Đoạn phim theo dõi an ninh ngày 4/10/2014 cho thấy một người đàn ông, tên chính thức do Pháp Y quận Los Angeles gọi là John Doe, đang uống cafe ở tiệm Jolly Donuts ngay góc đường Roscoe và Desoto được nửa tiếng đồng hồ trước khi bị một chiếc xe tông vào tiệm cán chết. Đối với doanh nhân địa phương, đó chính là Nguyễn Tuấn, 53 tuổi. Tuấn là người vô gia cư đã 3 thập niên ở khu công viên Canoga.

Trong đêm John Doe 278 chết, túi ông ta đầy vé số đã dò, 350 đô la tiền mặt và một cái điện thoại Samsung nhỏ chưa bao giờ gọi cho ai.

Thật ra thì cũng chẳng có ai để mà gọi. Không có danh sách liên lạc, không có lời nhắn, không có cuộc gọi đi, không có cuộc gọi nhỡ. Cái điện thoại này chỉ dùng để chơi game.

Hắn là người đơn độc và nạn nhân của thói quen. Năm rồi, hắn đều đặn đến Jolly Donuts lúc 9 giờ tối, gọi 1 ly cafe và xạc điện thoại. Hắn chỉ ngồi cái ghế hắn thích. Nếu ghế đó bị chiếm, hắn sẽ kiên nhẫn chờ đợi cho đến khi khách bỏ đi. Thật ra thì cũng có lý do thực tế là tiệm chỉ có 2 cái bàn có ổ cắm điện để hắn xạc điện thoại.

Huang Lei, làm việc tại tiệm đêm 4 tháng 10, thấy hắn vào tiệm và tháo mũ như thường lệ. Hắn trả cô 1 đô la cho ly cafe như thường lệ. Hắn thích ngọt nên đổ đường vào cafe khá lâu. Rồi cho vào sữa bột (hắn không dùng sữa nước) và quấy lên. Có 6 người ngồi rải rác trong tiệm. Nhưng như định mệnh đã an bài, cái ghế hắn thích ngồi không bị ai chiếm.

Người đàn ông vô gia cư mà Lei chỉ biết mặt chứ không biết tên, ngồi vào ghế, cắm điện thoại vào ổ điện.

Trước khi chiếc điện thoại được xạc đầy thì hắn đã chết.

Chính thức mà nói thì Ban Pháp Y của quận Los Angeles không biết hắn là ai. Còn không chính thức thì họ nghe nói tên hắn là Tuan Nguyen, người vô gia cư trong suốt 3 thập niên vùng Canoga Park.

Craig Harvey, Trưởng phòng Điều tra của Ban Pháp Y, sau khi biết tin hắn sinh năm 1961, đã truy tìm hắn qua kho dữ liệu người có bằng lái xe của bang California.

Máy điện toán đưa ra tới 623 người cùng tên, cùng năm sinh.

Harvey nói: vấn đề khó khăn là thế.

Làm thêm phức tạp cho vấn đề là hắn không hề phạm tội gì với luật pháp. Trong 30 năm sống vô gia cư vùng Canoga Park, hắn không hề bị bắt giữ. Không bắt giữ nghĩa là không có dấu tay. Đối với máy điện toán thì hắn không có mặt trên cõi đời này.

Hắn bị giết chết vì một người đàn bà 42 tuổi tông chiếc xe SUV qua cửa chính của Jolly Donuts, nằm ngay ngã tư Roscoe Boulevard và DeSoto Avenue. 3 tuần sau khi hắn chết vẫn không có thân nhân nào đến nhận xác. Cảnh sát Los Angeles cho biết cuộc điều tra vẫn đang tiến hành và không tin rằng người lái xe, Kristin Chang, gây tai nạn vì xử dụng ma túy hoặc say rượu.

Lori Huỳnh cảm thấy bất an khi hắn không được chính quyền nhận diện, vì bà biết rõ về hắn.

Bà chứng kiến đời sống của hắn suốt 20 năm trường, mỗi ngày, nơi góc đường Roscoe Boulevard và Winnetka Ave. Bà biết hắn vì bà đã bỏ thời giờ tìm hiểu về hắn. Chuyện cuộc đời của hắn, người tị nạn Vietnam đến Mỹ sau khi Saigon xụp đổ, cũng tương tự như hoàn cảnh của bà.

