O Nhung đi du lịch Việt Nam

(tiếp theo)

 

PHẦN 4

 

Bạn nào đã đến Hà Nội để du lịch chắc thế nào cũng đi luôn vịnh Hạ Long. Và có lẽ thời gian đi du lịch của bạn không nhiều, nên đa số chỉ bỏ ra 1/2 ngày để đến vịnh Hạ Long, thuê tàu đi vòng vòng trong vịnh để ngắm cảnh và chụp hình, rồi thuê ghe nhỏ, chèo qua mấy cái hang luồn, hay đến những hang động nhỏ khác, xong lại leo lên tàu trở về bến và lên xe trở về Hà Nội, để còn đi những nơi khác. Tôi đã đi vịnh Hạ Long 2 lần, nhưng lần nào cũng chỉ đi 1/2 ngày và cũng chỉ đi chừng đó nơi. Lần này, tôi muốn đi lâu hơn và đi theo kiểu vương giả, cho nên mua tour đi du thuyền 2 ngày 1 đêm trên vịnh Lan Hạ. Vịnh Lan Hạ nằm gần đảo Cát Bà, được khám phá sau này. Từ cảng Tuần Châu, phải lên một cái tàu nhỏ, đi qua vịnh Hạ Long khoảng 45 phút về phía Nam để đến vịnh Lan Hạ. Khách của du thuyền thì được chở vào một khu vực riêng dành cho du thuyền đậu.

 

Đi du thuyền trên vịnh Lan Hạ.

Tôi mua tour từ Mỹ, qua Viator.com. Tôi thấy tour của Mỹ thích một điều là nếu mình hủy trước 24 giờ, thì được hoàn tiền 100%. Vậy mà Viator lại chơi cha, hủy tour của tôi hai ngày trước khi bắt đầu. Tôi thất vọng quá, nên phải chờ 2 ngày sau, lúc ra đến Hà Nội, check in khách sạn xong, mới xuống lễ tân (reception) nhờ mua một tour giống như vậy. Vì mua tour cận ngày và vì tôi đi một mình, cho nên phải trả giá cao hơn, là $230. Tour này đón khách lúc 8 giờ sáng, tại 1 trong các khách sạn ở khu phố cổ của Hà Nội, (khách sạn tôi ở cũng nằm trong khu phố cổ), đưa đến cảng Tuần Châu cách Hà Nội khoảng 2 giờ lái xe, để lên du thuyền đi cho đến 3 giờ trưa hôm sau, thì được xe đến cảng đón và đưa về lại khách sạn ở Hà Nội. Khách đi cùng tour toàn là người ngoại quốc, như Portugal, Canada, Australia.v.v. Cho nên tour guide là người Việt nhưng nói tiếng Anh.

Bạn nào muốn biết thêm chi tiết của tour thì vào link này để xem một trong các tour của họ.

https://www.viator.com/tours/Hanoi/Peony-Cruise-Lan-Ha-Bay-Halong-Bay-2-days-1-night-depart-from-Hanoi-Old-Quarter/d351-55929P414

Tour nào cũng có hành trình giống nhau. Khách chỉ có khoảng 25 người, được ở phòng có balcony nhìn ra vịnh, được người hầu phục dịch 3 bữa ăn, sáng trưa chiều, trong một phòng ăn trên lầu hai, để khách vừa ăn vừa ngắm cảnh chung quanh khi tàu đang chạy. 

Vừa check in xong là đã được gọi lên ăn trưa. Ăn trưa xong, khách được đưa xuống tàu nhỏ, chạy đến một cái trạm nổi, nơi cả trăm người khách đang đợi, để từng nhóm 10 người, xuống ghe chèo qua các hang luồn. 

 

Buổi chiều được mời lên bong tàu ở lầu ba, vừa nhìn mặt trời lặn (good luck vì chẳng thấy mặt trời, chỉ thấy chiều xuống mà thôi), vừa uống rượu theo kiểu happy hour, mua hai tặng một, cho nên tôi mua thành 3 ly Pina colada, tổng cộng $14, (giá bằng một ly ở khách sạn VinPearl Đà Nẵng). Tôi tưởng uống được hết, ai ngờ họ pha luôn một shot vào mỗi ly, thành ra phải tặng bớt một ly cho anh tour guide để được ngồi nghe câu chuyện về anh ta. 

