Đến giờ Sử Địa cả lớp học hổi hộp ngồi chờ. Hôm nay ông hiệu trưởng sẽ đưa giáo sư mới đến dạy, thay thế thầy Tuyên vừa về hưu. Con Chín, ngồi cạnh tôi, đoán già đoán non:

- Tao chắc lại một ông giáo sư già lụm khụm. Môn này không mấy hấp dẫn nên không có nhiều thầy trẻ như bên Việt Văn, Toán hay Sinh Ngữ.

Tự nhiên tôi lạc quan một cách vô cớ:

-Biết đâu kỳ này lớp ta sẽ may mắn rước được một thầy Sử Địa trẻ, đẹp trai lại độc thân cho mà xem.

Con Chín nheo mắt nhìn tôi cười:

-Được như mày nói tao sẽ chớp ngay, không để ông độc thân lâu đâu.

Tôi cười cười nhạo nó:

-Giáo sư độc thân trường mình thiếu gì. Nè thầy Vui bên Anh Văn,thầy Ngô bên Toán, sao mày không chớp đi để hai ông độc thân hoài vậy ?

Con Chín nhún vai:

-Không hạp nhãn tao. Độc thân thì độc thân nhưng cũng phải bắt mắt một tí. Tao chấm thầy Thi bên Pháp Văn nhưng tiếc thầy có chủ mất rồi!

Trong lớp đệ tứ, lớp cuối cùng của trường nữ trung học duy nhất ở tỉnh lỵ nhỏ bé này, Chín và tôi là hai nữ sinh lớn tuổi nhất. Chín trễ học đến ba năm, còn tôi hai năm. Nó bị sốt rét, tôi thì thương hàn. Tiếp đến là tản cư rồi hồi cư, sau đó lại theo gia đình rời quận lên tỉnh. Cho nên khi học tới lớp chót của trường thì Chín đã 19 tuổi, còn tôi thì sắp 18. Hai đứa tôi thuộc loại học khá nhưng không phải là giỏi nhất lớp. Chín được chọn làm trưởng lớp vì nó vừa lớn tuổi vừa ăn nói dạn dĩ. Nhìn về nhan sắc, hoa khôi trong lớp là con Vy, 16 tuổi. Tôi được xếp hạng nhì. Tôi không rõ tôi được xếp hạng nhì vì tôi lớn tuổi hơn  con Vy hay con Vy đẹp hơn tôi thật. Nhưng tôi rất bằng lòng nhận xét của con Chín:

- Con Vy đẹp thật nhưng là một cái đẹp lạnh, đẹp kiêu còn mi đẹp duyên, đẹp mặn. Mi sẽ làm đàn ông con trai mê mệt hơn nó cho mà xem.

Khi ông hiệu trưởng đưa tân giáo sư Sử Địa vào lớp giới thiệu, con Chín hích cùi chõ hông tôi nói nhỏ:

- Mi đoán đúng, thầy Trân sẽ là “ hoa khôi” trong ban giảng huấn trường mình đó.

Tôi cũng phải công nhận thầy Trân trẻ và khôi ngô. Thầy lại có giọng giảng bài ấm, lối giảng của thầy gọn và lôi cuốn. Con Chín phê bình thầy Trân ngay sau giờ dạy đầu tiên:

- Thầy Trân giảng bài hay nhưng không phải mẫu người của tao. Tao không thích đàn ông nho nhã quá. Tao chịu mấy anh chàng sĩ quan tác chiến hơn. Đàn ông là phải hùng.

Bỗng nó quay sang nheo mắt nhìn tôi:

- Mi thích thơ văn chắc mẫu người của thầy Trân hợp với mi hơn. Mà này, mi tên Huyền, thầy tên Trân, trường lại là trường Huyền Trân, không chừng là duyên tiền định đó nghe mi !

Nói xong nó cười khanh khách, xách cặp chạy để tránh cái vói tay của tôi để véo nó. Nhưng câu nói đùa của Chín làm tôi suy nghĩ. Mà lạ thật, sao lại có sự tình cờ như thế được. Trò tên Huyền, thầy tên Trân, chung dưới một mái trường tên Huyền Trân. 

Sự tình cờ đó khiến tôi để ý thầy Trân hơn các thầy khác. Và một lần trong lớp, khi gọi tên các nữ sinh để điểm danh, nghe đến tên Huyền tôi ngay ngắn đứng lên nhìn thầy Trân, nở một nụ cười dễ thương nhất mà tôi có thể tạo ra được để trình diện thầy. Tôi thấy thầy Trân có vẻ như khựng lại mấy giây trước nụ cười của tôi; thầy nhìn tôi mỉm cười rồi tiếp tục gọi tên nữ sinh kế tiếp.

