Nhà văn Hoàng Hải Thủy là một cây đại cổ thụ trong khu rừng văn học nghệ thuật miền Nam Việt Nam, suốt từ chế độ Việt Nam Cộng Hòa cho đến tận ngày nay. Ông viết liên tục từ 1951 cho đến tận năm 2017 (66 năm). Ông viết nhiều thể loại, kể cả làm thơ, nhưng được coi là ngòi bút Phóng Tác số một của Việt Nam và ngòi bút Phiếm Luận số một của Việt Nam.

Phóng tác không bị gò bó như Dịch thuật, vì dịch thuật chỉ là chuyển một ngôn ngữ nước ngoài sang tiếng Việt nhưng phóng tác là thổi hồn Việt vào một câu chuyện nước ngoài với nhân vật nước ngoài, do đó người đọc cảm thấy gần gũi hơn. Trên phương diện phóng tác, ông đã có công giới thiệu nhân vật điệp viên 007 James Bond của tác giả Ian Flemming tới người Việt Nam qua những tác phẩm như Thầy Nô (Dr. No), Tay Sắt Tay Vàng (Goldfinger) v.v.. Người Việt miền Nam biết về nhân vật James Bond 007 bằng cách đọc truyện phóng tác của Hoàng Hải Thủy trước khi phim James Bond được chiếu tại rạp xi nê, nhờ đó mà người xem theo dõi được phim tường tận vì đã biết cốt truyện, giống như đọc Tam Quốc Chí trước khi xem phim Tam Quốc Chí. Ngoài loạt truyện phóng tác về 007 cực kỳ ăn khách này, ông cũng có công giới thiệu những kiệt tác văn chương Mỹ như Đỉnh Gió Hú (Wuthering Heights của Emily Bronte), Kiều Giang (Jane Eyre của Charlotte Bronte) v.v..cho đọc giả Việt Nam. Nếu Trường Kỳ có công giới thiệu nhạc trẻ Anh-Pháp với giới trẻ miền Nam thập niên 1960 thì tương đương như vậy, nhà văn Hoàng Hải Thủy có công giới thiệu tiểu thuyết Anh-Mỹ với đọc giả miền Nam vào thời kỳ chưa có nhiều người Việt biết tiếng Anh, internet chưa có và không thể mua tiểu thuyết Anh ngữ ở tiệm sách.

Về Phiếm luận, nhà văn Hoàng Hải Thủy viết với giọng văn Bắc Kỳ 54 cực kỳ duyên dáng, dí dỏm chen lẫn khôi hài, châm biếm, đọc xong người đọc luôn luôn có một nụ cười sảng khoái, thú vị.

Về Hồi ký, trí nhớ tỉ mỉ, chi tiết phi thường của ông về những chuyện xẩy ra từ 50-60 năm trước khiến đọc giả phải kinh ngạc.

 

Chàng trai Dương Tấn Hải gia nhập làng báo năm 18 tuổi.

 

 Không có được thống kê chính xác bao nhiêu truyện phóng tác, truyện dài, truyện ngắn, phóng sự, phiếm luận, thơ ...ông đã viết vì 66 năm liên tục sáng tác là một thời gian rất dài, có thể nói ông viết lâu hơn tất cả những nhà văn nhà thơ nào mà ta được biết, viết từ năm 18 tuổi cho đến 84 tuổi. Chắc chắn là phải lên đến con số ngàn. Còn tác phẩm xuất bản thì hơn 60. Viết trong đầu ngay cả trong 2 lần bị chính quyền Cộng sản Việt nam giam giữ (lần đầu 1977-1979 và lần hai 1984-1990). Như ông đã từng nói: "Sinh ra để viết".

