NÔ LỆ CÔNG NGHỆ MẠNG Ở CAMPUCHIA

 

Từng là một phân tích viên chứng khoán tài chánh ở Trung Quốc, Lu Xiang Ri chưa bao giờ tưởng tượng mình sẽ thành nạn nhân của nạn buôn người và thành nô lệ công nghệ mạng ở Campuchia.

Đến Campuchia tháng 9/2020, anh chàng 32 tuổi mơ khởi sự doanh nghiệp riêng. Để học nghề, anh giúp quản lý nhà hàng cho một người bạn ở Phnom Penh. Người bạn này cùng quê ở Trung Quốc.. Lu thấy người bạn làm giàu, xây nhà to, sống sung sướng. Anh cũng muốn như vậy cho chính mình, cho cha mẹ, vợ và đứa con trai 2 tuổi.

Nhưng rồi qua 2021 thì nạn dịch Covid tàn phá nặng, nhà hàng đóng cửa. Lu kẹt ở xứ người thất nghiệp, không có tiền mua vé máy bay đắt đỏ cũng như chi phí cách ly tốn kém khi hồi hương.

Đúng lúc đó thì một khách hàng giúp cho anh một việc làm mà chằng bao lâu sau anh hối hận đã nhận lời.

Anh nói với AlJazeera với một nụ cười hoang mang: “Họ nói tôi chỉ phân tích thị trường chứng khoán cho khách hàng, lương 1500 USD/tháng. Tôi nghĩ tôi chỉ cần làm 2 tháng là đủ tiền trở về Trung Quốc”.

Mới tới làm việc ngày đầu, Lu nhận ra đây là một tổ chức lường gạt và tệ hơn nữa, khi anh muốn bỏ việc, họ nói anh không thể. Lý do họ đã “mua” anh với giá 12,000 USD, anh phải trả lại họ số tiền này nếu muốn ngưng làm việc cho họ.

Jake Sims, giám đốc cơ quan phi chính phủ International Justice Mission (IJM) nói rằng nạn buôn người và nô lệ ở Campuchia không hiếm hoi gì “Có hàng ngàn người đang bị cưỡng bức làm việc tại những cơ sở lường gạt công nghệ mạng”.

Cơ sở lường gạt này nằm ở những sòng bài, khách sạn, khu nghỉ dưỡng du lịch, khu gia cư và tổ hợp văn phòng rải rác khắp nước . Dấu hiệu đặc trưng của những cơ sở này là cửa sổ và ban công có song sắt, hàng rào an ninh có dây kẽm gai. Cổng ra vào được bảo vệ nghiêm ngặt, người lạ không thể nào xâm nhập.

 

Sims và cộng sự đã giúp giải cứu mấy chục nô lệ ngoại kiều – Trung Quốc, Thái, Việt Nam, Nam Dương, Mã Lai, Miến Điện, Phi Luật Tân v.v. bị giam giữ trong những cơ sở lường gạt này trên khắp Campuchia.

 

Sims giải thích: “Họ thường xuyên báo cáo những nhân viên bảo vệ có vũ khí không cho phép họ rời khỏi tòa nhà. Do đó, chúng tôi hiểu rằng đây chính là một hình thức giam giữ”.

“Họ báo cáo bị đánh đập. Họ bị đe dọa nếu họ gọi cảnh sát họ sẽ bị trừng phạt. Họ bị đe dọa sẽ bị bán lại cho chủ nhân mới”.

Giữa năm 2021 hình ảnh và phim quay về tội ác ở những cơ sở lường gạt bắt đầu xuất hiện trên internet: những công nhân này bị đánh bằng gậy gộc, roi điện trước mặt những đồng nghiệp khác, bị trói vào giường khung sắt, mặt cau có vì đau đớn, thân thể đầy vết thương rỉ máu.

Trong một đoạn phim quay, một người đàn ông co mình trong góc phòng, tay ôm đầu che những cú đánh bằng gậy, tên tra tấn đe dọa cắt 2 tay nếu gia đình ông không trả công ty 3,000 USD trong vòng vài giờ. Tống tiền là phương pháp những băng đảng tội phạm này áp dụng với những nạn nhân không chịu làm việc cho họ.