Buổi tối được mời xuống lầu 2 ăn tối. Thức ăn khá ngon và đặc biệt, được người hầu bàn mang đến từng món một. Sau đó khách được mời đi câu mực. Tôi vì bị hai ly cocktail quần nhừ tử cho nên chui về phòng … không cần ai ru cũng ngủ như chết. Thôi thì đợi mai mốt về lại Florida bắt thằng con chở đi … vớt mực cũng được.

Sáng hôm sau, vì ngủ sớm nên tôi dậy sớm, pha ly cà phê mang ra balcony ngồi ngắm … sương rơi, và ngắm vô số các hang động khi thuyền đi qua. Chưa thấy một kỳ quan nào đẹp như cảnh sáng hôm đó, vừa hùng vĩ, vừa nối tiếp nhau ẩn hiện trong sương mù, mà trong lòng lại thấy rất bình yên như thế. Uống xong tách cà phê thì được gọi lên ăn sáng, để còn đi chèo kayak. Tôi may mắn gặp một anh chàng Portugal đẹp trai đi một mình, nên anh ta cho đi… quá giang cùng một cái kayak. Ui chao! Trải nghiệm lần đầu cũng là lần cuối, hai cái chân … dài  mỏi quá mà không dám đổi kiểu sợ ghe bị lật, cái lưng thì mỏi và cái mông thì ê mà không dám nhúc nhích, chỉ mong cho chóng về đến bến. Vừa về đến thuyền, chưa kịp đói bụng thì được mời đi ăn trưa sớm để chuẩn bị trả thuyền lại cho chủ. 

Đi chung với những người ngoại quốc này mới biết không ai cho tips ai hết.

  

Hà Nội - Ăn và Chơi.

Lần này đến Hà Nội, tôi chọn một khách sạn trong khu phố cổ, để từ đó có thể đi bộ tới chợ Đồng Xuân, đến nhà thờ chính tòa, ra Hồ Hoàn Kiếm, đi xem múa nước, và đi cơm hàng cháo ở những nơi có tiếng là vừa ngon lại vừa rẻ. Khách sạn này có tên Pháp là L'Hôtel du Lac Hanoi ở Hàng Trống, giá $70 một đêm gồm cả ăn sáng, và dĩ nhiên là có nhiều món ăn của Pháp. Bạn nào muốn lội bộ đi thăm dân trong phố cổ cho biết sự tình thì xuống lễ tân lấy tấm bản đồ của khu phố (khách sạn nào cũng có sẵn) và theo bản đồ mà lội cho … đã đời 2 bàn chân. Nhớ mang một đôi giày có đệm dày một chút và mấy cái quai còn tốt một chút, nếu không bị đứt quai giữa chừng, thì vào mấy tiệm giày ở trong khu này sẽ bị chặt rất đẹp.

Bây giờ nói chuyện ăn trước.

Nếu muốn kể hết các quán ăn ngon trong phố cổ và nổi tiếng của Hà Nội, thì chắc phải gởi cái link chôm từ trên net cho các bạn để các bạn nghiên cứu xem muốn đi đâu và ăn gì. Link đây:

 https://www.gotadi.com/tour/mon-ngon-pho-co-ha-noi/

Tôi chỉ kể ra đây những nơi tôi đã đến, mà tôi thì ở Hà Nội có 3 ngày nên chỉ kể được vài nơi mà thôi.

Đầu tiên là đi ăn phở. Hà Nội có một hay hai tiệm phở nổi tiếng là “cực” ngon, có tiệm khách phải sắp hàng ra tới ngoài đường như Phở Bát Đàn. Tôi không thích sắp hàng ngoài đường nên chọn tiệm phở ở 10 Lý Quốc Sư. Tiệm gần khách sạn, đi bộ vài phút là tới. Anh tôi khen phở ở tiệm này ngon. Tôi vào ăn thử thì thấy ngon thật.

