Từ phòng họp ra, không kịp ăn, tôi phóng thẳng đến chỗ hẹn với Bích Ngọc. Tôi chọn con đường khuất vắng để đi cho dễ. Hôm nay gió lồng lộng nên lá rơi trên đường nhiều quá. Trời đã chớm vào thu rồi. Mùa thu của đất trời, mùa thu của cuộc đời, sao cứ buồn man mác.

Bánh xe tôi lăn đều, cán lên chiếc thảm trải toàn lá vàng, làm tung lên những chiếc lá thu chưa kịp úa. Lá trên cây cũng tuôn xuống như những cánh bướm muôn màu, bay là đà che cả khung kính xe. Chầm chậm lại, tôi bồi hồi nhớ đến một bài văn cũ thời còn đi học, tôi lạy trời gió đừng lên nữa, để lá đừng lìa cành bay cuốn những bước chân vô tình và vội vã sau giờ tan sở. Để lá còn khoe mình tận hưởng hương vị của mùa thu. Trong công viên, lá vàng phủ cả lên từng băng ghế đá lạnh lùng. Ở đó, tôi thấy hai đứa bé đang chụm đầu vào nhau trên cùng một trang sách. Tôi thật yêu cái hình ảnh đó.

Xe ngừng ở một đèn đỏ góc đường. Tôi với tay mở chiếc máy GPS nhỏ chỉ đường, rồi chọn hướng bệnh viện Jean-Talon. Không biết từ bao giờ, cái máy chỉ đường này đã trở thành một người “bạn đường” của tôi. Một người bạn đường đúng nghĩa. Đi đâu tôi cũng cứ phải nghe nó lải nhải bên tai thì mới thấy yên tâm. Cái máy chỉ đường này cũng có một lịch sử ly kỳ lắm. Không phải tôi mua đâu. Số là tôi dốt nát đường xá lắm, chuyên viên đi lạc. Lại mù chữ, không biết đọc bản đồ, càng đọc càng sai mới chết! Cho nên, ngay cả đi làm mà không biết bao nhiêu lần đi lạc rồi, thậm chí có hôm ra khỏi nhà khi trời vừa sâm sẩm tối, cua cáy sẵn sàng trong xe trực chỉ Trois-Rivières, để sáng mai lên cua sớm. Thế nào mà đường cứ dài hun hút, đến lúc xe chạy qua khỏi cầu La Violette, thì tôi biết chắc là lại đi lạc rồi, ngừng lại hỏi thì khách qua đường cho biết là tôi đang ở… Quebec City! Hỡi ôi! Mò ra được đường về Trois-Rivières thì đã đúng nửa đêm. Mà chẳng phải là lần đầu tiên như thế.

Một ngày đẹp trời, ông nhân viên của văn phòng kế toán lên tìm gặp tôi, ngập ngừng đưa cho tôi cái máy chỉ đường này, và cẩn thận dặn dò cách thức sử dụng. Tôi thích thú:

- Wow! Sao tôi lại được nhà nước ưu đãi thế?

Ông ta gãi đầu gãi tai:

- Oh! Không phải là «ưu đãi», mà là «trừng trị». Madame à, madame đi lạc nhiều wá xá. Nhà nước cứ phải bồi hoàn tiền cây số đi lạc cho madame woài à. Chi bằng mua cho madame cái máy, coi bộ còn… rẻ hơn. Từ nay, madame không còn lấy cớ đi lạc nữa. Đỡ tốn tiền công quỹ!

Thì ra thế. Thế mà tôi cứ tưởng bở. Nhưng mà cũng tiện dụng lắm, tuy đôi lúc tôi cứ phải cãi nhau với nó bắt mệt. Lắm hôm đi làm quên giấy tờ, đi một hồi rồi lại phải quay trở về nhà. Nó tưởng tôi đi lạc, cứ cách mấy bước lại lải nhải bắt tôi «U turn», tôi càng đi nó càng lải nhải, bực mình quá tôi hét lên «shut-off», rồi lấy tay tắt cái cụp, có thế nó mới chịu im!

Nói lòng vòng đến đâu rồi nhỉ? À, đang nói là nó cũng tiện dụng lắm. Nhờ thế mà tôi đến được chỗ hẹn với Bích Ngọc không khó khăn, dù bị trễ mất nửa giờ.