Trong một đoạn phim khác, một phụ nữ trẻ nức nở: “Tôi sợ có ngày họ giết tôi”.

Trong những tháng điều tra, Al Jazeera nói chuyện với hơn một tá nạn nhân ở Campuchia, Trung Quốc, Thái Lan và Mã Lai, những người đã trốn thoát khỏi những cơ sở lường gạt trên mạng. Họ nói những kẻ giam giữ họ phạm tội ác tày đình. Chúng tôi xin gọi họ bằng tên giả để giữ bí mật danh tính cho họ.

Ming, 8 tháng sau vẫn còn sang chấn bởi tai nạn chấn thương lưng khi nhẩy từ lầu một của cơ sở lường gạt để trốn thoát: “Nếu anh không hoàn thành nhiệm vụ, họ đánh anh và dí roi điện vào người anh”.

Trong lứa tuổi cuối 20 và có gia đình một vợ hai con, tháng 3/2021 Ming trả lời quảng cáo cần người trên ứng dụng truyền thông xã hội WeChat, công việc tại Campuchia với mức lương cao gấp mười lần việc làm tái chế nguyên liệu từ rác của anh ở Trung Quốc.

Nhưng cũng giống như nhiều người khác ở Á châu đã trả lời quảng cáo thuê người làm việc trên WeChat, QQ, WhatsApp hay Telegram, Ming bị lừa vào kỹ nghệ lừa đảo mạng của Campuchia.

Anh mô tả nỗi kinh hoàng khi những tên buôn lậu người có vũ trang chở anh và những người bị lừa khác trên xe máy 2 bánh vượt biên giới Việt-Miên “Tôi hy vọng họ không dùng súng với chúng tôi”.

Ming nói với giọng hối tiếc: “Tôi đâu ngờ có thể vượt biên vào Campuchia mà không cần sổ thông hành. Tôi cũng không ngờ mình sẽ làm công việc lừa đảo người trên mạng”.

Ming nhớ lại bị giam giữ trong khu nhà nhiều tầng cùng với mấy trăm người khác, phải làm việc cho nhiều công ty bán hàng lừa đảo trên mạng nhắm vào người nhẹ dạ ở Trung Quốc, Âu châu, Mỹ, Nhật, Việt Nam và Thái Lan.

Lin, mới 16 tuổi, đang làm việc trong nhà hàng lẩu ở Trung Quốc thì một khách hàng quen biết hứa hẹn một công việc lương cao ở tỉnh Quảng Tây giáp biên giới Việt Nam. Nhưng rồi cô bị bắt cóc đưa sang Campuchia.

Cô cho biết có một lúc họ bị buộc phải băng qua một dẫy núi: “Hắn rút súng ra và ra lệnh chúng tôi phải yên lặng, vì nếu hắn bị bắt, hắn sẽ giết hết chúng tôi. Chúng tôi rất sợ hãi”. Cô nói nhỏ nhẹ, tay xoắn khăn trải giường trong một ngôi nhà tạm trú sau khi được giải cứu.

Lin giải thích việc làm lừa gạt ái tình trên mạng. Công ty tạo ra một nhóm kết bạn trên tuyến (online) cho đàn ông muốn tìm bạn gái. Công ty đánh cắp hình ảnh, lai lịch của đàn bà trên mạng rồi ngụy tạo thành những người ảo: “Chúng tôi đòi hỏi khách hàng phải đóng phí gia nhập nhóm trước khi giới thiệu các người đẹp cho họ kết bạn, nhưng những người đẹp này đều là người ảo”.

Lin nói xếp của họ thường xuyên áp bức họ nếu họ làm việc không đạt chỉ tiêu.

“Họ đánh đập nhân viên trước mặt chúng tôi. Xếp biết là tôi không thể đạt chỉ tiêu. Mỗi lần đi qua tôi, hắn đánh tôi bằng roi điện. Rất đáng sợ.”

