Ngày 20 tháng 1…
Thư trước Thúy hỏi Hải Đường chuyện gì nhỉ? À, chuyện Ba của Hải Đường. Bây giờ ông yếu đi nhiều rồi Thúy ơi, hay quên đủ thứ, lại bướng bỉnh nữa, như con nít ấy.
Từ dạo Má mất đi năm ngoái thì ông lại càng trầm lặng hơn. Có khi ngồi cả buổi chiều ngoài hàng hiên, chỗ có giàn hoa tím đó Thúy, không chịu vô nhà. Mấy đứa em kêu vô thì ông nói : "sao Má bây đi chợ gì mà lâu về vậy?". Ông quên là Má đã mất rồi, thế có chán không?
Ngày 15 tháng 2…
Hải Đường ơi, chả bù cho Bố của Thúy. Trời ơi, năm nay ông hơn tám mươi tuổi rồi, mà còn tinh như ma! Không quên một thứ gì cả. Hôm nào mà Thúy phải ngủ lại trên nhà ông bà ngoại để sáng hôm sau đi họp sớm thì khỏi cần để đồng hồ báo thức, cứ dặn Bố là sáng sớm tinh mơ, ông đã gõ cửa phòng gọi mình rồi, không bao giờ sai một phút. Thúy thì lơ tơ mơ đường xá lắm, đi đâu cũng lạc, chỉ cần hỏi Bố thì ông chỉ vanh vách :
- Con đi ra đầu đường quẹo phải, đi bốn cái đèn đỏ quẹo phải nữa, đi sáu cái đèn thì quẹo trái… ôi thôi nói một lèo… đến cái chỗ có trạm xăng thì cái building có mái màu đỏ nằm cách đó hai căn, đó! Là chỗ đó đó!
Lần đó, Thúy đi y chang, đến trạm xăng thì chẳng thấy cái building mái đỏ đâu. Chạy lòng vòng tìm nửa giờ không thấy, cuối cùng ghé trạm xăng hỏi cái building mái đỏ thì họ chỉ sang gần đó, nói : "người ta sửa từ hơn năm nay rồi, bây giờ mái đen". Làm trễ họp đến hơn nửa giờ. Về cự nự Bố thì ông nói :
- "Người ta" không đi con đường đó cả mấy năm nay rồi, làm sao biết họ sửa nhà! Mà đến đó không thấy mái đỏ thì nhìn số nhà biết liền chứ gì?
Ờ há, sao Thúy ngu thật!
Ngày 8 tháng 3…
Ba của Thúy vui quá trời. Hải Đường nhớ lúc nhỏ lại chơi nhà Thúy bị ổng chọc hoài, nhất là Mỹ Linh, đen đẹp đen dòn, mà cứ bị ổng gọi là "Bảy Chà Hynos", bây giờ Linh vẫn còn nhớ đó. Ba của Hải Đường thì không vui như vậy, ổng nghiêm khắc và hách xì xằng, cứ làm như mình còn là ông tướng hay là ông tá gì đó vậy. Cái máu nhà binh của ông mà. Cách đây mấy tuần lúc ông bị trở cơn bệnh, ho xồng xộc như con gà gáy, mấy đứa em phải gọi Hải Đường về, khám cho ông xong, ông nói :
- Chắc tao sắp gặp Má tụi bây rồi, tao có sao thì tụi bây chôn tao kế bên Má tụi bây nha, đừng có đem đốt tao như heo quay vậy, nóng lắm!
Xời ơi! Chết rồi mà còn sợ nóng!
Ngày 1 tháng 4…
Thế Bác đã khỏe lại chưa vậy Hải Đường? Bác có ăn được không? Ai nấu ăn cho Bác?
