“Lóng nghe” Hàn Mặc Tử

                                                       

Bạn tôi có nhà ở bến Tam Thương, lưng gác nhìn ra sông Trà Khúc. Khoảng cuối 1977, lần trở lại Quảng Ngãi đầu tiên sau ‘75, việc đầu tiên của tôi là lội ra giữa dòng lúc cuối chiều. Nghe nói Hàn Mặc Tử mỗi lần từ Quy Nhơn ra chơi đều rủ Bích Khê ra chèo thuyền ngao du đêm trăng…

 

“Sông? Là một giải lụa bạch, không, là một đường trăng trải chiếu vàng, hai bên bờ là động cát và rừng xanh và hoang vu và thanh tịnh. Chị tôi và tôi đồng cầm một mái chèo con, nhẹ nhàng lùa những đống vàng trôi trên mặt nước..”

 

Phải chăng từ những lần cùng bạn đi thuyền trên sông Trà, nên Hàn Mặc Từ đã viết nên bản trường ca bất tử: Chơi Giữa mùa Trăng ? Đoạn mở đầu diễn cảm trăng theo cách rất riêng của người thi sĩ được người đời ghi nhận đã mở ra trường thơ “loạn” trong trào lưu “thơ mới”:

“Trăng là ánh sáng? Nhất là trăng giữa mùa thu, ánh sáng càng thêm kỳ ảo, thơm thơm, và nếu người thơ lắng nghe một cách ung dung, sẽ nhận thấy có nhiều miếng nhạc say say gió xé rách lả tả… Và rơi đến đâu, chạm vào thứ gì là chỗ ấy, thứ ấy vang lên tuy chẳng một ai thấy rõ sức rung động. Nghĩa là trăng rằm trung thu: một đêm siêu hình, vô lượng, tượng trưng của một mùa ao ước xây bằng châu lệ, làm bằng chia ly, và hơn nữa, hiện hình của một nguồn khoái lạc chê chán… Phải không hở chàng Ngâu và ả Chức?”

 

Trăng của ai ?

 

Về sau, tôi biết là mình đã nhầm lẫn. Hàn Mặc Tử mới thân với Bích Khê thông qua nữ sĩ Mộng Cầm ở Phan Thiết, khi Hàn bỏ chỗ làm Sở Đạc Điền Quy Nhơn vào Sài Gòn, đi làm báo (1934). “Chơi Giữa Mùa Trăng” là tuyển tập 10 bài tản văn và tạp văn, được nhà xuất bản Ngày Mới (Hà Nội) in lần đầu năm 1941, sau khi Hàn Mặc Từ đã qua đời (11-1940); nhà xuất bản An Tiêm (Sài Gòn) tái bản lần đầu năm 1969. Tập sách này được nhiều người xem là rất quan trọng trong đời sang tác của Hàn Mặc Tử. Nó có 2 bài nghị luận mang tính “tuyên ngôn” về “Quan niệm thơ”, và “Chiêm bao và sự thực”. Đọc lại “Chơi Giữa Mùa Trăng””, nhà phê bình Lê Huy Oanh trên tạp chí Văn Học (Sài Gòn) năm 1974 đã cho rằng: “Hàn Mặc Tử là một trong những thi sĩ có công lớn trong việc truyền bá và hiển dương lối thơ xuôi tại xứ ta !”

“Chơi Giữa Mùa Trăng”-bài tản văn dài 1330 chữ được người sau chọn làm tựa cho tập sách được Hàn Mặc Tử sáng tác trong khoảng thời gian nào ? Bài thơ văn xuôi này diễn tả cảnh Hàn bơi thuyền thưởng trăng cùng chị ruột tên Nguyễn Thị Như Lễ. Trong gia đình, chị Lễ là người con thứ 2, Hàn Mặc Tử thứ 4. Đoạn cuối bài tản văn ghi khá rõ:

Chị tôi hí hửng như xuân, chạy nhảy xênh xang, cơ hồ được dịp phát triển hết cả ngây thơ của người con gái mười lăm tuổi, tôi ngắm mãi chị tôi, và tự vui sướng trong lòng vô hạn. Có lúc tôi đã kiêu ngạo thay cho cái sắc đẹp nhu mì ấy, mà chỉ dưới trời thu đêm nay tôi mới biết thưởng thức”

