Ở bãi đậu xe của trạm xăng Irving, làng Aulac, tỉnh bang New Brunswick, không xa biên giới với tỉnh bang Nova Scotia, Curtis Kiley mở cốp xe Toyota Corolla.

Bên trong là cái sô trắng chứa một cái gì giống như một đám tóc khổng lồ, thường thấy khi ta thông ống thoát nước bồn tắm. Nhưng đám bùi nhùi tóc khổng lồ này không bất động mà lại ngo ngoe lúc nhúc.

Đây là mẫu hàng Kiley mang tới cho một người mua, mà anh ta chỉ biết tên là “Danielle” qua tin nhắn. Anh hy vọng sẽ bán được 300 kí lô những sinh vật bé tí này, trị giá tới 1.3 triệu đô trên thị trường chính thức, nhưng anh sẽ bán rẻ hơn nhiều.

Nhưng chỉ vài phút sau thì tiền đâu không thấy, Kiley chỉ thấy mình bị cảnh sát còng tay. Anh ta bị tóm trong bẫy gài của Bộ Ngư Nghiệp Canada trong chiến dịch bài trừ kỹ nghệ buôn lậu ít người biết nhưng có lợi nhuận khổng lồ, diễn ra mỗi mùa xuân ở những sông suối tỉnh bang Nova Scotia.

Món hàng chính mà chiến dịch chìm của Bộ Ngư Nghiệp Canada nhắm tới tháng 5/2019 là một sinh vật ít ai ngờ: lươn con.

Chris Sperry, quyền Trưởng ban Bảo tồn Hải sản vùng Tây Nam Nova Scotia, nói :”Đây là một mẻ lớn trong lịch sử nghề nghiệp của tôi”.

Đây là một vấn đề nhức nhối cho công cuộc bảo tồn sinh vật toàn cầu, bởi vì giá của lươn con – còn gọi là lươn Thủy Tinh (vì thân trong suốt) hay lươn Mỹ- đã tăng vọt kinh khủng vì những trại nuôi hải sản ở Á châu tranh nhau mua. Ở những nơi đây lươn con được nuôi thành lươn lớn, là món ăn được ưa thích rất nhiều ở những nước như Nhật Bản.

Câu chuyện kỹ nghệ buôn lậu lươn này cũng ly kỳ như vòng đời của con lươn Mỹ.

Hàng năm, nhiều tỷ trứng lươn được nở ra ở biển Sargasso, vùng nước biển đầy rong biển ở Bắc Đại Tây Dương, cận kề Bermuda. Một năm sau, ấu trùng lươn nhìn như những chiếc lá liễu bé tí trôi dạt theo dòng nước biển Gulf Stream để đến nhiều nơi suốt từ biển Caribbean đến tận đảo quốc Greenland.

 

 

Đến mùa xuân thì chúng đã thành những con lươn con bé tí, hàng triệu con, bơi từ biển vào cửa sông nước lợ rồi vào những con sông của tỉnh bang Nova Scotia. Chúng lớn lên trong những con sông này, sống cuộc đời từ 4 đến 40 năm, cuối cùng là bơi trở lại biển Sargasso để đẻ trứng (Chú thích của người dịch: đời lươn Mỹ ngược với đời cá Hồi: cá Hồi sinh đẻ trong sông, ra biển sinh sống rồi quay về sông để giao phối, đẻ và chết còn lươn Mỹ sinh đẻ ở biển, đi vào sông để sinh sống rồi quay trở về biển để sinh đẻ và chết). “Thật là một câu chuyện kỳ thú”, Rob Bradford, một nhà sinh vật hải dương học của Bộ Ngư Nghiệp Canada chuyên về lươn Mỹ, nói.

Lươn rất khó đẻ trứng trong trại nuôi, do đó những trại nuôi lươn ở Á châu phải tùy thuộc vào lươn con giống. Lươn con bắt được ở vùng biển đông Bắc Mỹ được giữ trong nước, làm lạnh nước bằng đá rồi chở tới Trung Quốc bằng phi cơ.

Khi lươn đã đạt kích cỡ thương phẩm, chúng bị xẻ lưng lấy ruột và làm thành lươn nướng hoặc lươn chiên. Dân Nhật rất thích ăn lươn, họ tiêu thụ 70% lươn trên toàn thế giới.

Từ đầu thập niên 1980, khi lươn con khởi sự được cấp phép đánh bắt, kỹ nghệ đánh lươn con chỉ có tính cách tiểu ngạch với giá 25 đô la một ký. Nhưng đến năm 2006, giá đã tăng vọt lên 110 đô la.

Nhưng đến năm 2010 thì Âu châu cấm xuất cảng lươn con, lý do vì số lượng lươn con giảm sụt nghiêm trọng. Khi nguồn cung giảm sụt, giá tăng vọt. Năm 2015 lên 4,685 đô và năm ngoái là 4,500 đô.

