Ừ thì tớ cũng đi Tây

 

Phải mất 37 năm ra nước ngoài sinh sống rồi vợ chồng tôi mới có dịp đi Pháp. Ừ, thôi thì trễ còn hơn không.

Đọc đâu đó trên internet có người nói “Đi Paris là giấc mơ của cả đời người”.  Gớm, nghe khiếp quá. Cả cái thế giới bao la này mà chỉ có mơ đi có một chỗ là Paris thôi ư? Có cường điệu không? Không phải là Las Vegas? Không phải là Vạn Lý Trường Thành? Không phải là Kim Tự Tháp Ai Cập?

Đi Paris rồi thì thấy lời tuyên bố nói trên cũng không phải là quá cường điệu. Quả thật, loài người đã tạo ra nhiều công trình xây dựng vĩ đại trên trái đất này, và Paris là một trong những công trình ấy.

Vì chịu ảnh hưởng đô hộ của Pháp suốt 100 năm, từ thế kỷ 18 đến năm 1954, người dân Vietnam luôn coi Paris, thủ đô của mẫu quốc, là một nơi đáng ngưỡng mộ, văn minh, giàu đẹp, cái nôi văn hóa. Đi du học nghĩa là đi Paris. Bằng cấp Pháp là tiêu chuẩn giáo dục cao. Thơ văn về Paris của Cung Trầm Tưởng, Nguyên Sa là những dấu ấn văn học. Nhưng rồi từ 1955, người Mỹ sang miền Nam Vietnam, nhiều người Việt bắt đầu đi Mỹ du học và sau đó đi chơi Pháp thì hào quang nước Pháp và Paris bắt đầu bớt chói lọi. Dân Vietnam nhận ra cựu mẫu quốc Pháp không phải là số một của thế giới. Mỹ mới là số một. Bằng cấp Mỹ mới là số một. Chất lượng đời sống Mỹ cao hơn Pháp nhiều. “Ăn cơm Tàu, ở nhà Tây” đã sai rồi. Cơm Tàu đầy dầu mỡ, không ăn rau sống, ăn chết sớm còn nhà Mỹ tiện nghi, rộng rãi hơn nhà Tây. Thế nhưng cái hào quang của Paris không sụt giảm nhiều, vì nếu không thì làm sao Paris vẫn thu hút nhiều du khách nhất trên thế giới?

Đã quá nhiều người viết về Paris, tôi không muốn đánh bùn sang ao nữa. Xin chỉ vắn tắt nói những điểm ấn tượng của tôi về Paris.

 

  • Đi chơi Paris lại làm tôi mãnh liệt nhớ lại Saigon thời Việt Nam Cộng Hòa.

Cảm giác của tôi khi nhìn thấy đường phố Paris lần đầu tiên trong đời là một vỡ òa của ký ức về đường Nguyễn Huệ , đường Lê Lợi, đường Hàm Nghi của quận 1, Saigon trước ngày thay đổi chế độ. Những tòa building bằng gạch và bê tông chỉ cao chừng 5-7 tầng chạy dọc theo đại lộ rộng rãi với hàng cây hai bên đường. Những kiến trúc mang dáng vẻ quen thuộc của Nhà Thờ Đức Bà, Tòa Đô Chánh, Nhà Quốc Hội, Bưu Điện Saigon, Ngân Hàng Quốc Gia v.v. Một nơi ở Âu châu cách xa Vietnam nửa vòng trái đất mà lại cho tôi một cảm giác thân thương lạ lùng.

Nếu bạn trên 15 tuổi và sống tại Saigon trước ngày 30/4/1975 và chưa đi Paris bao giờ, thì bạn có thể hình dung ra Paris là một nơi có hàng trăm con đường Nguyễn Huệ và Lê Lợi và Hàm Nghi, có hàng trăm cái Nhà Thờ Đức Bà, Tòa Đô Chánh, Nhà Quốc Hội, Bưu Điện Saigon, Ngân Hàng Quốc Gia v.v. Vì đơn giản là khi Pháp đô hộ miền Nam, họ đã đem cái mô hình kiến trúc của Paris để xây dựng thành phố Saigon, với kích thước nhỏ hơn.

