Mưa
Mấy hôm nay San Jose mưa dai dẳng cứ kéo dài liên tục không ngừng.
Ngoài trời mưa vẫn đổ, mây xám đen nặng trĩu vẫn đang vần vũ bay. Tôi ngồi một mình, bâng khuâng nhìn qua cửa sổ. Hoa trắng trên cây mận sau vườn rung rinh trong gió và run rẩy dưới cơn mưa đang trút xuống. Những cánh hoa mận mỏng manh không níu được cành, buông mình rơi xuống đất, trôi lẫn vào trong đám lá khô.
Không hiểu tại sao, những cơn mưa làm lòng người chùng xuống đến như thế, chùng xuống hơn cả những ngày âm u của mùa thu khi ngồi nhìn lá vàng rơi.
Bướm ơi bướm hãy vào đây,
Cho ta hỏi nhỏ câu này chút thôi.
...
Tầm tầm trời đổ cơn mưa,
Hết hôm nay nữa là vừa bốn hôm.
...
Cô đơn buồn lại thêm buồn,
Tạnh mưa bươm bướm biết còn sang chơi ...
(Cô Hàng Xóm-Nguyễn Bính)
Các anh có kỷ niệm nào về mưa không? Hồi còn ở Việt Nam, các anh có bao giờ ngồi trong lớp học, qua cửa sổ kính, mơ màng ngắm nhìn những làn mưa rào nặng hạt đùa chạy trong sân trường theo từng cơn gió mạnh; hay ngắm bóng cây si trước cổng phủ mờ trong nước và nghĩ đến người con gái học lớp dưới xinh xinh mà mình đơn phương ấp ủ yêu thương ... Các anh có thường thả hồn tĩnh lặng ngồi nghe những hạt mưa thảnh thơi rơi lõm bõm đều đặn từ mái hiên nhà, hay tiếng "loong boong" trong chiếc chậu thau hứng nước, hay tiếng mưa rào trên mái tôn trong đêm khuya. Mưa không chỉ gợi cho ta những kỷ niệm qua hình ảnh mà còn qua cả âm thanh của nó nữa.
Với tôi ư? Tôi hẳn phải có nhiều kỷ niệm với mưa. Thường là kỷ niệm của tuổi học trò, cái tuổi còn hay mơ mộng với nhớ nhớ thương thương.
Tôi còn nhớ, nhớ rõ lắm, lần đầu tiên tôi đến thăm "cô hàng xóm" vào một buổi chiều mưa. Thời gian đó chúng tôi vừa mới quen nhau. Một sự tình cờ thú vị làm chúng tôi nhớ mãi, đó là khi tôi vừa bước chân vào nhà nàng thì trên đài phát thanh cho phát đi bài nhạc Em đến thăm anh một chiều mưa của Tô Vũ. Tôi chỉ cần đổi một tý, từ "Em đến thăm anh" thành "Anh đến thăm em" là hợp cảnh rồi. Và cũng từ hôm đó, những ngày kế tiếp anh đến thăm em để:
Quên niềm cay đắng và quên đường về. (Tô Vũ)
Hay có những hôm, tôi phải đứng trú mưa đợi người yêu. Khi tới, nàng run rẩy, đôi bàn tay giá lạnh đan quấn vào nhau. Lúc đó tôi nắm chặt lấy hai bàn tay ấy để truyền sang một chút ấm áp và muốn gửi đến nàng tất cả tình yêu nồng ấm của mình. Cái nắm tay, dù thật đơn giản, nhưng sao nó cho ta sự cảm nhận vừa thanh cao, vừa quyến luyến đến thế. Có tiếng YÊU nào có thể nói cho nhau nghe lại đằm thắm bằng một cái nắm tay siết nhẹ? Trong tình yêu, tiếng nói “yêu” đôi khi thật dư thừa.
Trong miền Nam có những cơn mưa đầu mùa rất lớn. Cũng ở cái thuở học trò ấy, tôi thích đạp xe dưới những cơn mưa như thế. Tôi ngửa mặt lên trời để đón lấy những hạt mưa nặng đến rát mặt. Nước mưa chảy thành dòng, tan trong thân thể tôi. Cái mát ban đầu dần dần biến thành lành lạnh, rồi cái lành lạnh ấy cứ thấm dần thấm dần vào da thịt cho đến khi bị rùng mình, tôi mới biết là đã lạnh lắm rồi.
