“Từ nhà tù này tới nhà tù kia”: Nợ nần giam hãm ngoại kiều trong ngục tù của Việt Nam

 

Ít nhất là 16 ngoại kiều đang tiếp tục bị giam giữ dù đã ở hết án tù, vì không có tiền trả nợ.

Sau khi Ezeigwe Evaritus Chukwuebuka, một công dân Nigeria, mãn hạn án tù 12 năm vì tội lừa tiền, anh nghĩ có thể hồi hương và đoàn tụ với gia đình.

Bị kết án năm 2012, Chukwuebuka được giảm án 4 năm sau khi trải qua lao động khổ sai mà chính quyền Việt Nam gọi là “lao động cải tạo”. Nhưng thay vì lên phi cơ về nước, anh bị chuyển sang một trại tạm giam ở tỉnh Long An, cách Saigon 1 giờ lái xe.

Chukwuebuka bị giam ở đây 2 năm nữa, có lúc bị biệt giam với cùm sắt khóa chân, cai tù xịt hơi cay vào mặt.

Cuối cùng anh được trả tự do vào ngày 16/11/2022 sau khi trả 39 triệu VN$ (1,660 USD) tiền án phí , 230 triệu VN$ (9,810 USD) tiền bồi thường nạn nhân. Còn 675 triệu VN$ không có nạn nhân đòi bồi thường thì được xóa bỏ.

Chukwebuka nói với Al Jazeera: “Tôi bị xỉ nhục, nhốt trong căn phòng nhỏ xíu, tối om, hôi hám, không có cầu tiêu còn chân thì bị cùm vào thanh sắt trong 2 tuần lễ”.

Anh nói thêm: “Kỳ thị chủng tộc, chửi mắng, vô tâm là hành vi bình thường của công an”.

Dù anh đã được tự do, anh nói tình hình của những người đang còn bị giam vẫn phức tạp.

Chukwuebuka, người Nigeria, cựu tù nhân.

 Trại giam Long Hòa, nơi các ngoại kiều bị giam giữ, còn giam nhốt thiếu niên và gái điếm người Việt.

Chukwuebuka nói ít nhất 16 ngoại kiều đang bị giam giữ dài hạn tại trại tạm giam có sức chứa lên tới 100 tù nhân. Đám tù nhân ngoại kiều này bao gồm người Malaysia, Campuchia, Nam Phi, Hòa Lan, Hàn Quốc, Nigeria, Đài Loan, Phi Luật Tân, Hongkong và Bulgaria. Tất cả sẽ bị giam giữ đến khi trả xong án phí, tiền phạt cũng như bồi thường món tiền mà họ đã lường gạt nạn nhân.

Al Jazeera nói chuyện với 7 tù nhân ngoại kiều khác ở trại tạm giam. Tất cả nói họ không có hy vọng được trả tự do vì không có cách gì trả các món nợ cho nạn nhân trong lúc họ đang bị giam giữ. Một tù nhân từ Hòa Lan cho biết ông ở trại tạm giam này từ ngày khánh thành trại, năm 2017.

Phil Robertson, Phó giám đốc Human Rights Watch (Tổ chức Theo dõi Nhân quyền) của phân bộ Á châu, nói: “Thật là kinh hoàng khi Việt Nam giam giữ ngoại kiều trong nhà tù Còn Thiếu Nợ, một nơi không có hy vọng trả tự do”.

“Không có gì có thể biện hộ cho cách đối xử tàn nhẫn này, giam giữ độc đoán, vi phạm trắng trợn Điều 9, Công ước Quốc tế về Dân quyền và Chính trị quyền mà Việt Nam đã phê chuẩn”.

Cletus Chimaobi Hillary, người Nigeria 43 tuổi, năm 2014 bị tuyên án 12 năm tù vì tội lường gạt 30,000 USD. Sau đó anh được giảm án và mãn hạn tù. Thế mà lại chuyển sang trại tạm giam đã 19 tháng rồi.

Giống như Chukwuebuka, anh bị biệt giam phòng tối, chân bị cùm.

Và cũng bị cai tù xịt hơi cay vào mặt.

Hillary viết cho tôi là: “Theo tôi được thấy và được nghe chuyện ở đây, không có hy vọng được trả tự do (nếu không trả hết nợ)”.

“Tôi không thể trả món nợ khổng lồ đó nếu tôi vẫn còn bị giam ở đây. Tôi không thể liên lạc với ai, tôi không thể mượn tiền ai nếu tôi vẫn ở đây”.

 

Một bản án chung thân khác.

Một nhân viên hoạt đông cho nhân quyền người Việt, xin được ẩn danh vì vấn đề có tính nhậy cảm, nói rằng cơ cở pháp lý cho những trại tạm giam như Long Hòa không rõ ràng, vì luật pháp liên hệ đến hoạt động của chúng không minh bạch.

Nghị Định số 65/2020/ND-CP áp dụng cho ngoại kiều đã mãn án tù nhưng vẫn phải tạm giam chờ ngày bị trục xuất hoặc đã thanh toán tiền phạt và tiền bồi thường.

Điều 17.4 và 18 qui định vấn đề can phạm bồi thường theo án tòa. Nếu can phạm không có khả năng trả tiền bồi thường thì vấn đề sẽ được giải quyết theo phán quyết dân sự, cả chính quyền và nạn nhân được có ý kiến về việc can phạm trả tiền phạt và tiền bồi thường.

Nhưng theo người nhân viên nhân quyền này, trên thực tế, đây là một hố đen luật pháp, không thể thoát ra hố đen này nếu can phạm không bồi thường hoặc tòa đại sứ của can phạm không trợ giúp việc bồi thường.

