Phóng sự Hoàng Hải Hồ
Cuối cùng thì tôi cũng đến chơi Sydney sau 30 năm sống ở nước ngoài. Mọi sự trên đời dường như đều phải chờ đúng thời điểm và cơ duyên.
Viết về Sydney thì nhiều người cũng đã viết rồi. Nhưng lần này tác giả nhìn Sydney dưới mắt người Vancouver. Hai thành phố này có những điểm tương đồng: đều là thành phố biển, đều nằm trong danh sách 5 thành phố tốt nhất trên thế giới để sinh sống trong nhiều năm, đều thuộc loại những thành phố đẹp nhất, đều là thành phố nói tiếng Anh đa văn hóa, mặc dù so về diện tích và dân số thì Sydney lớn hơn Vancouver gấp 3 lần, nghĩa là tương đương với Toronto.
Trước hết là muốn đi thăm Úc, bạn phải xin visa online. Điền đơn trên internet, nhận được chấp thuận nhanh thôi, nhưng bạn sẽ tốn 20 đô Úc. Trong khi đó, dân Úc đi chơi Canada thì không cần visa.
Ấn tượng đầu tiên của du khách đến Sydney là so với Bắc Mỹ và nhiều nước Á châu, kể cả Vietnam, phi trường Sydney nhỏ bé và không hiện đại. Có lẽ chính phủ Úc nhận thấy không có nhu cầu phải mở rộng và hiện đại hóa phi trường Sydney? Do vị trí downunder, rất cô lập so với thế giới, có lẽ phi trường Sydney hiện tại vẫn đủ sức đáp ứng nhu cầu di chuyển của du khách thế giới đến Úc? (phi trường Sydney không có chức năng transit, nghĩa là làm trạm quá cảnh để đi các nước khác, vì ngay cả nước lân cận duy nhất là New Zealand cũng có phi trường quốc tế). Tôi không rõ câu trả lời, nhưng có thể nói nếu coi phi trường quốc tế chính của một quốc gia là biểu hiện trình độ phát triển của quốc gia đó thì phi trường Sydney không tượng trưng cho nước Úc.
Trên con đường từ phi trường về nhà bà chị vợ, mắt tôi bị cuốn hút bởi một loài hoa tím đậm rực rỡ mà Vancouver không có. Đó là hoa Tibouchina. Hoa này to hơn và gần tầm mắt hơn là Phượng Tím (Jacaranda), do đó mà đập vào mắt hơn. Màu nó đẹp hơn, đậm đà hơn màu tím của Rhododendron ở Vancouver hay Bằng Lăng ở Vietnam.
Ấn tượng thứ 3 về Sydney là phần lớn nhà cửa của Sydney là loại nhà trệt (bungalow, rancher) với tường ngoài bằng gạch thẻ và mái ngói đỏ. Một mặt, những cái nhà này nhìn có vẻ chắc chắn hơn là loại nhà tường stucco hoặc vinyl siding của bờ Tây vùng Bắc Mỹ. Mặt khác, vì quá nhiều nhà loại này, đôi khi toàn bộ một block đường đều là nhà loại này, cho nên nhà cửa đường phố hóa thành đơn điệu, đồng phục, thiếu cá tính, không được đa dạng, vui mắt như nhà cửa của Mỹ và Canada. Ngoài ra, nếu gạch còn mới, màu còn đỏ tươi thì nhìn còn đẹp nhưng một khi gạch đã cũ, xậm màu, thì nhìn nhà rất cũ kỹ, tối tăm. Những căn nhà này vẫn là sườn gỗ, nhưng tường ngoài thì xây bằng gạch. Có nhà thì một lớp gạch, có nhà thì tới hai lớp gạch. Vách tường trong nhà thì vẫn bằng drywall như của Bắc Mỹ, nhưng bên Úc gọi là fibro. Nhà loại cũ, xây trước đây thì giữa 2 vách không có insulation, nhưng những nhà xây mới sau này cũng có. Hình dưới đây cho thấy 3 căn nhà liên tiếp đều giống giống nhau.