Thứ hai là đi ăn chả cá. Hà Nội có quán chả cá Thăng Long lừng danh, nhưng mỗi khi tôi hỏi thăm để đến đó thì ai cũng nói: “được cái tiếng thôi, nơi đó chỉ dành cho du khách, muốn ăn ngon thì đến quán này”, rồi chỉ đường cho tôi đi một quán khác (?). Kỳ này, tôi được một người em họ đưa đi ăn chả cá, và cũng đưa đến một quán lạ hoắc, nhưng em tôi khen là ngon và sạch, chứ không như … chả cá Thăng Long. Không hiểu quán chả cá Thăng Long và đám du khách đã làm gì phật lòng dân Hà Nội mà bị họ tẩy chay như vậy. 

Hà nội sau khi ông Obama được đưa tới quán Hương Liên để ăn bún chả thì quán này đã trở thành một nơi được đề cập tới trong các tour du lịch, họ gọi là bún chả Obama. Tôi cũng là khách du lịch nên cũng muốn đến đó nếm thử xem sao. Vì tiệm ăn cách khách sạn khoảng 2 cây số, nên tôi nhờ khách sạn gọi xe Grab dùm. Vừa đến nơi thì thấy mấy chiếc xe van chở một lô du khách ngoại quốc tới, họ đặt sẵn bàn ở tầng dưới, nên tôi được mời lên lầu. Món bún chả và nem rán của họ rất ngon và rất rẻ, chỉ có $3, hèn chi ông Obama được đưa tới quán này. Lúc đi thì cuốc xe Grab chỉ có 50k. Lúc về lên đại một chiếc taxi đậu trước tiệm thì thành 150k. Tôi nói với anh tài xế: “có thiệt không đây, chuyến đi xe grab người ta tính có 50k, sao chuyến về cũng y con đường này mà lại lên đến 150k, bộ đi taxi thì phải trả gấp 3 sao?”. Anh tài xế taxi cười hà hà: “vậy thì cô trả 50k cũng được”. Thấy chưa? Rõ ràng là dân Hà Nội thích ăn hiếp người … từ xứ lạ đến.  

Nhắc đến ăn ngon và rẻ, là phải nhắc đến “hẻm ẩm thực chợ Đồng Xuân”, nơi được ca ngợi là nhiều món ăn ngon với giá chỉ 50k. Tôi nhờ đi lạc, nên mới tìm được chỗ này.

 

Và cuối cùng thì trở về phố cổ ăn Xôi Yến, với hai ba loại xôi và đủ thứ thịt ăn kèm. Ăn xôi xong bước qua quán cà phê sát bên để uống cà phê trứng. Bạn nào chưa thử cà phê trứng thì kỳ tới về Việt Nam nhớ uống thử nhé, ngon vô cùng.

Trong 3 ngày, ăn chừng đó món thì xem như quá đủ và quá đã. Kể xong chuyện ăn, bây giờ kể tới chuyện chơi.

Khoảng 15 năm trước, tôi có theo nhóm CTKD K6 đi Hà Nội, nhưng tôi ở thêm 2 ngày để đi … xem dân Hà Nội chơi ra sao. Tối đầu tiên, tôi nhờ khách sạn kêu xe ôm  để chở đi loanh quanh xem Hà Nội ban đêm, và cùng chú xe ôm ghé vào quán cà phê cạnh bờ hồ để ăn bánh, uống cà phê, và hỏi thăm chú xe ôm về cuộc đời của chú. Nhờ thế mới biết chú đi bộ đội, bị thương và được giải ngũ, nhưng chính phủ chỉ trả trợ cấp một năm mà thôi. 

