Tên côn đồ
Tôi đang sửa soạn làm cơm chiều cho cả nhà, bỗng nhiên nghe tiếng chìa khóa mở cửa, thằng em Út xuất hiện với chiếc cặp còn trên vai. Tính không để ý đến tôi đang đứng làm bếp, nó quăng chiếc cặp lên salon, nằm dài ra ghế, tay trái với lấy chiếc remote control để trên bàn bấm lấy bấm để tìm đài đánh box trên TV xem, tay phải thì thò vào gói bắp rang bốc một nắm, nhét đầy vào miệng nhai ngồm ngoàm cho đỡ cơn đói; bàn tay nó xục xạo vào túi bắp rang bé xíu mạnh quá làm đổ tràn ra đầy sàn những hạt bắp vàng mỡ và muối, tạo ra những vết bẩn đen trơn nhầy ngay dưới chỗ ngồi của nó. Vì quá nhiều muối và bơ ,Tính cảm thấy khát nước, nó phóng vào bếp với đôi chân không, mở tủ lạnh và lôi ra chai nước lọc thật lạnh, ngửa cổ tu ừng ực, những giọt nước chảy tràn ra ngoài miệng, chảy dài xuống cổ, ướt cả ngực áo và chảy xuống sàn nhà, hòa với những mẩu bắp rang rơi rớt lúc nãy tạo thành một vũng lầy đen bẩn giữa phòng khách.
Cơn đói đã vơi, Tính gác một chân lên thành dựa lưng của chiếc ghế dài salon lúc lắc, mắt dán vào màn ảnh xem trận đấu giữa hai tên võ sĩ người Mexico, thật đau đớn, máu me chảy càng nhiều hình như tạo thêm phần phấn khích cho Tính…Nó vẫn không để ý đến tôi bận rộn đứng ngay bếp luộc rau cho bữa cơm chiều! Tôi cũng chả buồn mắng hay nhắc nhở gì nó cả, vì những hành động cẩu thả này của nó đã quá quen thuộc với tôi.
Khoảng 15 phút sau, anh Khôi bước vào nhà, khuôn mặt hốt hoảng khi thấy cổng bên ngoài không khóa. Nghe tiếng ồn ào của TV, anh vội chạy vào xem tình hình trong nhà vì chưa bao giờ xảy ra tình huống kỳ lạ như thế; thấy Tính nằm dài trên sofa, TV mở thật lớn với những trận đánh nhau thiếu sống thiếu chết, mặt mày của hai tên võ sĩ đầy máu me, xưng húp. Còn Tính thì gào thét cổ vũ:
- Ráng lên, ngồi dậy đánh tiếp đi!
Anh Khôi với tay lấy cái remote trên bàn bấm tắt cái phụt.
Tính giật mình quay lại, mặt hùng hổ, xem ai đã “thất lễ” như thế, thấy anh Khôi với vẻ mặt nghiêm nghị, nó quay lại chỗ ngồi, lí nhí:
- Anh… mới đi làm về hả?
- Phải! còn em làm gì mà vặn tv thật to vậy? … ai về mà không khóa cửa vậy?
- Ồ! Em xin lỗi, em quên. Dạ…em sẽ tập từ từ để nhớ! hồi ở bên nhà, nhà không bao giờ có cửa để khóa, chỉ ra vào vậy thôi… Em sẽ nhớ phải khóa!
Anh Khôi nhìn chung quanh chỗ Tính ngồi, cao giọng:
- Sao em ăn uống gì mà rơi vãi đầy ra nhà vậy? em có phải là con nít 5 tuổi nữa đâu, em hãy đi hốt và lau chùi lại nhà cửa đi, ba mẹ sắp đi làm về rồi đấy, nếu ai cũng làm như em thì nhà này sẽ thành cái chuồng heo đó!
Nói xong anh Khôi bỏ vào phòng để tránh không tranh luận lớn tiếng với Tính nữa.
Tính nhìn theo anh, giận dỗi, mặt bí xị, nhưng cũng cầm cái khăn ra lau nhà để chút nữa ba mẹ về đừng la rầy nó, trong nhà này nó chỉ nể nhất là anh Khôi.
Tôi vừa làm cơm, vừa theo dõi cảnh thằng út và anh Khôi, vẫn không lên tiếng lời nào.
Tôi nhớ cách đây 15 năm:
Tháng Tư 1975, ngày miền Nam-Việt Nam thất thủ, quân đội VNCH người vứt súng, cởi bỏ quần áo lính, giầy… quăng đầy đường, kẻ phẫn uất đi đến tự sát, chối bỏ chế độ độc tài Cộng Sản, kẻ rời bỏ quê hương ra nước ngoài. Ngoài đường tiếng súng nổ chói tai, lúc ấy không một người dân nào dám ra đường cả, ai cũng núp trong trong hầm trú ẩn vì sợ lạc đạn và cũng sợ quân “giải phóng” với nón cối, dép râu hiên ngang lâm le khẩu súng sẵn sàng kết liễu đời kẻ nào chống đối trên con đường họ gặp!
Chúng tôi nghe lời mẹ ngồi yên trong hầm trú ẩn với những bao cát xung quanh, không dám nói lớn vì sợ phá tan cái yên lặng đáng sợ ấy, cái yên lặng đè nặng, đe dọa mà ở tuổi chúng tôi chỉ hiểu lõm bõm rằng nếu làm tiếng động to sẽ bị “chúng nó” phát hiện, giết cả nhà không nương tay, lúc ấy chỉ dám nhìn nhau và cần lắm chỉ thì thầm với nhau.