Điều cần nói ở đây là dù khí hậu của Sydney ấm áp hơn khí hậu Vancouver nhưng nhà cửa của Vancouver, hay nói chung là Bắc Mỹ, lại ấm áp dễ chịu hơn là nhà Sydney trong mùa đông. Lý do nhà cửa Bắc Mỹ có lớp bông gòn cách nhiệt (insulation) trên trần nhà và trong vách tường cho nên mùa đông thì ấm, mùa hè thì mát. Ngoại trừ những căn nhà mới xây sau này còn thì đa số nhà Sydney trong tường không có lớp insulation này. Lý do thứ hai là nhà cửa Bắc Mỹ có hệ thống sưởi ấm mạnh built-in cho toàn bộ căn nhà trong khi đó ở Sydney, phần nhiều chỉ có phòng ngủ được sưởi bằng loại sưởi điện cắm dây hay là bằng máy lạnh nóng dual system (giống như loại máy lạnh ở Vietnam nhưng có thêm chức năng sưởi ấm). Nhà như vậy thì chỉ ấm hơn ngoài trời được vài độ thôi, trong khi đó chiều tối mùa đông của Sydney cũng chỉ khoảng 10oC. Cho nên thú thật là trong thời gian tôi ở nhà bà chị vợ thì dù mới mùa thu nhưng buổi sáng và buổi tối tôi vẫn thấy lạnh lẽo, phải mặc áo ấm trong nhà, vì ngoài trời chỉ còn mười mấy độ.
Người Úc không gọi trung tâm thành phố là downtown, mà họ gọi là CBD (Central Business District) hay nói một cách dân giả hơn là City. Như vậy, "đi city" có nghĩa là đi xuống downtown. Lối gọi này là theo tập quán xa xưa, chứ thật sự thì Greater Sydney cũng giống như Greater Vancouver, bao gồm rất nhiều city như City of Sydney, City of Liverpool, City of Fairfield, City of Canterbury. v.v. Và khi đi xuống "City" thì mới thấy cái huy hoàng của hải cảng Sydney.
Khác với Vancouver, rất đơn giản chỉ có một Burrard Inlet, một English Bay và một False Creek nhỏ ăn sâu vào thành phố thì Sydney giống như Seattle, nghĩa là biển ăn sâu vào thành phố bằng rất nhiều inlet, nhiều bay, nhiều creek. Do đó, cơ hội để dân Sydney xây nhà cửa nằm ngay bờ biển hoặc có sea view thì rất nhiều, nhiều hơn Vancouver cả trăm lần. Không có gì ngạc nhiên khi nghe vùng Greater Sydney có tổng cộng 200 bãi biển.
Cây cầu Harbour Bridge nối liền Sydney và North Sydney, tương tự như cây cầu Lions Gate Bridge nối Vancouver và North Vancouver, nhưng Lions Gate Bridge nhìn giống Golden Gate Bridge của San Francisco còn Harbour Bridge nhìn giống Burrard Bridge, nhưng lớn hơn.
Biểu tượng của Sydney là tòa hòa nhạc giao hưởng quốc gia Opera House mỹ lệ nổi tiếng thế giới, với những mái nhà trông vừa giống những cánh buồm trắng căng gió, vừa giống vỏ sò. Rõ ràng những cánh buồm mái nhà của Opera House, Sydney tuyệt tác hơn, vĩ đại hơn, ấn tượng mạnh mẽ hơn những cánh buồm mái nhà của Canada Place, Vancouver. Opera House đã vượt khỏi giới hạn của Sydney để trở thành biểu tượng của nước Úc. Nhưng thật ra, nó là tuyệt phẩm của một kiến trúc sư người Đan Mạch.
Cũng giống Vancouver, cruise ships đậu ngay tại downtown Sydney, rất thuận tiện cho du khách đi cruise thăm viếng trung tâm thành phố. Darling Harbour là khu ăn uống và giải trí dọc biển lớn bằng cả 3 khu Londsdale Quay, Granville Island và Coal Harbour của Vancouver cộng lại.