Ông được chính quyền Mỹ can thiệp cho đi định cư Hoa Kỳ năm 1994. Ông có hai trai một gái và đủ cháu nội ngoại. Trang blog của ông: 

https://hoanghaithuy.wordpress.com/

được rất nhiều người theo dõi. Tuy nhiên, sau bài viết Chìm Dưới Biển Dâu ngày 14/8/2017 thì không còn thấy nhà văn Hoàng Hải Thủy viết thêm bài nào. Người vợ hơn 60 năm dài của ông, bà Đỗ Thị Thủy, từ trần ngày 28/12/2018. Qua chi tiết này ta thấy nhà văn yêu vợ đên mức nào: bút hiệu của ông chính là tên ghép của hai vợ chồng (Hải-Thủy) còn họ Hoàng thì không rõ từ đâu, vì họ thật của ông là Dương. Tình yêu vợ của ông nổi tiếng trong văn giới, dù là với dung mạo điển trai, hào hoa phong nhã và được lòng biết bao nhiêu nữ đọc giả thì chuyện ông muốn đa nhân tình như Phạm Duy chẳng khó khăn gì. Có một lúc giận chồng, bà Thủy bỏ nhà đi một hai tuần gì đó, nhà văn Hoàng Hải Thủy cho đăng lời kêu gọi thống thiết xin bà tha lỗi cho ông và quay về nhà. Lời kêu gọi này được đăng mỗi ngày trên báo Ngôn Luận hay Chính Luận gì đó, cho nên cả nước Việt Nam Cộng Hòa biết chuyện vợ chồng ông giận nhau.

 

Nhà văn Hoàng Hải Thủy và phu nhân ngày còn trẻ.

 

Ngày 6/12/2020, nhà văn từ giã cõi đời vì bị cơn sưng phổi và vì không còn ý chí sống sau khi phu nhân qua đời. Sau tang lễ, con cái hỏa thiêu ông, đem tro của ông trộn vào với tro của bà (mất 2 năm trước) và rải trong cánh rừng trên đảo Chincoteague, bang Virginia.

 

 

Sau đây mời đọc giả xem bài viết của nhà văn Duyên Anh về nhà văn Hoàng Hải Thủy.

 

© Hoàng Hải Hồ

 

 (trích từ hồi ký Nhà Tù)

Hoàng Hải Thủy là nhà văn ăn diện nhất trong số các nhà văn Việt Nam. Có nhiều nhà văn, nhà thơ mà diện kiến họ, bạn sẽ thất vọng. Hoàng Hải Thủy thì không. Đẹp trai, bảnh bao, lịch sự. Một vài kẻ không thích công nhận Hoàng Hải Thủy như một nhà văn. Chẳng hạn kẻ Trần Phong Giao, kẻ Nguyễn Quốc Trụ. Điều này không quan trọng. Quan trọng là Trần Phong Giao, Nguyễn Quốc Trụ cũng chưa được công nhận như những nhà văn. Vậy mà đã mất công Nguyễn Mạnh Côn viết tựa tiểu thuyết của Thủy bênh vực Thủy. Nhà văn là cái gì nhỉ? Hễ ai viết chữ, người đó là nhà văn. Há những người viết đơn thuê trước cửa Toà Án, viết thư mướn trước cửa Bưu Điện chẳng được gọi là nhà văn công cộng đó sao? Những tên viết văn chuyên nghiệp, những tên đổi chữ nghĩa lấy cơm áo sống trọn đời mình như chúng tôi, không lấy làm thích thú cái tước vị nhà văn. Hoàng Anh Tuấn đã chế… chữ nôm đặt tên nghề nghiệp vô cùng hữu lý. Viết văn mưu sinh là thợ viết. Vẽ mưu sinh là thợ vẽ. Hát mưu sinh là thợ hát. Đánh đàn mưu sinh là thợ đàn. Lái phi cơ là tài xế tầu bay. Vân vân… Chúng ta nên dành các tước vị nhà văn, nhà thơ cho qúy vị viết văn tài tử, sống bằng nghề khác, không sống bằng ngòi bút. Nhưng còn một hạng qúy vị lạy lục xin xỏ qũỵ trợ cấp ngoại quốc, viết sách xuất bản bán vung vít, chúng ta gọi qúy vị ấy là nhà gì? Nhà thầu, nhà buôn, nhà mồ, nhà đòn hay… nhà thổ? Tôi thấy có những thi sĩ hì hục làm thơ suốt đời, ấn loát cả chục pho mà gom lại vẫn không hay bằng một bài thơ hạng bét của thợ thơ Hoàng Anh Tuấn. Cá nhân tôi, tôi nói thật, học dốt và yếu sức, không thể làm ông thông, ông phán, ông phu xích lô, tôi viết văn nuôi vợ con. Tôi là thợ viết. Tôi không ham đi vào văn học sử hôm nay, vì hôm nav không anh nào đáng viết văn học sử. Tôi không đợi đi vào văn học mai sau, vì mai sau tôi chết rồi. Vậy thì xin cho phép chúng tôi làm thợ viết như thợ đóng giầy, thợ hồ, thợ mộc, thợ dệt, thợ may… Hãy là người thợ chăm chỉ làm việc, nỗ lực sáng tạo, có lương tâm nghề nghiệp, có chính kiến rõ rệt hơn là nhà văn lười biếng, gặm sứ mạng như chuột nhắt gặm sắt, rúc đầu xuống cát như đà điểu hèn mọn. Người ta không muốn bạn tôi là nhà văn thì bạn tôi là thợ viết.

