Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nao nghĩ đến… những buổi tựu trường.

Chả là năm nào cũng như năm ấy, sáng ra đi làm mà thấy gió lành lạnh thổi lùa trong tóc, thấy mây trắng lãng đãng trên nền trời, thấy lá vàng tung mình cuốn theo ngọn gió, quấn quít chân đi, thì cũng là lúc tôi bắt đầu cours dạy cho một niên học mới.

Buổi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh, lá ngoài đường rụng nhiều trên con đường tôi đi làm và mây thu từ đâu kéo nhau về lãng đãng, lờ lững bay qua những vườn phong ngập lá, muôn màu muôn sắc, thì tôi nhận được cú phôn của một cô bạn ở Việt Nam, đọc thư tôi ca tụng mùa thu Canada, nên cô ấy nói là sẽ ráng lần mò sang Canada xem mùa thu đẹp đến cỡ nào.

Sang đến nơi, bạn tôi mới nói Canada đẹp hơn sự tưởng tượng của cô nhiều. Tôi hỏi cô tưởng tượng Canada như thế nào? Cô bạn trả lời:
- Hương tưởng Canada là xứ lạnh thì người ta phải sống trong những nhà bằng đá, những igloo như thấy trên hình ở Bắc Cực!

Quí độc giả đọc đến đây cũng đừng nên nổi giận, người ở Việt Nam tưởng tượng đất nước Canada của chúng ta như thế đấy. Tưởng tượng xa hơn nữa là:

- Tội nghiệp, Canada lạnh nên không nuôi được bò. Người dân phải ăn cá!

Tôi nghĩ bụng, cá đâu ra mà ăn? Hay là:

- Người ta nói mùa đông đường xá, nhà cửa ở Canada đông đá hết, không ai đi ra ngoài cả.

Tôi nghe mà mắc cười, mới nói:

- Thời buổi "in tờ lét" mà, cứ leo lên internet là cái gì cũng có tại sao lại có sự tưởng tượng hủ lậu đến thế?

Thì cô bạn trả lời tỉnh bơ:

- Không xài máy vi tính và internet vì sợ bị… hư mắt!

Ấy thế mà cô ấy vẫn đeo cái kính dày sụ không bao giờ rời, trong khi tôi thì lái xe phoong phoong không đeo kính, dù đã xài máy vi tính từ mấy chục năm nay.

Trên đường đi, hai bên đường ngập tràn màu sắc rừng thu, cô bạn tôi lặng người, thốt lên:

- Đâu cần phải đi đâu xa để tìm tiên cảnh!

Tôi có người bạn, lần đầu được nhìn thấy rừng phong ở Canada đã thốt lên:

Ngỡ là triệu lá nghìn hoa,

Nào ngờ diệu ảnh chỉ là lá bay

Ngập ngừng gió nhắn cùng cây,

Chàng Từ xuống chỉ : lối này về tiên

 

Đúng vậy, tôi cũng nhiều lần tự hỏi tại sao mùa thu ở Canada lại muôn màu vạn sắc. Trước đây tôi chỉ nghe tả lá thu vàng, “trận gió thu phong rụng lá vàng”. Sau đọc truyện Quỳnh Dao, bà có tả “đến mùa thu, lá phong chuyển màu, nhuộm hồng cả thung lũng”, tôi đã lấy làm lạ, sao lá thu lại hồng? Sang đến Canada, tôi mới lại thấy thêm là không những lá thu có màu vàng, màu hồng mà còn nhiều màu sắc khác nữa. Tại sao lại lạ thế?

Tôi tò mò tìm hiểu thì ra cây phong không phải chỉ có một loại duy nhất mà trên thế giới có tới 160 loại cây phong khác nhau lận. Mỗi loại vào mùa thu lại chuyển màu khác nhau, đó là lý do mà mùa thu Canada có muôn màu vạn sắc.

