Sáng nay, choàng tỉnh giấc trong tiếng đàn dương cầm của hai đứa trẻ, trong bài nhạc Mùa Thu Không Trở Lại của Phạm Trọng, mới hay là nàng Thu đang nhón gót trở về.Trên đường lái xe đi làm, tôi chợt thèm nghe lại Nana Mouskouri hát những dòng nhạc mùa thu:

Par terre, quelques feuilles tourbillonnent

Et moi, je relève mon col

Les Champs-Élysées frissonnent

Il faut que je m’habitue

À marcher seule dans les rues,

Tu n’es plus là cet automne...

mà đã một lần tôi tẩn mẩn tự đặt lời Việt cho bài hát ấy:

Nhẹ nhàng, nhẹ nhàng dịu dàng xoay trong gió

Bâng khuâng dăm ba chiếc lá khô

Trong sân Élysées nhẹ run

Anh yêu ơi, em sẽ quen dần

Ði cô đơn vắng anh trong chiều

Từ ngày anh đã xa mùa thu...

Ðặt lời xong, tôi đã không bao giờ hát, vì bài hát ấy buồn quá, tôi đặt lời  chỉ vì tôi "cảm" dòng nhạc thật đẹp và cảm cái đẹp của mùa thu trong bài hát mà thôi, cái mùa thu Paris mà tôi đã từng say đắm khi còn ở quê nhà.

Dạo ấy, tôi chỉ nghe bố mẹ kể là mùa thu Hà Nội cũng đẹp lắm, nhưng  tôi không tưởng tượng được là đẹp như thế nào. Ở Sàigòn, miền Nam mưa nắng hai mùa, mấy ai được nhìn thấy mùa thu, cho nên chỉ tưởng tượng mùa thu qua thơ và nhạc, mà đa số nhạc sỹ và thi sỹ thì lại gắn liền mùa thu với Paris, với vườn Luxembourg, với dòng sông Seine lờ lững, như Phạm Trọng:

Ngày em đi,

Nghe chơi vơi não nề

Qua vườn Luxembourg

Sương rơi che phố mờ

Buồn này ai có mua?

Từ chia ly,

Nghe rơi bao lá vàng

Ngập dòng nước sông Seine

Mưa rơi trên phím đàn...

Hay là Mùa Thu Paris qua thơ Cung Trầm Tưởng:

Mùa thu Paris

Buồn ướt lên mi

Hẹn em quán nhỏ...

Cũng như khi nói đến mùa đông thì phải nghĩ đến:

Trời mùa đông Paris

Suốt đời làm chia ly!

Chả thế mà tôi có cậu em, từ bé đã nghe bà chị rên rỉ: Tuyết rơi phủ con tàu, ga Lyon đèn vàng, làm cậu ta cứ tưởng tượng là ga Lyon đèn vàng phải đẹp và thơ mộng lắm, lúc có dịp sang Paris, cậu ta cũng hí hửng dắt vợ tới ga Lyon, nhất định phải chụp một tấm hình đem về cho bà chị. Ðến nơi mới chưng hửng về tay không, chả thiết chụp hình nữa! Khi tới phi trường, tôi ra đón, mơ mộng hỏi: "Paris có gì lạ không em?", tưởng sẽ được một câu trả lời nên thơ lắm, nào ngờ cậu em ngớ ngẩn, nghệt mặt ra:

         - Ðâu có gì lạ đâu, ra đường chỉ thấy toàn là... caca của Tôtô, dơ thấy mồ!

Rồi cũng vì những bản nhạc mùa thu Paris ủy mị, tôi cũng phải lần mò chụp cho được tấm hình ngồi trên ghế đá, trong vườn Luxembourg, về mở ra, thì cũng thấy lá vàng đấy, nhưng lẫn trong màu vàng của lá, thì là rác rến, tàn thuốc lá, bên cạnh cái ghế đá là cái thùng rác nằm chình ình ra đấy, đằng sau thì ông Tây ngồi vắt vẻo đọc báo. Rõ chán! Tôi bèn vào Photoshop, xóa quách ông Tây và cái thùng rác đi, nhưng xóa được cái thùng rác thì cái ghế đá công viên lại mất một chân, lại phải bốc cái chân ghế bên kia lắp thêm qua bên nọ. Ðến lúc tấm hình khá hoàn chỉnh, Tây Ðầm đi chỗ khác chơi hết rồi, chỉ còn...Ta với Ta, thì mới nghiệm ra được một điều là không có mùa thu nơi nào đẹp hơn mùa thu Canada cả!

