NGƯỜI PHỤ NỮ VIỆT TRẺ GIÚP ĐỐI PHÓ NẠN BUÔN BÁN ĐỘNG VẬT HOANG DÃ

“Nguyễn Trang là hàng hiếm tại Vietnam, nơi Xã hội Dân sự bị nhìn với cặp mắt nghi ngờ và phần lớn người trẻ theo đuổi những nghề nghiệp nhiều lợi tức hơn.”

 

Đứng trên mui của xe sàn cao, mang giầy cao cổ và đội mũ tai bèo, nhìn vào khu bảo tồn động vật hoang dã Kenya, Nguyễn Trang khác hẳn với phần lớn giới trẻ Việt chỉ thích những kỳ diệu của Âu châu và Á châu khi đi du lịch.

Nhưng Trang không phải là du khách tầm thường tiêu biểu.

Sáng lập viên và Giám đốc điều hành 31 tuổi của WildAct, cơ quan phi chính phủ ở Vietnam, du hành thế giới với tư cách nhà khoa học bảo tồn động vật hoang dã.

Trong nền kinh tế phát triển nhanh, nơi phần lớn giới trẻ theo đuổi những công việc kinh doanh tài chính thu nhập cao và chính quyền nhìn Xã hội Dân sự với đôi mắt nghi ngờ nếu không muốn nói là thù nghịch, Trang nổi bật lên.

Trang nói với phóng viên của Al Jazeera: “Khi tôi nói với bố mẹ việc tôi muốn làm, bố mẹ tôi không ủng hộ”. Cô thừa nhận ít có người trẻ Việt nào mơ ước việc làm của cô.

Nhưng cô không muốn làm việc gì khác.

“Tôi thích nghiên cứu, tôi dành nhiều thì giờ trong lãnh vực này, đi nhiều nơi hẻo lánh, đôi khi dấn thân vào nguy hiểm. Cha mẹ nào lại muốn con cái làm những việc như vậy”. Cô nói.

 

Trang cùng nhân viên chống săn bắn trộm ở Kruger National Park, Kenya

 

Vietnam, điểm nóng của ngành buôn bán động vật hoang dã trị giá nhiều tỷ đô la, vừa là thị trường vừa là nơi trung chuyển. Băng đảng tội phạm Vietnam vừa săn bắt vừa buôn bán trên nhiều vùng thế giới, Phi châu và Á châu, từ Malaysia tới Mozambique, theo tiết lộ của Cơ quan Điều tra Môi trường (Environmental Investigation Agency-EIA) trụ sở tại Vương Quốc Anh.

Trong suốt 17 năm (2002-2019), Vietnam xẩy ra 600 vụ bắt giữ buôn bán đvhg trái phép, giết chết 228 con hổ, 610 tê giác, 15779 voi và 65510 tê tê, tất cả đều là là động vật có nguy cơ tuyệt chủng. Cơ quan này đi đến những con số nói trên dựa theo tài liệu được chính quyền công bố.

Nói về vấn đề tiêu thụ bộ phận cơ thể của hổ, Vietnam chỉ có thua Trung Quốc.

Nhiều người tin rằng cao hổ cốt có thể trị những bệnh về gân xương. Sừng tê giác được coi là có thể chữa ung thư.

Trang chính là người sống sót ung thư ruột già và luôn nhớ tới lời phê bình của bác sĩ chữa cho mình là những tin tưởng nhảm nhí như vậy rất nguy hiểm, vì nó làm người ta lãng phí thời gian chữa bệnh ung thư.

“Đó là một thông điệp uy lực”, cô nói với World Wildlife Fun trong cuộc phỏng vấn năm nay, và nó cũng là một cách hữu hiệu chống lại nhu cầu tiêu thụ sừng tê giác.

 

Thù nghịch và phủ nhận

 

Mối lo ngại gia tăng về bệnh tật do thú vật lan cho người trong mùa dịch Covid giúp đưa vấn đề buôn bán trái phép động vật hoang dã trở lại lịch trình làm việc của cộng đồng quốc tế.

Năm ngoái Vietnam ra chỉ thị ngưng nhập cảng động vật hoang dã, bao gồm bộ phận cơ thể và sản phẩm chế biến từ động vật. Trong khi các nhà bảo tồn ủng hộ chỉ thị này, họ lưu ý rằng có nhiều việc vẫn cần phải làm, bao gồm cả việc thi hành chỉ thị.

Trang, khởi sự tham gia những hoạt động liên hệ với môi trường khi còn là thiếu nữ và lấy bằng Tiến Sĩ (Ph. D) về quản lý đa sinh thái (biodiversity) ở Vương quốc Anh 2 năm trước, nói rằng làm việc trong lãnh vực buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp là đề tài nhậy cảm đối với cả chính quyền và dân thường.