Thợ viết Hoàng Hải Thủy là tấm gương lớn cho những người tự học. Tiếng Pháp tự học. Tiếng Anh tự học. Tiếng Tầu tự học. Rồi dịch và phóng tác truyện Pháp, truyện Anh, truyện Tầu. Thủy đọc nhiều, nhớ kỹ. Thông minh và sâu sắc. Chỉ mắc một tội: lụy vợ (các bà sẽ hài lòng lắm). Vợ mà giận bỏ đi, Thủy buông xuôi mọi việc. Vợ mà trở về, Thủy viết lách hăng say. Cô đào xi-nê-ma Dạ Yến mê Thủy đến bỏ chồng Mỹ. Ân ái gần đêm thì bò về với vợ. Thủy đã đi lính trước 1954, đeo lon trung sĩ, từng coi tù ở Phú Quốc. Anh đã viết một truyện ngắn về tháng ngày coi tù, kể một kỷ niệm viết thư giùm anh tù binh cộng sản gửi vào đất liền cho vợ anh ta. Anh tù binh, hơn hai mươi năm sau, ở cục R về giải phóng Saigon và làm chủ nhiệm nhật báo Giải Phóng. Anh tù binh mang ơn trung sĩ Hoàng Hải Thủy. Nhờ vậy, Thủy thoát chiến dịch 2-4-1976. Anh tù binh bảo Hoàng Hải Thủy chôn chết tên Hoàng Hải Thủv đi rồi viết cho cách mạng.

– Bút hiệu của tôi gắn liền với đời sống của tôi. Hoặc tôi viết ký Hoàng Hải Thủy hoặc tôi không bao giờ viết nữa.

Đó là câu trả lời quyết liệt của Thủy trong bữa rượu tái ngộ cố nhân. Sau 30-4-1975, Hoàng Hải Thủy đến nhà tôi một lần, chờ tôi cả tiếng đồng hồ để báo tin con trai Vũ Trọng Phụng, bậc thầy phóng sự Việt Nam, đã gặp Thủy và muốn gặp tôi. Năm 1977, Thủy bị bắt về tội gửi bài ra nước ngoài. Anh nằm đề lao Gia Định, về Tổng nha Cảnh sát cũ rồi được tha, ngót hai năm tù ngục. Tôi ra tù, Thủy đến thăm ngay. Chúng tôi có nhiều ngày đi chơi với nhau. Buổi chiều, trước đêm vượt biên, tôi mời Hoàng Hải Thủy “phê” một bữa với ông Ký già tại toà soạn Văn.

– Mày nói rằng đứa nào vượt biên dấu mày, đều bị bắt. Vậỵ tao cho mày hay, đêm nay tao phú lĩnh.

– Thoát không?

– Chưa biết.

– Làm sao tao có tin mày?

– Tao đánh điện cho cô Tuấn.

Chúng tôi chia tay nhau ở bùng binh cửa rạp Khải Hoàn. Tôi đã thoát. Thoát chưa phải là đến. Ở trại tiếp cư Achères, tôi gửi cho Thủv tấm bưu thư. Thủy viết thư nhờ một ni cô chuvển cho tôi. Thủy nói, tôi đi rồi thỉ Thủy bị khủng hoảng, muốn “noi gương” tôi. Anh cảm giác bị đe dọa thường xuyên. Cảm giác ấy đã hiện thực. Hoàng Hải Thủy bị bắt lại vào tháng 4 năm 1984.

 

Duyên Anh 


Joomla Hosting and Maintenance by Cybersalt

Copyright © 2014-2024. VietVancouver, All rights reserved