NĂM THÌN BÀN VỀ DRAGON

Gió ViVu

 

Gió xuân phơi phới, nắng xuân hồng,… Tết đến, xuân về, lòng tôi lại bâng khuâng nhớ cố hương xa vời. Vì xa nên mới nhớ, nhớ “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ /Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh.” Năm Thìn, ngày xuân, ngồi nhớ quê nhấp chén rượu nồng, bàn về chữ “Rồng” mà tiếng Anh gọi là “Dragon”.

Chữ “Dragon” trong từ điển tiếng Anh, được diễn tả là một sinh vật tưởng tượng chứ không có thật, nó có cánh, đuôi dài, mình có vảy và phun ra lửa; tiếng Việt gọi là “con Rồng”. Hình tượng của rồng rất đẹp đẽ, oai phong, được nhiều người, nhất là giới quyền lực, giàu có trọng vọng và tôn vinh như một linh vật quý hiếm.

“Dragon” còn có một nghĩa bóng, ám chỉ người đàn bà hung dữ, luôn giận dữ không mấy vui vẻ, thân thiện. Nếu gọi một người là “Old dragon” thì thầm hiểu người ấy dữ như “Sư tử Hà Đông” hay ác như “quỷ Sa Tăng”.

Có thành ngữ  “Chase the dragon”, nếu nhờ Google dịch từng chữ ra tiếng việt thì có nghĩa là “Đuổi theo con rồng”.

Nhưng, vào thập niên 1950 ở HongKong, “Chasing the dragon” là tiếng lóng ám chỉ việc “hút thuốc phiện hay bạch phiến”; tiếng Việt nôm na gọi là “Đi mây, về gió”. Vào thập niên 1960 và 1970, làn sóng nghiện ngập ma túy này đã lây lan đến vùng Đông Nam Á. Vào cuối thập niên 1970, đầu thập niên 1980 đã lan nhanh đến vài nước ở châu Âu… Vì thế “rồng” này mang một biểu tưởng của một loài “quỷ ám”, có ma lực huyền diệu cám dỗ, gây ảo giác, làm con người điên đảo, mất nhân tính mà người ta không nên theo đuổi hay đuổi theo!

“Black Dragon” (còn gọi là Black Tar), không có nghĩa là con rồng màu đen mà là “Hắc Long”- một loại thuốc phiện được trồng nhiều nhất ở Durango, Sinaloa, và Sonora thuộc xứ Mễ Tây Cơ. Đây là một thứ ma túy rất độc, được sơ chế, nó gây ghiền, giết hại bao người và tàn hại cuộc đời của những người sử dụng nó. Hiện nay xài ma túy quá liều thường gây tử vong cao ở Bắc Mỹ cũng như nhiều nước trên thế giới như Anh, Úc, Thái Lan, Việt Nam,... Những dược liệu chế biến vừa phê, vừa rẻ, thường mua từ những nguyên liệu do Trung Quốc sản xuất, được rao bán tự do. Người Trung Quốc khôn ngoan chỉ sản xuất, chế biến nguyên liệu để xuất cảng làm giàu, nhưng nghiêm cấm sử dụng ma túy trong nước.

Cuộc chiến tranh ma túy nổ ra với Hoa Kỳ và các nước phương Tây, có lẽ Trung Quốc muốn trả mối thù năm xưa bị bại hoại vì cuộc chiến tranh nha phiến vào giữa thế kỷ 19. Cuộc xung đột kéo dài giữa Trung Quốc dưới triều đại Mãn Thanh và Anh Quốc. Và trong cuộc chiến lần thứ hai, liên minh các nước Tây phương và Nhật Bản tấn công, khiến nhà Mãn Thanh suy tàn. Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến chế độ phong kiến không còn tồn tại ở Trung Quốc. Sau những năm tháng thăng trầm, khốn khó, đảng Cộng sản Trung Quốc lên ngôi và hứa hẹn khi phục hồi thì “Ngộ sẽ báo chù!”. Cuộc chiến tranh ma túy với các nước phương Tây đã diễn ra cả trăm năm mà chưa có hồi kết. Mong người người, nhất là giới trẻ hãy thức tỉnh, đừng đi vào nơi chết dở, sống dở, người không ra người, xấu xí hơn đười ươi,… khi lỡ bước sa chân vào con đường nghiện ngập đầy tăm tối.

“ White Dragon” (Bạch Long) được FDA (Food and Drug Administration / Bộ Thực Phẩm và Dược Phẩm của Hoa Kỳ)) cho phép bán trên Amazon. Đó là “Sidenafil và Tadalafil “  hai hợp chất có chứa trong dược phẩm chế biến thuốc Viagra và Cialis, trợ lực cho những người bị yếu sinh lý hay bất lực. Tuy nhiên, loại thuốc này gây những phản ứng phụ như: mặt bị nóng bừng, nhức đầu, đau nhức bắp thịt, đau bao tử, dị ứng và thị lực yếu kém. “White Dragon“ là một con dao hai lưỡi, chữa hết bịnh này nhưng lại sinh ra bịnh khác.