Mẹ tôi nhẹ nhàng gói ghém những giấy tờ cần thiết, vài tấm hình của anh chị em tôi để khi cần dùng làm visa hay giấy thông hành khi đến đảo, bông băng, thuốc nhức đầu, vài bộ quần áo cho mỗi anh em chúng tôi trong một gói nhỏ. Mẹ dặn Út Tính với giọng thật nhỏ bên tai nó, lúc ấy mới chỉ 5 tuổi:
- Con không được chạy xa anh Khôi và chị Phụng nghe chưa, coi chừng lạc đó!
Rồi quay qua chúng tôi, mẹ nhỏ nhẹ:
- Khôi và Phụng lúc nào cũng phải để mắt đến em nhé, nó còn nhỏ lỡ chạy mất thì khổ lắm, mình không phải đi chơi đâu, nên nhất định phải nắm tay em nghe không! Mình sẽ chờ ba về…
Lúc ấy anh Khôi lên 8, tôi thì 6 tuổi, nên chúng tôi cũng chỉ biết giương mắt nhìn mẹ và gật đầu nghe lời trong sự lo lắng.
Khi ba về đến nhà, chỉ cần làm dấu hiệu với mẹ, mẹ dắt chúng tôi lên chiếc xe Jeep có những người đàn ông mà chúng tôi chưa bao giờ gặp mặt, không ai nói với ai lời nào, mặc dù chúng tôi có khoanh tay cúi đầu chào họ như ba mẹ tôi đã từng dậy khi khách đến nhà chơi; nhưng chả ai để ý đến cái chào hỏi lễ phép của chúng tôi mà đã vội vàng nhấc bổng 3 chị em tôi lên xe. Chiếc xe phóng như tên bay, đường xá lúc ấy thật vắng, không một bóng người, nên xe chạy hết tốc lực lao như tên bay vào phi trường Tân Sơn Nhất.
Tôi để ý thấy hai bên đường đầy rẫy những quần áo nhà binh của chế độ cũ, súng, huy hiệu… rất nhiều thứ. Lúc ấy tôi đã hiểu đất nước tôi sẽ không còn yên bình như những ngày tháng xưa nữa, bất chợt hai dòng nước mắt tuôn chảy ra ở cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới ấy, tôi đã hiểu cả gia đình chúng tôi sẽ phải rời bỏ nơi đây mãi mãi!
Tới phi trường Tân Sơn Nhất, trái ngược hẳn với những con đường mà chúng tôi vừa vượt qua, vắng vẻ lúc nãy, thì nơi đây hình như tất cả dân quân của cả miền Nam đều dồn về! Đông đến nghẹt thở, mẹ tôi bế em Tính, hai chúng tôi phải nắm chắc tà áo bà ba của mẹ, theo sau. Tôi thấy ba ra hiệu cho mẹ đứng chờ ở một nơi để ba vào nói chuyện với những người trong phòng họp. Ai cũng thật lo lắng, căng thẳng, quên cả đói khát dù đã đi cả ngày trời.
Bỗng nhiên anh Khôi mặt nhăn nhó rên khẽ:
- Mẹ ơi, con … con muốn đi… con đau bụng quá!
Mẹ dặn tôi trước khi dắt anh Khôi đi vào nhà cầu ở không xa đấy:
- Con ở đây nhớ trông em, mẹ sẽ trở lại khoảng 5 phút nữa nghe không.
Khi mẹ vừa quay đi với anh Khôi thì thằng Út Tính tự nhiên vụt khỏi tay tôi, chạy theo mẹ, miệng la:
- Mẹ! mẹ…
Tôi cũng chạy theo nó để kéo lại, nhưng đoàn người thật đông đảo từ đâu tràn vào, ngăn giữa hai chị em tôi. Tôi biết nó đi không xa tôi, ở đâu đây rất gần nhưng tôi không thể nào chạm được vào tay Út; miệng tôi la thật to:
- Út ơi Út, đừng bỏ chị! Út…
Tiếng nó khóc thật to, hòa vào với tiếng người nói, la, hét, tất cả như một âm vang chói tai, chóng mặt đến quay cuồng. Tội thấy giữa những kẽ chân người đứng, bóng dáng nhỏ xíu của em té nhào xuống đất, bị người ta vấp vào em, cứ thế đá em đi xa tôi. Tôi cúi người xuống định kéo em về với tôi, nhưng đôi tay tôi quá ngắn để chạm được đến Út. Thế rồi đám đông ở đâu kéo tới tràn về hướng máy bay. Tôi không thấy Út trong tầm mắt của tôi nữa, tôi sợ đến mồ hôi túa ướt cả người. Tôi không còn biết phương hướng nào để đi tìm Út nữa cả, một rừng người đang quấn chặt lấy tôi, vừa mếu máo vừa gọi tên em, cho đến lúc mệt quá, sắp té nhào xuống đất thì mẹ từ đâu xuất hiện với anh Khôi, đỡ lấy tôi, hỏi dồn dập:
- Thằng Út Tính đâu rồi?
- Con …không biết!
Mẹ bảo tôi và anh Khôi đứng yên một chỗ, một mình mẹ chen vào đám đông, gọi thật to:
- Út Tính! Út Tính! Út T.í.n.h…
Anh Khôi và tôi cũng khóc ròng, lo lắng vì đã khá lâu không thấy mẹ quay lại, máy bay quân sự Mỹ đã đậu xuống từ khá lâu rồi để đón tất cả những gia đình của quân đội VNCH còn sót lại, đi chuyến cuối cùng. Hai anh em tôi nắm chặt tay nhau, mồ hôi đượm ướt cả hai bàn tay bé nhỏ đến trơn tuột, mà chúng tôi không dám rời ra sợ lạc như đã lạc thằng Út.