Vào đêm trăng ấy (1925 ?), chị Như Lễ khoảng 15 tuổi. Gia đình có 8 anh chị em ruột, nếu sinh năm một thì năm đó Hàn mới ở tuổi 13 ??.Giả định Hàn Mặc Tử nhớ lại và viết Chơi Giữa Mùa Trăng sau khi phong trào Thơ Mới ra đời (1932), lúc nguồn sáng tạo sung mãn nhất (1934-1939), thì người sau cũng không thể chối bỏ rằng cảm xúc sáng tạo của Hàn từ niên thiếu đã là rất mới mẻ. Có thiên bẩm mới viết hay đến thế.

Trong bài Quan Niệm Thơ, Hàn Mặc Tử đã khẳng định:

Đức Chúa Trời tạo ra trăng, hoa, nhạc,hương là để cho người đời hưởng thụ, nhưng người đời đời u mê phần nhiều  không biết tận hưởng một cách say sưa, và nhận thấy, chiêm nghiệm vẻ màu nhiệm, phép tắc của đấng Chí Tôn, vì thế trừ hai loài trọng vọng là” thiên thần và loài người ta”, Đức Chúa Trời phải cho ra đời một loài thứ ba nữa: loài thi sĩ. Loài này là những bông hoa rất quý và rất hiếm, sinh ra đời với một sứ mạng rất thiêng liêng:phải biết tận hưởng những công trình châu báu của Đức Chúa Trời đã gây nên, ca ngợi quyền phép của người, và trút vào linh hồn người ta, những nguồn khoái lạc đê mê, nhưng rất thơm tho tinh sạch.

 Bởi muốn cho loài thi sĩ làm tròn nhiệm vụ của thế gian này,-nghĩa là tạo ra những tác phẩm tuyệt diệu, lưu danh lại muôn đời-Người bắt chúng ta phải mua bằng giá máu, luôn luôn có một định mệnh tàn khốc theo riết bên mình.”(Chơi Giữa Mùa Trăng).

Căn cứ và bài nghị luận này, nhiều người xem Hàn Mặc Tử như là một nhà thơ của tín ngưỡng. Nhưng từ đầu, nguồn thơ Hàn Mặc Tử như hòa quyện với thiên nhiên, với những trăng, sao, gió.. Tất nhiên là theo kiểu của Hàn.

 

Ý nghĩa của “trời thơ”…

 Theo Wikipedia, cũng như trong Tiểu truyện sơ lược do Đặng Tiến đối chiếu và thiết lập tháng 2-2012, Hàn Mặc Tử tên thật là Nguyễn Trọng Trí, sinh ngày 12-9-2012 tại Quảng Bình. Thân phụ ông làm nghề thuế quan, đưa gia đình thuyên chuyển nhiều nơi, từ Sa Kỳ (Quảng Ngãi), Quy Nhơn, rồi trở lại Sa Kỳ năm 1925. Năm 1926 thân phụ Hàn qua đời, gia đình dời vô lại Quy Nhơn ở cùng người anh cả làm thầu khoán tên là Nguyễn Bá Nhân. Ông này yêu văn thơ, khi sáng tác ký bút hiệu Mộng Châu. Từ đó Hàn làm nhiều thơ, thường cùng anh trai xướng họa…Năm 1936 ông Nhân qua đời, Hàn Mặc Tử trở về sống ở Quy Nhơn. Cuối năm này, ông ra Hà Nội để in tập thơ đầu tay mang tên Gái Quê. Sách dày 48 trang, tác giả tự phát hành. Trên đường về, ghé Huế, Hàn mang sách đến bán tại hội chợ.

Do các biến động xã hội, theo tháng năm, Gái Quê gần như đã hoàn toàn bị tuyệt bản. Năm 1987, nhà xuất bản Văn Học (Hà Nội) làm cuốn Tuyển thơ Hàn Mặc Tử đã chỉ tìm được 21 bài từ tập Gái Quê theo bản chép tay của Chế Lan Viên được gia đình lưu giữ (không có lời đề tựa của Phạm Văn Ký như bản gốc đã in). Năm 1992, nhà xuất bản Hội Nhà Văn và Hội nghiên cứu giảng dạy văn học Tp.HCM cho tái bản tập thơ theo bản chép tay này, Việc tìm kiếm nguyên bản Gái Quê được những người yêu mến Hàn Mặc Tử tiếp tục.