Chả thế mà những ngày đầu định cư tại đây, tuy còn bù đầu với sách vở, tôi cũng lang thang đi nhặt lá thu vàng, ép vào thư gởi về cho gia đình, cho bạn bè. Cái cảm giác lần đầu tiên nhìn thấy mùa thu thật là kỳ diệu, giống như cái cảm giác mà một người bạn tôi đã tả trong mấy câu thơ của lần đầu tiên nhìn thấy lá vàng thu Canada, sau mười mấy năm ở lại với "Bác":

        Ngỡ là triệu bướm, nghìn hoa,

Nào ngờ diệu ảnh chỉ là lá bay

Ngập ngừng, gió nhắn cùng cây

Chàng Từ đến, chỉ lối này về tiên...

Ðọc bài thơ, tôi thích quá, nó nói lên cái tâm trạng của tôi lần đầu nhìn thấy rừng phong ngập lá, tôi đã nghĩ đây là tiên cảnh, chỉ khác là tôi không biết làm thơ nên không có dịp ghi lại cảm nghĩ thôi.

Ba chục năm sau, đi ngắm nhìn mùa thu nhiều nơi, nếu có ai hỏi tôi mùa thu ở đâu đẹp nhất, tôi chắc chắn sẽ trả lời: mùa thu Canada.

Không nói đâu xa, hơn 30 năm, 3 lần đổi nhà, tôi vẫn chọn căn nhà ở sát rừng phong. Cứ mùa thu đến, ngồi trong phòng ăn nhìn ra là cả một rừng phong bát ngát, lung linh màu vàng pha lẫn đỏ, chen vào lác đác vài thân cây bouleaux trắng, vươn cành gầy guộc, tô điểm cho một rừng màu sắc rực rỡ của lá phong. Bạn bè đến nhà cứ gọi đó là một bức tranh!

Tôi cũng ưa ngắm bức tranh ấy, nhưng không ngắm từ phòng ăn mà ngắm từ căn phòng tắm. Buồn cười là lúc cất nhà, tôi cứ cằn nhằn căn phòng tắm này, tuy là ở trên cao, nhưng khi không lại có cửa kính 3 phía! Chỉ tốn tiền mua màn cửa. Nhưng khi vào ở rồi, mới biết là phía sau chẳng có ma nào để phải che màn cửa. Nhìn ra chỉ thấy rừng phong, mùa hè lá xanh mươn mướt, vào thu lá đỏ lá vàng rực rỡ, đến mùa đông thì cả khu rừng trắng mượt mà, vì không có ai vào, nên tuyết cứ trắng xóa, không một dấu chân. Ba phía cửa kính, quanh năm chẳng cần kéo màn cửa lại. Các chú bé nhà tôi nói thích nằm ngâm nước nóng ngắm sao trời và ngắm tuyết rơi! Tôi thì thích ngắm bốn mùa thay đổi.

Từ khung cửa ấy, vào mùa đông, những hôm tuyết nhẹ, cành cây cao chắn ngang cửa kính phủ làn tuyết mỏng như quấn bông gòn, mịn màng thật đẹp. Hôm nào nắng đẹp, ánh nắng chiếu xiên xiên, in bóng cành cây long lanh trên nền tuyết trắng, trông như một bức tranh Tàu đen trắng.

