Dạo này hắn tỉnh giấc từ rất sớm. Những cơn mơ chập chờn và tiếng còi tàu khắc khoải lúc gần sáng khiến hắn cảm thấy lòng mình nôn nao, trong mơ, hắn nhớ lại thời thơ ấu ngỡ đã lãng quên trong tiềm thức.

Một cái cổng làng xa lơ lắc, ở đó có một ngôi nhà tranh dột nát, một cặp vợ chồng nghèo lại đông con, cho nên dù cha hắn là anh thợ cày khỏe nhất làng, nhưng vẫn không kiếm đủ gạo để đổ vào năm cái tàu há mồm lúc nào cũng nheo nhóc vì đói.

Ở đó có mẹ hắn, người đàn bà lam lũ quanh năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời, có mỗi cái áo gụ dài tay vá chằng vá đụp để mặc mỗi khi đi chợ tỉnh bán những thứ rau dưa vặt vãnh ở vườn.

Cả năm chị em hắn không đứa nào được đến trường. Hồi đó ước mơ của chị em hắn chỉ là được ăn no. Còn việc đến trường để ê a học đánh vần như con lão Sỹ béo đầu làng chỉ là chuyện viễn vông.

Năm đó mất mùa, cha hắn theo mấy người trong làng lên thành phố tìm việc. Trong nhà chỉ còn lại mấy mẹ con, mẹ hắn quy định: Sáng ăn mỗi người hai củ khoai, trưa một bát cháo loãng và tối mỗi đứa được hai lưng bát cơm độn khoai. Nói vậy nhưng nhiều lúc thấy mẹ chia phần xong thì trong nồi cũng chỉ còn lại có vài ba miếng khoai sém. Có lẽ mẹ hắn cũng đã nhịn luôn bữa tối.

Mấy hôm sau cha hắn về, hắn thấy ông nằm ở võng gác tay lên trán chép miệng:

"Ở đâu cũng mất mùa nên người ta lũ lượt kéo nhau về thành phố, tìm việc bây giờ còn khó hơn mò kim đáy bể."

Mẹ hắn thở dài thườn thượt, hắn biết mẹ hắn lo lắng vì vay của bà Tam hàng xóm cho cha hắn mấy chục đồng đi đường với hy vọng kiếm được việc làm rồi về trả, bây giờ cha hắn không tìm được việc, chưa biết nhìn vào đâu để mà có tiền trả cho bà ấy.

Cũng may sau đó ít ngày thì bà Tam đánh tiếng với cha mẹ hắn, cho chị hắn đi ở trông cháu cho con gái bà trên thành phố vừa mới sinh, để trừ nợ tiền mẹ hắn vay. Ban đầu chị hắn không chịu đi, nhưng mẹ hắn sụt sịt:

"Con không đi thì mẹ không biết lấy đâu ra tiền để trả cho bà Tam."

Cha hắn ngậm ngùi:

"Thôi chịu khó lên ở với người ta mà kiếm lấy miếng ăn con ạ, cứ đà này mất mùa liên miên rồi cả nhà mình cũng chết đói mất."

Nghe vậy chị hắn gạt nước mắt đồng ý đi và không khóc nữa.

Sáng hôm ấy họ đến đưa chị hắn đi, hắn chạy theo chị ra đến tận cổng làng, chị ôm lấy hắn nức nở:

"Tèo ở nhà ngoan nhé, nhớ giúp cha mẹ trông các em, khi nào về có tiền chị sẽ mua kẹo cho em."

Nước mắt hắn chảy dài trên khuôn mặt đen nhẻm, nhìn bóng chị hắn và mọi người mất hút sau ngã ba hắn mới lủi thủi lau nước mắt quay về.

