Tạp văn Võ Chân Cửu
Chưa đến một năm sau biến cố tháng 4-1975, người dân miền Nam lưu truyền nhiều câu nói có vần mới toanh.
Khi toàn bộ hoạt động xuất bản, báo chí tự do phải chấm dứt hoạt động, đa số văn nghệ sĩ “tại chỗ” chưa có nhiều “cảm hứng” trong cuộc sống mới nên đành im tiếng, có sáng tác ra, cũng phải giấu kín. Văn chương truyền miệng lên ngôi là điều đương nhiên!
Một sáng tác dân gian phổ biến rộng và nhanh nhất lúc này là 4 câu:
Lao động là vinh quang!
Lang thang thì ở đói!
Hay nói thì ở tù!
Lù đù là đi kinh tế mới!
Các nhà nghiên cứu văn học, do nhiều lý do nên đến nay vẫn chưa công khai xếp 4 câu nói có vần nêu trên thuộc thể loại nào. Ca dao, thơ, hò, vè? Tách riêng từng câu ra, thì nó là châm ngôn, tục ngữ hay thành ngữ?. Là người quê miền Trung, và trước đây đã từng dùng 2 tiếng “lù đù” rất nôm na này trong một bài thơ (bài Trên Thác Rừng Đam Rông, đăng trên tạp chí Văn năm 1972), tôi cho rằng đây là một bài thơ hay, nên tạm đặt tên đó là bài thơ “Lù Đù”, cho dễ nhớ!
Vào những năm ‘80 thế kỷ 20, tôi vẫn tưởng những bài này được hình thành tại quê hương khúc ruột miền Trung, vì hai chữ “lù đù” là một phương ngữ. Nhưng khi vào lại ở Sài Gòn, tôi lại nghe rất nhiều người nói đã biết đến 4 câu này. Vậy nó cũng có thể ra đời ngay tại Sài Gòn, hoặc từ miền đất Nam bộ. Anh TBĐ, một cây viết thời danh hôm nay (xuân Đinh Dậu anh có tới 15 bài tạp văn trên các báo Tết) nói rằng năm 1982 anh có nghe ca sĩ Duy Khánh hát bài này tại quảng trường Mỹ Tho tỉnh Tiền Giang. Ca sĩ Duy Khánh sau 1975 từng vượt biên mấy chuyến không thành (đến 1988 ông mới được bảo lãnh qua Mỹ). Hình như để được yên ổn , ông có sáng tác ra mấy bài ca yêu quê hương có nội dung vô thưởng vô phạt. Ông vẫn được ra biểu diễn trên một số sân khấu “văn nghệ quần chúng” tại các tỉnh xa. Có khi chính ca sĩ đã nổi hứng ứng khẩu “phổ nhạc” lời ca này!
Tóm lại. người từng sống ở miền Nam (bên này sống Bến Hải) hình như ai cũng có “dấu ấn” về những câu thơ đúc kết khá thú vị này! Nếu bạo miệng, như một nhà nghiên cứu văn học đã từng cho bài thơ “Con Cóc” là một thi phẩm tầm cỡ, thì bài thơ “Lù Đù” cũng là một “tuyệt tác” không hề thua kém!
Tôi xin phép được “lạc đề” một chút để nói về người đầu tiên đã đọc cho tôi nghe những câu vè nêu trên sau năm 1975. Đó chính là mẹ ruột tôi, tại thành phố Quy Nhơn! Mẹ tôi vốn là một thôn nữ thứ thiệt, quê ở làng Vũng Tô dưới chân núi Mẹ Bồng Con bên kia đầm Thị Nại. Làng quê của tôi là một vụng biển bị cô lập bởi mấy con đèo. Tới ngoài 20 tuổi, mẹ mới được biết chữ. Người có công “xóa mù” chính là ba tôi, một thầy giáo “bình dân học vụ” đến từ huyện lân cận. Qua thời “9 năm”, ba tôi được chế độ cộng hòa tuyển dụng làm giáo viên tiểu học ngay tại tỉnh lỵ. Mấy năm sau, khi tôi được 5 tuổi, mẹ đã gồng gánh tôi và người anh trai qua mấy ngọn đèo về Quy Nhơn đoàn tụ cả nhà. Xa cách làng quê, nhưng bù lại, tôi được mẹ dạy bằng rất nhiều câu ca dao tục ngữ ví von mà mẹ thuộc lòng. Ở chế độ cũ, giáo viên chính ngạch là công chức, có phụ cấp lương vợ, lương con nên mẹ chỉ ở nhà lo nội trợ!