Một lúc sau, mẹ quay trở lại, ôm chúng tôi trong nước mắt :
- Mẹ không tìm thấy Út nữa, nhưng phải rời đi thôi! Không chần chừ được lâu vì đây là chuyến cuối, có thể sẽ hết chỗ và họ sẽ bỏ mình lại!
- Ba có đi cùng với mình không mẹ?
- Ba sẽ đi với các chú lúc nãy trong một máy bay nhỏ hơn; Thôi mình đi!
Mẹ vội vàng kéo chúng tôi đẩy lên những bậc cầu thang máy bay cao hơn cả thân người bé nhỏ của anh em tôi, vừa leo lên mẹ vừa ngoái lại từ trên cao xem thử trong đám đông bên dưới ấy có thấy được dáng nhỏ bé của Út không, nhưng … vô vọng!
Đoàn người bên dưới cứ tiếp tục đẩy chúng tôi lên, mẹ không thể nào quay lại bên dưới được nữa, đám đông ùn ùn kéo lên máy bay mặc dù họ không có tên trong danh sách, đến nỗi không còn một chỗ hở nào cho mẹ có thể ngoái đầu lại sau lưng.
Chúng tôi cực nhọc và khổ sở mới vào đến bên trong thì chiếc cửa sắt to lớn cũng đóng sập lại vì đã quá số lượng của họ cho phép rồi. Mẹ đau đớn, nước mắt ràn rụa, quỵ xuống ngay cánh cửa máy bay vừa khép lại. Hai anh em chúng tôi cũng thê thảm không kém, tóc tai bù xù, mặt mũi lem luốc vì nước mắt nước mũi chảy, quần áo xốc xếch, hai tay bé nhỏ vẫn nắm chặt lấy chéo áo mẹ sợ lạc! Mẹ vẫn vật vã khóc gọi:
- Tính ơi Tính!
Chúng tôi ở đảo Guam không bao lâu thì được qua California vì có gia đình cô chú bảo lãnh. Trong suốt thời gian ấy, không phút giây nào cả gia đình không nghĩ đến Út. Chúng tôi đi lễ, cầu nguyện, gởi đơn đến cao ủy tỵ nạn …
Thời gian từ từ trôi qua với bao nỗi bận rộn hằng ngày, đi học đi làm ở xứ người. Nụ cười của ba mẹ tôi hiếm khi nào được nở trọn vẹn trên khuôn mặt vì kỷ niệm đau thương ấy mãi cứ vấn vương trong tim óc.
Không chút tin tức nào của Út đã năm năm tìm kiếm, ba mẹ tôi nghĩ chắc Út đã bị đè bẹp chết trong đám đông của ngày lịch sử ấy, nên lập bàn thờ với hình ảnh của em. Chúng tôi chấp nhận nỗi đau thương xé lòng này và sống với những kỷ niệm tuổi thơ còn sót lại trong tim. Tuy vậy mẹ vẫn ngầm gởi tiền về Việt Nam nhờ chú Huy quen biết với gia đình tôi từ bao lâu nay, tiếp tục tìm kiếm Út, mẹ vẫn mãi giữ niềm tin mong manh ấy!
***
Mười lăm năm trên xứ người, anh Khôi và tôi đã sắp ra đại học, chúng tôi đã bắt đầu đi làm gánh bớt phần nào chi phí cho ba mẹ, chúng tôi tiếp tay trả phần tiền còn lại cho căn nhà mới mua không lâu cho ba mẹ. Cả hai vẫn tiếp tục đi làm vì còn sức khỏe.
Bất ngờ một hôm đầu tuần, chúng tôi nhận thư điện tử của chú Huy, chú nói đã tìm ra một người có tên Hoàng Văn Sơn có khuôn mặt khá giống trong hình mà mẹ tôi đã gởi cho chú. Chú Huy chưa chắc chắn là cháu này có phải là con của ba mẹ không, chú chỉ cầu may thôi vì cháu cũng có hoàn cảnh lạc cha mẹ từ khi 5 tuổi ở Tân Sơn Nhất, nên muốn hẹn gặp chúng tôi qua zoom với người ấy để có thể nhận diện người thân.
Mặc dù chưa chắc chắn, nhưng mẹ tôi có linh cảm đây là em trai thất lạc của chúng tôi. Tôi không ngờ có thể tìm lại được em sau 15 năm mất tích; thật là một tin vui không thể tưởng tượng được, cả gia đình ngủ không yên, phập phồng, lo lắng, bồi hồi xúc động nhớ đến những tháng ngày xa xưa…
Chúng tôi mừng như người được sống lại lần thứ hai. Mong chờ từng phút, từng giờ đến ngày gặp lại em trai Út Tính của gia đình tuy chỉ họp và nhìn nhau qua zoom.
Ngày hẹn gặp trên zoom đã đến giữa gia đình tôi, chú Huy, và gia đình em trai tôi hiện đang ở Rạch Giá, Việt Nam.
Khuôn mặt người đàn ông với bộ râu lủa tủa, quần áo nâu sòng còn dính bùn, mái tóc dài đến ngang tai, dáng người cao gầy, cặp mắt sắc lạnh, khuôn mặt rám nắng, nghiêm nghị, nhìn kỹ thì hắn mang nét của ba và anh Khôi. Tuy đã 15 năm xa cách, chúng tôi chắc chắn đó là Út Tính, không nhầm lẫn vào ai được! Hai bên nhìn nhau qua màn ảnh nhỏ. Sau một lúc im lặng, mẹ tôi bỗng òa khóc :
- Tính! Con… con khỏe không?