Từ đó trong tuần tôi mong cho đến giờ dạy của thầy Trân. Tôi đâm mê môn học này khi nghe thầy Trân kể về tiểu sử của những nhân vật, những biến cố, những trận đánh lịch sử. Tôi bỗng nhiên trở nên một nữ sinh xuất sắc về môn Sử. Một hôm học về nhà Trần, thầy nói đến công ơn của các vua nhà Trần trong việc mở mang bờ cõi khi đem công chúa Huyền Trân gả cho vua Chiêm Chế Mân để đổi lấy hai châu Ô và châu Rí. Con Chín bỗng đưa tay lên xin hỏi:

- Thưa thầy, vua Trần có công mở mang bờ cõi thật nhưng em nghĩ đem con gả cho vua một tiểu quốc thì không những bất xứng mà còn nhẫn tâm nữa. Vì thế cho nên mới có hai câu ca dao lưu truyền trong dân gian để vừa mai mỉa vua Trần vừa thương hại công chúa Huyền Trân :

“Tiếc thay cây quế giữa rừng

“Để cho thằng Mán thằng Mường nó leo”

Thầy Trân ôn tồn trả lời con Chín:

- Nếu tôi là một nhà đạo đức thì tôi cũng đồng ý với phát biểu của trò Chín. Nhưng vì tôi là một giáo sư dạy Sử nên tôi chỉ trình bày những hành xử có tính cách quốc gia của tiền nhân. Chắc tất cả đều biết Châu Ô và Châu Rí ngày xưa chính là hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên, trong đó có cố đô Huế, của ngày nay. Nhưng tôi nghĩ sự hy sinh cho quyền lợi quốc gia của công chúa Huyền Trân đã được tổ quốc ghi ơn, bằng chứng là chúng ta đang ngồi ôn lịch sử dưới một mái trường mang tên Huyền Trân.

Cả lớp vỗ tay râm ran sau khi thầy Trân dứt lời. Đến lượt tôi đưa tay xin hỏi trước sự ngạc nhiên của cả lớp vì ai cũng biết bản tính rụt rè của tôi.

- Thưa thầy, lịch sử có nói đến một tướng nhà Trần tên là Trần Khắc Chung. Xin hỏi thầy có tài liệu lịch sử nào xác nhận tướng Trần Khắc Chung là người yêu của công chúa Huyền Trân không ?

Thầy Trân nhìn tôi cười mỉm rồi nói:

- Tôi chưa đọc được sử liệu nào nói tướng Trần Khắc Chung là người yêu của công chúa Huyền Trân. Chỉ biết vua Trần, khi hay tin vua Chế Mân đột ngột băng hà, để cứu công chúa Huyền Trân khỏi bị thiêu sống theo chồng theo tục lệ người Chàm, đã sai tướng Trần Khắc Chung đem quân qua Chiêm giải cứu và đưa công chúa Huyền Trân về lại Việt Nam. Lịch sử không ghi về lại Việt Nam công chúa Huyền Trân có tái giá với ai không. Nhưng sự tích Huyền Trân sang Chiêm đã là đề tài sáng tác cho giới văn nghệ sĩ về sau. Đặc biệt có một bài vọng cổ rất hay nói về mối tình Huyền Trân-Trần Khắc Chung. Có trò nào nghe chưa ?

Cả lớp vang lên tiếng chưa. Con Chín bạo dạn gạ thầy:

- Chắc thầy ca hay lắm! Xin thầy ca cho tụi em nghe !

Thầy Trân cười thoái thác :

- Tôi cũng không thuộc, chỉ nhớ có một câu. Mà không hiểu sao tôi chỉ nhớ có câu đó.

Cả lớp nhao nhao:

- Một câu cũng được, xin thầy cho nghe!

Lớp học bỗng trở nên vui nhộn. Thầy Trân đứng trên bục, hai tay nắm sống lưng cuốn Sử được dựng đứng, nhìn lên trần lớp học, mắt mơ màng. Sau cái tằng hắng, thầy cất cao giọng trầm ấm, xuống câu vọng cổ :

“Huyền cô ơi! Huyền cô ra đi khiến cho địa thảm, thiên ơơơ ơ... sầu...”