Nhưng đùng một cái, vài tháng sau biến cố 1975, dù đã gần 50 tuổi, mẹ vẫn một hai đâm đơn vào làm lao động ở một hợp tác xã xây dựng, ngày ngày đi gánh cát, trộn hồ. Thì ra, do đã sống qua thời “9 năm”, mẹ rất hiểu sâu sắc cụm từ “lao động là vinh quang”. “Lao động” phải hiểu là lao động tay chân! Mẹ tự nguyện xin được làm “công nhân lao động” nhằm kiếm một “thành phần xuất thân” cơ bản cho lý lịch mấy đứa em tôi. Chúng còn đi học, chứ từ lứa tôi trở lên, lý lịch thuộc thành phần tiểu tư sản, không cứu vãn được nữa! Thị thành văn minh từ nay chứng kiến những thay đổi 180 độ về mọi giá trị. Cái ăn là quan trọng hàng đầu nên ra đường, nhiều người từ “ngoài kia” vào đều luôn luôn “ngậm tăm” trên miệng, ngầm khoe rằng ta đây no đủ.
“Lao động là vinh quang” nguyên là một câu châm ngôn cửa miệng ở đất Bắc sau ngày đình chiến!
Một ngày giữa năm 1976, lúc mẹ đi làm về, gặp tôi xách gói vô nhà, liền kêu lại, nói gọn lỏn: “lang thang thì ở đói” nghen con. Mẹ biết tính tôi hễ kiếm được đồng nào, là lại bỏ nhà đi phiêu bạt, bù khú cùng bè bạn văn nghệ. Gần đây khi Internet đã phổ cập, lang thang trên các Web về ca dao tục ngữ, tôi mới biết rằng ở ngoài Bắc, câu này đã đi cặp với cụm từ “lao động là vinh quang”, thành một vế khẳng định chân lý. Nó là thực tế, không ai có thể bác bỏ.
Khoảng những năm 1977-1978 ở miền Trung, dòng văn chương truyền miệng loan truyền ngày một nhiều những câu thơ, vè xướng họa… Đa phần chúng được làm theo thể lục bát hoặc Đường thi. Các đài, báo loan tin ngày càng nhiều những vụ “khám phá, trừng trị một số nhóm “manh nha phản động” thành lập các văn đoàn sáng tác thơ ca “chống phá cách mạng”! Ở Bình Định, các “bút nhóm” này xuất hiện đầu tiên ở huyện Tây Sơn - quê hương của thi sĩ Quách Tấn và các nhà văn Nguyễn Mộng Giác, Đào Hiếu… Về sau, tôi được biết đa số “thủ lĩnh” các bút đoàn này chính là người được chính quyền cài vô, làm cò mồi!
Thấy tôi vẫn lông bông, lại cứ tụ tập bè bạn gần xa, có khi đọc thơ uống rượu ngay tại nhà, mẹ đợi lúc tôi tỉnh táo, gọi đến để nghe mẹ đọc thêm hai câu vè mới:
Hay nói thì ở tù
Lù đù là đi kinh tế mới!