Xuân về, chẳng cần xem lịch, buổi sáng dậy, chỉ thấy chim chóc từng đàn, từng đàn đậu bám trên cành cây cao ấy, hót líu lo là đã thấy cả một trời xuân đầm ấm. Các con tôi đòi treo hai cái chuồng để đựng thức ăn, sợ chim đói. Từ đấy, chim chóc cứ về làm tổ cơ man. Tôi rất dốt về thú vật, chỉ nhìn màu sắc của chúng mà phân biệt. Và tôi thấy ông Trời có nhiều thiên vị thật, như với người chẳng hạn, có giống người thì trắng toát, còn có giống thì lại đen thui, sao không chia người nọ sang người kia một tí nhỉ? Chim chóc cũng thế, có những con mà nhìn nó, tôi còn ngỡ là ai vẽ! Sao nó có thể rực rỡ đến thế! Thân hình nó mảnh mai, yểu điệu. Còn có con như con chim sẻ thì lại cục mịch, đen đủi, không những thế lại còn xấu tính nữa. Tôi nghe người ta ví cây trúc là người quân tử, chim sẻ là giống tiểu nhân. Mà quả không sai, chúng đến cái chuồng đựng thức ăn, để ăn thì ít, mà để phá thì nhiều. Ăn xong, chúng còn sợ giống chim khác đến giành, nên lấy chân lấy mỏ hất hết thức ăn cho rơi vung vãi xuống cỏ, cái kiểu không ăn thì đạp đổ, không cho người khác ăn. Từ đấy, tôi ghét nó lắm. Có những con chim khác, khi đói, chúng chịu khó lần mò xuống cỏ, nhặt nhãnh những hạt rơi, tội nghiệp! Các con tôi thấy thế, đem hạt để vào cái chén cho chúng tới ăn. Ngược lại, có con thì nhất định chỉ đứng trên cành cao, nhìn vào cái chuồng thức ăn trống rỗng, nhất định không chịu sà xuống để ăn thức ăn rơi trên cỏ. Cho nên chỉ cần để ý quan sát chúng từ ngày này sang ngày khác là thấy hết cá tính của mỗi loài chim.

Có con chim lông màu đen nhưng cái đuôi xanh mươn mướt, mỏ dài và đỏ, chung quanh mắt có viền màu vàng. Chị bạn tôi gọi nó là con chim Gõ Mõ. Mõ đâu nó chẳng gõ cho tôi nhờ, may ra mà còn tu tại gia được, mà nó lại cứ gõ vào cái cây nơi bìa rừng, làm thành cái lỗ tròn càng ngày càng rộng. Cái cây ấy là nơi tôi gắn cái giây phơi quần áo. Mùa hè, những hôm ấm trời, tôi thích phơi quần áo ngoài sân. Chẳng phải là để tiết kiệm điện, nhưng tôi thích cái mùi thơm thiên nhiên của mặt trời, thích nhìn màu áo trắng bay trong nắng. Một hôm, cái cây gẫy “rắc” một cái, cả cái giây phơi rớt xuống đất vì cái con Gõ Mõ ấy nó đã gõ thủng cả cái thân cây rồi, bao nhiêu quần áo trắng rơi ùm xuống, lấm lem, giặt lại cả hai ba lần chưa sạch. Cái cây to cao ấy rơi chình ình giữa sân, tôi phải gọi người tới đốn nó và dọn cành gẫy đi, ông Tây làm suốt 3 tiếng mới dọn xong, tính 600$, còn nói nhẹ là nếu trả cash thì... no tax! (Ðúng là giỡn mặt... nhà nước!). Báo hại tôi lúc ấy đã 5 giờ chiều rồi, lục lạo khắp nhà, kêu cứu cả hai bên hàng xóm mới vơ vét đủ 600$ trả ổng.

Sau này tôi mới nghĩ lại: có lẽ tên nó là con chim Gõ Mỏ chăng? Nghĩa là nó cứ dùng mỏ mà gõ. Người miền Nam có lẽ không phân biệt chữ Mỏ và Mõ, do đó, ai cũng gọi nó là con chim Gõ Mõ. Chứ chim thì có tu đâu mà gõ mõ với tụng kinh?

Ðấy là chuyện chim chóc.