Trong những cuộc thảo luận công cộng về bảo tồn động vật hoang dã mà Trang tham dự, Trang nhận thấy người ta chối bỏ và phản ứng thù nghịch với những cáo buộc là Vietnam bị tai tiếng vì hoạt động buôn bán thú hoang.

Cô nói: “Tôi không dám nói tôi là một chuyên viên, tôi chỉ là người bỏ nhiều thì giờ nghiên cứu đề tài này. Không thể chối bỏ sự thật là người Vietnam có ăn thịt động vật hoang dã. Người Việt sang Phi châu trực tiếp tham dự vào việc buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp qui mô quốc tế. Việc này làm tổn hại thanh danh của cộng đồng người Việt ở nước ngoài và của quốc gia Vietnam”.

 

Dựng máy hình chụp loài Báo Mây ở Kontum, Vietnam

 

Trang nói việc cô nổi tiếng cũng gây ra những nghi ngờ về ý đồ của cô.

Ở Phi châu, cô gặp phải sự thù nghịch, người ta lại nghĩ cô hoạt động chống lại việc bảo tồn hoạt động hoang dã, đơn giản vì có quá nhiều người Á châu bị liên hệ với những trường hợp buôn bán bất hợp pháp nổi tiếng ở lục địa này.

Ngay cả ở Vietnam, bảo tồn động vật hoang dã là một thử thách. Một số giống vật nằm trong sách đỏ tuyệt chủng của IUCN như Trĩ Vietnam và Rùa Ao. Sao La, động vật hơi giống hươu nai, cũng là một nạn nhân, theo tổ chức WWF.

Trong xếp hạng năm 2020 của tổ chức World Animal Protection (Bảo vệ động vật thế giới) Vietnam và Myanmar xếp hàng chót ở Á châu về vấn đề chính sách và luật lệ bảo vệ súc vật.

Theo Trang, có một thành kiến rất tai hại về lãnh vực bảo tồn là giới chức thẩm quyền và nhân viên kiểm lâm không làm gì để ngăn chặn việc săn bắt động vật hoang dã. Theo kinh nghiệm của cô, cô gặp nhiều nhân viên kiểm lâm và cảnh sát rất tích cực trong việc xóa bỏ tệ nạn và sẵn sàng cộng tác với những tổ chức phi chính phủ như của cô.

Nhưng cô nói nhiều nhân viên thực thi pháp luật Vietnam có ít kinh nghiệm trong việc điều tra tội phạm về động vật hoang dã vì thiếu huấn luyện. Chưa nói đến vấn đề vì tham nhũng mà nhắm mắt làm ngơ.

Tham nhũng đóng vai trò hết sức quan trọng trong kỹ nghệ buôn bán này và không thể diệt trừ nạn buôn bán động vật hoang dã mà không giải quyết vấn đề này, Trang nói, nhưng không đưa ra ví dụ cụ thể.

"Họ có nhiều kinh nghiệm diều tra tội phạm, nhưng là những loại tội phạm xã hội, còn tội phạm liên hệ tới đời sống hoang dã thì hãy còn là lãnh vực mới mẻ. Chúng ta phải nhận ra điều này và hổ trợ họ".

 

Nguyễn Trang trong buổi thuyết trình tại Đại Học Nông Nghiệp 2018, chụp ảnh cùng nhóm bảo tồn WildHand.

 

WildAct đã và đang huấn luyện cho cộng đồng địa phương và nhân viên kiểm lâm trong các lãnh vực như trao đổi kiến thức, hoạch định và thi hành những dự án bảo tồn như phá bỏ các bẫy bắt động vật và giải cứu động vật bị mắc bẫy tại vài tỉnh của Vietnam.

 

Quyền lực hóa cộng đồng

 

WildAct cộng tác với Animal Doctors International (Bác sĩ Thú y Quốc tế), tổ chức này có văn phòng tại Vietnam và Cambodia để huấn luyện cho nhân viên kiểm lâm và nhân viên của WildAct về cứu cấp bước đầu những động vật bị thương cũng như nhân viên bị thương khi đang tuần tra. Trang nói: thường bị coi nhẹ, nhưng đây là những kỹ năng cần thiết để nâng cao mức sống sót của động vật sau khi được cứu cũng như đem lại an toàn cho nhân viên kiểm lâm và cộng đồng.

Cô nói: “Cách làm đúng là đem lại quyền lực cho càng nhiều người càng tốt”.

Trang cũng muốn quyền lực hóa phụ nữ và biến WildAct thành thành trì bình đẳng giới tính.

Theo Mark Spicer, cựu giám đốc chương trình của WildAct trong 2 năm 2018-2020, cuộc vận động của Trang không phải chỉ là đầu môi chót lưỡi.

