AMELIA GENTLEMAN, The Guardian, "Trafficked and enslaved: the teenagers tending UK cannabis farms"

 

Phơi cần sa đã thu hoạch. Photo courtesy: David Levene

 

2 thiếu niên và 1 đàn ông người Việt khoảng 30 tuổi bị bắt khi cảnh sát bố ráp tòa nhà, ngày hôm sau thì cảnh sát bắt thêm 1 thiếu niên đang lang thang đường làng Wiltshire. Cậu này trốn thoát cuộc bố ráp của cảnh sát bằng cách cưa song sắt của đường ống thông gió khi cảnh sát xông vào lúc 3 giờ sáng. Cậu ta không nói được tiếng Anh, không có tiền và rất sợ hãi khi bị bắt. Cảnh sát kết luận cả 4 người đều là nạn nhân buôn người cho nên không kết tội ai cả. Hiện họ đang bị giữ tại Trung Tâm Tạm Giữ Di Dân. 3 người khác (2 gốc Anh và 1 gốc Việt) đang bị truy tố tội giam giữ nô lệ, ăn trộm điện và trồng cần sa.

Căn phòng mà các thiếu niên ngủ nguyên là phòng dưỡng bệnh cho viên chức chính phủ. Khi tôi đến thăm tòa nhà tháng rồi, tôi thấy căn phòng kín gió được trang trí sơ sài với 2 cuốn lịch Vietnam 2016 và 2017, 1 tượng Phật vàng, hàng đống DVD Vietnam, 4 nệm ngủ và áo quần mùa hè treo trên giây kẽm giăng ngang phòng.

Người phụ trách tiếp tế cho đám trồng cần sa cũng khá chu đáo, mang đến thuốc bổ, thuốc cảm, quít, hành, gừng. Nhà bếp quân sự đã xuống cấp, gạch trên tường đã bong ra một số, nhưng tủ đông lạnh thì đầy nhóc đồ ăn. Có một bao treo tập đấm cho những cậu bé đấm đá cho bớt bực dọc và vài máy chơi game Pac-Man cũ kỹ.

Cầu tiêu đã hỏng, nên có 28 chai loại 5-lít chứa đầy nước tiểu trong phòng vệ sinh. Ở hành lang, vài xe đẩy siêu thị Asda được dùng để vận chuyển đất trồng cần sa từ phòng này qua phòng khác. Mỗi phòng có 25 ổ cắm điện, được nối với nguồn điện một cách sơ sài, được coi là lấy cắp từ dây điện chính của chính phủ. Thợ điện được cảnh sát mời đến xem xét nói là những dây điện này đều là dây nóng, có thể gây ra hỏa hoạn bất cứ lúc nào.

Vài phòng không cửa sổ (đánh dấu "Phòng ngủ nam" và "Phòng ngủ nữ", "Bộ ngành" và "Khoa học gia") có thuốc bổ cây cối chất cao ngất, hàng tá chai thuốc kích thích tăng trưởng rễ cây chất tận trần phòng và hàng trăm chậu chứa phân bón Grotek Monstor Bloom. Khi đèn thắp sáng được bật lên thì căn phòng có nhiệt độ xứ nhiệt đới. Cảnh sát nói lúc họ đến, tường nhà ướt đẫm hơi nước. Ống dẫn nước màu vàng chạy dọc hàng lang, luồn lách vào khắp 20 căn phòng và từng bó cọc tre dựng ở góc phòng, với đèn gắn trên đầu và nhiều hộp găng tay cao su màu đen. Xem ra việc rửa ráy dụng cụ được làm khá cẩn thận, hành lang không hề có đất vương vãi.

Mùi ngọt đậm của hàng ngàn cây cần sa làm tăng thêm nỗi sợ sệt tù túng chật hẹp. Sau 3 tiếng đồng hồ trong đường hầm tăm tối cùng cảnh sát và một nhiếp ảnh viên, tôi thở phào sung sướng khi được thoát ra ngoài để ngửi khí lạnh tháng hai và nghe tiếng chim hót.