Vì khí hậu ấm áp hơn là Vancouver, sự hiện diện của các cây cọ (palm) rất nhiều, cho Sydney một vẻ đẹp nhiệt đới hơn là Vancouver. Biển Sydney nước trong xanh hơn, cát trắng hơn biển Vancouver. Tuy nhiên, với thân thể người Vietnam sinh ra tại Vietnam thì biển của Sydney thực ra vẫn thuộc loại biển nước lạnh giống như biển California, Vancouver. Tỷ dụ như ngày 14/4/2015 (mùa thu) nhiệt độ nước biển là 22oC. Khi trời 22oC thì chúng ta đâu muốn cởi trần, thì khi nước 22oC chúng ta cũng chẳng muốn ngâm mình trong nước. Biển Sydney chủ yếu là dành cho người chơi lướt ván (surfing), vì nhiều sóng lớn. Bãi biển nổi tiếng nhất là Bondi Beach vì nằm ngay CBD. Bondi Beach bãi cát rất là rộng nhưng nhìn hơi trơ trụi vì không cây cối. Manley Beach, xa CBD, trông đẹp hơn với hàng cây tùng dọc bờ biển. Nhưng nói chung thì cảnh thiên nhiên của Sydney không đa dạng, phong phú như của Vancouver, vì Sydney không có núi, rừng ngay thành phố.
Thành phố Sydney nói chung là những khu vực ở CBD và dọc theo bờ biển thì đẹp, mới, hiện đại, nhưng xa bờ biển thì nhiều khu phố rất là cũ kỹ, cũ kỹ hơn Vancouver. Điều này có thể hiểu được vì thành phố Sydney có tuổi đời là 227 năm, già hơn Vancouver (153 năm).
Màng lưới xa lộ (người Úc gọi là motorway) còn thưa thớt, cho nên di chuyển bằng xe hơi trong nội thành vẫn mất thì giờ, giờ đi làm và tan sở kẹt xe trầm trọng. Đa số xa lộ của Greater Sydney phải trả tiền mãi lộ (toll) cho nên xe hơi của dân Sydney phải có electronic tag (transponder) để cuối tháng trả tiền. Số lượng roundabout (vòng tròn xoay ở ngã tư) rất là nhiều, thay cho đèn lưu thông. Trong lúc băng qua đường, mấy lần tôi suýt bị xe đụng, lý do là nhìn sai hướng. Ở Úc, lúc băng sang đường, bạn phải nhìn bên phải trước, ra giữa đường thì nhìn sang bên trái. Đó là chiều xe chạy tới, vì bên Úc lái xe bên trái và tay lái xe (steering wheel) thì bên mặt của xe.
Nhưng bù lại, Sydney có một mạng lưới xe lửa điện (electric train) rộng lớn bao trùm toàn thành phố rất là hữu hiệu. Mặc dù đường ray vẫn nằm trên mặt đất như ở Calgary, nhưng có lẽ mạng lưới đường ray được thiết kế ngay từ lúc xây dựng thành phố hay sao mà hoàn toàn không cản trở gì với đường xe hơi, nghĩa là không có vấn đề xe hơi phải dừng lại cho xe lửa chạy qua. Cho nên nhiều cư dân trong số 4 triệu dân không cần xe hơi mà vẫn đi lại khắp nơi trong thành phố rộng lớn. Mạng lưới xe lửa điện có tới 7 tuyến đường, mỗi tuyến mấy chục trạm, vừa dày đặc hơn mà vừa xa dài hơn mạng lưới Skytrain của Vancouver. Cũng có xe lửa chạy vào tận phi trường. Nhưng nói chung thì hệ thống này mang tính hệ thống xe lửa truyền thống, với nhiều trạm nhỏ, thiết kế xưa và đơn giản, chứ không phải là dạng mass rapid transit (MRT) hiện đại xây sau này mà ta thấy ở Vancouver, Singapore, Kuala Lumpur .v.v.chạy trên đường ray cao khỏi mặt đất. Dạng xe lửa truyền thống ở Canada chỉ dùng cho tuyến đường xa.
