O Nhung đi du lịch Việt Nam

 

PHẦN 1

 

Chuyến đi về Việt Nam lần này, tôi đi một mình và đi một tháng, cho nên thượng vàng hạ cám, chỗ nào cũng muốn nếm mùi để xem thiên hạ bây giờ sống ra sao. 

Lúc đầu, tôi tính về Việt Nam đi chu du một tuần, sau đó mua tours đi Đại Hàn, Đài Loan, và Nhật Bản để xem hoa đào, rồi từ đó về lại Mỹ. Tuy nhiên, sau khi đồng ý giá cả với công ty du lịch Saigontourist về những tours đi các nước này, và gởi passport để “chốt” vé, mới biết các công ty du lịch ở Việt Nam bây giờ không nhận cho khách trên 70 tuổi đi một mình vào các tours đi nước ngoài, mà phải có một người dưới 60 tuổi đi theo, để nếu có chuyện gì xảy ra cho các ông bà cô già thì có người ở lại … lo hậu sự. 😟. Điều này cũng nên thông cảm cho họ. Vì các vị cao niên Việt Nam đi đứng lạng quạng giống ông Biden, mà những người sống tại VN thì lại ít có người nói được tiếng Anh và mua bảo hiểm sức khỏe. Cho nên nếu có chuyện gì xảy ra cho các vị này thì họ sợ cả đoàn sẽ bị vạ lây. 

Chương trình vì thế thay đổi. Tôi quyết định chọn Phú Quốc, Đà Nẵng, Hội An, Hà Nội, và đi cruise 2 ngày trên vịnh Hạ Long và Lan Hạ (để nếm mùi vương giả), và cuối cùng nhờ cô cháu, quen một người hướng dẫn du lịch tour đi Nhật Bản, giới thiệu và bảo đảm rằng bác của nó không gây trở ngại cho đoàn, nên họ chấp nhận cho mình đi Nhật theo đoàn. 

Lên chương trình: 

Việc đầu tiên là định ngày nào đi đâu và ở đâu để mua vé máy bay nội địa và lấy khách sạn. Tốt nhất là lựa các chuyến bay trong khoảng 11am đến 1pm cho tiện giờ check-out khách sạn bên này và check-in khách sạn bên kia. 

Khách sạn:

Tìm khách sạn thì có hotels.com. Trong trang nhà của họ có cả bản đồ để giúp mình chọn những khách sạn gần với những chỗ mình muốn đi. Nếu bạn ghi danh vào hotels.com và trở thành members, bạn sẽ được giá discounts, và cứ mỗi  lần xài hết 10 đêm, thì họ cho bạn một đêm miễn phí. Bạn trả bằng credit card và nếu có thay đổi chương trình thì bạn có thể hủy phòng mà không mất tiền.

Vé máy bay nội địa:

Mua vé máy bay đi trong nước thì mua trên vietnamairlines.com. Họ không có chuyến bay Phú Quốc đi Đà Nẵng cho nên chuyến này phải mua trên bambooairways.com. Bạn có thể mua thẳng trên Online và trả bằng credit card hay nhờ người quen ở VN mua dùm rồi chuyển tiền cho họ. Nhớ gởi copy của passport để mua cho đúng tên trong passport.

Có nên chọn “need assistance” / “cần xe lăn” khi mua vé về VN hay không? Lúc đầu tôi không chọn vì nghĩ mình còn đi được. Tuy nhiên, nghe ông anh vừa đi VN về kể lại, vợ của anh đi đứng khó khăn nên anh phải chọn “need assistance”. Không ngờ đi như thế vừa khỏe vừa nhanh. Vì vậy, sau 27 tiếng ngồi trên 3 chuyến máy bay, đeo thêm 2 cái túi đồ hơi nặng trên hai vai, tôi oải quá, nên vừa bước ra khỏi máy bay ở Tân Sân Nhất, nghe một nhân viên hỏi “cô có cần giúp” thì tôi đồng ý ngay. Họ đẩy cái xe lăn tới mời mình ngồi vào. Tôi nói: “không cần”, nhưng họ nói: “trông cô mệt thế, ngồi lên xe con đẩy cho thoải mái”. Thế là đám xe lăn có thêm một bà cô già. Đúng như anh tôi nói, đoàn xe lăn được nhân viên phi trường đẩy đến hàng dành riêng cho xe lăn tại trạm hải quan, vì không có nhiều người nên chỉ mất 20 phút, thay vì mất 1 tiếng xếp hàng rồng rắn cả chục vòng. Cô nhân viên lo cả việc lấy hành lý, và làm thủ tục qua máy scan hành lý ở trạm cuối cùng cho mình luôn. Tiền tip trả cho dịch vụ vương giả này là $20.

 

Saigon.

Lần nào về VN tôi cũng ở khách sạn Thiện Hải, 220 Lý Tự Trọng Quận 1. Giá một đêm từ $24 đến $31 tùy theo phòng có city view hay không. Ở đây được ăn sáng theo kiểu buffet miễn phí (hai người đi thì càng lời vì mỗi buổi ăn đáng giá $7). Nếu bạn ở đó một hai hôm, rồi đi đâu xa, trở về ở tiếp, thì check-out và gởi hành lý nhờ họ giữ dùm. 

Khách sạn này đi bộ ra chợ Bến Thành, vườn Tao Đàn, câu lạc bộ, nhà thờ Đức Bà, và nhà hát lớn (quốc hội cũ). Tôi thích xem show, nên mỗi khi về VN, tôi hay tìm xem nhà hát lớn đang diễn show gì để đi. Show VN nổi tiếng trình diễn ở nhà hát lớn là show của Á Ố Production. Show dài 1 tiếng và giá vé khoảng $50. (Show của Á Ố Production cũng có ở nhà hát lớn ngoài Hà Nội). Show do đạo diễn VN dàn dựng và đào kép VN biểu diễn.

