THƯ TÂM TÌNH

GỬI NHỮNG NGƯỜI BẠN CÙNG KHÓA

TRƯỜNG QUỐC GIA KỸ SƯ CÔNG NGHỆ.

 

Lời nói đầu: Đây chỉ là bài viết cho vui theo thường lệ. Những bạn có tên trong lá thư này xin đừng để tâm nhé. Chúng ta mong luôn sống vui, mạnh và với tấm lòng nhân ái, khoáng đạt như thuở còn cắp sách đến trường.

     

     Tôi xin nhắc lại vài kỷ niệm với các bạn tại trường Quốc Gia Kỹ Sư Công Nghệ mà tôi còn nhớ được. Trường chúng ta không còn ở bên ta nữa, nhưng những kỷ niệm, những tình cảm thân thương dành cho trường và cho nhau, đã từ bao năm nay, dường như không thể phai mờ trong trái tim của mỗi chúng ta. Nhắc lại những kỷ niệm đó, không phải để nuối tiếc những gì đã qua hay đã mất, mà chính là để nuôi dưỡng những cái cần đượccần phải giữ gìn trân trọng.

     Tôi xin bắt đầu với những kỷ niệm ấy nhé.

 

    Làm báo trường

      Sau bao năm xa cách, tôi lại được đọc mấy dòng thư của anh M.X. Thành viết cho tôi và nhắc về vài kỷ niệm tại trường, thật cảm động và vui làm sao. Tôi với anh Thành quả thật không xa lạ gì nhau vì trong thời gian “luyện kiếm” ở trường Công Nghệ. Ngoài việc học, chúng tôi còn cùng chia sẻ với nhau trong công việc báo chí cho sinh viên trường với tư cách tự biên tự diễn vào những năm 1966-1967, những năm có quá nhiều biến động chính trị trong nước. Anh Thành thì năng động lắm lại tha thiết với “nghề” làm báo nên anh thường quên cả ăn trưa để chăm lo cho tờ báo ấy. Nếu nói chỉ có anh Thành và tôi làm tờ báo thì không đúng mà đó là sự đóng góp vun trồng của toàn thể anh em lúc đó. Cũng vì sự quý trọng nhau nên anh Thành và tôi cứ nhường nhau chữ Trưởng ban báo chí, để cuối cùng khi tờ báo được “in” ra, hàng Trưởng ban báo chí trong danh sách Ban đại diện vẫn còn để trống, không ai chịu đứng tên cả.

      Nhắc đến kỷ niệm làm báo, cái khó khăn lúc đó là vấn đề tài chính. Lấy đâu ra tiền để ra báo dù chỉ là in “Roneo”. Bài vở đóng góp thì nhiều mà tiền thì ít nên việc lựa chọn bài, ngoài cái hay của bài còn phải lưu tâm đến chiều dài của bài viết nữa, cần phải “nắn túi” xem chịu đựng nổi nó hay không. Tôi nhớ có một năm phải lo cho tờ báo Tết thì phải, tờ báo mang tên “XANH” với tờ bìa là hình ảnh con bồ câu trắng tượng trưng cho hòa bình. Chúng ta không có có tiền nên đành phải “gà què ăn quẩn cối xay”, tôi vác “bị gậy” gõ cửa các vị giáo sư nhà để ăn xin. Giáo sư đầu tiên tôi gõ cửa là thầy Giám Đốc Bùi Tiến Rũng, thầy vui vẻ ủng hộ 100 đồng. Tôi lần lượt vác “gậy” đi gõ cửa các thầy khác và tôi không còn nhớ rõ thầy nào ủng hộ và ủng hộ bao nhiêu. Cũng may, thu vén, thêm thắt số tiền ủng hộ của các thầy vào, chúng ta cũng đủ sức để lo toan cho tờ báo ấy.