Thầy Trân ngân dài tiếng “sầu”, mắt rời trần lớp học hướng về chỗ tôi ngồi. Cả lớp vỗ tay khen giọng ca “mùi” của thầy. Thầy Trân kín đáo, qua câu vọng cổ, thổ lộ cảm tình của thầy với tôi chăng ? Tôi nghe hai má mình nóng bừng. Suốt đêm hôm ấy tôi trằn trọc không ngủ với thắc mắc không biết thầy Trân đã có ai chưa ? Tôi cho thầy Trân nhiều lắm cũng chỉ 25, 26 tuổi thôi. Nghe nói thầy tốt nghiệp sư phạm năm rồi và trường Huyền Trân là nhiệm sở đầu tiên của thầy. Tôi đi vào giấc ngủ muộn với ước mơ thầy Trân còn độc thân.

Nhưng oái ăm thay, nữ sinh đầu tiên trong lớp bị thầy Trân phạt lại chính là tôi. Cũng tại cái con khỉ Chín nó đem khoe cây bút Parker của thằng Thiếu Úy Biệt Động Quân, bồ nó, mới tặng nhân sinh nhật nó. Nhìn cây Parker bạc óng ánh tôi buộc miệng khen: “Ồ ! cây bút đẹp quá !” Lời khen của tôi tuy không lớn nhưng  cũng đủ làm cả lớp, lúc đó đang im lặng nghe thầy Trân giảng, quay đầu về phía chỗ ngồi của con Chín và tôi. Con Chín dấu vội cây bút Parker, làm mặt nghiêm nhìn thẳng lên bảng đen.Thầy Trân nhíu mày nhìn tôi, không nói gì, tiếp tục giảng bài. Hết giờ thầy Trân gọi tôi đến bàn ông. Giọng ông vẫn ôn tồn nhưng sắc mặt lộ vẻ giận. Ông đưa tôi mảnh giấy và nói:

- Trò chép lại câu này 60 lần, sau đó đưa cho phụ huynh trò ký rồi đem nộp cho giám thị trường.

Tôi cầm mảnh giấy liếc nhìn mấy chữ “tôi sẽ không lo ra trong lớp”. Nước mắt lưng tròng, tôi nhìn thầy Trân, miệng lí nhí:

-Em xin lỗi thầy, em không cố ý làm ồn trong lớp!

***

Thầy Trân mở cửa, thấy tôi, thầy đứng sững, ngạc nhiên. Hai tay cầm cuốn tập để trước vạt áo, mặt nóng ran, tôi nói trong hơi thở :

- Em đến xin thầy ký vào tập bài phạt để em nộp cho thầy giám thị. Em không dám đưa cho ba em ký, ông sẽ... đánh em chết ! Xin thầy thương mà thông cảm vì em chưa bao giờ phạm kỷ luật trường cả.

Thầy Trân nhìn tôi, đứng nhích sang một bên rồi nói:

- Em vào  đây, ta sẽ nói chuyện.

Phòng trọ của thầy Trân rất đơn sơ, chỉ vỏn vẹn một cài bàn viết với hai ghế ngồi, một tủ  nhỏ và một chiếc giường ngủ .Tôi khép nép ngồi xuống ghế đối diện với ghế thầy ngồi và đưa tập bài phạt sang phía thầy. Thầy Trân không mở ra xem, chỉ đẩy tập vở  sang một bên và nói:

- Thôi, thầy giữ tập viết này khỏi cần đưa cho thầy giám thị. Coi như thầy không phạt em. Thầy tin là em ngoan nhưng thầy thấy em và Chín là hai em lớn tuổi nhất lớp nên thầy muốn hai em là gương mẫu cho cả lớp.

Tôi sung sướng dạ nhỏ một tiếng rồi bỗng dưng bạo dạn hỏi thầy:

- Chị Chín , trưởng lớp, muốn tìm biết sinh nhật của thầy, để đến ngày đó  cả lớp chúc mừng thầy như vẫn làm với các thầy khác. Thầy có thể cho em biết để em nói lại với chị Chín?

Thầy Trân cười vui vẻ:

-À, thầy sinh ngày 2 tháng 5. Thế còn sinh nhật của em ?

Tôi ngạc nhiên sao thầy hỏi ngày sinh nhật mình. Một thoáng nghĩ làm tim tôi đập mạnh: Chắc thầy cũng để ý mình.

- Dạ, em sinh ngày 20 tháng 12.

- Như thế em sẽ được quà sinh nhật trước quà Giáng Sinh. Thích quá nhỉ!

Tôi nở một nụ cười buồn:

- Dạ em chưa bao giờ được quà sinh nhật lẫn Giáng Sinh.

- Sao lạ vậy ?

- Dạ, vì nhà em rất... đơn sơ và không công giáo.

Thầy Trân nhìn tôi, tôi đọc trong đôi mắt thầy một sự trìu mến lạ thường. Giọng thầy trở nên thân thuộc:

- Hy vọng năm nay em sẽ được cả hai.