Các toa xe một số cũ kỹ, một số hiện đại, nhưng tất cả đều có 2 hoặc 3 từng và đều dài hơn toa xe của Skytrain. Tuy nhiên người ngồi xe lăn không thể tự đi được vì khoảng cách giữa sàn xe và sàn trạm không được bằng phẳng, liền khít như hệ thống Skytrain. Kiểm soát vào ra rất chặt chẽ: đi vào phải scan vé mà đi ra cũng phải scan vé thì cổng mới mở ra, không thể gian lận được.
Sydney cũng là thành phố đa văn hóa, nhưng dân da đen gốc African thì ít còn dân da ngăm gốc Trung Đông thì nhiều hơn, còn da vàng như Việt Nam và Tàu thì dĩ nhiên là rất dễ thấy.
Chúng ta thường nghe nói là Melbourne một ngày có bốn mùa. Nhưng theo tôi thì Sydney cũng không thua nhiều lắm đâu, một ngày cũng có thể đến ba mùa. Tôi đến Sydney vào tháng tư, nghĩa là đầu thu. Trời nắng mưa rất là đột ngột bất thường, có thể là mưa nắng liên tiếp vài lần trong ngày. Nhiệt độ chênh lệch giữa ban ngày và ban đêm khá nhiều, ban trưa hai mươi mấy độ thì ban sáng, ban đêm tụt xuống còn mười mấy độ. Cho nên ngoại trừ mùa hè nóng bức thì du khách đến Sydney 3 mùa còn lại phải mang theo áo khoác thủ thân, không thì dễ bị lạnh bất ngờ.
Ngoài ra, khác với Vancouver là được che chắn bởi hòn đảo núi cao Vancouver Island khổng lồ cho nên rất lặng gió, thành phố Sydney không có gì ở ngoài khơi cho nên gió mạnh từ Thái Bình Dương thổi thốc vào thành phố cũng rất là khó chịu đối với những người không quen. Trời đang trong xanh, nắng ấm thì gió biển đột ngột mang mây đen tới làm u ám trong khoảnh khắc và lạnh hẳn đi. Mưa một lúc xong thì gió biển lại mang mây đen đi. Chính vì mưa nắng bất thường, ấm lạnh bất thường và gió lộng mà trong 17 ngày thăm Sydney tôi bị cảm tới 3 lần.
Các loại cây cối rất khác với vùng Vancouver/Seattle. Ngoài cây cọ, ấn tượng nhất là những cây rất to, da trắng, rễ nhiều như cây đa ở Vietnam. Khuynh diệp cũng rất dễ thấy khắp nơi.
Về phương diện giá sinh hoạt thì so với Mỹ và Canada, vì kinh tế của Úc nhỏ hơn, dân số ít hơn, cho nên giá sinh hoạt của Úc cao hơn tại Mỹ và Canada. Tỷ dụ một tô phở lớn tại Phở An ở Sydney giá 15 đô Úc hay một kí lô tôm hùm là hơn 100 đô Úc (45CA$/pound) hay chỉ leo lên cái vòng cung trên cầu Harbour Bridge để ngắm cảnh là 200 đô Úc (nhưng phải công nhận tô phở An 15 đô ăn no cành hông). Giá thực phẩm thì tương đối không cao hơn Canada nhiều lắm, nhưng giá hàng hóa tiêu dùng, dịch vụ thì cao hơn thấy rõ. Nhưng bù lại, lương bổng trung bình của Úc cao hơn Mỹ và Canada, tỷ dụ như lương tối thiểu luật định ở Úc là 16.87AU$/giờ, trong khi tại Vancouver chỉ có 10.25CA$/giờ và tại California 9US$/giờ (tiền Úc và Canada ngang ngửa nhau). Vậy thì có thể kết luận mức sống của dân Úc cũng gần ngang ngửa với Bắc Mỹ. Giá nhà cửa của Sydney cũng đắt ngang ngửa với Vancouver, trung bình là một triệu đô la cho một căn nhà 3 phòng ngủ khu nội ô, gần CBD. Tiền thuê nhà trả hàng tuần, và giá thuê trung bình hiện nay ở Sydney là 179AU$/1 tuần (700$/tháng) mà lại phải share phòng ngủ với vài người khác, không được phòng ngủ riêng.