Cảm giác này của tôi cũng chính là quan điểm của ông Nguyễn Ngọc Triều, nhà đạo diễn loạt video có hàng chục triệu lượt xem trên YouTubePARIS Thắng Cảnh, Kiến Trúc, Lịch Sử -- Đôi Giầy Cũ.

Tuy nhiên, có một cái Nhưng rất lớn ở đây. Cung điện Versailles là một công trình xây dựng vĩ đại và tráng lệ mà chỉ Paris mới có, Saigon hay bất cứ nơi đâu trên trái đất này cũng không thể có cái tương đương.

 

Cung điện Versailles

 

  • Văn hóa ăn uống vỉa hè hết sức mạnh mẽ

Hầu như tất cả vỉa hè của Paris đều có bàn ghế của quán café và nhà hàng để khách ngồi ăn uống. Điều này lại càng làm cho người Việt có cảm giác thân quen.

NHƯNG, phải viết chữ Nhưng rất lớn ở đây. Cái cảm giác thân quen này cũng là áp dụng cho Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Tự Do và Hàm Nghi thời Việt Nam Cộng Hòa mà thôi. Bởi vì thời đó, chưa có tệ nạn xe hai bánh chiếm dụng vỉa hè làm hết chỗ đi bộ như dưới thời CHXHCNVN. Nghĩa là bàn ghế chỉ chiếm nửa trong của vỉa hè, nửa ngoài giáp đường xe chạy thì dành cho người đi bộ. Người đi bộ vẫn đi được tất cả vỉa hè của Paris, không như Saigon-Hà Nội, nơi triệu triệu xe máy hai bánh khiến cho chất lượng đời sống của Việt Nam sẽ mãi mãi thuộc loại thấp trên thế giới, cho dù có xây thêm bao nhiêu cầu vượt, resort và khách sạn sang trọng. Chính quyền Việt Nam không học bài học quý giá mà Trung Quốc đã để lại cho các nước nghèo trên thế giới: từ xe đạp tiến thẳng lên xe buýt, xe điện ngầm, tàu điện cao tốc mà không qua giai đoạn mì ăn liền là xe máy 2 bánh. Chính quyền và nhân dân Vietnam chưa ý thức hoàn toàn tác hại nghiêm trọng của triệu triệu xe máy 2 bánh lên sức khỏe con người: ô nhiễm không khí, ô nhiễm tiếng ồn, tắc ách giao thông, tai nạn xe cộ và không có chỗ đi bộ dẫn đến các bệnh căng thẳng thần kinh, hô hấp, tim mạch, béo phì, gout... Con quái vật triệu triệu xe  máy 2 bánh đã được sinh ra và không thể nào giết nó được. Một lối sống phản y khoa đã hình thành mấy chục năm qua: rời khỏi nhà là leo lên xe máy 2 bánh.

Paris đâu cần phải ngăn xe lại để làm Phố đi bộ như Saigon? Vì vỉa hè lề đường nào chả là phố đi bộ.

Cái văn hóa ăn uống vỉa hè này khiến cho Paris có một sức sống hết sức mãnh liệt, nhất là về ban đêm. Khiến cho các bạn trẻ ở Vietnam ngày nay thích đi chơi Paris là vậy, vì các bạn thấy thân quen như Saigon, Hà Nội.

 

 

  • Lại thêm điểm thân quen: Văn hóa nhà chung vách

Dân của Saigon,  Hà Nội là dân sống chung vách tường với làng xóm. Bởi vì trong các đô thị lớn này, hoặc là sống ở chung cư, hoặc là sống ở nhà riêng mặt phố hay trong hẻm, thì cũng là phải chung vách tường với nhà làng xóm, chứ mấy ai có biệt thự mà vách tường riêng biệt?