Khi về lại khách sạn thì  một anh chàng trong lễ tân nói với tôi: “Tối mai cháu nghỉ làm. Cháu mượn được cái xe. Cô muốn đi đâu cháu đưa đi”. Vậy là hôm sau ông nhóc này diện thật đẹp, đưa tôi đi những nơi tôi chọn. Đầu tiên tôi chọn đi ăn chả cá Thăng Long nhưng hắn chê (lại bị chê) và đưa đến một quán khác, nơi có cô chủ thật xinh đích thân đến bàn phục vụ. Ăn xong, tôi bảo hắn chở đến nhà hát lớn để xem show. Tối hôm đó là buổi trình diễn chung kết của giải múa ballet, nhưng vì hết vé nên phải mua vé chợ đen. Tôi tưởng múa ballet là các vũ công sẽ mặc áo trắng giống thiên nga như trong các show vũ ballet ở Nga, ai ngờ các show diễn ở đây toàn là dựa vào sự tích xưa của Việt Nam, như: “Kiều và Kim Trọng - gảy đàn ngắm trăng”, “Chí Phèo và Thị Nở”, hoặc “Trần Quốc Toản chiến thắng trở về”. Một ngạc nhiên thích thú khiến tôi từ đó mỗi khi về VN là đi tìm show đặc biệt để đến xem. Xem show xong tôi bảo “anh tài xế nhi” của tôi chở đi xem dân Hà Nội nhảy đầm. Hắn chở đến một Câu Lạc Bộ. Vào trong mới thấy mấy ông bà Hà Nội mặc đồ kín mít, màu mè tối thui, đang ôm nhau nhảy ballroom dance theo kiểu rất xưa, nghĩa là rất người thẳng, không lắc mông, không múa tay, như lối nhảy bây giờ.

15 năm trôi qua. Hà Nội bây giờ đầy màu sắc và đầy dân du lịch. Ngày cuối tuần có thêm dân địa phương từ nơi khác đến, sắp hàng rồng rắn để vào thăm lăng bác. Trong vườn hoa, ngoài sân chùa, chung quanh hồ Tây và Hoàn Kiếm, các bà các cô diện áo dài đủ màu để chụp hình. (Hèn chi hồi sáng tôi đi lễ ở nhà thờ chỉ thấy toàn mấy ông).

Các em học sinh cũng ra đường để ăn hàng. Đi ngang qua chỗ 3 cô bé đang ăn cái trái gì trông lạ lắm, tôi hỏi: “ngon không?”, một em cười toe toét trả lời: “dạ ngon”, và chìa ra một trái mời tôi. 

Đi ngang qua một trường đại học bên cạnh chùa, thấy cả trăm sinh viên ùa nhau chạy đi rồi chạy lại, tôi tò mò vào xem, thì ra bên trong đang có triển lảm tranh hội họa và người khách đặc biệt được các sinh viên chen nhau tới gần để chụp hình chung là một cô người mẫu và dĩ nhiên có … đôi chân rất dài.

Còn thêm một show nếu có giờ bạn cũng nên đi, đó là xem múa nước ở nhà hát Thăng Long, ngay trước mặt Hồ Hoàn Kiếm. Show múa nước cũng có ở Saigon, trên đường Nguyễn Thị Mình Khai.

Sáng hôm sau dậy sớm nhìn ra cửa sổ, mới tối hôm trước còn lao xao người đi, hàng quán còn bày đầy trước cửa, bây giờ vắng vẻ trống trơn, không một bóng người. Trời trở lạnh và mưa bay lất phất nên tôi mặc thêm áo lạnh, lội bộ vào chợ Đồng Xuân, (trước khi ra phi trường để về lại Saigon). Lần đầu đi một mình giữa trời Hà Nội trong “cơn mưa phùn bay ngang thành phố”, mới hiểu tại sao những người đi xa Hà Nội dù “tuổi phong sương ta cũng gắng đi tìm”, và luôn luyến tiếc mơ ngày trở lại.

 

PHẦN 5  

Hà Nội - Hội ngộ rồi chia ly.

Ghé Hà nội lần này tôi có một mục đích khác là gặp lại hai người tôi đã gặp 6 năm về trước. Một người là em họ tôi và một người là Tuyến, người tour guide hướng dẫn cho các tour miền Bắc.

 

Người em họ.