Đặc biệt là trong chuyến về Saigon lần này, tôi có dịp gặp một người con của ông chú từ ngoài Bắc “di cư” vào Saigon sau năm 1975. Anh ta hẹn gặp tôi ở một quán bán bia Đức. Khi đến nơi, được nhân viên nhà hàng mời ra một bàn ăn ngoài balcony, ở đó thấy người em họ và ba người đàn ông trẻ khác đang … nhậu. Sau khi giới thiệu, tôi hết hồn vì thấy mình đang ngồi chung bàn với một lô mấy ông hải quan thứ thiệt. Một ông là chi cục trưởng hải quan khu Tân Cảnh đã về hưu, một ông là đội trưởng hải quan Tân Sơn Nhất, một ông là kiểm soát viên hải quan TSN phòng chống ma túy, và một ông là kiểm soát viên hải quan thương cảng Cát Lái. Mấy ông nhậu quá trời nên tôi chợt hiểu lý do họ chọn quán bia này vì ở đây bán bia của Đức … là nhậu theo kiểu vương giả, ít xỉn hơn. Mấy ông thấy tôi lớn tuổi hơn, lại là chị của boss cũ nên họ lễ phép hơn. Câu chuyện mấy ông nói với nhau là ảnh hưởng của sự thay đổi nhân sự trong chính quyền mới đây. Tôi hỏi: “Vụ thay đổi nhân sự mới đây có ảnh hưởng gì tới mấy anh không?”. Họ nói: “Chỉ ảnh hưởng ở cấp bí thư thôi”. Tôi liều mạng hỏi thêm một câu: “Vụ này có dính líu gì tới vụ thanh trừng ông Hồ Cẩm Đào bên Tàu không?”. Họ nói: “Chỉ dính líu tới vụ tham nhũng thôi”. Còn câu chuyện mấy ông nói với tôi là từ thế hệ của tôi tới thế hệ của mấy ông, và từ chế độ thời Cộng Hoà của tôi tới chế độ Cộng Sản của mấy ông. Một ông trẻ nhất đòi tôi chụp cái hình để nhờ tôi giới thiệu xin làm rể bên Mỹ. Tàn tiệc, tôi bước vào bên trong để tìm lối ra, thì đụng một bàn gần 20 mạng choai choai cũng đang … dzô tơi bởi. Nhìn kỹ thì ra là đám nhóc làm việc ở phi trường TSN. Bây giờ thì hiểu rồi. Quán ăn này là nơi các quan đến để xài tiền … tip.

Qua hôm sau, cơm hàng cháo chợ, sáng buffet ở khách sạn, trưa lội bộ vào chợ Bến Thành, đến sạp Đông Phương ăn dĩa bánh cuốn nóng và bánh tôm chiên, uống thêm một ly nước mía. Chiều lội bộ ra quán Nam Giao, ăn dĩa bánh nậm và một chén chè đậu ván. Tối bước qua bên kia đường cho mấy em kiều nữ đấm bóp. Tìm được chỗ này là do đứng bên cửa sổ của khách sạn nhìn xuống, thấy mấy em chân dài ngồi bên ngoài khỏe đùi trông hấp dẫn quá trời, khiến đàn bà như tôi cũng xiêu lòng.

Các kiều nữ Lina Spa.

Cho những người tứ cố vô thân như tôi, không ai đón ai đưa, thì các khách sạn đều có dịch vụ cho xe lên phi trường đón khách, giá khoảng $20, đón từ phi trường Tân Sơn Nhất và Nội Bài. Tới ngày đi, nhờ khách sạn gọi Grab (giống Uber) dùm, như thế bạn sẽ biết trước tiền phải trả cho cuốc xe là bao nhiêu. Các chú "bảo vệ” rất sốt sắng. Mỗi khi xe đến, họ ra canh xe hai bên đường và canh luôn mấy ông kẹ rình giựt đồ của khách. Ở khách sạn, nếu bạn cần mua một món đồ bất ngờ, như cục đổi điện hay dây charge phone, bạn có thể nói với họ, họ sẽ lấy xe chở bạn đi mua. Nhớ đi tới đâu tip tới đó, chỉ cần 20 hay 30 ngàn tiền VN là làm họ vui rồi. Cho nên trong túi khi nào cũng thủ một đống tiền lẻ.

Nếu bạn cần dịch vụ đổi tiền thì đến một trong hai tiệm đổi tiền nằm đối diện chợ Bến Thành mé cửa Tây, góc đường Phan Chu Trinh và Nguyễn An Ninh. Hai tiệm này khi nào cũng đông khách.

Nếu bạn muốn mua gì đem về, như tôi thích mua ô mai của Hồng Lam và bánh cốm của Bảo Hiên Rồng Vàng (ở gần khách sạn Thiện Hải), bạn có thể mua online và yêu cầu họ giao hàng đến khách sạn. Khi nhận hàng xong mới giao tiền. Dịch vụ giao hàng tận nơi rồi mới lấy tiền chắc chỉ có ở VN.

Bên cạnh khách sạn Thiện Hải có tiệm Family Mart. Bạn có thể vào đó mua nước uống hay vật dụng cần thiết để mang về khách sạn. Đặc biệt trong tiệm này có bán bánh bao trứng muối và kem cây sầu riêng rất ngon.