 

    Chuyện học tập

      Thấy anh Thành nhắc tới vài kỷ niệm trong trong Xưởng Cơ Khí của trường, tôi xin đóng góp thêm vài kỷ niệm của mình nơi cái xưởng ấy.

      Thú thật khi đi học, tôi thuộc loại “văn thì dốt mà vũ thì nhát (nhát gan)”. Học dũa thì không dám dũa vì sợ nó “bom-bê” nên cứ kiên nhẫn đứng mài cục sắt trên cây dũa “ba tạt” (dũa thô). Mài toát mồ hôi mà khi đo ra chẳng thấy kích thước nó suy xuyển chút nào. Tôi phải nhờ tới thằng bạn học cùng lớp thuộc loại “nhà nghề” như Nguyễn Hoàng Thu ra tay cứu giúp.

     Ở Xưởng Rèn, tôi còn nhớ rõ lắm, có cái “búa máy” thật to hiệu “Titan”. Cái búa ấy to lớn kềnh càng làm tôi run sợ mỗi khi phải sử dụng nó.  Có một lần, trong phần thực tập, tôi phải làm cái “kìm rèn”. Phần đầu và phần thân kìm, tôi ì ạch rèn bằng búa tay mãi cũng xong, còn cái đuôi kìm thì phải dùng tới cái búa máy mới đủ sức kéo dài cái đuôi nó ra được. Nhìn cái búa máy khổng lồ ấy, tôi ngại làm sao. Trông mấy thằng bạn sử dụng nó, tôi thấy dễ quá mà. Cứ nung thỏi sắt nóng đỏ lên cho mềm, đặt nó lên mặt đe, lấy chân nhấn lên bàn đạp của máy xuống mạnh hay nhẹ tùy theo mình muốn búa đập xuống đe mạnh hay nhẹ. Trong khi chân nhấn xuống bàn đạp, để hòa nhịp với chân, hai tay dùng kìm lăn tròn đều thỏi sắt để búa đập xuống phần đã được nung đỏ. Và như thế, chỉ một loáng (một thoáng) thôi, cái đuôi kìm sẽ được thành hình. Trông chúng làm thì thấy dễ ợt mà sao tôi vẫn sợ. Năm lần bẩy lượt tôi cứ nung thỏi sắt cho đỏ, hăm hở chạy tới cái búa máy (phải chạy vội vì sợ cục sắt nguội), đứng ngập ngừng suy nghĩ, chờ đợi cái giờ phút quyết định trọng đại là đặt thỏi sắt đó lên mặt đe và nhấn bàn đạp cho búa đập xuống. Tôi thuộc loại Quách Tĩnh trong truyện Anh Hùng Xạ Điêu của Kim Dung, nghĩa là đầu óc chậm chạp ngập ngừng nên chưa quyết định xong thì thỏi sắt đã nguội mất rồi. Tôi lại hăm hở trở lại lò nung đỏ thỏi sắt trở lại. Cứ như thế và như thế, tôi rất bận bịu, tất bật trên con đường từ lò tới búa máy rồi lại từ búa máy tới lò. Thầy phụ tá ở Xưởng Rèn như hiểu được tâm can của thằng học trò nhát gan này. Thầy thương hại khi đứng nhìn thấy tôi cứ chăm chỉ và hăm hở chạy tới chạy lui. Thầy bèn ra tay nghĩa hiệp “nắn” dùm tôi cái đuôi kìm tròn trịa, xinh xinh bằng cái búa máy ấy. Thực ra thì thầy cũng hơi ác với tôi một tý. Tiện tay, còn một tý nữa thì xong, thầy lại bỏ lửng đưa tôi làm tiếp cái phần cỏn con còn lại. Tôi cũng để đuôi kìm lên đe, chân đạp xuống bàn đạp của búa. Búa đập xuống “chát chát” mấy tiếng inh tai. Tôi nhận ra ngay, hỡi ôi, cái đuôi kìm tròn trịa, xinh xắn trước đây nay đã trở thành dẹp lép. Tôi hốt hoảng rút vội đuôi kìm ra ngay khỏi mặt đe. Tiếng búa vẫn đập xuống đe dữ dội. Âm thanh của búa nay không còn “chát chát” nữa mà là những tiếng “choang choang” đổ vỡ. Ông thầy chỉ còn biết hét lên trong hốt hoảng “Buông chân ra! Buông chân ra! ...” Tôi vội vàng rút chân ra khỏi bàn đạp. Chiếc búa ngập ngừng lên xuống rồi ngưng. Không gian lúc đó trở nên yên lặng nặng nề, yên lặng một cách não nề, ngơ ngác. Ngơ ngác như tôi đang nhìn tiếc rẻ cái đuôi kìm đã trở nên dẹp lép cong queo, bỏ thì thương mà vương thì tội. Tôi chỉ còn biết đứng nhìn nét mặt chán chường thất vọng đến thảm não của ông thầy cùng với những nét mặt đáng ghét của những thằng bạn cùng lớp đang đứng bịt miệng cười, có thằng cười hô hố. Và cũng từ ngày ấy, cái ngày ngôi sao “búa tạ” chiếu đúng đỉnh đầu, tôi giã từ cái búa máy như giã từ vũ khí (tên phim) vậy.