Điều tôi thích về nước Úc là mặc dù vẫn có thuế GST nhưng thuế này bao gồm luôn trong giá thành chứ không cộng thêm vào, nghĩa là giá niêm yết thế nào thì trả thế đó. Giá đề 100$ thì trả 100$ chứ không phải 112$ như Vancouver. Chỉ có GST mà thôi, không có provincial sales tax. Ngoài ra không phải trả tip tràn lan như Bắc Mỹ, vì người phục vụ tại Úc đã được trả lương xứng đáng rồi, họ không cần tip nữa. Cái gọi là tip để thưởng cho thái độ phục vụ của Bắc Mỹ, của Âu châu chẳng qua là một cách bắt người tiêu thụ tài trợ cho mức lương chết đói mà chủ nhân trả cho nhân viên phục vụ mà thôi. Ngoài ra, phúc lợi lao động của Úc cũng tốt hơn Canada và Mỹ: sau khi hoàn tất năm đầu tiên làm việc, công nhân viên của Úc được ngay một tháng phép thường niên, sau đó thì vacation sẽ gia tăng tỷ lệ theo thâm niên.
Về phương diện y tế, hệ thống y tế của Úc là sự phối hợp giữa hệ thống y tế Canada (toàn dân được bảo hiểm y tế với giá phí hàng tháng rất tượng trưng và chính phủ là nhà cung cấp dịch vụ bảo hiểm y tế) và hệ thống y tế Mỹ (màng lưới công ty bảo hiểm tư nhân cung cấp dịch vụ bảo hiểm y tế với nhiều giá cả khác nhau tùy theo mức độ chữa trị). Tại Canada đang có khuynh hướng kêu gọi chính phủ nên đi theo hệ thống Úc để giảm bớt gánh nặng chi phí y tế.
Úc dùng hệ thống điện 220 Volt và ổ cắm điện là loại 3 chấu hình tam giác, hoàn toàn khác với Bắc Mỹ, do đó khi đi du lịch Úc bạn nhớ mang theo adapter. Nhưng cái hay là ổ cắm điện nào cũng có nút tắt mở, nghĩa là cắm dây vào nhưng phải bật thêm nút power on thì mới có điện, cho nên an toàn hơn ổ cắm điện của Bắc Mỹ. Ngoài ra, do tình hình nguồn nước ngọt không dồi dào, nên toilet nào cũng có 2 nút xả nước: xả nửa bồn cho đi tiểu, xả nguyên bồn cho đi tiêu, rất là tiết kiệm nước (tiểu bang California nên ép buộc xử dụng loại toilet này). Men Washroom thì gọi là Male Toilet, Women Washroom thì gọi là Female Toilet và Handicapped Washroom thì gọi là Ambulant Toilet.
Dù là gốc Anh, nước Úc hoàn toàn theo hệ thống thập phân: tốc độ, khoảng cách theo km, trọng lượng theo kg, diện tích theo mét vuông, nhiệt độ theo Celsius (C). Không như Vancouver, nửa nạc nửa mỡ, vừa dùng kg vừa dùng pound, diện tích thì vẫn square feet, chắc vì sống gần ông Mỹ khổng lồ nên bị ảnh hưởng. Giá mà Úc lái xe bên phải nữa thì thật tốt cho di dân Vietnam quá.
