Chiếc xe đang chạy bon bon trên con đường loáng thoáng bụi tuyết dọc theo công viên, chợt thắng gấp lại làm cho Hải ngồi bên cạnh đang say sưa bàn tán với Tuấn về ca mổ đêm qua, bị chồm về phía trước, ly cà phê trên tay đổ cả ra xấp tài liệu đang cầm. Chàng gắt lên:

- Ðồ khỉ, lái xe kiểu gì vậy?

Tuấn bẻ tay lái cho xe lạng sát vào lề đường, hấp tấp:

- Xuống xe mau, có người bị xỉu trong công viên.

Cả hai phóng vội xuống xe. Hải quăng vội ly cà phê vào thùng rác bên vệ đường, phóng theo Tuấn như mũi tên đang lao vào chiếc ghế đá dưới tàng cây đọng chút bụi tuyết, nơi đó, một người đàn bà đang loạng choạng quơ tay vịn vào thành ghế và ngã gục xuống, bất tỉnh.

Như một phản xạ, hai chàng bác sỹ trẻ dìu người đàn bà lên xe.

Tuấn hấp tấp cho xe chạy trong khi Hải mở hộp đồ nghề, làm công việc cấp cứu.

Tuấn nói:

- Về lại nhà thương, mày gọi gấp cho phòng cấp cứu, bảo chuẩn bị trước.

Hải rút chiếc cell phone, làm theo như máy, rồi thắc mắc:

- Khổ, trời lạnh thế này, bà ta đi đâu ra ngoài cho đến nỗi này?

Tuấn nhìn phía trước, vừa lái xe vừa nhíu mày:

- Dường như là người quen, mà tao không biết đã gặp ở đâu?

Cũng may bệnh viện không xa, chiếc xe dừng lại trước cổng phía vào phòng cấp cứu. Toán trực đã được báo trước, nên xe ngừng lại là mọi người làm việc như máy, đẩy bệnh nhân vào, lẹ làng, nhanh chóng. Tuấn và Hải cũng phóng vào như máy. Cả hai quên cả cơn đói suốt đêm qua đến giờ.

*****

Chồng báo trên tay nặng chĩu, thêm chiếc cặp đeo sau lưng làm cậu bé muốn té quỵ xuống. Cơn đói và khát đến cùng một lượt làm bước chân cậu càng thêm nặng nề trên con đường phủ mong manh lớp tuyết đầu mùa. Cậu chỉ thèm đến giờ về nhà, được uống hụm nước cam, được ăn bữa cơm nóng của mẹ. Nhưng giờ này mẹ chưa về. Cậu cũng còn phải giao cho xong chồng báo hôm nay.

Ráng đi thêm vài nhà nữa, nhưng rồi không thể chịu đựng hơn, cậu bé ngần ngừ trước cửa ngôi nhà lớn, lát gạch màu xám nhạt gần như trắng, rồi mạnh dạn bấm chuông.

Một người đàn bà trẻ ra mở cửa. Cậu trao tờ báo cho bà rồi lễ phép nói bằng ngoại ngữ xin một ly sữa. Bà chủ nhà dịu dàng, cũng trả lời bằng ngoại ngữ:

- Cháu vào nhà đi, trời khá lạnh.

Cậu bé run rẩy bước vào nhà. Vừa lúc đó, tiếng đàn dương cầm trong phòng khách chợt im bặt, có tiếng trong trẻo của một bé gái nói bằng tiếng Việt:

- Mẹ, con đàn xong rồi…

Nói xong, cô bé chạy vụt lên lầu.

Ồ, thì ra đây là một gia đình Việt Nam! Vừa lúc đó, bà chủ nhà từ trong bếp quay ra, đưa cậu bé ly sữa cao thật đầy. Cậu lí nhí trong miệng:

- Cám ơn Bà.

Bà chủ nhà reo lên:

- Cháu cũng người Việt ư? Quý hóa quá! Cháu tên gì?

- Thưa bà, cháu tên Tuấn.

Cậu uống một hơi hết ly sữa rồi trao trả cái ly cho bà chủ. Bà duờng như nhận ra là cậu bé không phải chỉ khát mà còn đói nữa, dắt tay cậu vào phòng ăn:

- Cháu ăn miếng bánh đi đã, rồi hãy đi, tội nghiệp, lạnh thế này, sao ăn mặc phong phanh thế?

Tuấn lúng túng:

- Cháu… cháu chỉ có cái manteau này thôi.

