Trong các loài thú, khỉ là một động vật thông minh, nhanh nhẹn, tinh nghịch, lém lỉnh và có những đặc tính giống với loài người nhất. Khỉ bắt chước người rất nhanh và rất giống.

Khỉ trong đời sống dân gian.

 

Trái với các quốc gia Ȃu Mỹ, nơi mà hình ảnh loài khỉ không được nổi trội trong đời sống dân gian, thì tại châu Á, khỉ lại khá gần gũi với đời sống văn hóa của người dân, bằng chứng là khỉ được đứng trong 12 con giáp. Tại các vùng quê, chiếc cầu tre lắt lẻo bắc ngang sông rạch cũng được gọi là cầu khỉ.

Khỉ sống thành đoàn trong rừng, hay leo trèo, đu cây và ưa nhảy nhót. Có lẽ cũng do tính cách lí lắc, xí xọn này mà đôi khi chúng hay bị người đời "mắng oan". Anh nào hay cau có, gắt gỏng thì bị mắng là mặt nhăn như khỉ. Anh nào tinh ma, nghịch ngợm thì bị gọi là đồ khỉ gió. Anh nào thích pha trò, diễu cợt thì bảo là làm trò khỉ. Thậm chí những nơi hẻo lánh, thưa người cũng được gọi là chốn khỉ ho cò gáy! Cô nào số phận hẩm hiu cũng tự than thân trách phận người ta tuổi ngọ tuổi mùi, mà sao tôi lại ngậm ngùi tuổi thân! Hoặc là tuổi thân con khỉ lao chao, nhảy qua nhảy lại té ào xuống mương.Thật chẳng có một tình huống nào mà khỉ không được đem ra làm thí dụ. Ngay như trong thơ văn, đôi lúc ta cũng thấy thấp thoáng hình bóng của con khỉ, Chùa Hương của Nguyễn Nhược Pháp chẳng hạn : sau núi Oản, Gà, Xôi, bao nhiêu là khỉ ngồi, hay ca dao cũng có câu Má ơi đừng gả con xa, chim kêu vượn hú biết nhà Má đâu!

Trong lịch sử, vào thời Trịnh suy, có Đặng Kim làm đến chức Hầu, mà vẫn xin chúa Trịnh Khải nhận mình làm con nuôi, lấy tên là Trịnh An. Một hôm có kẻ vẽ trộm trên tường nhà Hầu một cây cổ thụ trơ gốc, ngả nghiêng, có con khỉ nằm ngủ dưới gốc, ghi câu thơ nôm:

Khỉ ơi tỉnh dậy đi thôi,
Đừng chờ cây đổ đi đời nhà mi.

Hầu (cũng có nghĩa là khỉ) liền tỉnh ngộ, xin từ quan, lấy lại tên cũ. Nhờ đó ông mới tránh khỏi họa lây khi nhà Trịnh đổ. 

Khỉ trong lãnh vực khoa học

Để giải thích về sự hiện hữu và nguồn gốc của loài người, ta có thể tóm tắt trong 3 thuyết dưới đây, trong đó có thuyết của Darwin liên quan đến loài khỉ:
(i) Trong Thánh kinh của Do Thái giáo, người đầu tiên trên thế gian là do Thượng Đế sinh ra.
(ii) Trong kinh Khởi Thế Nhân Bổn và kinh Tiểu Duyên thì Phật giáo giải thích thế giới là vô cùng vô tận. Con người đến từ một thế giới khác gọi là Quang Âm Thiên (chữ Quang ở đây là ánh sáng). Các chúng sanh tại cõi đó khi thác đi, đã được chuyển sinh vào thế giới mà chúng ta đang sống, cho tới ngày nay.
(iii) Thuyết Darwin (Charles-Robert Darwin 1809-1882) cho rằng loài người là do sự biến hóa của một loài Khỉ đột mà thành.
Thuyết này đã gây ra nhiều tranh cãi trong giới khoa học, đặc biệt là Phật giáo thì hoàn toàn phủ nhận. Theo đạo Phật thì khỉ chỉ là một động vật cao cấp gần giống như con người. Loài khỉ sống thanh tịnh trong sạch hơn các loài động vật khác, nhờ hành động sống tự nhiên theo nghiệp nhân quả thiện tạo thành nghiệp thiện. Khi con khỉ chết, nghiệp lực thiện chiêu cảm môi trường thiện, luân hồi tái sanh thành con người (Đường Về Xứ Phật, tập 9). May quá! Nếu không thì chúng ta đều thành con của… khỉ hết rồi! 