Phòng ăn của các khách sạn chỉ dùng cho buổi ăn sáng. Cho nên nếu bạn có khách đến thăm, bạn có thể mua nước uống và thức ăn mang vào phòng ăn, vừa ăn vừa hàn huyên. (Chỉ cần nói trước với lễ tân). Có một lần, các bạn ở trong nước đòi tôi đãi cà phê Starbucks, vì họ muốn nếm mùi cà phê của Mỹ. Tôi thấy cà phê ở đó vừa dở vừa mắc nên chưa nhận lời. Chợt một hôm, vào một tiệm bán trái cây quốc doanh ở trên đường Lê Thánh Tôn gần khách sạn, thấy trong tủ đông lạnh, có 2 loại cà phê của Lee Sandwich, loại nắp màu nâu nhiều cà phê hơn và loại nắp màu đỏ nhiều sữa hơn. Mừng quá tôi mua về cả hai loại, rồi ghé Family Mart mua bịch nước đá, mang về khách sạn, mượn ly và muỗng của họ, rồi mời các bạn tôi đến để đãi họ một chầu cà phê … của Mỹ. Dĩ nhiên là ai cũng khen ngon vì cà phê trong chai đông lạnh của Lee Sandwich thì ngon thật. Tôi dấu nghề không được bèn khai ra và chỉ cho họ cách pha cà phê theo kiểu của o Nhung. Chỉ tiếc lần đi này thời gian hạn hẹp nên không gặp được nhiều bạn.

Sài Gòn có rất nhiều quán ăn ngon và nổi tiếng, nhưng khi chỉ đi một mình, vào tiệm ăn thấy bất tiện, nên tôi thường tìm những nơi nào lạ một chút, để đến thưởng thức các món ăn và chụp hình thiên hạ … đang ăn. Sau đây là một số nơi cho bạn tha hồ cơm hàng cháo chợ:

-Đi ăn tối trên thuyền ở bến sông Sài Gòn. Thức ăn bình dân gồm 6 món, có ca nhạc, và tàu đi trên sông để khách được ngắm cảnh Sài Gòn ban đêm. 

Xin xem clip về Ho Thi Ky Street Food Market ở hẻm 66 Hùng Vương trên Youtube để biết thêm. 

-VinCom Center Food Court, địa chỉ: 72 Lê Thánh Tôn Bến Nghé Q-1. Bán thức ăn theo kiểu Food Court như trong mấy cái Mall lớn bên Mỹ. Tôi thích đến đây vì thích ăn buffet BBQ Đại Hàn tại nhà hàng Sumo BBQ, giá khoảng $12 - $15. Ngoài các món tự nướng, còn có salad bar và đủ loại tráng miệng như chè, kem, và trái cây.

Xin xem clips của các YouTuber về tiệm ăn Sumo BBQ và Vincom Food Court để biết thêm.

Sài Gòn còn có một nơi dạy nhảy đầm rất thích thú như lời quảng cáo của một bà bạn độc thân mê nhảy, đó là Câu Lạc Bộ cạnh vườn Tao Đàn. Bà nói vì mê nhảy đầm nên mỗi lần về Sài Gòn bà đến đó một tuần 3 lần, trả $10 một giờ cho mấy sư phụ để được nhảy đẹp và dĩ nhiên là … nhảy sảng khoái. Tôi cũng muốn nếm mùi sảng khoái như thế nhưng bà bạn tôi lần này không về theo , nên tiếc quá chờ lần khác vậy. 🙃

Nếu bạn vào vườn Tao Đàn ngày cuối tuần, bạn sẽ thấy rất đông các em trong Hướng Đạo hay Thiếu Nhi Thánh Thể, họp lại từng nhóm sinh hoạt rất nghiêm chỉnh và dễ thương. 

Sài Gòn có những quán cà phê ngồi trong vườn, bạn đến đó vừa ăn uống vừa nghe nhạc xưa của Ngô Thụy Miên và Từ Công Phụng … như quán Cà Phê Sỏi Đá trên đường Ngô Thời Nhiệm. Tuy nhiên, khách đến đó nói chuyện nhiều hơn là nghe nhạc, cho nên bạn đến đó để lãng đãng “xem” hát và nghe người bên cạnh ba hoa chích choè đủ thứ.

Sài Gòn cũng có những phòng trà khắp nơi chờ bạn đến nghe nhạc xưa và nay. Tôi đã đến phòng trà Đồng Dao một lần những không thích lắm vì ca sĩ thường là những ca sĩ nổi tiếng một thời nhưng giờ đã lớn tuổi, và nhạc thì đa số là nhạc xưa tôi đã nghe không biết bao nhiêu lần 😛. Tôi thích phòng trà M&Tôi hơn vì ca sĩ trẻ hơn và hát được cả hai loại nhạc mới và cũ, vừa được rửa tai vừa được rửa mắt. Tôi quên mất là mình đã già cho tới một lần, đang ngồi ở một phòng trà nào đó nghe bài hát Riêng Một Góc Trời, thì bất chợt phía sau có tiếng nói nhỏ: “bài này hình như là bài hát ông ca sĩ già thiệt già tên Ngọc gì đó hay hát phải không?”, khiến tôi ngã ngửa, hình như người vừa được nhắc tên là Tuấn Ngọc. Ui chao! Mình cũng thuộc vào loại già thiệt già rồi sao. 