Ba của Thúy thì đủ thứ bệnh nhưng vẫn thích ăn lắm, có khi còn ăn khỏe hơn mình nữa là đằng khác. Thúy thì lười ăn từ bé, Hải Đường biết mà há? Kể chuyện này tức cười lắm. Hôm vừa rồi ở chợ người ta để nhiều kiosques lắm Hải Đường ơi, để những người muốn hiến máu thì vô ghi danh. Thế là Thúy với Phượng Vỹ, nhỏ em của Thúy đó, Hải Đường nhớ không? hai đứa lòng chợt từ bi bất ngờ, mặt xanh lè vì thấy y tá cứ lụi lia lịa vô tay mấy ông Tây bà Đầm, nhưng cũng hăng hái bước vô ghi danh. Cô y tá lấy tên tuổi đàng hoàng rồi cho làm test, đưa qua cho y tá trưởng coi. Ông này coi xong trợn mắt nhìn hai đứa :
- Hai bà tới đây hiến máu hay xin máu?
Hai đứa gật đầu lia lịa :
- Hiến máu.
Ổng gừ gừ một hồi rồi chỉ tay qua tiệm Mc Donald’s gần sát đó, bảo :
- Hai bà làm ơn qua đó ăn mỗi người một phần double big mac với khoai chiên nữa nghe, rồi nửa giờ sau quay lại đây. Đó là lần đầu tiên trong đời mà Thúy phải trợn mắt trợn mũi xực hết một cái double big mac, cộng thêm một phần khoai chiên và một ly coke, chỉ vì tinh thần công dân!
Về nhà kể, ông ngoại khoái chí quá, cũng đòi bà già cho ông đi hiến máu để được ăn Mc Donald’s! Nhưng ai mà cho ông hiến máu đâu, ông mang đủ thứ bệnh trong người, kể cả bệnh… lười.
Ngày 19 tháng 4…
Từ hồi Má của Hải Đường mất thì căn nhà rộng thênh thang Ba chỉ ở một mình, không chịu ở chung với đứa em nào. Ngày ngày tụi nó thay phiên nhau vô nấu ăn cho ông, vì ông không chịu ăn thức ăn tụi nó đem qua. Phải nấu tại nhà mới ăn! Tại ông sợ tụi nó đem đồ ăn nấu từ bữa trước. Ông nói : "tao không ăn đồ ăn để qua đêm".
Ông chỉ ăn chừng 2 muỗng cơm thôi, và một chút đồ ăn xắt nhỏ ra, còn thì uống sữa và uống rượu. Ba là quân nhân nên ông giữ được đầy đủ những đức tính tốt của quân đội cũng như cái máu khoái nhậu nhẹt của mấy ông nhà binh. Mà nhậu thì phải có rượu, có bia. Cho nên gan của ông đã bị lủng như cái tổ ong! Nhưng bữa nào tụi nó dấu chai rượu đi thì ông chửi nát nước nát cái, rồi tụi nó lại phải đưa ra thôi.
Nhưng tới chiều tối thì ông đuổi tụi nó về hết, không cho đứa nào ở lại. Ông chỉ ở nhà một mình với hai con chó thôi. Coi như vừa có bạn mà vừa coi chừng nhà luôn. Nhưng hôm vừa rồi, con chó cắn một chiếc dép của Ba, làm Ba phải đi một chân dép một chân đất, ông giận lắm, không cho nó ăn hai bữa, nó buồn hay đói không biết đã bỏ nhà đi. Chiều nào ông cũng ra hàng hiên ngồi chờ nó, như đã ngồi chờ Má vậy.
Ngày 4 tháng 5…
Người già nào cũng khó tính Hải Đường há? Bố của Thúy cũng nói không ăn thức ăn để qua đêm. Mà thức ăn bên đây để tủ lạnh chứ có thiu đâu mà vớ vẩn thế? Có lần Thúy luộc bánh chưng cho ông bà ngoại ăn, cả hai người hỏi : "làm hồi nào?" Thúy nói : "con mới làm hôm Tết".
Ông bà ngoại ăn và khen lấy khen để, chờ ăn xong Thúy mới nói : "nhưng là Tết năm ngoái! ". Rồi cũng có đau bụng đau bão gì đâu! Cứ cái bệnh tưởng tượng đó mà.