Vẫn khuôn mặt thật lạnh lùng, Út quay qua người đàn ông ngồi cạnh hỏi:
- Cha! Sao … bà ta gọi ai là Tính vậy cha?
Người đàn ông lên tiếng giải thích :
- Chắc là tên con hồi đó đó! Để cha nói với họ… Thưa ông bà chúng tôi nhặt được thằng bé này vào ngày 29/4 tại Tân Sơn Nhất. Nó đã ngất xỉu ở bên đường, đói khát, mặt mày thân thể bị trầy xướt, máu me đầy hết, chúng tôi đã nuôi nó từ đó đến nay được 15 năm, gọi nó là Sơn, vì không biết tên thật nó là Tính, nhưng những người hàng xóm cho nó thêm cái tên nữa là Sơn Lầm lì, vì nó ít nói, lạnh lùng, lầm lì, ít tâm sự với ai lắm…
- Dạ rồi… làm sao ông biết nó là con chúng tôi?
- Tui đang vớt cá vào một buổi sáng sớm, tự nhiên thấy có ông công an phường xuống gặp, đi với chú Huy đây, đưa tấm hình của thằng Sơn hồi 5 tuổi, nhìn là biết nó ngay vì từ hồi nào đến giờ chỉ có một khuôn mặt, không thay đổi, cũng may đó! Công An hỏi tôi về vụ liên hệ sao với thằng Sơn Lầm Lì, tôi phải kể sự thật, rồi ông ta mời tôi về phường họp, họ báo cáo lên trên, cả mấy tháng sau mới tìm ra manh mối với ông bà đó. Tui cũng nghe nói là Cao Ủy Tỵ Nạn ở ngoại quốc vẫn tiếp tục tìm kiếm những người thân thất lạc của những gia đình quân đội VNCH xưa từ ngày 30/4 đó! Tôi thành thật chúc mừng ông bà!
Ba mẹ tôi nghẹn ngào, nói không ra lời :
- Cám ơn ông đã nuôi cháu từ hồi đó đến giờ…
Chú Huy kể cho chúng tôi nghe về hoàn cảnh Sơn :
- Cách đây 15 năm, ông Năm, cha nuôi của Sơn, vào ngày lịch sử ấy đạp xích lô chở người vào Tân Sân Nhất, khi ông vừa quay xe đi thì thấy một cháu bé trai 5 tuổi nằm bất tỉnh ngay sát cổng ra vào phi trường, bé bị trầy sướt khắp mình mẩy, máu me dính khắp quần áo, đầu tóc, ông thấy thương nên đem bé về băng bó, cho ăn uống. Lúc ấy nhà ông còn ở khu Gia Định, không có vợ con, nên ông ăn gì cho nó ăn cái đó. Ông chở nó đến Tân Sơn Nhất một tuần liên tiếp để lỡ cha mẹ hay ai đó nhận lại nó, nhưng chờ hoài không thấy ai nhận lãnh, ông liều đem nó về nuôi như con vậy.
Được một năm thì gia đình ông bị đuổi về quê làm nương rẫy, vì ở thành phố ông không có nghề chính, thế là hai cho con khăn gói về Rạch Giá, quê mẹ của ông hồi xa xưa. Nơi đó ông cho Sơn đi học chút chút, ông thì đánh cá bán lấy tiền nuôi sống gia đình hai người của ông. Thằng Sơn rất thông minh sáng dạ, nhưng chơi với tụi trong xóm thất học du côn, lập băng đảng, sớm trở thành tay anh chị, phóng dao rất cừ, tuy chỉ mới 15. Có lần có người mướn nó giết người, nó đã bắt nạn nhân, chỉ với cặp mắt sáng quắc dữ tợn, khuôn mặt lạnh như thép của nó và thêm vài cái tát tai, cú đấm nhanh nhẹn của nó đã làm người ấy trả tất cả số tiền đã nợ cho chủ nợ và chạy bán mạng, thoát thân. Nó cũng đã từng bị ở tù, mấy người trong vùng nghe đến tên nó đều ớn lạnh.
Chú Huy tiếp :
- Sơn bây giờ phải nói là tên du côn của giới giang hồ thứ thiệt, chứ không phải một thằng con ngoan có giáo dục như các cháu Khôi và Phụng đâu! Tôi không biết sau khi biết sự thực này anh chị còn muốn bảo lãnh cháu qua ở với gia đình nữa không? tôi chỉ e nó sẽ là con sâu làm rầu nồi canh…
Mẹ tôi sụt sùi :
- Cháu đã mất cha mẹ, thiếu tình thương và sự giáo dục của gia đình 15 năm qua, không may cháu lại đi không đúng hướng, nếu mình kệ nó, lơ nó thì tương lai sau này của nó sẽ ra sao khi chúng tôi mất? tôi là mẹ của ba đứa con, hai đứa kia thì được hưởng sự giáo dục, nuôi nấng đầy đủ, chỉ có mình nó bị thiếu thốn tất cả, lại đi sai đường, đây cũng là một phần lỗi chúng tôi! Tôi nhờ chú làm giấy tờ bên ấy, tôi sẽ gởi đơn lên chính phủ Mỹ bên này, sẽ kể câu chuyện đau lòng này, tôi sẽ nhận và đón cháu qua đây, cũng hậu tạ cho cha nuôi của Út Tính một số tiền đền bù.