Khỉ trong thuyết nhà Phật

Đấy là chuyện nhân gian và khoa học. Trong lãnh vực tôn giáo, thuyết nhà Phật cũng không thiếu hình ảnh linh động và hài hước của loài khỉ. Chính Đức Phật Thích Ca, trong một tiền kiếp xa xưa, Ngài cũng đã từng là một con khỉ chúa, đem thân mình nối với sợi dây treo để làm thành chiếc cầu dây cứu cả đoàn khỉ thoát chết (kinh Jataka).
Năm xưa, khi thiền tọa dưới cội bồ đề, Đức Phật cũng được các loài khỉ, vượn dâng trái cây cúng dường.
Chính vì loài khỉ lúc nào cũng lăng xăng nhẩy nhót, nên đạo Phật mượn hình ảnh này để ví tâm của ta như con khỉ con vượn, còn ý thì sinh diệt liên tục, nhảy lăng quăng từ ý nghĩ này sang ý khác không ngừng nghỉ nên được ví như con ngựa rong ruổi ngoài đồng. Tâm viên ý mã là vậy.
Các bạn nào mới tập tành thiền định thì biết rõ điều này nhất. Chỉ cần ngồi một lúc thôi thì thấy "tâm viên" liền, miệng thì Nam Mô A Di Đà Phật, một chập thôi là "nè con, có dĩa cơm cá kho tộ Má để trong tủ lạnh, lấy ra hâm ăn nghe con, Nam M ô A Di Đà Phật…, 2 phút thôi trong micro wave nghe bây, Nam Mô A Di Đà Phật…", một chập nữa lại "í nè bây, bữa nay 649 xổ chưa vậy?" rồi chút nữa lại "tiền Mỹ bữa nay lên bao nhiêu rồi vậy bây?" cứ thế và cứ thế. Còn trí thì cũng ngựa phi đường xa không kém. Chỉ cần nghĩ tới bà Ba, ông Bẩy gì đó ở Nha Trang, thì lập tức hình ảnh cầu xóm Bóng, hòn Mun, hòn Tằm hiện ra mồn một, chưa hết lại nhảy sang vịnh Ninh Vân, Vân Phong, Đồi Hồng, rồi lại ra bờ biển xanh lơ với cát trắng chạy dài… ôi thôi chẳng khác gì ngựa phi! Nghĩa là ngồi đây mà tưởng tới đủ chuyện quá khứ vị lai, Tây Tầu Mỹ Nhật. Mong gì mà làm được như Thầy Nhất Hạnh thở vào tâm tĩnh lặng, thở ra miệng mỉm cười… mím chi cọp!

Nhân dịp đầu năm Khỉ, chúng tôi xin trích một vài hình ảnh của con khỉ trong thuyết nhà Phật để làm quà đầu xuân cho độc giả.

Tâm viên ý mã
Xưa, chú tiểu Tăng Hộ xuất gia đi tu với sư phụ cũng là cậu ruột của chú. Một hôm, chú được cúng dường 2 xấp vải, liền đem về dâng cho sư phụ, nhưng thầy không nhận vì thầy đã có đủ 3 bộ áo tu rồi.
Chú tiểu buồn lắm, một hôm đứng quạt hầu thầy mà nghĩ ngợi lung tung, mình mồ côi chỉ còn thầy là cậu, mà cậu lại không thương, mình tặng quà mà cậu không nhận. Thôi thì ta ra đời cho rồi, tu làm gì nữa. Nhưng mà sống bằng gì đây? Dòng tư tưởng của chú miên man suy tính: À, ta đem 2 xấp vải bán đi rồi mua đàn gà, gà lớn đem bán mua con bò, hàng ngày dắt bò đi ăn cỏ, mỗi năm bò sanh thêm 1 con, chừng 8 năm là ta có đàn bò cả chục con. Mình giữ lại 1 con thôi, còn thì bán đi để mua đất đai, ruộng vườn, cưới vợ trẻ xinh đẹp. Khi có con đầu lòng mình sẽ cùng vợ con về thăm thầy, cho con qui y làm Phật tử. Trên đường đi về thăm thầy, vợ chú trợt chân té, thằng bé kháu khỉnh rơi xuống đất, khóc om sòm. Chú giận vợ đoảng làm thằng con cưng bị té, tiện có cái quạt trên tay liền khỏ lên đầu vợ mấy cái cho hả giận. Bỗng dưng chú nghe một giọng nói điềm đạm :
- Con đang gõ lên đầu thầy đó, con biết không? Con không đánh lên đầu của cô vợ hư của con mà lại đánh lên cái đầu trọc của ta rồi.
Chú tiểu giật mình tỉnh giấc chiêm bao, sám hối hứa với thầy từ nay tu tập nghiêm chỉnh.

