Sỏi Ngọc

 

 

Từ khi còn rất bé mới lên năm, mỗi lần chơi đóng kịch hay chơi bán hàng, các anh chị tôi thường bỏ tôi ra, không cho tôi cùng diễn chung, dù chỉ là một vai phụ! Tôi cứ đứng xớ rớ bên cạnh để nếu các anh chị có thiếu vai sẽ nhớ và gọi tôi vào đóng! Thế nhưng… chẳng bao giờ tôi được gọi vào.

Chị Thùy Dung hơn tôi ba tuổi, chị thường nói:

- Mày làm khán giả là được rồi, nếu không thì làm cái ghế cho tao ngồi đi!

- Cái ghế sao? … cái ghế đâu biết nói!

- Thì đâu cần có kịch bản gì cho cái ghế đâu!... chỉ cần bò bốn chân xuống làm ghế cho tao là được rồi.

- Hay… cho em làm…

Anh Tâm Hào hơn tôi 5 tuổi thêm vào:

- Em làm giám khảo đi, anh thấy em có mắt biết ai đóng hay, đóng dở lắm đó!

- Vậy em sẽ chấm điểm cho anh chị nhé!

Nhưng mỗi lần tôi cho chị Thùy Dung điểm ít hơn anh Tâm Hào là có chuyện ngay, chị lúc nào cũng cãi và đưa mọi lý lẽ để được hơn điểm anh Tâm Hào…

Như một định mệnh, năm ấy gần ngày Tết, mẹ nuôi lên chùa cúng hoa quả từ rất sớm.

Theo lời mẹ kể, mẹ thấy một chiếc nôi nằm ngay ngoài cửa chùa, gió thổi khá lạnh, bay hất chiếc mền mỏng đắp ngang người đứa bé; thấy mẹ, đứa bé đạp đạp, tay chân quơ quào mừng rỡ, mắt mũi đỏ ửng vì lạnh. Mẹ nhìn quanh quất, không một bóng người qua lại, bà liền đem chiếc nôi vào chùa, mẹ hạ thấp giọng kể:

- Con vẫn nằm yên không khóc, đôi mắt mở to tròn nhìn mọi người xung quanh như muốn làm quen với thế giới bên ngoài, chiếc lưỡi tí hon cứ liếm liếm mút mút như đói lắm, khuôn mặt thật hài hòa xinh xắn. Con chỉ khoảng ngoài một tháng tuổi. Nhà chùa cũng muốn giữ con lại làm ni cô sau này…. Nhưng mẹ lại thấy tội nghiệp cho một bé gái mới lọt lòng mẹ chắc chắn cần một bàn tay mẹ hiền chăm sóc cẩn thận, mẹ muốn đem con về làm bạn với chị Thùy Dung lúc ấy được 3 tuổi … Mẹ chưa biết đặt tên con là gì thì thầy trụ trì đã cho con cái tên là Lục Bình, Đỗ Diệu Lục Bình.

Cứ thế tôi lớn lên trong gia đình họ Đỗ được 16 năm, bản tánh tự nhiên rất hay nhường nhịn trên dưới, thêm vào khi biết tôi chỉ là đứa con rơi nhặt về, tôi lại thêm mặc cảm, nên bất cứ điều gì các anh chị đòi là tôi lại đưa ngay mà không đòi quyền lợi gì cả!

Ông bà Đỗ rất hiền lành, yêu thương con cái, coi tôi cũng giống như con ruột chỉ có điều chị Thùy Dung vì được nuông chiều từ nhỏ nên tính hơi ích kỷ và nhỏ mọn một chút! Mỗi lần chị bực tức gì là lôi tôi ra trút vào!

Mẹ lên chùa thường hay dẫn tôi theo, vì bản chất của tôi đã hợp với nhà chùa ngay từ khi mới lọt lòng. Trong lúc mẹ lo bày hoa quả lên bàn thờ Phật, tôi tung tăng đến bên thầy trụ trì, thầy dạy tôi mấy câu kinh nằm lòng, thầy còn dặn dò tôi:

- Con nhớ nghe lời dậy bảo của bố mẹ Đỗ nhé, ông bà thật tốt lắm, thay ta săn sóc nuôi nấng dậy bảo con, con phải cố chăm học và ngoan ngoãn để sau này thành người tốt cho xã hội!

- Nhưng chị Thùy Dung hay ăn hiếp con…lấy đồ của mẹ cho … lục đồ của con…xé nhật ký của con…

- Hãy nhường nhịn chị ấy con nhé, vì chị ấy phải thua kém con về mặt nào đó mới ganh tức với con chứ, ví dụ mẹ cho mỗi đứa chiếc áo, chị ấy không muốn cho con một cái vì sợ con mặc vào sẽ đẹp hơn chị ấy, nên vì lòng ganh tỵ không hơn được con nên mới đòi, … con cứ nhường cho chị đi, sau này học giỏi, giàu có, con mua được cả trăm cái hơn hẳn cái chị đang có bây giờ…

- Nhưng… lúc ấy còn lâu ghê lắm!

- Không lâu đâu, thời gian nhanh như thoi đưa…

- Con muốn lên chùa ở với các Thầy được không ạ?

- Không tiện cho con đâu, con còn nhỏ phải gần các bạn cùng trang lứa, lên đây ở con sẽ không đủ phương tiện đi học. Ta sẽ ở đây mỗi khi con cần đến.

- Thầy ơi, tại sao lại đặt cho con tên Lục Bình? Bạn con cứ hay trêu con là bèo dạt.

- Cái tên không làm nên con người, mà chính con người mới làm cho tên mình được thăng hoa nở rộ, thầy tin con sẽ làm cho tên Lục Bình được rạng rỡ sau này.

Mỗi lần ở chùa về, lòng tôi dạt dào những ý tưởng mới lạ như được thầy bơm cho chất bổ dưỡng, tinh thần thoải mái phấn chấn làm tôi không còn buồn phiền gì với chị Thùy Dung nữa, những nhỏ nhen ấy tôi cho qua một cách dễ dàng.

Một hôm bố mẹ đưa cả gia đình về Việt Nam thăm quê hương.