Nhưng nhiều khi ông ngoại cũng được việc lắm. Đi đâu mua đồ, cứ để ông ngoại ra trả tiền dùm là được rẻ, vì người già được bớt tiền. Tức cười, có lần cả nhà đi chơi chung ghé tiệm ăn hamburger, ông ngoại dành vô trả tiền để được bớt, cô bán hàng trợn mắt kêu :
- Ông trả giá người già chỉ được trả một phần thôi, chứ ông ăn gì tới gần 20 phần hamburger lận? Í dà, lại còn thêm cả chục gói french fries, một khay đầy coke thế kia?
Đúng là tham thì thâm!
Con chó của Ba Hải Đường đã về nhà chưa? Tội nghiệp ông. Đợi chờ…
Ngày 24 tháng 5…
Con chó đã một đi không trở lại. Hải Đường đã mua cho Ba một đôi dép mới, nhưng Ba chỉ đi một chiếc thôi, chân kia vẫn đi chiếc dép cũ. Chiếc còn lại ông cất vô tủ, nói chừng nào chiếc kia hư nốt thì mới đem ra mang. Ôi, điên đầu với ổng Thúy ơi! Ba càng ngày càng ăn ít Thúy ơi, bây giờ ông lại không chịu uống sữa chỉ uống rượu thôi. Lúc nào mặt cũng đỏ như mặt Trời.
Sắp đến ngày giỗ đầu của Má rồi, Hải Đường sẽ lại về thăm ông vào dịp giỗ, và nhân dịp sẽ cho người sửa sang lại mảnh vườn sau. Từ cửa sau bước ra vườn, hai bên lối có lát gạch, lần trước Hải Đường đã trồng nhiều hoa mẫu đơn, không ai chăm sóc thế mà hoa vẫn ra đầy ươm. Xa hơn nữa, gần chỗ hàng rào có mấy cây hoa bìm bịp leo kín cả giàn, lá xanh mềm dịu ẻo lả trong gió, lung linh dưới ánh mặt trời, ở dưới chân hàng rào, Hải Đường trồng hai cây ớt, trái ra đỏ cả cành, lấn cả sang mấy bụi cúc mà Hải Đường trồng năm ngoái.
Nhắc đến cây ớt, Hải Đường vẫn chưa quên chuyện của mấy chục năm về trước, dạo Thúy bỏ trường mà lên Sàigòn học, Hải Đường còn nhớ như in hình ảnh cô bé ngây thơ, tóc buộc thành hai chiếc đuôi gà hai bên, bưng chậu ớt qua nhà tặng Hải Đường và nói : "khi nào ăn ớt thì nhớ tới Thúy". Sao mà hồi đó tụi mình có những cái ngây ngô đến thế. Quà kỷ niệm, trao cho nhau chậu ớt! Thế rồi cây ớt cũng đến ngày tàn, cũng chết, thời gian cũng qua. Chỉ có tình bạn chúng ta là chưa phai nhạt. Gần đây, Hải Đường mới vỡ mộng khi Thúy khai thật : "tại cây ớt Thúy không mang đi được nên phải đem qua tặng Hải Đường thôi". Đúng là bé cái lầm!
Ba có thói quen khi ăn cơm, dù chỉ hai muỗng mỗi bữa, cũng phải để trái ớt cho Ba. Đó là thói quen của những ngày trận mạc băng rừng lội suối, và những ngày tù tội trong rừng sâu núi thẳm không biết ngày về, có trái ớt cũng ngừa sốt, cúm. Có lúc Ba nhớ lại quãng đời chinh chiến, ngồi hàng giờ bên bộ đồ trận, nhưng hỏi Ba thì ông nói quên hết rồi, không biết bộ đồ đó mình mặc hồi nào.