Bà vượt biên năm 1980 và mua lại tiệm Violet Nails năm 1986. Không lâu sau khi sang tiệm thì bà để ý có một người đàn ông Á châu người gầy ốm hay lang thang bãi đậu xe. Bà lân la làm quen bằng cách mời hắn uống cafe và trong vòng 2 năm, thông qua vô số cuộc chuyện trò, mới biết được ít nhiều cuộc đời của hắn. Đến 1988 thì hắn mới cho bà biết là cả cha lẫn mẹ của hắn đều chết trong lúc vượt biên.

Bà Huỳnh, 77 tuổi, cho biết lúc nói đến chuyện đó thì giọng hắn nghẹn ngào. Hắn nói hắn là người sống sót duy nhất trong gia đình. Bà bán tiệm nails năm 2007, do đó mà không còn thấy hắn thường. Nhưng bà bán tiệm cho người chủ mới với điều kiện là họ phải để ý và săn sóc hắn.
Họ đồng ý. Sau khi hắn chết, họ đem hoa đến tiệm donuts chỗ hắn bị giết. Rồi họ khóc.

Tuan Nguyen xuất thân từ một gia đình trung thượng lưu ở Saigon. Cha mẹ hắn làm việc cho Công ty Điện Nước, 3 người sống ngay khu trung tâm thành phố lịch sự. Hắn theo học trường trung học nổi tiếng Petrus Ký, bây giờ là Lê Hồng Phong.

Hắn giỏi toán. Dù đã sống mấy thập niên ngoài đường khu Canoga Park, đôi khi hắn ngồi vẽ biểu đồ. Hắn luôn luôn có một cuốn vở trong túi đeo lưng.

Sau khi hắn nói chuyện gia đình của hắn cho bà Huỳnh và con trai David của bà, thì bà cũng kể cho hắn chuyện gia đình bà. Chuyện gia đình bà phân tán sau khi chồng bà bị bắt đi học tập cải tạo ở trại tập trung. Chuyện bà trôi nổi trong chiếc thuyền chứa 300 người như cá mòi, chuyện bà sống 6 tháng trên hòn đảo kinh hoàng của Indonesia.

Bà nói: "Có lần tôi thấy người ta nằm rải rác trên đất, ruồi nhặng bu kín thân thể như một cái mền. Tôi tưởng họ chết rồi. Nhưng khi họ cử động thì đàn ruồi bay lên tứ tán, tôi mới biết là họ còn sống. Tôi nói với người chị em họ là sống vậy tệ hơn là chết."

Bà muốn giúp đỡ hắn, vì cả 2 đến từ chung cảnh ngộ. Bà mang đồ ăn đến tiệm nails cho hắn ăn suốt mấy năm trường. Bà nhớ hắn thích ăn mì.

Hắn dần dà thiết lập một thời khóa biểu làm việc trong khu thương mại của Canoga Park. Hắn đi lượm lon người ta quăng rải rác. Hắn đổ rác cho Ben Massaband, chủ tiệm giặt hấp quần áo sát bên tiệm nails, đã hoạt động suốt 32 năm.

Ben nói: "Tôi gặp hắn thường xuyên hơn gặp người nhà."

Kate Leon, đồng chủ nhân của Mane Affair Beauty Lounge, ngay góc đường gần tiệm nails, nói rằng hồi đầu năm, một đêm Chủ Nhật, lúc về bà quên khóa cửa tiệm.  Thứ Hai tiệm nghỉ không làm việc, đến sáng Thứ Ba bà tới tiệm thì giật mình thấy cửa tiệm chỉ cần đẩy vào là mở.
Sau khi nhận thấy cửa tiệm nguyên vẹn không có gì mất mát, bà xem lại băng thâu hình an ninh của tiệm thì biết tại sao: Tuan Nguyen đã phát hiện ra bà quên khóa cửa và suốt ngày Thứ Hai đã canh chừng cửa tiệm như một người bảo vệ. Máy thu hình cho thấy hắn đứng y như lính gác và khi hắn đi đâu chút xíu hắn trở lại ngay, mỗi lần trở lại là kiểm soát cánh cửa xem có ai mở hay không.

Maria Avila, cắt tóc cho hắn một năm hai lần, khóc khi nghe tin hắn chết. Avila nói bà không muốn lấy tiền hắn nhưng hắn cứ khăng khăng bắt bà phải nhận 10$.