Đây là lần đầu tiên cả gia đình cùng về, chúng tôi vô cùng náo nức, theo chân bà Đỗ đi mua sắm đồ để đem về bên kia cho vì bên bà còn một vài gia đình họ xa còn sót lại, đây là lần đầu tiên về phải có cái gì có vẻ ngoại quốc đem biếu họ! tôi mua một lô quần áo bằng tiền túi để dành của mình để làm quà cho các anh chị họ xa.

Tôi cũng thấy chị Thùy Dung chạy hết hàng này đến hàng nọ mua quần áo phấn son rất nhiều, chị nói để cho chị xài khi về bên ấy sợ nắng cháy da và một số sẽ đem cho…

Ngày rời Montreal đã đến, tất cả chúng tôi đều sửa soạn đầy đủ để lên đường, khi lên máy bay ông bà Đỗ được xếp ngồi gần phía trên đầu, còn ba chúng tôi bị ngồi cách một khoảng khá xa tuốt gần phía đuôi cánh. Chị Thùy Dung muốn thoải mái nên đòi ngồi một mình, con tôi và anh Tâm Hào ngồi gần bên nhau ở hàng ghế của ba người và chúng tôi ngồi gần phía cửa sổ.

Khi máy bay rời đường bay, tốc độ bỗng tăng vọt làm tôi sợ hãi nắm chặt lấy thành ghế, mắt nhắm nghiền, hai tai ù lại. Khi được một đoạn đường trên không trung, tôi từ từ mở mắt ra, thấy bàn tay mình nóng hổi như ai nắm, khuôn mặt của anh Tâm Hào lo lắng kề sát mặt tôi :

- Lục Bình! Em khỏe rồi chứ? Làm anh sợ quá, tưởng em xỉu rồi! anh lay gọi từ nãy giờ vẫn không thấy em trả lời?

- Em sợ thật, buồn nôn quá!

- Đây túi nôn đây…

Anh vuốt lưng cho tôi bớt cơn muốn ói :

- Em uống miếng nước nhé, sẽ hết buồn nôn ngay thôi! Hay ngậm cục ô mai đi!

- Cám ơn anh!

Anh lấy cái gối vòng cổ choàng vào vai cho tôi :

- Em nằm bằng cái gối này cho bớt đau cổ, nằm nghỉ một chút sẽ hết buồn nôn ngay, tại chưa quen đó thôi.

- Không biết… chị Thùy Dung có bị gì hay không?

- Anh đã nhìn qua rồi, cô ta lên máy bay là nhắm mắt ngủ ngay, hay thật! em có cần bôi chút dầu nóng không? Anh có trong giỏ đây!

- Sao anh chuẩn bị hết vậy!

- Anh sợ bố mẹ bị nhức đầu buồn nôn nên mới chuẩn bị dầu nóng, ai ngờ người anh không lo tới lại bị! hahaha

- Cám ơn anh đã lo cho em! Lần đầu tiên đi máy bay nên không biết mà chuẩn bị những thứ này!

- Em hít vào thật sâu, rồi thở ra sẽ thấy bớt ù tai hơn!

- Dạ đúng rồi… cám …

- Lại cám ơn nữa, anh em có gì mà sao em khách sáo vậy?

- Em … quen rồi…

- Em cứ cái tính hay nhường người khác làm Thùy Dung được cờ nó cứ lên chân ăn hiếp em! Phải … cương nghị lên một chút chứ!

- Thôi kệ! em là em phải nhường anh chị chứ! Với lại em là đứa con được lượm về mà, phải biết thân phận!

- Có… anh đây! Sẽ bênh vực cho em!

Tôi nhìn anh dọ hỏi, một chút nghi ngờ:

- Làm sao anh có thể bênh vực cho em được? sẽ bị bố mẹ la thì sao?

- Anh chỉ bênh điều phải thôi, có lý thì không ai cầu nhầu được!

Khi chúng tôi được đem phần cơm tới, anh Tâm Hào đã làm cử chỉ galant thật hiếm có, bằng cách mở gói cơm còn nóng hổi ra cho tôi, anh xúc một thìa cơm nhỏ với cá đưa lên miệng tôi:

- Mời công chúa dùng cơm ạ!

Tôi ngượng nghịu:

- Cám ơn anh nhiều lắm, sao hôm nay anh lại giở nhiều quẻ quá, em động lòng rồi đây hahhaha!

- Anh muốn nói với em rằng….

Tôi chờ đợi nghe anh nói, khuôn miệng sửa soạn một nụ cười vì anh rất hay làm trò ghẹo người khác cười:

- Cứ nói đi! Có tại hạ lắng nghe đây :

- Anh…. Yêu …em!

Tôi chưng hửng, mở thật to cặp mắt nhìn anh:

- Anh đừng nói nhảm chứ? Có phải máy bay lên cao độ làm anh bị… nóng?

- Không đâu, anh nói thật lòng mà! Anh … rất yêu em!

- Từ khi nào thế?

- Từ khi em mới được xin về nằm trong nôi, anh đã thấy một cô bé thật dễ thương, lúc ấy anh đã 5 tuổi rồi, một cô bé nhỏ nhắn, cho đến em lớn lên, rất hiền lành, rất thông minh và cũng rất đáng yêu, anh rất thích!

- Anh… nói giỡn có bài bản ghê! Anh là… anh hai của em mà! Giống chị Thùy Dung, chị ba của em! Em rất yêu cả hai người!

- Không đâu! Anh nói thật lòng! Em đừng đem ra làm chuyện cười đó nhe, anh nói đứng đắn đó, em bằng lòng…. Nhận anh làm người tình chứ?

Tôi cứ nghĩ anh chỉ nói giỡn, ngước nhìn anh trong ánh mắt, hình như …anh không phải nói giỡn…

Chúng tôi đến Việt Nam trời nóng như lên cơn sốt, chị Thùy Dung không thể ra ngoài vì không quen với sức nóng hầm, chị sai tôi đi mua đồ ăn bên ngoài về cho chị, và đây cũng là một dịp để tôi có thể hiểu biết thêm cách sinh sống của người dân thành phố Saigon, họ làm việc 24/24 không bao giờ thấy nghỉ tay, kể cả buổi tối!