Sự tích con khỉ
Xưa có cô gái xấu xí, đi làm công cho một nhà phú hộ trưởng giả, cô làm việc quần quật nhưng bị chủ bóc lột, xử tệ, bị đánh đập chửi mắng, nên đã xấu cô lại càng gầy gò tệ hại hơn.
Hôm ấy, nhà phú hộ có giỗ, bày tiệc linh đình mời họ hàng đến nhậu nhẹt, cô gái được phát cho phần cơm cháy và phải đi gánh nước không ngừng nghỉ. Đến lúc mỏi mệt quá, cô dừng chân bên bờ giếng nghỉ, tủi thân ôm mặt khóc. Lúc ấy, có một cụ già dáng điệu mệt nhọc đi tới xin nước uống. Cô vội thả gánh xuống giếng kéo nước lên cho cụ. Uống xong, cụ lại than đói. Cô gái đem phần cơm cháy của mình nhường hết cho ông cụ ăn. Ăn xong, cụ già hỏi :
- Ban nãy, tại sao con khóc?
Cô gái cúi đầu không trả lời. Ông cụ hiền từ:
- Ta là Phật đây, thấy con có lòng tốt, nếu con muốn gì, ta sẽ cho con toại nguyện.
Cô gái mừng rỡ, kể nỗi lòng với Phật, nàng chỉ xin được bớt phần nào xấu xí. Phật thương hại, bảo nàng lội xuống bờ nước, hễ thấy bông hoa nào đẹp thì hút lấy nhụy hoa sẽ được như ý. Khi xuống nước, cô gái chỉ hút nhụy của mấy bông hoa trắng tinh khiết, đơn sơ. Lạ thay! Khi lên bờ, cô trở nên trắng trẻo như những bông hoa trắng kia, quần áo cũng trở nên tươm tất.
Khi cô gánh nước trở về nhà phú hộ, thì cả họ hàng kinh ngạc nhìn cô gái xinh đẹp. Cô kể lại chuyện gặp Phật, ai ai cũng thèm khát được gặp Phật để xin trẻ lại và đẹp ra. Họ kéo nhau ra bên bờ giếng, vui mừng khôn xiết vì ông cụ vẫn còn đó. Họ đưa xôi thịt mời ông cụ:
- Mời cụ, mời cụ xơi, rồi cụ giúp chúng tôi trở nên xinh đẹp nhé.
Đức Phật cũng bảo họ lội xuống bờ nước và dặn họ như dặn cô gái lúc nãy. Họ vui mừng khôn xiết, tranh nhau chọn những bông hoa đỏ thắm, hút nhụy không chừa bông nào. Ai ngờ, khi lên đến bờ, không những không trẻ lại, mà lại trở thành xấu xí già nua, lông lá mọc đầy người, lại mọc cái đuôi đằng sau. Những người đi gánh nước trông thấy vậy hoảng sợ, cầm đòn gánh đánh tới tấp, vừa la: "bà con ơi, quỷ kìa, đánh nó chết đi". Cả họ hàng nhà phú hộ hoảng vía, bỏ chạy vào rừng, không dám về nhà, ngày ngày kiếm hoa quả nuôi thân, hễ thấy bóng người là chúng chuyền từ cành cây nọ sang cành cây kia, lủi nhanh thoăn thoắt. Người ta gọi chúng là đàn khỉ! (Trích: Sự tích đất nước Việt - Nguyễn Đổng Chi)