      Nay tôi xin nói về cái Xưởng Ô Tô. Sinh viên gọi nó là xưởng cho xôm tụ, cho oai, chứ thật ra “xưởng” ấy chỉ có mấy cái “đầu máy” ô tô cũ rích để chưng, chỉ để chưng thôi. Một cái máy ô tô duy nhất loại “bốn xi lanh, bốn thì” tý hon, chỉ bé bằng thân người tôi lúc ấy, và cũ mèm để sinh viên thực tập tháo ráp, tháo ráp thả cửa, tháo ráp vô tội vạ, tháo ráp không hề thương tiếc. Và tất nhiên là thầy Porteil (trưởng Xưởng Ô Tô) không cần phải lưu tâm tới việc sinh viên “đánh vật” với cái máy này mà sợ họ làm hư hỏng. Cái máy không thể hư thêm hoặc cũ thêm được nữa vì nó là máy phế thải. Sinh viên chia nhau ra mà “đánh vật” với máy, cứ hai người một lượt cho được công bằng. Tôi còn nhớ rõ, toán tôi gồm tôi và N.V. Bé, tên hắn là Bé nhưng thân xác lại to, sức lực lại dồi dào nên tôi cho hắn làm thợ chính, tôi làm thợ phụ, thứ thợ phụ chỉ để sai vặt mà thôi. Hắn bảo tôi xiết ốc là tôi xiết ốc, bảo mở ốc là tôi mở ốc. Nhiệm vụ quan trọng của tôi chỉ có thế, không thêm cũng không bớt. Sau mấy tiếng đồng hồ, hai kỹ sư tương lai “đánh vật” với cái máy, tháo hết các cơ phận ra rồi lại ráp chúng vào. Hai thằng hì hục thế nào mà khi ráp xong cái máy “tý hon” ấy lại như cũ thì còn dư đúng một lon đầy vừa cả ốc lẫn bù loong. Tôi và Bé nhìn nhau như đồng ý dấu lon “của nợ” ấy vào gầm tủ. Thầy Porteil trông thấy cười :“Kỹ sư giỏi là biết làm kinh tế giỏi, sau khi ráp máy xong tiết kiệm được một lon vừa ốc lẫn bù loong”. Cái cười của thầy thật nhân hòa nhưng cũng đủ làm hai thằng chúng tôi đỏ mặt. Hai thằng tôi còn nhớ mãi câu nói này cho tới bây giờ. Thỉnh thoảng gặp lại nhau ở San Jose vào những dịp tất niên thường vẫn nhắc lại để cười. Ai bảo Tây không biết nói “móc lò”.