Vào giờ tan sở, đoàn xe đông nghẹt, tôi chờ đến hơn hai lần đèn đỏ rồi mà vẫn chưa sang được bên kia đường, chỗ bệnh viện nơi Bích Ngọc làm. Nhìn sang, tôi đã thấy Bích Ngọc đứng chờ trước cửa, dõi mắt ngơ ngác nhìn các góc đường, chiếc bóng gầy guộc và bé nhỏ, đeo chiếc sắc tay to tướng bên hông trông như muốn nuốt cả Ngọc đi. Đèn xanh vừa bật, tôi dzọt lẹ, ép sát vào lề. Bích Ngọc nhìn một hồi, nhận ra tôi, chạy lại. Tôi nghiêng người mở cửa xe:

- Lên xe đi, rồi chúng ta tìm chỗ uống cà phê.                                   

Bích Ngọc ngoan ngoãn leo lên xe. Tôi xin lỗi:

- Kẹt xe quá, Thúy còn sợ Bích Ngọc chờ lâu bỏ đi mất.

Bích Ngọc cười:

- Không đâu, em biết chị sẽ đến mà.

Tôi cảm động. Bích Ngọc ạ! Bích Ngọc có biết là câu nói này đã làm tôi chạnh nhớ đến một người đã ở thật xa tôi. Hai năm rồi. Doanh Doanh đã cùng chồng con dời đi tỉnh khác, đi theo công việc của chồng. Cũng một buổi hẹn hò vào một ngày tôi đi họp, Doanh Doanh hẹn tôi họp ra ghé đón Doanh Doanh rồi cùng nhau đi ăn trưa. Doanh không phải là bạn tôi, mà chỉ là bạn thân của một người cũng không phải là bạn tôi nốt. Nhưng làm việc cộng đồng chung, lần đó Doanh đã ngỏ lời hẹn gặp. Tôi không thể từ chối lời mời thân thiện đó. Ngày hẹn, họp xong ra, trời bão tuyết mịt mùng. Doanh Doanh lại không dùng điện thoại cầm tay, nên tôi không có cách gì mà liên lạc được. Vào một ngày có bão như thế, cả Montreal như một thành phố chết, đâu đâu cũng một mầu trắng xóa, chẳng thấy bóng người mà chỉ thấy toàn xe ủi tuyết kềnh càng qua lại để mở lối cho những người lỡ độ đường như tôi. Đường bị đóng nhiều nơi, lúc ấy tôi lại chưa có người «bạn đường GPS» như bây giờ, chỉ còn cách đi đại vào những con đường không bị đóng. Nhiều lần tôi đã băn khoăn toan quay về, song lại sợ nhỡ Doanh Doanh đợi, nên đành đi liều. Đến nơi, tôi bị trễ 3 tiếng rưỡi! Kỷ lục chưa? Nơi góc đường hò hẹn, Doanh Doanh vẫn co ro đứng đó, trong chiếc manteau màu xám nhạt, khăn quàng cổ bằng len trắng, đầu không đội mũ. Chờ hơn 3 tiếng đồng hồ rồi, mắt Doanh cũng không thiết dõi nhìn bốn góc đường nữa mà nhìn xuống đất, lấy chân di di mấy mảnh tuyết đang tan. Tôi nhìn mà lòng thắt lại, cảm động.

Lúc tôi ngừng xe lại ép vào lề, mắt Doanh sáng lên rực rỡ. Tôi mở cửa cho Doanh Doanh lên xe, vặn máy sưởi tối đa, và lên tiếng trách:

-  Trời tuyết lạnh thế, không thấy Thúy đến thì Doanh phải về chứ, ai lại đứng lâu đến thế bao giờ?

Doanh Doanh tháo đôi găng tay ướt sũng tuyết, để hơ trên máy sưởi trong xe, cười thật hiền lành :

  • Vì Doanh biết thế nào Thúy cũng đến.
  • Sao Doanh biết?
  • Doanh biết chứ. Tại vì Thúy là… Thúy.