Ít tháng sau cha hắn nhận được một con trâu của hợp tác xã về giao cho hắn đi chăn, nghe nói mỗi tháng sẽ được họ trả 10 ký gạo. Mỗi khi lùa trâu ra đồng cho ăn cỏ, hắn tranh thủ móc thêm ít con cua nhỏ ở hai bên bờ ruộng về cho mẹ hắn nấu canh rau. Xong nhiệm vụ, hắn lại con mương rửa hết bùn ở tay chân rồi leo lên lưng trâu nằm ngả mặt nhìn lên bầu trời cao xanh lồng lộng và hát nghêu ngao. "Ai bảo chăn trâu là khổ..."

Cho đến một ngày, do mãi chơi đánh trận giả với lũ bạn, hắn đã để con trâu gặm hết một góc mạ của nhà lão Sỹ béo mới ươm. Hắn hoảng loạn khi nghĩ đến cây gậy hèo cha hắn dắt ở mái tranh trước nhà và cảnh mẹ hắn khóc lóc vì không có tiền nộp phạt. Vậy là hắn bỏ chạy thục mạng ra khỏi cổng làng, hắn chạy một mạch không dám nghoảnh đầu nhìn lại, hắn có cảm giác như tiếng khóc của mẹ và tiếng bước chân cha, đang cầm cây gậy hèo đuổi theo hắn.

Lúc trời nhá nhem tối, hắn dừng lại nghỉ vì chân mỏi rã rời và khát nước khô cổ. Nhìn thấy bên đường có vạt mía của nhà ai, hắn vội vàng luồn vào trong bẻ lấy một cây nhai lấy nhai để. Lúc bụng đã tức ách vì nước, hắn bẻ thêm hai cây mang theo dự trữ, rồi tấp tểnh bước đi vì cũng chẳng còn đủ sức mà chạy nữa, hai bàn chân hắn có nhiều ngón toé máu. Chắc do lúc chạy hắn vấp phải những hòn đá bên đường.

Trời sập tối, hắn nhìn thấy một chợ ga nhỏ với nhiều quán bán hàng ăn thơm phức. Dừng chân trước một quán phở, hắn đứng lại nhìn nồi nước lèo bốc khói nghi nghút và con gà luộc béo ngậy vàng ươm trên bàn rồi nuốt nước bọt ừng ực. Bà chủ quán nhìn hắn tỏ vẻ thương hại: "Mày đói lắm phải không ? Lại đây bà cho một bát, ăn xong thì ở đây rửa dọn cho bà." Hắn nhanh nhảu gật đầu và ngồi ăn ngấu nghiến hết bát phở. Đúng là từ khi cha sinh mẹ đẻ đến giờ chưa khi nào hắn được ăn ngon như thế.

Kể từ hôm đó, hắn trở thành chân sai vặt cho các bà các cô trong xóm chợ để kiếm sống qua ngày, buổi tối hắn kê hai cái ghế lại với nhau và nằm co chân lại ngủ. Mỗi khi có ai hỏi về cha mẹ hay quê quán, hắn giả vờ như mình không nhớ gì hết. Thời buổi khó khăn đói kém, cảnh người chết hay trẻ mồ côi lưu lạc không còn khiến ai bận tâm. Nhiều đêm, hắn nằm khóc vì nhớ cha mẹ và các em rồi ngủ thiếp đi lúc nào không hay biết...

Hắn sống lay lắt ở khu chợ một thời gian khá dài, và cuộc đời đã mỉm cười với hắn khi có một cô khách nhìn rất sang trọng ghé vào quán ăn trong lúc chờ tàu. Thấy hắn ngồi rửa bát liền hỏi bà chủ quán :

"Thằng bé này con chị à?"

Bà chủ trả lời:

"Không phải đâu chị, nó là trẻ lạc không nhớ ra mình từ đâu đến."

Cô khách nói:

"Nhìn mặt mũi nó sáng sủa quá, con lại đây cô hỏi chuyện nào."

Hắn đứng dậy lau tay vào áo rồi đến trước bàn.

"Con tên gì?"

"Tèo" hắn đáp gọn lỏn.