Nói xong thầy đứng dậy. Tôi cũng đứng dậy theo. Nắng bên ngoài gay gắt chiếu xuống thềm cửa.Tôi dang tay che nắng, nói lời từ giã:

- Em xin cám ơn và xin chào thầy.

Thầy Trân đứng yên đưa tay chào trả tôi và nói:

- Khi nào em có việc cần gặp thầy thì cứ đến, thầy không bị phiền đâu.

Tôi ra về, lòng nở hoa.

*** 

Hết giờ Toán thầy Ngô gọi tôi đến bàn và nói:

- Bài toán vừa rồi em giải sai phần sau. Nếu em muốn,  mỗi tuần em ghé chỗ tôi trọ tôi chỉ thêm cho. Thầy biết em giỏi các môn khác, nếu toán cũng giỏi nữa thì em không những đẹp mà còn giỏi nhất lớp.

Tôi bối rối tìm cách trì hoãn:

- Dạ, em xin cám ơn thầy.Em phải về xin phép ba má.

Thầy Ngô bỗng đổi ý:

- Thôi em khỏi phải cần xin phép ba má. Khi nào em cần hỏi gì về toán thì sau giờ học trên đường về ghé thầy chừng 15 phút là đủ.

Tôi dạ và lặng lẽ cúi đầu chào thầy Ngô. Tôi ái ngại sự ân cần của thầy vì tôi nhớ có lần con Chín nói với tôi:

- Tao thấy thầy Ngô có vẻ chấm mi.

Tôi cũng thấy vậy. Thầy Ngô có bộ mặt nghiêm khắc nên tôi chỉ kính mà không cảm. Thầy Ngô không làm tôi mơ mộng như thầy Trân. Tôi làm bộ ngây thơ trả lời con Chín:

- Tao thấy thầy Ngô đối xử  với ai hồi nào cũng như hồi nào.

Con Chín tỏ vẻ sành sõi:

- Mi đừng nhìn cái bề ngoài của mấy thầy. Núi lửa bên trong cả đó mi. Mi chờ xem, có ngày núi lửa của thầy Ngô sẽ phun ra cho mà coi. Mô phạm gì cũng có lúc tức nước vỡ bờ. Chuyện con tim mà, thánh mới kìm nổi nó.

Thấy con Chín nói quá đúng tôi làm thinh. Cũng may nó không tra khảo tôi gì về con tim của tôi đối với thầy Trân. Tôi cũng mong cho nó nghĩ tôi chỉ biết lo học chứ chưa thao thức gì về đàn ông.

Một tuần trước lễ Giáng Sinh, lúc tan lớp, đi ngang qua bàn thầy Trân, thầy ra hiệu cho tôi lại gần và nói vừa đủ cho tôi nghe:

- Huyền ghé nhà thầy: có quà tặng cho Huyền.

Lòng tôi rộn ràng khi sực nhớ lời thầy Trân nói với tôi trước đây: sinh nhật tôi và Giáng Sinh năm nay tôi sẽ có quà. Tôi chờ cho đám bạn về hết mới đạp xe đến nhà thầy. Dựng xe trước nhà trọ của thầy Trân, lòng tôi hồi hộp, bồn chồn. Tôi nhìn quanh xem có ai trước khi gõ cửa.

Thầy Trân đưa tay mời tôi ngồi ở chiếc ghế tôi ngồi lần trước. Thầy mở tủ  lầy ra hai gói quà bọc giấy hoa, để trước mặt tôi và dịu dàng nói:

- Lần trước nghe Huyền nói chưa bao giờ có quà sinh nhật và Giáng Sinh thầy rất bùi ngùi. Thầy có hai món quà nhỏ tặng Huyền, một cho Giáng Sinh, một cho sinh nhật.Mừng Huyền 18 tuổi, tuổi truởng thành.

Tôi cảm động nhìn thầy Trân, miệng ấp úng:

-Em... em cám ơn thầy !

- Huyền mở quà ra đi. Thầy mong Huyền sẽ ưng ý.

Tôi lóng cóng bóc từng mảnh giấy hoa. Quà là một cây bút parker và một cuốn album.

Tôi nhìn thầy Trân cười sung sướng:

- Cám ơn thầy, quà của thầy là những thứ em mơ ước từ lâu!

Khi đưa tôi ra cửa, thầy Trân thân mật khoác vai tôi, đặt một nụ hôn lên mái tóc tôi. Tôi đứng im, người nóng ran, vừa ngây dại vừa lo lắng cử chỉ kế tiếp của thầy. Nhưng thầy Trân ngừng lại ở đó:

- Cám ơn thầy lần nữa, em về.

- Huyền về, chúc Huyền một sinh nhật và một Giáng Sinh vui tươi, hạnh phúc. 

