Ian Urbina

 

Nhiều năm rồi, không ai biết tại sao những con tàu ma bằng gỗ dạt vào bờ biển Nhật Bản với thi thể của những ngư dân Bắc Hàn gầy ốm trơ xương.

 

 

Cuộc điều tra của tổ chức báo chí The Outlaw Ocean Project (Dự án Đại dương Phi pháp) dựa trên dữ kiện vệ tinh thu thập trong 2 năm qua cho thấy điều mà những nhà nghiên cứu đại dương gọi là lời giải thích hợp lý nhất: Trung Quốc gởi đội tàu đánh cá công nghiệp hùng hậu đến vùng biển Bắc Hàn đánh bắt bất hợp pháp khiến cho những tàu nhỏ của Bắc Hàn phải đi xa bờ hơn để đánh bắt và khiến cho trữ lượng mực biển ngày xưa rất dồi dào nay sụt giảm 70%.

 

Vùng màu xám là lãnh hải kinh tế của Bắc Hàn

 

Đội tàu Trung Quốc -gần 800 chiếc năm rồi- có vẻ vi phạm lệnh cấm vận của Liên Hiệp Quốc, cấm nước ngoài đánh bắt cá trong lãnh hải Bắc Hàn thuộc Biển Nhật Bản (Sea of Japan). Lệnh trừng phạt này, áp dụng từ năm 2017 vì Bắc Hàn thử bom nguyên tử, trừng phạt Bắc Hàn bằng cách không cho phép Bắc Hàn bán quyền khai thác hải sản cho nước ngoài để lấy ngoại tệ (Canada là một trong những quốc gia cưỡng hành lệnh này).

Con số 800 nói trên chỉ là 1/3 của toàn bộ đội đánh cá viễn dương. Dữ kiện vệ tinh công cộng và thương mại được phân tích bởi các cơ  quan Outlaw Ocean, Global Fishing Watch và các nhà nghiên cứu, chuyên gia từ Hoa Kỳ, Nam Hàn và Nhật Bản. Cuộc điều tra cũng được thẩm lượng và công bố trên tạp chí chuyên môn Science Advances.

Jaeyoon Park, chuyên gia dữ kiện của tổ chức Global Fishing Watch, cơ quan theo dõi tàu đánh cá toàn thế giới, nói: “Đây là trường hợp đánh cá lậu lớn nhất do một đội tàu cá công nghiệp của một nước thực hiện tại một nước khác”.

Khi được cho biết, bộ Ngoại Giao Trung Quốc trả lời: “Trung Quốc luôn luôn ý thức thi hành quyết nghị của Hội Đồng Bảo An LHQ về Triều Tiên và thường xuyên trừng phạt những vi phạm”.

Không rõ là Bắc Hàn có cho phép tàu đánh cá Trung Quốc đánh bắt trên vùng biển nước mình hay không. Tuy nhiên khi Hải Cảnh Nam Hàn chận xét tàu Trung Quốc trên đường đi đến vùng biển Bắc Hàn thì các thuyền trưởng Trung Quốc xuất trình giấy cho phép đánh cá của chính quyền Bắc Hàn.

 

Đội tàu vô hình nhưng gia tăng liên tục

Tháng Ba vừa qua, 2 quốc gia dấu tên tố cáo với Liên Hiệp Quốc việc Trung Quốc vi phạm lệnh trừng phạt và cung cấp hình ảnh vệ tinh tàu đánh cá Trung Quốc trong vùng biển Bắc Hàn  và lời khai của ngư dân Trung Quốc rằng họ có thông báo cho chính quyền Trung Quốc về kế hoạch đánh bắt trong vùng biển Bắc Hàn.

Giới chức Trung Quốc bác bỏ báo cáo này, nói rằng lời tố cáo không có cơ sở và chỉ liên hệ vài cá thể tàu thuyền.

Những tiết lộ này đưa đến những câu hỏi gai góc về hậu quả của vai trò Trung Quốc gia tăng liên tục trên biển và về sự thiếu sót quản lý đại dương toàn thế giới.

Những uớc lượng về đội tàu cá Trung Quốc đánh bắt trên toàn cầu chênh nhau khá nhiều, đi từ 200,000 chiếc đến 800,000 chiếc, chiếm phân nửa hoạt động đánh bắt trên toàn thế giới. Chính phủ Trung Quốc thì nói đội tàu đánh bắt viễn dương của họ chỉ có 2,600 chiếc nhưng nghiên cứu của cơ quan tri thức ODI-Anh quốc đưa đến con số 17,000, với thủ thuật là nhiều tàu này tắt dụng cụ cho phép vệ tinh theo dõi để che dấu hành tung của chúng.