Ba tôi lo lắng :
- Không biết khi qua đây ở lứa tuổi lỡ cỡ 20 của nó, nó có bị tự ái khi học lại từ lớp nhỏ với mấy đứa nhỏ tuổi hơn không. Nếu không thì phải cho nó học một lớp riêng của người lớn cho nó theo đuổi kịp chương trình học; khổ nỗi là nó chưa thành thạo tiếng nói, cuộc sống… thì làm sao theo kịp chương trình!
Anh Khôi thêm vào :
- Con sẽ dậy thêm cho em ở nhà những gì em nó không hiểu, miễn sao nó muốn tiến thân...
Giấy tờ bảo lãnh gởi đi ngay hôm sau.
Từ giây phút ấy, anh em tôi mong chờ Út với đầy thương nhớ, hồi hộp lẫn băn khoăn, muốn bù đắp cho Út tất cả những chịu đựng thiếu thốn của cả 15 năm qua, tất cả mọi thứ chúng tôi làm đều nghĩ về Út.
Gần một năm sau, Tính đoàn tụ với gia đình. Ngày đón nó ở phi trường Los Angeles, chúng tôi đem hoa, bong bóng, gấu bông thấp thỏm chờ bên ngoài.
Khi cửa mở ra, một người đàn ông trẻ với mái tóc dài ngang tai, mặc một chemise trắng, quần Jean, khuôn mặt đẹp với chút hấp dẫn, không chút nụ cười nào trên môi. Anh Khôi và tôi vội chạy lại ôm hai vai Út, nó vẫn lạnh lùng đón nhận gấu bông, hoa, cadeau với khuôn mặt nặng như chì! Chúng tôi chưng hửng khi thấy thái độ xa lạ, như đóng kịch của nó! Ba nháy mắt với chúng tôi như có ý nói « thôi kệ bỏ qua cho em đi, vì nó còn lạ ».
Trên đường về nhà chị em chúng tôi tíu tít hỏi thăm :
- Út Tính! Kể cho tụi chị nghe ở bên đó đời sống em ra sao?
Vẫn thái độ hờ hững, trả lời:
- Có gì lạ đâu, hôm nào cũng ra biển câu cá!
- Em có nhớ nhà không nếu qua đây?
- Có! Em …sẽ ở đây thử, nếu không quen …em sẽ về!
Mẹ nghe vậy liền nói :
- Ở đâu rồi sẽ quen! Con ở đây với ba mẹ, anh Khôi, chị Phụng, anh chị ấy sẽ giúp con về việc học, đi làm…
Út quay lại nhìn anh Khôi, rồi lại nhìn tôi, hỏi:
- Anh chị đang làm gì?
- Anh Khôi sắp ra trường làm luật sư, còn chị cũng sẽ làm trưởng phòng kế toán cho một công ty xuất nhập quần áo vì đã ký contract rồi.
- Con đường của em đi còn dài lắm, phải hội nhập cuộc sống, học tiếng nói của họ, học chương trình đào tạo của họ rồi mới có thể đi làm được…
- Cuộc đời còn dài, em cứ từ từ, trước hết làm quen với cuộc sống Mỹ này cái đã nhe, tất cả anh chị sẽ dắt em đi từng bước, đừng lo!
Một buổi sáng cuối tuần, cả nhà vui vẻ cùng quây quần ăn sáng trong nhà, bỗng chúng tôi nghe tiếng ré đau đớn não ruột của một con mèo như bị thương phía sau nhà.
Mẹ vội bước ra, tiếp theo là tiếng hét của mẹ:
- Tính! Sao con …giết con mèo vàng vậy?
Tính vẫn đứng yên, lưng quay về phía mẹ. Mẹ lại gọi:
- Tính! Tính!
Chúng tôi ùa ra theo tiếng gọi của mẹ, con mèo vàng đi hoang hay đến nhà tôi nằm phơi nắng, nó vừa đẻ xong bầy mèo 3 con được một tuần lễ nay, nó không giống những con mèo mẹ khác nằm ấp con, cho con bú trong một tuần đầu, con mèo vàng này lại bỏ con ngay khi mới sanh. Tôi thấy nó bị một con dao cắm sâu vào ngực một cách dã man, một dòng máu đỏ chảy bên khóe miệng và chết oan uổng.
Chúng tôi nhìn nhau miệng há hốc, không nói được lời nào, chưa bao giờ thấy cảnh tàn ác này với súc vật từ khi chúng tôi ở Mỹ. Mẹ tiếp tục tra hỏi Tính:
- Nói cho mẹ biết tại sao con lại giết con mèo một cách độc ác vậy? con còn tính người không vậy? nó làm gì con hả? bên đây ai giết súc vật như vậy thì cảnh sát sẽ bắt vào tù đó!
Tính quay người lại, cặp mắt hằn học:
- Nó có con mà không trông con, lại bỏ con đi nơi khác; tối hôm qua nó kêu ngao ngao cả đêm ngay phòng con như tìm trai vậy, con phải kết liễu cuộc đời nó, đúng là đồ súc vật!
Ba tôi bất ngờ nghe những lời cay đắng ấy, vội lên lớp:
- Con đã là người trưởng thành, con sống với ba mẹ bên Mỹ, một đất nước rất dân chủ, yêu thương súc vật, tôn trọng phụ nữ; ba yêu cầu con không bao giờ được hành động tàn ác như thế đối với súc vật nghe không, đây là lần đầu cũng như lần cuối! ba hy vọng con hãy sống trong yêu thương và không tùy tiện làm đau kẻ khác kể cả súc vật, con hiểu chứ! Ba không muốn nhìn thấy cảnh này một lần nào nữa!