Mùa hè thì lẽ ra là mùa thích nhất trong năm, vì vườn nhà trồng đủ loại hoa, nhưng khổ nỗi tôi lại bị dị ứng với mùi hương, nên chỉ đứng trong nhà mà ngắm hoa thôi, ít khi dám bén mảng ra vườn. Chả thế mà vườn hoa nhà tôi "cỏ cây chen lá, đá chen hoa"! Nhưng cũng có cái đẹp của nó. Lúc phá đất làm nền xây nhà, mấy ông thợ thấy có cái vách đá thiên nhiên nơi bìa rừng đẹp quá, nên không nỡ đặt mìn phá đi. Do đó, tự nhiên tôi khỏi bỏ tiền ra mua đá về dựng hòn non bộ, mà lại có hòn non bộ thiên nhiên rất đẹp, đá trắng đá xám xếp xen kẽ nhau, có hàng có lớp. Trên ấy, các con tôi xếp nào hổ, gấu, hùm, beo, hươu, nai đủ loại. Bên dưới, cái ao nhỏ còn có cả mấy con cá sấu, lè lưỡi ra nhìn ông câu cá, thấy mà ghê!

Cái hòn non bộ ấy là nơi mà ai đến nhà tôi cũng phải ra đấy chụp hình, lại còn phải lạy xì xà xì xụp nữa! Chỉ vì trên ngọn núi, tôi đã thỉnh được hai tượng Phật về đặt trên ấy: một tượng Phật Di Ðà bằng đồng đen, và ông Phật kia là Phật Di Lặc, còn gọi là Phật Cười, vì lúc nào cũng thấy ông vui vẻ lắm. Lúc đầu chỉ định để trang trí vườn mùa hè thôi, đến mùa đông thì thỉnh hai ngài vào nhà ngồi chơi xơi nước. Thế nhưng đông đến, mới ngại, bê ra bê vô chắc là bể thôi, nên đành cứ để đó cho ngài hứng tuyết hứng sương. Ấy thế, mà đã 15 mùa tuyết rồi, "mười lăm năm ấy biết bao nhiêu tình", cả hai ông Phật vẫn thản nhiên cười toe toét, thách thức thiên nhiên. Ban đêm trong nhà tắt hết đèn, nhìn ra, ánh đèn dưới chân hòn non bộ chiếu sáng mờ mờ lên, trông hai ngài cũng nên thơ lắm, ngài nọ nhìn ngài kia cười, coi bộ friendly lắm. Chỉ phải cái tội là hai ngài chỉ được hưởng hương hưởng hoa thôi, còn thì...kiêng ăn. Ðầu xuân thì tulipes mọc đầy vườn. Tulipes tàn thì hồng, thược dược, lay ơn bắt đầu khoe sắc. Thu về thì cúc đủ màu, hai ngài cứ ngồi giữa rừng phong mà ngắm cúc là cũng đủ vui rồi.

 

Khi nàng cúc trổ bông thì cũng là mùa mà cây táo ngả sang màu đỏ, rụng đầy sân. Ăn mãi cũng chán, mời trẻ con hàng xóm chúng cũng chẳng chịu ăn dùm, thôi cứ đành để cho nó rụng vậy, khi nào tôi siêng thì hái vô làm ô-mai táo tặng bạn bè. Một ngày kia, tôi chợt để ý là các quả táo ở những cành dưới thấp quả nào cũng bị gặm một nửa. Thoạt đầu tôi còn tưởng là trẻ con hàng xóm nghịch ngợm, nhưng không, nơi khu tôi ở, trẻ con nhà nọ chẳng bao giờ bén mảng sang nhà kia, trừ khi được mời sang. Hỏi ra thì các con tôi nói thủ phạm là hai con hươu ở đâu đi lạc vào vườn nhà, thấy có cây táo, từ đó, chiều chiều, chúng cứ tha thẩn vào ăn. Ác một cái, là chúng cứ gặm mỗi quả một tí. Chưa kể là tôi bỏ công phu đi xin hạt bầu hạt bí về trồng, chờ mãi mới được mấy quả bầu dài, các con tôi gọi là bâton de hockey (gậy khúc côn cầu), hai chú huơu cũng lần mò vào xơi luôn, làm mấy quả bầu cụt luôn đầu!