Đêm xuống, một trong những tên xếp đó đi tìm nạn nhân tình dục. Lin khóc khi miễn cưỡng kể lại chuyện hắn sờ mó nữ nhân viên, họ phải kháng cự lại hoặc lẫn trốn trong những phòng ngủ nhân viên khác..

Để chữa trị sự sợ hãi, cô phải uống thuốc ngủ. Sau 3 tháng bị giam giữ ở những tầng cao của tòa nhà, biết rằng không thể về nhà sớm, cô trở thành tuyệt vọng và trầm cảm.

“Tôi nghĩ là chết thì tốt hơn. Tôi tìm ra những viên thuốc ngủ và uống hết toàn bộ một lúc”. Cô gục đầu thầm thì.

Cô thức dậy ở bệnh viện. Cô được giải cứu bởi một nhóm tình nguyện viên, trong đó có Lu Xiangri.

Lu được giải cứu vài tháng trước, sau 11 ngày bị giam giữ ở 3 cơ sở lường gạt. Mỗi lần bị bán cho một công ty khác là giá bán tăng lên, từ 12,000 USD công ty đầu đến 16,700 công ty thứ hai và lên 18,000 cho công ty thứ ba.

Khi đang bị bán cho công ty thứ tư thì anh được cảnh sát giải cứu. Anh đã cầu cứu Tòa Đại sứ Trung Quốc cũng như Tỉnh trưởng Campuchia.

Chen, một đầu bếp Trung Quốc 23 tuổi, cũng bị sang tay giữa 3 cơ sở khác nhau. Anh tưởng là anh sẽ làm việc cờ bạc trên tuyến (online gambling). Họ trả vé máy bay cho anh, cả chi phí cách ly ở khách sạn.

Những công ty lường gạt mà anh bị phục vụ làm đủ thứ kinh doanh bất chính, từ cờ bạc gian đến lừa tình bằng tiền kỹ thuật số. “Thật kinh tởm”.

Xem đoạn phim chiếu một khu nhà ở nơi anh bị giam giữ, người thanh niên trẻ thở dài và lắc đầu: “Như ở tù. Ngay cả tù thật sự cũng còn quyền con người, nhưng ở đó, họ không e ngại gì cả”, anh nhìn chăm chăm vào những song sắt trên từng cửa sổ khi nói.

Những hoạt động lường gạt của băng đảng Trung Quốc là loại kinh doanh lớn, thu về hàng chục tỷ đô la mỗi năm. Chúng lừa không chỉ đồng hương Trung Quốc mà dân chúng Âu châu, Bắc Mỹ và Úc Châu.

Hong, 24 tuổi, cho biết anh phải làm việc lường gạt xổ số nhắm vào những nông dân ít học Trung Quốc.

Cựu huấn luyện viên chơi golf cũng được hứa hẹn việc kiểm phẩm ở nhà máy thực phẩm với mức lương 3,000 USD/tháng. Họ cũng trả vé máy bay từ Trung Quốc và chi phí cách ly ở Campuchia cho anh. Anh phải làm bạn với những nạn nhân này trên mạng truyền thông xã hội QQ, rồi dụ dỗ họ chơi xổ số trên tuyến, một ứng dụng thật hợp pháp và một ứng dụng giả của công ty.

“Tôi giải thích với khách hàng là ứng dụng của công ty đã thâm nhập vào ứng dụng xổ số hợp pháp, nếu khách hàng mở hai ứng dụng cùng lúc thì họ sẽ trúng xổ số hợp pháp vì ứng dụng của công ty có thể kiểm soát được kết quả của xổ số hợp pháp. Nhưng nhân viên không được phép nói với khách hàng là họ không bao giờ được lãnh giải và cũng không bao giờ thu hồi được tiền đầu tư. “Nếu khách hàng không bỏ thêm tiền đầu tư, chúng tôi khóa tài khoản của họ khiến họ không thể rút tiền ra”.