      Nay, tôi lại xin nhắc về Xưởng Đúc. Thầy Granotier dạy môn “Đúc kim loại” và cũng là trưởng Xưởng Đúc. Cái xưởng này đúng là nơi lý tưởng để đào tạo “xếp cu-ly”. Nhiều người hay nói đùa dân kỹ sư mình một cách rất thân thương như thế. Mỗi khi phải vào Xưởng Đúc thực tập thì người cứ “lấm như than” (không phải lấm như bùn). Anh nào anh nấy, đen thủi đen thui vì bụi than, khăn tay bịt mặt như chàng Zoro (phim ảnh cùng tên) đi bắt quân gian, bận rộn cuốc cuốc, xúc xúc đống than “hất” vào lò đốt. Thầy Granotier chỉ dễ tính khi chơi, chẳng hề dễ tính khi học bao giờ. Tôi nhớ có một lần, trong giờ thực tập, ông chợt hỏi tôi bằng tiếng Việt :“Mấy cái?” Nay tôi cũng chẳng nhớ ông hỏi là mấy cái gì, chỉ nhớ là phải tính toán cái gì gì đó, kết quả sẽ là bao nhiêu cái. Tôi giật mình lập lại nguyên văn câu hỏi của ông :“Mấy cái”. Ông cau mày hỏi lại :“Tôi hỏi anh, anh tính ra mấy cái?”. Tôi nhìn ông, mặt đỏ gay ấp úng không trả lời được. Thầy Granotier không hỏi nữa và bỏ đi. Tôi biết thầy không muốn làm mặt tôi phải đỏ thêm vì ngượng, ngượng vì tính mãi không ra được mấy cái. Tôi không thể nhớ nổi mấy cái của nợ ấy là mấy cái gì, tôi chỉ nhớ được hai tiếng “mấy cái” tiếng Việt ngắn ngủi mà lại thân thương đó. Nghe đâu vợ thầy là người Việt.

      Khi nói tới Xưởng Đúc, tôi không thể không liên tưởng tới thầy Thoại và thầy Phục (thầy Phục là phụ tá thầy Granotier trong Xưởng Mộc làm khuôn đúc). Thầy Thoại dáng người nhỏ nhắn dễ thương, dạy môn “Luyện kim” có liên quan mật thiết với Xưởng Đúc. Thầy Thoại tốt nghiệp bên Đức về, phụ tá thầy Granotier. Mỗi khi thầy Thoại “lên lớp”, thầy ôm theo một chồng sách cao ngất ngưởng để trên bàn. Khi giảng bài, tay phải thầy viết lên bảng thì tay trái thầy lại xóa đi ngay. Lúc nào bảng cũng sạch sẽ, sinh viên vô phương chép lại cho đủ câu. Tay viết, tay xóa là cái tật của thầy, tính thì có thể sửa, tật thì chịu dù là sinh viên cố sửa cho thầy. Về sau sinh viên nghĩ ra “chước quỷ mưu thần”, chia nhau mỗi đứa viết vài chữ rồi ráp chúng lại với nhau để học. Bài học lúc đó toàn bằng tiếng Tây, thật khổ cho thằng tôi. Có những ông thầy Tây mới từ Pháp qua dạy, chưa quen “thổ ngơi”, cứ thao thao bất tuyệt, sinh viên chỉ còn biết há hốc mồm ngồi chiêm ngưỡng cái cảnh thầy giảng thầy nghe, không lấy “note” nổi.

      Ngoài những xưởng kể trên, còn có những phân xưởng khác như phân xưởng Máy Dụng Cụ ngổn ngang những máy tiện, máy phay, máy bào; phân xưởng Gò Hàn. Đặc biệt có Phòng Thí Ngiệm về “sức chịu vật liệu” đứng độc lập do thầy Martin trụ trì. Thầy Martin dạy môn Sức Chịu Vật Liệu (Resistance De Materiaux) và Kỹ Nghệ Họa.

      Nói đến thầy Martin, tôi nhớ tới tác phong chững chạc của ông, một người tốt nghiệp tại một trong những trường nổi tiếng bậc nhất nước Pháp (Art et Metiers),  và cũng là ông thầy có hình ảnh “thực dân” nhất trong số những ông thầy Tây mà tôi được học. Thực dân nhất nhưng cũng thương sinh viên nhất. Thầy không quản công sức giải đáp mọi thắc mắc của chúng ta và thầy cũng biết cười tủm tỉm với những câu hỏi xem chừng ra ngớ ngẩn. Mỗi khi thầy gọi sinh viên lên “hỏi bài”, ai không trả lời được thì ông cứ tự bứt đầu, bứt tai mình, dậm chân rồi đuổi “nạn nhân” về chỗ. Có một lần, đến phiên tôi “bị” thầy gọi lên bảng, thò chân vào dép “săng-đan” thì dép đã bị “thằng” nào chơi nghịch đá đi đâu mất rồi vì khi ngồi học tôi thường hay tháo nó ra khỏi chân cho mát chân. Tôi vội giật ngay đôi dép của thằng ngồi bên cạnh là Nguyễn Bỉnh Cương chạy phóng lên.  May quá, hôm đó tôi trả lời được những câu hỏi hóc búa của thầy. Trước khi thầy cho điểm vào sổ, thầy khẽ ngửng đầu lên nhìn tôi mỉm cười, cái mỉm cười hiếm hoi ấy làm tôi nhớ tới bây giờ. Thoát. Tôi nhớ thầy Martin dùng cuốn sách “Resistance De Materiaux” của Chillon, tôi phải “order”  từ bên Pháp, đợi đến nửa năm sách mới về nên chỉ đủ kịp dùng cho nửa năm học còn lại. Bộ sách “Element De Constructions” gồm 10 cuốn, thời gian tôi đặt mua cũng phải mất nửa năm, nhưng được cái bộ sách này dùng được cho đến khi ra trường, khi ra trường vẫn còn dùng nó được để tham khảo khi cần. Sinh viên Việt Nam ta lúc đó khổ thế đấy. Sách toán hay vật lý của Pháp ở bậc Trung học thì học sinh ta có thể mua dễ dàng ngay tại nhà sách Khai Trí nằm trên đường Lê Lợi, không khó khăn gì. Tôi nhớ cuốn sách giải toán “Journal De Mathematique” gồm những bài giải các đề thi tuyển của các trường lớn bên Pháp, rất hay.

      Những câu chuyện ở Xưởng Cơ Khí thì nhiều lắm lắm, mỗi phân xưởng tôi đều có những kỷ niệm cần được kể ra. Và nói đến Xưởng Cơ Khí mà không nhắc tới những buổi Lễ nhập môn hay những buổi Dạ vũ tất niên hàng năm nổi tiếng thì thật là một thiếu sót vô cùng, nhưng tôi xin để dành khi khác.

     

   

Chuyện thể thao

      Thôi, tôi tạm rời cái Xưởng Cơ Khí độc đáo, thân yêu duy nhất của Trường để ra sân bóng truyền cho dãn gân dãn cốt. Tôi xin kể một vài kỷ niệm ở cái sân bóng truyền này.

      Ngoài cái bản chất “văn thì dốt vũ thì nhát” ra, thể lực của tôi hồi đó thuộc loại “ho hen gày còm”, “liễu yếu đào tơ (?!)” một thứ liễu ăn thì nhiều mà chẳng béo (mập) lên được bao nhiêu, có lẽ giun sán ăn cả. Tôi ra sân với cái thân khẳng khiu, Vì khẳng khiu nên tôi không bao giờ dám cởi áo hay quần dài khi ra sân vì sợ các cô, những bông hoa thướt tha biết nói hiếm hoi bên trường Kỹ Sư Hóa Học gần đó chiêm ngưỡng. Tôi cứ đóng nguyên bộ, vẫn giầy, vẫn áo trong quần và vẫn thắt lưng da chỉnh tề. Vì khẳng khiu nên bọn cùng “team” chỉ cho tôi đứng sát lưới và chỉ được đánh banh khi chúng gọi tới tên. Tôi chỉ còn biết đứng sát lưới nhìn trái banh qua lại. Chúng nâng, chúng truyền, chúng đập không hề có tôi được dự phần vào và chỉ cho tôi dự phần vào những trái thuộc “trái hư, trái thối” mà chúng đánh hỏng hay không thể đỡ nổi. Hễ trận nào thua là chúng đem tôi ra làm thịt, đổ thừa. Toán thua phải đãi toán thắng một chầu Hải Ký Mì Gia trong Chợ Lớn. Tiền tôi kiếm được của những ngày “kèm học tư gia” cho con nhà giàu đều thay phiên “cúng” cho chúng cả. Còn một tay ra sân cũng “cậu” như tôi là Nguyễn Bỉnh Cương (vừa sau khi ra trường, Cương có học bổng của chính phủ Pháp cho theo học tiếp ở bậc Tiến sĩ cùng với Châu Tùng Thiện và Nguyễn Xuân Thanh. Thiện mới mất năm 2020 tại Paris). Người to mồm hay “nạt nộ” anh em nhất trong “team” vẫn là “người ruồi reo máu lửa” (tên phim) Nguyễn Hoàng Thu (nay sống ở Úc). Hoàng Duy Bình (nay sống ở Pháp) thì đánh banh cứ như múa, khều khều như sợ trái banh đau hay sợ bẩn tay vậy. Hắn xà ẹo xà ẹo, uốn éo mỗi khi đánh banh, nhưng nhờ hắn cao nên “đập” banh rất hay và “cản” banh rất nghề. Hoàng Thanh (nay sống tại Mỹ) thì lâu lâu mới ra sân, luôn đứng cuối sân để “cầy” banh lên. Những hôm trời mưa, banh ướt sũng, vừa trơn vừa nặng, lúc đó Hoàng Thanh trở thành tay “cầy” số một. Tất nhiên, những hôm trời mưa như thế thì tôi thất nghiệp, chỉ được ngồi ngoài vỗ tay cổ võ, nhưng nếu “team” phe ta thua thì vẫn cứ phải góp phần cùng “chung tiền” cho phe thắng đi ăn. Nhớ đến “chúng”, những người bạn cùng lớp (vỏn vẹn 25 người) hay bạn đồng môn, là tôi như đang nhớ đến những ngày vui trong đời.

      Nhiều chuyện để kể lắm, như chuyện ăn chơi, nhảy đầm và những chuyện trên Giảng đường cũng xin được hẹn kỳ sau, tôi xin được tạm ngừng kể lể ở đây.

     

    Kết luận

      Bốn năm học ở trường QGKSCN là bốn năm xương máu của tôi, bốn năm để lại cho tôi biết bao vui buồn hỗn độn, thất thường. Đúng như anh Thành nói, khi còn trẻ ta sống với tương lai, lúc về già sống với quá khứ. Nay về hưu, ngồi nghĩ lại, tôi mới nhận ra rằng những kỷ niệm xa xưa ấy lại thường chính là một trong những nguồn hạnh phúc của tôi lúc này, lúc ở cái tuổi “chưa già nhưng không còn trẻ nữa”, hay nói cách khác ở cái tuổi “chớm già” hay “bát thập cổ lai hy”. Cười.

 

Nguyễn Giụ Hùng

 

  

  

 


Joomla Hosting and Maintenance by Cybersalt

Copyright © 2014-2024. VietVancouver, All rights reserved

  • Số Lượt Truy Cập 1753620