Anh này là con ông chú thứ ba. Còn người em họ ở Saigon mà tôi đã nói đến là con ông chú thứ hai. Sở dĩ về VN lần này tôi gặp hai người con của hai ông chú, một người ở Sài Gòn (đã gặp) và một người ở Hà Nội, là để cảm ơn họ đã đứng ra lo việc dời mộ của gia tộc đi nơi khác sau khi nhận được lệnh giải tỏa của chính phủ. 

Lần đầu tiên tôi gặp gia đình của người em họ này là ngày giỗ một năm của bố anh tại Saigon trong chuyến về VN năm 2010. Anh ta lúc đó đang làm cho bộ Ngoại Giao, nên anh và vợ con của anh ở lại ngoài Bắc. Anh vào Saigon giỗ bố và thăm gia đình vài ngày rồi trở lại Hà Nội. Mẹ anh và các em thì đã theo bố vào Saigon sau năm 1975. Bố anh được phái vào Nam làm Bí thư đảng ủy viện đại học Cần Thơ (viện trưởng?). Trước 1975, ông là Bí thư đảng ủy đại học khoa ngôn ngữ Nga. Điều này khiến tôi có ý nghĩ là thể nào ông bố cũng bắt anh học tiếng Nga, và nhờ vậy sau này anh mới được vào làm trong bộ Ngoại Giao, lấy con gái của một vị bộ trường, và được gởi qua Nga Sô & Ukraine làm việc.

Từ ngày gặp anh ta lần đó, tôi nghĩ chắc không bao giờ có dịp gặp lại anh. Vậy mà trong chuyến đi Việt Nam 6 năm về trước, chúng tôi về nghỉ tại Hà Nội 2 ngày. Ba bà cô đi chung có chương trình riêng nên tôi nhờ người quen xin số điện thoại và gọi đại cho anh ta. Sợ anh không nhớ tôi nên tôi phải lôi tên ông nội, tên bố anh và tên ba tôi ra để … khôi phục trí nhớ của người ta. May quá, anh ta tỏ vẻ mừng rỡ và hẹn sẽ đến khách sạn gặp tôi. Gặp rồi anh mời tôi đi ăn ở một nhà hàng có tên là Á Gia, là một tiệm ăn sang trọng theo kiểu buffet, nhưng khách ngồi tại bàn, xem menu và chọn các món ăn đặc biệt của 6 nước Á Châu như Việt Thái Nhật Hàn v.v…  (chứ không dắt đi ăn chả cá ở cái tiệm không ai nhớ tên và nhớ chỗ như lần gặp kỳ này). Thấy anh mặc đồ vest và đi xe SUV, tôi khen thì anh nói “vì công việc đấy, chứ em thì giản dị lắm. Tiệm ăn này là nơi em đưa khách ngoại đến chứ em thì ăn những nơi khác kia”. Nghe thế tôi hỏi  thêm về công việc của anh, nhờ thế mới biết, trước kia anh ta làm trong ban Lao Động của Bộ Ngoại Giao, và được gởi qua Nga & Ukraine ở 10 năm để lo cho người lao động Việt Nam bên đó. Sau khi về lại Hà Nội, anh làm trưởng phòng nhân sự cho ban Dầu Khí, chuyên tiếp rước các nhân viên ngoại giao liên quan đến ngành dầu hỏa. Hèn chi trông anh ta oai phong và khí phách quá trời luôn. Sau này, thỉnh thoảng hỏi thăm nhau, anh hay nói: “lần tới chị về em đưa chị đi Nga Sô và Ukraine chơi”. Vậy mà lần này tôi về gặp anh thì lại không được  cùng anh đi Nga Sô và Ukraine vì hai bên đang đánh nhau chưa biết khi nào mới ngừng. 