 

PHẦN 2

 

Đi du lịch một mình như tôi tuy “cô đơn” và “buồn chết” như một số người quen ái ngại dùm, nhưng lại gặp được một số người rất thú vị. Như trong chuyến tour du lịch từ Việt Nam qua Hồng Kông và Thẩm Quyến 7 năm về trước, tôi đã quen được một vài người, trong đó có một cặp vợ chồng làm chủ một vườn chanh ở Cần Thơ. Bà vợ thì ôm cái điện thoại tối ngày, đi tới đâu bà đổi sim tới đó để ra lệnh cho người nhà phải làm gì với cái vựa chanh. Ông chồng thì chỉ lo dành chỗ tốt cho vợ, tại bàn ăn cũng như trên xe bus. Ông mang theo đủ thứ tiền nên ai cần thì ông sẵn sàng đổi cho. Ngày cuối cùng của chuyến đi, bà vợ chợt mời tôi về Cần Thơ chơi. Bà nói: “Cô đi một mình thấy thương quá, nếu cô không bận gì thì theo tụi tui về Cần Thơ vài ngày, có gì ăn nấy, cô khỏi lo gì hết”. Hai chị em một cô trong đoàn, làm cho một cho công ty du lịch, được gởi đi tour để học hỏi thêm, nói theo: “Nếu chị về Cần Thơ chơi thì chị ghé Rạch Giá ở chơi với tụi em. Tụi em sẽ lo cho chị, chị đừng ngại”. Một anh chàng mới mở công ty du lịch ở Phú Quốc sẵn đó mời luôn: “Chị về Rạch Giá thì chị đi Phú Quốc luôn. Có em đưa chị đi chơi nè”. Tôi không có nhiều thời gian nên hẹn họ vào một dịp khác. Anh chàng ở Phú Quốc sau đó liên lạc với tôi qua Facebook. Nhờ vậy, tôi biết thêm anh ta tên Thắng, đã lập gia đình và có hai đứa con trai. Thấy những hình ảnh mấy cha con đi cắm trại, chèo ghe đi bắt cá và bắt cua, tôi thích quá nên hẹn sẽ có ngày đi Phú Quốc để gặp Thắng. 

Và lần đi Phú Quốc này, tôi đã gặp lại Thắng.

 

Phú Quốc 

Lý do tôi chọn Phú Quốc vì đọc tin tức về du lịch ở Việt Nam, thấy họ mới xây một khu giải trí tên là Grand World, có khung cảnh giống như thành phố Venice bên Ý, nhưng mới hơn và sạch sẽ hơn Venice … rất nhiều. Ngoài ra, còn có thêm VinPearl Safari, VinWonders, và đi dây cáp trên biển đến Hòn Thơm. Grand World là nơi tôi muốn đến, nên tôi lấy khách sạn trong Grand World. (Khách sạn tên là LIA Homestay Grand World. Địa chỉ: Grand World Phu Quoc, Phu Quoc, Kien Giang. Giá một phòng khoảng $42).

Các khách sạn ở trong khu này, phần lớn là theo kiểu homestay (chủ nhân là cá nhân mua nhà để cho thuê), nằm hai bên hồ. Có phòng ngủ và phòng tắm riêng, nhưng không có thang máy. Trong này, không cho xe hơi vào, cho nên khi đến trước cổng, phải  gọi nhân viên khách sạn ra đón và đưa mình… đi bộ về khách sạn ở cách cổng chính khoảng 1/4 mile.

Trước khi đi tôi liên lạc với Thắng, cho biết ngày đến Phú Quốc và hẹn Thắng đến Grand World để tôi mời gia đình Thắng ăn một bữa cơm và nhân tiện hỏi thăm Thắng nơi nào đặc biệt để đi … bắt cua. Thắng xin giờ máy bay đáp, tôi tưởng Thắng cần biết thêm giờ giấc cho dễ xếp đặt thời gian của mình. Ai ngờ khi ra khỏi máy bay và lấy hành lý xong, đã thấy Thắng đứng đợi ngay cửa. Trên đường về Grand World, Thắng nói: “Nếu chị về trước dịch Covid thì em cũng thuộc loại đại gia. Nhưng  2 năm nay bị Covid hành nên ngành du lịch ở PQ bị phá sản, em cũng bị phá sản, thành ra hai vợ chồng em xin đi làm công sống qua ngày. Em xin việc không ra nên về làm cho ông anh. Hôm nay em mượn xe của ông đi đón chị và dành nguyên ngày cho chị”. Thắng nói thêm: “Bây giờ hết Covid, khách bắt đầu đi du lịch trở lại, em cũng muốn trở lại ngành du lịch, nhưng em không biết gì về Grand World, VinPearl Safari và VinWonders. Vậy chị cho em đi theo để em học hỏi luôn”. Thế là lần đi PQ này, Việt Kiều là o Nhung trở thành hướng dẫn viên du lịch cho người địa phương ở PQ. 😄

Sau khi check in hotel, tôi hỏi thăm cô nhân viên khách sạn để hỏi cách mua vé và phương tiện di chuyển đến những nơi mình muốn đi, thì được biết cô là người bán đủ các loại vé và cho thuê xe gắn máy chạy bằng điện để lái loanh quanh trong khu vực, ra bãi biển gần đó, hay vào khu phố đi bộ bán thức ăn ban đêm. Tôi mua vé xem show Tinh Hoa VN và vé đi thuyền Gondola. Tôi không tính đi VinPearl Safari và VinWonders vì hai nơi này giống Animal Kingdom & Disney World bên Mỹ, nhưng để giúp Thắng, tôi mua vé cho Thắng đi, và mướn xe gắn máy điện cho Thắng. (Ngày rời Phu Quốc, tôi nói Thắng không cần phải đưa ra phi trường, nhưng Thắng nói: “Làm sao mà em để chị đi một mình được. Nếu chị không giúp em, em cũng có bổn phận đưa chị đi. Huống gì chị đã giúp em nhiều như vậy. Hy vọng lần tới chị về, em sẽ là đại gia như trước kia, và sẽ lo cho chị như chị đã lo cho em”).🤗 O Nhung dĩ nhiên là rất cảm động, nhưng với tuổi đời không còn mênh mông, biết có lần tới hay không đây.