Theo điều tra dân số của Úc năm 2011 thì có 219,000 người nói tiếng Việt ở nhà. Nhưng cần nói thêm là người Việt gốc Hoa nói tiếng Hoa ở nhà, chứ không nói tiếng Việt, cho nên số người Viêt gốc Hoa này đã trở thành người Tàu theo cách điều tra dân số của Úc, của Canada. Tài liệu khác thì nói dân Viêt tại Úc khoảng 300,000 người. Khoảng 40% dân Việt sống ở tiểu bang New South Wales, chủ yếu là Greater Sydney. Vậy thì ước lượng có khoảng 100,000 người Vietnam sống ở Greater Sydney, nhiều gấp đôi số người Việt sống ở Greater Vancouver.
Mặc dù số người Vietnam tại Úc và tại Canada ngang ngửa nhau (khoảng 300,000) nhưng vì dân số của Úc chỉ bằng 2/3 dân số Canada (24 triệu so với 36 triệu), cho nên sự hiện diện của người Vietnam tại Úc rõ rệt hơn, quan trọng hơn, có ảnh hưởng hơn là sự hiện diện của người Vietnam tại Canada. Một bằng chứng là người Viêt tại Úc có chương trình phát thanh toàn quốc Việt ngữ một ngày 2 buổi, mỗi buổi một tiếng, của đài SBS, do chính phủ Úc tài trợ. Người Việt tại Canada không thực hiện được điều này.
May mắn thay cho người Việt tại Úc, nghiệp đoàn công nhân Bưu Điện Úc phản đối kế hoạch tự động hóa lựa thư (mail sorting) bằng máy. Do đó, không giống như Bưu Điện Mỹ hoặc Bưu Điện Canada, việc lựa thư vẫn do người làm, cho nên rất nhiều người Việt được làm việc lựa thư cho Bưu Điện Úc, một công việc không đòi hỏi giỏi tiếng Anh và không đòi hỏi kỹ thuật cao mà lại lương cao, ổn định, phúc lợi nhiều.
Nếu Little Saigon là thủ đô của người Viêt tại Mỹ thì khu Cabramatta ở Sydney là thủ đô của người Vietnam tại Úc, còn được báo chí Úc gọi là Vietnamatta. Mặc dù số lượng cửa hàng, doanh nghiệp của người Viêt ở Little Saigon, California, Mỹ nhiều hơn Cabramatta, nhưng quang cảnh đường xá rộng thênh thang với những khu plaza tươm tất, sáng sủa, sạch sẽ trải dài làm cho Little Saigon không có cái vẻ nhìn và cái không khí của phố xá Vietnam. Ngược lại, chính cái con đường John St. chật hẹp với hai bên cửa hàng san sát, chen chúc nhau, cái luộm thuộm, nhà cửa cũ kỹ, bày bán lề đường không văn minh ngăn nắp của khu Cabramatta lại làm cho người Việt cảm thấy rất ấm cúng, gần gũi thân thương, rất "Saigon-Chợ Lớn". Phố Kingsway của Vancouver có hơi hướm Saigon hơn Little Saigon của Orange County, nhưng vẫn thua xa chất Saigon của Cabramatta.
Còn gì Vietnam hơn được nữa khi bạn thấy bảng hiệu cửa hàng tiếng Việt, người đi mua sắm nói tiếng Việt, người bán nói tiếng Việt, trái cây Vietnam như xoài, chôm chôm, mãng cầu, mãng cầu xiêm, nhãn, măng cụt, thanh long, dừa, dưa hấu, vú sữa, chuối, cóc, chùm ruột v.v. chất như núi trên vỉa hè, bà già ngồi bán rau trên vỉa hè và bạn nghe tiếng một phụ nữ quát vào điện thoại di động: "Coi chừng tao đập một cái chết mẹ mày bây giờ". Đúng vậy, chị Vietnam này đang quát mắng con, mà lại là quát mắng qua điện thoại, không chờ về đến nhà.
Điều thích thú ngạc nhiên hơn nữa là ngoài các loại trái cây quen thuộc của Tây phương, Úc trồng được hầu hết trái cây Vietnam, không những vậy, trái cây nhiệt đới của Úc còn ngon tốt hơn, tỷ dụ mãng cầu (na) to gấp 2-3 lần của Vietnam, xoài tròn trịa mập ú, thanh long thì ngọt hơn, nhãn thì cơm dày hột nhỏ hơn. Bà chị vợ của tôi trồng được cây nhãn rất sai trái và rất ngọt ngay sân nhà, ngoài ra còn đu đủ, lựu ..Hầu như tất cả người Việt tại Úc đều trồng cây ăn trái Vietnam tại nhà, vì lý do vừa kinh tế vừa văn hóa.