Spicer nói: “Đó là phần thiết yếu đã tạo nên WildAct, với Trang là sáng lập viên và giám đốc điều hành. Kinh nghiệm của cô, kinh nghiệm của các đồng sự về bảo tồn ở cả Vietnam và nước ngoài giúp thực hiện chủ trương. Spicer là nhân viên nam duy nhất khi ông rời tổ chức.

Spicer, quê ở Vương quốc Anh, có kinh nghiệm về bảo tồn và sinh thái, nói rằng làm việc với WildAct không giống những gì ông đã từng làm trước đó.

Ông nói: “Có rất nhiều việc cần làm về bảo tồn ở Vietnam, đó là một thách thức rất lớn cho những người quan tâm, nhưng bù lại, có những tổ chức xuất sắc và có những người rất nhiệt tình”.

Khi Trang thành lập WildAct năm 2015, Trang đang bận rộn làm việc với những cơ quan môi sinh tiếng tăm, ví dụ như cố vấn kỹ thuật về kỹ nghệ buôn bán động vật hoang dã ở Cambodia cho Fauna and Flora International (Vương quốc Anh), liên lạc viên ở Mozambique cho Wildlife Conservation Society (Mỹ). Năm 2018, cô được giải thưởng cao quý Future for Nature cho những hoạt động chống buôn bán thú vật hoang dã.

Hoàng Hồng, sáng lập viên và giám đốc điều hành của CHANGE, một cơ quan phi chính phủ hoạt động giúp Vietnam đối phó với những vấn đề môi sinh nghiêm trọng, nói rằng những người như Trang là hàng hiếm ở Vietnam.

Nguyễn Trang trong buổi huấn luyện về bảo tồn tê giác ở Kenya năm 2012.

 

Bà gặp Trang lần đầu tiên khi bà đang làm việc với World Wildlife Fund (WWF) còn Trang hãy còn là  một thiếu nữ tình nguyện viên cho một chương trình của WWF. Cả hai giữ liên lạc và thỉnh thoảng gặp nhau trong những chiến dịch bảo tồn ở Vietnam.

Hồng dựa vào chuyên môn của Trang trong những nghiên cứu về động vật để nhận diện những động vật bị đánh bắt xuất hiện trên tin tức báo chí hoặc mạng xã hội.

Hồng, với 2 thập niên kinh nghiệm, là một tiếng nói tiên phong và uy tín trong phong trào biến đổi khí hậu. Bà nói đã có một hiệu ứng lan rộng khiến cho người trẻ càng ngày càng lưu tâm đến những vấn đề môi sinh.

Chính phủ nay cũng đang lưu tâm nhiều hơn, làm cho những tiếng nói phản biện cảm thấy ít bị đe dọa hơn trong một quốc gia không dung túng đối lập.

Bà nói: “Tôi công nhận là chính quyền đã quan tâm hơn về môi trường.”. Bà thêm rằng có áp lực từ cộng đồng quốc tế và truyền thông xã hội về những vấn đề như ảnh hưởng tiêu cực của ô nhiễm không khí lên sức khỏe, việc làm và kinh tế.

Nhưng Hồng tin là đường đi còn dài.

Bà nói: “Vẫn chưa đủ để tạo ra một phong trào mạnh mẽ trong dân số 98 triệu người.  Tôi hy vọng Vietnam có thệm nhiều người như Trang và có thêm nhiều cơ hội cho người trẻ tham gia vào hoạt động bảo tồn đời sống hoang dã”.

Tháng 8 vừa qua, cảnh sát tỉnh Nghệ An giải cứu 17 con hổ trưởng thành từ một chuồng hầm sâu tối tăm có khóa. Đây là một trại nuôi dưỡng hổ bất hợp pháp. Mấy ngày trước, trong cùng tỉnh, 2 người đàn ông bị bắt giữ với 7 con hổ non trong xe của họ.

Trang nói cùng thời gian đó, các khoa học gia ở Kenya đã thành công tạo ra phôi thai của loài tê giác trắng đã hầu như tuyệt chủng.

Cô nói: “Đây là tin tuyệt vời, nhưng thật ra, nếu không có tệ nạn săn bắt trộm, giống tê giác trắng này đâu có cần con người giúp truyền giống”.

“Cũng thế, những con hổ này không nên bị nhốt trong chuồng hầm, nhưng việc bắt giữ này mang lại chúng ta hy vọng, nó chứng tỏ sự cộng tác thành công của chính quyền và các cơ quan phi chính phủ”.

 

Sen Nguyen @ Aljazeera

10/9/2021

© Bản việt ngữ của vietvancouver.ca


Joomla Hosting and Maintenance by Cybersalt

Copyright © 2014-2025. VietVancouver, All rights reserved

  • Số Lượt Truy Cập 1779388