Và lúc này, chuyện đi kinh tế mới được chính quyền ép buộc bằng cách “vận động” các gia đình thuộc thành phần tư sản, trí thức! Tôi chẳng hiểu mẹ tôi “tiếp cận” được mấy câu “văn chương truyền miệng” này ở đâu mà nhanh vậy! Nhưng tôi hiểu rất nhanh rằng mẹ muốn dạy tôi rằng “nói” ở đây cũng chính là “viết”.
Hai câu vè mới xuất hiện kết hợp với hai câu vè “cách mạng” có sẵn, đã trở thành một tác phẩm thâm thúy, trọn vẹn. Chỉ có văn học dân gian mới tạo nên được sự “hòa hợp” kỳ diệu như vậy trong chữ nghĩa. Bài ca này, có lẽ vì là “câu nói dân gian”, có xuất xứ từ cả hai miền Nam-Bắc, nên chính quyền không thể quy kết là “tự diễn biến”, hay cho là của “các thế lực thù địch”. Từ việc diễn tả “chân lý” ở câu 1, dẫn đến tính “hiện thực” ở câu 2, rồi tiếp nối với phương châm nhắc nhở ở câu 3, còn câu số 4 là sự đúc kết khá bi hài! Về mặt tu từ, các động từ “thì”, “là” đặt thật đúng chỗ!
Mỗi câu ca hay hò vè đều mang đậm dấu ấn lịch sử xã hội. Nó có thể đúng vào thời điểm xuất hiện, nhưng với thời gian đi qua, có thể không còn là phù hợp. Ở bài thơ “Lù Đù”, tới hôm nay, mỗi câu còn mang những giá trị riêng khó bình giải hết. Chân lý lao động là vinh quang vốn xuất phát từ một học thuyết, từng làm khổ bao tầng lớp dân cư (vì phải là lao động tay chân). Nhưng đến thời đại điện tử hôm nay, nó vẫn ăn sâu trong tiềm thức của bao người, kể cả với giới cầm bút. “Lao động” ở Việt Nam còn có ý nghĩa là “làm việc”, là “công tác”, nên tới bây giờ, nhiều nhà văn nhà thơ (kể cả ở hải ngoại) vẫn cứ ghi tiểu sử tóm tắt với những câu như: “Sống và làm việc tại…” Có ai lại “làm việc” mà không “sống”? Trong thực tế, ở trong nước cũng như thế giới, có những nghệ sĩ suốt đời thích lang thang. Họ vẫn “sống” và “làm việc” theo kiểu của mình, nhưng không phải ai cũng bị “ở đói”. Thành thử, những sáng tác được đặt hàng nhằm ca ngợi những giọt mồ hôi từ lao động tay chân như kiểu “Em ở nông trường, em ra biên giới” đã trở nên nhạt nhẽo vì người sáng tác thiếu cảm xúc thực!. Riêng câu thứ 3: “Hay nói thì ở tù” thì với những nước còn theo chế độ toàn trị, nó vẫn còn nguyên giá trị. Còn với câu số 4, sự tổng kết đó hiện thời gần như không còn đúng nữa. Từ thời mở cửa, lắm người có trí, có của lại chọn con đường “đi kinh tế mới”. Không phải vì họ lù đù, mà mục đích là trở thành những chủ trang trại, nắm giữ nhiều quyền sử dụng đất. Lắm người, phải có sự quen biết, chạy chọt mới được giao nhiều diện tích đất để khai hoang, trồng rừng!
Nhưng không phải vì những “đúng, sai theo thời thế” ấy mà lại phủ nhận giá trị của toàn bài thơ “Lù đù”. Nó là chứng nhân của một thời, lại thể hiện sự tài hoa của ngôn ngữ Việt. Câu ngợi ca chân lý lại thành lời châm biếm trong một ngữ cảnh tinh tế, diễn tả sự lừa mị của giai cấp thống trị và sự hùa nịnh của tầng lớp văn nô!
Vinh danh bài thơ dân gian nêu trên, quả là còn nhiều thú vị!
Võ Chân Cửu