Con khỉ nhân từ
Xưa có con khỉ to lớn mạnh mẽ, vừa thông minh lại từ bi, chuyên đi cứu giúp những người gặp hoạn nạn.
Một hôm ở trên cây, khỉ nghe tiếng khóc từ đáy hang đá vọng lên, có một người bị rớt xuống hang không sao lên được. Khỉ tìm lối xuống hang và nói :
-Anh đừng sợ, hãy leo lên lưng tôi để tôi cõng anh lên.
Người kia lo sợ nhưng đường cùng rồi, đành phải leo lên lưng con khỉ. Khỉ lần mò vịn cành cây khớp đá đưa được người kia ra khỏi hang. Cả hai mệt đừ, nằm lăn xuống thảm cỏ xanh dưới làn gió hiu hiu. Khi tỉnh dậy, người vừa được khỉ cứu nghĩ thầm : "Ta đang đói khát, đường về lại xa xôi quá, chi bằng lúc khỉ đang ngủ, ta giết quách nó lấy thịt ăn qua ngày". Nghĩ thế, người ấy lấy hòn đá to ném vào đầu con khỉ, máu chảy lai láng. Khỉ giật mình nhảy tót lên cây, nhìn xuống con người ác độc kia, ngao ngán nhưng không giận hờn. Giọt nước mắt khỉ ứa ra, theo từng giọt máu đỏ rơi xuống thảm cỏ xanh. Nó ngậm ngùi chuyền qua cây khác đi mất. Con khỉ nhân từ ấy chính là tiền thân của Đức Phật trong một kiếp xa xưa.

Nghĩa khí của con khỉ mặt đỏ
Ngày xưa, trong một ngọn núi thâm u rậm rạp, có một con quạ đen già xây tổ trên một khóm cây cao to, sinh hạ được vài chú quạ đen xinh xắn dễ thương. Quạ già rất mực yêu thương mấy chú quạ con.
Ngày dài tháng rộng, lão quạ đen thường đi chơi trong rừng sâu núi thẳm, và kết bạn với một con khỉ mặt đỏ. Tình bạn của họ vô cùng thân thiết. Gần khóm cây của lão có một con rắn độc cũng thường hay tới chơi. Khi nó thấy được mấy chú quạ con xinh xắn trên ngọn cây, nó không ngừng chăm chú nhìn lên, nhưng vì lão quạ đen và con khỉ mặt đỏ thường ở đấy canh chừng nên nó chưa có cơ hội lên làm thịt mấy chú quạ con ấy.
Có một hôm, lão quạ đen phải bay đi nơi khác kiếm thức ăn, con khỉ mặt đỏ cũng lên núi hái hoa quả, con rắn độc bèn chụp lấy cơ hội ngàn vàng này, bò lên tổ quạ ăn tươi nuốt sống mấy chú quạ con rồi bỏ đi.
Lão quạ đen cực khổ lắm mới tìm được thức ăn mang về, nhưng khi về đến tổ chỉ thấy lác đác vài chiếc lông tơ bên cạnh mấy ngấn máu đỏ. Lão biết ngay là con rắn độc đã ăn mất quạ con của lão rồi. Lão đau khổ vô ngần, kêu thương không ngớt, muốn báo thù cho con nhưng thừa biết mình không phải là đối thủ của con rắn độc. Vì thế nên nỗi thương đau của lão lại càng tăng thêm.
Khỉ mặt đỏ vừa về tới, thấy lão quạ đen đang khóc than bi thảm, ngạc nhiên gạn hỏi nguyên do. Lão quạ đen mới đem chuyện quạ con bị rắn độc giết ăn thịt ra kể cho khỉ mặt đỏ nghe.Khỉ mặt đỏ nổi giận quát tháo:
- Con rắn độc tâm địa tàn ác, táng tận lương tâm, chuyên gây nghiệp sát sinh, lười biếng không biết kiếm sống theo chính nghiệp, thấy ai yếu hơn mình thì nhe răng uy hiếp giết hại, thật đáng buồn cho cảnh ỷ mạnh hiếp yếu này!
Con khỉ mặt đỏ lựa lời an ủi quạ đen, rồi nói một cách cương quyết:
- Con rắn độc này quá khốn nạn, tôi sẽ báo thù thay cho bạn!
Nói xong, nó nhảy vọt đi. Đi không xa, từ trên cao nhìn xuống, nó thấy con rắn độc đang trườn đi một cách ung dung an nhàn. Nó bèn nghĩ rằng:
- Con rắn độc khốn nạn, mi tàn nhẫn giết hại con của bạn ta mà ăn thịt, hôm nay ta quyết ăn thua đủ với mi, một sống hai chết mới thôi!
Nghĩ như thế xong, nó nhảy ra trước mặt rắn độc chặn đường. Rắn độc nổi giận đùng đùng ngóc thân lên, định quấn lấy khỉ. Nhưng con khỉ mặt đỏ nhanh nhẹn như tên bắn, nhảy sang một bên rồi lại nhảy tới phía trước, dùng hết sức lực một tay túm lấy đầu rắn, một tay chụp một hòn đá cứng, rồi đập xuống nghiền nát đầu đối thủ. Rắn bị bể đầu chết tươi.
Khỉ mặt đỏ cầm xác con rắn quăng xuống vực sâu rồi vui vẻ thơ thới quay về. Lão quạ thấy kẻ tử thù đã đền xong nợ máu, cũng thấy có chút phần an ủi.
Nghe được câu chuyện này, đức Phật nói rằng:
- Con khỉ này chính là một vị Bồ Tát hóa thân, nó vì chính nghĩa mà trừ khử con rắn độc, không cho phép rắn tiếp tục giết hại những sinh mệnh bé nhỏ yếu ớt khác. Nó đã tự hy sinh, chẳng thà tự mình chịu lấy nghiệp sát sanh và bị đọa lạc mà sinh mệnh của chúng sinh được bảo toàn.
Giới luật của Tiểu thừa tuyệt đối cấm sát sinh, nhưng theo tinh thần Đại thừa, không thể chấp chặt vào các pháp một cách cứng nhắc, thà tự mình đọa địa ngục mà giúp cho chúng sinh thoát khổ thì vẫn là chuyện nên làm.
Cao cả thay tinh thần Bồ Tát! (Trích: Truyện cổ Phật Giáo- Diệu Hạnh Giao Trinh dịch).

