SEATTLE TẠP GHi

 

Đi một ngày đàng, học một sàng khôn. Các cụ nói không sai. Dù chỉ đi có 230km, vì Vancouver và Seattle chẳng cách nhau xa.

Chuyến đi Seattle mới đây để thăm 2 người bạn U80 của tôi đã cho tôi vài bài học hay:

- Nếu bạn mình đã trong tuổi Thất Thập Cổ Lai Hy thì nên xác nhận lại địa chỉ Một Lần Nữa trước khi đến nhà. Trong email, anh bạn viết số nhà là 4039. Đến nơi, thấy căn nhà xập xệ mà không có ai ở nhà. Gọi Viber nói chuyện thì ra anh bạn viết nhầm. Số đúng là 4037. Chả nên trách anh bạn. Anh bạn đã gần 80 mà nhớ được ¾ số nhà là tốt rồi.

- Số nhà bên Mỹ đôi khi cũng ngầu chẳng thua số nhà ở Việt Nam. Sau khi anh bạn báo nhà là số 4037 thì nhìn sang nhà bên phải của 4039. Ô, không phải 4037 mà là 4031. Lại qua nhìn nhà bên trái, cũng không phải 4037 mà là 4041. Ô hay nhỉ, thế thì 4037 ở đâu? Lại phải tìm wifi ở quán café để check Google Maps. Thì ra cạnh nhà số 4031 là một con hẻm rộng, nhà trong đường hẻm này có số 4027, 4037, 4035 và 4033. Vậy là tuy trong hẻm nhưng vẫn mang số không Suệc như ở Việt Nam, vẫn là số nguyên của con đường ở ngoài là S 150th . Nếu như ở Việt Nam, những căn nhà này đã mang số 4027/1-4027/2-4027/3 và 4027/4 của đường S 150th St. Vậy đấy, nhà 4037 cách nhà 4039 đến mấy căn nhà và nằm trong đường hẻm. Vậy không phải ở siêu cường quốc Mỹ cái gì cũng ưu việt, hiện đại, hợp lý, khoa học v.v.

 

 

- Xưa nay mình cứ nghĩ lọc máu (còn gọi là lọc thận, dành cho bệnh nhân bị suy thận) theo kiểu lấy máu từ cánh tay bằng một ống hút máu, cho máu dơ chạy vào máy lọc, rồi máu sạch từ máy lọc lại trở vào thân thể bằng một ống dẫn khác và việc này được làm ở bệnh viện (kéo dài khoảng 4 giờ). Nói Lọc Máu thì chính xác hơn là Lọc Thận, vì khi thận bị suy kiệt thì chức năng lọc máu của thận không còn, máu thành nhiễm độc. Vậy thì dùng máy thay cho thận suy kiệt để lọc máu.

 

Nhưng sau khi đi thăm anh bạn đang lọc máu tại nhà thì mới biết thêm là còn một phương pháp lọc máu khác. Đó là lọc máu qua màng bụng. Họ khoan một cái lỗ ngay bụng, nối với ống dẫn của máy, cho một dung dịch giàu khoáng chất và glucose từ túi chứa (dung tích 1 gallon hay 4 lít) chẩy vào màng bụng. Dung dịch lọc này hấp thụ chất dơ độc trong máu rồi sau đó dung dịch nhiễm bẩn được đưa trở lại máy, liên tục như vậy trong 12 giờ.

 

Anh năm nay 73 tuổi, bị tiểu đường lâu năm dẫn đến suy thận. Sau khi chạy máy lọc máu ở bệnh viện trong 2 tháng, anh xin bệnh viện cho đem máy về nhà để chạy. Cả hai cách này đều có bất tiện. Chạy máy lọc máu ở nhà thương thì mất công ra vào bệnh viện và cũng đau đớn, vì trong quá trình lọc máu anh ngất xỉu vài lần. Nhưng chạy máy ở nhà thì vì máy nhỏ hơn máy của nhà thương nên thời gian kéo quá dài, 12 tiếng một ngày. Ngoài ra thì nhà ở biến thành cái kho chứa dung dịch lọc máu, vì mỗi ngày dùng 3 túi dung dịch, một tuần dùng tới 21 túi, anh phải tích trữ. Khi chạy ban đêm thì tiếng máy cộng với sợi dây vướng víu trên bụng làm cho anh không ngủ được, nên ban ngày anh ngủ gà ngủ gật.