Lúc tôi về đến khách sạn thấy trong phòng ngập người, các cô bác đến khách sạn thăm bố mẹ, có các anh chị họ cũng đi theo, tôi thấy chị Thùy Dung ngang nhiên mở valise của tôi ra lấy tất cả quần áo tôi đã mua đem cho họ, như chính chị là người mua tặng họ vậy! thấy tôi nhìn chị, chị nói chữa thẹn :

- Chị thay mặt em đem những đồ em mua ra tặng cho các anh chị em họ rồi!

- Sao… em nghe chị nói là của chị tặng họ mà?

- Thì…. Chị tặng… hay … em tặng có gì quan trọng đâu! Quan trọng là đồ đạc đã đến tay người nhận rồi!

- Vậy… chị có lấy đồ chị mua thêm để tặng cho mọi người luôn chứ? Một mình em làm sao đủ cho tất cả 20 người này!

- Không … không … đồ của em mua là đủ rồi, còn đồ của chị thì để chị xem, từ đây đến lúc về mà chị xài dư chị sẽ cho!

Tôi chưng hửng không biết cách nào để chống đối lý lẽ của chị nữa, đành im lặng.

Bố lên tiếng hỏi chúng tôi:

- À! Chiều nay cả nhà mình cùng đến nhà bác Tám chơi, nhân tiện bố sẽ châm cứu giúp cho bác gái khỏi bị quẹo cổ vì bị cảm gió, bố cần một trong hai đứa con gái giúp bố làm việc này!

Chị Thùy Dung nói ngay không suy nghĩ:

- Chuyện này thì chỉ có con Lục Bình mới rảnh để làm mà thôi! Vì con phải bận đi may đồ nữa, con có hẹn rồi! … anh Tâm Hào sẽ chở em ra phố chứ? Mấy ngày nay ở ngay trung tâm Saigon mà có mua bán gì được đâu vì nóng quá! Nhưng sau khi ra chợ xong, có thể buổi chiều con sẽ đến bác Tám để cùng ăn tối với mọi người… Mà bố ơi, gia đình bác ấy thật đông con, con không nhớ ai vào ai nữa! bác gái là chị họ xa của bố, vậy con cái của bác Tám là các anh chị họ xa xa với chúng con … đâu có gì thân thiết mà bố cứ bắt chúng con phải kết tình giao hảo với họ, mình ở xa tít nửa quả đại cầu, lâu lâu mới gặp nhau … đâu cần gì phải giữ tình đâu chứ…Cho họ đồ đạc chỉ tốn mà họ chả nhớ mình là ai!

- Sao con lại có những ý nghĩ kỳ quặc vậy? họ hàng trong nhà không bao giờ kể là họ xa hay gần, mà chỉ nhìn cái tình của họ mà thôi…Mình lâu năm mới về một lần, cho họ chút quà bánh là bao…

- Những năm tháng mình sống bên Canada, có bao giờ con nhận được cái thơ nào của các anh chị bên nhà bác Tám đâu!

- Con đừng lý lẽ với bố nữa…Vậy Lục Bình đi với bố hả?

- Dạ vâng! Con sẽ theo bố đi « làm phước »!

- Nhân tiện bố sẽ chỉ cho con những huyệt, sau này không có mặt bố, con cũng có thể châm cho bác Tám những huyệt đã học thuộc lòng; châm cứu rất tốt vì theo thời gian sẽ làm căn bệnh khỏi, mà không phải uống thuốc gây ảnh hưởng hóa học độc hại vào cơ thể…

Nhà bác Tám ở Thủ Đức, đi vòng vèo vào cả chục cái ngõ nhỏ xíu, với những ổ gà lớn đầy xình vì nước mưa, chúng tôi đứng trước một căn nhà rộng lớn 2 tầng bằng gỗ ở cuối cùng con hẻm, căn nhà có vẻ như mới xây được nửa chừng chưa xong vì một lý do nào đó mà người chủ bỏ dở, nên trông rộng, khang trang phía trước, phía sau thì còn những gỗ và sắt chưa khép lại.

Vừa dừng trước nhà, chúng tôi chưa kịp bước xuống xe, đã nghe những tiếng la vang của các em nhỏ ở gần đấy :

- Có nhà giàu đến thăm bác Tám ơi!! Chị Tư ơi có người tỉnh thành xuống!!!

- Chị Sáu ơi có Việt Kiều!!!

Chúng tôi đứng ngần ngơ nhìn hết đứa bé này đến đứa bé khác kêu gọi người trong nhà dùm chúng tôi bằng sự suy đoán của chúng, thật ngộ nghĩnh!

Bác Tám từ trong nhà lật đật chạy ra, búi tóc chưa kịp quấn lại, bác mở rộng chiếc cửa gỗ bóng loáng mời:

- Chú thím và cháu cứ vào nhà, tự nhiên nhé!

Chúng tôi bước vào, trước mặt là một tấm chiếu trải dưới đất giả làm bộ ghế ngồi đón khách, chính giữa có khay trà nóng với 8 cái ly. Cả nhà ùa ra chào đón gia đình chúng tôi thật chu đáo với những ly trà vối bốc khói, nhưng khi uống qua cổ thật mát và nhẹ người.

Bác Tám dắt cả nhà ra vườn sau xem cây ăn trái và cái ao nhỏ cạnh nhà đầy những cá hồng bơi lội.

Bỗng dưng chúng tôi thấy từ trong bụi chuối, một người con trai khoảng trên 30 tuổi, khuôn mặt thật khôi ngô, mặc bộ đồ pyjama xanh lợt, chăm chú ngồi vẽ những hình ảnh thật lạ trên thân cây chuối. Bố gọi :

- Có phải cháu cả đấy không?... Thịnh! Phải Thịnh không?

Anh Thịnh nghe gọi đến tên mình thì nhìn về phía bố, vứt con dao đang khắc xuống đất, rồi cắm đầu bỏ chạy!

Bố mẹ chăm chú nghe bác Tám kể về anh Thịnh, người anh cả của gia đình đã 32 tuổi, bị bệnh trầm cảm ban đầu, dần dần trở thành bệnh thần kinh nhẹ vì sau mấy lần vượt biên thất bại, bị bắt, anh không nói không rằng với ai cả, đi lang thang một mình suy tư, rồi những lúc thấy trời mưa sấm sét anh ôm đầu sợ hãi khóc đến nỗi không một ai dỗ nổi, lúc thấy cầu vồng đủ màu thì anh vỗ tay cười vui sướng, niềm hạnh phúc hiện rõ trên khuôn mặt.