Khu Grand World giống như con đường chính của Las Vegas. Ban ngày vắng hoe vì du khách đi tắm biển hay đi tham quan các nơi khác. Bắt đầu 4 chiều thì nhạc vang lừng khắp nơi, các vũ công xuống đường, vừa đi vừa múa vòng quanh hồ. Mọi người đổ xô ra đường, … theo “người ta” xuống phố lang thang, như mấy anh chàng độc thân (?) trong cái hình sau đây, vừa thấy thuyền của các kiều nữ đi tới là túa ra hồ để … ngắm cho sảng khoái.

Nếu bạn đến đây và không biết sẽ bắt đầu từ đâu, thì có thể theo chương trình tôi đã đi như sau:

-check in xong, ra ngồi bên hồ, ăn trưa bằng món bánh mì bò nướng và uống nước thốt nốt, là hai món duy nhất của khách sạn LIA.

-4pm: đi ra phía đầu hồ để xem các kiến trúc và vào xem làng Tinh Hoa VN, nơi họ dựng lại các ngôi nhà theo kiểu xưa, trưng bày những sản phẩm nghệ thuật hồi đó, và cho các diễn viên diện những bộ áo quần cổ truyền, sinh hoạt giống như thời đại vua chúa ngày trước. 

-5pm: đi thuyền gondola trên hồ.

-5:30pm: trở về khách sạn, qua quán bên cạnh, ăn tối món bún quậy, là món ăn đặc biệt của PQ.

-6pm: dùng xe gắn máy chạy ra biển, cách đó 1 mile.

-8pm: trở lại làng Tinh Hoa VN xem show. Nhớ đến sớm để lấy chỗ tốt. Xem show xong đi ngược về giữa hồ để xem Light show. Nên đi thật nhanh để có chỗ… đứng.

-Sau đó chạy xe gắn máy điện vào khu phố thực phẩm… ăn đêm.

-Sáng hôm sau, nếu dư giờ bạn mua vé và nhờ nhân viên khách sạn gọi  xe cho bạn để đi cáp treo đến Hòn Thơm.

Cô nhân viên khách sạn tên là Linh. Nếu không bận rộn để đón khách và tiếp khách thì cô cầm cái bảng quảng cáo cho món bánh mì bò nướng của khách sạn, đi tới đi lui rất lâu, nhưng không ai để ý tới, trông tội nghiệp hết sức. Thấy cô ăn mặc lôi thôi, cái áo còn dính dầu mỡ, đầu tóc rối bời, nên tôi nói: “Cháu rất là xinh, nhưng cháu ăn mặc như thế thì ai mà vào. Thả tóc xuống, thay bộ đồ khác sạch sẽ hơn. Khách nhìn thấy cháu bắt mắt thì họ mới nhìn vào tấm bảng. Tin cô đi”. Nhưng Linh không tin tôi vì cô không có bộ áo quần nào khá hơn. Tôi bèn lục hành lý của mình, kéo ra một cái áo (hàng hiệu 😛), tính nếu ai mời đi ăn thì diện vào, nhưng … không thấy ai mời, bèn đưa cho Linh, kêu nó mặc thử. Cái áo vừa vặn làm nó xinh hơn. Tôi thấy đôi mắt nó sáng ngời khi nhìn mình trong gương, cho nên tôi tặng nó và biểu nó mặc cái áo ra đón khách, nhưng nó mang đi cất và nói: “cái này cháu để dành để mặc đi chơi với bạn trai”. Chịu thua nó luôn.

Hình cô nhân viên khách sạn tên Linh với bộ đồ bất hủ và chiếc xe gắn máy chạy bằng điện; chụp trước ks LIA có tấm bảng quảng cáo món bánh mì nướng. 

Tối đó, Linh chở tôi đi một vòng, ngang qua khu phố Thượng Hải, vào khu phố ẩm thực, và chở đi xem khu khách sạn sang trọng của các đại gia. Tôi rủ Linh ghé vào một cái sạp bán đồ hải sản ở khu phố ẩm thực để ăn thử tôm hùm của PQ, nhưng Linh từ chối. Về lại khách sạn, tôi đi bộ đến một quán ăn đông khách nhất ngay cổng ra vào vì nghe quán này rất ngon và rất nổi tiếng. Cách chi cũng phải ăn cho được tôm hùm của PQ. Khách đến quán toàn là dân nhậu cho nên không ai ngồi bên hồ ngắm cảnh như tôi. Người bồi bàn đến mời tôi chọn một con tôm hùm trong hồ nước của họ rồi mang vào nhà bếp. Đợi khá lâu cho một con tôm chỉ nướng bơ và tỏi. Khi dĩa tôm hùm được mang ra, tôi ăn thử thì thất vọng vô cùng, con tôm vừa bở vừa khô, khiến tôi nghi ngờ, là nhà bếp không nấu con tôm sống mình chọn, mà lấy tôm đông lạnh ra nấu. Đã vậy, tôi thuộc loại không giỏi toán nên không tính toán được giữa tiền đô la và tiền đồng ngay khi đó, cho nên món tôm hùm thì dỡ ẹc mà khi về đến khách sạn tính lại mới biết mình phải trả đến $70. Số tiền này có thể mua được 5 con tôm hùm tươi rói bên Mỹ. Bài học đau thương cho một người thích nếm mùi vương giả như tôi.