Đến khi đổi đời, người Việt qua Mỹ, Canada, Úc…thì sống trong những căn nhà biệt lập, đất rộng vườn to, nhưng rõ ràng là một lối nhà ở ngoại lai, mất đi cái lối sống truyền thống ở thành phố Việt Nam.

Chỉ có người Việt tại Paris là vẫn còn duy trì lối sống nhà chung vách với làng xóm, vì hầu hết Paris là apartment, số nhà biệt lập nếu có thì rất ít, hầu như không thể thấy.

 

 

  • Mạng lưới xe điện ngầm (Metro) là một mê hồn trận.

Tôi sống ở Toronto 10 năm, đã quen thuộc với xe điện ngầm. Sang Vancouver sống thêm gần 30 năm nữa, cũng dùng hệ thống xe điện trên đường ray cao (Skytrain). Nhưng sang đến Paris đi xe Metro của Paris thì tá hỏa tam tinh. Bởi vì so sánh thì hệ thống Metro của Paris quá ư chằng chịt, quá ư phức tạp, như một mạng nhện dày đặc. Một cái trạm có nhiều cửa ra để nối dẫn đi qua những tuyến khác, chứ không phải là chỉ để lên xuống mặt đường như ở Vancouver.

Mạng lưới Metro của Paris có 16 tuyến đường, chiều dài tổng cộng là 214km và số trạm tổng cộng là 330. So sánh với mạng lưới Skytrain của Vancouver chỉ có 3 tuyến đường, chiều dài tổng cộng 79km với tổng số trạm là 53 thì chuyện tôi bị tối tăm mặt mũi với Paris Metro là đúng rồi. Anh bạn tôi và anh họ tôi, những cư dân lâu năm ở Paris, khi muốn dùng Metro để đi đến một nơi nào đó, cũng phải dùng Google Maps để biết được khởi sự đi trạm nào của tuyến nào, đến trạm nào thì phải đổi qua tuyến nào, vì tùy theo địa điểm, chuyến đi sẽ phải đổi nhiều tuyến, nhiều trạm.

Tôi đến Paris đầu tháng 4, chưa phải là mùa cao điểm du lịch của Paris, thế mà khi xuống Metro, số dân 11 triệu người của Paris làm cho tôi có cảm tưởng là Paris là một tổ kiến người vĩ đại, 11 triệu con kiến người này bò lúc nhúc trong cái mạng lưới đường ống hầm đào chằng chịt dưới lòng đất. Cảm giác này làm tôi ngộp thở. Bỗng dưng mà tôi yêu thiết tha cái hệ thống Skytrain của Vancouver, nơi mà tàu chạy qua hầu hết các trạm thì vẫn thấy trời xanh lơ, mây trắng, núi xanh lá cây ở ngoài cửa kính. Quả thật đi xa để cảm nhận cái hay, cái đẹp của xứ người mà cũng đồng thời nhận ra cái hay, cái quí của nơi mình sống.

Hệ thống Metro của Paris cũng giống như hệ thống train của Sydney (Úc) có điểm bất toàn là người tàn tật ngồi xe lăn không thể dùng được, vì 2 lý do: Thứ nhất là có một khoảng cách giữa sàn xe và sàn thềm trạm (không liền khít)  và không ngang bằng nhau (cái cao cái thấp) khiến bánh xe lăn không lăn qua được, Thứ hai là thiếu thang máy để xe lăn di chuyển từ mặt đường tới thềm đứng chờ tàu. Trong khi hệ thống Skytrain của Vancouver hoàn toàn thích nghi với người ngồi xe lăn.

Nhưng cổng của hệ thống Metro Paris rất kiên cố, không có vé không thể đi qua, không như cái cổng Skytrain của Vancouver, chỉ có tính chất trang trí, chỉ cần đẩy mạnh là đi qua. Đúng là chính quyền Vancouver quá thật thà, quá tin người nên để cho dân bựa lợi dụng.

 

Mạng nhện Metro Paris

 

 Một trạm có thể có nhiều cửa ra, dẫn đến nhiều tuyến khác.