Ngày 10 tháng 6…
Bệnh quên là căn bệnh thời đại mà, Bố của Thúy là một trường hợp ngoại lệ thôi. Mẹ Thúy thì quên hết trơn, thậm chí chuyện gì nói xong năm phút sau lại hỏi nữa. Có lần mới đi dự đám tang của một bà quen, tuần sau gặp con trai người ta ở chợ, Mẹ Thúy lại hỏi : "thế má cháu có khỏe không?". Ông con trai ngớ người ra, trả lời :
- Má cháu mới mất, tuần trước bác có đi đám tang mà.
Bà ngoại gật gù : "À", xong lát nữa lại hỏi :
- Thế má cháu không đi chợ à?
Thúy quê quá, phải nháy mắt ra hiệu cho ông con trai kia, ổng hiểu ý nên nói :
- Dạ có chớ bác. Má cháu đi chợ Trời!
Ờ, lại còn cái vụ thuốc nữa mới trời ơi đất hỡi chớ. Bác sỹ kê toa thuốc, mua về nhà cất trong ngăn kéo. Cho năm thứ thuốc thì chỉ uống một thứ thôi. Hôm vừa rồi, cô em lục ra, trời ạ! Năm kí lô thuốc trong ngăn kéo, không biết đã tích từ năm nào. Hỏi sao không uống thì mới đầu bà cãi bướng :
- Uống gì uống lắm thế? Uống để chết à?
Nhưng gạn hỏi một hồi thì Mẹ thú thật :
- Để dành thuốc, có ai về Việt Nam thì gửi cho thằng Tùng.
- Mỗi người mỗi bệnh, chứ thuốc của Mẹ làm sao anh Tùng uống được. Phải bảo anh đi bác sỹ kê toa cho anh ấy chứ.
Hải Đường ơi, tấm lòng người Mẹ, thì ai cũng vậy thôi.
Ngày 2 tháng 7…
Mấy đứa em Hải Đường cũng biết Ba ưa quên nên có khi cho ăn xong rồi, tụi nó rửa chén dĩa dấu hết vô tủ, lát nữa lại đem chút cơm cho ông ăn nữa. Ổng kêu : "tao chưa ăn sao?" tụi nó chỉ vô bếp : "ăn hồi nào đâu, Ba coi chén dĩa sạch banh hà…". Ông tin nên ăn nữa, nhưng khổ nỗi, ăn thêm được chút cơm thì lại uống thêm một bụng rượu! Hôm rồi ổng say còn hát nữa Thúy ơi. Ổng hát gì mà « một chiều hành quân qua thôn xưa, lúc nắng mai chưa nhạt màu…» tụi em vỗ tay rần rần, Hải Đường thắc mắc :
- Í, Ba hát lộn rồi Ba ơi, gì mà câu trên thì "một chiều" tức là buổi chiều rồi, câu dưới lại "nắng mai" là bậy rồi, lộn tùng phèo rồi.
Ông vui nên kể chuyện hành quân hồi còn trẻ. Cả bọn làm như say sưa nghe, nhưng Hải Đường thì làm sao quên được! Hình ảnh bộ đồ trận của Ba, đôi giày đinh bết bùn đất hành quân những lần Ba về thăm nhà. Hình ảnh đó đã in sâu vào ký ức của Hải Đường từ những ngày thơ dại, lúc mà tuổi đời còn như trăng mới mọc, như hoa mới nở, lòng còn dịu dàng chưa nhuốm bụi trần gian, lúc mà Ba còn là thần tượng của mấy chị em mình. Còn Ba bây giờ…
Ngày 15 tháng 7…
Mẹ của Thúy còn khó cho ăn hơn con nít nữa kìa. Các em làm đồ ăn đem qua cho ăn, thì ẹo qua ẹo lại, kêu nhiều quá, ăn không hết, phải dỗ dành như dỗ em bé. Nhưng lúc ngồi vô ăn rồi thì ăn sạch bách. Có hôm lại đòi thêm.