 

PHẦN 3

 

6 năm về trước, tôi được mời đi ké cái tour 26 ngày xuyên Việt của 3 bà cô trong nhóm “chuyên gia chụp hình (?) ở Houston”. Từ tour này, tôi quen thêm hai hướng dẫn viên du lịch, một người tên là Quang, chuyên về tour miền Trung, và một người tên là Tuyến, chuyên về tour miền Bắc. Quang lúc đó khoảng 30 tuổi và Tuyến khoảng 40. Bây giờ nói chuyện về Quang trước, vì chuyến đi kế tiếp của tôi  là Đà Nẵng & Hội An, và tôi  đã hẹn gặp lại Quang. Tuyến sẽ được nói đến trong phần viết về chuyến đi Hà Nội. 

Lý do hẹn gặp lại Quang lần này, là vì trong chuyến về VN 6 năm trước, Quang có cái iPhone 5 và tôi mới tậu cái iPhone 7s. Phone tôi mới hơn nên những tấm hình tôi chụp cho Quang đứng ở Ghềnh Đá Đĩa được nó thích lắm và cho lên Facebook thay mấy cái hình cũ. Quang nghe tôi nói mấy đứa con của tôi mỗi khi có phone nào mới ra thì đổi phone mới, cho nên nó nói với tôi, kỳ tới mấy đứa con tôi đổi phone thì cho nó mua lại cái cũ. Tuy nhiên, vì một điều Quang làm lúc đó đã khiến tôi khi về Mỹ và khi mấy đứa con tôi đổi phone, thì tôi gởi cái phone cũ về làm quà cho nó. Điều Quang làm lúc đó chắc ít có người làm, vì chính tôi cũng không làm luôn. Đó là lúc đứng đợi 3 bà cô trở lại điểm hẹn ở Đà Nẵng, Quang mời tôi một phong bánh dừa nướng. Bánh rất ngon nên tôi tính nhờ Quang dắt đi mua, nhưng nghĩ mình còn đi nhiều nơi, thôi thì chờ về lại Saigon rồi mua luôn. Tuy nhiên, khi về đến Saigon tôi không tìm được loại bánh này. Tôi chụp hình phong bánh, cho lên Facebook, kể chuyện được một tour guide ở  Đà Nẵng cho ăn, ngon quá và bây giờ muốn mua thêm mà mua không ra. Tức thì, tôi nhận được text của Quang. Nó hỏi tôi còn ở Saigon bao lâu và ở khách sạn nào? Tôi trả lời, và 3 ngày sau tôi nhận được một thùng bánh dừa nướng do Quang gởi từ Đà Nẵng vào. Đó là lý do tôi tặng Quang cái iPhone cũ. Nhận được phone, nó đòi trả tiền nhưng tôi nói đó là quà tặng, khỏi trả. Quang text: “vậy khi nào cô về lại Đà Nẵng cháu bao cô trọn gói 3 ngày Đà Nẵng và Hội An”.

Vì thế, lần này tôi về Đà Nẵng và Hội An đúng 3 ngày cho Quang tha hồ … trả nợ. Quang gọi đó là món nợ ân tình🤗, và phải chờ đến 6 năm mới trả được. 

Lần này, sau một tuần cơm hàng cháo chợ ở Sài Gòn và Phú Quốc,  tôi nhất định đổi qua kiểu sống vương giả. Cho nên, tôi lấy khách sạn “Hoi An Memories Resort & Spa” ở Hội An và khách sạn “Melia Vinpearl Danang Riverfront” ở Đà nẵng.

Hội An Memories Resort & Spa 

200 Nguyễn Tri Phương, Hội An, Quảng Nam

$75 một đêm

Melia Vinpearl Đà Nẵng Riverfront

341 Trần Hưng Đạo Street, Đà Nẵng

$65 một đêm

 

Hội An.

Hội An ngoài phố cổ và phố lồng đèn, còn có khu “Impression of Hội An” và show "Ký Ức Hội An”, ở ngay trong khu vực của khách sạn “Hoi An Memories Resort & Spa”. Khách sạn nằm dọc theo con sông Hội An, giữa 2 cây cầu nối liền với thành phố. Cho nên, bạn có thể chọn phòng có balcony nhìn ra bờ sông, hay bạn có thể mượn xe đạp của khách sạn, đạp dọc theo con sông, rồi băng qua cầu để vào thành phố. Ở khách sạn này, được ăn sáng buffet miễn phí (trong đó  có món mì quảng … dở ẹc). Nếu bạn muốn hành hạ các kiều nữ thì đến mấy cái chòi nằm cạnh các hồ sen / súng, để được nếm mùi sảng khoái từ đủ thứ dịch vụ … lành mạnh như trong những cái Spa. Nếu bạn mất ngủ và muốn giúp được dễ ngủ thì đi theo con đường nhỏ dẫn đến một quán bar cạnh bờ sông, ở đó uống rượu cho đã đời, những đừng xỉn quá để khỏi đi lộn phòng của người khác giữa đêm khuya.

Quang đón tôi từ phi trường Đà Nẵng. Đưa về khách sạn tại Hội An, để chiều hôm đó vào phố ăn tối với món bánh đập chấm mắm nêm (là món dân dã của Hội An), rồi trở về khách sạn đi coi show. 

-7pm: đi bộ qua khu vực trước mặt khách sạn, mua vé đi xem “Impression of Hội An” và show "Ký Ức Hội An”,

-7:15pm: loanh quanh trong khu Impression of Hội An. Trong này đúng là xập hủ lốn. Việt, Tàu, Nhật, đều có. Hoa đào, lá vàng, lồng đèn, cũng có luôn. Thỉnh thoảng một dàn vũ công ra trình diễn chớp nhoáng một màn khoảng 5 phút, chỉ vừa đủ cho bạn rửa mắt.