*** 

Tôi đập con heo đất, lấy hết tiền để dành cho vào bóp rồi đạp xe ra phố. Phố của tỉnh lỵ nhỏ bé này đi bộ chừng 15 phút là hết. Tôi vừa lấy một quyết định táo bạo là đi mua một chiếc cà vạt tặng thầy Trân nhân dịp lễ Giáng Sinh. Tôi đi nhanh vào tiệm bán đồ đàn ông, chọn chiếc cà vạt màu xanh đậm, mua không cần trả giá, rồi trở ra xe thật lẹ. Tôi sợ có người quen bắt gặp, sợ người ta đọc được tâm tư mình rồi đàm tiếu. Tiền mua chiếc cà vạt chiếm hết hai phần ba số tiền tôi bỏ ống. Nhưng tôi không một chút xót xa.

Thầy Trân ra mở cửa, ngạc nhiên khi thấy tôi đến thăm thầy vào lúc sắp tối. Thấy tôi nháo nhác nhìn quanh, thầy nói nhanh:

- Huyền vào nhà nói chuyện.

Ngồi xuống ghế đối diện với tôi, thầy Trân nhìn tôi như chờ đợi một lời giải thích. Tôi lấy hộp đựng cà vạt trong cái giỏ mây ra để lên bàn rồi rụt rè nói:

- Em... em  có món quà Giáng Sinh tặng thầy.

Thầy Trân ồ lên một tiếng, đưa hai tay nhận gói quà, tháo giấy, mở hộp, lấy chiếc cà vạt đưa lên ngắm nghía:

- Thầy cám ơn Huyền, thầy có một chiếc cà vạt màu xanh đã cũ, chiếc này đến thay thế rất là đúng lúc.

Thầy Trân bỗng đưa hai bàn tay sang úp lên hai bàn tay tôi. Tôi để yên, cúi mặt ngồi im, lòng rộn ràng. Cả phút dài trôi qua.Tôi nghe giọng thầy ngập ngừng:

- Ngoài cho quà, Huyền có... cảm nghĩ... gì khác không ?

Tôi vẫn cúi mặt, thu hết can đảm trả lời thầy :

- Ngoài ra em... em muốn đến... thăm thầy !

Tay thầy Trân rời tay tôi. Tôi nghe thầy rời ghế bước sang phía tôi. Tôi nghe thầy đặt tay lên hai vai tôi, kéo tôi đứng lên, xoay người tôi lại. Bóng chiều phủ mờ căn phòng chưa lên đèn. Tôi ngước mắt lên. Trong đáy mắt tôi là cái nhìn đắm đuối của thầy . Rồi môi thầy chạm môi tôi. Thầy ôm sát tôi vào người. Toàn thân tôi mềm nhũn  mà hừng hực lửa. Tay thầy, như vừa bức phá mọi trói buộc, xoa nắn ngực tôi. Tôi co rúm người khi tay thầy lần xuống phía dưới. Ở giờ phút nầy tôi biết tôi không cưỡng lại bất cứ ý muốn nào của thầy vì tôi  là một kẻ đồng lõa nhiệt tình. Nhưng tay thầy bỗng khựng lại ở thắt lưng tôi, như có  một lực cản nào bắt thầy dừng lại. Tay thầy đi ngược trở lên, nhẹ nhàng trên ngực, trên môi, trên mắt, trên tóc tôi.

- Thôi, Huyền về kẻo sắp tối.

Trên đường về tôi nghe thân thể mình khác lạ, có thứ gì vừa mất đi, nhưng cũng có một thứ gì vừa chợt đến. Nhưng tôi không thấy hụt hẫng vì thứ mất đi mà tròn đầy thứ vừa ngập đến. Chưa bao giờ tôi thấy đời đáng yêu và đáng sống như bây giờ. Tôi sắp bước vào tương lai nào thì tôi không rõ, tôi chỉ biết tôi vừa từ giả tuổi thơ không chút luyến tiếc.

Hai tuần trước khi trường đóng cửa nghỉ Tết thì ông hiệu trưởng vào thông báo cho lớp học nghỉ giờ Sử Địa vì giáo sư bệnh. Tôi lo lắng không biết thầy Trân bệnh gì và nôn nóng muốn đến thăm thầy. Bất ngờ trong giờ ra chơi gặp thầy Ngô trong hành lang. Thầy nhìn tôi rồi nói:

- Giáo sư Trân bị cảm. Có hôn thê của ông xuống săn sóc.