Tôi cảm động nghẹn lời. Chỉ cần một câu nói đó của Doanh Doanh, tôi tâm nguyện sẽ vĩnh viễn giữ gìn tình bạn ấy. Tôi cầm bàn tay giá buốt của Doanh trong tay, không nói. Tôi nghĩ nếu lần ấy tôi không đến, thì chắc là tôi sẽ ân hận mãi.

Rồi Doanh Doanh cũng trách ngược lại tôi:

- Thúy cũng thế! Tuyết mù trời thế này, lát lại phải lái xe đường xa để về, mà còn ráng tới làm gì?

Tôi cũng cười:

- Vì Thúy cũng biết là Doanh nhất định sẽ đợi.

Vào đến tiệm cà phê, tôi kể cho Bích Ngọc nghe chuyện này. Bích Ngọc nói:

- Tri âm khó tìm. Ngọc cũng không ngờ là trên đời lại có những người bạn đáng quý như thế. Nhất là chị Doanh không phải là bạn của chị mà coi bộ thật hiểu chị, em thật cảm phục.

Tôi gật đầu tán thành, nhưng lòng buồn vời vợi. Sao những người thân thương của tôi, ai cũng ở xa tôi quá. Tôi chỉ mong ở một chân trời nào, Doanh Doanh sẽ đọc được những dòng này. Tôi sẽ không e-mail nói cho Doanh tìm mua báo đọc đâu, vì tôi tin là những gì hữu duyên thì dù Doanh có không tìm thì cũng sẽ gặp.

Tôi nói với Bích Ngọc rằng đó là một trang rất đẹp trong quyển sách Kỷ Niệm đầy ắp những vui buồn của tôi, và bất cứ lúc nào có dịp, tôi cũng muốn giở lại trang sách đẹp đó, như một giọt nước mát trong cuộc sống đầy bổn phận, đầy nghĩa vụ và phiền muộn này.

Chúng tôi chọn một bàn khuất trong góc, gọi 2 chiếc bánh croissant, và hai ly cà phê sữa trắng, tức là chỉ có sữa mà không có cà phê, nhưng khi hẹn nhau, cứ phải nói là hẹn nhau đi uống cà phê cho nó… nghệ sỹ! Rồi chúng tôi ngồi «nhậu» với nhau.

Bích Ngọc nói:

- Em chưa ăn trưa, phải ăn tí gì để chốc nữa lại vào làm tiếp.

Tôi nhìn chiếc sắc tay to, đắt tiền, Bích Ngọc đang ôm trước ngực, khen:

- Cái sắc tay đẹp quá.

Nhưng không nói là nó hơi quá khổ so với dáng dấp quá mảnh khảnh của Bích Ngọc. Bích Ngọc thật thà khai báo:

- Em phải mua cái sắc to tướng này, hôm nào lắm bệnh nhân, phải về muộn thì ghé cafeteria của bệnh viện mua cơm tối về cho con! Cả tuần nay không có bếp rồi, thợ đang sửa nhà.

Thì ra thế. Tôi hỏi:

- Sao, Bích Ngọc hẹn Thúy đi uống cà phê có chuyện gì vậy?

Bích Ngọc lơ là cắn miếng bánh croissant, cười:

- Không, có chuyện gì đâu.

Tôi gắt:

- Khỉ! Không có chuyện gì thì hẹn làm gì. Bộ tưởng Thúy rảnh lắm à?

Ngọc cười hì hì:

- Thì biết chị không rảnh em mới phải canh lúc bắt được chị là phải hẹn ngay. Mấy lần rồi, cứ bảo hẹn nhau đi uống cà phê mà rồi hết chị bận lại đến em bận, có gặp được đâu. Mãi đến hôm kia, em có cô bạn thân lắm chị ạ, mà mấy năm trời cũng không gặp nhau, cô ấy bị té gẫy ống chân, chở vào bệnh viện kiếm em.

Tôi cũng không hiểu sao Bích Ngọc kể chuyện này với tôi làm gì? Tôi có quen cô bạn ấy của Bích Ngọc đâu! Tôi ngắt lời:

- Thế rồi sao? Nhưng có ăn nhậu gì đến Thúy đâu chứ?

- Có chứ chị, lúc băng bột xong, đưa cô ấy lên phòng rồi, em nhớ đến chị, muốn gặp chị và em tự nói thế nào cũng tìm thì giờ gặp chị chứ không phải chờ cứ phải gẫy chân gẫy tay mới được gặp nhau. Chị thấy có đúng không?

Chúng tôi cười vang. Tôi bảo:

- Phải rồi! Bích Ngọc đáng lẽ phải làm luật sư.

Bích Ngọc gật đầu:

- Thì trong nhà mọi người vẫn bảo em là luật sư không bằng cấp mà. Cái gì cũng cãi cối cãi chầy.

Chúng tôi cùng nhìn ra ngoài khung cửa kính, cả một trời thu rực rỡ dưới nền trời trong xanh thoáng chút mây đen xa xa đang bay là là tới. Ngọc nói:

- Chắc lại sắp mưa thôi, không biết tụi nhỏ đi học về chưa?

Tôi chưa kịp trả lời thì tiếng chuông điện thoại của Bích Ngọc reo. Con bé ở nhà một mình không tìm ra bộ quần áo thể thao để đi xe đạp. Bích Ngọc nói gì với nó một hồi rồi bảo:

- Để tối về mẹ tìm cho con. Mẹ chắc chắn tìm được.

Bích Ngọc cúp điện thoại, phân trần:

- Tội nghiệp con bé, ngày nào em cũng đi làm về muộn, nó đi học về cứ phải ở nhà một mình. Nhiều hôm bảy tám giờ tối mới được ăn cơm.

Tôi nghe thế lại chạnh nghĩ đến bé Pom hồi còn nhỏ, lúc còn học tiểu học. Đi học về, cứ phải ở nhà một mình chờ mẹ. Tôi sợ nó tinh nghịch điện nước, dặn phải ngồi đúng ở một chiếc ghế ngoài salon xem tivi trong khi chờ mẹ về. Thế mà có những hôm qua cầu bị kẹt xe, dễ thường đến hơn 7 giờ tối tôi mới mò về đến nhà, qua mành cửa sổ, bé Pom vẫn ngồi ở chiếc ghế đó, ôm cuốn sách trên tay, ngủ gật. Tôi nhìn mà nước mắt muốn chảy ra. Thấm thoát mà đã 20 năm.

Tôi chợt nghĩ ở cái xã hội này, sao gánh nặng trên những đôi vai gầy yếu của chúng tôi nặng chĩu quá. Bích Ngọc than:

- Con của em nó hư lắm, chẳng biết làm gì cả. Cái gì cũng chờ mẹ về làm.

Tôi thì cũng có khác gì đâu. Nhà có năm người, chỉ có mình tôi là «dân tộc thiểu số» giữa một lô đàn ông con trai. Thế mà việc nặng việc nhẹ gì cũng đến tay mình. Tôi kể cho Ngọc nghe là cái rổ quần áo giặt xong, xếp gọn gàng rồi, nếu mình không bưng lên thì nó cứ nằm dưới chân cầu thang mãi. Có hôm tức quá, tôi bưng cả rổ quần áo để chặn ở một bậc thang choán luôn cả lối đi xem có ai ra tay tế độ không, thì y như  rằng lớn bé già trẻ đều xoải chân, bước qua rổ quần áo để lên phòng!

Có hôm mệt quá, tôi kêu rầm trời:

- Ối giời ơi! Ông đi qua bà đi lại. Làm ơn thấy cái gì ở chân cầu thang thì bưng dùm tôi lên, hay bưng xuống dưới nhà xếp cất dùm cho tôi. Tôi sắp chết đến nơi rồi!

Thì cậu bé trai của tôi hỏi vặn lại:

- Mẹ trẻ như thế mà mẹ còn bưng không được, mà mẹ lại gọi Ông Bà sang bưng cho mẹ, Ông Bà già rồi, làm sao Ông Bà bưng?

Tôi vừa tức vừa buồn cười, dí tay vào trán nó:

- Tôi nói ông đi qua bà đi lại là các ông đây này, chứ không phải là Ông Bà ngoại. Hiểu chưa, đồ ngu!

Nó vẫn nghệt mặt ra:

- Hả? Con? Con là Ông? Mẹ gọi «Eng Sơn» là ông?

Tôi phì cười :

- Phải.

Nó cười cười, quay sang làu bàu gì với đứa em song sinh :

- Hey! She calls me «Ông»…

Rồi hai đứa cười hinh hích với nhau.

Từ hôm ấy thì hai đứa cũng ngoan ngoãn hẳn ra, tụi nó bàn với nhau là nếu mẹ chết thì không có ai làm bánh cuốn cho ăn nữa! Phải giúp mẹ.

Một hôm tôi lụi hụi bưng nồi niêu, bột gạo sửa soạn tráng bánh cuốn cho cả nhà. Loay hoay lo căng miếng vải lên chiếc nồi to để sửa soạn đun sôi nước, quay ra chân cầu thang lấy hai gói bột vào để pha, thì thấy mất tiêu. Tôi tự bảo:

- Quái, rõ ràng hồi nãy mình có đem bột lên mà. Dạo này sao cái gì cũng quên, chặc, chặc, bị si khờ người già rồi….

Tôi lại chạy tọt xuống nhà mang hai gói bột lên, tiện tay mang chai dầu ăn để lát nữa thoa vào khay lót bánh cuốn cho bóng bẩy.

Lụi hụi pha bột trong khi chờ nồi nước sôi sùng sục bốc khói, tôi quay ra chân cầu thang tìm chai dầu ăn thì thấy biến mất! Tôi hét:

- Có ai thấy chai dầu ăn của mẹ để đây không?

thì «Ông» Eng Sơn thấy thế chạy xuống thưa:

- Eng Sơn đem xuống dưới nhà cất cho mẹ rồi. 

Tôi gắt:

- Mẹ đem lên để tráng bánh cuốn, sao khi không đem xuống làm gì?

- Thì hôm nọ mẹ dặn là ông đi qua bà đi lại thấy cái gì để ở chân cầu thang thì phải đem xuống cất cho mẹ mà….

Bích Ngọc cười ngất:

- Thế thì cũng không khá hơn con em mấy.

Chúng tôi chỉ mới nói dăm ba câu chuyện tầm phào chưa đâu vào đâu thì điện thoại lại kêu. Bích Ngọc nghe vội rồi cúp máy, bảo tôi:

- Lại có ca khẩn cấp, chắc em phải xin chị cho về bệnh viện.

Tôi áy náy:

- Có kịp ăn nốt cái croissant không? Bích Ngọc chưa có ăn trưa mà. Lỡ xỉu rồi lại mất công bắt bệnh nhân cạo gió cho.

Bích Ngọc đứng lên, khoác chiếc sắc tay lên vai:

- Tối nay tụi nhỏ lại phải ăn cơm nhà thương rồi. Chị cho em về, chút tối em ăn với đám con luôn thể.

Tôi cầm xâu chìa khóa lách cách trong tay, không khỏi ái ngại cho cô em «lương y như từ mẫu». Tôi lấy chiếc khăn giấy, gói miếng bánh đang ăn dở, dúi vào tay Bích Ngọc:

- Ra xe ngồi ăn cho hết đi. Không có sức khoẻ thì đừng nói chuyện cứu nhân độ thế. Xem kìa, càng ngày càng gầy đét.

Nói xong, tôi chợt giật mình nhìn lại mình. Cũng chẳng khá hơn. Cũng chẳng «phì nhiêu» hơn Bích Ngọc là bao! Hai đứa tôi đi bên nhau, như hai cái cây khô loèo khoèo, đếm cho kỹ thì hai đứa, đứa nào đứa nấy cũng thấy đủ ba mươi sáu cái xương sườn.

Bích Ngọc nghĩ sao, ra quầy mua một lô bánh croissant, bánh ngọt, nhét vào cái sắc tay to tổ chảng, rồi hấp tấp theo tôi ra xe.

Thả Bích Ngọc xuống, tôi còn bâng khuâng chưa muốn đi vội, ngoái nhìn theo Ngọc băng qua đường, bước qua cổng bệnh viện, chiếc sắc tay «garde-manger» đầy bánh, căng phồng ra vẫn đeo lủng lẳng nặng chĩu trên vai gầy guộc của Ngọc, mà lòng tôi tràn ngập thương cảm. Chợt giật mình nhìn đồng hồ, tôi sực nhớ đến tối nay cũng chưa có gì cho con ăn tối, bèn tạt qua quán bên đường mua mấy ổ bánh mì, rồi nhẹ nhàng lăn bánh.

Giờ này đã quá giờ tan sở, xe đi qua những con đường thanh vắng, ngập tràn lá mùa thu. Tôi vặn nhạc lên để rút ngắn đường về, tiếng hát quen thuộc của cô Thái Thanh trong bài Đường Chiều Lá Rụng vang lên trong buổi chiều chớm thu, như một nỗi u hoài ray rứt.

Ngang qua khu nghĩa địa im vắng, nghĩ sao, tôi vặn tay lái, rẽ vào và dừng lại bên lối đi trải sỏi trắng phủ đầy lá. Buổi chiều trong nghĩa trang đẹp một cách quyến rũ, với những hàng thánh giá trắng lạnh người. Hai bên lối đi, hàng cây cao thẳng tắp, bắt đầu nhuốm màu vàng đỏ của mùa thu. Nhìn quanh quất không thấy bóng người, tôi cũng hơi rờn rờn sợ, nhưng nhớ tới lời Mẹ tôi vẫn nói với mọi người về tôi: «ma chẳng sợ nó thì thôi, chứ nó sợ gì ma!», tôi lại bình tĩnh tìm kiếm. Không cần tìm lâu, tôi đã nhận ra ngay ngôi mộ mới xây bằng đá trắng của người bạn thân vừa mất. Tôi nhìn tấm hình đen trắng của chị, lấy tay phủi bớt bụi bặm bám trên đó, muốn nói với chị điều gì mà lại nghĩ không ra. Ngôi mộ im lìm lạnh vắng khói hương quá, có lẽ người Tây phương không có thói quen hương khói, hay là chị cũng e rằng «khói hương vàng che khuất người thương?». Chị biết không? Mùa thu lại về rồi đó chị, là mùa tựu trường, là mùa của học trò. Mùa của em và chị. Bây giờ chị nằm đây, có khi nào còn nhớ về sân trường cũ? Có nhớ về lối đi ngập đầy lá dẫn vào lớp học ngày xưa? Ở đó có biết bao là kỷ niệm, có đầy phấn bảng, đầy con số, đầy chữ nghĩa, và có cả… em? Em hỏi lẩn thẩn quá chị nhỉ. Bây giờ chị đâu còn trả lời được nữa đâu. Muộn lắm rồi, em về đây chị ạ….

Vài hạt mưa đã bắt đầu lấm tấm rơi trên cửa kính. Tôi kéo cao cổ áo cho ấm, mở máy xe. Chiếc xe lại kêu lạo xạo trên con đường trải sỏi ra khỏi nghĩa trang và thẳng hướng xa lộ.

Lòng tôi chợt thấy rộn ràng vui. Một ngày làm việc đã qua, một buổi gặp gỡ thi vị, một cuộc thăm viếng êm đềm. Tôi thích thú với ý nghĩ: chẳng cần phải gẫy giò gẫy cẳng mà vẫn gặp được nhau, tuy là ngắn ngủi nhưng còn hơn không. «Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ…». Sao lại cứ phải chờ lúc đau ốm, gẫy tay gẫy chân mới tìm gặp bạn, hay sao phải chờ đến lúc vào nghĩa trang thăm nhau? rồi nói vớ va vớ vẩn mà đối phương có nghe được đâu.

Nghĩ thế tôi chợt cười một mình. Ai mà nhìn thấy chắc tưởng tôi đang điên! Nhưng không đâu, tôi đang vui ghê lắm, vì trong quyển sách Kỷ Niệm của tôi lại vừa thêm một trang rất đẹp mà sau này chắc chắn là khi có dịp tôi sẽ lại muốn giở ra xem đi xem lại nhiều lần.

Đường về vẫn còn hun hút. Hai bên đường, lá thu vẫn từng cánh, từng cánh nhẹ nhàng rơi…

 

Hải Phong


Joomla Hosting and Maintenance by Cybersalt

Copyright © 2014-2024. VietVancouver, All rights reserved