 

Anh bị sụt mất 40 pounds (khoảng gần 20kg) và rất yếu, đi phải có người dìu. Cái phiền nữa là nhà anh cao hơn mặt đường nên có nhiều bậc thang mới lên tới nhà, nên dù anh sắm cái xe đẩy để tự đi không cần người dìu thì vẫn gặp trở ngại trong việc đi vào đi ra căn nhà. Hỏi anh chạy máy lọc máu bao lâu thì hết bệnh, anh nói thận đã suy thì không thể phục hồi cho nên không có chuyện hết bệnh, phải lọc máu suốt đời. Nhưng điều khá ngạc nhiên là nhờ lọc máu mà đường glucose trong máu của anh lại sụt xuống mức bình thường, nghĩa là không còn bị tiểu đường.

Rời khỏi nhà anh, tôi nghe lòng bâng khuâng. Tôi hiện nay thuộc loại khá là hoạt động. Trong tuần thì tập gym, bơi lội, chơi pickleball. Cuối tuần thì đi café ăn sáng ở ngoài, đi bộ, đi xe đạp. Ngày trời nắng nóng thì đi chèo kayak. Tôi là cái dạng về hưu nhưng giống như còn đi làm, chỉ khác là thay vì sáng cắp ô đi tối cắp về thì tôi cắp theo đồ chơi như quần bơi, vợt pickleball... Nếu tôi bị như anh, nằm tại chỗ 12 tiếng một ngày, đi bằng xe đẩy, nghĩa là gần giống như bị quản thúc tại gia thì chắc tôi xin chính phủ cho phép tự tử có thuốc giúp không đau đớn (medically assisted death). Sống thọ phải đi đôi với sống vui chứ sống chỉ để tivi với internet thôi thì chán quá. Đối với tôi thì như vậy, nhưng đối với người ít hoạt động thì chắc vẫn chịu được.

- Vài năm trở lại thì thấy khu Bến Tàu (Piers) đã nâng cấp khá nhiều. Thêm một Seattle Ferry Terminal mới (cái cũ vẫn giữ), thêm một tòa nhà Aquarium mới (cái cũ vẫn giữ), thêm Ferris Wheel (bánh xe quay khổng lồ có ghế ngồi ngắm cảnh), thêm một cây cầu cho khách bộ hành đi từ khu bến tàu đến First Ave mà không phải băng qua xe cộ của Alaskan Way và Western Ave.

- Cả Seattle và Vancouver đều bị căn bệnh ung thư xã hội là Nghiện Ma Túy/Không Nhà ăn lở loét nội tạng. Nhưng ít ra thì căn bệnh ung thư xã hội này chưa lan đến khu Bến Tàu và khu Pike St. Public Market, là hai khu du lịch chính của Seattle.

- Đậu xe ở downtown Seattle thì giá từ 4$ đến 9$/giờ. Đi bộ qua con đường Western Ave. gần Yesler Way mới phát hiện ra đậu xe lề đường chỉ có 2$/giờ. Không rõ tại sao riêng khu này giá lại rẻ.

- Như một thói quen, vợ chồng chúng tôi mỗi lần đi Seattle là ghé ăn Mizuki Buffet Restaurant tại vùng Tukwila. Giá 27$ cho người già, 29$ cho người lớn mà được ăn oysters tươi, cá sống đủ loại (sashimi), cua Dungeness, cua tuyết (Snow crab), tôm lớn…thì Mizuki vẫn là nhà hàng all you can eat rẻ nhất. Nghe bạn nói Feast ở vùng Renton còn ngon hơn nhưng giá cũng cao hơn một chút. Thôi để lần tới.

- Sao hai ông bạn, một ông đã 77 tuổi vẫn mỗi ngày bơi 16 vòng hồ bơi còn một ông 73 tuổi đã phải mỗi ngày nằm lọc máu 12 giờ trên giường? Ôi, hỏi như vậy thì giống như hỏi tại sao nhà số 4037 không nằm cạnh nhà số 4039, tại sao có người giàu kẻ nghèo, có kẻ sướng người khổ…

Đường về lại Vancouver êm láng như ru nhưng đường đời không như thế. Nghe lòng buồn buồn, bâng khuâng. Phật nói “quy trình” của đời sống là Sinh, Lão, Bệnh, Tử. Làm sao để bỏ bớt cái “khâu” Bệnh nhỉ ?

 

Hoàng Hải Hồ

9/9/2024


Joomla Hosting and Maintenance by Cybersalt

Copyright © 2014-2024. VietVancouver, All rights reserved