Jennifer Ford, Giám đốc Vùng Đặc trách Quản lý Tài nguyên, nói rằng những sự kiện đó có hệ quả quan trọng. Đã có đề nghị coi lươn Mỹ là động vật bị đe dọa tuyệt chủng ở Canada, sau khi  số lượng lươn con sút giảm trong vùng Ngũ Đại Hồ và sông St. Lawrence. Một quyết định chưa thực hiện dù đã mấy năm trôi qua.

Là thành viên của Hiệp Ước về Thương mại quốc tế Các Động Vật có nguy cơ Tuyệt chủng (CITES), Canada cần chứng tỏ mình có kiểm soát việc đánh bắt lươn con, nếu không thì sẽ phải bị giới hạn xuất cảng, dẫn đến đóng cửa ngành đánh bắt lươn con. Bà nói: “Đến thời điểm này thì giống lươn con vẫn dồi dào, việc đánh bắt được quản lý tốt. Nhưng nếu chúng ta không chứng tỏ chúng ta quản lý chặt chẽ thì sẽ có nguy cơ đánh bắt bừa bãi”.

Ở tiểu bang Maine, năm ngoái, nạn đánh bắt trộm lươn con đã thành trầm trọng đến mức tiểu bang phải ra lệnh ngưng đánh bắt trước thời hạn. Mấy chục người đã bị Cơ quan Quản lý Cá và Động vật Hoang dã (USFWS) truy tố và một số vào tù.

Năm ngoái, cảnh sát Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha phá vỡ đường dây buôn lậu lươn con sắp sửa gởi 5 tấn lươn con sang Trung Quốc trong 364 va li du lịch. Cảnh sát Âu châu tin rằng có đến 100 tấn lươn con bị xuất cảng trái luật trong năm 2018. Nhóm Bảo Tồn Lươn (SEG) gọi đây là một trong những tội ác động vật hoang dã lớn nhất thế giới.

Genna Carey, ngư dân và cũng là Chủ tịch Ủy ban Canada Đánh bắt Lươn giống theo Kế hoạch (CCSEF) nói: “Chúng ta không muốn lâm vào tình cảnh đó”. Kỹ nghệ đánh bắt lươn con ở tỉnh bang Nova Scotia duy trì cảnh giác cao. Carey không muốn tiết lộ kỹ thuật đánh bắt lươn con vì sợ kẻ gian lợi dụng.

Đúng vậy. Ngành đánh bắt lươn con tương đối nhỏ, người mới lạ dễ bị phát hiện. Lươn con được đánh bắt vào ban đêm, ở những nơi hẻo lánh, cho nên cũng có mối lo là dễ đụng độ dân đánh bắt lậu ở nơi tối tăm.

Cảnh sát Liên bang Canada và nhân viên Ngư Nghiệp Canada khám xét một cơ sở ở Shelburne năm 2017, truy tố hai anh em đánh bắt lậu và thu hồi 17 kí lô lươn con. Brian Decker nói: “Ngành này rất béo bở cho một số ít người. Đó là nguồn gốc của vấn đề. Béo bở, nhưng lại chỉ cho một số ít. Lợi nhuận cao khiến người khác muốn nhẩy vào, nhưng không thể nhẩy vào hợp pháp, vì Bộ Ngư Nghiệp giới hạn số giấy phép hành nghề.”

Khi bị bắt, Kiley chỉ có 300 gram lươn con. Bộ Ngư Nghiệp và Hải Dương không nói gì về 300 kí lô lươn mà Kiley hứa giao, vì sự việc sắp ra tòa. Anh ta bị phạt 17,500 đô Canada, thử thách 2 năm và tù ở 5 tháng vì tội đột nhập nhà và ăn cắp xe.

Tuần rồi, ở một con sông gần Chester, Nova Scotia, chuyên viên ngư nghiệp thuộc tổ chức phi lợi nhuận Coastal Action mở một số hộp dưới chân cầu, múc ra một số lươn con, cân và đếm rồi đổ chúng lại xuống sông. Họ làm việc này đã hơn 20 năm nay và là một trong những cuộc nghiên cứu dài hạn nhất về lươn con ở Bắc Mỹ. Những cuộc nghiên cứu này đặt ra định mức đánh bắt hàng năm cũng như quyết định những con sông nào được phép đánh bắt.

Trong những năm gần đây, mỗi mùa xuân, từ 2 triệu đến 4 triệu lươn con bơi từ cửa biển ngược dòng sông lên thượng nguồn. Đây là tin tốt cho Nova Scotia. Bradford nói: “Số liệu này có nghĩa là lươn con vẫn còn nhiều trong vùng này.”

 

Richard Cuthbertson (CBC)

"Inside the secret, million-dollar world of baby eel trafficking"

© Bản Việt ngữ của vietvancouver.ca


Joomla Hosting and Maintenance by Cybersalt

Copyright © 2014-2024. VietVancouver, All rights reserved