TẠI SAO ĐÃ ĐẾN LÚC PHẢI KIỂM SOÁT XUẤT NHẬP KHẨU LỪA

 

Những năm gần đây, nhu cầu da lừa tăng vọt ở Trung Quốc, nơi nó được dùng để chế biến một loại thuốc bổ cổ truyền là Cao Da Lừa (ejiao). Cao Da Lừa được làm bằng chất collagen trích xuất từ da lừa trộn với thảo dược.

Cao Da Lừa được tin là bổ máu, ngưng xuất huyết, cải thiện dịch cơ thể và giúp ngủ ngon.

 

 

Cao Da Lừa bán giá 783 USD một kí lô. Thị trường tiêu thụ có khối lượng gia tăng từ 3.2 tỷ USD năm 2013 lên tới 7.8 tỷ năm 2020. Lý do của sự bùng nổ này  là thu nhập dân  chúng gia tăng, sản phẩm được quảng bá trên chương trình vô tuyến truyền hình nhiều tập và dân số hóa già cần thuốc bổ.

Đôi khi chính bác sĩ cho toa thuốc dùng Cao Da Lừa và Cao Da Lừa được các chương trình bảo hiểm y tế chấp thuận chi trả.

Nhu cầu tăng vọt khiến lừa trở nên khan hiếm ở Trung Quốc và trên toàn thế giới. Ảnh hưởng nặng nhất là Phi Châu.

Phi Châu có nhiều lừa nhất, chiếm đến 2/3 số lừa 53 triệu con trên toàn thế giới năm 2020.

Không có con số chính xác bao nhiêu tấm da lừa được xuất khẩu qua Trung Quốc, vì ngành buôn lậu da lừa gia tăng. Nhưng một cuộc nghiên cứu cho thấy số lừa của nước Nam Phi giảm từ 210,000 con năm 1996 xuống 146,000 con năm 2019 cho thấy việc xuất khẩu da lừa đã tăng gia.

Trong cuộc nghiên cứu gần đây, tôi xem xét khuynh hướng, vấn đề và triển vọng của ngành buôn bán lừa giữa Phi Châu và Trung Quốc. Tin tức tôi thu thập được từ phỏng vấn cá nhân, báo chí và điểm tin Anh ngữ và Hoa ngữ.

Tôi có thể kết luận là tầm mức ngành buôn bán lừa, bao gồm chính thức và buôn lậu, đang đe dọa nhiều quốc gia Phi Châu, nói rõ hơn là các cộng đồng yếu kém.

Ngoài sự sinh tồn của giống lừa, một phần lớn của thử thách này là dân chúng địa phương còn có thể mua lừa hay không. Lừa là một con vật hết sức hữu dụng cho dân chúng tự ngàn xưa, không còn có lừa là một tai họa cho dân nghèo.

Phần thử thách khác là luật lệ về buôn bán lừa. Chỉ khi ngành buôn bán lừa được luật pháp quản lý, số lượng xuất khẩu có giới hạn thì nó mới không gây bất lợi cho dân nghèo.

Một cuộc nghiên cứu gần đây về cộng đồng Đông Phi châu cho thấy vùng này chưa được chuẩn bị cho cuộc thảm sát lừa và buôn bán lừa tự do. Hàng triệu dân Đông Phi châu đang sống nhờ sự giúp ích của lừa và đang bị đe dọa vì ngành buôn bán lừa không kiểm soát.

 

Giá trị của lừa

Lừa đang giúp đỡ cuộc sống của 158 triệu dân Phi Châu. Trong vùng thôn quê hẻo lánh, lừa giúp cho gia đình khỏi bị đói nghèo, giúp cho đàn bà em gái khỏi lao động nhọc nhằn.

Lừa là phương tiện chuyên chở đơn giản nhất, chi phí thấp nhất, dễ bảo trì nhất, giúp đưa người, hàng hóa, nông sản từ nhà tới ruộng tới chợ và ngược lại; giúp đi tới giếng nước và những nơi thiết yếu khác. Ngay cả trong môi trường khắc nghiệt, lừa giúp mang gánh nặng đi đường xa, không cần uống nhiều nước và không biết mệt mỏi. Lừa là một tài sản bền vững.

Sở hữu lừa giúp tăng năng xuất, giảm lao động cực nhọc cho con người. Không có lừa, đàn bà sẽ mang nặng xách đau. Ở Ghana, nghiên cứu cho thấy có lừa thì người lớn tiết kiệm được 5 giờ lao động mỗi tuần, trẻ em tiết kiệm được 10 giờ mỗi tuần. Nhờ có lừa mà trẻ gái mới có thì giờ đi học.