Bác Tám đã chạy bao nhiêu thầy thuốc cũng không khỏi bệnh trầm cảm của anh, bác bán cả đồ đạc trong nhà để mời thầy từ ngoại quốc về chữa bệnh, cũng chỉ thuyên giảm mà không khỏi hẳn được. Sau vài năm chữa trị, cả nhà cũng đành chấp nhận căn bệnh lúc điên lúc tỉnh của anh.

Bố tôi lên tiếng :

- Hồi xưa khi « di tản » từ Đà Nẵng vào, nhờ anh chị đã cho gia đình chúng em tạm trú đến cả năm trời, vì hoàn cảnh khó khăn và gia đình đông nên miếng cơm cũng phải chia năm xẻ bẩy, vợ chồng em lúc ấy mới cưới nhau…được như ngày hôm nay cũng nhờ anh chị thật nhiều…

Căn nhà này hồi xưa bé xíu, chỉ vài thanh gỗ, bây giờ cũng đã được dựng lên bằng gỗ lim thật tốt quá! Còn cháu Thịnh lúc ấy em nhớ chị mới sanh cháu!

- Cũng nhờ làm ăn buôn bán được một thời khi chú thím rời đi, nên mới có một số vốn xây lại nhà cửa và cho các con vượt biên, ai ngờ thằng Thịnh lại bị bệnh như thế này làm anh chị thật rầu rĩ, mấy đứa sau này nhìn thấy cảnh này cũng không dám đi vượt biên nữa!

- Em thấy tình cảnh của cháu như vậy rất đau lòng, không biết anh chị có tin châm cứu hay không, … em đã có học và đang làm về môn này từ cả chục năm nay rồi, chữa cũng được nhiều người lắm, nhân đây em cũng muốn thử cho chị và cháu Thịnh xem sao, nếu mát tay thì hay quá!

- Vậy à! Anh chị đến nước này rồi, có ai chữa khỏi cho thằng Thịnh anh chị cũng rất hoan nghênh.

Thế là bác Tám vội vàng gọi bác gái đang bị trúng gió quẹo cổ vào nhà để bố châm cứu cho. Bố chỉ dẫn cho tôi từng cái huyệt và cách châm như thế nào để đừng làm cho người bệnh bị đau và cách đo đúng huyệt…

Trong lúc châm cứu cho bác Tám gái thì tôi để ý thấy một bóng người lấp ló nhìn từ phòng bên cạnh; sau khi xong công việc, tôi vội vã đi về phía ấy, thấy anh Thịnh ngồi sau bức màn nhìn ra! Tôi gọi, anh giật mình bỏ chạy.

Tôi đuổi theo anh, bóng anh mất hút phía sau vườn, tôi vừa đi vừa gọi :

- Anh Thịnh! Anh cả ơi!... đừng sợ…

Không có tiếng trả lời.

Tôi quay lại, bất thần thấy anh lăm lăm khúc gỗ dài trên tay, hai mắt đỏ kè như người say rượu, anh lẩm bẩm:

- Sao … tìm tôi? Sao … đuổi tôi? Tôi có tội gì hả??

- Không đâu! Không… em chỉ muốn …

- Đi ngay! Tôi không muốn ai cả … đi ngay!

Bất ngờ anh giơ khúc gỗ lên thật cao định giáng xuống đầu tôi!

Sợ quá, tôi ngồi thụp xuống đất ôm lấy đầu:

- A! làm ơn … cứu tôi với! đừng mà!

Tôi cứ tưởng sẽ bị đánh cho vài gậy vào đầu, nhưng không ngờ, anh vứt khúc gỗ ra xa, ngồi xuống ôm lấy người và che chở tôi :

- Không đâu! Không đánh đâu! Đừng sợ mà! Đừng sợ nhe!

Anh đỡ tôi đứng dậy:

- Có bị gì không? Có đau ở đâu không?

- Anh… làm em sợ quá! …anh có nghe em nói gì không? Có hiểu không?

Tôi nhìn trong ánh mắt của anh, cái nhìn dịu hiền, khờ khạo làm tôi chảy nước mắt, anh thánh thiện như vậy, tại sao lại bị bệnh này chứ! Tôi thật thương cảm; dắt tay anh vào nhà cho bố châm cứu, anh sợ hãi nép mình vào tôi như đứa bé tìm sự che chở của người mẹ:

- Tôi không làm gì ai đau mà, sao bắt tôi, thả tôi ra đi…

Bố dỗ ngọt anh:

- Để chú sẽ cố châm cứu cho con khỏi bệnh nhé, con ráng ngồi yên một chút, không đau đâu.

Anh ôm chặt tôi, cầu cứu:

- Đừng bỏ tôi đi nhe em, tôi sợ lắm!

- Vâng! Em sẽ ở bên anh cho đến khi anh khỏi bệnh mà, anh đừng sợ!

Anh dấu mặt vào lưng tôi, để yên cho bố châm những cây kim thật to dài trên đầu và vòng quanh cổ và lưng. Tôi giúp bố sát trùng những cây kim bằng cồn và nước nóng. Bố chỉ cho tôi những huyệt thật quan trọng trên đỉnh đầu để làm giây thần kinh nở ra, dịu lại và máu lưu thông đều hòa.

Vì muốn trả ơn cho gia đình bác Tám đã cưu mang bố mẹ vào những ngày còn chân ướt chân ráo vào Thủ Đức, gia đình tôi cùng ở nhà bác để ráng châm cứu mỗi ngày 2 lần cho anh Thịnh và bác gái, trong vòng một tháng trời.

Cổ của bác gái đã quay trở lại được như xưa làm bác gái vui mừng giết gà, làm cá đãi tiệc cả gia đình. Bác Tám tâm sự với bố:

- Nếu thằng Thịnh mà không bị bệnh, giờ này cũng đã lập gia đình rồi, hồi trước khi bệnh có mấy cô xinh đẹp đeo nó lắm, từ ngày bị như thế … chả ai còn dám héo lánh nữa, mới biết thế nào là tình người.