Avila nói: "Chúng tôi cứ nghĩ rằng chúng tôi săn sóc hắn, sự thực là hắn săn sóc chúng tôi".

Brooke Carrillo trở thành không nhà cửa sau khi nhà băng tịch thu nhà năm ngoái và hiện đang sống trong cái xe hơi, đồ đạc chất đầy lên nóc xe, được phủ che bằng vải bạt (bà nói: tôi gọi đó là cái lưng gù của cái xe).

Người đàn bà 42 tuổi này tình nguyện làm việc cho nhà ăn của nhà thờ Our Redeemer Lutheran Church, nấu ăn và phục vụ cho người vô gia cư trong khu vực. Nhà thờ cho ăn miễn phí ngày Thứ Năm và Tuan Nguyen là đối tượng thường xuyên.

Bà dọn bữa ăn cuối cùng cho Tuan Nguyen ở nhà thờ ngày 2 tháng 10, 2 ngày trước khi hắn chết. Đó là món mì Ý với nước trái cây cranberry.

Carrillo biết là hắn không nhà lâu rồi, nhưng hắn kín đáo không nói. Hắn thường ngủ ở công viên Winnetka hay một điểm yên vắng trên Winnetka Avenue.

Bà nói: "Ông ấy là một thành phần của chúng tôi. Sống vất vưởng hè phố lâu như thế thật là điều rất khó. Tôi không nhà cửa đã một năm. Đối với người có nhà một năm không lâu, nhưng đối với người không có nhà, một năm rất là lâu."

Chiếc xe là vật cuối cùng của đời sống cũ mà bà vẫn còn giữ. Bà đi lượm ve chai để mua xăng chạy xe, di chuyển xe thường xuyên để tránh sự chú ý của cảnh sát.

Khi nghe tin Nguyen chết, mắt bà đẫm lệ.

Carrillo nói: "Có lúc xe tôi hết xăng và tôi hết tiền, ông ấy cho tôi tiền mua xăng để tôi di chuyển cái xe. Thật là người tốt bụng, rộng rãi, không làm phiền ai."

Hắn có 2 tật xấu: hút thuốc và chơi vé số cào. Hắn tự vấn thuốc để hút.
Thói quen thứ hai cũng đem lại phần thưởng lớn một lần, 800$ chưa lâu lắm. Hắn dùng tiền trúng số mua nước hoa cho mấy cô làm việc ở Violet Nails. Hắn mua hoa từ tiệm Jon's Market để trang hoàng cho tiệm làm móng tay.

Không rõ 350$ hắn có lúc chết có phải là tiền trúng số còn lại hay không, nhưng Harvey nói nếu không có thân nhân nào đến nhận, số tiền đó sẽ sung vào quỹ tiền vô thừa nhận của tiểu bang.

Ngay cả lúc chết, Nguyen cũng là một loại lang bạt.

Hắn hiện đang nằm ở nhà xác của quận, nằm chung với mấy trăm thi thể khác. Nếu không có thân nhân đến nhận xác, mẫu DNA của hắn sẽ được thu thập và cất giữ. Trong vòng từ hai đến bốn tháng, hắn sẽ được hỏa thiêu ở quận Orange hoặc quận Whittier, rồi tro được đem về nghĩa trang quận Los Angeles.

Nghĩa trang đó là khu đất có nhiều bóng cây, trồng dọc theo triền cỏ dốc thoai thoải, hơi khuất sau tòa nhà màu trắng xanh. Mỗi tháng 12, quận cử hành nghi lễ an táng cho những người được chôn chung trong ngôi mộ tập thể.

Harvey nói trừ khi có thân nhân đến nhận tro cốt, sẽ phải mất vài năm thì tro cốt của hắn mới được chôn xuống một miếng đất đơn giản, có một cái bảng nhỏ ghi năm hắn qua đời: 2014.

Cuộc đời lang bạt sẽ chấm dứt tháng 12 năm 2017. Hắn sẽ yên vị một nơi cố định.

Lúc đó hắn thực sự có nhà.

 

©Hoàng Hải Hồ dịch từ John Doe Tuan Nguyen by David Montero, Los Angeles Daily News, 25/10/2014


Joomla Hosting and Maintenance by Cybersalt

Copyright © 2014-2025. VietVancouver, All rights reserved

  • Số Lượt Truy Cập 1779583