Sau 6 năm gặp lại. Người em họ này bây giờ đã về hưu non, nên trông lè phè chứ không oai hùng như trước. Anh chở tôi đi xe gắn máy, chạy qua nhà, rồi đi một vòng xem Hà Nội ban đêm và cuối cùng mời tôi đi ăn. Lúc ngồi ăn, tôi hỏi anh nghĩ sao về vụ Nga mang quân qua xâm chiếm Ukraine, và Ukraine có gì đáng để cho Nga lấy? Anh nói: “Nga và Ukraine là hai quốc gia ở sát nhau, người Nga có thân nhân ở Ukraine và người Ukraine cũng có thân nhân sống bên Nga. Hai bên đi qua đi lại như gia đình. Lý do mà Nga đánh Ukraine là vì sau khi Ukraine tách khỏi liên bang Nga, Mỹ đã nhảy vào giúp Ukraine, nên Nga nó ghét, nó phải mang quân qua đánh trước để trừ tai họa cho nó sau này”. Em tôi nói thêm: “Nga quyết định chiếm Crimea năm 2014 rất nhanh, là vì chính quyền Kiev định cho Mỹ thuê toàn bộ Crimea, trong đó có thành phố Sevastopol là thủ phủ của hạm đội Biển Đen”.

Mấy tin này tôi chưa nghe bao giờ. Cho nên tôi tò mò lên net tìm hiểu thêm thì thấy, tin về chính quyền Kiev định cho Mỹ thuê toàn bộ Crimea thì tôi tìm không ra, nhưng tin về việc Mỹ giúp Ukraine chống lại Nga Sô thì rất rõ ràng, về mặt ngoại giao cũng như quân sự. Sau khi Ukraine được độc lập năm 1991, cơ quan Ngoại Giao Hoa Kỳ tại Ukraine đã công bố mối quan hệ song phương giữa hai quốc gia, là: “tăng cường sự hợp tác trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, kinh tế và thương mại, an ninh năng lượng, dân chủ và trao đổi văn hóa. Hoa Kỳ cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ sự tăng cường mối liên hệ giữa NATO và Ukraine”. Rồi từ năm 1999 đến năm 2021, Hoa Kỳ đã hỗ trợ chính phủ Ukraine trong kế hoạch cải cách kinh tế toàn diện (1999), ủng hộ cho Ukraine xin gia nhập NATO (2008). Sau khi Nga Sô chiếm Crimea năm 2014, Hoa Kỳ đã tài trợ gần 40 tỷ đô la hỗ trợ an ninh cho việc đào tạo và thiết bị, để giúp Ukraine bảo vệ lãnh thổ, bảo vệ biên giới, và cải thiện khả năng tương tác với NATO. Từ năm 2014 đến năm 2019, Hoa Kỳ đã viện trợ quân sự cho Ukraine 1.5 tỷ đô la và thêm 2.5 tỷ đô la vào năm 2021.

Giúp như thế thì giúp hơi nhiều. Tuy nhiên, đối với Nga Sô, giúp gì cũng được, nhưng giúp một quốc gia, nằm sát bên hông của mình, trở thành một quốc gia dân chủ, theo kinh tế thị trường, giúp luôn cả bảo vệ biên giới và ủng hộ gia nhập vào NATO, thì cũng giống như biến Ukraine thành một quốc gia đồng minh với Hoa Kỳ để chống lại Nga. Ông Putin làm sao không điên tiết lên. Hèn chi ông đem quân qua đánh Ukraine tới bến luôn. 

Em họ tôi, vì là con trai độc nhất và con trai trưởng, nên chú tôi dạy bảo rất nghiêm khắc. Nhờ đó, vẫn giữ tôn tri trật tự các vai vế trong gia tộc, nói chuyện lễ phép, và vẫn còn chất phác đến nỗi, ngày tiễn tôi, đã đem đến biếu vài gói bánh tráng phơi sương, một gói nấm hương khô, một gói chè (trà) xanh, và một hộp cà phê, toàn là đặc sản miền Bắc, gói ghém trong đó chút tình bà con của một người ngoài Bắc gởi cho một người ở tuốt bên Mỹ … mà người nhận quà lúc đó chỉ nói được một câu: “không biết khi nào mới có dịp gặp lại để cùng đi Nga Sô và Ukraine với nhau”.

 

Tuyến, người tour guide.