Tính vẫn hầm hừ không trả lời, ba tôi nổi nóng tiến đến chỉ mặt nó:
- Tính! Con có nghe ba nói gì không? hãy trả lời đi!... Tính!
- Con không phải là Tính!... con là Sơn, Sơn Lầm Lì! Cha con bên nhà cho con toàn sự tự do, cuộc đời con do con quyết định, cha không bao giờ làm phiền con, không bao giờ bảo con hay cấm con làm gì! Gia đình này làm phiền con quá! Phải thế này, thế nọ!... Nó chỉ là một con mèo, giết có sao mà ba mẹ làm quá lên, bên nhà mỗi ngày con giết cả trăm con cá, mấy chục con chó làm mồi cho mấy bợm nhậu, có ai cấm cản bắt bớ gì đâu! ở đây sao phiền phức quá!
Bốp! bốp! hai cái tát chát chúa vào mặt Tính! Không vừa, nó nhào lên, đôi mắt long lên sòng sọc với đầy tức giận muốn trả đũa, nó túm lấy cổ áo của ba một cách nhẹ nhàng như có nghề. Ba cố gạt tay nó ra nhưng mãi vẫn không được, cái nắm tay của nó cứng chắc như gọng kìm sắt.
Khi hai khuôn mặt sát vào nhau, đỏ tía, muốn ăn tươi nuốt sống nhau. Anh Khôi hét lên :
- Tính! Mày làm gì vậy! mày điên rồi à! Bỏ ba ra! Bỏ ngay!
Tính hãy còn tức giận, mặt hầm hầm, thả lỏng cổ áo của ba ra, thêm một câu:
- Ba đừng ép tôi quá!
- Đồ côn đồ! Mất dậy! tao không muốn thấy mặt mày một phút nào nữa! Đúng là tên côn đồ, cút đi!
- Phải! tôi là côn đồ đó! Tôi không phải là Tính ngoan hiền của ông bà đâu, mà là Sơn Lầm Lì, ông bà hiểu chưa! Sơn Lầm lì!
Bốp! lại một cái tát nữa từ mẹ tôi:
- Mẹ đã tìm kiếm con trong 15 năm trời, mẹ cầu xin Trời Phật cho gặp lại con, giá nào mẹ cũng chịu, nhưng không phải như thế này đâu Tính! Mẹ không muốn con là thằng Sơn Lạnh nào đó đâu! Hãy là đứa con ngoan của mẹ, là thằng Tính hiếu thảo mà mẹ đã từng yêu thương từ khi lọt lòng; nếu con cứ tiếp tục như thế …mẹ sẽ trả con về với cha nuôi của con ở Rạch Giá, con hãy suy nghĩ đi! Mẹ không muốn gia đình mình sau 15 năm đoàn tụ với một thảm cảnh như thế này đâu, thật oan gia mà!
- Chính ông bà đã tìm lại tôi, ông bà bắt tôi phải qua đây với gia đình này, tôi chỉ muốn ở lại với cha của tôi, ổng không bao giờ nhìn vào cuộc sống của tôi, tôi làm gì mặc xác tôi, miễn sao có tiền đem về cho hai bữa cơm là được; ổng vui khi tôi được đám bạn tung hô là can đảm, không sợ máu khi có người mướn tôi giết cả mấy chục con heo, ngàn con gà, chứ một con mèo thế này nhằm nhò gì mà ông bà lại đánh tôi! Hãy trả tôi về với nơi tôi sanh ra, nơi ấy tôi làm vua với bầy cá, bầy heo và đám côn đồ còn hơn là nơi đây, phải vào khuôn khổ, đi đứng nằm ngồi đều bị mọi người kiểm soát, tôi không cảm thấy sự tự do chút nào ở đất nước này …Tôi chán ngán lắm rồi!
Tính hùng hổ nói, mặt xưng xỉa đến nỗi tôi không thể nào tin được kẻ ấy đã từng là thằng Út Tính, em tôi của năm xưa mà tôi đã từng chơi đùa yêu thương nó! Nó đã trở thành kẻ gian ác dưới chế độ CS từ 15 năm nay rồi. Mẹ, ba có còn đặt niềm tin vào nó sau những hành động vừa rồi không?
Tôi không thể nào tin vào mắt mình cảnh vừa qua nữa, phải làm sao để cứu em tôi? Và gia đình tôi đây?
Tính yên lặng ngồi sau góc vườn cả một ngày không nói năng với ai cả, tôi thấy nó nửa đáng trách, nửa thật đáng thương vì sống trong một xã hội ô nhiễm, nó đã bị nhiễm độc. Bây giờ dưới mắt ba tôi, Tính là thằng côn đồ, ba không muốn nhìn mặt nó nữa!
Tiếng thút thít mẹ khóc năn nỉ ba tha lỗi cho thằng em độc ác của chúng tôi:
- Nó chỉ mới đến ở với chúng ta chưa đầy 2 tháng, nó chưa hiểu chuyện, chưa biết quy tắc gia đình, xã hội này, có thể trong nó có những sự xáo trộn, nó từ một miền quê chỉ có cá, heo, gà. Con người quê thật thà, nhưng nó lại giao du với tụi du côn du đãng, không ai dậy dỗ cả 15 năm nay, như cây sậy cây lau mọc dại, mình phải uốn nắn nó từ từ, chứ lẽ nào lại bỏ nó khi nó lầm lỗi hay sao? Mình đã nhọc công tìm kiếm, cầu khẩn Chúa Phật bao lâu nay, hãy cho nó thêm một cơ hội làm lại đứa con tốt, cũng cho mình một cơ hội hiểu và gần gũi con hơn nữa..