 Con khỉ và cá sấu

Xưa, có con khỉ sống trên cây cao gần bờ sông, làm bạn thân với con cá sấu. Một hôm Mẹ cá sấu bị bệnh nặng, bà nói với cá sấu con :
- Nay mẹ bệnh sắp chết rồi, may ra có được tim khỉ ăn thì mới khỏi được. Vậy con hãy lấy trái tim của khỉ về cho ta ăn.
Cá sấu đáp :
- Không được đâu mẹ. Khỉ là bạn của con. Vả lại khỉ ở trên cây, chúng ta ở dưới nước làm sao lấy tim khỉ được.
Cá sấu mẹ buồn rầu :
- Nếu thế, thì mẹ chỉ đành chờ chết thôi.
Khỉ con thương mẹ nghĩ mãi được một kế. Nó ra bờ sông gọi :
- Này anh khỉ ơi! Bên hòn đảo kia có nhiều trái cây chín thơm ngon lắm. Ta cùng qua đó ăn đi.
- Nhưng bạn ơi, tôi nào biết bơi đâu. Làm sao qua đó được?
Cá sấu dụ :
- Bạn chỉ cần ngồi trên lưng tôi, tôi đưa sang.
- Ôi, thế thì còn gì thú vị hơn. Anh cá sấu, anh thật tốt bụng.
Rồi khỉ bám chặt trên lưng sấu. Sấu lặn xuống nước, rồi lại nổi lên :
- Thế nào, anh có thích không?
Khỉ bị sặc nước, ho sằng sặc :
- Anh sấu, sao lại dìm tôi xuống nước?
Sấu to đầu nhưng lại ngu, trả lời :
- Tôi muốn giết anh, lấy tim làm thuốc chữa bệnh cho mẹ tôi.
Khỉ than :
- Trời! Sao anh không nói trước để tôi mang tim theo đưa cho anh?
Con sấu ngu kia liền hỏi :
- Anh không đem tim đi? Thế anh để nó ở đâu?
- Tôi để trên cây. Nếu anh muốn thì phải bơi về cây lấy. Nhưng ta đến gần đảo rồi, hãy đến đó ăn trái cây thơm ngon rồi về cũng chưa muộn.
Cá sấu nóng lòng cứu mẹ nên bơi thẳng về chỗ ở của khỉ. Khi đến gần bờ, không chần chờ, khỉ nhảy tót lên bờ rồi leo tít lên cây:
- Này anh sấu, tim tôi ở trên cây, anh trèo lên mà lấy đi anh sấu ơi!
Cá sấu ở dưới nước biết bị lừa, hậm hực nhìn lên cây rồi lủi thủi bơi đi. (HT Thích Minh Châu kể).

Quả báo của ác khẩu
Xưa, có một Phú ông giàu có nhưng lớn tuổi rồi mà không có con nối dõi. Phú ông đi cầu tự khắp nơi, một hôm có người mách bảo, Phú ông đến tìm Phật cầu xin. Phật bảo:
- Không lâu sau, ông sẽ sinh con trai, thông minh tư chất hơn người, nhưng lớn lên thì con trai ông sẽ xuất gia.
Trên đường trở về Tịnh xá, Đức Phật và tăng đoàn dừng lại nghỉ bên một giòng sông, thì từ trên cây có chú khỉ đu mình xuống mượn bình bát của Đức Phật rồi phóng vụt đi, một lúc sau đem về một bình bát đựng đầy mật ong. Để tăng phước báu cho chú khỉ, Phật đã phân phát mật ong cho cả chúng tăng cùng thọ hưởng. Ít lâu sau, chú khỉ qua đời, nhờ tạo nghiệp thiện, khỉ được đầu thai làm người, và sanh vào gia đình của Phú ông. Khi đứa bé chào đời, vật dụng trong nhà tràn đầy đường và mật, nên Phú ông đặt tên con là Mật Thắng. Khi lớn lên, Mật Thắng thấy ngao ngán cảnh đời ô trọc nên xin phép cha mẹ lên Tịnh Xá Kỳ Viên xuất gia đầu Phật, chẳng bao lâu đã chứng đạo quả.
Có lần tăng đoàn ra ngoài thành hoằng hóa, trên đường đi vừa mệt vừa khát, ai cũng muốn có chút nước uống. Mật Thắng dùng bình bát ném lên không trung, sau đó đưa tay hứng lấy, thì bình bát đã đầy mật ngọt, liền chia sẽ cho chúng tăng cùng hưởng. Về đến Tịnh Xá, có một tì kheo bạch Phật:
- Bạch Thế tôn, kiếp trước Mật Thắng tu gì mà nay dễ dàng cầu được mật ngọt như thế?
Phật ôn tồn giảng giải lại chuyện chú khỉ dâng mật ngọt cho Phật cách đây khá lâu, do phước báu đó, mà được hóa kiếp làm người nên ngày nay dù bất cứ ở đâu Mật Thắng cũng có thể cầu xin được mật ngọt. Tì kheo lại thưa:
- Bạch Thế tôn, thế thì trước đó Mật Thắng gây nhân gì mà bị đày làm kiếp khỉ?
Lúc đó có nhiều đệ tử ngồi quanh nghe lời Phật dạy. Ngài nhìn tăng chúng rồi giảng:
- Năm trăm kiếp về trước, có vị tì kheo trẻ nhìn thấy một vị tì kheo lớn tuổi khác băng qua suối, đã cười chê nói vị tì kheo già trông giống khỉ. Do tội ác khẩu đó nên đã bị đọa làm khỉ. Nhưng nhờ biết hối lỗi và biết tạo thiện nghiệp, tạo nhiều phước báu nên đã có cơ duyên gặp Phật, được hóa độ, và đã đầu thai trở lại làm người, nay xuất gia và chứng quả nhanh chóng, chính là Mật Thắng bây giờ.
Cho thấy một câu nói ác cũng có thể mang lại khổ báo nơi địa ngục, đọa làm kiếp súc sanh, quả báo từ đời này qua kiếp khác, mà quả báo thì không chừa ai cả.

Khỉ trong Trung bộ kinh
Trong bài thứ 48 của Trung bộ kinh, kể lại bối cảnh các vị tì kheo bất hòa với nhau không sao hòa giải được, nên Phật bỏ vào rừng Parivayaka tu một mình. Nơi đó có môt con voi chúa, một con khỉ cũng vì bất bình với đồng loại nên đã tìm đến khu rừng vắng ở.
Voi chúa thấy Phật ở một mình nên động lòng thương tình nguyện phục vụ Phật từ ngày này sang ngày khác không chán. Voi tìm chỗ trũng tích nước cho Phật dùng. Khi Phật đi khất thực, voi tiếp y bát và tiễn Phật ra tận bìa rừng. Khi Phật về, voi cất y bát vào chỗ và dùng vòi rửa chân cho Phật.
Con khỉ chúa thấy voi làm vậy thì cũng phát tâm cúng dường mật ngọt cho Phật. Khỉ còn tìm chuối và trái cây cúng dường cho Phật. Được Đức Phật tiếp nhận thức ăn cúng dường, khỉ vui sướng nhảy múa, chuyền từ cành cây này sang cành cây khác, không may, nó nắm phải một cành cây mục, té xuống đất chết và sanh làm chư thiên.