- Em hy vọng cháu Thịnh sẽ được trở lại như xưa…

Buổi chiều Thủ Đức thật yên lặng, con ngõ ngoằn nghoèo chả còn tiếng la vang lừng của đám trẻ con, dải nắng nhẹ cuối cùng đang vắt trên đỉnh cây, dưới những tàn cây đốm sáng đốm tối, không khí trở nên mát hẳn. Những ngày còn lại ở Việt Nam ngắn hẳn lại, chúng tôi chỉ còn một tuần cuối cùng ở lại nơi đây mà thôi. Tôi thấy tiêng tiếc, thấy nhớ từng bụi chuối, ao cá…

Mỗi buổi chiều sau khi châm cứu xong, tôi và anh Thịnh đều đi dạo sau vườn nhà, những buổi đầu tiên anh chả nói gì, mà chỉ đi bên tôi thật yên lặng, rồi dừng lại nhìn một cách ngây ngô lên trời.

Tôi đau lòng mỗi lần nhìn thấy anh nửa tỉnh nửa mơ như thế. Tôi gắng hết sức mình dậy anh nhớ lại từng thú vật trong vườn nhà, con bướm, con giun, con cá, con kiến, rồi từng cái cây ăn trái. Tôi muốn giúp lại sự hoạt động não bộ của anh từ mấy năm nay đã bị một lớp bụi dày phủ lên đó, tôi muốn phủi bay lớp bụi quái ác kia ra khỏi khối óc của anh!

Mỗi ngày “học” xong với tôi ở ngoài vườn, anh mệt nhoài, nhưng anh hiểu tôi có ý tốt, anh nắm tay tôi, chỉ nói vỏn vẹn:

- Cám ơn em nhiều lắm!

Tôi lấy cơm giúp anh ăn, chị Thùy Dung nửa đùa nửa thật:

- Cái tên nhà quê điên điên khùng khùng này, tại sao mày bỏ công với hắn nhiều thế? Bộ tính làm… dâu nhà này sao?

- Chị im đi, đừng nói những lời ác độc đó! Họ là người ơn của bố mẹ từ xưa đó!

- Hum… người ơn sao? Không có nhà này thì bố ở nhà khác, có gì mà ơn với nghĩa! Tao thấy mày lo cho tên nhà quê này mà thật ngứa mắt! còn tao mà có sai bảo gì một chút là mày từ chối bảo tao ăn hiếp …vậy sao không xin ở lại căn nhà này để hầu hạ nó đi!

Tôi tưởng anh Thịnh không hiểu gì những cuộc đấu khẩu của chị em tôi, nhưng hình như anh cũng thoáng hiểu nên xừng xộ lại:

- Cô đừng có nói oan kẻ khác nhe…

Nắm lấy tay tôi kéo lên:

- Em đi theo tôi ra chỗ này hay lắm! kệ cô ta đi!

- Anh… anh…

Thịnh tuy hãy còn sống trong cơn mộng mị của anh ta, nhưng làm tôi thật cảm động, lúc nào cũng đứng bên tôi, cũng bênh vực tôi khỏi những câu nhiếc móc khó chịu của chị Thùy Dung. Ra đến bên ngoài anh còn nói với tôi:

- Em .. đừng buồn cô ta nhé, kệ bỏ đi, người xấu Trời sẽ phạt!

Anh rút trong túi ra bình nước, hỏi tôi:

- Em có…khát nước không?... Có cần đem theo áo không?

Tôi ngạc nhiên hỏi lại:

- Đem theo áo để làm gì?

- Nếu nhiều gió quá em sẽ có áo che khỏi lạnh!

Tôi thật mừng trong bụng, “anh đã bớt bệnh rồi sao?”. Tôi nói với anh:

- Em sắp về lại Canada rồi, anh ráng bình phục sớm cho em yên tâm trước khi về được không?

- Nếu anh bình phục … em sẽ rời … càng sớm phải không?

- Ai cũng mong anh trở lại tình trạng như xưa cả! em …phải theo bố mẹ về Canada để đi học lại nữa, chị Thùy Dung và anh Tâm Hào phải đi làm.

- Nếu anh chưa khỏi thì sao? Em … có ở cạnh anh không?

- Em tin là anh sẽ khỏi mà!

- Anh chỉ muốn là người bệnh để được gần bên em thôi!

Tôi nhìn Thịnh xem lời chàng nói là tỉnh hay chỉ là lời nói của người bệnh, tôi thấy ánh mắt chàng thật long lanh sáng ngời trong buổi chiều hết nắng, chàng kéo tôi ngồi xuống chiếc ghế đá :

- Anh sẽ sang Canada … để gặp em, anh sẽ cố khỏi bệnh, được không?

- Thật không? Anh phải khỏi hẳn bệnh mới đi được đó!

- Anh sẽ ráng, sẽ uống thuốc, sẽ nhờ người châm cứu để mau khỏi!

Lần đầu tiên tôi cảm thấy thật xúc động, tôi đã giúp được một người thoát khỏi cơn bệnh hiểm nghèo, như chính bản thân tôi đã được mẹ nuôi cho một cuộc sống mới! tôi mang ơn người không hết! thì bây giờ thật vui khi đem lại lòng tin cho kẻ khác.

Một tuần trôi qua thật nhanh bên gia đình bác Tám, bố cố châm cứu cho Thịnh đến phút cuối cùng, chỉ cách cho một người em trai của Thịnh đang theo học ngành y sĩ  để tiếp tục công việc này thêm một thời gian nữa.

Chỉ còn mỗi chàng và tôi một buổi chiều cuối cùng sau vườn nhà.

Anh chỉ tôi xếp những con chuồn chuồn giấy, cắt những cánh diều rồi thả lên trời thật cao, anh kéo tôi nằm ngửa xuống đất :

- Diều này sẽ chở chúng mình qua bờ Đại Dương để gặp nhau đó!

- Mình nặng thế này làm sao ngồi lên đó được?

- Cho nên phải làm diều bằng sắt!

- Hay quá! Anh có thấy diều bằng sắt bao giờ chưa?

- Có chứ, thường thường cũng có nhiều diều bằng sắt bay qua đây lắm, anh ao ước được ngồi lên đó để bay đi thật xa…

- Anh ao ước được đi đến đâu?

- Hồi xưa anh chỉ biết ao ước đi học ở những nước văn minh… còn bây giờ anh ao ước…

- Anh… ao ước điều gì??

- Được đến nơi em ở, gặp em… không biết có được không?