Cô ta hỏi tiếp:

"Thế nhà con ở đâu, cha mẹ con tên gì?"

"Không biết."

Hắn cúi gằm mặt dí dí ngón chân xuống đất.

Cô ta cười hiền từ:

"Nói chuyện với người lớn tuổi là con phải trả lời cho lễ phép nhé, ví dụ khi cô hỏi thì con phải trả lời là: "Dạ thưa cô, cháu không biết."

Bà chủ chen ngang.

"Ôi dào, trẻ đầu đường xó chợ thì chỉ vậy thôi em ơi."

Hắn nghe thấy bà chủ nói vậy thì xấu hổ đỏ rần cả hai vành tai.

Cô khách hỏi tiếp:

"Vậy con có thích đi với cô không? Về ở với cô rồi cô sẽ cho con đi học."

Nghe vậy hắn mừng húm trả lời ngay:

"Dạ thích, cô cho con đi học thật ạ?"

"Ừ, thế con rửa cho xong chồng bát đi, để cô nói chuyện với bà chủ."

Hắn quay vào rửa bát, không biết cô khách đưa tiền và nói gì với bà chủ mà bà quay vào nói với hắn:

"Mày để bát đó lát con hoa nó rửa, đi vào chợ với bà để bà mua cho mày bộ đồ mà tắm rửa cho sạch sẽ rồi đi với người ta."

Trong lúc chờ cô khách đi mua thêm vé cho hắn, hắn tắm và thay bộ đồ mới vào. Các cô các bà vây quanh hắn:

"Sướng nhé, vậy là từ nay mày không phải ngủ vạ vật ngoài đường nữa, đi đâu thì đi nhớ đừng quên xóm chợ ga này nhé..."

"Con sẽ không bao giờ quên mọi người, lúc nào lớn lên có tiền, con sẽ về thăm các bà các cô."

Mắt đỏ hoe, hắn trả lời và tự hứa với mình là chắc chắn sẽ có ngày hắn quay trở lại đây để trả ơn cho những người đã từng cưu mang hắn.

Trước lúc lên tàu, hắn đưa mắt nhìn bao quát khu chợ, những con người nơi đây dù ăn to nói lớn nhưng tốt tính, từng ngóc ngách trong chợ hắn đã thuộc làu khi xách nước hàng ngày cho họ, hắn được cô chủ mua cho ghế ngồi sát cửa sổ nên tha ngắm trời ngắm đất. Tàu chuyển bánh, hắn vẫy tay chào mọi người và ngoái nhìn xóm chợ, nước mắt hắn chảy dàn dụa mà hắn cũng không hiểu vì lý do gì...

Cuộc đời hắn bước sang trang mới, vợ chồng cô chủ kinh doanh vàng bạc. Hai người lấy nhau nhưng không có con. Lúc cô chủ đưa hắn về, ông chủ hơi ngỡ ngàng. Ông hỏi:

"Thế em có biết nó nguồn gốc ở đâu không?"

Cô chủ trả lời:

"Nó đi lạc đến xóm chợ ga, nên không còn nhớ quê quán hay cha mẹ ở đâu nữa. Em nghĩ mình nhận nó làm con nuôi như vậy sẽ tốt hơn."

"Nếu nó nhớ cha mẹ của nó, thì mình mất công nuôi nó khôn lớn, rồi nó cũng sẽ quay trở về với gia đình nó chứ đâu có báo hiếu được mình lúc về già."

"Nếu nó nhớ, em đã không nhận nuôi nó."

"Uh, em nghĩ cũng phải, vậy mai em ra phường làm thủ tục giấy tờ để rồi anh còn tìm trường xin cho nó đi học."