 

Cửa trục xoay kiên cố của Metro Paris

 

Cái vé Metro 5 zones 5 ngày bé tí tì ti này mà bạn làm mất tức là bạn mất 65.80 Euro

 

  • Thành kiến lâu đời: Paris đầy cứt chó?

Không đâu các bạn. Chuyện này xưa rồi Diễm. 5 ngày trời lang thang của tôi ở Paris mới thấy được một bãi cứt chó. Tỷ lệ này không cao hơn ở Vancouver của Canada.

 

  • Thành kiến lâu đời: Paris khó tìm chỗ đi tiểu?

Đúng là ở Paris, bạn không thể vào bất kỳ quán café hay nhà hàng nào để đi tiểu miễn phí như ở Mỹ, Canada và Úc. Thế nhưng, nếu bạn không đi tiểu mỗi giờ một lần thì tôi thấy vấn đề này không có gì là phải phàn nàn. Nếu bạn đã đi bộ suốt 2 tiếng đồng hồ thì không phải là bạn đã mỏi chân, cần tìm một chỗ ngồi nghỉ, nhắp một chút café, thì trả 1.5 euro hay 2 euro vừa uống nước vừa đi tiểu có sao đâu? Nếu gọi tiền này là chi phí đi tiểu thì chi phí này so với tổng số chi phí bạn tiêu xài cho di chuyển, ăn uống, vào xem nơi này nơi kia chiếm tỷ lệ nhỏ thôi.

Chính quyền Paris có lắp đặt một số cầu tiêu công cộng tại những địa điểm đông du khách, tuy nhiên số lượng chưa đủ đáp ứng nhu cầu và một số cũng bị hư hỏng không kịp sửa chữa.

 

Xếp hàng trước cầu tiêu công cộng và bên trong cầu tiêu công cộng.

 

Còn nếu bạn đi trên đại lộ Champs Élysées thì bạn sẽ gặp một số cửa hàng fast food của Mỹ như McDonald’s , Burger King, Starbucks, KFC, Subway hay Five Guys … nơi bạn có thể đi tiểu miễn phí.

 

  • A, Paris cũng có chợ truyền thống như Vietnam.

Một thích thú ngạc nhiên khác là Paris cũng có chợ truyền thống kiểu Việt Nam. Chợ truyền thống nghĩa là chợ bán thực phẩm trên những sạp lộ thiên, thí dụ chợ Bàn Cờ, chợ Trương Minh Giảng v.v.

Không giống như Farmers’ Market của Canada, Mỹ hay Úc, là những chợ lộ thiên mùa hè, chủ yếu là bán rau củ, trái cây; Marché của Paris là khu chợ được dựng lên ở những đại lộ có vỉa hè rất rộng, hoặc cuối tuần hoặc vài ngày trong tuần, quanh năm, nhưng bán tất cả thực phẩm mà bạn thấy trong siêu thị, nghĩa là cả thịt cá và thức ăn đã nấu chín. Đây là một kinh nghiệm bạn không nên bỏ qua.

 

Cửa hàng bún bò của ông Việt lai Tây tại Marché. Ông viết thành Bò Bún.

 

  • Đại lộ Champs Élysées ấn tượng thật

Bạn hình dung ra đường Nguyễn Huệ của Saigon nhé. Nhưng vỉa hè đi bộ hai bên đường lại rộng gấp đôi phần đường cho xe chạy. Đó là Champs Élysées.

 

 

  •  Gái Tây : oh la la, mignonne

Nhờ chế độ ăn uống thanh cảnh hơn và đi bộ nhiều, lên xuống cầu thang của Metro cho nên phần lớn các cô gái Tây có thân hình mảnh dẻ, thon gọn. Tỷ lệ đàn bà mập phì ít hơn tại Bắc Mỹ và Úc.