Ở Canada, chỉ có hơn mười loại cây phong thông dụng mà ta thường gặp nhất, ở những vùng như phía tây của bắc bán cầu, vùng Đại Hồ, vùng Saint-Laurent và ven biển miền đông Canada. Những loại khác thì mọc lẻ tẻ không đáng kể. Ta có thể kể đến các loại cây phong chính sau đây:

 

* Cây phong lá bạc: màu xanh nhạt ở mặt trên của lá, và màu bạc óng ánh ở mặt dưới, thường mọc ở phía nam tỉnh Quebec, ở Ontario, phía đông nam của New-Brunswick, và vùng Richelieu chạy dài xuống tận Florida.Vào mùa thu, lá chuyển màu vàng nhạt, hoặc đôi khi có màu đỏ. Loại cây phong này thích hợp ở những vùng ẩm ướt. Sirop của cây này không ngọt như loại sirop của cây phong đường, nhưng trái và búp non có thể ăn được. Cây dễ mọc và mau lớn.

 

 

* Cây phong dã thảo: rất đẹp mắt, có thể cao tới 10 hoặc 15 mét, lá rậm rạp, mỗi lá chia thành năm nhánh, lá màu xanh xẫm và trơn, xen lẫn với lá xanh nhạt hơn và phủ lớp lông phơn phớt. Thông thường thì cây ra hoa trước khi có lá. Mùa thu lá chuyển thành màu vàng óng rất đẹp. Gỗ của cây phong này rất nặng và cứng, thường đuợc dùng để làm bàn ghế, và làm nhạc cụ, như đàn violon. Khởi nguồn từ Âu Châu và Á Châu, loại phong dã thảo này cũng lan tràn sang Canada, mọc tại những vùng quê, nhất là vùng đồng bằng, ngay cả những vùng đất khô cằn.


 

* “Giàn” phong: loại cây phong này có hình dáng lạ, thân cây thấp, nhánh cây có thể mọc ngang, trông như một giàn nho, và khi nhánh cây chạm đất thì có thể ra rễ và mọc thành cây mới. Cây có hoa màu hơi đo đỏ hoặc tím, có thể ra quả. Lá thuôn dài hình răng cưa, có chừng sáu hoặc bảy nhánh, chuyển màu vàng ánh lộng lẫy vào mùa thu, do đó rất được ưa thích và được coi như một loại cây để trang trí.

Cây này mọc nhiều ở vùng Bristish Columbia, ở những vùng đất ẩm ướt, hoặc dọc theo các nhánh sông. 

 

 

* Cây phong có nhánh: loại cây này có hình dáng lạ. Các nhánh mọc tủa từ dưới và vươn lên cao. Đặc biệt là màu lá vào mùa thu trông đỏ thắm rất đẹp và rực rỡ, thường được trồng để làm cảnh tạo nét đặc sắc cho căn nhà. Cây mọc nhiều ở vùng Saskatchewan, trải đến tận Maritimes, thường mọc ở ven sông.

Lá cây hình tam giác, thường chia ra thành ba nhánh hay năm nhánh, mặt trên lá màu xanh ngả vàng, mặt dưới màu trắng, gân lá màu đỏ, do đó cây trông rất đẹp ngay cả lúc chưa vào thu. Cây thường ra hoa vào tháng sáu, sau khi cây đã có lá, và kết trái vào lúc cuối mùa hè, trước khi lá chuyển sang màu đỏ. Loại cây này không mọc cao lắm, chỉ chừng 5 mét và mọc trên đất ẩm, dọc bờ suối, hoặc trên sườn đồi có đá, và chịu được những vùng thiếu ánh sáng, như trong rừng rậm chẳng hạn, hễ cứ có chỗ nào có đất trống trong rừng thì có bóng dáng của cây phong này. 

 

 

* Cây phong lá to: như tên gọi của nó, loại cây này không những có lá to mà cả cây cũng rất vĩ đại, có thể cao tới 30 mét, làm thành một vòm tỏa rộng cả một vùng. Lá cây có thể đo tới 60 cm. Cây được tìm thấy ở phía đông nam tỉnh British Columbia, và ở Vancouver. Từ lâu người da đỏ đã dùng gỗ của cây phong này để làm dụng cụ săn bắn cũng như dùng để làm củi sưởi vì khi đốt lên không ra khói. Một thân cây thôi có thể cung cấp củi sưởi cho nhiều năm trời. Nhựa của cây phong này không ngọt nên ít thông dụng trong việc dùng để chế tạo sirop, nhưng những búp non thì lại thơm ngon hết ý. Lá cây này cũng được in trên các đồng tiền để bán cho du khách đến thăm Canada. Bạn có thể nhận ra rằng tuy cây có dáng to và thô nhưng lá tuy to mà hình dáng lại rất thanh tao, yểu điệu, nhất là hoa kết thành chùm rất đẹp.


 

* Cây phong lùn: lan tràn ở tỉnh British Columbia và phía đông của tỉnh Alberta, xuống tận bang New Mexico và bang California, đặc biệt là ở các vùng núi. Cây phong lùn có đặc điểm là gỗ rất bền bỉ và mềm dẻo, thường được dùng làm cung tên để săn bắn. Cây không cao quá 7 mét, vì các nhánh cây cũng có khuynh hướng mọc ngang. Lá chỉ cỡ từ 7 đến 10 cm, chia làm năm nhánh răng cưa, có hình dáng điển hình của lá phong mà ta thường thấy trên sách báo. Lá màu xanh xậm vào mùa hè, chuyển thành màu đỏ cam vào mùa thu.

 

 

 

* Cây phong lá kép: cây này mọc nhanh, không cao lắm, chỉ từ 10 đến 15 mét chiều cao, và thân cây chỉ trong khoảng từ 50 đến 75 cm. Cây có đủ mọi hình dáng, không nhất định, và rễ cây ăn rất sâu xuống đất và lan rộng ra, nên ít khi được trồng trong thành phố vì sợ ảnh hưởng đến nền nhà, nhất là vì gỗ của cây phong này mềm và không bền, dễ bị gẫy, nguy hiểm cho người đi đường.

Người ta vẫn không chắc chắn rằng đây có phải là cây phong hay không, hay đó chỉ làm một loại cây tần bì có quả giống cây phong? Nếu nhìn quả thì rõ ràng là quả của cây phong, nhưng xét về lá và thân cây thì giống cây tần bì nhiều hơn. Tóm lại, người Québec cho rằng họ đã sai lầm khi du nhập loại cây này vào Canada, vì cây không có công dụng gì đặc biệt. Lá và thân lại tỏa ra mùi không được dễ chịu, khác hẳn với đặc tính của các loại cây phong khác.

 

 

 

* Cây phong đen: mọc lan tràn tại vùng Đại Hồ và vùng Saint-Laurent, đến tận Montréal. Lá cây có màu xanh xậm gần như đen, hình dáng rất giống chiếc lá phong trên lá cờ Canada, và thân cây màu xám. Đặc biệt là nhựa cây có chất ngọt và được dùng để chế tạo sirop, không những dùng cho người bản xứ mà còn bán cho du khách nước ngoài. Ai sang Canada mà làm ngơ được trước những chai sirop hình lá cây phong, chứa đựng một chất sirop màu vàng óng trong suốt? Chính vì thế mà nhiều người lầm lẫn cây phong đen với cây phong đường, vì nhựa của cả hai loại cây này đều rất ngọt. Tuy nhiên, đó vẫn là hai loại cây khác nhau.

Cây mọc nhanh vào những năm đầu, ở những nơi ẩm ướt, nhưng sau đó thì mọc chậm lại và có thể sống được 200 năm. Ta có thể thấy loại cây này tại phía nam tỉnh Québec và Ontario, đến tận miền trung bang Michigan, cả bắc bang California và bang Virginia.

 

 

 

* Cây phong lá đỏ: loại phong này mọc chậm. Lá cây màu xanh nhạt và chuyển thành màu đỏ rực vào mùa thu. Có thể nói đây là một trong những loại cây phong có màu sắc rực rỡ nhất. Được dùng để trồng dọc theo các đường phố tại Montréal. Ngay từ đầu xuân, dù chưa có lá, cây cũng đã nhuộm màu đỏ chói của những chùm hoa, khi kết trái cũng có màu đỏ, chim chóc rất thích ăn. Cây có thể cao tới 25 mét, thân cây to chừng 60 cm, và nhựa cây cũng được dùng để chế tạo sirop. Cây chuộng những nơi ẩm ướt, tuy vậy người ta cũng thường thấy loại cây phong này tại các vùng khô cằn sỏi đá. Loại này thường mọc tại vùng Maritimes, Québec, Newfoundland, Mexico và Florida.

 

 

* Cây phong đường: là loại cây phong được ưa chuộng nhiều nhất, có lá màu xanh xậm và đổi thành màu đỏ cam vào mùa thu. Sống ở nơi ẩm ướt và mát mẻ. Cây to và cao tới 30 mét, rậm rạp. Cây được ưa chuộng vì màu sắc đẹp mắt vào mùa thu, cũng như chất ngọt có trong nhựa, rất thích hợp cho việc chế tạo sirop. Cô bạn tôi khi vào các cửa hàng đã say mê trước những chai sirop có hình lá phong. Khi đem về Việt Nam, cô kể rằng, ăn hết sirop, còn giữ lại cái bình để cắm hoa, vì quá đẹp!
Cây này còn có đặc điểm là gỗ rất cứng và bền được dùng nhiều trong kỹ nghệ đồ gỗ. 

 

 

Tại sao cây phong lại đổi màu vào mùa thu?

 

Trái với điều ta thường nghĩ, hiện tượng lá cây đổi màu không phải vì thời tiết trở lạnh, mà chính vì sự rút ngắn của ngày. Đêm dài ra và lạnh, trong khi ngày ngắn đi, đã khiến cho cây tạo ra nhiều chất éthylène hơn, là một chất hormone gây ra hiện tượng rụng lá.

Đến mùa thu trong thân cây mọc ra những nút làm cản trở sự vận chuyển chất dinh dưỡng lên đến lá, khiến cho lá cây không tạo ra được diệp lục tố (chất xanh của lá) nữa. Lúc đó, lá chỉ tự nuôi sống bằng chất dinh dưỡng được tồn trữ từ trước. Khi chất tồn trữ hết dần, lá cây không tạo được sắc tố xanh nữa, thì đó là lúc chất diệp hoàng tố (sắc vàng của lá), từ trước vẫn nằm trong lá, nhưng bị sắc tố xanh lấn áp, nay được dịp phô ra.

Trong trường hợp cây phong, hiện tượng này cũng xảy ra và màu sắc của lá phong cũng thay đổi theo địa hình nữa. Lá sẽ đỏ tươi nếu cây ở vùng đất nhiều a-xít, trái lại lá sẽ tím thẫm nếu đất nhiều chất kiềm. Sự tạo sắc này sẽ càng phong phú hơn nếu ban đêm trời mát mẻ, và tiếp theo là ngày nắng tốt. Sắc tố xanh trong lá phong sẽ mất dần dần, nhường chỗ cho sắc tố vàng và đỏ. Điều này giải thích tại sao vào mùa thu, ta thường thấy những cánh rừng phong pha trộn cả ba màu sắc xanh, vàng và đỏ tạo nên những bức tranh thiên nhiên tuyệt sắc, chắc khó bút mực nào vẽ nên được. Thêm vào đó, trong một khu vực, không phải chỉ có một loại cây phong duy nhất, mà có thể là sự pha trộn của nhiều loại cây phong, mỗi loại có một màu sắc riêng biệt vào mùa thu, góp phần vào bức tranh thiên nhiên tuyệt tác.

 

 

Lá phong: biểu tượng của Canada

 

Chả thế mà người dân Canada đã xem chiếc lá phong là một biểu tượng của xứ sở của họ, từ những năm 1860, trong lễ nghi tiếp đón thái tử xứ Galles tại Canada; để rồi cuối cùng chiếc lá phong đã có được một địa vị xứng đáng trên lá cờ Canada, được chính thức công nhận vào ngày 15 tháng 2 năm 1965. Ngày nay, lá cờ mang hình chiếc lá phong đã hãnh diện tung bay trên nền trời Canada và khắp nơi trên thế giới.

 

Mùa thu của đất trời đang đến mang muôn vàn màu sắc của thiên nhiên. Năm nay, có lẽ nhờ "ban đêm mát mẻ, tiếp theo là ngày nắng tốt" nên màu lá cũng thắm đẹp hơn. Những bạn thích chụp hình nếu có thì giờ chắc chắn sẽ thu được vào ống kính những tấm hình đẹp. Bạn đừng bỏ lỡ nhé, thời gian qua đi không dừng lại. 

Hải Phong


Joomla Hosting and Maintenance by Cybersalt

Copyright © 2014-2024. VietVancouver, All rights reserved