Ngoài Cabramatta, người Việt sau này còn bành trướng thêm khu Bankstown, gần CBD hơn, nhìn ngăn nắp tươm tất hơn khu Cabramatta và vài khu nhỏ khác. Ở đây ta cũng nhìn thấy được nét rất Vietnam như Cafe Nhớ bàn ghế bày ra vỉa hè hay đàn ông thanh niên tụ tập đánh bài, đánh cờ. Vợ chồng tôi đã ăn thử hai tiệm phở được coi là ngon nhất của Sydney là tiệm An ở Bankstown và tiệm Ann ở Cabramatta thì có nhận xét là thịt bò Úc quả là rất mềm nhưng bánh phở thì mềm chứ không dai như bánh phở ở Vancouver, mà chúng tôi thì quen với bánh phở dai. Về khung cảnh chỗ ngồi thì tiệm phở An rất rộng rãi, sáng sủa, lịch sự và lấy order bằng dụng cụ điện tử cầm tay (như cái cell phone) nên dọn thức ăn lên rất nhanh. Phải nói phở An là tiệm phở gương mẫu cho tất cả tiệm phở trên thế giới nên bắt chước.
Báo chí Việt ngữ tại Sydney cũng rất mạnh với 6 tờ báo, trong đó có nhật báo Chiêu Dương là báo bán hàng ngày, điều mà ngay cả Toronto cũng chưa làm được. Hoạt động tín dụng truyền thống của Việt Nam là Chơi Hụi vẫn sống mạnh ở Sydney. Nhưng cũng phải công nhận là Việt kiều Úc có nhiều người lì lợm hơn so với Việt kiều các nước khác, vì đa số Việt kiều bị bắt tại Vietnam về tội buôn bán ma túy là xuất phát từ Úc. Phải chăng vì gần Vietnam hơn mà tính chất Vietnam còn mạnh hơn trong người Việt tại Úc?
Nếu bạn đến Sydney thì cũng nên đi thăm Canberra, thủ đô Úc, vì chỉ cách Sydney có 3 giờ lái xe. Canberra cách Sydney khoảng 300km về hướng tây nam, là một thành phố bao phủ bởi cây xanh và núi đồi, được quy hoạch rất tốt với nhà cửa, dinh thự mới đẹp hơn Sydney, đường xá rộng rãi, thẳng thớm, phẳng phiu hơn Sydney.
Điểm nhấn của thành phố là cái hồ nhân tạo khổng lồ Lake Burley Griffin, không phải hình tròn mà dài và cong, dài 11km, rộng 1.2km, sâu 4m, chứa 33 triệu thước khối nước, được đào bao quanh đồi Capital Hill mà trên đỉnh đồi có Parliament House và Old Parliament House nằm chễm chệ. Tòa Quốc Hội Cũ (xây năm 1927) dù nhỏ hơn, cũ hơn Tòa Quốc Hội (xây năm 1988) nhưng vì đứng phía trước, có bề ngang dàn trải hơn và màu trắng cho nên nhìn còn bắt mắt hơn Tòa Quốc Hội đương thời, vì mang dáng dấp của White House của Mỹ. Tuy người viết bài không phải là một kiến trúc sư nhưng thiết nghĩ là nếu Old Parliament House không còn đủ lớn để làm quốc sự thì Úc chỉ nên nới rộng thêm hoặc xây cao lên chứ không nên xây hẳn một tòa quốc hội mới cách xa phía sau, lý do vì Old Parliament House có nét mỹ lệ, duyên dáng của nó. Một cách so sánh là Convention Centre mới của Vancouver dù lớn hơn và hiện đại hơn nhưng vẫn không thay thế được vẻ mỹ lệ, duyên dáng của những cánh buồm trắng của nóc nhà Convention Centre cũ.