Để so sánh, đội tàu đánh cá viễn dương của Hoa Kỳ chỉ có 300 chiếc.

Không chỉ là nước xuất cảng hải sản nhiều nhất mà Trung Quốc còn là nước thiêu thụ hải sản nhiều nhất, chiếm hơn 1/3 lượng tiêu thụ toàn cầu. Đánh đã cạn kiệt hải sản gần bờ, đội tàu cá Trung Quốc đi khai thác vùng biển của các quốc gia khác ở Tây Phi châu và Nam Mỹ, nơi chính quyền kiểm tra khai thác hải sản lỏng lẻo vì thiếu nhân lực tài lực. Đa số tàu cá viễn dương của Trung Quốc quá lớn đến mức chúng đánh bắt trong một một tuần thì bằng tàu cá địa phương đánh bắt trong cả năm trời.

Nhiều tàu cá Trung Quốc càn quét biển Nam Mỹ đánh bắt cá tạp, dùng để xay nhuyễn làm thành thức ăn nuôi cá. Đội tàu Trung Quốc cũng nhắm vào tôm và cá Sủ Vàng (totoaba fish),  là loài cá có giá trị cao ở châu Á do tin đồn là bong bóng của nó có dược tính cao, có thể bán từ 1,400 đến 4,000 đô la mỗi con cá.

Đặc biệt là Trung Quốc thống trị đại dương trong lãnh vực đánh bắt mực biển, chiếm từ 50% đến 70% lượng mực đánh bắt toàn cầu, nghĩa là thực sự nắm quyền kiểm soát việc cung cấp mực trên thế giới. Phân nửa số đánh bắt này được xuất cảng qua Âu châu, Bắc Á và Bắc Mỹ.

Để đánh bắt mực, ngư dân Trung Quốc dùng 2 tàu một lúc, mỗi tàu cột một bên lưới, hai tàu chạy song song. Cách đánh bắt này giết chết rất nhiều loại cá một cách lãng phí không cần thiết. Trung Quốc cũng bị cáo buộc là giữ mực tốt cho tiêu thụ nội địa, chỉ xuất cảng mực xấu với giá cao, lấn lướt tàu đánh mực của các nước khác, ảnh hưởng tới việc thương thảo bảo tồn hải sản và phân phối nguồn mực có tính toán.

 

Tàu đánh mực của Trung Quốc với dàn treo mực hai bên tàu.

 

Trợ giúp tài chính cho ngành đánh bắt mực.

Đội tàu viễn dương Trung Quốc không phải trở thành con quái thú khổng lồ do tự nó, mà do chính quyền trợ cấp hùng hậu nhiều tỷ Trung tệ. Đội tàu có thể đi xa như vậy vì số tiền chính quyền trợ cấp giá dầu diesel tăng gấp 10 lần trong 5 năm 2006-2011. Sau đó thì chính quyền Trung Quốc không còn tiết lộ tin tức thống kê, tổ chức Greenpeace cho biết.

Trong hơn một thập kỷ, chính quyền Trung Quốc trợ cấp xây đóng những tàu kéo vỏ sắt lớn hơn, thậm chí gởi cả tàu y tế tới những ngư trường xa xôi để săn sóc cho ngư dân để họ có thể ở bám ngư trường lâu dài. Chính quyền Trung Quốc còn trợ giúp cho ngư dân đánh mực bằng những thông tin về đàn mực dựa trên dữ liệu vệ tinh và tàu nghiên cứu.

Thật ra là đánh mực biển xa không có lời, dựa theo nghiên cứu của Enric Sala, nhà sáng lập và lãnh đạo dự án Pristine Seas của tổ chức National Geographic Society Hoa Kỳ. Giá mực quốc tế không đủ để trả cho chi phí xăng dầu đi xa như vậy.

Nhưng Trung Quốc cũng không phải là quốc gia tệ nhất đã lạm dụng chính sách trợ cấp. Những nhà bảo tồn đại dương nói lý do đại dương cạn kiệt hải sản nhanh chóng là đánh bắt quá mức và đánh bắt bất hợp pháp. Những quốc gia trợ cấp cho đội tàu viễn dương của họ là Nhật Bản (chiếm 20%) Tây Ban Nha (14%) tiếp theo là Trung Quốc, Nam Hàn và Hoa Kỳ, theo nghiên cứu của Sala.