 

Nếu bạn tò mò muốn biết "Ga Lyon đèn vàng, tuyết rơi buồn mênh mang" của thi sĩ Cung Trầm Tưởng như thế nào thì dùng tuyến xe điện đường dài RER A, hoặc tuyến Metro 1, hoặc tuyến Metro 14 đi tới trạm Gare de Lyon, lên mặt đất đi bộ 10 phút là đến Gare de Lyon (ga xe lửa chạy trên mặt đất) nơi thi sĩ tiễn người yêu đầm Tây về quê.

 

Có một buổi sáng trời mưa mù, đỉnh tháp Eiffel bị cắt cụt, làm tôi lại nhớ câu thơ của Cung Trầm Tưởng: "...trời mùa đông Paris, suốt đời làm chia ly..."

 

Giá thức ăn Việt tại nhà hàng Việt Nam ở Paris đắt hơn giá thức ăn Việt tại nhà hàng Việt ở Mỹ và Canada. Còn thức ăn Tây thì vẫn có những chỗ ăn rẻ, nếu bạn biết tìm. Nhờ một cô đầm Tây chính cống Parisienne, cô dẫn chúng tôi đi ăn nhà hàng Bouillon Chartier, có mặt tại Paris từ năm 1896. Đặc điểm của nhà hàng này là anh hầu bàn da đen viết những món bạn chọn vào ngay khăn trải bàn và lúc tính tiền thì tính nhẩm trong đầu, rồi viết tổng số trên khăn trải bàn, không cần dùng máy tính, không cần lại chỗ cashier để in hóa đơn thanh toán. Thấy anh ghi xuống tổng số tiền bữa ăn tối cho 4 người luôn rượu bia là 53.90 Euro, tôi mừng quá móc thẻ tín dụng trả ngay, vì sợ anh .. tính lại lần nữa với giá cao hơn. Cần nói thêm là tiền tip (pour boire) tại Pháp không có tính bắt buộc xã hội như ở Mỹ và Canada.

 

 

 5 ngày thì không phải thời gian dài, nhưng cũng đủ để chúng tôi đi chụp ảnh 10 địa điểm quan trọng nhất của Paris. Nhưng cần mở ngoặc mà nói là thăm đây là đứng ở ngoài để chụp ảnh chứ không đi vào trong, bởi vì xếp hàng mua vé vào cửa và đi vào trong để xem các dinh thự, viện bảo tàng sẽ tốn rất nhiều thì giờ và tiền bạc. Mà thực tình thì chúng tôi cũng không hào hứng với việc nhìn ngắm bên trong, chỉ thích chụp ảnh bên ngoài. Nơi duy nhất chúng tôi vào bên trong là trung tâm thương mại Lafayette.

Đi chơi Paris kỳ này cũng là dịp để tôi đánh giá cái vốn Pháp ngữ của mình sau 52 năm không dùng. Vâng, đúng thế. Tôi học Pháp văn là sinh ngữ 2 ở Trung học được 3 năm, từ 1967 đến 1970. Sau khi tốt nghiệp Tú Tài 2 là thôi, không còn học nghĩa là không còn nói. Ấy thế mà tôi phát hiện ra thanh gươm Pháp ngữ không mài suốt 52 năm của tôi vẫn chém đứt những gì cần thiết, dù có khi phải ... chém vài nhát mới đứt.

 Nói tóm lại, chúng tôi xác nhận: nếu bạn sống tại Mỹ, Canada, Úc thì nơi bạn cần đi du lịch ngoài nước phải là Paris. Đó là một nền văn hóa khác biệt, với kiến trúc hoàn toàn khác biệt với nơi bạn đang sống, nhưng đồng thời làm bạn thiết tha nhớ lại khu trung tâm Saigon thời Việt Nam Cộng Hòa.

Thậm chí nút bấm thang máy cũng khác

 

Hoàng Hải Hồ

Vancouver 7/2022

 

Xin xem thêm hình ảnh Paris bằng video YouTube dưới đây:

Video Paris


Joomla Hosting and Maintenance by Cybersalt

Copyright © 2014-2024. VietVancouver, All rights reserved

  • Số Lượt Truy Cập 1759277