Đối diện với Old Parliament House, bên kia hồ, là 2 đường Anzac Parade với phần lót gạch hồng rộng thênh thang ở giữa dùng để diễu hành dịp lễ lớn, mà cuối đường là tòa nhà War Memorial bằng đá nằm dưới chân núi. Hai tòa nhà quan trọng nhất nằm đối diện nhau bên hồ, quả là Canberra được qui hoạch rất hài hòa, hợp lý.
Trên con đường Anzac Parade này cũng có đài tưởng niệm những chiến sĩ Úc bị hy sinh và thương tật trong cuộc chiến tranh Vietnam. Điều đáng nói là chính phủ Úc cho những cựu chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa đang sống tại Úc được hưởng Phụ Cấp Cựu Quân Nhân y như cựu quân nhân Úc.
Dọc theo bờ hồ dài 40km là đường đi bộ, đi xe đạp với những cây liễu và hoa các loại, cung cấp nơi vận động thân thể và thư dãn cho dân chúng thủ đô.
Tôi đến Canberra vào đầu thu và nhận ra vẻ quen thuộc của Vancouver, bởi vì Canberra cũng có những con đường lá phong (maple) đang ngả màu đỏ nâu. Chung quanh Canberra, núi đồi cũng có sắc đỏ, nâu, vàng xen vào sắc xanh. Như vậy thì ngoại trừ vùng ven biển, vùng đồi núi bên trong của lục địa Úc châu cũng lạnh, cũng có tuyết. Canberra có thể lạnh tới 10 độ âm (-10oC).
Tôi tò mò đi xem tòa đại sứ các nước. Trong khi tòa đại sứ Canada khiêm tốn ẩn mình sau rặng cây thì tòa đại sứ Trung Quốc đường bệ uy nghi, không gì che khuất, đúng là biểu hiện cho một siêu cường quốc đang lên.
Nhìn bà chị vợ sáng sáng ngồi uống cafe trong cái sân ngập nắng vàng, đọc báo Chiêu Dương, nghe tiếng chim cu gù gù trên cây, tôi bỗng thèm thuồng. Tôi nhận ra rằng nếu phải bỏ quê hương đi sinh sống ở nước ngoài, thì nơi nào đời sống tinh thần và vật chất cao hơn quê hương nhưng có nét giống quê hương mình nhất là nơi tốt nhất. Theo tiêu chuẩn này thì người Viêt ở Sydney là hạnh phúc nhất, may mắn nhất so với người Viêt ở các nơi khác trên thế giới. Không những thế, Úc chỉ cách Vietnam có 8 giờ bay trực tiếp. Đối với người Việt tại Úc thì cái tên gọi theo truyền thống The Lucky Country của Úc là đúng.
17 ngày thì không phải là ngắn, nhưng tôi cũng chưa biết tất cả về Sydney. Lúc ra phi trường Sydney để trở về Canada, tôi đi tìm chiếc xe đẩy hành lý thì mới hay là phải thuê mất 4 đô la chứ không phải là xài free như những phi trường mà tôi đã đi qua ở Bắc Mỹ và Á châu. Tôi có mang theo bát mì ăn liền, trong lúc chờ đợi máy bay hơi lâu, tôi nghĩ là nếu mình xin nước sôi ở cửa hàng cafe trong phi trường mà không mua gì của họ thì kỳ cục, nên mua cái bánh ngọt mất 5 đô la rồi xin nước sôi đổ vào bát mì. Ngờ đâu cô bán hàng tính thêm 1 đồng tiền nước sôi. Biết vậy thì đã chả mua cái bánh ngọt. Phi trường Sydney làm tôi có cảm tưởng mình đang ở một nước nghèo thuộc thế giới thứ ba chứ không phải nước Úc giàu có, xinh đẹp.
Hoàng Hải Hồ
15/5/2015
Xem thêm hình ảnh thủ đô Canberra theo video YouTube dưới đậy: