Tiễn Bạn

Nguyễn Quang

Sáng hôm nay Thứ Hai, sửa soạn đi đám tang người bạn học đột ngột ra đi mấy tuần trước. Anh đang tính chuyện qua Canada tháng Sáu nầy, có thêm người bạn học cũ từ Việt Nam cũng sang rồi cùng xuống New York gặp nhau. Nay thì những hẹn hò từ nay khép lại, với biết bao dự tính, mong ước dang dở…nhưng tin rằng một người tốt đẹp như Anh thì chắc thân đang nhẹ nhàng như mây đâu đó. Tuổi anh đã cổ lai hy.

Có người bạn khác làm cho tờ báo Việt Nam ở đây, sáng nào cũng đọc cáo phó với phân ưu nên nhận ra mỗi ngày còn hơi thở là một bonus, lúc đó mới năm mươi.

Lần cuối gặp nhau tháng trước có hứa sẽ dàn xếp qua New York gặp rồi đưa anh đi chơi vài ngày cho biết New York City. Không phải chỉ để chụp vài tấm hình có tượng Nữ Thần Tự Do sau lưng hay ghé chợ Tàu ăn tô mì.…mà hy vọng anh sẽ thấy hơn tại sao nhiều báo chí phong cho thành phố nầy là best of the best và cư dân ở đây hãnh diện mình là New Yorkers.

Không phải ai cũng muốn thấy, chịu đựng được hệ thống subway cũ kỹ, dơ bẩn, hôi hám… phố xá đầy bao rác bên lề chưa mang đi, nước tiểu của chó tràn lan chưa rửa dọn, đường phố vội vã đầy người đủ mọi sắc dân, nói mọi thứ tiếng. Nhà cửa, vật giá đắt đỏ: một ổ bánh mì baguette năm đồng, ly cà-phê hay matcha latte sáu đồng, con vịt quay sáu bảy chục. Tax tip mọi thứ, mọi nơi. Nhưng cũng như khi gặp ai lần đầu trong buổi sơ giao, làm sao thích được một người luộm thuộm, tóc không chải, áo quần không gọn gàng, nói năng tuỳ tiện…Rồi, với thời gian, quen lâu hơn, thấy cách sống của họ, chuyện trò, trao đổi, học hỏi từ họ mới thấy ra cái duyên dáng, sống động, mặn mà... mà những người khác không thể có.

New York rất đẹp, rất hay, một thành phố vô cùng sinh động với không biết bao nhiêu điều đặc sắc thú vị, thiên hình vạn trạng. Central Park. Metropolitan Museum coi cả ngày chưa hết một góc. Âm nhạc, nhảy múa, tranh ảnh bên đường. Bên cạnh sự xô bồ là những con đường, ghế đá, công viên, bụi cỏ dọc theo sông hay dưới chân cầu vô cùng thơ mộng, êm đềm. Những hàng cây xanh thẩp đan nhau mượt mà che phủ lối đi … Mắc mỏ thật đó nhưng có thể tìm tòi để lựa chọn.

Dễ gì đi ăn một bữa trăm đô ở đây - phải làm reservation, chờ đợi, đến đúng giờ - sẽ vui hơn mua một hộp cơm mười đồng từ một trong hàng ngàn xe bán thức ăn Halal hay Ấn-Độ khắp nơi trong thành phố, thêm chai nước, rồi mang ra bờ sông ngồi xem mặt trời xuống phía bên kia? Trả trăm đô cho Uber hay chuyến taxi ra phi trường có nhanh hơn và không lo trễ vì kẹt xe bằng cách kéo vali ra góc đường, xuống subway, trả 3 đồng đi đến một trạm ga gần phi trường rồi thêm gần 9 đồng AirTrain tới tận cổng máy bay.

Rồi dự định sẽ đưa người bạn và các bạn khác đến coi 911 Memorial. Đứng trước hai cái giếng nước khổng lồ ngày trước là nền của hai toà nhà nơi có mấy ngàn người chết mà không có cái cảm giác ghê rợn, chỉ ngậm ngùi thương cảm. Trên các bức tường granite đen thấp bao quanh bởi những hàng cây phong xanh mát khắc tên nạn nhân, đó đây cắm một bông hồng trắng. Không thấy có biểu ngữ, hình ảnh, vật dụng nào quanh đây nhắc nhở việc nầy là tội ác của ai và phải báo thù bằng cách nào. Toà nhà bên cạnh trưng bày hình ảnh những người lính cứu hoả đang tìm cách xông vào những căn phòng đang cháy, sụp đổ để kéo ra người còn mắc kẹt. Họ cứu được rất nhiều người khác nhưng chính họ không bao giờ trở ra…Sức mạnh thật sự không nằm ở chỗ nuôi dưỡng, khêu dậy hận thù mà là khả năng vượt qua khó khăn tai biến cùng nhau.

***

Mở tủ tìm chiếc áo trắng. Chiếc áo trắng mặc đi một đám tang mấy tuần trước bỏ giặt đi lấy về còn trong bao nylon treo cạnh cả chục cái áo trắng khác. Cái cổ nhọn, cái cổ hơi tròn, cái có nút cài ở cổ, có cái không. Đàng sau là một hàng áo xanh đậm, xanh nhạt, áo sọc, áo ca-rô…Mình còn cần bao nhiêu cái áo trắng? Bao giờ mới xỏ tay lại vào những cái áo màu kia? Rồi cà-vạt với com-lê? Nếu đã “hiểu” ra được less is more để từng bước buông bỏ những thứ cầm buộc đời mình: chỉ cần 2 cái áo trắng, hai bộ com-lê, vài ba cái cà-vạt khác nhau cho đám cưới với đám ma…thì tại sao còn quá nhiều áo quần treo ở đây đóng bụi, choán chỗ mà chưa đem ra working wardrobes nơi có nhiều người cần đang chờ đợi.

Tại sao nhiều cuốn sách dù trân quí cũng sẽ không bao giờ đọc lại còn nằm bám bụi trên tủ, chưa chạy ra Viện Việt Học hay thư viện gần nhà? Tại sao chưa dứt khoát buông bỏ mà phí thời giờ tìm kiếm, sắp đặt, giữ gìn những thứ dư thừa không mang lại giá trị gì cho đời mình?

***

Ở xứ Mỹ nầy, quan hôn tang tế gì cũng phải đợi đến cuối tuần cho có đông người tới dự. Hai hôm trước gia đình người bạn đi làm lễ phát tang, cầu nguyện, thăm viếng ở nhà thờ rồi. Hôm nay, thứ Hai, là hoả thiêu. Chắc chỉ có gia đình thôi nhưng mong là họ không phiền hà khi thấy mình tới.

Gia đình rất đông ở nhà quàn và ai mắt cũng đỏ hoe, sụt sùi dù anh bạn tuổi đã cổ lai hy. Phải ăn ở ra sao mới được như thế. Rất yên lặng, không nghe tiếng cười rộn rã như ở vài đám tang khác. Không biết ai đã đọc điếu văn cho anh ở nhà thờ nhưng đoán chắc là bài viết dễ dàng để soạn. Có nhiều người khi chết, người viết điếu văn phải vất vả tìm kiếm những điều tốt đẹp về họ để viết ra cho đầy một trang giấy. Với người bạn thì không, có quá nhiều điều tốt đẹp để nói về anh. Anh qua sau, có thể không thành đạt về vật chất như nhiều bạn đồng môn khác, nhưng chưa bao giờ nghe anh so sánh, phân bì, than thân trách phận. Anh ung dung sống đời mình giữa mọi người, chan hoà với tất cả…

***

Mấy tháng trước đi Úc, lần đầu. Nhiều người quen góp ý: qua đó khi tới coi Sydney Opera House nhớ chụp hình thiệt nhiều vì ngoài ra không còn gì để chụp nữa. Mình đâu muốn ngồi 15 tiếng máy bay để qua đó coi Opera House, chụp hình lại càng không, vì có dùng Facebook đâu mà bỏ lên, rồi chia sẻ với ai? Qua để thăm hai cô cháu gái đã gần năm mươi năm không gặp. Để gặp lại những người thân cùng lớn lên với nhau thuở họ còn ngày xưa ngần ngại xoả tóc trên vai. Mỗi người, mỗi gia đình là mỗi số phận, mỗi câu chuyện để nghe, học hỏi và nhìn lại đời mình. Lúc ra đi có người đã lớn, có thể phụ nhen bếp lửa nấu nồi cơm, giúp sửa soạn bữa cơm chiều khi đi học về sớm. Có người còn được bồng bế trên tay… thế mà bây giờ đây con đàn cháu đống, cuộc đời qua nhanh quá.

Bao năm đã qua, vật đổi sao dời mà gặp nhau vẫn rất ấm áp thân tình, vui buồn nhắc chuyện ngày xưa không dứt. Vài chuyện nhỏ mình làm được nhắc nhớ tới. Những vụng dại, sai sót, ngông cuồng thời trai trẻ lại được quên đi…

Một buổi sáng, cô cháu gái rủ ra đi bộ bên con sông cạnh nhà vì cô thích sông và biết mình cũng mê sông. Sinh ra ở cạnh sông. Lớn lên ở cạnh sông, hằng ngày ngóng nghe tiếng còi tàu từ Huế lên về sáng chiều hai buổi. Lớn lên nữa cũng ở cạnh sông, mở cửa là thấy sông, mỗi chiều có tiếng chuông chùa vọng lại từ phía bên kia sông…vì thế mà sông như mạch máu trong thân thể. Đi đâu cũng tìm sông tìm nước.

Sẽ không bao giờ tới được cảnh giới nhìn sông chỉ thấy là sông, nhìn núi chỉ biết là núi:

Mù toả Lô sơn sóng Chiết giang.

Khi chưa đến đó hận muôn vàn.

Đến rồi về lại không gì lạ.

Mù toả Lô sơn sóng Chiết giang

(Tô Đông Pha, Tuệ Sỹ dịch)

mà còn so sánh, phân biệt sông nầy với sông kia. Con sông cạnh nhà nhỏ thôi, chậm rãi êm đềm chảy, với con đường quanh dọc theo bờ dưới hàng cây mát, những băng ghế trên bụi cỏ ven bờ, những căn nhà thơ mộng trên đồi bên kia sông…Trên đường về ghé lại một quán cà-phê vô cùng duyên dáng góc khu vực dân cư. Ly cappuchino mới ngon làm sao, quên hết lời hăm he của ông bác-sĩ bên nhà. Đùa với cô cháu cứ mỗi sáng ra bờ sông đi bộ rồi ghé lại đây uống cà-phê, tiếp tục nói chuyện ngày xưa, là đã quá đủ rồi. Cần chi phải lên City để thấy và chụp vài tấm hình cạnh Opera House.

***

Ghé khu chợ Cabramatta giao cuốn photo book của người bạn gởi sang cho một cặp vợ chồng quen sau khi đi Melbourne về. Chia sẽ với họ những gì mình thấy, “trải nghiệm” trong hai ngày ngắn ngủi ở đó. Một thành phố nhỏ thôi nhưng vô cùng duyên dáng, phảng phất cái phong thái đậm đà của nhiều thành phố Âu Châu đã đi qua. Đường phố rợp bóng cây, với những quán càphê có thể ngồi hằng giờ trò chuyện với bạn bè nhìn người qua lại. Ghé coi thư viện độc đáo của thành phố trên đường đến Royal Botanic Gardens Victoria. Đi ra coi mặt trời lặn trên sông Yarra êm đềm – lại sông!

Thăm người bạn thời một bờ cỏ non một bờ mộng mị ngày xưa (TCS), đã hứa sẽ dành riêng nguyên một ngày để uống với nhau ly cà-phê bên cạnh bờ hồ vắng nói chuyện đời mình. Rồi đi coi đàn dơi mặt chồn treo lắt lẻo bất động trên khắp một vườn cây cao trong buổi trưa nắng nóng nhìn xa như những chiếc túi xách tay sẫm màu treo trong cửa hàng, chờ tối đến cùng nhau bay đi tìm mồi…

Nghe xong, người vợ quay qua nói với chồng sao mình ở đây mấy chục năm mà không biết những thứ nầy, mình phải đi lại ngay đi anh. Ai cũng đi tìm hạnh phúc cho đời mình có điều không hạnh phúc nào giống hạnh phúc nào. Họ có thể không thấy những cái đẹp mà mình thấy: góc phố, hàng cây, những quán cà-phê bên đường, bờ hồ, hoàng hôn trên sông, thư viện…nhưng bù lại họ có thể sở hữu biết bao nhiêu thứ đẹp đẽ khác mà mình không có: những bữa ăn đắt tiền, những đồ vật hoành tráng, những chuyến du lịch sang trọng nhiều người mơ ước...Và có thể là họ là chủ của biết bao nhiêu dãy phố ở chung quanh khu vực Cabramatta nầy.

***

Cô cháu gái kể người con gái lớn mới tặng mẹ một cuốn sách trong ngày sinh nhật: The Top Five Regrets of the Dying. Cuốn sách được nói tới nhiều giữa những người đang loay hoay tự hỏi phải nên sống như thế nào mà mình đã đọc qua và chắc chắn sẽ đọc lại nhiều lần. Phải như thế nào mới không “sợ” khi nhận món quà sinh nhật nầy, với cái suy nghĩ Á Đông xưa cũ, mà biết con hiểu, chia sẽ và tôn trọng cái gì là giá trị đích thực, quan trọng nhất cho hạnh phúc đời mình. Cô con gái không dành dụm mua biếu mẹ trong dịp sinh nhật cái xách tay hàng hiệu Louis Vuitton, Chanel để mang trên vai xoay ra phía trước ưởn người chụp hình, hay cái đồng hồ Cartier bao người mong ước được người khác thấy trên cổ tay mình, hay khiêm nhường nhất cũng upgrade cái Iphone hay Ipad cho mẹ, mà trao gởi lòng yêu thương qua cuốn sách giúp mẹ sống thế nào để ít hối tiếc khi ra đi. Có gì có giá trị hơn?

Những người chạy marathon cần gì từ bạn bè, gia đình, những người tình nguyện đứng bên đường họ chạy qua để thêm sức mà về tới đích? Bánh trái rượu thịt hay chỉ là một ly nước kèm theo những tiếng vỗ tay, những lời la hét love you Mom, love you Dad, yes you can do it. Hay là những tấm bảng bìa cứng đưa cao khích lệ mà đầy diễu cợt you run too fast; you are over speed limit.

Cô cháu gái mới ngoài năm mươi nhưng hiểu được cốt tuỷ của đạo Phật và, quan trọng hơn, không ngừng học hỏi và áp dụng được Phật học vào đời sống của mình. Hiểu được sự ngắn ngủi và vô thường của cuộc đời để bớt chấp nê, dần dần buông bỏ bớt. Không nghe than vãn, ai oán, cay đắng, so sánh vì những khó khăn đời mình đã trải qua ngay từ lúc còn nhỏ dại, mà nghĩ được rằng nhờ đó mà mình trở thành một người như hôm nay. Nhờ đó mà mình có thêm lòng trắc ẩn, biết thế nào là “đủ” để sống chan hoà với người khác và trợ giúp người yếu kém. Một cuộc đời ung dung, tự tại, nhẹ nhàng, thênh thang….

***

Bronnie Ware, tác giả cùa cuốn sách Năm Điều Hối Tiếc Nhất Của Những Người Sắp Qua Đời là người Úc, soạn nhạc, viết lách…Bà làm thêm việc chăm sóc những người sắp qua đời ở nhiều lứa tuổi, thành phần xã hội, hoàn cảnh gia đình, giới tính. Bà đúc kết những điều bà nghe trong những ngày chăm sóc, chuyện trò với những người biết mình sắp mất rồi chia sẻ trên những trang mạng xã hội trước khi gom lại thành cuốn sách nầy, The Top Five Regrets of the Dying: A Life Transformed by the Dearly Departing.

Đây là năm điều hối tiếc:

  • Không có can đảm sống cuộc đời cho chính mình mà sống theo ước muốn của người khác.
  • Làm việc nhiều quá.
  • Không có can đảm bày tỏ cảm xúc của mình.
  • Không giữ mối liên hệ với bạn bè.
  • Không tự cho phép mình được sống hạnh phúc hơn.

Chỉ mới năm điều nầy thôi mà cũng đã thấy sự khác biệt giữa văn hoá Đông Tây. Nếu bà nầy săn sóc cho những người phía Đông thì đã biết thêm nhiều điều hối tiếc khác. Hối tiếc vì đã không tử tế đủ với người khác, giúp họ vượt qua cơn ngặt nghèo khi mình có thể. Hay hối tiếc, như một chị bạn nói trước khi lâm chung, vì: ông biết không, trong đời tôi, tôi đã làm nhiều chuyện không nên làm để vượt hơn người khác, chừ biết thì cũng đã trễ rồi…

***

Mới đây, tình cờ nghe bài My Way qua tiếng hát tuyệt vời tràn đầy cảm xúc của Vanny Vabiola, một người Indonesia. Nhờ có phụ đề mà hiểu thêm để đồng cảm và yêu mến hơn bài hát nầy. Được nghe đi nghe lại không biết bao nhiên lần rồi và gởi tới bạn bè khắp nơi, ai cũng thích. Mong ước rồi ai cũng sẽ nói được như thế nầy: My friend, I will say it clear…I’ve lived my life that it’s full. I traveled each and every highway… Regrets, I’ve had a few. But then again, too few to mention…

 

Nguyễn Quang 

June, 2024

- Cựu sinh viên Đại học Chính Trị Kinh Doanh, Dalat.

- Hưu trí tại California.


Joomla Hosting and Maintenance by Cybersalt

Copyright © 2014-2025. VietVancouver, All rights reserved

  • Số Lượt Truy Cập 1779388