Cảnh sát đang điều tra xem bọn thiếu niên Vietnam đã sang Anh được bao lâu, trại cần sa hoạt động đã bao lâu. Thám tử Paul Franklin, cầm đầu đội chuyên trách hình sự ở Wiltshire, nói rằng khi cảnh sát đưa tin tảo thanh hầm trú bom nguyên tử ở Wiltshire lên Facebook thì nhiều bình luận viên cho rằng đây là một tin tức thật thú vị, ngoạn mục. Họ nói: "Thì có sao đâu? Chỉ là cần sa thôi." Franklin nói: "Họ không thấy được tính nghiêm trọng của sự việc. Đây là tệ nạn bóc lột sức lao động." Franklin nói thêm rằng trong 10 năm qua, băng đảng gốc Việt đã cấu kết với băng đảng Anh quốc để cung cấp lao động nô lệ. Gái trẻ được đưa vào Anh để làm điếm, làm thợ móng tay. Trai trẻ được đưa vào để trồng cần sa. Cần sa được trồng ở Anh nhiều đến độ nay Anh quốc trở thành nước xuất cảng cần sa cho Âu châu. "Cần sa không phải là ưu tiên hàng đầu của cảnh sát. Bạch phiến và cocaine mới là lo ngại chính. Nếu bạn trồng cần sa, chúng tôi không đủ nhân lực để phát hiện hết, cho nên bạn vẫn kiếm tiền được. Có ý kiến rằng nếu hợp pháp hóa cần sa, bạn không cần phải trồng trọt lén lút gây nguy hiểm như vậy. Nhưng chuyện này để cho chính phủ quyết định."

Tháng 1/2017, Helen Jenkins bị sốc khi cảnh sát báo cho bà biết là cảnh sát phát hiện căn nhà bà cho thuê ở Plymouth bị dùng để trồng cần sa. Trong nhà có một thiếu niên Vietnam với thương tích đầy mặt, khai là mới 13 tuổi. Jenkins không thể ngờ. 3 năm nay bà cho một thiếu phụ rất đường hoàng thuê, không có vấn đề gì cả, nhưng tới tháng 10 năm ngoái thì thiếu phụ này cho thuê lại (sublet) cho một người khác. Người thuê lại lần hai này đã biến căn nhà này thành vườn trồng cần sa, lúc nào cũng kéo rèm đóng kín toàn bộ cửa sổ.

"Thật là một cơn ác mộng". Jenkins nói qua điện thoại với giọng nói mất bình tĩnh dù đã 3 tháng trôi qua "Căn nhà bị phá nát. Thật dơ dáy, đất cát khắp nơi, ngay cả dưới sàn gỗ. Trần nhà bị đục thủng một lỗ lớn để nối ống thông hơi. Trên lầu còn tệ nữa: trần nhà bị xệ xuống vì sức nặng của những chậu cần sa trên gác xép. Tôi còn may mắn là nhà này xây thời Victoria nên rất kiên cố, chắc chắn: nhà xây theo kiểu ngày nay thì đã xụp đổ mất rồi."

Lò sưởi được biến thành ống thông gió. Photo courtesy: Penny Cross

 

Khi Jenkins đến nơi, cảnh sát đã lấy đi toàn bộ cây cần sa, chỉ còn để lại 400 chậu đất. Tủ đông lạnh đầy đồ ăn, chứng tỏ là cậu bé được sắp đặt để ở đây lâu dài.

"Chúng nó đóng đinh cổng hậu, nghĩa là không ai vào nhà bằng cổng sau được. Tường được phủ bằng giấy bạc để giữ nhiệt, có rất nhiều đèn cực tím, các cửa phòng biến mất hoặc bị phá hỏng. Mùi cần sa khá dễ chịu, mùi ngọt ngọt. Tôi chưa tiếp xúc với cần sa bao giờ. Tôi ngạc nhiên là không ai cho tôi hay biết chuyện mờ ám này. Nhà thầu sửa nhà ước lượng chi phí sửa chữa là 20,000 bảng Anh. Tôi thiếu điều muốn vỡ nợ."

Theo Chủ tịch Hội Đồng Cảnh Sát Trưởng Toàn Quốc, Bill Jephson, cần sa từ những vườn nhỏ này được bán ở địa phương, trong khi cần sa từ những trại trồng lớn được phân bổ tiêu thụ trên toàn quốc.

Cảnh sát không tiết lộ gì về cậu bé mà họ bắt giữ. Báo chí địa phương tường thuật rằng cậu bé được đưa về cho cha mẹ nuôi chăm sóc nhưng rồi sau đó biến mất, chuyện này không lạ gì. Quận Kent, do gần với cảng Channel nối với Pháp quốc, là nơi nhận nuôi nhiều trẻ di dân nhất rồi cũng mất đi nhiều trẻ di dân nhất. Lý do: những đứa trẻ này thiếu nợ bọn buôn người để được tới Anh, nếu chúng không trở lại tiếp tục làm việc cho bọn buôn người, thân nhân chúng ở Vietnam sẽ bị hãm hại, trả thù. Do đó, chúng bắt buộc phải trốn thoát và trở lại làm việc cho bọn buôn người. Một cái vòng lẩn quẩn.

Giống như Bảo, Tùng cũng bị ép buộc làm điếm nam và trồng cần sa. Em rời miền quê Vietnam lúc mới có 15 tuổi, đến Anh mùa hè 2010. Mẹ em phải trả 10,000 bảng Anh để em gặp lại cha em ở Anh, đi trước em, lý do vì không sống nổi với nghề nông tại Vietnam. Tùng được biết là mẹ em đã phải bán nhà mới có tiền cho em đi Anh. Em tới nước Anh bằng xe tải từ nước Nga. Cuối cùng là được đưa đến căn nhà liền kề tại một thành phố em chẳng biết tên, trên lầu của một cửa hàng đã được biến thành trại trồng cần sa.

Chẳng bao lâu em bị dị ứng với mùi cần sa và những hóa chất mạnh dùng trong phân bón. Em bị ngứa da. Khi tôi gặp em ở Palm Cove Society, Yorkshire, trong chương trình phục hồi nhân phẩm của Salvation Army, em ho quá dữ dội đến độ đôi khi không nói được.

Em nói với tôi: "Cái mùi quá nặng với em, nó làm em muốn ói mửa. Em khó thở, em không ngủ được, nó phá phổi em." Tùng phải dùng thông ngôn viên vì dù là đã sống ở Anh đến 6 năm rưỡi, em phải làm nô lệ cần sa phần lớn thời gian nên ít tiếp xúc với thế giới bên ngoài, không có dịp học Anh ngữ. "Em không sợ nhưng buồn. Em thấy cô độc và lo lắng cho gia đình. Em nghĩ là em cần cố gắng làm việc này để trả nợ càng sớm càng tốt".

Chẳng có gì khác cho em làm: có một cái tivi thì nó lại hư. Toàn bộ cửa sổ bị che rèm để làng xóm không thấy bên trong và mùi cần sa không thoát ra ngoài. Lâu lâu em có được nói chuyện điện thoại với mẹ ở Vietnam, nhưng em không dám nói mình làm nô lệ cần sa, sợ mẹ buồn lo.

Công việc nặng nhọc trong điều kiện nóng bức. Căn hộ luôn luôn giữ ở trong khoảng từ 30oC đến 40oC. Em luôn mặc quần đùi áo thun (phông) dù là bên ngoài mùa đông. Cứ 3 hoặc 4 ngày một tên đàn ông đến, mang theo một ít đồ ăn. Hắn hỏi em: "Mọi việc bình thường?" Em nói: "Bình thường". Hắn kiểm tra mọi thứ rồi ra đi.

Khi Tùng cực kỳ buồn bực, em nằm dài ra sàn và vùi đầu dưới tấm mền. "Em mơ nhiều thứ lắm. Em nghĩ về gia đình. Em muốn được đi học và sống cuộc đời bình thường ở Anh quốc."

Một đêm kia, căn hộ bị cảnh sát bố ráp và em bị dẫn đi. Em không hiểu vì sao em bị bắt, vì em không biết là cây cần sa bị cấm trồng ở Anh quốc. Sau này em mới hay là trực thăng tầm nhiệt của cảnh sát Anh phát hiện ra hơi nóng từ đèn nhiệt dùng để trồng cần sa. Em được đưa tới gia đình cha mẹ nuôi săn sóc nhưng đêm sau thì em liên lạc với bọn buôn người, thế là họ đến và dẫn em đi. Em nói: "Sau này em nhận ra là mình sai lầm khi liên lạc lại với họ, nhưng bởi vì em muốn gặp lại bố".

Trong vài năm sau đó, Tùng phải làm nhiều việc linh tinh, giúp tạo dựng trại cần sa khắp nước Anh, từ Wales tới Scotland, thường xuyên ăn ngủ trong xe van. Bọn buôn người nói là món nợ của em nay lên đến 100,000 bảng Anh, cho nên ban đêm em phải làm đĩ đực cho họ. "Em không muốn làm việc đó, em tìm cách trốn thoát, bọn họ bắt được, đánh đập em, đe dọa hãm hại bố mẹ em. Họ đưa em tới nhiều địa điểm, từ khách sạn, nhà riêng đến cửa hàng, bất cứ nơi nào khách hàng muốn. Khách hàng của em là đàn ông lẫn đàn bà. Em chỉ được trả có 100 bảng Anh một tháng. Em không dám hỏi món nợ của em là bao nhiêu, vì hễ hỏi là bị đánh".

Sau đó, em bị buộc phải làm việc ở một xưởng chế biến cần sa phía sau một tiệm bánh, cảnh sát bắt em tại đây. Lúc đó em đã 20 tuổi, lúc đầu em bị tuyên án 3 năm tù, sau rồi được giảm xuống 1 năm vì thành thật nhận tội ngay tại đồn cảnh sát. Sau đó thì em bị giữ tại Trung Tâm Tạm Giữ Di Trú trong 8 tháng. Nay em đã mất liên lạc với cả bố lẫn mẹ, nhưng em lo ngại rằng cô em gái tại Vietnam có thể đã bị bọn buôn người bắt đi (thay cho em).

Tùng nói: "Chỉ đến khi em được phỏng vấn bởi Bộ Nội Vụ Anh quốc về đơn xin tị nạn tại Anh, em mới hiểu thế nào là nạn nhân nô lệ. Vâng, thật là một diễn tả chính xác. Em là một nô lệ."

Không có con số chính xác bao nhiêu trẻ em Vietnam được bọn buôn người đưa vào Anh quốc để trồng cần sa, nhưng nữ thông dịch viên nói bà ta đã thông ngôn cho mấy trăm trường hợp như vậy. Riêng Tùng cho biết trong thời gian ở Anh, em đã gặp hơn 100 em Vietnam cùng cảnh ngộ. "Trẻ nhất mới có 14 tuổi. Em thấy tội nghiệp cho họ. Em ái ngại là càng ngày càng nhiều trẻ Vietnam bị đưa tới đây."

Dù là Thủ tướng David Cameron đã nhiều lần hứa hẹn sẽ giải quyết tội ác này, cùng là chính thức đề cập với chính quyền Vietnam trong dịp thăm viếng Vietnam năm 2015, nhưng thực tế là chưa có tên buôn người Vietnam nào bị truy tố tại Anh quốc. Theo luật sư Philippa Southwell, hiện đang bào chữa cho hơn 50 trẻ em nạn nhân buôn người Vietnam, rất nhiều trẻ em Vietnam hiện đang nằm trong các nhà tù Anh quốc, dù các em chỉ là nạn nhân. Bà nói: "Tôi đang bận rộn hơn bao giờ hết. Tòa đang tuyên án mỗi ngày. Thật là đáng báo động khi chúng ta kết án và trừng phạt nạn nhân nạn buôn người."

Bây giờ thì Tùng đồng ý chia sẻ kinh nghiệm cá nhân, vì Tùng muốn dân chúng ở Vietnam hiểu biết sự nguy hiểm khi bị đưa lậu vào Anh quốc. Em cảnh cáo: "Bất cứ ai nói bạn nên vay tiền để được đưa sang Anh quốc sống một đời sống tốt đẹp hơn, đừng tin họ. Bạn sẽ buộc phải làm những việc bất hợp pháp mà bạn chẳng muốn làm. Em đang lo bị trục xuất về Vietnam. Bọn họ sẽ tìm ra em và lại buôn bán em sang nước ngoài. Em sợ lắm."

* Nếu bạn phát hiện ra ai đang là nạn nhân nô lệ, hoặc chính bạn là nạn nhân nô lệ, xin gọi cho Salvation Army Anh quốc số 0300 303 8151. Đường dây cứu giúp này hoạt động 24/24.

 

© Bản Việt ngữ của Tim T. Hoang 


Joomla Hosting and Maintenance by Cybersalt

Copyright © 2014-2024. VietVancouver, All rights reserved

  • Số Lượt Truy Cập 1753627