NHỮNG NGƯỜI TỴ NẠN BỊ LÃNG QUÊN Ở INDONESIA

 

Nhiều người trốn chạy quê hương đến quần đảo rộng lớn ở Đông Nam Á này để làm đầu cầu đi định cư ở Úc.

Rahima Farhangdost, tỵ nạn người Afghanistan đã sống ở Indonesia từ tháng 8/2014, nói: “Tôi nghe nói thủ tục định cư nhanh chóng, sau 2-3 năm thì tôi sẽ được đi định cư. Nhưng 10 năm đã trôi qua. Tôi tiếc là mình đã đến Indonesia, thà tôi chết ở Afghanistan cho rồi.”

Morwan Mohamad đi dọc theo hàng lang khách sạn cũ kỹ ở đảo Batam, Indonesia để vào căn phòng rộng 6 mét vuông (64 sf), là nhà ở của anh và gia đình trong 8 năm qua. Mohamad, chạy trốn chiến tranh ở Sudan, là một trong hàng trăm người tỵ nạn đang sống tạm trú ở trên đảo để chờ đợi đi định cư một nước thứ ba.

Khách sạn Kolekta, trước kia là khách sạn du lịch, được cải tạo năm 2015 thành nơi tạm trú cho người tỵ nạn, hiện đang chứa 228 người từ các quốc gia có chiến tranh như Afghanistan, Somalia, Sudan v.v. Đảo Batam, nằm ngay phía Nam của Singapore, có dân số 1.2 triệu người.

Indonesia, mặc dù có lịch sử nhận người tỵ nạn từ lâu rồi, lại không phải là quốc gia ký kết Công Ước Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc 1951 và chính quyền nước này không cho phép người tỵ nạn được làm việc kiếm tiền.

Nhiều người đến Indonesia để làm đầu cầu đi tiếp đến Úc bằng thuyền nhưng nay mắc kẹt trong tình trạng không thấy ánh sáng cuối đường hầm.

Mohamad và vợ đến Jakarta 8 năm trước, sau khi đi từ Sudan qua Saudi Arabia, họ đến Văn phòng Cao ủy Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc ở thủ đô. Anh nói: “Tôi chỉ muốn chạy thoát khỏi chiến tranh ở Sudan, tôi chỉ muốn tìm một nơi an toàn để sống.” Họ đến Batam năm 2016, tin rằng từ chỗ đó dễ đi định cư hơn. Cả 3 đứa con của Mohamad đều sinh ra ở Indonesia. Anh chỉ muốn có một đời sống bình thường, làm việc kiếm tiền để tự sinh sống không cần nhờ vả ai.

Anh nói: “Chúng tôi rời bỏ quê hương, gia đình. Chúng tôi nhớ người thân. Nhưng đời sống ở  đây quá khó khăn cho chúng tôi vì suốt 8 năm trời, chúng tôi không làm việc, không làm hoạt động gì có ý nghĩa. Chỉ ăn rồi ngủ rồi thức dậy và lập đi lập lại như vậy”.

Khách sạn Kolekta do Tanjungpinang Central Immigration Detention Center (Trung tâm tạm giam Sở Di trú Tanjungpinang) quản lý nằm trên đảo Bintan gần đó. Cơ sở này có 3 tầng lầu, với cửa sổ có song sắt, sơn tường bị phai nhòa, là nơi tạm trú của mấy chục người nước ngoài với tương lai vô định, không rõ họ có sẽ hồi hương về quốc gia gốc hay không. Tên là khách sạn nhưng điều kiện sinh sống thì giống nhà tù hơn.

Hai người dân Palestine ở đó hơn một năm rồi, không thể trở về vì Gaza đang có chiến tranh. Bốn ngư dân người Myanmar (Miến Điện) bị mắc kẹt ở đây vì không có tiền trả chi phí máy bay về nước.

Trung tâm Tạm giam thì điều kiện còn tồi tệ hơn, vì đây là nơi giam giữ những người vi phạm luật di trú của Indonesia (nhập lậu), còn những người tạm trú ở khách sạn Kolekta đến Indonesia với giấy nhập cảnh hợp pháp sau đó xin tỵ nạn.

 

Văn phòng Cao Ủy Người Tỵ Nạn của Liên Hiệp Quốc (UNHCR) tại Indonesia nói rằng 1/3 trong số 12,295 người tỵ nạn ghi danh với Cao Ủy là trẻ em, hiện nay chỉ được đi học và săn sóc y tế một cách hạn chế.

 

Al Jazeera

24/6/2024

Translated by vietvancouver.ca

 


Joomla Hosting and Maintenance by Cybersalt

Copyright © 2014-2024. VietVancouver, All rights reserved