Theo Hong, công ty có đến 200 nhân viên và hoạt động khá thành công, hàng ngàn nạn nhân đầu tư từ 15,000 USD đến 30,000 USD trong vòng vài tháng.

“Vậy nhóm điều hành công ty, khoảng 10-20 người, có thể đã kiếm được 900,000 USD”, anh nói với giọng bùi ngùi hối hận vì đã tham gia tiếp tay lường gạt người đồng hương.

Chen, 23 tuổi, một nô lệ bị buộc làm việc trong lãnh vực lừa gạt ái tình dùng tiền số hóa, nhắm vào những đàn bà Trung Quốc giàu có sống ở nước ngoài.

Đầu tiên là công ty bắt họ tạo ra những con người ảo, dùng hình ảnh và đoạn phim của người khác trên internet.

Anh kể: “Tôi phải tạo ra một con người đẹp trai, tích cực, có việc làm ổn định. Không phải là một công tử giàu có, nhưng cần có việc làm thích hợp. Tôi thành người góa vợ. Tôi phải tạo ra chuyện đời lâm ly buồn khổ, càng buồn càng tốt.”

“Mỗi nhân viên chúng tôi phải viết ra chuyện đời của mình để học thuộc lòng, vì khi mình nói chuyện với quá nhiều người, mình có thể bị quên và nói không thống nhất”.

Tỷ lệ thành công của công ty khá cao. Chen nhớ lại 6 người ở Chengdu (Thành Đô) đã bị lường gạt hơn 3 triệu USD còn một phụ nữ ở Canada bị lường gạt 1.5 triệu USD.

Theo Chen, đây chỉ là con số tượng trưng. Công ty đặt chỉ tiêu cho mỗi nhân viên phải tiếp cận 500 con mồi mỗi ngày.

“Chúng tôi có một phần mềm điện toán mà khi bạn đánh vào số mã nước, số mã vùng thì toàn bộ số điện thoại của dân chúng hiện ra. Thế là chúng tôi có thể làm quen bất kỳ ai trực tiếp”.

Anh nói công ty cũng có phần mềm giúp họ có thể đăng nhập vào 20-30 tài khoản WhatsApp cùng một lúc, họ dùng tiếng Hoa để đối thoại, phần mềm sẽ dịch ra bất kỳ ngoại ngữ nào của đối tượng.

Mức độ cao cấp thông thái của những phần mềm điện toán này làm ngạc nhiên cả Ngô Minh Hiếu, chuyên viên của Trung tâm An ninh mạng Quốc gia Việt Nam. Anh nói: “Họ là dân chuyên nghiệp, là cao thủ chứ không phải kẻ gian mạng bình thường”.

Ngô Minh Hiếu

 Hiếu, từng bị Hoa Kỳ bắt giam vì phạm tội lừa đảo mạng cỡ lớn, nay đã hoàn lương, còn ngạc nhiên hơn với quy mô của những tổ chức lường gạt mạng ở Campuchia.

“Đây, lại một cái nữa, Easy Lottery, cùng một máy chủ, nhiều không thể đếm được”. Anh lướt từ trang mạng lừa đảo này đến trang mạng lừa đảo khác.

“Biết bao là tiền. Một công ty có thể kiếm bạc triệu mỗi ngày…mà biết bao nhiêu công ty”.

Campuchia là nước tham nhũng thứ ba ở Á châu, chỉ sau Triều Tiên (Bắc Hàn) và Afghanistan, theo xếp hạng của cơ quan Transparency International (Minh Bạch Quốc Tế).

Thủ tướng Hun Sen và đảng Nhân Dân Campuchia cai trị suốt 40 năm. Những tổ chức Nhân quyền quốc tế đã cáo buộc ông và bè đảng tội tham nhũng, tàn bạo và áp bức. Ông và đồng đảng đóng cửa truyền thông độc lập, truy tố những người phê bình và ngăn cấm đảng đối lập. Nhiều người nói ông và đồng đảng coi đất nước Campuchia là một đế quốc kinh tài của riêng họ.

Quan hệ gia tăng với Trung Quốc, từ cộng tác quân sự cho đến đầu tư kinh tế, càng làm họ mạnh dạn hơn.

3 nhà đầu tư lớn nhất người Trung Quốc: Dong Lecheng, Xu Aimin và She Zhijiang, đều đã bị truy tố ở Trung Quốc vì những tội tài chính lên đến hàng chục triệu đô la. Họ đều tham dự vào những cơ sở lường gạt mạng, nhất là tại Sihanoukville.

Đầu tư từ Trung Quốc đã biến thành phố biển hiền hòa ngày xưa thành đô thị cờ bạc sôi động, nơi tội phạm có tổ chức và tham nhũng hoành hành. Trong vòng vài năm gần đây, nó trở thành trung tâm buôn lậu người nô lệ, khi những cơ sở lường gạt mạng nở rộ.

Ở kế cận phần được gọi là Phố Tàu của bãi biển chính, một khu phức hợp lường gạt mạng khổng lồ mọc lên.

Một cái khác nằm sát xa lộ quốc gia dẫn về Phnom Penh.

Một cái khác nữa, White Sand Palace Hotel, đối diện với dinh thự mùa hè của Thủ Tướng.

Chuyên viên an ninh Trung Quốc từ Institute of Peace của Mỹ, Jason Tower, điều tra mạng lưới đồng lõa tội phạm đàng sau những cơ sở nô lệ mạng này.

“Nếu chúng ta đi tìm hiểu những chủ nhân của những tòa nhà chứa hoạt động phạm pháp này, chúng ta thấy họ đều có liên hệ mật thiết với những cấp lãnh đạo cao nhất của Campuchia”.

Đa số những tay tài phiệt này đều có một điểm chung: quan hệ thân thiết với Thủ tướng Hun Sen. Đó là cháu trai, đương kim cố vấn, cựu cố vấn, một người đã chở Thủ tướng bằng phi cơ riêng tới trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York và một người là đồng chí chính trị lâu năm.

Sihanoukville là trung tâm, nhưng cơ sở nô lệ mạng thì rải rác khắp Campuchia.

Cách Sihanoukville 50km, Long Bay là một cơ sở khác.

Được quảng cáo là một khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, Long Bay nằm trong khu phát triển địa ốc lớn nhất của đất nước, do tập đoàn Trung Quốc Union Development Group (UDG) làm chủ. Năm 2020, Hoa Kỳ coi UDG là một công ty quốc doanh Trung Quốc và trừng phạt kinh tế công ty này vì đã trục xuất qui mô nhiều dân cư để lấy đất xây dựng.

Tội phạm Trung Quốc đang bị truy nã She Zhijian là nhà đầu tư lớn nhất ở Long Bay. Cảnh sát cho biết 50 người đã được cứu thoát khỏi cơ sở này.

Cách Sihanoukville 150km về hướng Bắc, nằm trong một rặng núi hoang vu là một cơ sở khác. Cơ sở này có liên quan tới Hun To, cháu trai của Thủ tướng Hun Sen. Hun To đang bị cảnh sát Úc điều tra tội buôn lậu ma túy.

Hắn là giám đốc của nhiều công ty của tập đoàn Heng He, tập đoàn Trung Quốc đứng tên chủ cơ sở. Cơ sở này nằm trong vùng Đặc Khu Kinh Tế và khu này do Try Pheap, cựu cố vấn cho Hun Sen, làm chủ. Try Pheap cũng bị Hoa Kỳ cấm vận kinh tế vì tội vi phạm nhân quyền và phá hoại môi trường.

Chuyên viên an ninh Trung Quốc Jason Tower nói Đặc khu kinh tế nổi tiếng là chứa chấp cơ sở lường gạt mạng và những hoạt động phi pháp khác, không chỉ riêng Campuchia nhưng toàn vùng Đông Nam Á, đặc biệt là Myanmar.

“Nên gọi là Đặc Khu Phi Pháp thì đúng hơn,vì tất cả những hoạt động phi pháp nơi đó không bị pháp luật nhà nước áp dụng”.

Tất cả những người bị nêu tên bởi Al Jazeera từ chối trả lời, ngoại trừ Hun To, cháu trai Thủ tướng. Ông ta nói mình “không phải là giới chức có thẩm quyền trong vấn đề này và không biết gì về hoạt động lường gạt mạng”.

Trong cuộc phỏng vấn với Al Jazeera, Phó Chủ Tịch thành phố Sihanoukville, Long Dimanche và Trưởng ban Quốc gia Chống buôn người, Chou Bun Eng, nói rằng hầu hết những cáo buộc về buôn người, giam giữ, cưỡng bức lao động của cơ sở lường gạt mạng là không có thật.

Dimanche nói: “Họ muốn đổi việc làm tốt hơn. Khi họ không được phép bỏ việc, họ nói họ bị giam giữ” .

Nhưng đối với Chong, 27 tuổi, ký ức về giam giữ vẫn còn tươi rói.

Cựu chuyên viên đồ họa Trung Quốc này, nằm trên giường, không thể bước đi vì chân và lưng bị gẫy do nhẩy từ lầu 3 xuống đất để trốn thoát, nói anh đã phạm lỗi nghiêm trọng khi nhận lời hứa hẹn làm việc phục vụ khách hàng lương cao.

Nơi anh phải làm việc là thành phố Poipet ở biên giới phía Bắc của Thái Lan. Khách hàng con mồi của anh là người Nga. Anh bị tịch thu hộ chiếu. Họ nói nếu anh muốn thôi việc, anh phải trả 20,000 USD. Anh tìm cách trốn thoát.

“Tôi dùng áo quần, thắt lưng làm một sợi giây nối từ lan can lầu 3 xuống tới đất rồi chờ ban đêm leo xuống”.

Không may là dây thắt lưng cột vào lan can bị đứt, anh té xuống đất. Bảo vệ kéo anh vào lại cơ sở và đòi gia đình anh trả 30,000 USD trước khi chở anh tới nhà thương.

“Họ nhốt tôi vào phòng tối. Tôi không thể di chuyển gì được. Tôi bị giam 2 ngày. Gia đình tôi phải trả tiền chuộc”.

Giống như nhiều nạn nhân khác, anh đang chờ ngày hồi hương Trung Quốc. Bị thương, không có tiền chữa trị, cô đơn xứ người, Chong phải trải qua thử thách nghiêm trọng cả thể xác và tâm hồn.

Lu Xiangri, cựu phân tích viên chứng khoán, quyết định ở lại Campuchia để giúp đỡ những nạn nhân nô lệ mạng. Nhưng anh và những tình nguyện viên khác cần cộng đồng quốc tế giúp đỡ để có thể ngăn chặn kỹ nghệ lừa đảo trên mạng tại một quốc gia mà nạn tham nhũng hoành hành không giới hạn.

 

Mary Ann Jolley và David Boyle

Al Jazeera

Aug 11, 2022

© Bản Việt ngữ vietvancouver.ca

 

Lường gạt bằng Facebook từ Việt Nam

Lường gạt trên tuyến (online) từ Việt Nam chủ yếu bằng Facebook. Những cô gái xinh đẹp được tạo ra, dùng hình ảnh lấy trên mạng. Đối tượng là Việt kiều sống ở nước ngoài. Các người đẹp ảo này tìm cách làm bạn với Việt kiều rồi tìm cách moi tiền bằng cách tạo dựng câu chuyện thương tâm về hoàn cảnh mình hay cha mẹ mình bệnh hoạn, cần giúp đỡ chữa trị thuốc thang. Hoặc người đẹp ảo cũng xin tiền để trợ giúp trẻ em nghèo vùng cao biên giới v.v. Đây là những cơ sở lường gạt, thuê nhân viên nữ làm việc đóng vai người ảo.

vietvancouver.ca

 


Joomla Hosting and Maintenance by Cybersalt

Copyright © 2014-2025. VietVancouver, All rights reserved

  • Số Lượt Truy Cập 1779388