Mới đây, chính quyền Trung Quốc ngưng kêu gọi bành trướng đội tàu viễn dương và công bố kế hoạch 5 năm giới hạn đội tàu viễn dương không quá 3,000 trong năm 2021.

Nhưng những cố gắng để giới hạn đội tàu này không hiệu quả. Dù Trung Quốc đã hiện đại hóa dụng cụ đánh bắt, động cơ tàu, ra đa, phương tiện giữ lạnh nhưng duy trì luật pháp ngư nghiệp không đi đôi. Cải tổ và kiểm soát khó khăn vì luật lệ lỏng lẻo, ngư dân trí thấp, nhiều tàu không giấy phép hành nghề, không có hệ thống căn cước định dạng tàu hữu hiệu và cơ quan ngư nghiệp thường từ chối tiêu chuẩn hóa hay chia sẻ tin tức.

Nhưng không phải chỉ có hải sản là bị đe dọa vì kích cỡ  và tham vọng của đội tàu đánh cá Trung Quốc. Ngư dân thương mại của Trung Quốc được sử dụng như một loại dân quân thực tiễn của chính quyền để thúc đẩy những mục tiêu địa chính trị. Hải đội có vẻ như tư nhân này giúp áp đặt khống chế lãnh thổ chống lại ngư dân hoặc chính phủ các nước dám thách thức chủ quyền Trung Quốc, chủ quyền bao gồm gần trọn vẹn biển Đông.

Huang Jing, giám đốc của Center on Asia and Globalization thuộc Lee Kwan Yew School of Public Policy ở Singapore nói: “Trung Quốc đang đặt tay sau lưng và dùng cái bụng to đẩy bạn ra sau, thách thức bạn dám đánh họ trước”.

Tàu đánh cá Trung Quốc có tiếng rất hung hăng và thường được tàu Hải Cảnh TQ có vũ trang đi theo bảo vệ, dù là trong hải phận quốc tế hay vùng lãnh hải của nước khác.

 

Chiến thuật ỷ đông

Với những tuyên bố chủ quyền có tính lịch sử, lãnh thổ và đạo đức mâu thuẫn nhau của Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei, Đài Loan và Indonesia, biển Đông là vùng tranh chấp nóng bỏng của thế giới. Ngoài quyền khai thác hải sản, quyền lợi của vùng biển này còn đến từ một mớ bòng boong rối rắm của tự hào dân tộc, trữ lượng dầu khí ở đáy biển và tham vọng chính trị kiểm soát 1/3 dòng thương mại đường biển trên thế giới.

Ở biển Đông, quần đảo Trường Sa lôi cuốn chú ý nhiều nhất vì chính phủ Trung Quốc xây dựng chuỗi đảo nhân tạo trên những bãi san hô và đá cạn, quân sự hóa những đảo này với chiến đấu cơ, cảng tàu và cơ sở ra đa. Tàu cá Trung Quốc hổ trợ thêm bằng cách kéo bầy đến, đe dọa kẻ thù tiềm tàng, tỷ dụ như năm 2018, Trung Quốc điều động 90 tàu cá đến neo đậu chung quanh đảo Thị Tứ của Philippines chỉ cách vài hải lý, ngay sau khi Manila chỉ cải tiến hạ tầng cơ sở trên đảo một cách khiêm nhường.

Đội tàu đánh cá của Trung Quốc được tàu Hải Cảnh TQ đi kèm bảo vệ.

 

Xung đột quanh ngư trường không chỉ giới hạn ở biển Đông. Nhật và Trung Quốc còn giành nhau quần đảo mà Nhật gọi là Senkaku còn Trung Quốc gọi là Điếu Ngư. Hải Cảnh của Argentina đã nổ súng vào tàu Trung Quốc xâm nhập lãnh hải của họ.

Từ Bắc Hàn đến Mexico đến Indonesia đến Nam Mỹ, vi phạm chủ quyền của tàu cá Trung Quốc ngày càng thường xuyên, ngang nhiên và thô bạo. Không cần nhiều tưởng tượng để hình dung ra xung đột giữa tàu cá sẽ dẫn đến xung đột giữa tàu chiến.

 

Ian Urbina, giám đốc The Outlaw Ocean Project.

(CBC)

© Bản Việt ngữ của vietvancouver.ca


Joomla Hosting and Maintenance by Cybersalt

Copyright © 2014-2025. VietVancouver, All rights reserved

  • Số Lượt Truy Cập 1779388