Nói xong ông cười nhạt rồi bỏ đi. Tôi tái mặt vì nghi thầy Ngô biết chuyện tình cảm giữa tôi và thầy Trân. Nhưng điều làm tôi rụng rời, đau điếng là thầy Trân đã có hôn thê. Bây giờ thì tôi hiểu cái khựng lại của bàn tay thầy trên thân thể tôi. Bàn tay ngừng lại vì nó đã có chủ. Lương tri đã cản được đam mê của thầy. Tôi thấy đất như quay cuồng, trời như đang sụp đổ .

Giờ Sử tuần sau thầy Trân đi dạy lại. Mặt thầy hơi xanh nhưng giọng nói vẫn ấm áp truyền cảm. Có lúc hướng về phía tôi ngồi thầy nhìn tôi lâu hơn thường lệ. Tan lớp,tôi nấn  ná để làm người cuối cùng rời lớp. Thấy tôi đi ngang qua bàn, thầy Trân nói khẽ:

-Huyền ra quán cà phê Mimosa chờ thầy. Thầy có chuyện muốn nói với Huyền.

Tôi dạ rồi lầm lũi đi. Tôi cảm thấy mình thương hại mình quá đỗi! Tôi đoán biết gặp tôi thầy Trân sẽ nói gì.

Thầy Trân có mặt ở quán trước tôi .Quán có hai bàn khách nhưng may mắn toàn là khách lạ. Tôi ngồi xuống ghế thì thấy có ly chanh đường để sẵn trên bàn. Thầy Trân khuấy khuấy ly cà phê đen nhưng không uống. Thầy cất tiếng trước, giọng buồn buồn:

-Thầy hiện đang có khách ở nhà trọ, Huyền không nên ghé thầy lúc này.

- Em biết, hôn thê của thầy xuống săn sóc thầy .

Thầy Trân ngạc nhiên:

- Sao Huyền biết ?

- Thầy Ngô nói với em.

- Lại cái thầy Ngô ! Cũng chính thầy Ngô báo cho Thu biết !

- Thu là hôn thê của thầy ?

Thầy Trân im lặng gật đầu. Giây lâu thầy mới nói:

- Thầy xin lỗi Huyền về cử chỉ hôm trước Giáng Sinh vì đã không kìm hãm được xao xuyến của lòng mình.

Con tim có lúc đã vượt qua lí trí. Thầy không có quyền hành động như thế. Nhưng ít ra thầy cũng đã không để tình cảm đi quá đà. Thầy mong Huyền tha lỗi cho thầy.

Tôi rũ người, rung rung đôi vai, cố nuốt những giòng lệ . Thu hết can đảm tôi thốt ra được mấy lời cảm khái:

- Thầy không có lỗi gì hết. Em  vẫn kính trọng thầy và... thương thầy !

Nói xong tôi với tay lấy ly chanh đường đưa lên môi hớp mấy ngụm nhỏ rồi đứng lên đưa tay vẫy chào thầy. Qua màn mắt nhập nhòa tôi thấy khuôn mặt trái soan của thầy Trân vẫn đáng yêu như hôm thầy hôn tôi lần đầu.

Đó là lần cuối cùng tôi gặp mặt thầy Trân. Sau một tuần nghỉ Tết, đi học lại, cả lớp mới hay thầy Trân đã xin đổi trường. Tôi bàng hoàng khóc lẻ loi một mình suốt cả mấy tuần. Con Chín không hay biết gì chuyện sóng gió vừa xảy cho đời tôi cũng như lý do thầy Trân xin đột ngột đổi trường. Người thứ hai tôi nghĩ hay biết chuyện là thầy Ngô. Điều làm tôi hơi ngạc nhiên là vắng bóng thầy Trân, tôi vẫn không thấy thầy Ngô tỏ vẻ gì săn đón tôi hơn; trái lại mỗi lần chạm mặt tôi thầy có vẻ ngượng nghịu. Tôi có cảm tưởng thầy ân hận vì có phần trách nhiệm trong việc đổi trường của thầy Trân.

Thi đậu xong bằng trung học đệ nhất cấp, gia đình gởi tôi lên Sàigòn học tiếp. Và tôi chỉ biết học và học. Tôi không để ý đến đàn ông nữa. Tôi chỉ có một người đàn ông nhưng tôi đã mất ông rồi! Tôi đậu tú tài phần 1 rồi phần 2 dễ dàng. Vào đại học tôi cũng chọn ngành sư phạm, môn Anh Văn; tôi cũng sẽ là một giáo sư như thầy Trân.

