vé online trước. Mùa hè là mùa cao điểm, mỗi giờ một chuyến. Những mùa còn lại thì 2 giờ một chuyến.

Giá vé phà đi Victoria năm 2022 là người lớn 17.60$, xe 59.50$.

 

  • Butchard Gardens

Đây là khu vườn hoa rất rộng lớn, vô vàn hoa đẹp quanh năm, nổi tiếng thế giới với 1 triệu du khách viếng hàng năm. Vườn được xếp vào khu vực lịch sử quốc gia (National Historic Site of Canada).

Địa chỉ: 800 Benvenuto Ave, Brentwood Bay, BC V8M 1J8

Cách đi: xe bus đi Butchard Gardens chờ ngay tại Swartz Bay Terminal.

Vé người lớn là 35.40$ cho mùa Xuân, 38$ cho mùa Hè.

 

 

  • Malahat Skywalk

Đây là điểm du lịch mới nhất của Vancouver Island, mới khai trương năm 2021.

Một kiến trúc hình nón ngược, dưới nhỏ trên to, có lối đi bộ hình xoắn ốc. Lên tới đỉnh thì ngắm được vịnh biển Saniich Inlet và núi non. Đi bộ mất 45 phút mới hết toàn bộ vòng soắn và lên tới đỉnh.

Nếu du khách có sức khỏe và gan dạ thì thay vì đi bộ xuống sẽ có một ống tuột xoắn ốc để tuột xuống đất.

Địa chỉ: 901 Trans-Canada Highway, Malahat BC V0R2L0

Cách đi: thuê xe hơi từ Victoria, lái xe chỉ có 30 phút. Còn xe bus đi từ Victoria chưa có.

Giá vé người lớn là 35$.

 

 

Những điểm nên đi nếu còn dư thì giờ

  • Robson Street: phố mua sắm thời trang của Vancouver.
  • Granville Island: bán đảo có chợ nhà lồng và nhiều cửa hàng mỹ nghệ nằm trên nhánh biển False Creek.
  • Sun Yat Sen Garden: vườn kiểu Tàu ở Chinatown của Vancouver, đẹp và êm đềm.
  • Fort Langley: phố cổ dễ thương ven sông Fraser của City of Langley.

 

Ăn uống

Vì Vancouver là thành phố biển, nên nếu bạn thích ăn hải sản thì bạn đến đúng chỗ rồi vậy.

Cua Vancouver được gọi là Dungeness Crab thì vỏ mỏng, không cứng dầy như cua Việt Nam, nên bạn có thể cầm phân nửa con cua đã hấp để cắn ăn, không sợ đau miệng.

Tôm Vancouver được gọi là Spot Prawn cũng vỏ mềm, thịt ngọt mềm, có thể rang muối ăn luôn vỏ hoặc ăn sống chấm wasabi kiểu Nhật.

Cá Vancouver là loại cá nước lạnh, bạn không thấy giống như cá nước ấm tại Việt Nam. Ngon nhất là Sockeye Salmon (cá Hồi Đỏ), Halibut (cá Bơn Lớn) và Black Cod (cá Tuyết).

 

 

Với 70 sắc dân trên thế giới sinh sống tại Vancouver, bạn muốn ăn loại thức ăn nào cũng có. Tuy nhiên có 2 nền ẩm thực quốc tế nổi trội tại Vancouver. Thứ nhất, món ăn Tàu tại Vancouver được xem là ngon như tại Hongkong, vì nhiều đầu bếp của Hongkong di cư qua Vancouver năm 1997. Thứ hai, số nhà hàng Nhật tại Metro Vancouver, nếu tính theo tỷ lệ dân số địa phương, còn cao hơn tỷ lệ nhà hàng trên dân số tại Tokyo. Đi đâu cũng thấy nhà hàng sushi.

Nếu bạn muốn ăn thức ăn Việt thì phố Việt nằm trên đường Kingsway, trải dài từ đoạn Fraser Street đến Nanaimo Street. Bạn có thể xem danh sách nhà hàng Việt trong phần danh mục thương mại của vietvancouver.ca Còn nếu bạn trong khu vực downtown thì có Joyeaux Cafe & Restaurant 551 Howe Street Vancouver, BC V6C 2C2 và Pho Delicious 255 Robson Street Vancouver, BC V6B 6A1.

 

Mua sắm

Metro Vancouver có 3 trung tâm thương mại (shopping mall) lớn là:

- Hudson Bay (Expo line-Granville Station)

- Metrotown (Expo line-Metrotown Station)

- Tsawwasen Mills (Canada line, xuống Bridgeport station, lấy xe bus 601)

 Giá hàng hóa của Canada ngang ngửa với Mỹ (do hối xuất chênh lệch) nhưng rẻ hơn Úc và Âu châu.

 

Người Việt tại Metro Vancouver

Không có thống kê cập nhật và chính xác. Thống kê hay hỏi ngôn ngữ số 1 là gì thì người Việt gốc Hoa khai là tiếng Hoa, do đó mà được xếp vào người Tàu. Ước lượng tại vùng Lower Mainland (rộng hơn Metro Vancouver vì thêm vài thành phố khác) lên đến 50-60,000 người. Số nhà hàng Việt Nam không thống kê đầy đủ vì nhiều nhà hàng không quảng cáo trên báo Việt ngữ. Ước lượng có thể lên đến 200 nhà hàng.

 

© Hoàng Hải Hồ

1/3/2022


Joomla Hosting and Maintenance by Cybersalt

Copyright © 2014-2025. VietVancouver, All rights reserved

  • Số Lượt Truy Cập 1779583