Bà chủ ngắm nghía Tuấn hồi lâu, nói:

- Cháu ngồi đây, tôi chạy lên tìm cái manteau cũ của con trai tôi xem cháu mặc vừa không nhé.

Bà kéo tay Tuấn, bảo ngồi xuống:

- Cháu ăn đi, ăn xong miếng bánh bông lan rồi hãy đi.

Nói xong, bà quay lên lầu. Còn lại một mình trong căn phòng ăn, Tuấn ngắm nghía chung quanh. Ngoài bà chủ nhà và tiếng nói của đứa bé gái ban nãy là có vẻ Việt Nam thôi, tất cả các thứ còn lại trong căn nhà này, Tuấn đều thấy không có vẻ gì là…Việt Nam cả, nghĩa là nó không giống một căn nhà Việt nào mà cậu đã được vào. Nghĩa là, nó thứ tự, ngăn nắp và sạch sẽ một cách… không bình thường! Ðồ đạc, trang trí, nhất nhất đều được chọn lọc một cách khéo léo, mỹ thuật mà vẫn giản dị và trang nhã, cái giản dị mà không tầm thường.

Tuấn còn đang say sưa nhìn ngắm thì bà chủ nhà từ trên lầu đi xuống, tay cầm chiếc áo khoác mùa đông, ướm vào Tuấn, gật gù:

- Vừa y! Cháu giữ mặc đi, cái áo này con trai tôi không mặc được nữa, chật quá rồi.

Tuấn không biết nói sao để từ chối, lại lí nhí:

- Cám ơn bà.

Bà chủ nhà ngồi đối diện Tuấn, chờ cậu bé ăn xong miếng bánh, bà lấy thêm ly sữa nữa cho cậu rồi hỏi han:

- Cháu ở tận đâu, ngày nào cũng phải đi giao báo à?

Rồi nhìn chiếc cặp để dưới chân cậu bé, bà thắc mắc:

- Ði học về sao không về nhà, đã đi giao báo?

Tuấn bẽn lẽn:

- Giờ này mẹ cháu chưa về. Mẹ phải đi lau dọn nhà cửa cho các nhà quanh đây. Cháu giao xong báo thì về nhà là lúc mẹ cháu cũng về.

Bà gật gù:

- Thì ra thế? Cháu học ở đâu, lớp mấy rồi?

- Cháu học năm thứ hai trung học.

Rồi cậu bé lễ phép cáo từ. Bà chủ nhà không giữ lại, đưa cậu ra tận cửa, dặn dò:

- Lần sau, có cần gì cháu cứ tự nhiên gọi cửa nhé.

Tuấn cảm ơn lần nữa rồi khoác cặp và ôm chồng báo bước nhanh, trong đầu không khỏi vấn vương hình ảnh của vị ân nhân, nhất là đôi mắt đã làm cậu bé bâng khuâng mãi. Cùng lúc,Tuấn nghĩ tới mẹ, tới những chiếc áo dầy dặn màu xậm mẹ vẫn mặc để đi làm công việc lau chùi nhà cửa cho những nhà giàu ở khu chung quanh đây. Cậu bé ao ước ngày nào, mẹ cậu cũng được mặc chiếc áo lụa trắng có in những bông hoa nho nhỏ mầu hồng nhạt như bà chủ nhà. Cậu muốn mẹ cũng khoan thai ngồi trên chiếc ghế thật lịch sự như chiếc ghế cậu vừa được ngồi, ngày ngày mẹ được thong dong ra vườn ngắm hoa, tưới cỏ. Nhưng làm sao? Làm sao bây giờ? Ba đã mất trong trại cải tạo, hai mẹ con mới sang Canada được hơn một năm. Mẹ Tuấn không ngại vất vả, làm mấy công việc một lúc, chỉ vì mong cậu học hành đến nơi đến chốn và được nên người. Cậu chỉ còn biết cố gắng học thôi, cậu tin rằng chỉ cần học giỏi, cậu sẽ thực hiện được những gì mẹ chưa bao giờ có trong cuộc đời. Cũng là để thực hiện di nguyện của ba.

Chồng báo trong tay nhẹ dần như bước đi của cậu bé. Càng đến gần nhà, cậu càng trở về thực tại. Ngôi nhà lớn màu trắng kia, căn phòng khách thiết trí đẹp đẽ kia, với hình ảnh bà chủ nhà đẹp và thật trang nhã trong mắt cậu bé, chỉ còn là kỷ niệm thôi.