Sáu năm trước, Tuyến làm tour guide cho 4 bà cô trong đó có tôi. Vì thấy tôi thích đi lượm đá, mà một lần suýt té vì ham lượm 2 cục đá khi leo núi Hàm Rồng ở Sapa, nên Tuyến sợ quá la lên: “ Cô ơi! Cô mê đá sao không bảo cháu, cháu kiếm cho”.  Tôi tưởng Tuyến nói thế để cản tôi đừng lượm đá nữa vì nếu bị ngã thì phiền cho cả đoàn, ai ngờ khi đến một tiệm bán đồ lưu niệm ở Đồng Văn, Tuyến vác ra một cục đá rất đẹp, tặng tôi và nói: “Cháu được khuyến mại nên chọn cục đá này tặng cô”. Tôi khoái quá, và biết Tuyến thích sưu tầm những vật lạ giống tôi, nên tôi lấy 3 tờ $2 của năm 1976 ra tặng lại Tuyến. Tuyến hỏi cô có nhiều không đổi thêm cho cháu, nhưng tôi chỉ còn những tờ $2 của những năm sau đó mà thôi. 

Chuyến đi miền Bắc của 4 bà cô chúng tôi năm đó chia làm 2 phần. Sau khi đi gần hết những thành phố ở phía Bắc, chúng tôi về nghỉ tại Hà nội 2 ngày trước khi đi tiếp những thành phố ở phía Nam. Tuyến được nghỉ 2 ngày để về thăm gia đình. Mấy bà cô bảo nhau, là đợi cho hết chuyến đi, rồi đưa tiền tips một lần cho Tuyến và anh tài xế luôn. Tôi vì ôm cục đá của Tuyến, cho nên sẵn đem theo nhiều chocolates, tôi nhét $20 vào một bịch chocolates rồi đưa cho Tuyến, dặn Tuyến mang về làm quà cho hai thằng con trai. 

Hôm sau 3 bà o thuê xe đi Hà Đông. Tôi ở lại thuê taxi đi đến Văn Miếu và Bảo Tàng Mỹ Thuật. Đang ở trong viện bảo tàng thì Tuyến gọi, hỏi cô đang ở đâu. Tôi nói đang ở trong Bảo Tàng Mỹ Thuật. Tuyến nói cháu đang ở gần, để cháu qua đưa cô đi ăn trưa. Tôi nói trời đang mưa làm sao đi. Tuyến nói cháu có mang cái ô. Thế là tôi đành bỏ ngang, ra đến cỗng thì thấy Tuyến che dù đi tới. Tuyến đưa tôi đi bộ đến một nhà hàng trước mặt Văn Miếu. Tuyến nói nhà hàng này của một người bạn từ bên Úc về mở, có những món ăn rất đặc biệt. Tôi nghe vậy nên để cho Tuyến gọi món ăn. Tất cả các thức ăn đều đựng trong các ống tre trông rất lạ và thức ăn rất là ngon. Tôi trả tiền bữa cơm nhưng Tuyến không chịu, nói hôm nay cháu đãi cô. Sau đó, Tuyến đưa tôi đến quán cà phê trứng, nơi khách có thể chọn ngồi phía trước cửa quán, trên một miếng thảm để trên sàn nhà, hai chân thòng xuống đất, nhìn ra đường, vừa uống cà phê vừa ngắm ông đi qua bà đi lại. Sau phần cà phê, Tuyến chỉ đường cho tôi đi bộ về khách sạn. Tôi đưa Tuyến $50, nói trả công cho cuộc đi chơi thú vị này, nhưng Tuyến vẫn không lấy. Món nợ này khiến tôi về Mỹ, đã gởi thêm cho Tuyến những tờ $2 của năm 1976.

Như Quang đã nói, món nợ ân tình, chờ đến 6 năm sau mới trả được. Cho nên, lần về Hà Nội kỳ này, tôi hẹn gặp lại Tuyến để trả món nợ ân tình 6 năm về trước. Tuyến bây giờ rất bận rộn vì hai vợ chồng mới mở khách sạn kiểu homestay ở Tam Cốc. Khác với những người trong ngành du lịch ở VN đã bị dịch Covid hành đến te tua, Tuyến lợi dụng lúc giá đất xuống, liều mạng đem vốn liếng mua một miếng đất ở vùng Tam Cốc, nơi gần với gia đình của bố mẹ vợ và sát cạnh Hang Múa, để xây khách sạn. Bây giờ hết dịch cúm, nghành du lịch vươn mình trở lại, khách sạn của Tuyến lúc nào cũng đầy khách, cho nên hai vợ chồng Tuyến vừa xây thêm một khách sạn thứ hai.