- Được chứ! Dĩ nhiên là được rồi! nhưng trước hết phải khỏi bệnh mới được!

- Anh sẽ khỏi mà!... Còn em? Em ao ước điều gì để anh sẽ bỏ lời ước ấy vào diều sắt đem lên Trời!

- Em… em ao ước được một lần gặp mẹ!

- Em có mẹ rồi còn gì!

- Không phải! mẹ ruột … người đã sanh ra em kia!

- Mẹ ruột! mẹ ruột là người đã sanh ra mình à!... Phải! phải lắm! …người sanh ra mình!

Tôi không hiểu tại sao tôi lại tâm sự niềm mong ước thầm kín của mình cho Thịnh, chàng thật gần gũi, thân thiết mặc dù mới quen chỉ được một tháng! Đối với tôi chàng chẳng có bệnh gì cả, chàng rất hiểu những điều tôi nói và còn nhìn thấu được những suy nghĩ của tôi hơn hẳn những kẻ tỉnh!

Tôi cảm thấy trái tim mình thật rung cảm mỗi lần ở bên anh!

Tiếng chị Thùy Dung chói tai làm chúng tôi giật mình:

- Nè! Hai đứa tụi bay ngồi ngoài này làm gì vậy? sao không vào nhà lo rửa bát giúp bác Tám đi!... cái thằng điên đó mày dậy đến cả năm đi nữa nó cũng không thể nào tỉnh trí được đâu!

- Chị đừng nói những lời bậy bạ đó nữa có được không? Chị sẽ làm cho anh ấy buồn đó! Chị phải cổ vũ người bệnh chứ…

- Hum… cổ vũ! Nó có biết nghe đâu mà cổ vũ! Chỉ có mày là con ngu thôi…

- Chị kia, tôi cấm chị không được miệt thị Lục Bình!

Tiếng của anh Thịnh hét lên chống trả lại chị Thùy Dung, chàng đi tìm cây roi dài, vụt xuống dưới đất dọa chị :

- Nếu chị còn nói nữa thì đừng trách tôi đấy!

Chị Thùy Dung réo thật to:

- Anh Tâm Hòa, anh ra đây xem thằng điên dám đánh em nè! Anh Tâm Hòa ơi…

Anh Tâm Hòa từ trong nhà vội vã chạy ra, thấy cảnh Thịnh đang cầm cây roi dài lăm le chị Thùy Dung, anh nhanh nhẹn chạy đến giựt lại:

- Thịnh! Hãy bỏ cái cây xuống đi! Có chuyện gì nói tôi biết…

- Hãy đem ngay chị này đi, chị này chỉ muốn gây chuyện với em của tôi!

- “em” của anh? Là ai?

- Em tôi là Lục Bình! Người em tôi… rất yêu mến!

Tâm Hòa quay sang nhìn tôi :

- Sao em không can hai người này ra?

- Anh biết chị Thùy Dung mà, nói những lời không hay với anh Thịnh….nên…

- Ồ anh hiểu rồi! … thôi tôi xin thay mặt các em tôi, xin lỗi anh Thịnh nhé, anh bỏ qua cho, tôi sẽ dậy lại Thùy Dung! … còn Lục Bình … hãy vào nhà với anh, đừng ở đây một mình với hắn, lỡ hắn lên cơn điên thì em lại bị ăn đòn oan uổng đó!

Tôi rụt tay lại từ chối theo Tâm Hào:

- Không đâu! Em sẽ ở ngoài này với anh Thịnh, các anh chị hãy vào nhà đi! Anh Thịnh không làm gì em cả đâu! Anh chị cứ yên tâm…

Anh Tâm Hào nhìn tôi vẻ trách móc rồi kéo chị Thùy Dung vào nhà, chị còn lẩm bẩm:

- Đúng là nó bị thằng điên lây bệnh rồi mà!

Sáng hôm sau cả nhà chúng tôi lên đường về lại Canada, tìm mãi không thấy bóng của anh Thịnh đâu cả, hai bác Tám cùng tôi đi tìm khắp vườn cũng không thấy, mãi đến nơi mà chúng tôi thường ngồi bên nhau mỗi chiều, thấy toàn những con chuồn chuồn giấy treo đầy cây, và bong bóng đỏ … Bác Tám gật gù:

- Thì ra cả tối hôm qua nó đã thức để thổi những chiếc bóng này đây!

- Thật sao! Anh Thịnh đã thức cả đêm để thổi chúng sao? Làm sao bác biết?

- Hôm qua bác đi ngang qua phòng thấy đèn sáng, mở cửa ra thấy nó cứ đứng thổi bóng, rồi thở hổn hển, bác bảo nó ngưng đi thì nó nhất định không chịu!

Tôi thật cảm động, nước mắt tràn mi, thực sự cảm thấy trái tim tôi đã gắn với hình bóng của anh! Tôi thầm cầu mong anh mau khỏi bệnh.

Bố mẹ tôi để lại thuốc rất nhiều cho anh uống trong một thời gian và hứa sẽ gởi tiếp thuốc về cho anh! Chúng tôi gọi mãi vẫn không thấy anh xuất hiện!!

Bác Tám vội vàng chở chúng tôi lên phi trường sợ trễ chuyến bay.

Khi mọi người đã vào bên trong và chuẩn bị lên máy bay, tôi mới thấy từ đàng xa một bóng người hớt hơ hớt hãi vừa chạy vừa quơ tay liên hồi, miệng gọi:

- Lục Bình! Lục Bình… sẽ không bao giờ quên em!!

Tôi chỉ biết đứng lại một khoảnh khắc nhìn chàng, nước mắt ràn rụa, cả lòng quặn đau! Tôi mới biết mình thật sự yêu anh!

Đôi tay rắc chắc của Tâm Hào níu tôi vào bên trong:

- Thôi đủ rồi, mình về …

Chị Thùy Dung nhiếc móc tôi:

- Cứ làm như mày là người mắc nợ nó không bằng! hum…

Bảy năm sau, tôi ra trường ngành tài chánh, chị Thùy Dung đã lập gia đình và có một con trai, bố mẹ bận rộn với thằng cháu ngoại một tuổi nên không còn thì giờ để đi nghỉ hè với cả gia đình.

Thỉnh thoảng tôi viết thư về thăm hỏi và động viên anh Thịnh nhưng không bao giờ được hồi âm, bác Tám có nhận thuốc chữa trị bệnh cho anh, nói với bố tôi rằng anh Thịnh đang từ từ phục hồi, tình trạnh khả quan rất nhiều, nhưng bác không muốn anh ấy mong nhớ hay nuôi hy vọng với một cô gái nào cả, sợ sẽ làm tổn hại tình cảm của anh sau này nếu không có kết quả tốt, bác nhờ bố nói với tôi là đừng viết thơ hỏi thăm anh ấy nữa.

Tôi rất thất vọng, đau buồn, và tự ái bị tổn thương… nhưng nghĩ cho cùng, anh cần tĩnh dưỡng, và cần sự bình an. Thế là từ đó tôi “cắn răng” không viết, không liên lạc, nhưng trong lòng vẫn nhớ và thầm cầu mong được một lần gặp lại anh!

Mỗi chủ nhật tôi đều lên chùa giúp các thầy lau chùi tượng Phật, cắm hoa và bầy bàn thờ, hôm nay ánh mắt thầy thật lạ, thầy đưa tôi một phong thư:

- Ta đã giữ lá thư này từ hai năm nay, chần chừ mãi không biết có nên đưa cho con không, nhưng bây giờ ta đã lớn tuổi rồi, có thể ra đi bất kể giờ phút nào, không thể nào giấu diếm con được nữa, ta đành phải cho con biết sự thật!...

Hãy đọc lá thư này, đừng đau khổ vì …. thầy không thể nào làm những gì người phàm có thể làm… suy nghĩ và hiểu cho thầy! con là viên ngọc quý của ta, ta đã không làm được gì cho con từ trước đến giờ, chỉ biết cho con những lời khuyên, con đừng giận và trách thầy…. Thôi thầy vào nghỉ đây.

Tôi cầm phong thư thật ngạc nhiên, không hiểu thầy muốn nói gì cả, từ tốn tôi mở ra đọc, những hàng chữ hiện ra run rẩy nhảy múa trước mắt nhòa lệ:

Con yêu thương,

Cuối cùng mẹ đã can đảm viết lá thư này cho con, được gọi con là con gái của mẹ trước khi giã từ con.

Mẹ đã đến chùa bao nhiêu lần, đều nấp vào một chỗ kín để dõi theo con, mẹ không muốn làm con xúc động khi gặp mẹ. Mẹ là một bà mẹ thật thiếu trách nhiệm.

Con yêu quý của mẹ, không một người mẹ nào muốn bỏ con mình đã mang nặng đẻ đau cả, nhưng mẹ đã hết cách, đành phải bỏ con nơi cửa chùa, nhờ Thầy nuôi dưỡng, vì mẹ đang bị một thứ bệnh hoành hành, một thứ bệnh truyền nhiễm mà người đời phải tránh xa, ai nhìn thấy cũng thật ghê tởm, đó là bệnh phong lở! hay nói cách khác là bệnh cùi!

Con yêu thương! Nhìn thấy mẹ, con sẽ phải hét lên thôi, mẹ không muốn để con nhìn hình hài ghê tởm và đau đớn này nên đành gởi con vào chùa.

Cả đời này của mẹ hình như không có nụ cười trên môi, đi vượt biên thì bị hải tặc giày xéo, và con chính là kết quả của sự tàn nhẫn ấy! Mẹ không thể nào trục thai nhi nên đã sanh con ra…Nhìn con mẹ thật tột cùng đau khổ!

Mẹ nghĩ chắc đó là nghiệp chướng của mình phải trả từ kiếp trước, nên xin tình nguyện đi săn sóc những người trong trại phong cùi; mẹ đã lỡ tay làm đứt tay mình khi tiêm thuốc cho một người đàn ông bị cùi lở rất nặng!!!

Sanh con ra mẹ cũng không thể nào cho con bú sữa mẹ khi còn trong tháng mà phải lấy nước cơm cho con uống tạm, con thật ngoan và lúc nào cũng muốn cười khi nhìn mẹ. Mẹ sợ sẽ lây bệnh cho con, sợ sẽ làm hại đến thân thể mỏng manh của con…Mẹ đã đem chiếc nôi bé xíu ấy vào chùa, mong thầy và các ni cô giúp mẹ nuôi con. Nhưng không ngờ, mỗi người có một định mệnh, con đã được một gia đình yêu thương con như con ruột! Mẹ mừng lắm, mẹ vẫn thỉnh thoảng lên chùa nói chuyện với thầy.

Nhưng độ này, mẹ thấy sức khỏe không còn như những năm trước nữa, mẹ phải viết thư này cho con, để lúc mẹ ra đi, con còn biết nơi mẹ nằm để đến thăm!

Con gái yêu, Lục Bình! Mẹ và con chưa bao giờ gặp mặt, cũng chưa bao giờ nói chuyện, trớ trêu thay, nhờ bức thư này mẹ mới được gọi con là con gái! Hạnh phúc lắm con biết không, mỗi khi mẹ gọi con là con gái yêu!

Con đừng trách thầy tại sao không đưa thư này cho con sớm hơn nhé, mẹ muốn nhờ thầy giữ lá thư này lâu nhất có thể! Mẹ chỉ muốn con biết nơi an nghỉ của mẹ mà thôi, không muốn con phải bị ăn sâu vào trí óc hình hài ghê tởm của mẹ vào cuối đời!....Hãy tha lỗi cho mẹ con nhé!

Mẹ hôn con…

Bức thư rơi khỏi tay tôi, nước mắt không đủ cho tôi khóc mẹ!

Mẹ ơi! Sao giờ này thầy mới đưa lá thư này cho con! Mẹ đã mất cách đây hai năm rồi sao!!! Tôi thật là đứa con bất hiếu! có bao giờ tôi nghĩ mẹ khổ đến như thế này không? Mẹ có một số phận nghiệt ngã mà tôi không thể tưởng tượng ra được! Mẹ ơi!!!

Thầy ơi!! Thầy cũng muốn giấu con! Tội nghiệp cho người mẹ khốn khổ của con!

Tôi vội vã chạy vào chùa để gặp thầy, thầy chỉ cho tôi hình và hũ tro của mẹ trong ngũ giác đài, và nói:

- Ta đã làm theo lời mẹ con dặn dò! Thầy không còn cách nào khác nữa! con đừng than khóc làm gì! Hãy để yên cho hương linh đừng bị xáo trộn!... con biết đó mẹ rất yêu thương con, sẽ phò hộ cho con… Hãy về đi!

Tôi đau khổ bước ra khỏi chùa, mặt nhạt nhòa nước mắt, cơn mưa ập xuống thật to như nỗi mất mẹ trong lòng đang cào cấu rướm máu, tôi leo lên xe chạy về nhà. Đường ngập nước mưa, tôi không thấy rõ chiếc xe van đi ngược chiều.

Khi ánh đèn pha chiếu thẳng vào mắt, thì quá trễ, tôi đã nghe một tiếng rầm thật lớn…

Tỉnh dậy, tôi nằm trong nhà thương, một chân trái bị bó bột, còn đầu thì nhức như búa bổ. Một cô y tá chạy vào khi thấy tôi tỉnh dậy, nói cho tôi biết là bệnh viện gần nhà đã hết chỗ nên họ chở tôi đến phía Nam xa hơn chỗ tôi ở chừng mấy mươi cây số.

Không may cho tôi khi gọi về nhà, chị Thùy Dung bận đi làm xa một tuần nên gởi thằng bé bên nhà bố mẹ, bố đòi vào thăm tôi ngay, nhưng tôi phải trấn an là tôi không sao cả, để bố khỏi phải lo lắng! Khi nào cần tôi sẽ cho bố hay!

Còn anh Tâm Hào, thất vọng vì trái tim tôi không thể gởi nơi anh, anh đã chờ đợi trong bao nhiêu năm nay, cuối cùng tôi lại từ chối; anh chán nản, muốn tránh mặt tôi nên xin việc làm xa nhà, ba tháng mới về một lần.

Nhà thương nhỏ thiếu y tá, tôi đành nằm yên chịu trận, không ai có thể giúp tôi xoay chuyển thế nằm hay đứng lên đi vệ sinh, vì mới bị thương nên vết thương còn mới, rất đau.

May quá, nhà thương nói sẽ nhờ một người làm việc bán thời gian vào với tôi, giúp tôi ăn uống, dậy tôi cách dùng xe lăn, tự làm vệ sinh, người ấy sẽ ở với tôi cho đến khi nào tình trạng khá một chút.

Vì có thuốc an thần nên tôi đã thiếp đi trong lúc chờ đợi, khi tỉnh dậy tôi thấy một người đàn ông ngồi trên ghế ngay dưới chân giường đọc báo chờ tôi tỉnh lại; thấy tôi cựa quậy, anh vội bỏ tờ báo xuống, chạy lại tôi:

- Lục Bình! … em tỉnh dậy rồi, Lục Bình! Anh đây…

Tôi sững sờ nhìn anh, không thể nào tưởng tượng được chính Thịnh ở ngay trước mắt tôi! Anh thật khỏe mặn, rắn chắc đến không sao tin được mắt mình!

Tôi lắp bắp:

- Anh… có phải anh là … Thịnh không?

- Phải! anh Thịnh đây! Em nhận không ra anh sao? Mới đó đã quên rồi?

Nước mắt tôi ràn rụa, xúc động, người mà tôi đã rất mong chờ, ấp ủ sâu trong trái tim như lớn dần lên, niềm hạnh phúc ngập tràn trong lòng, long lanh trong ánh mắt khi nhận đúng là chàng bằng xương bằng thịt!

Anh ấp đầu tôi vào ngực anh như hành động ngày xưa anh đã trốn sau lưng tôi vì sợ châm cứu, tôi thấy thật ấm áp, hạnh phúc; trái tim anh đập thật nhộn nhịp như máu trong cơ thể tôi cũng đang dồn dập chảy!

- Trông anh khác xa với hồi xưa gầy, cao và xanh xao, còn bây giờ anh thật đẹp, em không nằm mơ chứ?

- Anh đã từng cầu nguyện bao nhiêu năm nay để gặp lại em, thế nhưng không bao giờ thành hiện thực! anh cứ tưởng kiếp này mình sẽ mãi mãi chỉ là niềm ao ước trong mộng mị!

- Anh sang đây hồi nào?

- Anh sang mới được một năm nay thôi, anh làm ở đây bán thời gian vì đang đi học lại, anh đang học ngành châm cứu đông y giống bố em đó, từ ngày được chữa khỏi bệnh bằng châm cứu, anh đã tự nguyện với lòng sẽ học ngành này để làm thiện nguyện chữa cho những người bệnh thiếu phương tiện …

- Anh có địa chỉ nhà em mà! Sao không tới? sao không viết thư cho em?

- Anh sẽ tới, nhưng … chậm một chút! Anh không muốn làm em phải bị thất vọng, anh … hãy còn hoài nghi trong lòng! Nếu em có gặp một người nào tốt hơn anh, hãy đi con đường của em để có hạnh phúc, anh không muốn ràng buộc em chờ đợi anh, lỡ anh không khỏi bệnh, hay lỡ anh bị một điều gì thì anh sẽ hối tiếc cho em! Đã bao lần muốn đến thăm hai bác cùng em, anh vẫn có một chút mặc cảm, vẫn thấy có điều gì đó chưa ổn trong anh, với lại anh cũng muốn có nghề nghiệp hẳn hoi…

Bây giờ gặp em ở đây, anh hứa sẽ không để em bị một tai nạn nào và cũng không để em đi đâu một mình nữa!

- Anh…

- Anh đã rất nhớ em, nhờ em đã mang cho anh mạng sống mới, cho anh niềm tin và sự hy vọng vào cuộc sống! anh rất biết ơn …

Tôi ngả đầu vào vai anh:

- Ngay từ lúc đầu gặp anh, em đã thấy mình sinh ra là một định mệnh của nhau!

Hình ảnh mẹ quá cố hiện ngang qua trí, có phải người đã sắp đặt niềm hạnh phúc hiếm hoi này cho chúng con!

 

Sỏi Ngọc

Montreal, Dec’18


Joomla Hosting and Maintenance by Cybersalt

Copyright © 2014-2025. VietVancouver, All rights reserved

  • Số Lượt Truy Cập 1770320
Go To Top
Menu