- Thằng côn đồ độc ác…sẽ mãi mãi là thứ côn đồ, mình không thể nào chuyển hóa nó được đâu! Tôi chẳng còn muốn nhìn mặt nó nữa!... Gia đình mình đứa nào cũng ăn học tử tế, có vị trí trong xã hội, có ai như nó không? có đứa nào du côn như nó không?...
- Hãy cho tôi dậy bảo nó trong thời hạn một năm được không? tôi đã mang nặng đẻ đau… tôi không thể nào nói bỏ là bỏ được đâu!
***
Mỗi lần đi học hay ra ngoài, Tính chả bao giờ chào ba mẹ hay nói gì với ai như một câu xin phép, chỉ lẳng lặng sách đồ đi ra, khi về thì mở toang cả cửa, nằm bật ra ghế xem tv vừa ăn uống như đói khát lắm. Tính cách này của Tính làm ba mẹ tôi không ưa, anh Khôi bực mình, còn tôi thì không muốn đổ dầu vào ngọn lửa đang âm ỉ cháy nữa.
Gia đình tôi như có một vòm mây tối bao phủ, bữa cơm chung cả nhà không còn tiếng nói tiếng cười như xưa nữa, ai cũng gục mặt vào bát cơm cho xong bữa, còn Tính thì xúc cơm trốn vào phòng ăn, mắt lúc nào cũng lấm la lấm lét nhìn mọi người như kẻ mang trọng tội vậy!
Một năm trôi qua, vui thì không bao nhiêu nhưng những nỗi lo âu, buồn phiền được Tính tạo ra không ít. Tháng thì bị cảnh sát gọi ba mẹ lên để bảo lãnh Tính về vì một chuyện đánh nhau gây thương tích cho bạn cùng khóa; bữa thì gia đình tôi bị người hàng xóm qua “mắng vốn” là Tính không hợp tác với họ trong việc cắt cỏ; mỗi lần họ lôi máy ra cắt đều cắt dùm cái sân phía trước bên nhà tôi, thế mà khi đến lượt Tính cắt, bà có nhờ mà Tính cũng làm lơ! Thật sự là không phải Tính làm lơ mà vì chưa hiểu rõ tiếng Mỹ bà muốn gì, vì bà này thường nói rất dài dòng.
Có lần thằng con trai ông hàng xóm bị mất cái xe đạp, ông qua nhà tôi khăng khăng là bị Tính ăn cắp! ba tôi đã lôi Tính ra mắng nhiếc mà chưa hiểu đầu đuôi câu chuyện:
- Tao biết mày là thằng cao bồi lưu manh, chứng nào tật nấy, mày không thể nào sống một cuộc đời lành lặn lương thiện như mọi người được sao mà đi ăn cắp cái xe đạp của người hàng xóm?... tao sẽ trả mày về với gia đình mày bên kia nếu mày không sửa đổi.
- Ba! Hãy ngưng trách móc con lại ngay đi! Ba có bằng chứng gì để buộc tội con không? ba nghe ai than vãn điều gì là về đổ tội cho con, ba không cho con niềm tin để sống, chính ba đã đẩy con vào con đường không lối thoát… Thà trả con về với cha con ở dưới quê mà còn dễ thở hơn; ba muốn con cứ mãi là thằng du côn thì con sẽ làm cho ba vừa lòng…
- Mày chỉ xem nơi đây là cái nhà trọ, tao không phải là ba mày, thì hãy cút đi!
Những lần ba và Tính lớn tiếng, cả nhà đều hoang mang lo buồn, mẹ sầu khổ, Tính bỏ cơm chiều, chị em tôi lại rút vào phòng, cả căn nhà yên lặng trong u ám.
Rồi khi rảnh rảnh, buồn buồn, Tính tự làm ná bắn mấy con chim bồ câu sau nhà, lần này ba tôi không cho nó vài tát tai như hồi đầu nữa mà cố nén cơn giận, chỉ trách móc nhỏ nhẹ là không được bắn thú vật nào trong thành phố cả dù đó chỉ là con giun!
Tính vùi đầu trong những quyển sách dầy về luật lệ Mỹ mà anh Khôi bắt đọc, anh là người chịu trách nhiệm về vấn đề nề nếp sinh hoạt của Tính, và chúng tôi thật vui mừng vì Út đã từng bước hội nhập cuộc sống mới ở Mỹ. Một vài tháng gia đình tôi không bị ai khiếu nại hay tố cáo là hạnh phúc lắm!
Cho đến một hôm gần Giáng Sinh, nhà thương gọi cho biết khi tôi đang làm việc, Tính bị xe đụng vì băng qua đường không đúng luật. Tính băng qua giữa đường xe chạy, lẽ ra phải đi vào lằn trắng dành cho người đi bộ khi đèn xanh bật lên, nó bị chiếc xe hất tung lên, đầu đập xuống đất, và bị gãy chân phải, Tính phải nằm nhà thương để bác sĩ theo dõi vết thương bên trong đầu! Lúc ấy tôi muốn vò đầu bứt tai, thoáng nghĩ “nó chỉ là 1 ngôi sao khắc tinh chuyên gây phiền phức cho mọi người, không đem chút vui vẻ hạnh phúc nào về cho gia đình cả”. Nhằm vào thời kỳ mà ở sở, tôi phải làm công việc của chính mình và thay thế cả hai người đã đi nghỉ hè nữa, nếu tôi cứ lo lắng và rối tung lên thế này thì chắc cũng sẽ bị tai nạn xe cộ vì phải chạy cho kịp giờ làm việc, và giờ thăm nuôi Tính.
