Cuối tháng 3 ở North Slave, hồ vẫn còn lái xe lên được và trời vẫn sáng. Một buổi sáng thứ bảy rực rỡ, người Nga, người Canada và 2 con chó đi về hướng con đường băng giá chạy ngang hồ Prosperous, ngoại ô Yellowknife. Tới gần chuỗi đảo, họ dừng xe. Hai người xuống xe, đứng giữa hồ một thoáng trầm ngâm, đảo mắt nhìn khoảng không gian lạnh lẽo, trước khi đàn chó chạy vào vùng ngập tuyết. Phía bên kia hồ, một đoàn xe mô tô tuyết đang quết dấu xe dọc theo bờ biển, tiếng gầm gừ của đoàn xe thoảng trong gió.
Dụng cụ được tháo dỡ khỏi xe: một cái xẻng, đồ khoan tay dài 1m, lều đen nhỏ, ghế xếp, chai rượu cô nhắc, đồ ăn vặt mua vội ở tiệm tạp hóa, cần câu. Mớ dụng cụ được chia đôi, 2 người đàn ông ì ạch đi vào đám tuyết cao bằng bắp đùi. Người Canada hỏi: "Sao mình xuống đây?"
Người Nga trả lời: "Có lần tôi thấy họ ở đây. Nên tôi nghĩ chắc chỗ này tốt".
Tới giữa 2 hòn đảo thì họ dừng lại. Người Nga dùng xẻng đào xuống mặt băng, rồi dùng cái khoan tay khoan sâu 1 thước. Người Canada hỏi: "Sao mình không dùng khoan máy như người ta?"
"Tôi thích khoan tay", người Nga trả lời. Anh ta khoảng giữa tuổi 40, một nghệ- sĩ- trở- thành- kiến- trúc- sư- trở- thành- lập- trình- viên- điện- toán và trước đó trong quân đội Liên bang Xô Viết (khi tôi nhập ngũ nó là Liên bang Xô Viết nhưng khi tôi xuất ngũ thì nó thành một nước khác), anh ta di cư từ Moscow qua Yellowknife 8 năm trước. Anh ta mất 15 phút để khoan xuống băng, lưỡi khoan chìm gần lút cán. "May quá, không còn khoan thêm được nữa", anh ta nói.
Có 2 loại người câu cá trên đá băng, một dân câu đá băng nói với tôi. Loại phải câu được cá với bất cứ giá nào. Họ đến nơi nhiều cá, trang bị đầy đủ dụng cụ, dùng khoan máy khoan 15 cái lỗ, đặt mồi xuống đủ mỗi lỗ, làm việc chăm chú. Họ luôn luôn về nhà với cá nhiều ít.
Nhưng cũng có loại triết gia. Họ đi câu vì muốn trải nghiệm, vì muốn suy tư, vì nhu cầu trốn tránh. Họ tin vào may rủi, họ muốn thử chỗ này chỗ kia. Không phải lúc nào họ cũng câu được cá.
Người Nga thuộc loại triết gia. Anh ta bắt được cá có lẽ chỉ phân nửa số lần đi. Anh ta biết là nếu chỉ cần đi tới hồ Walsh, nơi nước cạn và có nhiều cá trout, là hầu như chắc chắn bắt được cá.
Nhưng biết chắc chắn là bắt được cá thì lại làm cho anh không thích.
Chiếc lều được dựng lên trên cái lỗ. Lần này người Canada giúp dựng lều. Nhưng anh ta nghĩ nó hơi quái dị khi đi ra chốn hoang dã với cảnh đẹp nghiêm lắng như vầy rồi lại chui rúc trong một cái lều đen bé tí bao quanh cái lỗ. Một số dân câu cá trên băng có những cái lều hiện đại, cả máy phát điện và những thứ tiện nghi khác. Một số khác chỉ cần chất đám củi khô rồi đốt một cụm lửa, ngồi câu ngoài trời. Cách nào cũng được, cách nào cũng đúng.
Có một lần giây câu giật nhẹ làm phấn khởi. Nhưng rồi chẳng có gì. Ăn vặt. Tán gẫu. Rượu cô nhắc. Tán gẫu. Thỉnh thoảng 2 con chó lại đút đầu vào lều kiểm tra. Cứ lâu lâu thì giây câu lại giật nhẹ như thể cá soi sét mồi. Nhưng rồi chả có gì. Vài tiếng đồng hồ sau, người Canada hỏi người Nga tại sao anh ta thích câu cá trên băng đá.
Anh ta trả lời: "Giống như anh đi tới một hành tinh khác. Chẳng có gì hết. Anh ngồi đó cạnh cái lỗ. Đôi khi có bạn bè, có nhậu nhẹt. Nhưng vẫn khác với ở lại trong thành phố. Giống như một cảm nhận khác. Anh vượt thoát khỏi đời sống thường ngày. Vấn đề không phải là bắt được cá."
Người Canada đồng ý: "Đúng vậy, điều tốt không phải vì bắt được cá".
Người Nga tiếp tục: "Tại sao người ta làm vậy?. Tại sao người ta leo núi? Vì họ muốn làm cái gì khác, họ muốn có thay đổi trong đời sống." Anh ta ngồi lại vào ghế, làm thêm một ngụm cô nhắc.
6 tiếng đồng hồ sau thì đến giờ đi về. Chẳng bắt được gì. Chẳng có gì xảy ra. Ngoại trừ một cái lỗ sâu một thước được khoan trên mặt hồ. Lều được xếp lại, dụng cụ đi câu được cột gói, họ lại đi ì ạch ra xe. Trên đường về, họ bắt đầu phác thảo chuyến đi câu cá trên băng lần tới. Hồ Pontoon hay hồ Great Slave? Người Nga sẽ tính.
©Hoàng Hải Hồ dịch từ Sitting By A Hole của Matthew Mallon.