Cơ duyên đã đến vào năm kỷ niệm 100 năm ngày sinh Hàn Mặc Tử. Nhà nghiên cứu văn học Đặng Tiến ở Pháp đã gặp được một bản sao đánh máy tập thơ Gái Quê mà một người cháu của bà Hoàng Thị Kim Cúc hiện ở Mỹ còn giữ được. Đối chiếu với nhiều nguồn tư liệu, ông cho rằng đây là bản đánh máy đáng tin cậy. Công ty sách Phương Nam đã liên kết với nhà xuất bản Hội Nhà Văn cho in tập Gái Quê Thơ Hàn Mặc Tử tại Việt Nam.

Trong lời giới thiệu, nhà văn Đặng Tiến nhắc đến bài “Tình quê” rất nổi tiếng, có hai câu:

                       Dù ai không mong đợi

                       Dù ai không lóng nghe

 

Hai câu thơ này, trong bản đánh máy, cũng như nhiều bản đang lưu hành, đều ghi là “lắng nghe”. Đặng Tiến đối chiếu với những văn bản của những tác gia uy tín như Trần Thanh Mại, Vũ Ngọc Phan, Hoài Thanh, đúng nhất phải là “lóng nghe”. Nhưng lại buồn thay, bản in 2012 khi Công ty sách Phương Nam cho ra sách, bài Tình quê trang 68 vẫn lại là “lắng nghe”! Sự nhẫm lần lần này có thể do người sửa mo-rát. Điều đáng nói là khâu làm sách hôm nay lại không kỹ càng. Hay tại lớp người sửa bản in bây giờ đã thiếu một sự cẩn trọng cần có. Cuộc đời Hàn Mặc Tử từ khi lớn lên đến sau khi ra đi khỏi cuộc đời, vẫn phải chịu nhiều nỗi oan khiên của dư luận. Có lẽ chỉ những người đồng cảm, yêu thơ thật sự mới có sự đồng cảm. Phải chăng vẫn cần phải hỏi lại : Hiểu gì không ý nghĩa của trời thơ…(câu mở đầu của Trường Tương Tư, một bài thơ của Hàn Mặc Tử).

 

Tình quê

Trước sân anh thơ thẩn,

Đăm đăm nhạn trông về;

Mây chiều còn phiêu bạt

Lang thang trên đồi quê;

Gió chiều quên ngừng lại,

Dòng nước quên trôi đi…

Ngàn lau không tiếng nói

Lòng anh dường đê mê.

Cách nhau ngàn vạn dặm

Nhớ chi đến trăng thề.

Dầu ai không mong đợi,

Dầu ai không lóng nghe

Tiếng buồn trong sương đục,

Tiếng hờn trong lũy tre.

Dưới trời thu man mác

Bàng bạc khắp sơn khê.

Dầu ai trên bờ liễu

Dầu ai dưới cành lê…

Với ngày xuân hờ hững

Cố quên tình phu thê,

Trong khi nhìn mây nước

Lòng xuân cũng não nề…

 

Nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ tình cờ về Việt Nam, có mặt trong đêm ra mắt tập thơ Gái Quê bản in mới (16-9-2012) đã cảm xúc làm bài thơ “Âm bản tháng Chín:

 

Một trăm năm ngày sanh Hàn Mặc Tử

Tháng Chín thu xanh thu tím thu vàng

Cánh nhạn lưng mây vẫn còn vọng lại

Khúc hát Tình Quê vẫn mượt âm vang

Thi nhân lóng nghe tiếng gì không hết

Tiếng hờn trong sương chẳng biết bao giờ

Màu sương đục màu bơ vơ hôm trước

Hôm nay về đếm ngược hỏi bâng quơ…

 

Nhà thơ hôm nay có thể hỏi bâng quơ về những điều anh lóng nghe. Nhưng cội nguồn của một tài năng như Hàn Mặc Tử có lẽ lại cần hỏi kỹ.

 

Võ Chân Cửu


Joomla Hosting and Maintenance by Cybersalt

Copyright © 2014-2024. VietVancouver, All rights reserved

  • Số Lượt Truy Cập 1753627