Click mũi tên ở trên để nghe đọc bài.
Cốc cà phê buổi sáng ở Cuba
Laura Gomez
Việc đầu tiên trong ngày của Rolando Godinez là nếm thử cà phê ông sắp bán và xác nhận nó đạt tiêu chuẩn. Rồi ông rời nhà với gánh cà phê rong. Rolando, 58 tuổi, đã chọn nghề bán thức uống yêu thích của dân Cuba. Một ly cà phê đậm đà luôn luôn là điều kiện ắt có để khởi đầu một ngày, dù là hiện nay một số người không còn khả năng duy trì truyền thống này.
Dưới đây là cuộc phỏng vấn của tôi với Rolando.
Ông bán cà phê bao lâu rồi?
Được khoảng 2 năm. Tôi không có ý đồ bán cà phê, nhưng rồi phải nắm bắt cơ hội. Người bạn ở Mayabeque khuyên tôi. Anh ta mang 1 cân Anh (pound) lên Havana, bán được ngay lập tức. Tôi bắt đầu mua 1 cân của anh ta với giá 300 pesos (1 USD). Anh giao hàng đều đặn cho đến khi giao thông trở nên khó khăn và vườn cà phê của anh bị hao hụt sản lượng làm cho việc kinh doanh của tôi không còn dễ dàng.
Làm việc này ông có phải dậy sớm không?
2:30 sáng là tôi phải dậy rồi. Tôi sửa soạn nấu ấm cà phê 10 ly. Tổng cộng là nấu 7 mẻ như vậy (70 ly). Sau khi làm xong toàn bộ cà phê, tôi đổ vào 3 bình thủy. 1 cân cà phê cho tôi 126 cốc nhỏ, tôi bán mỗi cốc 20 pesos. 5 giờ sáng là tôi đã rời nhà với ba lô, 1 cái ghế, 1 cái bàn nhỏ. Vào giờ đó thì chỉ có mình tôi bán cà phê. 7 giờ sáng là tôi về nhà. Tôi không thể làm việc xa nhà.
Rolando chưng cất cà phê bằng loại bình đặt trên bếp này.
Sau khi chưng cất cà phê, Rolando đổ cà phê vào cái bình thủy giữ nóng Made in Vietnam này. Mỗi cốc cafe nhỏ này Rolando bán 20 pesos (7 xu Mỹ)
Hoàn cảnh cá nhân của ông thế nào?
Nghe thì đơn giản, nhưng tôi phải đồi phó với bệnh tật của vợ tôi 18 năm rồi. Bà ấy bị bệnh tâm thần lưỡng cực (bipolar). Khi con trai chúng tôi ra đời, tôi tưởng bà ấy sẽ đỡ hơn, nhưng không phải vậy. Nếu bà ấy có thể giúp tôi nấu cà phê, tôi không bị căng thẳng như vậy, vì bả cũng chịu khó như tôi. Sau khi bán xong cà phê, tôi giặt quần áo, lau nhà và rửa chén bát. Tôi cố gắng giữ gìn nhà cửa tươm tất để bà ấy được tâm thần thoải mái ổn định nhưng không có thuốc điều trị thì cũng rất khó. Bả vào nhà thương nhiều lần, mỗi lần như vậy là tốn một ngày thu nhập của tôi.
Vậy ông là người có trách nhiệm lo tìm miếng ăn?
Vâng, hiện nay là như vậy. Nguồn thu nhập duy nhất trong gia đình là gánh cà phê rong của tôi. Với tình hình kinh tế hiện nay của đất nước, mỗi chúng tôi đang làm phép mầu kinh tế gia đình. Một số người còn tệ hơn tôi. Tôi bị tiểu đường nên phải ăn kiêng. Nên tôi thường phải nằm dài sau khi làm việc.
Ông tìm nguồn cung nguyên liệu ở đâu?