Có hôm tôi đứng trú mưa, không phải vì sợ mưa, mà chỉ vì trong hàng hiên ấy có bóng dáng cô học trò cùng lứa tuổi. Đứng dưới hàng hiên cùng người "đẹp" thật là một niềm vui, dù chỉ là đứng chung trong một khoảng không gian nhỏ bé để cùng nhìn mưa rơi và nhìn “bong bóng” chạy. Tôi chẳng bao giờ dám làm quen dù rằng rất muốn. Đến lúc người con gái bỏ đi khi cơn mưa vừa tạnh, bấy giờ tôi mới thấy như có cái gì bâng khuâng, mất mát và nuối tiếc. Nuối tiếc vì mỗi khi cô thoáng ngoảnh mặt nhìn tôi, tôi vội quay mặt đi nhìn chỗ khác hay làm ngơ vì tôi sợ cô ta biết rằng trước đó, tôi đã liếc trộm nhiều lần. Tôi cứ thường tự hỏi sao trong trường hợp đó tôi lại ngoảnh đi, thay vì lên tiếng làm quen. Cái tuổi học trò sao nó dễ thương và khờ khạo đến thế. Biết đâu cô ấy lại chẳng muốn mình làm quen trước nhỉ?
Nếu các anh lớn lên ở miền Bắc, chắc chắn các anh sẽ yêu thích những bến đò. Bến đò đã từng là hình ảnh gợi cảm xúc của biết bao nhiêu thi nhân. Mưa vốn đã buồn, nhưng cảnh mưa tại bến đò thì cái buồn đó sẽ được tăng lên gấp nhiều lần.
Tre rũ rợi ven bờ chen ướt át,
Chuối bơ phờ đầu bến đứng dầm mưa.
Và dầm mưa dòng sông trôi rào rạt
Mặc con thuyền cắm lái đậu trơ vơ.
Trên bến vắng, đắm chìm trong lạnh lẽo,
Vài quán hàng không khách đứng xo ro.
Vài bác lái ghé buồm vào hút điếu
Mặc bà hàng sù sụ sặc hơi, ho.
Ngoài đường lội họa hoằn người đến chợ
Thúng đội đầu như đội cả trời mưa.
Và họa hoằn một con thuyền ghé chở
Rồi âm thầm, bến lại lặng trong mưa.
(Bến Đò Ngày Mưa - Anh Thơ)
Tôi thấy thi sĩ Anh Thơ đã nhân cách hóa cảnh vật để cùng "người" chia sẻ tâm sự u buồn của một ngày mưa: tre thì rũ rượi, chuối cũng bơ phờ, quán hàng đứng co ro. Những hình ảnh bến đò dưới cơn mưa của nhà thơ Anh Thơ sao nó âm u quá, gần như đến thê lương. Thê lương nhưng vẫn có cái “thấm” nhẹ nhàng riêng cuả nó trong lòng chúng ta.
Thôi, các anh hãy cùng tôi đi vào cơn mưa nhẹ nhàng hơn và thanh thoát hơn. Chúng ta hãy đón nhận những hạt mưa của nhà thơ Huy Cận nhé:
Đêm mưa làm nhớ không gian,
Lòng run thêm lạnh nỗi hàn bao la ...
Tai nương nước giọt mái nhà
Nghe trời nằng nặng, nghe ta buồn buồn.
Nghe đi rời rạc trong hồn
Những chân xa vắng dặm mòn lẻ loi ...
Rơi rơi ... dìu dịu rơi rơi ...
Trăm muôn giọt nhẹ nối lời vu vơ ...
Tương tư hướng lạc, phương mờ ...
Trở nghiêng gối mộng, hững hờ nằm nghe.
Gió về, lòng rộng không che,
Hơi may hiu hắt bốn bề tâm tư ...
(Buồn Đêm Mưa – Huy Cận)
Những câu thơ của Huy Cận có vẻ nhẹ nhàng hơn, chải chuốt hơn phải không? Khi đọc nó, ta không bị lún quá sâu xuống trong nỗi buồn như bài thơ của nữ sĩ Anh Thơ. Mưa của Huy Cận chỉ là cơn mưa nhỏ với tiếng mưa nhè nhẹ trong đêm.
Rơi rơi ... dìu dịu rơi rơi ...
Trăm muôn giọt nhẹ nối lời vu vơ ...
Chính vì mưa nhẹ như thế nên nhà thơ Huy Cận mới:
Trở nghiêng gối mộng, hững hờ nằm nghe.
Và để rồi:
Gió về, lòng rộng không che,
Hơi may hiu hắt bốn bề tâm tư ...
Khung cảnh thanh thoát ấy sao không làm lòng người mở rộng ra và “không che” cho được. Cái âm hưởng nhẹ nhàng trong sáng trong bài thơ của Huy Cận âu cũng có lý do của nó vì nó bắt nguồn từ cái gì êm đềm của những "giọt nhẹ" êm êm. Dù rằng cũng có lúc ta cảm thấy buồn rất nhẹ:
Nghe trời nằng nặng, nghe ta buồn buồn.
Tôi xin mở dấu ngoặc ở đây. Chúng ta không bình thơ mà chúng ta chỉ đi tìm những rung cảm với thơ và trải rộng lòng ra để thưởng thức cái hay cái đẹp của thơ giống như khi ta nghe và thưởng thức một bản nhạc hay vậy. Tôi còn nhớ có một lần tôi đi dự buổi ra mắt mấy tập thơ của thi sĩ Cung Trầm Tưởng tại San Jose. Ông Cung Trầm Tưởng đã tuyên bố rằng ông không làm thơ cho ai và cũng không yêu hộ ai. Ông có thể đúng, nhưng với riêng tôi, tôi đã rung cảm với thơ của ông, nên ông đã làm thơ hộ tôi và ông đã yêu giùm tôi rồi đấy chứ. Khi ta rung cảm với dòng thơ nào thì dòng thơ ấy cùng thuộc về mình. Thi sĩ Cung Trầm Tưởng có lầm tưởng không nhỉ? (Cười)
Ngoài trời mưa vẫn bay và gió vẫn thổi. Cây thông cao khẳng khiu đứng im lìm sau vườn làm tôi chợt thấy như sao nó cô đơn và lẻ loi quá. Tôi liên tưởng đến một chàng trai đang đi dưới mưa, nhớ đến người trinh nữ vừa nằm xuống đêm qua trong thơ Nguyễn Bính:
Nàng đã qua đời để tối nay,
Có chàng đi hứng gió heo may,
Bên hồ để mặc mưa rơi ướt,
Đếm mãi bâng quơ những dấu giày.
(Trích bài Viếng hồn Trinh Nữ-Nguyễn Bính)
Thôi, tôi không muốn đem cái buồn của mưa đến cho các anh nữa dù là rất nhẹ, mà trái lại chúng ta hãy tận hưởng nó như khi ta thưởng thức vị đắng của một cốc cà phê. Nhìn từng giọt cà phê nhỏ đều đặn xuống, đen đậm và quánh đặc như những "giọt buồn" mang đầy quyến rũ đam mê.
Tôi muốn gửi đến các anh một chút gì thanh bình, lắng đọng với từng giọt nước mưa đang rơi nhẹ từ chiếc lá cây trà hoa nữ trước cửa sổ phòng tôi; hay với cùng những hạt mưa lóng lánh như kim cương đậu dọc dài theo cành cây mận sau vườn, lung linh huyền ảo biết là bao
Rơi rơi ... dìu dịu rơi rơi ...
Trăm muôn giọt nhẹ nối lời vu vơ ...
Tôi cũng xin gửi đến các anh bản nhạc "Mưa" với âm điệu vui tươi của nhạc sĩ Văn Phụng như đang vang lên:
Mưa không muốn ai buồn
Mưa yêu nước non này
Mưa yêu mến dân cầy
Mưa cho lúa ngô hơn gạo đầy.
hòa cùng với cái tha thiết của điệp khúc trong bản nhạc “Phố buồn” của nhạc sĩ Phạm Duy:
Hạt mưa, mưa yêu áo rách
Yêu đôi sát nách
Mưa ngưng không đành
Hạt mưa, mưa gieo tí tách
Mưa lên tiếng hát
Ru cơn mộng lành.
Xin mượn lời và âm thanh của hai bản nhạc nói trên để tạm khép lại bức thư này.
Nguyễn Giụ Hùng