Ðã nói là tôi dốt về thú vật lắm, chẳng biết chúng là con hươu hay con nai nữa. Lúc đầu, tôi dạy mãi, hai chú bé cũng cứ gọi là con "hiu", con "hiêu", chán rồi lại con "hu", nên tôi cũng nản, bảo thôi gọi là con nai cho dễ. Mà dễ thật, từ đấy, hai đứa nhỏ gọi chúng là con "nine".

Một hôm, đi làm về gần đến nhà, một chú nai ở đâu lừng lững tản bộ giữa đường chặn xe tôi lại. Lúc ấy, tôi chẳng biết nó là con gì, chỉ sợ hết hồn, ngồi chết dí trong xe, như một phản xạ, tôi đưa tay khóa cửa xe lại, không dám nhúc nhích, chỉ e nó tấn công mình. Nhưng chú nai ta cứ đi dạo quanh chiếc xe, cọ cọ đầu vào mui xe, rồi lại đưa lưỡi liếm vào cửa kính xe. Tôi thấy nó hiền khô nên đỡ sợ. Một lúc sau, nó lừng lững đi vào vườn; ở đó, các con tôi đã chuẩn bị đậu phộng bóc sẵn để chờ chúng đến. Bao giờ chúng cũng đi có cặp, hai con, một to một bé. Tôi đoán con bé hơn là con cái, còn cái con to cao mà chặn đường tôi chắc là "bồ" của nó. Ðôi nai cũng rất dạn dĩ, vào ăn táo, ăn các thức ăn của các con tôi bày ra sẵn một cách thản nhiên. Mấy lần sau thì các chú bé nhà tôi cũng dạn dĩ hơn, đã dám ra sờ mó và chơi với cặp nai rừng.

Từ đó, hàng năm, mỗi mùa thu, chúng đều quay trở lại. Tôi thắc mắc không hiểu có phải là hai con nai năm trước không hay là hai con khác? Các con tôi lanh trí, lấy sơn trắng quệt vào sau cái tai của hai chú nai. Quả nhiên, mùa thu sau, hai chú nai quay lại, tuy có cao lớn và già dặn hơn, nhưng hai vệt sơn trắng vẫn còn rõ.

Mùa thu năm nay, cũng là mùa mà vườn cúc trổ bông thơm ngát, tôi vẫn ngại ra vườn để tránh dị ứng, nhưng chiều chiều đi làm về, vẫn ngồi trong cửa kính nhìn ra, canh chừng hai con nai đến để chụp hình. Chờ mãi không thấy, tôi ngỡ là chúng đã quên đường xưa lối cũ rồi, thì bỗng một buổi chiều, chú nai lại ra chặn xe tôi lại, âu yếm liếm trên cửa kính xe, tôi quay cửa xe xuống, vuốt ve cái cổ mềm mại của nó, cho đến lúc nó từ từ đi vào vườn. Tôi cầm máy ảnh ra, và lạ thay, lần này, nó chỉ có một mình.

Rồi những buổi chiều sau nữa, con nai vẫn một mình lững thững vào vườn, cô đơn. Tôi mường tượng ra những con nai mà tôi đã từng nhìn thấy nằm giữa xa lộ trên đường tôi đi làm qua, và cầu mong cho con nai kia không cùng số phận.

Lá đã bắt đầu thật vàng trong khu vườn nhà, tôi yêu cái mầu vàng của lá, yêu cái êm ả của mùa thu Canada, cái mùa mà người bạn tôi thoạt nhìn đã ngỡ là tiên cảnh.

Chú nai vườn nhà cũng vẫn một mình lang thang trong khu vườn đầy lá, tôi tự hỏi không biết nó có nghe rạo rực, hình ảnh kẻ chinh phu?

Nhưng chắc nó đã không còn buồn vì cô đơn nữa, vì trong đôi mắt hiền thật to và thật đẹp kia, tôi thấy dường như nó đã tìm được sự yên bình.

 

Hải Phong


Joomla Hosting and Maintenance by Cybersalt

Copyright © 2014-2025. VietVancouver, All rights reserved

  • Số Lượt Truy Cập 1779388