TÍN HIỆU

 

Không ngờ Cương si tình con nhỏ chủ quán nặng đến thế. Cứ tưởng nó đùa chơi, ai dè nó lậm thiệt. Một tuần ít nhất ba lần nó réo tôi mặc quần áo với tốc độ phi thuyền để kịp nó đến chở đi ăn hủ tiếu. Nó đến mà tôi không có mặt ở cửa là nó bóp còi inh ỏi. Có lần một thằng tây, mới dọn đến trọ ở ấp dưới, nghe nó bóp còi liên tu liền nổi nóng, mở cửa sổ ló đầu ra ngoài tay chỉ về hướng xe nó văng tục một tràng và dọa kêu cảnh sát. Tôi lúc đó đang tiểu tiện trong toa lét nên không xuống kịp. Tôi yên trí nó ngồi im trong xe nghe chửi, chờ tôi ra là dông. Nào ngờ nó tung cửa xe, mặt hầm hầm đi lại phía thằng tây, chỉ thẳng vào mặt nó hét to:

- Mày có biết khi khẩn cấp người ta phải làm gì không? Người ta phải gọi 911. Vợ thằng bạn tao đang hấp hối ở nhà thương. Tao phải bóp còi khẩn cấp gọi nó. Mầy hiểu và thông cảm chứ?

 

Mặt thằng tây nghệt ra, miệng khựng lại. Nó tránh cái nhìn tóe lửa của Cương, quay người bỏ vào trong phòng. Thấy tôi, Cương hất hàm ra lệnh:

- Ra xe ngay đi bố!

 

Ngồi vào xe, chưa kịp để Cương nổ máy, tôi phang nó ngay:

- Sư mầy, ông lấy vợ bao giờ mà bảo vợ hấp hối? Cái gì cũng phịa ra được.

- Phải vậy nó mới im. Dân ở đây mà nghe đàn bà hay con nít là nạn nhân của bất cứ cái quái gì là nó thương cảm, thông cảm ngay. Vì tụi nó mà tao với mày cũng bị vạ lây, sang đây mất hết oai phong với đám nữ nhi.

 

Tôi kê nó:

- Mày có mất thì mất chứ tao đâu có mất, đừng kéo tao vào. Mà đi ăn gì khác đi, ăn hủ tiếu hoài ớn quá!

 

Cương dịu giọng vuốt tôi:

- Đi với tao đi. Có mày vào tiệm đó tao ăn nói tự nhiên hơn. Đi một mình tao lóng cóng lắm.

 

Tôi dè bỉu:

- Mà có tao mày cũng chả làm nên cơm cháo gì. Cũng chỉ ngồi nhìn em mà buồn rười rượi thôi.

- Cần mày lắm chứ. Có mày tao làm bộ nói chuyện với mày, lâu lâu liếc nhìn em một cái rất chi là tự nhiên.

 

Nói xong Cương lấy tay vỗ đét vào đùi một cái ra chiều thích chí rồi buông thõng thêm một câu:

- Thằng chồng em không cách chi biết được.

 

Tự nhiên tôi thấy thương hại nó. Nhưng tôi vẫn thảy một câu vừa nâng vừa đập nó:

- Mà chồng em có biết cũng đếch làm gì được. Mình là khách hàng mà. Mà theo truyền thống của tây, khách  hàng là nhất, khách hàng bao giờ cũng có lý hết. Nhưng con ạ, con đang đi trên con đường một chiều đấy. Mày bắt tao ăn hủ tiếu đã ba tháng nay rồi mà mày có nhích con tim mầy lại gần em được li nào đâu! Không những một chiều mà coi chừng ngõ cụt nữa đấy con ạ.

 

Cương đưa mắt lườm tôi nói một câu bí hiểm:

- Tiến bộ thấy rõ mà mày không thấy, mở mắt nhìn cho kỹ mày sẽ thấy.

 

Quán Mây Tần nằm gần ngã tư trong một khu đông người Á Đông cư ngụ. Gần chục quán ăn và ba cái tiểu siêu thị là hai thương nghiệp nổi bật trong khu phố. Quán Mây Tần đông vào buổi trưa nhờ khách ngoại quốc. Buổi chiều khách Việt thuộc dân nhậu chiếm đa số nhờ mấy món hủ tiếu, phở áp chảo, chả cá, bún ốc, lươn um, lẩu. Lần nào cũng thế, Cương dẫn tôi đến ăn buổi trưa sau hai giờ và buổi chiều trước năm giờ. Buổi trưa sau đợt khách ngoại quốc, buổi chiều trước đám khách nhậu. Vào thời gian đó khách  trong quán chiếm chừng bốn năm bàn trên tổng số mười lăm bàn của quán. Cương gần như luôn luôn chọn bàn số bốn hay số năm nằm về phía mặt của quầy tính tiền. Bao giờ Cương cũng bắt tôi ngồi quay mặt nhìn ra đường còn nó ngồi nhìn vào trong, cái nhìn cheo chéo với quầy tính tiền. Ở đó thỉnh thoảng xuất hiện thần tượng của nó. Thần tượng của nó là con nhỏ chủ quán và hình như là bếp chính của tiệm.

- Tao mê nhất đôi mắt của em, tình không chịu được. Mày nhìn xem tao nói có đúng không?

 

Không hiểu cái nghề kế toán của tôi, suốt ngày vật lộn với những con số, có làm tôi khô khan tình cảm hay không mà sao tôi rất tỉnh lạnh trước nhan sắc đàn bà. Ừ, thì thần tượng của Cương quả có cặp mắt đen lánh và to, có cái nhìn nghiêng nghiêng hơi lẳng, nhất là khi nói chuyện với đàn ông. Với tôi thì là lẳng nhưng với Cương thì là tình. Tôi ngoài cuộc còn nó trong cuộc nên nó xiển dương cái nhìn của đôi mắt em là phải.

 

Quầy tính tiền khá cao nên ngồi xa chỉ nhìn thấy bán thân trên của em.

- Mày thấy tao nói có đúng không? Mắt em tình không chịu được.

 

Mỗi lần nó nhắc tôi lại phải uể oải gật đầu nhưng không quên lên lớp nó:

- Đúng rồi. Không đúng thì làm sao mày thân tàn ma dại từ mấy tháng nay.

 

Cương gân cổ cãi:

- Lầm to con ơi! Tao nhận được tín hiệu rồi, tốt lắm.

 

Hôm nay trên đường đưa tôi về nhà, Cương có vẻ tư lự:

- Mày có để ý gì không?

- Để ý gì?

- Em.

- Trời đất, em của mày chứ có phải em của tao đâu mà tao để ý. Với lại mày bắt tao ngồi nhìn ra đường làm sao tao biết chuyện gì xảy ra nơi em.

- Cứ mỗi lần bọn mình đứng dậy đến quầy trả tiền là em bỏ đi vào trong. Để cho thằng chồng nó tính tiền bực quá!.

 

Lời Cương làm tôi đâm nhớ có lần tôi để ý thấy thần tượng của nó hấp tấp bỏ đi vào trong khi hai đứa sắp đến quầy trả tiền.Tôi đồng tình:

- Ừ, mày nói tao mới nhớ cũng có lần tao để ý thấy y như mày nói. Tao nghĩ chắc em muốn tránh hai luồng điện cao tần phóng ra từ mắt mày.

- Tránh mặt tao mà sao tao thấy tín hiệu vẫn tốt?

 

Đứng trong thang máy chờ lên lầu ba để về phòng, tôi chợt nhớ Cương nói đến hai chữ tín hiệu mấy lần. Tôi nghĩ nó úp mở muốn cho tôi hiểu tình cảm nó dành cho thần tượng của nó đã được nhận và có hồi âm. Tôi chưa nghe nó nói với em câu nào, cũng chưa bắt gặp em đá lông nheo với nó lần nào. Thế thì tín hiệu gì đây?

 

Tôi lẩm bẩm rủa thầm nó:

- Sư, cái thằng ruột ngựa mà cũng bày đặt bí mật với bật mí!

 

Cương vừa là bạn vừa là thân chủ của tôi. Nó làm nghề sửa ống nước có bằng cấp đàng hoàng. Hồi ở Việt Nam, tôi với nó ở cùng làng, cùng học tiểu học, rồi trung học. Khi tôi được giấy phép xuất ngoại du học thì nó nhập khóa sĩ quan trừ bị Thủ Đức cuối cùng. Nó chưa mãn khóa thì mất nước. Gặp lại tôi nó vỗ ngực:

- Quân trường đổ mồ hôi nhưng sa trường chưa kịp đổ máu. Tao là lính tuy chưa có một ngày trận.

 

Nó quyết định đi học nghề. Nó nói với tôi:

- Bên nhà tao định chọn học môn mìn bẫy. Mày biết tại sao không? Chiến tranh là phải giết nhau. Đồng ý. Nhưng hại nhau bằng mìn bẫy, tao thấy hèn quá! Thà lãnh một viên đạn vào đầu, vào tim chết không sao. Tao thương mấy thằng cụt cẳng, cụt giò vì mìn bẫy. Bởi vậy tao muốn học môn đó để đi tháo gỡ mìn bẫy giúp bạn.

 

Tôi thấy có cái gì đáng yêu trong cái vẻ bạt mạng của Cương. Nó đã có dịp chứng minh sự gan dạ của nó. Cương đã tay không dùng một thế võ Bình Định đá văng khẩu súng lục của một tên cướp nhà băng rồi cũng tay không quật ngã tên nầy trước khi cảnh sát tới. Sự gan dạ của nó đã được báo chí địa phương ca ngợi. Tôi lôi nó đi nhậu một chầu. Nó nói:

- Mít mình qua đây làm vẻ vang dân tộc nhiều kiểu, đứa thì học giỏi bằng nọ bằng kia, đứa thì cần cù siêng năng, tao thì tao làm vẻ vang dân mít mình theo kiểu của tao, kiểu điếc không sợ súng!.

 

Thân thể cao lớn, vạm vỡ của Cương rất thích hợp cho nghề lao động mà hái ra tiền của nó. Nó nói với tôi, không một chút mặc cảm:

- Nghề của mày xài bút nhỏ nên cái đầu phải làm việc nhiều. Nghề của tao cầm ống hàn, cầm cái búa to tổ bố, tay phải làm việc nhiều nên cái đầu đỡ mệt hơn. Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh nghe con!

 

Tôi lãnh phần khai thuế hàng năm cho nó. Là bạn nhưng đôi khi tôi cũng hơi ớn cái ngang tàng của nó. Một lần nó gọi điện thoại cho tôi ở sở:

- Tao cần một ngàn đô Mỹ gấp. Phải tiền mặt chứ không lấy chi phiếu. Chồng tiền sẵn đi chiều tao ghé lấy. Trong vòng một tháng tao sẽ trả lại, vốn lẫn lời đàng hoàng.

 

Tôi vội vã ra nhà băng đổi tiền Gia Nã Đại ra tiền Mỹ cho nó. Tôi không hỏi nó cần số tiền đó làm gì. Tự nó, nó nói:

- Con em gái bên nhà bị sạn túi mật phải mổ. Nó viết thư nói nếu có tiền thì được mổ sớm. Có người về tao gởi giúp nó.

 

Đúng thời hạn, Cương mang trả tôi số tiền mượn. Tôi đếm thấy mười một tờ một trăm. Thấy tôi tính đếm lại nó nói ngay:

- Mấy thằng kế toán tổ sư tính toán, cho vay ăn lời bóp hầu nặn họng. Trả cho mày một trăm tiền lời nhưng phải bao tao đi ăn cho hết số tiền đó.

 

Tôi vẫn nghĩ một trong những hạnh phúc nhất trên đời là có một thằng bạn tốt. Cương đối với tôi hơn cả một thằng bạn tốt, nó như là một thiên thần hộ mạng, đi đâu có nó bên cạnh tôi cảm thấy yên tâm lạ lùng. Cho nên khi thấy nó đang ngoi ngóp trong bể tình, tôi lo lắng cho nó lắm.

Đi ăn với Cương ở quán Mây Tần lần này tôi muốn chú ý đến hai việc: Tìm xem tín hiệu mà Cương nói là cái gì và tìm hiểu lý do sự hấp tấp bỏ đi của thần tượng của nó mỗi khi hai đứa tới quầy trả tiền.

Ngồi vào bàn, chờ Cương gọi hai tô hủ tiếu lớn, tôi quay người nhìn về phía quầy tính tiền quan sát. Thần tượng của nó hôm nay mặc đồ đen, áo kiểu bà ba của dân Nam Bộ, bên ngoài vẫn tròng cái táp-bờ-li-ê trắng. Mặt mày em trang điểm kỹ càng có vẻ như mới đi đâu về. Tôi thấy mặt em tươi lên một chút khi nhìn về phía bàn hai đứa tụi tôi ngồi. Tôi không nghĩ đó là cái tín hiệu mà Cương úp mở nói đến. Liếc nhìn Cương tôi thấy sắc mặt nó chẳng có vẻ gì đờ đẫn vì nét tươi của em cả. Em bỏ đi vào trong một lúc thì thấy bồi bàn bưng hủ tiếu ra cho chúng tôi. Tôi để ý thấy mắt Cương sáng lên. Nó nhìn chăm chăm vào tô hủ tiếu của nó. Tôi âm thầm theo dõi. Tay cầm đũa, tay cầm muỗng nhưng nó chưa ăn. Nó gắp gắp, xới xới như tìm kiếm gì trong tô. Thì ra nó đang đếm những con tôm nằm trong tô của nó. Nó moi ra được bốn con tôm to, loại Jumbo. Mặt nó tươi hẳn lên. Và nó bắt đầu ăn. Tôi âm thầm tìm kiếm tôm trong tô của tôi. Tôm trong tô của tôi cũng to không thua gì tôm trong tô của Cương. Nhưng tôi chỉ có ba con. À, thì ra tín hiệu của nó là con tôm thứ tư. Con tôm phe đảng, con tôm «tình không chịu được" của nó.

Phản ứng đầu tiên của tôi là tin em có gì đặc biệt với Cương thật. Nhưng rồi tính đa nghi của tôi lại lấn lướt. Biết đâu ở mỗi bàn ăn trên hai người chẳng có một tên được bốn con tôm trong tô của mình. Tên được bốn con tôm là tên mỗi tuần đến ăn tiệm em ít nhất từ hai ba cữ trở lên. Đó là một giải thích tôi thấy hợp lý. Bằng không, thì chỉ là một sự bốc bỏ quá tay đi một chút.

Hai lần đi ăn kế tiếp, Cương vẫn được bốn con tôm và tôi vẫn chỉ có ba. Giả thuyết bốc bỏ quá tay tôi cho vào sọt rác. Rõ ràng là em thiên vị nó. Nhưng con tôm thứ tư không thuyết phục được tôi rằng em có cảm  tình riêng với nó. Tôi vẫn cho đó là một cữ chỉ đãi ngộ một khách hàng trung thành như Cương mà thôi. Mặc dù vóc dáng lực lưỡng và bộ mặt tuy hơi cô hồn nhưng dễ coi của nó thừa sức làm xiêu lòng vài cô vài bà. Tôi so sánh thằng chồng em với Cương. Tuy có nhỏ con hơn Cương nhưng trông nó cũng không tệ, có thể nói là xứng đôi với thần tượng của nó nữa là khác. Tôi quanh co lý luận như thế thật ra là chỉ để thuyết phục chính tôi thôi, tôi cố thuyết phục tôi rằng em chỉ đòn phép để giữ chân một khách ăn là thằng bạn của tôi.

 

Mãi lo nghĩ về chuyện con tôm thứ tư, tôi quên bẵng đi chuyện thứ hai. Ngồi vào xe, Cương lại tư lự:

- Em lại bỏ đi vào trong như mọi khi mình sắp đến trả tiền. Kỳ quá! Mày có để ý không?

- Thật tình tao không để ý.

- Phải tìm hiểu cho ra lẽ mới được.

 

Người tìm cho ra lẽ đó lại là tôi. Rất tình cờ. Tôi muốn trắc nghiệm một lần nữa chuyện con tôm thứ tư. Tôi lập luận nếu tôi đi ăn một mình tôi cũng có thể trở thành khách quen của quán. Nếu chỉ là một sự đãi ngộ khách quen, tôi cũng sẽ được con tôm thứ tư như Cương. Tôi đến quán vào lúc ba giờ rưỡi chiều. Quán chỉ có một bàn hai người khách ngoại quốc. Em và thằng chồng đang ngồi ở cái bàn tròn đặt cạnh quầy tính tiền. Thấy tôi vào, em gần như hốt hoảng muốn bỏ chạy vào trong. Nhưng tôi cũng kịp phát hiện cái bụng mang bầu cỡ bảy, tám tháng của em. À thì ra thế. Thì ra em không muốn Cương biết em đang có bầu. Em sợ nhan sắc mất giá chăng nên che dấu phần dưới ? Trong tô hủ tiếu của tôi hôm đó cũng chỉ có ba con tôm.

 

Tôi gọi điện thoại cho Cương ngay khi về đến phòng:

- Tao biết tại sao thần tượng mày trốn mày khi mày sắp đến quầy trả tiền. Em mang bầu sắp đến ngày sinh. Chắc em không muốn mày buồn khi biết thủ phạm bầu tâm sự em mang là ai khác.

 

Đầu dây bên kia im lặng. Không biết trong đầu Cương thần tượng của nó đang sụp đổ mấy tầng? Tôi hỏi dò:

- Mày có còn thích đi ăn hủ tiếu nữa không?

 

Giọng Cương chậm, không buồn không vui:

- Tạm nghỉ một thời gian đi, chờ em sinh nở xong rồi hẵng tính.

 

Tôi tính nện nó một câu: "tính cái con khỉ gì nữa. Kiếm đất khác mà cắm dùi đi là vừa.". Nhưng nghĩ nó đang đau khổ trước cái thực tế bất ngờ và phũ phàng nên thương tình im lặng.

 

Ba tháng sau, một sáng chủ nhật, đang còn say ngủ trên giường sau một đêm thứ bảy đi chơi về muộn, Cương điện thoại gọi giật tôi dậy:

- Cho mầy mười phút tao đến đón đi ăn hủ tiếu. Em giờ nầy chắc làm việc lại ở quán rồi. Tao tin em vẫn hấp dẫn như xưa.

 

Tôi la lên:

- Cái thằng này...!

 

Nó cắt ngang câu nói của tôi:

- Mắng ông, ông lại ông bóp cổ bây giờ. Mười phút thôi nghe không con. Chờ tao ở cửa.

 

Khi hai đứa bước vào quán, thần tượng của nó chăm chăm nhìn nó. Dưới mắt quan sát của tôi, cái nhìn có vẻ như trách móc. Cương đoán đúng, nhan sắc em không thay đổi, cặp mắt vẫn đen to, cái nhìn vẫn lẳng tuy người em có phần đẫy đà một tí xíu. Khi hủ tiếu được mang đến bàn, tôi thấy Cương chăm chú nhìn vào tô của nó một cách khác thường. Tôi đoán nó đang đo lường lòng dạ thần tượng của nó sau ba tháng nó vắng bóng. Nó moi móc để nằm phơi trên những sợi hủ tiếu không phải bốn con tôm mà những đến năm con tôm to mập. Nó nhìn năm con tôm, mắt sáng lên, nhe răng cười rồi nhai, húp tô hủ tiếu một cách khoái trá. Tô hủ tiếu của tôi cũng vẫn chỉ có ba con tôm.

 

Trên đường đưa tôi về, tôi hỏi nó:

- Chương trình của mày dành cho em trong tương lai gồm có những gì?

 

Cương tưởng tôi không hay biết gì cả nên vẫn dở cái giọng úp mở của nó ra:

- Tín hiệu hôm nay tốt hơn trước nữa.

 

Nói xong bất thình lình nó đập mạnh hai bàn tay vào vô lăng xe rồi quay qua nhìn tôi :

- Để mày xem, nếu một mai em có bầu nữa...

 

Cương ngừng lại đó không nói gì thêm.Tôi chỉ nhìn nó mỉm cười . Trước khi đóng cửa xe, tôi vói đầu vào trong xe nói với nó:

- Chừng nào mày thấy trong tô hủ tiếu của mày có sáu con tôm thì mày có thể tin và cả tao cũng tin nữa, em sẽ bỏ thằng chồng để theo mày.

                                   

TRANG CHÂU


Joomla Hosting and Maintenance by Cybersalt

Copyright © 2014-2024. VietVancouver, All rights reserved