Những ngày sau đó, khi đi giao báo cho căn nhà màu trắng ấy, thay vì đứng ngoài đường, cuộn tròn tờ báo lại rồi ném mạnh vào thềm nhà như cậu thường ném vào những căn nhà khác, Tuấn không làm thế mà vào hẳn trong sân, cài tờ báo vào cái hộp đựng thư trên thềm trước nhà. Cậu mong sao có hôm sẽ được gặp lại bà chủ nhà đôn hậu. Nhiều hôm, liếc mắt qua cửa kính, cậu nhìn thấy bà chủ ngồi đọc báo trong phòng khách, vẫn cái dáng điệu khoan thai ấy, vẫn mái tóc lưng lửng buông hững hờ trên chiếc áo lụa thường thường là mầu nhạt hoặc trắng, đã trở thành một hình ảnh in đậm nét trong lòng cậu bé.

*****

Bà Hạnh đang mơ mơ, màng màng thì nghe tiếng nói thoang thoảng bên tai:

- Bà có nghe được tôi nói chuyện không? Bà có trả lời được không?

Bà Hạnh mệt mỏi, cố mở mắt ra rồi lại nhắm mắt lại, gật đầu:

- Tôi bị lạnh.

Cô y tá vui mừng, lấy thêm chiếc mền mỏng phủ lên người bà, rồi tất tả quay ra gọi bác sỹ. Tuấn đang ngồi gật gà gật gù nơi phòng trực, chạy vội vào, đến bên giường người bệnh. Bà Hạnh lúc đó đã mở mắt nhìn chung quanh, ngơ ngác, thấy mình nằm trên chiếc giường bệnh có bánh xe đẩy. Ánh mắt ngơ ngác ấy đã khiến Tuấn không còn nghi ngờ gì nữa. Ngay từ lúc gặp người bệnh ngoài công viên, chàng đã ngờ ngợ vì cái dáng dấp và khuôn mặt đã in trong đầu chàng từ khi còn là cậu bé ngày ngày tan học ra đi giao nhật báo qua căn nhà màu trắng.

Chàng đặt ống nghe, gật gù, rồi hỏi bệnh nhân:

- Bà đến từ Canada?

Bà Hạnh gật đầu:

- Tôi sang đây thăm con.

Tuấn hỏi:

- Thưa, trước bà có ở Outremont? Trong một căn nhà lát gạch trắng xám? Có trồng rất nhiều cây hoa hồng màu trắng ở trước nhà?

Bà Hạnh ngạc nhiên:

- Vâng, nhưng tôi đã dọn đi khỏi đó lâu lắm rồi, từ khi hai con tôi học xong và đi làm bên Mỹ, tôi đã bán nhà và dọn đi nơi khác, dọn sang căn nhà khác nhỏ hơn.

Rồi bà thắc mắc:

- Bác sỹ cũng biết Canada?

Tuấn cười:

- Cháu từ Canada sang đây làm việc.

Rồi chàng đứng dậy, nói tiếp:

- Bà cần nghỉ ngơi nhiều. Y tá sẽ thường trực chăm sóc cho bà. Ca mổ van tim suốt 6 tiếng vừa qua thật là hy hữu, may mà hai đứa cháu nhìn thấy bà ngất xỉu trong công viên. À, cháu đã gọi điện thoại cho số điện thoại tìm được trong sắc tay của bà nhưng không có người ở nhà, đã nhắn tin lại trong máy.

Chàng gọi cô y tá, dặn dò, rồi ra khỏi phòng.

*****

Khi Anh Thư và Anh Kiệt cùng hớt hải đến bệnh viện thì trời đã tối. Bà Hạnh cũng đã được ra khỏi phòng mổ và được đưa lên phòng bệnh ở tầng lầu ba. Bà được nằm trong một căn phòng lớn, một mình. Và không biết ai đã cắm ở đó một bình hoa lớn đựng toàn hoa hồng mầu trắng.

Hai cô cậu vào phòng thì bà Hạnh còn thiêm thiếp ngủ vì thuốc mê vẫn chưa tan hẳn. Trên đầu giường là bình nước và dây dợ, máy đo gắn đầy trên tay bà. Anh Thư cầm tay mẹ cho đến lúc bà Hạnh choàng tỉnh, mừng rỡ nhìn thấy hai con, nhưng rồi sự lo lắng suốt buổi chiều lại làm bà băn khoăn:

- Mẹ đi vội để kịp sang ăn Giáng sinh với các con, không nghĩ đến chuyện mua bảo hiểm trước khi đi, ai ngờ lại ra cớ sự này!

Anh Thư liếc nhìn anh. Kiệt như hiểu được sự lo lắng của mẹ, trấn an:

- Mẹ không sao là được rồi. Mẹ biết không, đi làm về nghe bệnh viện nhắn tin trong máy tụi con hết hồn. Cũng may mẹ không sao, còn vấn đề tiền mổ, tiền bệnh viện, tụi con lo được, mẹ đừng lo lắng quá. Hai anh em con đều có việc làm tốt cả mà!

Anh Thư nói thêm:

- Ðã nói mấy lần rồi mà mẹ vẫn không chịu dọn sang ở với chúng con, bây giờ đến nỗi này.

Bà Hạnh lắc đầu:

- Mẹ quen Canada rồi, không muốn thay đổi. Vả lại, còn công việc, còn văn phòng phải điều hành, có phải nói đi là đi được đâu.

Rồi bà lại phân vân:

- Không biết bên Mỹ tiền mổ, tiền bệnh viện có đắt hơn Canada nhiều không các con nhỉ? Mẹ thật ân hận, thật ra mẹ cũng chưa bị như thế này bao giờ nên đâu thấy chuyện lấy bảo hiểm là quan trọng. Bây giờ để các con phải lo lắng cho mẹ.

Anh Thư cầm tay mẹ, siết mạnh:

- Tụi con lo được mà, mẹ nuôi chúng con ăn học tới giờ, mẹ có tính toán không? Bây giờ gặp chút chuyện lại tính toán với tụi con?

Rồi kéo mền lên đắp cho mẹ. Hai anh em chờ đến lúc bà Hạnh ngủ say mới rời phòng.

Bà Hạnh nằm bệnh viện gần mười ngày. Thời gian này, hai chàng bác sỹ trẻ Tuấn và  Hải thay phiên nhau săn sóc tận tình. Nhiều hôm, Tuấn khám bệnh xong, ngồi nán lại chuyện trò, hỏi han chuyện bên Canada. Chàng nói:

- Từ lúc ra trường về chuyên khoa mổ tim, cháu được bệnh viện này nhận nên đã dọn hẳn sang đây và cách đây hai năm đã đón mẹ cháu sang ở cùng.

Chàng nhìn đăm đăm bà Hạnh rồi ngập ngừng:

- Cháu đã mua được một căn nhà lát gạch màu trắng cho mẹ cháu ở, giống như… giống như căn nhà màu trắng ở Outremont mà khi còn nhỏ cháu đã từng mơ ước.

Bà Hạnh không hiểu sao cậu bác sỹ trẻ lại khoe bà chuyện nhà cửa, nhưng thích thú:

- Mẹ cậu thật hạnh phúc có đứa con ngoan như vậy.

Tuấn gật gù:

- Mẹ cháu cũng ngạc nhiên lắm khi cháu nói là cháu thích mẹ mặc những bộ quần áo lụa màu nhạt, có in những cánh hoa nho nhỏ.

- Cậu thích màu nhạt à, tôi cũng thế.

- Vâng, cháu thích, rất thích, vì cách đây nhiều năm, cháu đã nhìn thấy một người đàn bà đẹp lắm, đẹp như… bà vậy, đã mặc những bộ quần áo màu nhạt ấy, lúc ấy cháu còn nhỏ lắm, nhưng đã biết mơ ước ngày nào đó, mẹ cũng được mặc những bộ quần áo thanh nhã và sang như thế.

Bà Hạnh mở to mắt:

- Cậu thật là lãng mạn và mơ mộng.

Tuấn không trả lời, khám xong, chàng bảo bà Hạnh nằm nghiêng người, rồi chăm chú rút từng sợi chỉ nhỏ còn sót lại nơi vết mổ, nói:

- Khá lắm rồi, cháu ký giấy cho bà chiều mai về, còn ăn Giáng sinh với gia đình chứ!

Bà Hạnh vui mừng:

- Cám ơn bác sỹ.

Tuấn lại dặn dò:

- Bà phải uống thuốc đúng như toa cháu ghi, và sau Giáng sinh, trở lại cho cháu tái khám trước khi về Canada. Cháu sẽ gửi hồ sơ sang bệnh viện bên ấy để bác sỹ bên ấy theo dõi bà thường xuyên hơn.

Bà Hạnh lại cám ơn. Tuấn quyến luyến:

- Cháu hy vọng lần tới bà sang đây, được gặp lại bà nữa, nhưng không phải trong… bệnh viện.

Cả hai cùng cười ròn rã.

Chàng lại ngập ngừng:

- Cháu nói chuyện nhiều với mẹ cháu về bà. Mẹ cháu cũng mong được gặp mặt bà.

Giọng bà Hạnh reo vui:

- Thế thì còn gì bằng. Nếu bác sỹ cho phép, xin cho địa chỉ, khi được xuất viện tôi sẽ bảo Anh Thư đưa tôi đến thăm Mẹ cậu.

- Anh Thư?

- Ồ, là con gái tôi. Hai anh em chúng học ra trường, cũng tìm được việc tốt ở bên này nên hàng năm tôi vẫn sang thăm.

Chiều hôm sau, Anh Thư và Anh Kiệt đến bệnh viện đón mẹ. Anh Thư ríu rít như trẻ con:

- Mẹ về nhà sẽ ngạc nhiên lắm, anh Kiệt đã trang trí cây thông này, con đã làm bánh Giáng sinh này, và còn có nhiều quà cho mẹ nữa, để mừng mẹ xuất viện!

Bà Hạnh cảm động:

- Các con đã là món quà quý giá nhất của mẹ rồi còn gì!

Hai giọt nước mắt long lanh rơi xuống đôi má còn xanh xao của bà Hạnh. Anh Thư ôm vai mẹ:

- Mẹ! Mẹ lại khóc rồi…

Vừa lúc ấy, bác sỹ Tuấn vào tới cửa phòng. Chàng khựng lại. Cái giọng nói nũng nịu ấy, cái âm thanh êm êm ấy, dường như chàng đã nghe ở đâu rồi, là cái âm thanh trong tiềm thức mà gần hai chục năm qua, chàng vẫn chưa quên: “Mẹ, con đàn xong rồi…”

Anh Thư chợt ngẩng đầu nhìn lên khi nghe tiếng chân người trước cửa phòng. Tuấn đứng sững lại như người bị thôi miên. Khuôn mặt, dáng dấp của cô gái: là khuôn mặt, là dáng dấp đã in trong lòng chàng từ bao năm qua; là hình ảnh của bà Hạnh của gần hai mươi năm về trước: thanh cao và trang nhã. Tuấn vui mừng trong lòng. Món quà Giáng sinh mà chàng chờ đợi. Có phải Thiên chúa đã an bài?

Bà Hạnh chào Tuấn xong quay sang bảo hai con:

- Các con ra làm thủ tục xuất viện cho mẹ để bác sỹ khám xong là mẹ có thể về nhà được.

Tuấn gạt đi:

- Cháu đã làm xong cả rồi bà ạ.

Bà Hạnh lo lắng:

- Thưa bác sỹ… các cháu còn chưa thanh toán tiền mổ và tiền bệnh viện.

Tuấn cầm phong thư trao cho bà Hạnh:

- Thưa bà, cái “bill” nằm trong này cả rồi. Chúc bà mau bình phục và hưởng một Giáng sinh vui vẻ, hạnh phúc.

Chàng quay sang chào và bắt tay Anh Kiệt. Kiệt lịch sự:

- Cám ơn bác sỹ bấy lâu chăm sóc cho mẹ tôi. Hân hạnh được quen biết ông.

Tuấn siết tay chàng:

- Xin anh đừng khách sáo, thật ra, chúng ta đã từng “share” nhau một chiếc áo mùa đông!

Rồi ngừng lại thật lâu trên khuôn mặt ngỡ ngàng của Anh Thư, đang ngơ ngác không hiểu chuyện gì, chàng sẽ gật đầu chào rồi ra khỏi phòng.

Chờ Tuấn đi khỏi rồi, bà Hạnh lo lắng bảo Anh Kiệt mở phong bì ra coi cái “bill”. Chàng ngoan ngoãn tuân lời mẹ: cái giấy tính tiền ghi dài dằng dặc nào tiền mổ, tiền bác sỹ chính, mấy ông bác sỹ phụ tá, tiền y tá, tiền gây mê, tiền dịch vụ, tiền phòng, tiền thuốc, ôi thôi làm bà Hạnh hoa cả mắt, chóng cả mặt. Ở trang thứ ba, dòng cuối cùng, nơi ghi giá tiền tổng cộng, là dòng chữ:

Giá tổng cộng:

-         Hai ly sữa.

-         Một cái bánh kem.

-         And… an old coat.

Bên cạnh là con dấu đóng mầu mực đỏ chót: “PAID”.

 

Hải Phong


Joomla Hosting and Maintenance by Cybersalt

Copyright © 2014-2024. VietVancouver, All rights reserved