Chuyện Đại Vương và chú khỉ
Ngày xưa, có một vị Ðại Vương bị cướp mất ngôi nên cùng Hoàng Hậu lẫn tránh vào rừng. Một hôm, lúc đi hái quả trở về, Ðại Vương không thấy Hoàng hậu đâu cả. Ngài lang thang tìm kiếm khắp nơi. Ðến một khu rừng kia, Ngài gặp một con khỉ vẻ mặt buồn bã, đi đầu một đàn khỉ rất đông. Vua hỏi sao buồn thế, nó liền kể lể: "Tôi là khỉ Chúa rừng này, mới bị cậu tôi đến cướp mất nước nên tôi phải ra đi. Vậy xin Ngài mở lòng từ bi giúp tôi lấy lại nước, thì tôi xin đội ơn Ngài lắm".
Vua tuy trong lòng buồn bã, nhưng thấy việc đáng làm, nên nhận lời ngay. Khỉ cậu nghe tin có người đến đánh, kéo cả bầy ra chống cự. Ðại Vương thấy vậy liền trèo lên một hòn đá cao nói với Khỉ cậu rằng: "Mầy phải trả lại nước này cho cháu mày, nếu không nghe lời sẽ bị giết ngay". Khỉ cậu thấy Ðại Vương nắm một cái cung thần, sợ hãi lắm liền ríu ríu kéo cả bầy đi nới khác.
Khỉ Chúa lấy lại nước, mừng rỡ lắm. Nhưng nhìn vẻ mặt không vui của Vua, nó liền hỏi nguyên nhân vì sao, Vua kể lại chuyện mất vợ cho Khỉ Chúa nghe. Khỉ Chúa bèn hội cả bầy khỉ lại, cùng Ðại Vương đi tìm Hoàng Hậu. Ðến một nơi kia, cả đoàn gặp một con khỉ lạc. Hỏi nó thì nó có gặp một con Ðộc long cõng một người đàn bà vào một cái hang gần đấy. Ðại Vương cùng cả đoàn Khỉ đến hang tìm, con Ðộc long nằm trong hang thấy có người đến cứu Hoàng Hậu, nổi giận hóa một trận mưa gió rất to, rồi phóng một luồng ánh sáng, làm cho cả bầy khỉ sợ hãi vô cùng. Khỉ liền tâu với Vua lấy cung thần bắn. Luồng ánh sáng bị trúng tên thần biến mất và con Ðộc long cũng chết. Bầy khỉ chen vào hang, cứu Hoàng Hậu ra. Cả đoàn rất đổi mừng, cùng nhau trở về rừng cũ (Trích : Lược sử Phật Tổ).
Chớ khinh điều ác nhỏ mà làm. Chớ khinh điều lành nhỏ mà không làm. Phải biết giọt nước nhỏ lâu ngày cũng làm đầy bình. Kẻ ngu phu sở dĩ đầy tội ác. Kẻ trí sở dĩ toàn thiện cũng bởi chứa tồn từng khi ít mà nên. 

Ba con khỉ tại đền thờ Nikko Toshogu ở Nhật
Triết lý Tam Không du nhập vào Nhật bản, đã là nguồn gốc sự ra đời của hình tượng điêu khắc 3 con khỉ : một con dùng tay che mắt, một con dùng tay che tai, một con dùng tay bịt miệng, có nghĩa là không nhìn, không nghe và không nói điều xấu ác. Phiền não phát sanh do ta nghe nhiều, thấy nhiều và nói nhiều quá. Phải tập bớt nghe, bớt nhìn, bớt nói thì sẽ thấy an lạc.
- Bịt tai là không nghe những lời thị phi, làm bận lòng mình, hoặc là gây phiền hà cho người khác.
- Bịt mắt để không nhìn đời bằng con mắt thiển cận hay có thành kiến. Khi có thành kiến rồi thì ta không thể nhìn được sự thật, dễ đưa đến nhận xét, đánh giá sai sự việc.
- Bịt miệng để không nói những điều có thể gây phiền toái cho mình và cho kẻ khác. Người ta nói rằng "người ít nói không phải là người nói ít mà là người không nói những điều vô ích". Nói nhiều dễ tạo khẩu nghiệp. Người khôn nói ít nghe nhiều, lựa lời đối đáp lựa lời hỏi han…
Ba con khỉ này là hình ảnh tượng trưng cho người giả câm, giả điếc, giả đui. Biết nhiều chuyện sẽ gây phiền não.