Tye Soon Hin, can phạm 42 tuổi người Mã Lai, bị giam giữ 12 năm cùng với 2 đồng phạm vì dùng thẻ tín dụng giả năm 2014.

Sau đó họ được giảm án và đến năm 2020 thì mãn hạn tù, nhưng rồi bị chuyển sang trại tạm giam, vì vẫn còn nợ tổng cộng 60,000 USD.

Teh Chee Wan, có khả năng trả phần nợ của anh, nhưng anh lại bị cho biết anh chỉ được trả tự do khi cả 2 đồng phạm kia cùng trả xong phần nợ của họ.

Không ai được phép làm việc để kiếm tiền trả nợ.

Hin nói với Aljazeera: “Thật không công bằng, tôi đã trả đủ giá cho việc tôi vi phạm luật pháp, nhưng tôi tiếp tục là tù nhân”.

Hilton Gomez, người Malaysian, sau khi thi hành bản án 20 năm tù vì buôn bán ma túy, vẫn tiếp tục ở trại tạm giam đã 20 tháng nay vì không có tiền trả tiền phạt 12,700 USD mà tòa áp đặt.  “Tôi luôn luôn được nói nếu tôi chấp hành nội quy trại giam tốt, tôi sẽ được giảm án và sớm đoàn tụ gia đình. Vì thế tôi tích cực lao động. Nhưng bây giờ tôi nhận ra rằng tôi đang thụ án chung thân”.

 

 Y tế trại giam không tốt

Nhiều tù nhân than phiền với Al Jazeera về dịch vụ y tế của trại giam.

Chan King Fai, người Hongkong, 65 tuổi, đã mãn hạn tù về tội lường gạt, nhưng đã ở trại tạm giam hơn 3 năm vì chưa trả món nợ 17,000 USD.

“Tôi có cao huyết áp, tiểu đường, bệnh tim, nhưng tệ nhất là răng giả của tôi đã rụng mất 2 năm trước. Tôi xin cán bộ cho phép tôi ra ngoài chữa răng nhưng họ không cho. Hai năm nay tôi không ăn được”.

Christopher Osinanna Nwadike, người Nigerian, đã thi hành án 4 năm tội lường gạt, bị chuyển sang trại tạm giam vì vẫn đang nợ 5,700 USD. Anh cảm thấy bị bỏ rơi.

“Trước khi bị bắt, tôi mổ ruột dư. Trong lúc ở tù tôi vẫn bị đau bụng dưới và rất đau đầu gối. Tôi yêu cầu được khám bệnh nhưng họ không cho”.

“Bạn tôi đã giúp tôi trả án phí và tiền phạt. Về chuyện bồi thường cho  nạn nhân, công an không liên lạc với nạn nhân được và đã 4 năm rồi, nạn nhân không liên lạc với tòa về chuyện đòi tiền bồi thường. (Nhưng tôi vẫn bị giữ ở đây)”.

Bộ Ngoại Giao, phụ trách giao dịch với ký giả nước ngoài, không trả lời câu hỏi của Al Jazeera.

Trại giam Long Hòa ít khi được đề cập tới trong truyền thông Việt Nam. Chỉ đến năm 2019, trại giam mới được biết đến do chuyện 3 quản giáo đánh chết một tù nhân 17 tuổi nên bị đưa ra tòa.

Tòa Đại Sứ Hòa Lan xác nhận họ đang giúp đỡ một công dân mình tại trại giam Long Hòa. Còn tòa đại sứ các nước có công dân bị giam giữ không trả lời phỏng vấn của Al Jazeera.

Cách Việt Nam đối xử tù nhân bị dư luận thế giới chú ý vài năm nay, quản giáo bị quay phim dùng roi điện với tù nhân, tù nhân chính trị bị tra tấn và còng chân, còn đánh đập và lao động cưỡng bức là chuyện thường tình ở trung tâm cải huấn người nghiện ma túy.

Ngày 1 tháng 9 vừa qua, Việt Nam ân xá cho 2,434 tù nhân, trong đó có 16 ngoại kiều. Tổng cộng số tiền phạt mà các tù nhân phải trả là 67 tỷ VN$ (2.8 triệu USD) trước khi được trả tự do.

Nhưng vì không được coi là tù nhân (vì đã thi hành xong án tòa), đám ngoại kiều đang bị giam ở Trại giam Long Hòa không nằm trong diện được ân xá.

Robertson nói :”Cách đối xử ác độc mà những phạm nhân phải chịu đựng, bao gồm còng chân, bạo hành thể xác và ngôn từ, cấu thành tội tra tấn, là tội mà công pháp quốc tế không cho phép”.

Ông đề nghị chính quyền Việt Nam nên cộng tác với tòa đại sứ các nước có công dân đang bị giam giữ để hồi hương họ về đất nước của họ.

“Hà Nội có thể cộng tác với các tòa đại sứ và với chương trình Hồi Hương Tự Nguyện Được Hổ Trợ (Assisted Voluntary Return) của Tổ Chức Di Cư Quốc Tế (International Organization for Migration) để tìm ra một giải pháp nhân đạo, cụ thể là phóng thích và hồi hương phạm nhân ngoại kiều đã thi hành xong án tù. Họ bị giam giữ bất công đã quá lâu”.

 

Chris Humphrey

"Prison after prison": Debts trap foreigners in Vietnamese jails

Al Jazeera, 17/1/2023.

© bản Việt ngữ vietvancouver.ca


Joomla Hosting and Maintenance by Cybersalt

Copyright © 2014-2024. VietVancouver, All rights reserved