Không ngờ năm học cuối cùng của tôi lại là năm mất Miền Nam. Tị nạn sang Hoa Kỳ, một lần nữa tôi lại muộn màng cắp sách đến trường. Nhờ vốn liếng Anh ngữ sẵn có tôi học lại dễ dàng. Tôi chọn ngành Luật. Tôi lập gia đình lúc đang tập sự hành nghề luật sư.Chồng tôi là một chuyên gia kinh tế người Việt. Chúng tôi sống êm đềm bên nhau đã 15 năm và có hai con. Mỗi khi chọn tên cho con tự nhiên tôi nhớ đến hai người của ngôi trường cũ. Đứa con gái đầu, 14 tuổi, tôi đặt tên Chi để nhớ con Chín, con bạn học ngồi cạnh tôi. Thằng con trai, 12 tuổi, tôi đặt tên Trung để nhớ đến thầy Trân. Chồng tôi không một chút thắc mắc khi tôi chọn tên Việt cho con ; anh chỉ lo kiếm tên tương đương bằng tiếng Mỹ, Carolyn cho Chi và Tom cho Trung.

Tôi xa quê hương như vậy cũng đã gần hai mươi năm. Một hôm tôi ngỏ ý với chồng, tôi muốn đưa hai đứa nhỏ về thăm Việt Nam một chuyến cho chúng biết đất nước thật của chúng. Chồng tôi không hồ hởi cũng không chống đối. Anh chỉ nói:

- Nếu em quyết định về cùng hai con thì cứ đi. Riêng anh, tình hình chính trị bên đó chưa thuận tiện cho anh về.

Tôi biết chồng tôi nói khéo chứ tôi rõ lập trường của anh rất dứt khoát: anh chỉ trở về Việt Nam khi chế độ Cọng Sản sụp đổ.

Về lại Việt Nam  chuyện đầu tiên tôi làm là về thăm ngôi trường cũ. Tôi thất vọng não nề khi thấy trường biến thành trụ sở nhân dân tỉnh với lá cờ đỏ sao vàng ngất ngưỡng ở đỉnh cột cờ. Tôi không có cảm tình với lá cờ này vì thấy nó không “hiền” như lá cờ vàng ba sọc đỏ của miền Nam trước đây. Về thăm đất nước, sau gần hai mươi năm xa cách, tôi thấy mình chỉ là một du khách. Hiện tại không đưa tôi tìm lại được quá khứ. Dù những cái tên không thay đổi. Vẫn Đà Lạt, Nha Trang, vẫn Huế, Hà Nội, vẫn Hạ Long, Vũng Tàu. Nhưng cái xã hội vô hồn hiện nay khiến cho lòng người về cũng trở nên vô cảm trước cảnh vật. Tuy nhiên tôi cũng cố gắng giảng giải  sự tích của những nơi thăm viếng để hai đứa con tôi biết đôi chút lịch sử mấy ngàn năm của nước nhà.

Ba tuần trôi qua mau. Tuần thứ tư tôi đóng đô ở Sàigòn. Sàigòn xưa của tôi đã mất! Y lời của một bài hát tôi từng nghe: Tôi mất Sàigòn như Sàigòn đã mất tên! Đường phố đầy những kẻ tật nguyền ăn xin, đặc biệt là ở các tiệm ăn. Nhìn những kẻ cụt tay, cụt chân, tôi chạnh nghĩ trong số những người này không hiếm kẻ  là thương phế binh của quân đội miền Nam trước đây. Tôi chợt nhớ đến con Chín và người tình đầu của nó, anh chàng Thiếu Úy Biệt Động Quân, người đã tặng nó cây bút Parker, không biết bây giờ ra sao. Còn sống hay đã chết ? Còn ở với nhau hay đã chia tay ? Nhớ tới cây bút Parker tôi lại nhớ chuyện bị thầy Trân bắt chép phạt, nhớ cây bút Parker, quà của thầy tặng tôi sau đó. Mặc cho bác xích lô đạp loanh quanh khắp nẻo Sàigòn, mặc cho hai đứa nhỏ ngồi phía trước líu lo chỉ chỏ cảnh trí bên ngoài, tôi ngả người vào nệm lưng chiếc xe, lim dim mắt, thả hồn về dĩ vãng.

- Mẹ, mẹ, họ bán gì kia ?

Tôi giật mình, nhô đầu ra khỏi mui chiếc xich lô, nhìn sang vệ đường:

- À, họ bán vé số.

- Sao có nhiều người bán vậy ?

- Chắc vì có nhiều người mua.

Vừa nói tôi vừa đảo mắt nhìn những quầy bán vé số. Ngồi đàng sau quầy là những bộ mặt buồn hiu, đàn ông có, đàn bà có .Tuy nói với hai con tôi nhiều quầy hàng vì có nhiều người mua nhưng tôi chẳng thấy người mua nào. Và tôi thắc mắc với ngần ấy quầy hàng, mỗi ngày một người bán được bao nhiêu vé để đủ sống? Tôi bỗng chú ý đến một người đàn ông ngồi sau quầy hàng cuối cùng. Trông ông ta quen quen. Tóc ông  đã muối tiêu, má hóp, da mặt sạm đen. Nhìn mang tai trái của ông tôi giật mình:

-Thầy Trân !