Đúng vào lúc ba mẹ tôi đã lấy hè đi chơi mấy nước Châu Âu xả stress một tháng, anh Khôi cũng đi xa cho một cours mới học thêm; chỉ còn mình tôi ở nhà, phải vừa đi làm, làm cơm đem vào nhà thương cho Tính, rất bận rộn, vì Tính chưa quen ăn đồ Mỹ. Có hôm nó phải nhịn ăn vì Tính nói là cơm nhà thương toàn mùi bơ, cheese, và mùi thuốc…muốn ói.
Tôi lo lắng nhưng không dám cho ba mẹ hoặc anh Khôi biết, sợ mọi người lại sốt ruột, bỏ về; từ ngày qua Mỹ đến giờ đây là lần đầu tiên ba mẹ tôi lấy hè đi chơi xa riêng với nhau như thế!
Trong cái rủi lại có cái may, đúng là Út Tính còn tốt phước, nơi em ấy nằm có một cô y tá người Việt, tên Hiền, thấy Tính tội nghiệp, cứ bị ăn uống trễ, khi uống thuốc sẽ làm đau bao tử, nên cô ta đã san sẻ phần cơm của mình cho Tính,
Lúc xong công việc sở, tôi vội vàng ba chân bốn cẳng chạy vào nhà thương là 9 giờ tối, giờ thăm nuôi đã hết, nhưng hôm đó là ca trực của Hiền, cô ta đã cho tôi vào thăm. Tôi thấy trên bàn nào là nước cam, táo đã được gọt sẵn, nho, bát cơm với thịt bò xào cải làn mà Tính đã ăn xong, còn để trên bàn chưa rửa, làm tôi thật cảm động tình đồng hương của Hiền.
Khi tôi cám ơn, Hiền chỉ yên lặng cười trừ, đôi mắt to chớp chớp, hàm răng thật đều với chiếc đồng điếu bên má trái thật duyên dáng. Lúc ấy tôi thầm ước mong phải chi cô ta là em dâu của tôi, giúp Tính qua cơn ngặt nghèo này thì cả gia đình tôi sẽ mang ơn lắm! Nhưng…ai mà thèm thương cái thằng dở dở ương ương ấy chứ! Có ma mới yêu được con người với tính cách “côn đồ” khác thường ấy! Tôi vẫn cố gắng nhờ Hiền chăm sóc cho Tính, làm cơm giúp tôi vì tôi thật bận không thể vào thăm Tính đúng giờ, và trả tiền cho Hiền.
Vào những ngày cuối ở nhà thương, Tính đã khả quan rất nhiều, bác sĩ cho biết đầu không có dấu hiệu bị chấn thương não và đang tập đi lại.
Sau khi đi làm ra khá trễ vào một buổi tối sau 9 giờ, lúc ấy cả nhà thương chẳng còn ai đến thăm nuôi người bệnh nữa, tôi không muốn làm tiếng động, phiền những người bệnh đã ngủ sớm, bước khẽ về phòng Tính. Nhìn vào ô cửa, thấy cảnh Hiền ngồi gọt táo, Tính ngồi sát bên cạnh, nhìn Hiền với cặp mắt trìu mến lẫn hạnh phúc, hai người thầm thì với nhau thật vui vẻ. Thì ra chính Hiền là động lực sống, hy vọng của Tính, tình yêu đã chuyển hướng cho nó đi con đường đúng, tôi thầm mừng trong bụng, thầm cảm ơn ông Trời đã nghe lời cầu xin của tôi. Ba mẹ sẽ mừng lắm khi biết Tính đã dần bỏ sau lưng cái quá khứ ảm đạm kia.
Một tháng sau, Tính đã hồi phục hẳn, Hiền chở Tính về nhà. Ra nhà thương mà trông nó như mới đi nghỉ hè về vậy, da trắng trẻo, mập lên đến ba ký, nụ cười đã chớm nở trên môi, thấy nó thật yêu đời, không giống thằng Út Tính lầm lì mọi lần nữa.
Tôi đã lén kể chuyện của Tính và Hiền cho ba mẹ nghe, lần đầu tiên ba tôi hài hước với Tính từ khi nó về ở với gia đình chúng tôi. Khi cả nhà chúng tôi xum vầy sau bữa cơm tối, ba tôi chọc :
- Người ta ở nhà thương ra phải gầy ốm buồn phiền, sao nó thì ngược lại, tươi rói, lại thay đổi thái độ, nói năng hòa nhã… Nhà thương này chữa giỏi à nhe! Bộ ai ở trỏng ra cũng được như thế này sao hả Phụng?
- Ba ơi, từ khi ba mẹ đi Châu Âu, em Tính tuy ở nhà thương mà chăm chỉ học hành, đọc sách lắm, nên bây giờ tiến bộ đó!
Anh Khôi cũng thêm vào:
- Với lại nhà thương Mỹ bệnh gì cũng chữa khỏi được 100%, bệnh nào cũng dứt hết, gãy chân thì băng lại cho lành, buồn thì sẽ “có người” làm cho vui lại đó ba!
- Nhà thương bây giờ hiện đại nhỉ!... Ngày mai nhà mình làm tiệc để đón tiếp và cám ơn cô y tá có phép màu, tài giỏi này phải không bà?
Tôi thấy Tính dấu nụ cười hạnh phúc trên những trang sách đang cầm đọc trên tay.
Mẹ nháy mắt với tôi, thầm vui với sự thay đổi tích cực của Tính. Nghĩ lại những ngày tháng trước tưởng chừng gia đình sẽ phải từ bỏ đứa con “côn đồ” này rồi chứ!
Sỏi Ngọc
Montreal, Mars’23