Con khỉ Tôn Ngộ Không
Nói chuyện về khỉ mà không nhắc đến một huyền thoại về chú khỉ Tôn Ngộ Không thì quả là một điều thiếu sót. Đây là con khỉ được phong làm Tề Thiên Đại Thánh trong truyện Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân của Trung Hoa khoảng thế kỷ thứ 16, khỉ có 72 phép thần thông, đã trở thành hình ảnh gần gũi được yêu mến trong đời sống văn hóa qua nhiều thế hệ, được phỏng theo truyện dân gian từ đời nhà Đường.
Truyện Tây Du Ký dựa trên ý từ chuyện ngài Tam Tạng Đường Huyền Trang đi trên 10 ngàn dặm trên Con Đường Tơ Lụa sang Tây Trúc (Ân Độ) thỉnh kinh Phật, mất 17 năm vừa đi vừa về vừa ở lại học đạo và học tiếng Phạn. Về đến Trường An với 657 bộ Kinh, và nhiều bảo vật khác, ngài đã bỏ ra 19 năm để dịch kinh từ tiếng Phạn sang chữ Hán, cũng như đã viết bộ "Đại Đường Tây Vực Ký" kể lại chuyến đi của ngài, trong đó ghi lại đầy đủ lịch sử, địa lý, phong tục tập quán của 128 nước lớn nhỏ mà ngài đã đi qua hoặc ở lại. Chính nhờ bộ sách này mà ngày nay các nhà khảo cổ đã lần dò được nhiều thánh tích của Phật giáo. Thầy mất vào năm 69 tuổi, và được an táng tại Bạch Lộc Nguyên gần Trường An (Trích : Vương Hồng Sển).

Tây Du Ký, một trong tứ đại danh tác văn học cổ điển Trung Hoa, đã dựa trên câu truyện thật của Thầy Trần Huyền Trang thỉnh kinh để tạo ra những nhân vật hư cấu huyền thoại như Trư Bát Giới là con heo mập mạp tham ăn háo sắc, Sa Tăng vốn là Quyển liêm tướng quân, Tôn Ngộ Không lanh lợi, khôn ngoan, biến hóa khôn lường. Cả ba cùng hộ tống Đường Tam Tạng sang Tây Trúc thỉnh kinh, vượt qua muôn ngàn khó khăn khổ cực. Trên thực tế thì Đường Tăng Tam Tạng chỉ một mình một ngựa đi Tây Trúc mà thôi, chứ không có 3 vị đệ tử này như trong truyện.
Dù hư cấu, nhưng hình ảnh chú khỉ Tề Thiên Tôn Ngộ Không đã đi sâu vào dân gian qua truyện, qua phim ảnh, với sự lém lỉnh, khôn ngoan của chú, nhất là lòng trung thành với Thầy Tam Tạng, luôn bảo vệ thầy của mình trong mọi hoàn cảnh hiểm nghèo trên đường đi thỉnh kinh. Truyện kể mỗi khi Tề Thiên không ở cạnh thầy thì yêu quái xuất hiện uy hiếp Đường Tăng. Một chi tiết thú vị của Ngộ Không, khá gần gũi với triết lý "buông xả" của nhà Phật. Có lần chú làm lỗi bị Đường Tăng mắng và đuổi đi, chú buồn lắm, trở về Hoa Quả Sơn, là quê hương của chú. Họ hàng nhà khỉ ra đón mừng sự trở về của Hầu Vương, nên chú lại tìm ngay được niềm vui bên bầy con cháu nhà khỉ. Cho thấy buồn vui xét cho cùng cũng chỉ là vô thường, nếu buông xả được thì sẽ tìm thấy an lạc. Mỗi ngày con học chữ buông. Buông thương, buông ghét, buông buồn, buông vui. Khi được hầu hạ thầy, Tề Thiên rất vui, nhưng khi không được hầu thầy nữa, về Hoa Quả Sơn chú cũng vui vẻ, chả sao cả. Một sự buông xả rất nhẹ nhàng.
Biết buông gánh nặng xuống, chính là lạc ở đời vậy (lời Phật dạy).

 Kết luận

Đầu năm, chuyện Khỉ đến đây cũng đủ… khỉ lắm rồi. Hy vọng vài câu chuyện góp nhặt dông dài cũng giúp quí độc giả mua vui cũng được một vài trống canh.
Chúng tôi cũng nhân dịp đầu năm mới, kính chúc quí độc giả một năm mới an khang nhiều sức khỏe, các bạn trẻ thì học hành tấn tới làm rạng danh cộng đồng Việt chúng ta, và nhất là bớt… khỉ khọt!

 Hải Phong


Joomla Hosting and Maintenance by Cybersalt

Copyright © 2014-2024. VietVancouver, All rights reserved