Khách sạn của Tuyến tên là Tam Coc Little River Bungalow. Bạn nào tính đi Tam Cốc, có thể liên lạc với Tuyến để ở tại homestay này, Tuyến có luôn dịch vụ xe đưa đón. Điện thoại Tuyến: 0978030390

Tuy bận rộn nhưng Tuyến vẫn lên Hà Nội gặp tôi 1 ngày. Tuyến đưa tôi đi một vòng Hà Nội để xem thành phố Hà Nội và người Hà Nội bây giờ thay đổi ra sao. Từ khách sạn, lấy taxi đi một vòng thành phố, rồi ngừng lại ở Hồ Tây. Từ đó đi bộ đến Chùa Trấn Quốc, qua Hồ Trúc Bạch nơi có tấm bia ghi lại công lao đã bắn hạ máy bay của ông McCain và một lô những máy bay khác của Hoa Kỳ. Chính quyền Hoa Kỳ bị mắc lừa, tưởng đây là đài kỹ niệm ông McCain, cho nên quan chức HK nào đến Hà Nội (như ông tướng Lloyd Austin và bà phó tổng thống Kamala Harris) cũng được đưa ra đây để đặt vòng hoa tưởng niệm … “chiến thắng của người Hà Nội”. 

Sau đó, đi hết một vòng quanh hồ Hoàn Kiếm để xem người Hà Nội sinh hoạt ra sao, rồi về lại phố cổ. Vào phố cổ, Tuyến đưa đi ăn Xôi Yến và qua tiệm sát bên cạnh uống lại ly cà phê trứng ngày nào. Tôi đưa cho Tuyến $100, vài tờ $2 của năm 1976, và một túi quà gồm những chiếc xe đua nhỏ, nói trả công cho cháu và mang quà này về cho hai thằng con. Tuyến nói cháu nhận nhưng cho cháu mời cô ăn Xôi Yến và cà phê trứng. Tôi nói cũng được. 

 

Rời tiệm cà phê, Tuyến hỏi cô muốn đi tiếp không, chân tôi bắt đầu … muốn mua đôi giày khác, nhưng vẫn gắng dồn hơi, tiếp tục đi bộ đến đường rầy xe lửa ở ngay trong lòng phố. Lúc đầu tôi không hiểu tại sao rất đông khách du lịch đến đây và chờ ở hai bên đường. Lên net Google mới biết: họ đang chờ tàu đi tới. Chỗ này có tên gọi là Phố Đường Tàu, đã từng được xuất hiện trên tờ DailyMail của Anh tháng 4-2014. Kể từ đó, địa điểm này đã trở thành điểm “cực hot” của khách đến du lịch Hà Nội. 

Như thế là tôi đi bộ được 5 giờ liên tiếp. Tuyến hỏi cô muốn đi đâu nữa cháu đưa đi. Tôi nói mệt rồi, cho cháu về nhà hầu vợ đó. Và tôi gọi taxi về khách sạn. 

Hình ảnh đường rầy xe lửa và những lời từ biệt với 2 người, được gặp 2 lần, trong 2 ngày vừa qua, làm tôi nhớ đến những  câu thơ của Nguyên Sa:

“Sao người không là một con đường
Sao tôi không là một ga nhỏ
Mà cũng có những giờ gặp gỡ
Cũng có những giờ chia tan?”

Tôi kết thúc bài viết ở đâyCám ơn các bạn đã đọc những bài viết. Mời xem bộ sưu tập magnets của mỗi quốc gia đã đến: 

Đây chỉ là 1/3 của bộ sưu tập kỷ niệm những nơi trên thế giới mà tác giả đã đi du lịch qua

 

Lâm Nhung


Joomla Hosting and Maintenance by Cybersalt

Copyright © 2014-2024. VietVancouver, All rights reserved