-7:45pm: đi thêm vài bước vào phía trong để xem show Ký ức Hội An. Show rất hay, dài khoảng 1 giờ. Tôi có quay video một vài cảnh của show, nhưng file lớn quá không up lên được. Bạn vào Youtube xem ké cái clip của ngươi khác vậy.

-8pm: vào thành phố xem phố đêm và phố lồng đèn, rồi đi bộ dọc bờ sông xem thiên hạ đi ghe và thả lồng đèn trên sông.

Sáng hôm sau đi vào phố cổ. Nhờ Quang đưa tới quán cà phê tên Faifo Coffee ở 130 Trần Phú, tôi mới biết là những cái hình có mái ngói của những căn nhà cổ trong khu phố là được chụp từ trên sân thượng của mấy quán cà phê. Ở quán cà phê này, bạn nhớ thử món cà phê dừa, (đó là món tôi rất thích, cho nên khi về Mỹ, tôi đã loay hoay mãi mới pha được ly cà phê dừa có mùi vị giống kỳ cà phê dừa của họ), và bạn cũng đừng quên leo cái thang gổ rất hẹp để lên sân thượng, chụp hình toàn khu phố cổ. 

Sau màn cà phê, đi vòng vòng trong phố mua đồ lưu niệm (12 con giáp làm bằng đất sét nung và 3 ông Phúc Lộc Thọ khắc từ rễ tre.)

Trên đường đi Đà Nẵng, Quang chợt nói để con đưa cô đi chèo thúng Vườn Dừa. Tôi nói chèo thì chắc là không rồi, nhưng đến đó chụp hình thì được. Quang nói không sao đâu cô, an toàn lắm. Thế là o Nhung … đành đi chèo thúng. Lâu nay tôi toàn đi rình để chụp hình mấy cái thúng. Bây giờ mới được chính thức ngồi vào thúng cho … trai đẹp chèo. Còn gì sảng khoái hơn.

Trong hình bạn thấy tôi cầm cái chèo là để được ngồi cạnh trai đẹp chụp hình, chứ tôi mà chèo thì cái thúng chắc sẽ quay vòng vòng một chỗ.

 

Đà Nẳng

Lúc đầu tôi tính lấy phòng ở khách sạn Novotel, là khách sạn hồi xưa của gia đình tôi, hồi đó chỉ có 2 tầng, bị chính quyền chiếm, rồi bán qua nhiều chủ, nay trở thành khách sạn 37 tầng (?). Tuy nhiên sau khi đọc review, thấy khách ở tầng 24 phàn nàn là tiếng nhạc và tiếng trống từ cái sky bar của khách sạn dội lại cả đêm làm họ không ngủ được. Cho nên tôi lấy phòng ở khách sạn của VinPearl mé bên kia sông Hàn. 

Checkin khách sạn xong, tôi nói Quang đưa đi ăn bánh xèo Bà Dưỡng, là quán ăn 6 năm về trước Quang đã dắt 4 bà cô đến ăn. Ai đến Đà Nẵng nhớ ăn bánh xèo Bà Dưỡng. Ăn theo lối Quang chỉ, lấy bánh tráng cuốn với rau, một chút bánh xèo, một chút nem nướng, xong chấm với tương, ăn ngon hết xảy luôn. Ăn xong ra cầu rồng và cầu tình đi dạo và chụp hình. Sau đó, vào khu Chợ Đêm Sơn Trà để mua sắm.

Về lại khách sạn, tôi quyết định nếm mùi vương giả ở nơi này. Đầu tiên là 45 phút massage giá 750k, rất sảng khoái vì dịch vụ và tiêu chuẩn massage của họ phải nói là hơn cả tiểu chuẩn và dịch vụ massage của Mỹ, tại những Spa tôi đã từng đi với giá $60. Các kiều nữ phần đông từ Quảng Trị vào, cho nên mặc đồng phục kín đáo, không giống các kiều nữ ở Sài Gòn. Sau đó lên roof top bar tầng 36 (?) mua một ly cocktail giá 280k mang ra cửa sổ, ngồi nhìn xuống cầu rồng và cầu sông Hàn. Ly cocktail không có mùi vị rượu nên tôi chê, vì vừa mắc vừa … không đủ tiêu chuẩn. Kính cửa sổ thì không được lau chùi sạch sẽ nên khi nhìn xuống sông Hàn, chỉ thấy lờ mờ 2 cây cầu mà thôi. Thật uổng tiền.

Sáng hôm sau xuống lầu ăn buffet ở khách sạn giá 260k. Có ăn sáng ở đây mới thấy, khách phần đông là người Hàn Quốc, mà mấy ông HQ thuộc loại dân làm ăn, thô lỗ chứ không gentleman như mấy ông trai đẹp trong phim Đại Hàn. Vừa ngồi vào cái bàn thứ nhất, đi lấy thức ăn trở về thì bị mấy ông chiếm mất bàn, dồn đồ đạc của mình qua một bên. Đổi qua bàn dành cho 2 người, vừa mang tô bún bò về, ăn được vài miếng thì có một ông HQ khác đến ngồi lù lù trước mặt, không nói không rằng với mình một tiếng nào, nhưng thỉnh thoảng ông ta lại nói vói qua với mấy người ngồi bàn bên cạnh. Thôi thế từ nay hết mê Lý Bòng Bong và Bae Dun Dun rồi (Lee Byung Hun & Bae Yun Joong).

Ngày hôm sau, Quang đưa đi một vòng Đà Nẵng, thăm lại khu nhà cũ, đi Bà Nà Hills, chùa Linh Tự, và Động Âm Phủ (Ngũ Hành Sơn). 

Cầu tay Bà Nà Hills.

 

Tại Ngũ Hành Sơn, tôi đi tìm tiệm Phan Chi Lăng, là tiệm tôi đã mua những bức tượng đá non nước mấy năm về trước. Vào tiệm và nói chuyện với cô chủ tiệm mới biết, công việc làm tượng đá non nước đã bị chính quyền cấm lâu rồi, trước hết là vì đá đã cạn, tiếp theo là vì nước acid được dùng rửa đá làm cho nhân công vướng bệnh và làm ô nhiễm nguồn nước chung quanh. Vì vậy các tiệm bán lẻ ở vùng Ngũ Hành Sơn bây giờ chuyển qua bán hàng nhập cảng của Tàu (nữ trang, tượng Phật Bà, hay các con vật làm bằng ngọc giả như tỳ hưu, rồng, hay lân). Chỉ còn một vài tiệm đồ sộ phía ngoài đường, trưng bày ngoài sân cả trăm bức tượng, nhưng nhìn kỹ thì không phải là tượng đục từ đá non nước. Bạn nào chưa biết sự khác biệt giữa các tượng đá đục và đá đúc thì tôi trích lời giải thích của chủ quán như sau: Đục là lấy nguyên một tảng đá, đục bằng tay, cho nên khi sờ vào tượng sẽ thấy lạnh. Đúc là dùng bột đá vụn, trộn màu, rồi cho vào khuông, cho nên khi sờ vào chẳng thấy gì khác lạ. Ai đã sở hữu những tượng đá đục từ non nước (như cặp lân, cặp rồng, hay tượng Phật Bà, tượng Đức Mẹ) thì nhớ trân quý, vì thứ nhất là do công lao của những nghệ nhân đã sáng tạo, và thứ hai là những bức tượng này không còn được sản xuất nữa.

Trong thời gian đi một vòng Đà Nẵng, Quang kể chuyện thăng trầm của hai vợ chồng cho tôi nghe. Hai đứa vừa đặt cọc tiền để mua nhà thì dịch COVID xảy ra. Không kiếm đâu ra tiền trả góp, hai vợ chồng phải vay mượn người thân trong gia đình để sống tạm. Cũng may, vợ của Quang đổi nghề, chuyển qua nấu nước yến, cho vào từng cái hủ nhỏ, bán ra với cái tên “Yến Nhà Hân”. Món này trở nên thịnh hành, giúp hai vợ chồng trả bớt nợ và bây giờ đang chờ để dọn vào nhà mới. Tối hôm đó, tôi được hai vợ chồng Quang, dắt con gái theo để cảm ơn quà bà Nhung tặng, mời tôi đi ăn cơm sườn nướng, và sau đó tặng thêm mấy chai “Yến Nhà Hân”. Công nhận món này ăn vào vừa ngon vừa sảng khoái, nên tôi quảng cáo dùm cho hai vợ chồng Quang. Bạn nào ở Đà Nẵng muốn ăn thử thì google [Yến Nhà Hân Đà Nẵng], và bạn nào cần hướng dẫn viên du lịch Đà Nẵng và Hội An thì liên lạc với Quang, điện thoại0905215575.

Hai đôi sandals mang từ Mỹ về, sau mấy ngày lội bộ đã rách teng beng, cho nên sáng hôm sau, sau khi Quang đến để từ giả và thanh toán tiền nong, tôi đi taxi vào chợ Hàn mua sandal khác. Vào chợ, mục đích thứ nhất của tôi là mua giày, mục đích thứ hai là thăm lại khu chợ hồi xưa, tôi và các bạn học trường Thánh Tâm của các bà Soeur gần đó, đã vào chợ để ăn vặt mỗi khi có tiền. Lần này, tôi muốn ăn lại một tô bún bò dân dã của Đà Nẵng, nhưng không may cho tôi, hôm đó là ngày rằm cho nên sạp thức ăn nào cũng bán toàn đồ chay. 

Về lại khách sạn vừa kịp giờ để đón taxi ra phi trường. Quang nói để nó đưa khách đi Bà Nà Hills sớm rồi ghé lại đưa tôi đi, nhưng tôi nói với Quang, món nợ trọn gói 3 ngày nó đã trả xong, khỏi cần đưa tôi ra phi trường nữa. Tôi cũng đã thanh toán chi phí cho Quang trước lúc từ giã. Nó nói tổng cộng là $230, 4 ngày thuê xe là $200, tiền vé vào cửa là $30, tiền ăn cô trả hết cho nên con không tính vào. Tôi chẳng biết trả thêm cho Quang bao nhiêu mới hợp lý, nên đưa cho Quang thêm $170 cho đủ $400. Lúc chia tay, Quang vừa chào vừa rưng rưng nước mắt làm tôi phải la lên: “Quang. Không được khóc ”. Nó nói tại vì con biết sau này chưa chắc sẽ gặp lại cô một lần nữa. Trời đất! Sao tự nhiên lòi ở đâu ra một đứa tình cảm tràn lan như dzậy nè trời. Rồi đây mấy món nợ ân tình sẽ đeo đẳng Quang và sẽ là những hoa quả làm cho cuộc đời nó trở nên phong phú hơn. 

(còn tiếp)

Lâm Nhung


Joomla Hosting and Maintenance by Cybersalt

Copyright © 2014-2024. VietVancouver, All rights reserved

  • Số Lượt Truy Cập 1753833