Hắn được đến trường, ngôi trường khang trang với những đứa bạn thành phố. Hắn gọi vợ chồng họ là bố mẹ và trở thành con trai của ông bà chủ tiệm vàng Thanh Hương với tên họ đầy đủ Nguyễn Thanh Phong, cái tên Tèo quê mùa bỗng trở nên xấu xí và hắn không còn muốn nhớ đến... Nhưng trước khi buộc mình phải quên hết. Hắn tự nhẩm lại tên cổng làng, tên cha mẹ và năm chị em của hắn để lưu vào bộ nhớ non nớt của mình... "Nếu nó nhớ, em đã không nhận nuôi nó..." Câu nói của mẹ nuôi khiến hắn sợ... Phải quên. Hắn sợ mình phải quay về sống lăn lóc bữa đói bữa no ở xóm chợ ga. Cũng không dám về nhà vì không biết chuyện gì sẽ xảy ra với hắn sau khi hắn bỏ trốn.

Thời gian trôi qua, hắn trưởng thành, lấy vợ rồi sinh con. Vợ hắn cũng là con của một gia đình môn đăng hộ đối. Bây giờ hắn đã là chủ một doanh nghiệp vàng bạc đá quý có tiếng tăm trong thành phố. Khi làm bố của hai đứa con một trai một gái, hắn cảm thấy cuộc đời đã ưu ái với mình quá nhiều. Đôi khi một tiếng rao quà đêm hay nhìn thấy một chị bán hàng rong mặc áo gụ đi qua, hắn chạnh lòng nhớ đến mẹ mình. Hắn không biết gia đình hắn, sau trận đói năm ấy, bây giờ ai còn ai mất... Khi có con, hắn hiểu thế nào là tình mẫu tử, hắn thấy thương cha mình, chắc hồi đó khi thấy chị em hắn bị đói, ông cũng đau lòng lắm. Nhưng do thời thế, cho nên lực bất tòng tâm... Hắn nhớ các các cô ở xóm chợ ga và lời hứa sẽ quay lại thăm họ của mình, không biết mọi người có ai còn nhớ đến hắn không?

Nhiều lúc hắn muốn thú nhận với vợ con về nguồn gốc của mình, để có thể quay về tìm lại gia đình hắn. Nhưng rồi hắn không đủ can đảm, một phần vì hắn không muốn làm bố mẹ nuôi hắn đau lòng... Một phần vì hắn không biết, mình sẽ đối mặt với mọi người ra sao khi nói ra sự thật... Hắn chỉ là một thằng bé bỏ trốn từ một làng quê nghèo đói rồi được ông bà Thanh Hương nhận nuôi. Và bố mẹ nuôi của hắn sẽ phản ứng thế nào khi biết hắn tìm về cội nguồn của mình? Liệu bố mẹ nuôi của hắn có còn để lại quyền thừa kế tài sản cho hắn...

Cuối cùng thì toan tính và lòng tham đã chiến thắng trái tim vẫn còn tình người của hắn... Cuộc sống của hắn vẫn êm đềm trôi qua và ngày càng trở nên viên mãn.

Tối nay, ăn cơm xong hắn ra phòng khách ngồi uống nước và bật ti vi lên xem. Bỗng ba chữ :"TÌM NGƯỜI NHÀ" đập vào mắt hắn: (Chị là Nguyễn Thị Thắm, ở Làng... Tìm em trai tên thường gọi là Tèo... Bỏ nhà đi năm... Nay em ở đâu? Nếu xem được tin này thì liên lạc với chị qua số điện thoại... ).

Ly nước hắn đang cầm trên tay rơi xuống đất vỡ tan, trước con mắt ngạc nhiên của vợ con hắn.

Tháng bảy năm ấy... Có một người đàn ông, bước xuống từ trên chiếc xe hơi sang trọng, dừng lại cúi chào và hỏi thăm những người dân đang làm đồng đường vào cổng làng Tường Xá Đức Thọ...

 

Thái Ngọc Hoàng Thương


Joomla Hosting and Maintenance by Cybersalt

Copyright © 2014-2024. VietVancouver, All rights reserved