Lừa mang gánh nặng của củi nấu và nước sinh hoạt. Nhờ lừa giúp tiết kiệm sức lực và thời gian mà con người có thể làm những hoạt động kiếm tiền khác, tỷ dụ như làm thuê nông nghiệp.

Trong vùng thôn quê hẻo lánh của Kenya, mất lừa dẫn đến nghèo đói, trẻ em phải bỏ học, thiếu nước sinh hoạt cho gia đình, kinh tế bấp bênh. Do đó việc buôn bán lừa trở thành đề tài nhậy cảm.

 

Chính quyền phản ứng

Nhu cầu tiêu thụ da lừa tăng vọt của Trung Quốc gây ra phản ứng khác nhau từ các chính phủ ở Phi Châu.

Thí dụ Tanzania cố gắng tạo ra một kỹ nghệ buôn bán da lừa chính thức. Nhưng năm ngoái chính quyền cấm hẳn vì nguồn cung hợp pháp không đáp ứng nổi nhu cầu. Lừa cái chỉ có thể sinh vài lừa con trong suốt cuộc đời.

Ở Kenya, nhân dân phẫn nộ vì giá lừa gia tăng mà thiếu lừa để mua, dẫn đến việc chính quyền cấm xuất khẩu lừa vào tháng 2/2020. Nhưng rồi giới xuất khẩu lừa kiện chính quyền lên Tòa Tối Cao Kenya tháng 6/2020 và thắng kiện.

Những nước khác như Botswana, Burkina Faso, Mali, Niger, Senegal và Tanzania đều cấm xuất khẩu lừa. Một số khác, thí dụ Nam Phi, cấm hẳn hoặc giới hạn xuất khẩu đồng thời quản lý chặt hơn việc giết mổ lừa.

Nhưng việc thực thi lệnh cấm lại tùy thuộc vào sự hữu hiệu của cơ quan quản lý mỗi nước, và việc buôn lậu lừa qua biên giới rất dễ dàng.

Ở Nam Phi, việc định mức số lượng lừa xuất khẩu chỉ làm việc giết mổ lừa thành lén lút. Và còn dẫn đến việc trộm cắp lừa. Lừa bị giết lén lút trong rừng rậm hoặc trong những lò mổ lậu ở Lesotho rồi xuất khẩu qua Trung Quốc.

Nghèo khổ dẫn đến việc bán lừa nhưng bán lừa lại làm cho nghèo thêm nghèo. Vì lừa cũng là một phương tiện để kiếm cơm trong trung hạn và dài hạn.

 

Cần phải làm gì?

Một Hội Nghị Lừa Toàn Phi Châu mới đây kêu gọi ngưng xuất khẩu lừa toàn lục địa trong vòng 15 năm để phục hồi số lượng lừa cần thiết cũng như hoàn chỉnh hệ thống quản lý lừa.

Kỹ nghệ cao lừa ở Trung Quốc được tổ chức hoàn chỉnh và có nguồn cung tốt. Chỉ có một số nhỏ công ty quy mô trong một tỉnh thống trị ngành này. Họ được đại diện bởi Hội Kỹ nghệ Cao Lừa Sơn Đông.

Mậu dịch da lừa giữa Trung Quốc và Phi Châu có thể quản lý được tốt nếu các nước Phi Châu liên kết lại, tổ chức hiệp hội và thiết lập đối thoại với kỹ nghệ cao lừa Sơn Đông. Mục tiêu là thiết lập cơ chế bảo tồn nguồn cung lâu dài, ngăn ngừa tổn hại cho dân chúng địa phương và phòng chống buôn lậu lừa.

Song song với việc này thì các tổ chức bảo vệ động vật ở Trung Quốc cũng cần nâng cao ý thức của dân chúng về những nguy hại do việc buôn lậu da lừa gây ra.

Tôi tin rằng hiện nay thì ngành mậu dịch này vẫn còn chưa phát triển tột đỉnh. Kỹ nghệ cao da lừa Trung Quốc cần đặt ra tiêu chuẩn điều hành nghiêm ngặt hơn nhằm loại ra sản phẩm thuộc diện buôn lậu và ăn trộm.

Các quốc gia Phi Châu cần hợp tác với nhau sâu rộng hơn để bảo tồn vai trò ngàn xưa của lừa và giúp những nhóm dân bị cô lập và dễ tổn thương nhất của lục địa.

 

Lauren Johnston

“Why is time to control the donkey trade”

Asia Times, Feb 9, 2023

© Hoàng Hải Hồ dịch


Joomla Hosting and Maintenance by Cybersalt

Copyright © 2014-2024. VietVancouver, All rights reserved

  • Số Lượt Truy Cập 1753833