Thầy Trân có cái nút ruồi nơi mang tai trái. Tôi sững sờ  đi một lúc. Sao thầy Trân giờ lại ra nông nỗi này ? Một ông giáo sư đi bán vé số ! Tôi vẫn lạc quan tin nghề giáo, dưới bất cứ chế độ nào, vẫn hữu dụng. Tôi nghe lòng tê tái. Tôi bảo bác xích lô tấp xe vào bờ đường. Tôi mở ví, tìm cuốn sổ tay, xé một trang nhỏ, lấy bút ghi vội dòng chữ: “Ông có phải là thầy Trân dạy Sử trước đây ở trường Huyền Trân không?” Tôi đưa mảnh giấy cho Chi, con gái lớn của tôi, và nói với nó bằng tiếng Mỹ cho nó dễ hiểu và cũng để bác xích lô không biết chuyện:

- Con xuống xe,  đi lại chỗ ông bán vé số quầy cuối cùng, đưa cho ông tờ giấy này. Ông đó là thầy dạy học của mẹ trước đây.

Con gái tôi mở tròn hai mắt:

- Thầy dạy học mà đi bán vé số! My God !

- Chắc tại ông mất việc.

Tôi đưa tiếp cho Chi hai tờ 100 mỹ kim và dặn thêm:

- Nếu ông nhận ông là giáo sư Trân thì con đưa cho ông số tiền này và nói của một học trò cũ  của ông tặng. Mẹ dặn thêm, nếu ông có hỏi tên mẹ thì con trả lời: “Mẹ con dặn đừng nói”.

Thấy con bé ngỡ ngàng không hiểu vì sao tôi lại dặn nó dấu tên tôi, tôi giục nó:

- Con đi ngay và nhớ lời mẹ dặn.

Tôi ngồi thu mình trong xe theo dõi. Tôi thấy người đàn ông cầm tờ giấy tôi viết đọc.  Tôi thấy ông nhìn sửng con bé, rồi đưa hai tay ôm vai nó, đầu gật gật. Con bé đưa tiếp cho ông số tiền tôi đưa. Tôi thấy ông cầm tiền, đứng ngây người ra, rồi mắt nhớn nhác nhìn tứ phía như tìm kiếm ai. Tôi thấy ông cúi xuống như muốn gặng hỏi gì con bé. Con bé lắc đầu hai ba cái. Nó đưa tay ra bắt tay ông rồi vừa đi vừa chạy về hướng chiếc xich lô tôi ngồi. Tôi thấy ông cuộn tròn hai tấm giấy bạc, nắm chặc trong lòng bàn tay, mắt đăm đăm nhìn theo hướng con bé chạy. Tôi mở ví lấy cặp kính đen đeo vội để dấu đôi mắt đẫm ướt của mình. 

 

TRANG CHÂU

 

 

 

Văn thi sĩ Trang Châu, ngoài đời là bác sĩ Lê Văn Châu, hành nghề từ năm 1965, cựu y sĩ binh chủng Nhẩy Dù VNCH. Ông định cư tại Montreal từ năm 1975 và trở lại nghề y năm 1977. Cựu Chủ Tịch Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại nhiệm kỳ 1991-1993. Đương kim Chủ Tịch Văn Bút vùng Quebec-Ontario.

Tác phẩm đã xuất bản:

-Tình Một Thuở (Thơ, 1965)

-Y Sĩ Tiền Tuyến (bút ký, giải thưởng văn chương toàn quốc 1969, tái bản lần thứ 9 tại hải ngoại,2018).

-Giải Thích (Thơ, 1972)

-Thơ Trang Châu (Thơ, 1989).

-Về Biển Đông (Bút ký, 1995, hành trình tình nguyện theo Tàu Ánh Sáng của hội Médecins du Monde năm 1988 về Biển Đông, vớt được gần 400 thuyền nhân trên 5 ghe vượt biên).

-Dì Thu (Tập truyện, 2000; tái bản lần thứ 2, 2013).

-Thơ Tuyển (2007)

-Người ăn trưa trong xe (Tập truyện, 2013).

-12 truyện ngắn 12 bài thơ (Truyện ngắn và thơ, 2017).


Joomla Hosting and Maintenance by Cybersalt

Copyright © 2014-2025. VietVancouver, All rights reserved

  • Số Lượt Truy Cập 1779583