Quả là cực hình. Không phải bạn mua cà phê hạt của ai cũng được. Một số trộn nhiều đậu hạt vào cà phê, mà tôi có tiếng là bán cà phê chất lượng, tôi không thể đánh mất niềm tin của khách hàng. Hiện nay tôi mua cà phê giá 800 pesos cho 2 cân. Những cửa hàng tư nhân bán cà phê hạt quá đắt, tới 1,200-1,300 pesos, tôi không thể kiếm lời nếu mua cà phê hạt giá này. Bạn cũng không thể mua cà phê hiệu Hola của cửa hàng quốc doanh với giá 11 pesos/cân. Đó là giấc mơ đẹp đã mất. Lần chót tôi mua được là tháng 7, nhưng nhiều hạt đậu hơn là hạt cà phê.
Bạn của ông giải thích ra sao về sự thiếu hụt sản phẩm thiết yếu này?
Bạn tôi biết tình hình. Anh ấy có một miếng đất nhỏ trồng cây cà phê và nghe từ những nông gia khác là sự thiếu hụt hạt cà phê do nhiều nguyên nhân: hạn hán, di dân ra nước ngoài, thiếu thuốc trừ sâu, thiếu phân bón. Cũng thiếu cả vật liệu đóng gói.
Ông có mua cà phê từ những cửa hàng kinh doanh ngoại tệ của chính phủ (MLC)?
Không thể được. Muốn mua một gói cà phê Turquino, Bayamesa, Serrano hay Cubita, tôi phải trả 11 MLC (đồng tiền ngoại tệ). Mỗi MLC là 270 pesos. Đó là một khoản đầu tư quá lớn (gần 3,000 pesos). Tôi không có thân nhân ở nước ngoài gửi tiền về. Bà phải trong hoàn cảnh của tôi mới hiểu được….
Vậy việc bán cà phê rong của ông là việc làm ăn khấm khá?
Đủ sống qua ngày nhưng không thể làm giàu. Tôi tin rằng hiện nay chẳng có việc kinh doanh nào béo bở. Sau khi trừ đi chi phí, tiền lời phải dùng mua thực phẩm, mua thêm cà phê, trả phí điện nước, ga nấu bếp, thuốc men chữa bệnh, dành dụm cho cơn nguy cấp, thuê xe. Tôi phải mua loại cốc xử dụng một lần, nhưng loại này đôi khi không vệ sinh hay dễ vỡ. Phẩm chất kém lắm nhưng ở Cuba chúng tôi phải dùng.
Khi bán cà phê, ông có chuyện trò với khách hàng?
Dĩ nhiên. Tôi cố gắng tử tế và lịch sự. Bà có thể thấy chất lượng cà phê của tôi qua biểu cảm của khách hàng. Tôi cười và mong ước họ trở lại hôm sau. Những nghệ thuật bán hàng này người nhân viên trẻ tuổi ở nhà hàng và quán cà phê không có được. Đó gọi là Tiếp Thị và nếu không có phong thái đúng đắn thì sẽ thất bại.
Đa số khách hàng của tôi là công nhân, láng giềng, người già hay người vô gia cư tôi cho uống không tính tiền. Cốc cà phê loại dùng lại được tôi rửa ráy rất kỹ ở nhà. Tôi nghe khách hàng than phiền họ từng uống những ly cà phê có dấu son môi, xác côn trùng, cợn đồ ăn…ở những chỗ bán cà phê khác. Tôi thích nghe chuyện to nhỏ xẩy ra ở đất nước và lời đồn đãi của làng xóm. Khi cung cấp một sản phẩm tốt cho người khác, ta thấy vui. Đối với tôi, ít nhất thì cà phê làm giảm nhức đầu và cho năng lượng.
Ông có cho rằng cà phê có liên hệ sâu xa với bản sắc Cuba?
Dứt khoát là vậy. Tôi nói đây không phải theo quan điểm người bán cà phê mà còn là người dùng cà phê. Thật là buồn khi nhiều người không còn mời uống cà phê với khách đến nhà (vì họ không có cà phê để mời). Đó là truyền thống, là nghĩa cử hiếu khách mà không may thay nhiều người dân Cuba nay phải từ bỏ.
Laura Gomez
Havana Times, 7/12/2024
Hoàng Hải Hồ dịch "A morning cup of coffee in Cuba" by Laura Gomez