“Dragon” còn được ghép với vài danh từ để làm phụ nghĩa, chẳng hạn như:

  • Dragon Boat: Thuyền Rồng
  • Dragon Dance: Múa Rồng (người Việt thường gọi là Lion Dance: Múa Lân)
  • Dragon Fruit: Trái Thanh Long
  • Dragonfly: -

Khi đọc chữ “Dragonfly”, tôi háo hức cứ cho đó là con rồng bay, hay còn có thể dịch là “Phi Long” và muốn biết thêm nhiều điều thú vị về linh vật huyền bí này.  Nhưng, ô kìa, lạ chưa! nó không phải là “Rồng” mà là một loại côn trùng có màu sắc thật đẹp với đôi mắt kép và đôi cánh mỏng trong suốt như cánh của tiên nữ hay thiên thần. Thân hình dài mảnh dẻ càng làm tăng thêm vẻ đài các, đầy quyến rũ với đôi mắt to tròn, óng ánh kèm với đôi cánh lung linh, huyền ảo bay lượn trong vườn xuân thơm ngát hương hoa. Người Việt âu yếm gọi là “con Chuồn chuồn”.

Nếu bạn có nhờ cô nàng Google thì “Dragonfly” được dịch chính xác là “con Chuồn chuồn” chứ không phải là “con Rồng bay” đâu nhé!

Con Chuồn chuồn rất gần gũi và được ưa thích vì là một thú vui của tuổi thơ ở vùng nông thôn Việt Nam. Con côn trùng có đôi cánh mỏng và đôi mắt to tròn này thường được ví von ca hát trong những bài đồng dao:

  • Chuồn chuồn có cánh thì bay, có thằng cu Tí thò tay bắt chuồn.

Chuồn chuồn không phải là loài côn trùng phá hoại mùa màng hay cắn phá ruộng nương, mà nó rất hữu ích khi ăn bớt ruồi, muỗi, sâu bọ và tô thêm màu sắc lẫn thi vị cho khu vườn vào xuân, vào mùa động tình. Nó hay giỏi thế mà có người lại hát:

  • Chuồn chuồn có cánh mà bay, có thằng kẻ trộm bắt mày đi tu…

Nếu bắt Chuồn chuồn đi tu thì tội nghiệp quá, làm sao chúng sinh con đẻ cái?

Có người bắt Chuồn chuồn cho cắn rún thì như là một phép tiên, tự nhiên biết bơi không cần học.

  • Chuồn chuồn cắn rún, bốn ngày biết bơi.

Hay hơn nữa, có những nhà “dự báo thời tiết” nhìn thấy những cánh Chuồn mà đoán:

  • Tháng Bảy heo may, Chuồn chuồn bay thì bão.

Trong văn học dân gian vẫn truyền miệng nhau và tin như một lời sấm:

  • Chuồn chuồn bay thấp thì mưa, bay cao thì bão, bay vừa thì râm.

Không phải chỉ có người Việt yêu mến con Chuồn chuồn đâu, mà nhiều người trên thế giới cũng yêu quý con côn trùng xinh đẹp này vì hy vọng nó sẽ mang đi những gì cũ kĩ, xù xì, xấu xí; chỉ đem lại những cái mới lạ, tốt lành, tươi vui hơn trong đời sống.

Đối với thổ dân da đỏ ở Bắc Mỹ, Chuồn chuồn là hình ảnh của nhịp sống vui tươi trong sáng và hạnh phúc.

Người Trung Quốc tin rằng: Chuồn chuồn là biểu tượng đem đến cho gia đình sự yên ấm hòa hợp, thịnh vượng và may mắn. Trong phong thủy, họ cũng tin nó mang đến nhiều may mắn, dồi dào tài lộc và trí tuệ.

Người võ sĩ Nhật Samurai coi Chuồn chuồn là biểu tượng của sự nhanh nhẹn, mạnh mẽ và vinh quang trong chiến thắng.

Người dân ở châu Phi vui mừng khi thấy Chuồn chuồn xuất hiện, mang đến may mắn vì sẽ có những cơn mưa cho đất đá khỏi khô cằn.

Ở Nam Mỹ, người dân Brazil thường làm những hình ảnh nghệ thuật hay nữ trang hình con Chuồn chuồn vì mong nó sẽ mang đến may mắn, nhiều của cải và trở nên giàu có. Người dân Peru và Columbian tin và yêu quý Chuồn chuồn vì nó đã giúp họ diệt trừ sâu bọ ở vùng nông thôn và dự báo thời tiết rất tốt.

Chuồn chuồn khi “làm tình”, cặp đôi tạo dáng hình trái tim yêu thương giống như “Rồng bay, Phượng múa lúc giao hoan”. Nếu bạn được nhìn thấy cảnh đáng yêu này thì bạn có một ngày thật vui vẻ và gặp nhiều may mắn.

 

Nếu bạn thấy con Chuồn chuồn bay quanh hay đậu trên người, hãy mau mau “xin một điều ước”, vì ước mơ ấy sẽ trở thành sự thật đấy!

Chúc bạn một năm mới vui khỏe, dồi dào tài lộc và gặp nhiều may mắn.

 

Gió ViVu

Tác giả Gió Vi Vu tên thật là Loan Nguyễn, hiện cư ngụ tại thành phố Port Coquitlam, BC, Canada.


Joomla Hosting and Maintenance by Cybersalt

Copyright © 2014-2025. VietVancouver, All rights reserved

  • Số Lượt Truy Cập 1779583