Ah! Mà lạ nhé, bà ngoại tùy mặt mà bắt nạt. Những cuối tuần Thúy về nhà thăm Bố Mẹ, sáng hôm sau, làm thức ăn sáng ra gọi bà ngoại vô ăn, ngồi vô bàn đàng hoàng rồi, Thúy mới an tâm vào tắm rửa, trang điểm để sửa soạn đi về. Thế mà lúc ra thấy đĩa thức ăn còn y nguyên, hỏi thì Mẹ bảo "từ từ". Thúy phải gắt lên :
- Trời ạ. Con vô buồng tắm chắc phải cả hơn nửa tiếng rồi, còn "từ từ" là tới chừng nào? Mẹ có ăn đi không cho con còn về đi làm chứ?
Nghe nói thế thì mới quýnh lên ăn, còn hỏi :
- Ủa, bữa nay con phải đi làm à?
(Thúy nhả vờ nói thế chứ chủ nhật mà đi làm gì).
Trong mấy đứa cháu thì bà ngoại chỉ sợ nhất là em Minh. Mỗi lần em đem cơm sang cho bà ngoại thì nó khôn lắm, biết tẩy bà ngoại rồi nên khi bà nói :
- Ờ, con để đó lát bà ăn.
Thì nó nói liền :
- Con chờ bà ngoại ăn xong con mới về. Bà không ăn, con trễ giờ đi học bà ráng chịu.
Thế là bà ngoại sợ nó lắm, mau mau vô ăn hết không ẹo qua ẹo lại nữa. Từ trẻ bà ngoại cũng đã như thế mà. Cứ đứa nào dọa trễ giờ học là bà ngoại sợ, không sai làm chuyện gì cả.
Ngày 1 tháng 8…
Ba của Hải Đường thì không sợ ai cả, mà ai cũng phải sợ ông. Hôm vừa rồi ông đòi ăn bún bò, cô em nấu mang vô cũng không chịu ăn, đòi nó vô nhà nấu tại nhà. Mà khổ nỗi, ông ăn được bao nhiêu, nấu nồi bún bò ra, ăn chừng hai muỗng, buổi chiều tụi nó lại phải bưng nồi bún về nhà. Đi xe gắn máy, để nồi bún đàng sau, phải khoèo tay ra sau giữ, nhẩy qua ổ gà, nồi bún đổ ùm xuống đất.
Nghe tụi nó kể mà Hải Đường nhớ Thúy ghê gớm luôn. Nhớ hồi nhỏ Thúy trổ tài làm bánh sinh nhật cho nhỏ Thanh không? Hải Đường chở Thúy ngồi sau để cái bánh sinh nhật trên đùi, cũng đi qua ổ gà, cái bánh công phu làm cả ngày rơi tòm xuống đất. Thúy tiếc công làm bánh lại không muốn nhỏ Thanh nói là tụi mình nói xạo đặt chuyện nên bắt Hải Đường chạy lại chở nhỏ Thanh tới nhìn tận nơi. Lúc chở nhỏ Thanh tới, Thúy vẫn đứng giữa đường, giang tay ra chặn cho xe đừng cán lên cái bánh, làm nhỏ Thanh tiếc hùi hụi cái bánh đẹp quá chừng. Bây giờ, mà Thúy đứng giữa đường kiểu đó thì xe nó cán cho dẹp lép như con tép rồi. Tuổi thơ của tụi mình thật là nghèo khổ. Bây giờ có phương tiện để mua cho bạn cả trăm cái bánh sinh nhật cũng được, thì bạn cũng không còn ở cạnh mình. Tất cả chỉ còn là kỷ niệm.
À, nói gì mà lại nhẩy qua cái bánh sinh nhật làm ướt mắt Hải Đường vậy nè? Ừa, đang nói chuyện Ba của Hải Đường, ổng còn điếc nữa Thúy ơi, nói gì thì cả chục câu ông cũng chưa nghe ra, chỉ nhìn miệng mình mà đoán, có khi hỏi cái này thì ông trả lời cái nọ. Thí dụ bữa nọ Hải Đường hỏi "Ba muốn ăn cơm hay ăn phở?" thì ông nói :
- Tao để dành cái cây mận sau nhà cho dượng Sáu.
Mà dượng Sáu thì đã đi đời từ đời tám ngoánh nào rồi. Hỏi "tối qua Ba ngủ được không" thì ông trả lời :
- Nó đâu có dìa đâu nè, tối nào tao cũng ngồi canh ngoài cửa.
- Nó nào vậy Ba?
Ông cứ gầm gừ trong miệng:
- Nó đi rồi, không về, không về.
Hải Đường hỏi cho có chuyện vậy thôi, chứ thừa biết là ông đang nhớ con chó đã cắn chiếc dép của ông rồi bỏ nhà ra đi. Tuổi già, có ai làm bạn đâu mà không nhớ?
Ngày 15 tháng 8…
Bố của Thúy cũng điếc còn tệ nữa cơ, nhưng điếc tùy chuyện. Điếc khôn! Hễ bà ngoại sai làm gì thì ông giả điếc không nghe, đi thẳng vô phòng ngồi coi tivi. Nhưng nếu chỉ cần tụi này xầm xì với nhau bàn chuyện cuối tuần đi đâu chơi thì ông chẳng điếc tí nào, nhảy nhổm lên ngay:
- Thế à? Cuối tuần này đi đâu?
Có hôm, tụi nó chọc ông, trả lời:
- Đi đâu kệ tụi con, mắc mớ gì đến Bố.
Hải Đường ơi, nói lan man Thúy mới nhớ ra chuyện này, kể cho Hải Đường nghe nha. Chuyện là vầy:
“Bữa nọ, Thúy đi họp có rủ Phượng Vỹ đi cùng. Thúy lái xe trên xa lộ thấy có một chuyện lạ phía trước, nên chỉ cho Phượng Vỹ:
- Nè, Phượng coi tức cười chưa, nãy giờ mấy chiếc xe rồi, hễ cứ xe nào chạy tới cái cột bên đường kia kìa, đó, cái cột màu đỏ đó, thì chiếc xe không chạy thẳng, mà lại ẹo qua bên trái.
Vừa nói tới đó thì một chiếc xe khác cũng vừa đi ngang chỗ có cái cột đỏ bên đường, và thay vì “ẹo” sang bên trái thì chiếc xe lại ẹo qua bên tay phải, phía Phượng ngồi. Cô nàng la lên:
- Đúng, chiếc kia vừa ẹo qua bên tay mặt kìa.
Rồi thò đầu ra ngoài cửa xe nhìn dáo dác nói:
- Chiếc cột đâu có ghi chữ gì bảo mình phải “ẹo” đâu cà? Cà chớn!
Liên tiếp mấy xe nữa cũng vậy. Hai đứa ngồi trong xe cười hích hích, nói tụi Tây này diễu quá, cà chớn.
Và… đến lúc xe của Thúy vừa trờ tới gần chiếc cột đỏ bên đường đó, thì hóa ra không phải vì chiếc cột màu đỏ ấy bắt mình phải ẹo, mà là dưới đường có một chiếc bánh xe khổng lồ, chắc là của một chiếc xe cam nhông nào đó rớt xuống mà cảnh sát công lộ chưa kịp đến hốt đi. Thúy chới với Hải Đường ơi, và phản xạ tự nhiên để không đâm vào chiếc bánh xe đó, là Thúy bẻ tay lái thật nhanh, và cũng…ẹo qua bên lề phải để tránh nó…Hú vía.”
Hải Đường ạ, câu chuyện này làm Thúy chợt thức tỉnh. Bây lâu nay tụi mình kể xấu Ba Má mình quá xá trời, cũng chỉ vì mình chưa đến giai đoạn đó thôi. Biết đâu vài chục năm sau, mình cũng sẽ “ẹo” như các cụ, có lẽ khi ấy, các con mình cũng lại biên thư qua biên thư lại, thư rằng….
Hải Phong